Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/08/2018

Doanh nghiệp rùm beng tặng sách khủng, cũng chỉ là mánh của lái buôn (bài Cu Nỡm)

Bài này đã được Cu Nỡm đưa lên trang của mình khá lâu trước, từ hồi còn khá bí ẩn vì chưa thấy người tặng sách xuất hiện trở lại (còn riêng b-sách và chương trình b-sách thì đã khởi động từ lâu, ví dụ ở đây).

Bắt đầu từ kinh nghiệm hồi Cu Nỡm còn du học bên Đức, rồi nhìn thêm ra xung quanh, lại ngẫm về tình hình Đại Việt bây giờ, để thấy trò rùm beng này nọ rút cục chỉ là thủ thuật của Lã Bất Vi mà thôi.

Hôm nay, chép nguyên từ bên Cu Nỡm về.

Quan điểm riêng của từng người. Để rộng đường dư luận.




---




Thursday, July 19, 2018

Doanh nghiệp tặng sách để làm gì?


Kiến thức hay soi cầu lô đề?

Nhân có việc một anh chủ doanh nghiệp dùng chương trình tặng sách để quảng bá thương hiệu, khẩu hiệu thì hoành tráng lắm, nào là “Lập Chí Vĩ Đại”, “Khởi Nghiệp Kiến Quốc”, nghe cứ tưởng như đọc hết mớ sách ấy thì xứ Nam ta sẽ hóa Rồng hóa Hổ liền, một người bạn mới hỏi tôi rằng: Cớ sao tụi nó hay làm màu vậy bác?

Ba cái chương trình tặng sách đó thế giới người ta làm đầy quanh năm suốt tháng, mà có thấy ai hóa Rồng hóa Hổ chi đâu. Cái ngày tôi còn ở xứ Hitler, cuối tuần nào cũng có lũ lượt các hội đoàn đến tặng các loại Kinh Thánh để dụ vào đạo, cũng may là xứ ấy người ta cấm tiệt cuốn Mein Kampf (sách của Hitler) không thì chắc giờ tôi cũng thành tín đồ Nazis đòi thanh tẩy lũ An Nam mọi rợ để làm trong sạch nòi giống Aryan thượng đẳng không biết chừng.

Nếu bạn google thì sẽ thấy hàng mớ các cái chương trình tặng sách kiểu như bạn tặng bất kỳ ai đó một cuốn sách thì sẽ nhận được 20 cuốn sách từ những người khác tặng lại.

Nói chung ba cái vụ tặng sách ruồi bu vậy thường chả có tác dụng chi hết, có chăng là thêm mớ giấy lộn rác nhà vì giờ giấy vệ sinh được bán rất rẻ mà lại mềm mại hơn.

Có người sẽ cãi rằng: Ấy tôi đọc cuốn “Khuyến học” thấy hay lắm, cuốn ấy đầy cảm hứng quốc gia dân tộc, khuyên ta thoát Á, gây dựng sự độc lập tự cường, học sách ấy theo ắt xứ ta sẽ giống Nhật Bản. Cái mà người ta thấy hay thấy đúng đâu có nghĩa là nó đúng nhỉ?

Lại có người nói: Sách cũng có chút kiến thức, cho người ta đọc sách biết đâu người ta thoát nghèo, đổi đời thì cũng tốt. Cái biết đâu ấy liệu có xác suất cao bằng trúng đề hay trúng Vietlott? Nếu không bằng thì phát cho người ta 10 ngàn đi chơi Vietlott cho nhanh.

Thực ra ba cái trò này đều dùng cái mẹo của đám soi cầu lô đề để lừa người cả. Mẹo ấy ra sao? Nếu xác suất trúng đề là 1/100 thì mấy gã thầy bà chỉ cần dụ được 100 tín đồ, mỗi ngày ban cho mỗi đứa một số khác nhau thế là ngày nào cũng có đứa cảm ơn gã vì trúng đề. Nếu gã cao tay dụ được 10.000 đứa tin theo thì mỗi ngày sẽ có 100 đứa ca tụng, đốt vàng mã cho gã vì được ăn đậm. Lúc ấy, lúc ấy người ta đều sẽ mê muội, nói gì cũng không tin nữa, bằng chứng người thực việc thực ra đó, mỗi ngày có cả trăm đứa đổi đời nhờ lộc thánh, liệu ai không tin cho được? Đứa nào dại miệng nói tau theo hầu thánh mãi chưa ăn phát nào thì sẽ được nghe trả lời là mày chưa đủ đức tin. Đứa nào xấu miệng nói rằng ăn đề hay không chả liên quan gì đến thánh sẽ gom đủ gạch xây biệt thự to hơn cả trung tâm thương mại Vincom.

Mà kỳ thực người ta thấy hay, thấy có kết quả đâu có liên quan gì đến việc soi cầu, thế nhưng kẻ chơi lô đề tất phải soi cầu, để có hy vọng mà chơi.

Mấy anh doanh nghiệp vốn thạo cái trò quảng cáo kiểu này nên thường gom mấy cuốn sách nổi tiếng nhưng vô thưởng vô phạt, đọc xong hiểu thế nào cũng được, lại của mấy tác giả ngoại quốc để đỡ bị soi mói rồi đem tặng linh tinh, phát không càng nhiều sách thì càng dễ có mấy câu ca tụng kiểu hôm nay nhờ đọc sách của anh mà em ăn Vietlott.

Tại sao lại vậy?

Sở dĩ có chuyện đó là vì kinh tế thị trường một mặt tạo ra sự giàu có, nhưng sự giàu có đó chống lại con người, nó chỉ phục vụ cho tư bản, bỏ mặc đa số con người sống trong thất bại, nghèo đói, tuyệt vọng. Vì vậy con người cần có một thứ gì đó để nuôi hy vọng, để có thể tiếp tục tồn tại. Rất nhiều sách viết cho mục đích đó, nó được gọi là truyền cảm hứng, đọc nó xong thì người ta thấy mình thay đổi, thấy có động lực làm việc này việc kia. Song cái mà người ta không hiểu được là sự thay đổi của người ta có hay không cũng chả liên quan gì đến ba cái cuốn sách ấy. Một thứ không thể tự nhiên xuất hiện nếu nó không tồn tại sẵn ở đâu đó. Cái khát vọng thay đổi nó vốn đã ẩn náu trong bản thân người ta, chỉ chờ cơ hội thích hợp là bùng lên. Cuốn sách truyền cảm hứng kia vốn cũng như trò soi cầu lô đề, nó trở nên có giá trị vì gặp được người muốn thay đổi và có thể thay đổi vào đúng thời điểm đọc nó, chính người đó khiến nó có giá trị chứ không phải ngược lại.

Hàng sa số những người đọc cuốn sách đó mà không thay đổi gì sẽ bị lãng quên.

Hàng sa số những người không cần đọc cuốn sách đó mà có sự thay đổi sẽ chẳng bao giờ được biết đến.

Nếu cuốn sách đó thực sự có tác dụng thần kỳ như người ta quảng cáo thì sau vài ngày không ai cần phải đọc nó nữa. Mọi người đọc nó và trở nên giàu có cả rồi. Sự tồn tại của nó chứng minh rằng nó chẳng có tác dụng gì hết.

Nó đơn giản là một liều thuốc phiện để người ta tiếp tục mơ màng với đời và an ủi cho những thất bại của đời mình.

Kết luận là gì?

Thông thường mấy cuộc tranh luận triền miên lặp đi lặp lại về các cuốn sách truyền cảm hứng hay tạo động lực là vô nghĩa, như chính bản thân chúng. Người ta sẽ luôn mang kinh nghiệm ra chứng minh nó đúng, mặc dù kinh nghiệm không phải là bằng chứng.

Mánh lái buôn của Lã Bất Vi

Lã Bất Vi là lái buôn rất giàu, nhưng ông ta còn giàu hơn nhiều khi buôn vua.

Quay lại với anh chàng chủ doanh nghiệp, việc đầu tiên cần nhớ rằng anh ta kinh doanh và phải kiếm lợi. Bất kể mục tiêu hoành tráng đến đâu thì cuối cùng nó phải được hiện thực hóa bằng tiền, nếu không anh ta sẽ phá sản và đi ăn mày, bất chấp mớ sách vĩ đại, có giá trị như vàng của anh ta, mặc dù bán giấy cân thì cũng sẽ có đồng nát gom. Việc tặng sách chỉ là quảng cáo, mục đích chính của anh ta là kinh doanh cái khác.

Vậy việc tặng sách sẽ hỗ trợ việc kinh doanh của anh ta ra sao? Đó mới là câu hỏi đúng.

Thứ nhất, khi anh ta tặng một số lượng sách rất lớn thì các nhà xuất bản và giới trí thức, vốn làm công việc môi giới kiến thức, sẽ rất vui mừng, vì điều đó tạo công ăn việc làm cho họ. Tức là họ sẽ ủng hộ anh ta hết mình.

Thứ hai, những cuốn sách anh ta tặng đều là là sách phương Tây, con đẻ tinh thần của chủ nghĩa tư bản, bàn chuyện làm ăn kiếm lợi. Tức là anh ta sẽ được lòng giới trí thức thân phương Tây.

Thứ ba, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vốn bị phân mảnh bởi sự phân mảnh của hệ thống chính trị, tạo ra vô số những rào cản về chính sách, thủ tục giữa các chính quyền địa phương, giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương. Do vậy, một doanh nghiệp muốn làm ăn lớn thì phải có khả năng đàm phán về chính sách với cả chính quyền trung ương lẫn địa phương. Giới trí thức thân phương Tây đang dần dần trở nên có thế lực trong việc tham mưu chính sách cả ở chính quyền trung ương lẫn địa phương, khi nhận được sự ủng hộ của họ thì doanh nghiệp sẽ có khả năng đàm phán chính sách. Lối làm ăn này thể hiện sự phân mảnh của hệ thống chính trị, nó có thể tạo ra những doanh nghiệp cực lớn ở ngay những nơi nghèo khó lạc hậu nhất, vì nó có khả năng tập trung nguồn giá trị thặng dư mà không một nền kinh tế tư bản nào sánh được.

Nhiều năm quy ẩn trong rừng cuối cùng cũng khiến anh chủ doanh nghiệp ngộ ra chân lý thời đại.

Thế nên anh ấy có mang siêu xe với người mẫu để đi tặng sách cho mấy cháu dân tộc miền núi cởi truồng, một chữ bẻ đôi đọc còn chưa nổi thì bạn cũng đừng vội chê cười. Anh ta vốn hiểu rõ việc mình làm, ấy là tạo dựng mối quan hệ với trí thức địa phương.

Mạng lưới trí thức rộng lớn ủng hộ anh ta từ những vùng quê đói nghèo đến những thành thị xa hoa, đấy là cái anh ta muốn và cần để kiếm tiền.

Thế nên anh ta tuyên bố sẽ phung phí hàng tỷ đồng tiền Mỹ để tặng sách thì các bạn cũng đừng nghĩ đó là tiền cho người nghèo để đổi đời, kỳ thực anh ta mua sự ủng hộ của giới trí thức trong công cuộc làm giàu của bản thân.

Chân lý của thời đại tư bản chỉ có vậy. Thời đại tư bản chỉ biết đến một thứ minh triết duy nhất, đó là minh triết của đồng tiền. Hoặc là bạn hiểu nó hoặc là bạn bị nó nghiền nát.

https://cunom.blogspot.com/2018/07/doanh-nghiep-tang-sach-e-lam-gi.html#comment-form

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.