Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/07/2018

Lại chuyện đạo văn : những người được xem là truyền nhân kế tục

Một phát hiện mới, bởi Hoàng Tuấn Công, vừa được đưa lên Fb của anh. Đại ý là: ông Nguyễn Đức Tồn (đang quan sát từ tháng 5/2018, ở đây) đã có được những truyền nhân sáng giá.

Bài đầu tiên là của Hoàng Tuấn Công. Các bổ sung thì để ở dưới đó, theo thứ tự ngược khi cập nhật.

Hoàng Tuấn Công đang theo sát vụ đạo văn của thầy trò ông Nguyễn Đức Tồn. Hãy chờ thêm những phát hiện mới nữa. Nhưng cần hết sức cẩn trọng, nhất là trong khâu thẩm định tư liệu, và hi vọng là anh không tự trở thành cái loa cho một phía nào đó trong việc các phe cánh tranh giành quyền lực.

Từ đây trở xuống là tư liệu.

Ghi ngày 28/7/2018
Giao Blog




Đọc toàn văn ở đây










---




TƯ LIỆU



"
Trong khi vụ đạo văn thế kỷ mang tên GS.TS. Nguyễn Đức Tồn chưa có hồi kết, thì cũng tại Viện ngôn ngữ học, người ta lại phát hiện thêm một nghi án đạo văn khác mang tên TS. Vũ Thị Sao Chi.
TS. Vũ Thị Sao Chi là nhân vật được chính ông Nguyễn Đức Tồn nâng đỡ, đào tạo làm người kế vị, hiện là Phó tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Ngôn ngữ-Viện ngôn ngữ học Việt Nam. Những phát hiện mới đây cho thấy, bà có thể còn là “truyền nhân” của ông Tồn trong lĩnh vực đạo văn.

Cụ thể, Tạp chí Ngôn ngữ (10/2012) đăng bài “Vấn đề sử dụng câu trong văn bản hành chính tiếng Việt” của đồng tác giả TS. Vũ Thị Sao Chi-Ths. Phạm Thị Ninh. 

Bài viết này vốn của Ths. Phạm Thị Ninh (hiện tác giả vẫn giữ bản thảo viết tay). Tuy nhiên, với tư cách là Phó tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, sau khi biên tập bài này, TS. Vũ Thị Sao Chi tự cho mình cái quyền kí tên đồng tác giả, đứng tên trước Ths. Phạm Thị Ninh. 

Vấn đề không dừng lại ở đó. 

Khi làm sách “Tiếng Việt hành chính” (TS. Vũ Thị Sao Chi-NXB Khoa học xã hội-2016), thì bài viết “Vấn đề sử dụng câu trong văn bản hành chính tiếng Việt” của “đồng tác giả” kia, đã được TS. Vũ Thị Sao Chi biến thành 54 trang (Chương 6 cuốn sách) với chú thích “Chương này được hoàn thành với sự cộng tác của nghiên cứu sinh Phạm Thị Ninh, khóa học 2010-2014, Khoa ngôn ngữ, Học viện KHXH trong việc thu thập dữ liệu”.

Có lẽ TS. Vũ Thị Sao Chi tự nhận thấy cuốn sách của mình có “vết đen”, nên trong hai lần xin xét phong PGS, hồ sơ của bà đều không có tên cuốn sách dính nghi án đạo văn này.

Có thể thấy, thủ thuật của TS. Vũ Thị Sao Chi rất giống với kiểu đạo văn ưa thích của ông Nguyễn Đức Tồn trước đó:

1-Sao chép hơn trăm trang luận án (của học trò Nguyễn Thị Thuý Khanh), luận văn (của cháu gái vợ Cao Thị Thu), để đưa vào sách của mình, rồi chú thích là “có sử dụng dữ liệu”.

2-Lấy trọn bài viết của cộng tác viên Tạp chí Ngôn ngữ Nguyễn Thị Thanh Hà (mà ông Tồn là Chủ tịch Hội đồng biên tập), đưa vào sách của ông, rồi chú thích “Bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà”.

3-Lấy trọn một bài viết mà Nguyễn Đức Tồn vốn chỉ là đồng tác giả (với Huỳnh Thanh Trà), để đưa vào sách của ông thành một chương, gạt hoàn toàn Huỳnh Thanh Trà ra ngoài.

Như vậy, trong khi dư luận đang mong chờ Thủ tướng và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có biện pháp xử lý thích đáng vụ đạo văn thế kỷ mang tên Nguyễn Đức Tồn, thì “cục cưng” của ông có thể sẽ chính thức trở thành người kế vị ở Tạp chí Ngôn ngữ. Và “truyền nhân” trong lĩnh vực đạo văn này sẽ cùng với nguyên Tổng biên tập, đương kim Chủ tịch Hội đồng biên tập GS.TS Nguyễn Đức Tồn tiếp tục là cặp đôi hoàn hảo, kẻ tung người hứng, kéo dài thêm “thời kỳ đen tối” của Viện ngôn ngữ học nói chung, và Tạp chí Ngôn ngữ học nói riêng.
P/S: Bạn đọc có thể xem toàn bộ phần so sánh 54 trang trong nghi án đạo văn mang tên TS. Vũ Thị Sao Chi theo đường link dưới đây:







"
https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/2201670580063649

"
Nguyễn Hồng Cổn Không chỉ có 1 bài này đâu, VTSC đồng tác giả với hàng chục NCS có bài đăng ở Tạp chí NN về đủ các loại đề tài!
管理する



Pham Thuy Vinh Sao viện Ngôn ngữ lại hiền quá hóa hèn đến nỗi không ai dám phản bác hiện tượng này ngay từ khi nó mới xuất hiện nhỉ?
管理する



Nguyễn Hồng Cổn Pham Thuy Vinh Đạo văn, ăn cắp 100% sờ sờ ra đấy còn chả có ai lên tiếng huống hồ là đứng tên chung.
管理する



Pham Thuy Vinh Nguyễn Hồng Cổn ayzà, công nhận trí thức hèn thiệt, đa phần cho là không chạm tới mình thì kệ mịa chúng, số khác thích im lặng tọa hưởng chả cần chính kiến chính kèo chi cả. Phải từ cơ sở lên tiếng ngay từ đầu thì sẽ...もっと見る
管理する



Nguyễn Hồng Cổn Kg phải thế đâu, tại từ vụ ông Tồn giải quyết kg đâu vào đâu, người ta chán chả ai muốn nói nữa.
"




---

BỔ SUNG


3.

Thứ bảy, 02/02/2019 - 00:00

TS Vũ Thị Sao Chi vi phạm liêm chính học thuật một cách có hệ thống
PNTĐ-TS Sao Chi đã thản nhiên cưỡng đoạt công sức trí tuệ của nhiều người, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của Tạp chí Ngôn ngữ.
  
Với quyền điều hành hoạt động của Tạp chí trong tay, TS Sao Chi thản nhiên cưỡng đoạt công sức trí tuệ của nhiều người, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của Tạp chí Ngôn ngữ.
Sau khi bài báo "Báo động tình trạng liêm chính học thuật theo kiểu "không hướng dẫn, vẫn... có quyền đứng tên chung" được đăng tải, Báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía quý độc giả, bạn đọc đã cung cấp thêm cho PV nhiều bằng chứng về vi phạm của TS Vũ Thị Sao Chi – Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học, thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN). Điều đó thôi thúc chúng tôi tiếp tục điều tra sâu về vấn đề liêm chính học thuật này.
Một nhà ngữ học siêu phàm?
Trong một số báo PNTĐ trước đây, chúng tôi đã bày tỏ nghi ngờ về hàng loạt các bài báo khoa học đăng trên tạp chí Ngôn ngữ mà TS Vũ Thị Sao Chi đứng tên viết chung với một tác giả khác. Làm sao không đặt dấu hỏi sao được khi mà các bài viết này thuộc đủ các thể loại của ngôn ngữ học: từ phong cách học, ngôn ngữ hành chính, ẩn dụ, tu từ học, đến ngữ dụng học, địa danh học… Có lẽ không một nhà ngôn ngữ học hàng đầu thế giới nào lại dám liều lĩnh "bao sân" nhiều lĩnh vực nghiên cứu đến vậy!Hay bà Chi là một nhà ngữ học siêu phàm? Nếu quả đúng vậy thì vì sao bà Chi lại phải liên danh với hàng loạt các tác giả khác?
Uẩn khúc của câu hỏi này thực ra đã được hé lộ một phần từ các số báo trước đây mà PNTĐ đã đăng tải.Theo đó, bà Chi ngang nhiên sử dụng các công trình của đồng nghiệp, của thầy hướng dẫn, và của các học viên không do bà hướng dẫn. Khi những tác giả này đăng bài trên tạp chí Ngôn ngữ, nơi bà Chi đang điều hành hoạt động với chức danh Phó Tổng biên tập phụ trách, bằng một cách nào đó, bà Chi đột nhiên trở thành... đồng tác giả.
Vi phạm liêm chính học thuật có hệ thống
Chúng tôi chưa có dịp để điều tra hàng tá các bài viết theo dạng "đồng tác giả" của TS Vũ Thị Sao Chi. Tuy nhiên, chỉ mới nhặt ra vài ba tác phẩm kiểu như vậy thì những uẩn khúc đã hoàn toàn sáng rõ.
Sau bài "viết chung" tai tiếng dài 2 kì với học viên cao học Phạm Thị Thu Thùy đăng trên tạp chí Ngôn ngữ năm 2013, đến tháng 1 năm 2015, bà Chi lại tiếp tục "liên danh" với NCS Nguyễn Thị Thanh Huệ "lấn sân" sang lĩnh vực... ngữ dụng học với bài viết "Về khái niệm hành vi ngôn ngữ nịnh trong tiếng Việt" công bố trên tạp chí Ngôn ngữ (số 1/2015).

Điều đáng nói là vào thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Thanh Huệ là NCS của Học viện Khoa học Xã hội do PGS.TS Phạm Hùng Việt hướng dẫn luận án với đề tài "Hành vi nịnh trong tiếng Việt". Như vậy, bà Chi hoàn toàn không có liên quan gì đến luận án của NCS Huệ.Tháng 11 năm 2014, bà Huệ đưa luận án của mình ra bảo vệ ở cấp cơ sở và nhận được đánh giá tích cực từ các thành viên trong Hội đồng thẩm định. Tác giả của luận án đã cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng mình.

Chỉ khoảng 2 tháng sau ngày NCS Huệ bảo vệ luận án cấp cơ sở, bài viết "Về khái niệm hành vi ngôn ngữ nịnh trong tiếng Việt" được công bố trên tạp chí Ngôn ngữ như là một điều kiện bắt buộc trước khi luận án được đưa ra bảo vệ chính thức.Thế mà, bỗng dưng, cái tên "Vũ Thị Sao Chi" đột ngột "từ trên trời rơi xuống" ngang nhiên xen vào thành "đồng tác giả" của bài viết. Trớ trêu và chua xót hơn, tên của bà Chi lại còn trồi lên trước cả tên của NCS Huệ trong bài viết này.
Vậy, TS Vũ Thị Sao Chi có đóng góp gì cho bài viết kể trên? Nếu so sánh văn bản luận án mà NCS Huệ đã bảo vệ ở cấp cơ sở vào tháng 11 năm 2014 và bài viết trên tạp chí Ngôn ngữ nêu trên, chúng tôi khẳng định bà Vũ Thị Sao Chi hoàn toàn không có một đóng góp gì trong bài viết chung với bà Huệ. Nói cách khác, toàn bộ các luận điểm khoa học, lí lẽ, dẫn chứng mà NCS Huệ đã trình bày trong luận án cấp cơ sở của mình đều được sử dụng trong bài viết nêu trên.(xin quý vị độc giả xem đường link phần đối chiếu tư liệu ở cuối bài viết).
Điểm khác biệt giữa luận án của bà Huệ và bài viết trên tạp chí chỉ là những câu chữ thuộc về biên tập và phong cách hành văn. Chẳng hạn, bà Huệ, trong luận án viết "ví dụ" thì trong bài viết được (hay là bị?) chuyển thành... "thí dụ" (?!), "hành vi" thành "hành vi ngôn ngữ" v.v...
Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định (và bạn đọc có thể kiểm chứng ở đường link cuối bài này) toàn bộ các luận điểm nghiên cứu và tư liệu cũng như phần phân tích tư liệu trong bài viết "liên danh" kia hoàn toàn trùng khớp với luận án của bà Huệ.
Cần kiên quyết xử lí vấn nạn "tham nhũng học thuật"
Rõ ràng, chỉ cần nhặt ra một vài công trình viết chung, có thể thấy rõ bà Vũ Thị Sao Chi đã vi phạm nghiêm trọng liêm chính học thuật một cách có hệ thống. Bà Chi ngang nhiên cưỡng đoạt thành quả nghiên cứu của nhiều người bằng cách tự tiện xen vào trở thành "đồng tác giả".
Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn đặt ra là vì sao bà Chi lại có thể thực hiện được trót lọt được các vụ việc vị phạm liêm chính học thuật theo kiểu này? Vì sao các tác giả thực sự của chúng không lên tiếng? Phải chăng, bà Chi tự cấp cho mình cái quyền được chèn tên mình vào bài viết của một số nghiên cứu sinh gửi bài cho tạp chí dù cho bà chẳng phải đổ bất cứ một giọt mồ hôi công sức nào nghiên cứu? Cần phải nói rõ bà Chi, với tư cách là Phó TBT Tạp chí Ngôn ngữ, là người nắm trong tay quyết định có duyệt đăng những bài viết kiểu nàyhay không, trong khi nhiều NCS lại cần có bài viết trên tạp chí chuyên ngành để đủ điều kiện bảo vệ luận án chính thức.
Chính cái quyền hành tối thượng này đã khiến cho nhiều bài viết đùng một cái bị thay đổi tác giả.Chỉ với vài ba thao tác biên tập câu chữ, bà Chi "biên tập" luôn cả... tên tác giả bài viết, ngang nhiên cướp đoạt mồ hôi, công sức, trí tuệ của người khác. Đó là một biểu hiện rõ rệt của việc vi phạm liêm chính học thuật .Đối với trường hợp của TS Chi, nó có thể còn ở mức độ cao hơn: đó là vấn nạn tham nhũng trong học thuật.Với quyền điều hành hoạt động của Tạp chí trong tay, TS Sao Chi thản nhiên cưỡng đoạt công sức trí tuệ của nhiều người, vi phạm liêm chính học thuật một cách có hệ thống, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của Tạp chí Ngôn ngữ.
Xin hỏi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Ngôn ngữ học còn im lặng đến bao giờ? Thiển nghĩ việc vi phạm liêm chính học thuật của TS Vũ Thị Sao Chi đã rất nghiêm trọng, không thể để kéo dài, cần sớm được xử lý nghiêm, trả lại môi trường trong sạch cho Tạp chí Ngôn ngữ!
Sau đây là đường link để bạn đọc kiểm tra và thấy được sự vi phạm liêm chính học thuật của bà Sao Chi. link
Nguyễn Minh Anh

http://baophunuthudo.vn/article/29318/176/van-nan-tham-nhung-trong-hoc-thuat-can-duoc-xu-ly-nghiem?fbclid=IwAR1b4_s3-cbDGFFvZ-cVgw4bxTB-66ugEjSk-2rwOOVgfEXmM6pevL2biIA



2.

Thứ sáu, 25/01/2019 - 00:00

Phát hiện mới: Tiến sĩ Vũ Sao Chi - Phó Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ - lại đạo văn
Trong năm 2018, có lẽ một trong những từ khoá “hot” trên mạng chính là “đạo văn” khi hàng loạt các vụ đạo văn lớn nhỏ đã bị công luận và báo chí phanh phui. Nổi cộm  nhất là vụ việc “đạo văn thế kỷ” của GS.TS Nguyễn Đức Tồn ở Viện Ngôn ngữ học, mặc dù đã có hàng trăm bài báo từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau đưa tin, phân tích, đánh giá, lại có cả sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nhưng sự việc cho đến nay vẫn bị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhùng nhằng chưa thể đi đến hồi kết.
Nhức nhối vấn đề liêm chính học thuật
Rõ ràng, hơn lúc nào hết, vấn đề liêm chính học thuật cần phải được nhìn nhận một cách công minh, nghiêm túc nhằm tạo ra một môi trường học thuật lành mạnh, phát triển và hội nhập.
Thực chất, liêm chính học thuật được hiểu rất rộng. Đó là sự trung thực, ngay thẳng, trong sáng và trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập ở các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học. Các biểu hiện của việc vi phạm liêm chính học thuật bao gồm đạo văn, gian lận và bịa đặt trong nghiên cứu khoa học.Việc bảo đảm tính liêm chính là yêu cầu sống còn với sự tồn tại, phát triển của cộng đồng học thuật.
Đối với các cơ sở đào tạo, liêm chính học thuật gắn liền với mối quan hệ giữa giáo viên hướng dẫn và học viên. Cần phải nói rõ là trên toàn thế giới, bất luận một lí do gì đi chăng nữa thì luận án, luận văn hay khoá luận tốt nghiệp là sản phẩm thuộc về học viên, chứ hoàn toàn không thuộc về người hướng dẫn. 
Người hướng dẫn chỉ có trách nhiệm chỉ ra các đường hướng về mặt khoa học để học viên thực hiện, còn việc triển khai cụ thể các vấn đề nghiên cứu là hoàn toàn thuộc về học viên. Chính bởi thế, trong bất cứ một cuốn luận án hay luận văn này thì phần đầu tiên cũng phải là lời cam đoan của tác giả rằng “công trình nghiên cứu này là của riêng tôi”.
Từ đó, không có cớ gì để biện minh cho luận điểm gọi là “Tôi hướng dẫn thì tôi có quyền” như ông GS Nguyễn Đức Tồn vẫn thường lấy làm bình phong cho những vụ việc vi phạm liêm chính học thuật của bản than ông này (vụ việc này đã được phản ánh trong 17 kỳ của báo Phụ nữ Thủ đô và nhiều báo khác).
Tôi không hướng dẫn, tôi… vẫn có quyền!
Điều kì lạ là trong vụ việc của ông GS Tồn, một số trường hợp mặc dù ông không hề là người hướng dẫn nhưng vẫn sử dụng các công trình luận văn, luận án, bài viết của người khác, ngang nhiên biến nó thành của mình, như trường hợp với luận văn của Cao Thị Thu, bài viết của Nguyễn Thị Thanh Hà.
Cũng với một cái lí “Tôi không hướng dẫn, tôi… vẫn có quyền” như “bậc thầy đạo văn” Nguyễn Đức Tồn thì đã đẻ ra cô “học trò cưng” Vũ Thị Sao Chi - Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học - thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã vi phạm liêm chính học thuật. Lần giở lại cuốn luận văn Cao học có nhan đề “Ẩn dụ tri nhận trong thơ Chế Lan Viên” của học viên Phạm Thị Thu Thuỳ tại trường Đại học Hải Phòng, PV báo PNTĐ nhận thấy một số biểu hiện bất thường. Theo đăng kí với trường Đại học Hải Phòng thì người hướng dẫn khoa học cho luận văn này là GS.TS Nguyễn Đức Tồn (xin xem bìa 2 của luận văn). Luận văn được hoàn thành và bảo vệ thành công vào tháng 6 năm 2013.Cấu trúc của luận văn gồm ba chương, trong đó chương 1 là cơ sở lý luận còn chương 2 và 3 là nội dung chính của luận văn. Chương 2 của luận văn này có tên “Ẩn dụ cấu trúc trong thơ Chế Lan Viên”.


Chỉ khoảng một tháng sau khi luận văn này được bảo vệ, trên tạp chí “Ngôn ngữ” bỗng xuất hiện một bài viết dài đến 2 kì (số 7 và số 8/ 2013) mang tên “Hai ý niệm tương phản – nền tảng cho ẩn dụ tri nhận trong thơ Chế Lan Viên (qua các tập Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa).Nội dung của bài viết dài hai kì này thực chất chính là chương 1 và chương 2 của luận văn nêu trên của Ths Phạm Thị Thu Thuỳ. Cụ thể, kì 1 của bài viết được đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 7 năm 2013 từ trang 35 đến trang 48 chính nội dung được rút ra từ Chương 1 (Cơ sở lý luận) và toàn bộ phần 2.1 Chương 2 của luận văn. Trong khi đó, kì 2 của bài viết này đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 8 năm 2013 từ trang 33 đến trang 42 chính là toàn bộ nội dung phần 2.2 của chương 2 luận văn (quý độc giả xin xem đường dẫn đối chiếu giữa bài báo và luận văn).
Điều kỳ lạ là Ths Thuỳ không còn là tác giả duy nhất của nó nữa. Bỗng dưng, bài viết trở thành “tác phẩm” chung của TS. Vũ Thị Sao Chi và Ths Phạm Thị Thu Thuỳ. Thậm chí, tên của TS Chi, Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, còn được đặt lên trước Ths Thuỳ. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là vì sao TS Chi lại ngang nhiên đứng tên chung trong bài viết rút ra từ luận văn cao học đã bảo vệ thành công của một học viên mà bà không hề tham gia hướng dẫn. Theo hồ sơ của Đại học Hải Phòng thì luận văn của học viên Phạm Thị Thu Thuỳ lại do…GS.TS Nguyễn Đức Tồn hướng dẫn (!?).Điều này dẫn tới một câu hỏi thứ hai, liệu GS Tồn có cho phép TS Chi cùng chung hướng dẫn học viên Thuỳ? Hay TS Chi tự ý cấp cho mình cái quyền “xài chung” sản phẩm khoa học của Ths Thuỳ?
Cũng liên quan đến câu hỏi thứ 2 này là một câu hỏi khác rằng liệu TS Chi, trong vai trò Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, có tác động gì đến Ths Thuỳ và những tác giả khác nhằm hô biến sản phẩm khoa học của người khác thành sản phẩm “viết chung” và công bố trên tạp chí Ngôn ngữ, nơi bà đang giữ cương vị lãnh đạo? Phải chăng đây là một biểu hiện của lợi dụng chức quyền hay “tham nhũng khoa học”?
Câu trả lời cho các câu hỏi trên về TS Chi sẽ dành cho công luận và những người trong cuộc. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng liêm chính trong học thuật dứt khoát không có chỗ cho đạo văn, nhập nhằng, đánh bùn sang ao! Cái gì của Caesar, hãy trả đúng về cho Caesar!
Sau đây là đường link dẫn đến bằng chứng cho thấy toàn bộ bài viết đăng 2 kỳ trên Tạp chí Ngôn ngữ mà TS Sao Chi đừng tên đồng tác giả không hề có gì mới mà toàn bộ nội dung chỉ là bê nguyên các luận điểm và ngữ liệu nghiên cứu trong luận văn của ThS Thùy:



Nguyễn Minh Anh

http://baophunuthudo.vn/article/29304/176/bao-dong-tinh-trang-liem-chinh-hoc-thuat-theo-kieu-khong-huong-dan-van-co-quyen-dung-ten-chung?fbclid=IwAR3cfh3aJlSBL6VYzfLiEy1CTuK0Yq4r1KMb3UxQvubPGmx3LyjIDwfIfMY



1.

Ngày 11/9/2018, Fb HTC
"
Sau bài "Khi “thầy” đạo văn lại đẻ ra “trò” đạo văn…" http://baophunuthudo.vn/…/khi-thay-dao-van-lai-de-ra-tro-da…
đây là bài thứ 2, báo Phụ Nữ Thủ Đô nêu đích danh TS. Vũ Thị Sao Chi-Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Ngôn ngữ đã bảo vệ luận án tiến sĩ bằng cách ăn cắp thành quả nghiên cứu của đồng môn một cách tinh vi (tinh vi mà trắng trợn).
GS. đạo văn Nguyễn Đức Tồn chính là người đã đào tạo và tiến cử, tìm cách đặt bà Vũ Thị Sao Chi vào chiếc ghế Phó tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ. Trong công văn "tiến cử" Vũ Thị Sao Chi lên Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tồn đã ca ngợi Vũ Thị Sao Chi như sau:

"Trong suốt quá trình học nghiên cứu sinh tại Viện Ngôn ngữ học, bà Vũ Thị Sao Chi (sinh năm 1972, hiện là cán bộ giảng dạy Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội) tỏ rõ là một cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi thực sự cả trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học lẫn văn học. Chỉ trong thời gian học nghiên cưú sinh, bà Vũ Thị Sao Chi đã công bố 19 bài trên tạp chí Ngôn ngữ, gồm 5 bài viết được rút ra từ nội dung luận án của mình, 14 bài viết khác cho mục “Thiết kế (giáo án) thử nghiệm bài học ngữ văn” rất cần cho nhà trường và đã bảo vệ thành công tốt đẹp luận án tiến sĩ ngày 10 tháng 4 năm 2009. Bà Chi có thể đáp ứng xuất sắc những yêu cầu công tác cấp bách hiện nay của Viện Ngôn ngữ học".
Như vậy, trước khi chuyển từ Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội về Viện ngôn ngữ học, bà Vũ Thị Sao Chi đã học được thói ăn cắp của thầy Nguyễn Đức Tồn, đạo thành quả nghiên cứu của đồng môn, "bảo vệ thành công tốt đẹp luận án tiến sĩ" (!).
Có lẽ, ông GS.TS Đỗ Hoài Nam (Chủ tịch Viện KHXHVN thời điểm 2009) đã bị thày trò ông Nguyễn Đức Tồn lừa bịp bởi cái gọi là "một cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi thực sự cả trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học lẫn văn học", với 19 bài viết công bố trên tạp chí Ngôn ngữ, nên đã chấp nhận cho TS. đạo văn Vũ Thị Sao Chi về Viện ngôn ngữ công tác, rồi sau đó leo lên đến chức Phó tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Ngôn ngữ học.
Trong bài viết "Khi “thầy” đạo văn lại đẻ ra “trò” đạo văn…", tác giả Nguyễn Minh Anh đã vạch trần sự lừa bịp của thầy trò ông Nguyễn Đức Tồn như sau:
"Về 19 bài viết bà Sao Chi công bố trên tạp chí Ngôn ngữ trong thời kì làm luận án TS, hầu hết chúng đều không liên quan đến đề tài luận án của bà. Các bài này thực chất phần lớn là các bài giới thiệu tác phẩm văn học trong chương trình trung học phổ thông như: “Vội vàng” (Xuân Diệu), “Tây Tiến” (Quang Dũng), “Một con người ra đời” (M. Gorki), “Chí Phèo” (Nam Cao), “Mười cái trứng” (Ca dao), “Thư gửi mẹ” (Êxênin), “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” (Lý Bạch)… Nghĩa là chúng không có giá trị khoa học và không thể được coi là các bài nghiên cứu khoa học trong một tạp chí nghiên cứu chuyên ngành như tạp chí Ngôn ngữ, vốn là nơi chỉ đăng/ công bố các nghiên cứu khoa học có giá trị".
Tôi cho rằng, kết luận trên đây của Nhà báo Nguyễn Minh Anh là hoàn toàn chính xác. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã từng có bài viết "Về chữ hồng trong bài thơ "Mộ", chỉ ra những cái sai, cái non kém của Thạc sĩ Vũ Thị Sao Chi trong bài “Thiết kế thử nghiệm bài học ngữ văn” đối với bài thơ “Mộ (Trích ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)” (đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ). Thực chất những gì Vũ Thị Sao Chi viết ra, chỉ là những cóp nhặt, xào xáo ý tứ của người đi trước, ''cái hay thì không mới, cái mới thì không hay" thậm chí là sai nặng.
Những sai lầm của Viện Hàn lâm khoa học xã hội cách đây 10 năm trước, đã đưa Viện Ngôn ngữ học vào một thời kì đen tối bởi hai cái tên Nguyễn Đức Tồn-Vũ Thị Sao Chi, và bao phen đặt chính các vị lãnh đạo Viện vào thế cưỡi hổ, tiến thoái lưỡng nan...
Tuy nhiên, tôi tin đến bây giờ, các vị lãnh đạo Viện Hàn lâm đã nhận ra bản chất vấn đề và sẽ không mắc thêm sai lầm một lần nữa.
Những gì hàng chục bài báo trên Phụ Nữ Thủ Đô vạch trần thói ăn cắp khi trắng trợn, lúc tinh vi của thầy trò ông Nguyễn Đức Tồn cho thấy, đã đến lúc vụ việc phải được xử lí đến nơi đến chốn

"
https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/2243450145885692?__tn__=K-R


.

Thứ ba, 11/09/2018 - 00:00
FaceBook
"Thầy đạo văn" đẻ ra "trò đạo văn":
PNTĐ-"Thầy đạo văn" đẻ ra "trò đạo văn"! Đó là câu chuyện đáng để kể ở Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đang làm rầu lòng giới khoa học...
"Thầy đạo văn" đẻ ra "trò đạo văn"! Đó là câu chuyện đáng để kể ở Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đang làm rầu lòng giới khoa học: GS.TS Nguyễn Đức Tồn đạo văn vô số công trình trong suốt gần 20 năm qua không một cấp nào xử lý, thì nay "học trò cưng" được coi là “truyền nhân” của ông, đã bị phát hiện đạo văn! Đó là nữ tiến sĩ Vũ Thị Sao Chi, phó Tổng biên tập phụ trách tạp chí Ngôn ngữ học - Viện Ngôn ngữ.
Lấy cắp những ý tưởng nghiên cứu quan trọng của đồng môn 
Như Báo PNTĐ đã từng phát hiện, trong bài báo của TS Vũ Thị Sao Chi (là nghiên cứu sinh do GS.TS Nguyễn Đức Tồn hướng dẫn) “Nhịp điệu và các loại hình nhịp điệu” (T/c Ngôn ngữ, Số 1, 2008) có nhiều luận điểm trùng lặp với luận văn cao học có nhan đề “Thơ văn xuôi và nhịp điệu thơ văn xuôi” của Ths Lê Thị Hồng Hạnh (được bảo vệ trước đó - năm 2004) tại Trường ĐHSP Hà Nội.
Từ đây, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu luận án tiến sĩ của bà Vũ Thị Sao Chi có nhan đề “Nhịp điệu trong văn chính luận Hồ Chí Minh trên nền nhịp điệu thơ văn Việt Nam” bảo vệ năm 2009 tại Viện Ngôn ngữ học. Thật buồn thay, chúng tôi lại tiếp tục nhận thấy những bằng chứng đạo văn từ chính luận án đưa bà Sao Chi trở thành TS này!

Luận án TS của Vũ Thị Sao Chi đạo văn của Ths Hồng Hạnh 

Cụ thể, trong luận văn bảo vệ năm 2004, Ths Hạnh đưa ra một luận điểm quan trọng là chia nhịp điệu thành 2 loại: nhịp lời và nhịp ý, thì trong luận án Tiến sĩ của bà Sao Chi (bảo vệ sau đó 5 năm) cũng chia ra 2 loại nhịp, là “nhịp điệu âm” và “nhịp điệu ý”. Đây là xảo thuật thay thế từ đồng nghĩa (thay “nhịp lời” bằng “nhịp điệu âm”, trong đối lập với “nhịp điệu ý”) để đạo ý rất quan trọng của bà Hạnh: phân chia nhịp lời và nhịp ý. Xin nhấn mạnh rằng sự phân chia hai loại nhịp (nhịp lời và nhịp ý) là kết quả nghiên cứu rất quan trọng và của riêng của bà Hạnh mà chưa có nghiên cứu nào trước đó nhắc đến, kể cả bà Chi, người nghiên cứu về nhịp điệu.
Trước đó trong luận văn Ths của bà Sao Chi “Khảo sát nhịp điệu trong văn chính luận Hồ Chí Minh” (khoa Ngữ văn, ĐH SP Hà Nội, bảo vệ năm 2003), ở phần phân loại nhịp điệu, bà Sao Chi chỉ dựa vào các tác giả đi trước như Henri Morier, Chatman để phân chia “nhịp điệu tự nhiên” và “nhịp điệu nhân tạo”.
Như vậy, chỉ với một xảo thuật tinh vi, bà Chi đã ngang nhiên tước đoạt kết quả nghiên cứu riêng của bà Hạnh để đưa vào luận án tiến sĩ của mình. Cũng cần lưu ý thêm với bạn đọc là trước đó, bà Chi cũng sử dụng kết quả nghiên cứu này để công bố chính thức trên một bài báo đăng tại tạp chí Ngôn ngữ vào năm 2008, tức là trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ 1 năm. Bài báo này chính là một trong những điều kiện bắt buộc để bà Chi được phép bảo vệ luận án tiến sĩ. Tất nhiên, bà Chi cũng đủ tỉnh táo để không đạo nguyên văn theo cách mà người thầy hướng dẫn Nguyễn Đức Tồn vẫn thường xuyên làm. Bà Chi tập trung vào việc đạo các ý tưởng chính của bà Hạnh, còn diễn giải và ví dụ minh hoạ thì được viết khác.
Nhưng không phải tất cả phần diễn giải đã xoá được hết dấu vết. Đâu đó, vẫn thấy những từ ngữ, câu cú của bà Hạnh (trong luận văn) vẫn còn sót lại trong luận án của bà Chi. Chẳng hạn, trong mục 2.1.1, bà Hạnh viết: “Mỗi ngôn ngữ có cách tạo nhịp lời đặc thù. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính. Do đó, về mặt hình thức, nó không tạo nhịp điệu bằng sự phối hợp các trọng âm từ hay bằng tương quan về độ dài âm tiết như trong các ngôn ngữ Ấn Âu…” (trang 64). Trong luận án của mình, bà Chi thay “nhịp lời” bằng “nhịp điệu âm”, thay từ “âm tiết tính” bằng “phân tiết”… 
Ở phần viết về nhịp ý, bà Hạnh phát hiện ra 3 biểu hiện là sự luân phiên, lặp lại của hình ảnh, sự trùng điệp của ý tưởng, và phép lặp cú pháp, lặp hệ hình. Bà Chi cũng từng copy 3 biểu hiện của nhịp điệu ý này trong bài viết năm 2008 đã nêu ở trên và chỉ thay đổi phần ví dụ minh hoạ. Đến luận án TS của mình, bà Chi “tóm lược” 3 biểu hiện này thành 2 biểu hiện thứ nhất và thứ 2. Tuy nhiên, bà Chi cũng khôn khéo biến báo tên gọi của chúng đi một chút. Cụ thể, “sự luân phiên, lặp lại của hình ảnh” bị biến thành “sự lặp lại hình ảnh, những motip nghệ thuật”. Còn “sự trùng điệp của ý tưởng” sửa thành “sự láy lại của cấu tứ, ý tưởng...”.
Còn nhiều vấn đề, ý tưởng khác của Ths Hạnh bị bà Chi biến thành của mình, chúng tôi không thể dẫn hết ra trong khuôn khổ bài báo. Nhưng đủ bằng chứng để khẳng định bà Sao Chi đạo  các ý tưởng, các nghiên cứu của Ths Hồng Hạnh vào luận án TS của mình!
Đạo văn rõ ràng, cấp nào xử lý?
Mặc dù đã sử dụng rất nhiều những ý tưởng quan trọng trong nghiên cứu đi trước của bà Hạnh, nhưng trong luận án TS của mình bà Chi không hề đả động gì đến bà Hạnh. Thậm chí, ngay phần tài liệu tham khảo của luận án cũng không thấy bà Chi nhắc gì (dẫn nguồn) đến luận văn cao học của bà Hạnh. 
Theo tìm hiểu của PV thì bà Chi và bà Hạnh cùng học cao học tại trường ĐHSP Hà Nội và có cùng thầy hướng dẫn, chỉ bảo vệ cao học cách nhau 1 năm. Do đó, không thể nguỵ biện rằng bà Chi khi viết luận án lại không biết đến luận văn của bà Hạnh hoặc bà Chi vô tình có ý tưởng trùng với nghiên cứu trước đó của bà Hạnh được! 
Cần nói rõ rằng trên thế giới, đạo văn được định nghĩa là "sự chiếm đoạt sai trái", là "ăn cắp và cho xuất bản" các “ý tưởng, tư tưởng, hoặc đoạn văn" của tác giả khác và coi chúng như một tác phẩm của chính mình. Ngay tại đại học Quốc gia Hà Nội, theo “Hướng dẫn số 2383/HD-ĐHQGHN” về việc thực hiện việc trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học tại ĐHQG Hà Nội, ban hành ngày 27/7/2017 thì một trong số nhiều biểu hiện của hành vi đạo văn là “sao chép, biên dịch, trích dẫn nguyên văn hoặc diễn giải toàn văn đoạn văn hay ý tưởng (chúng tôi nhấn mạnh-NMA) của người khác mà không có trích dẫn phù hợp”.
Trong trường hợp luận án của bà Sao Chi, mặc dù đã sao chép, diễn giải các luận điểm nghiên cứu chính của bà Hạnh nhưng bà này hoàn toàn không hề trích dẫn bà Hạnh, kể cả trong tài liệu tham khảo, và ngang nhiên sử dụng những ý tưởng khoa học này của bà Hạnh như là ý tưởng của riêng mình. Đối với luận án tiến sĩ, theo các quy định hiện hành ở Việt Nam, việc đạo văn có thể bị xử lý theo hình thức “huỷ bỏ kết quả bảo vệ luận án, luận văn, khoá luận tốt nghiệp và các công trình nghiên cứu khoa học” (theo “Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TPHCM” hiện hành). 
Công luận đòi hỏi Viện Ngôn ngữ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Bộ GD-ĐT phải nhanh chóng có những biện pháp xử lí nghiêm khắc đối với những trường hợp đạo văn như ông Nguyễn Đức Tồn, bà Vũ Thị Sao Chi để tệ nạn này sớm chấm dứt, trả lại sự trong sạch và liêm chính cho môi trường giáo dục và học thuật nước nhà.
Nguyễn Minh Anh

http://baophunuthudo.vn/article/28197/165/phat-hien-nu-tien-si-dao-van-ngay-trong-luan-an-tien-si



.



Thứ năm, 23/08/2018 - 00:00
PNTĐ-Trong khi vụ “đạo văn thế kỉ” của ông Nguyễn Đức Tồn vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thì di hại của nó tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng...
Trong khi vụ “đạo văn thế kỉ” của ông Nguyễn Đức Tồn vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thì di hại của nó tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Một trong những di hại nhỡn tiền nhất chính là nạn lừa dối trong thi cử, bằng cấp, khoa học… Và thầy đạo văn sẽ đẻ ra trò đạo văn, như trường hợp của nữ tiến sĩ “truyền nhân” ông Tồn sau đây… 
Kế nhiệm hay “truyền nhân” của ông Tồn?
TS Vũ Thị Sao Chi (vốn tốt nghiệp Ngữ Văn ĐH Sư phạm Việt Bắc, trở thành giáo viên Trường Trung học phổ thông Sông Công thuộc tỉnh Thái Nguyên) là NCS do ông Tồn hướng dẫn và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2009, thời điểm này ông Nguyễn Đức Tồn đang làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ.
Là học trò của ông Tồn, bà Sao Chi được ông này lập tức đưa về công tác Tạp chí Ngôn ngữ ngay sau khi hoàn thành bậc học tiến sĩ. Rất nhanh, chỉ 4 năm sau, bà Sao Chi trở thành người kế nhiệm của ông Nguyễn Đức Tồn (lúc ấy đã hết tuổi quản lý) điều hành Tạp chí Ngôn ngữ trong vai trò Phó Tổng biên tập phụ trách (từ  2014), còn ông Tồn “đứng hậu trường”, làm Chủ tịch Hội đồng biên tập tạp chí.
Trong hồ sơ khoa học đăng tải trên website của Viện Ngôn ngữ học, có thể thấy từ khi bắt đầu học nghiên cứu sinh cho đến khi bảo vệ luận án, trong vòng chừng 5 năm (từ 2004-2009) dưới sự hướng dẫn của ông Tồn, bà Sao Chi đã cho ra lò một số lượng bài viết kỉ lục trên tạp chí Ngôn ngữ với…19 bài. Có lẽ kể cả các nghiên cứu sinh xuất sắc hàng đầu thế giới chắc cũng phải chào thua sức viết (nghiên cứu khoa học) siêu phàm này của bà Sao Chi. 
Đến khi tham gia công tác tại tạp chí Ngôn ngữ từ năm 2010, số lượng bài viết của bà Sao Chi vẫn tiếp tục nở rộ. Kinh ngạc hơn, từ đây, bà Sao Chi lấn sân sang… nghiên cứu, công bố bài viết trên đủ các lĩnh vực của ngành Ngôn ngữ học: từ phong cách học, ngôn ngữ hành chính, ẩn dụ, tu từ học, đến ngữ dụng học, địa danh học… Chắc chắn rằng khó có nhà ngôn ngữ học gạo cội nào trên cả thế giới (chứ không riêng Việt Nam) vượt qua được!
Chúng tôi thấy thật kinh ngạc trước những thành tích nghiên cứu và xuất bản “siêu khủng” này và chính nó thôi thúc chúng tôi tìm hiểu những sự thật ẩn sau các bài viết của bà Chi. 
Về 19 bài viết bà Sao Chi công bố trên tạp chí Ngôn ngữ trong thời kì làm luận án TS, hầu hết chúng đều không liên quan đến đề tài luận án của bà. Các bài này thực chất phần lớn là các bài giới thiệu tác phẩm văn học trong chương trình trung học phổ thông như: “Vội vang” (Xuân Diệu), “Tây Tiến” (Quang Dũng), “Một con người ra đời” (M. Gorki), “Chí Phèo” (Nam Cao), “Mười cái trứng” (Ca dao), “Thư gửi mẹ” (Êxênin), “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” (Lý Bạch)… Nghĩa là chúng không có giá trị khoa học và không thể được coi là các bài nghiên cứu khoa học trong một tạp chí nghiên cứu chuyên ngành như tạp chí Ngôn ngữ, vốn là nơi chỉ đăng/ công bố các nghiên cứu khoa học có giá trị. 
Về các bài viết thuộc đủ mọi đề tài xuất hiện từ sau năm 2010, thời điểm mà bà Sao Chi bắt đầu là Trưởng phòng  Biên tập Trị sự (tạp chí Ngôn ngữ) rồi Phó Tổng biên tập, điều dễ nhận thấy là có đến hơn 10 bài được đứng tên chung với hàng loạt các tác giả khác nhau. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ rằng phần đóng góp thực sự của bà Sao Chi đến đâu trong các bài viết chung đó! Và quan trọng hơn, câu chuyện đạo văn tai tiếng liệu một lần nữa lại xuất hiện?
“Truyền nhân” đạo văn?
Gần đây, trong một bài viết được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng mạng của một facebooker có uy tín về học thuật, anh đã chỉ ra chiêu thức cho thấy TS Vũ Thị Sao Chi đạo văn của các NCS như sau: sau khi biên tập bài của các tác giả gửi đăng, bà Sao Chi tự cho mình cái quyền đứng tên đồng tác giả. 
Lần theo những manh mối đó, nhóm PV tiếp tục phát hiện thêm những biểu hiện đạo văn khác của bà Sao Chi. Trong nhóm 19 bài viết công bố trước thời điểm bà Sao Chi bảo vệ tiến sĩ, ngoại trừ hơn một tá bài viết theo dạng soạn bài giảng văn cho học sinh THPT kể trên, thì bài liên quan đến đề tài luận án của bà Sao Chi là bài “Nhịp điệu và các loại hình nhịp điệu”, (T/c Ngôn ngữ, Số 1, 2008), có nhiều luận điểm trùng lặp với luận văn cao học có nhan đề “Thơ văn xuôi và nhịp điệu thơ văn xuôi” của học viên Lê Thị Hồng Hạnh, được bảo vệ  trước đó (năm 2004) tại Trường ĐHSP Hà Nội.  


Trong luận văn của mình, bà Hồng Hạnh chia ra 2 loại nhịp, là nhịp lời và nhịp ý, còn trong bài báo công bố sau đó 4 năm, bà Chi cũng chia ra 2 loại nhịp, là nhịp âm và nhịp ý. Lưu ý là trong luận văn của bà Sao Chi “Khảo sát nhịp điệu trong văn chính luận Hồ Chí Minh” (luận văn thạc sĩ Khoa Ngữ văn, Đại học SP Hà Nội, bảo vệ năm 2003), trong phần phân loại nhịp điệu, bà Sao Chi chỉ dựa vào các tác giả đi trước như Henri Morier, Chatman để phân chia “nhịp điệu tự nhiên” và “nhịp điệu nhân tạo”.
Vì vậy, việc bà Chi chia hai loại nhịp là “nhịp âm” và “nhịp ý” là xảo thuật thay thế từ đồng nghĩa (thay “nhịp lời” bằng “nhịp âm”, trong đối lập với “nhịp ý”) để thuổng ý rất quan trọng của bà Hồng Hạnh, đó là phân chia nhịp lời và nhịp ý. Ở đây, cần nhấn mạnh rằng sự phân chia hai loại nhịp (nhịp lời và nhịp ý) là kết quả nghiên cứu rất quan trọng và của riêng của bà Hồng Hạnh. Thế mà với xảo thuật thay thế “nhịp lời” bằng “nhịp âm”, bà Sao Chi đã ngang nhiên tước đoạt kết quả nghiên cứu của bà Hồng Hạnh để công bố chính thức trên tạp chí Ngôn ngữ (trong khi đó, luận văn của bà Hồng Hạnh chỉ được lưu giữ ở Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội, ít người biết đến). 
Chưa hết, điều hết sức ngạc nhiên là có một số câu văn trong luận văn của bà Hạnh cũng được bê nguyên xi vào trong bài báo của bà Sao Chi. Chẳng hạn, trong mục 2.1.1, bà Hồng Hạnh viết: “Mỗi ngôn ngữ có cách tạo nhịp lời đặc thù. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính. Do đó, về mặt hình thức, nó không tạo nhịp điệu bằng sự phối hợp các trọng âm từ hay bằng tương quan về độ dài âm tiết như trong các ngôn ngữ Ấn Âu…”. (trang 64). Trong bài viết năm 2008, bà Sao Chi mông má “nhịp lời” bằng “nhịp điệu âm”, bỏ dấu chấm trước từ “do đó” và thay bằng… dấu phẩy v.v… Một biểu hiện đạo văn rất giống với phương thức của ông Nguyễn Đức Tồn!

Đến mục 2.1.2, bà Sao Chi nói về nhịp điệu ý với 3 biểu hiện là sự luân phiên, lặp lại của hình ảnh, sự trùng điệp của ý tưởng, và phép lặp cú pháp, lặp hệ hình. Đây cũng là 3 biểu hiện của nhịp điệu ý được công bố trước đó 4 năm của bà Hồng Hạnh. Cái khác của bà Sao Chi chỉ là cách diễn giải và ví dụ minh hoạ cho các luận điểm này. Không dừng lại ở đó, chúng tôi nhận thấy có sự giống nhau đến kì lạ trong một số đoạn văn trong bài viết của bà Sao Chi và luận văn công bố trước đó của bà Hồng Hạnh. Để minh hoạ, chúng tôi xin trích một đoạn văn trong luận văn của bà Hồng Hạnh ở trang 20:
“Phép lặp cú pháp còn được gọi là phép song hành cú pháp, thủ pháp song song, phép dùng cấu trúc sóng đôi... “Khi người nói muốn nhấn mạnh ý nghĩa một thông báo và để triển khai theo hướng đối lập hay bổ sung thì thường dùng phép điệp cú pháp hay sóng đôi cú pháp” [27; 235], nghĩa là sử dụng các câu có chung một kết cấu ngữ pháp. Phép điệp cú pháp có nhiều biến thể: điệp nguyên vẹn, điệp bộ phận, điệp có láy từ và không láy từ… Văn chương cổ điển sử dụng lặp cú pháp rất phổ biến trong phép đối (cách lặp lại cú pháp mà có sự đối chọi về từ, về thanh điệu…)
Nguyễn Du được coi là bậc thầy trong việc sử dụng phép song hành cú pháp. Theo PGS Nguyễn Thái Hoà, trong Truyện Kiều, cứ ba câu lại có một câu có tiểu đối. Ví dụ: 
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Trong bài viết của mình, “công lao” của bà Sao Chi là việc bỏ đoạn “Nguyễn Du được coi là bậc thầy trong việc sử dụng phép song hành cú pháp. Theo PGS Nguyễn Thái Hoà, trong Truyện Kiều, cứ ba câu lại có một câu có tiểu đối” và thay từ “ví dụ” bằng “thí dụ” (trang 20). Phần còn lại giống nguyên xi luận văn của bà Hạnh. 
Ở một số đoạn khác, bài viết của bà Sao Chi chỉ khác với luận văn của bà Hạnh ở một vài từ ngữ. Ví dụ, bà Hạnh viết “Ngoài tính chất đối xứng về nhịp, thanh điệu, thành ngữ, tục ngữ còn tạo vần (chủ yếu là vần lưng) để làm nên sự nhịp nhàng, khúc chiết” (trang 56). Trong bài viết của bà Chi cũng có câu tương tự, chỉ có hai từ “gãy gọn”, “dễ nhớ” được thêm vào: “Ngoài tính chất đối xứng về nhịp, thanh điệu, thành ngữ, tục ngữ còn tạo vần (chủ yếu là vần lưng) để làm nên sự nhịp nhàng, gãy gọn, khúc chiết, dễ nhớ”. 
Câu hỏi về việc TS Sao Chi có đạo văn hay không sẽ được dành cho các cơ quan hữu trách trả lời. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh hai việc: 
Thứ nhất, theo quy định về trích dẫn và chống đạo văn của trường ĐHKHXH và NV (ĐHQG TPHCM) có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018 thì đạo văn xảy ra khi người viết (1) sử dụng các đoạn văn, thông tin, số liệu, hình ảnh từ tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không chỉ dẫn nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn; hoặc (2) khi người viết diễn giải đoạn văn, nội dung trong tác phẩm của người khác bằng ngôn ngữ của mình mà không trích dẫn nguồn gốc của tác phẩm được sử dụng; hoặc (3) khi người không dẫn nguồn đã trích khi thay đổi từ ngữ, di chuyển từ ngữ, câu, đoạn, ý tưởng của tác giả khác…
Trong trường hợp cụ thể này, bài viết của bà Sao Chi đã vi phạm vào các biểu hiện đạo văn này: bà Sao Chi đã hoàn toàn không dẫn nguồn bà Hồng Hạnh khi sử dụng các ý tưởng, đoạn văn, câu văn và từ ngữ trong luận văn cao học của bà Hồng Hạnh.
Thứ hai, công luận có quyền đặt câu hỏi về việc có sự liên quan gì giữa vụ “đạo văn thế kỉ” của ông Nguyễn Đức Tồn với những biểu hiện đạo văn của bà Sao Chi, nữ học trò và người kế nhiệm ông Tồn điều hành Tạp chí Ngôn ngữ hay không? Như nhận xét của một số người trong ngành, liệu đây có phải là một “cặp đôi hoàn hảo” kẻ tung người hứng, ở Viện Ngôn ngữ học nói chung và Tạp chí Ngôn ngữ nói riêng hay không? Và thầy gian lận “đạo văn” đẻ ra trò “đạo văn”? Bởi ông Tồn đã “tự hào” trả lời trên trang tin BBC rằng ông đã hướng dẫn 55 Ths và 15-16 TS.
Chúng tôi hy vọng rằng trong số các học trò đó, những trường hợp như bà Sao Chi chỉ là cá biệt. Tuy nhiên, dù tỉ lệ truyền nhân có là bao nhiêu đi nữa thì hành vi đạo văn quả là cực kỳ nguy hại cho nền khoa học-giáo dục nước nhà! Khi cả xã hội đang đấu tranh quyết liệt với nạn gian lận trong thi cử, bằng cấp và khoa học, chúng ta không thể làm ngơ trước vụ đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn và nữ học trò của ông – TS Vũ Thị Sao Chi!
Nguyễn Minh Anh


Các bài đã đăng

Kỳ 16: Ông Nguyễn Đức Tồn được phong Giáo sư bằng hồ sơ đạo văn (17/08/2018)
Kỳ 15: Được Giáo sư rồi, vẫn đạo văn! (14/08/2018)
Kỳ 14: Phải xử lý nghiêm vụ ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn (07/08/2018)
Thêm phát hiện rúng động: Ông Nguyễn Đức Tồn lại tiếp tục đạo văn của học trò khác (02/08/2018)
Kỳ 13: Ông Nguyễn Đức Tồn đạo cả... công hướng dẫn khoa học của các GS khác (31/07/2018)
Kỳ 12: Phát hiện thêm một cuốn sách đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn (18/07/2018)
Vì sao câu chuyện “đạo văn” của ông Nguyễn Đức Tồn vẫn chưa kết thúc? (18/07/2018)
Kỳ 11: Chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại sao chưa thực hiện? (17/07/2018)
Kỳ 10: Có phải ông Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn là do thù hằn cá nhân? (10/07/2018)
Kỳ 9: Phải chăng thiếu cơ sở pháp lý để xử lý vụ ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn? (03/07/2018)


http://baophunuthudo.vn/article/28071/165/khi-thay-dao-van-lai-de-ra-tro-dao-van
.

2 nhận xét:


  1. Thứ ba, 11/09/2018 - 00:00
    "Thầy đạo văn" đẻ ra "trò đạo văn":

    Phát hiện nữ Tiến sĩ đạo văn ngay trong luận án Tiến sĩ
    PNTĐ-"Thầy đạo văn" đẻ ra "trò đạo văn"! Đó là câu chuyện đáng để kể ở Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đang làm rầu lòng giới khoa học...

    "Thầy đạo văn" đẻ ra "trò đạo văn"! Đó là câu chuyện đáng để kể ở Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đang làm rầu lòng giới khoa học: GS.TS Nguyễn Đức Tồn đạo văn vô số công trình trong suốt gần 20 năm qua không một cấp nào xử lý, thì nay "học trò cưng" được coi là “truyền nhân” của ông, đã bị phát hiện đạo văn! Đó là nữ tiến sĩ Vũ Thị Sao Chi, phó Tổng biên tập phụ trách tạp chí Ngôn ngữ học - Viện Ngôn ngữ.

    Lấy cắp những ý tưởng nghiên cứu quan trọng của đồng môn

    Như Báo PNTĐ đã từng phát hiện, trong bài báo của TS Vũ Thị Sao Chi (là nghiên cứu sinh do GS.TS Nguyễn Đức Tồn hướng dẫn) “Nhịp điệu và các loại hình nhịp điệu” (T/c Ngôn ngữ, Số 1, 2008) có nhiều luận điểm trùng lặp với luận văn cao học có nhan đề “Thơ văn xuôi và nhịp điệu thơ văn xuôi” của Ths Lê Thị Hồng Hạnh (được bảo vệ trước đó - năm 2004) tại Trường ĐHSP Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  2. 3.

    Thứ bảy, 02/02/2019 - 00:00

    TS Vũ Thị Sao Chi vi phạm liêm chính học thuật một cách có hệ thống
    Vấn nạn tham nhũng trong học thuật cần được xử lý nghiêm
    PNTĐ-TS Sao Chi đã thản nhiên cưỡng đoạt công sức trí tuệ của nhiều người, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của Tạp chí Ngôn ngữ.

    Với quyền điều hành hoạt động của Tạp chí trong tay, TS Sao Chi thản nhiên cưỡng đoạt công sức trí tuệ của nhiều người, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của Tạp chí Ngôn ngữ.
    Sau khi bài báo "Báo động tình trạng liêm chính học thuật theo kiểu "không hướng dẫn, vẫn... có quyền đứng tên chung" được đăng tải, Báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía quý độc giả, bạn đọc đã cung cấp thêm cho PV nhiều bằng chứng về vi phạm của TS Vũ Thị Sao Chi – Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học, thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN). Điều đó thôi thúc chúng tôi tiếp tục điều tra sâu về vấn đề liêm chính học thuật này.
    Một nhà ngữ học siêu phàm?
    Trong một số báo PNTĐ trước đây, chúng tôi đã bày tỏ nghi ngờ về hàng loạt các bài báo khoa học đăng trên tạp chí Ngôn ngữ mà TS Vũ Thị Sao Chi đứng tên viết chung với một tác giả khác. Làm sao không đặt dấu hỏi sao được khi mà các bài viết này thuộc đủ các thể loại của ngôn ngữ học: từ phong cách học, ngôn ngữ hành chính, ẩn dụ, tu từ học, đến ngữ dụng học, địa danh học… Có lẽ không một nhà ngôn ngữ học hàng đầu thế giới nào lại dám liều lĩnh "bao sân" nhiều lĩnh vực nghiên cứu đến vậy!Hay bà Chi là một nhà ngữ học siêu phàm? Nếu quả đúng vậy thì vì sao bà Chi lại phải liên danh với hàng loạt các tác giả khác?
    Uẩn khúc của câu hỏi này thực ra đã được hé lộ một phần từ các số báo trước đây mà PNTĐ đã đăng tải.Theo đó, bà Chi ngang nhiên sử dụng các công trình của đồng nghiệp, của thầy hướng dẫn, và của các học viên không do bà hướng dẫn. Khi những tác giả này đăng bài trên tạp chí Ngôn ngữ, nơi bà Chi đang điều hành hoạt động với chức danh Phó Tổng biên tập phụ trách, bằng một cách nào đó, bà Chi đột nhiên trở thành... đồng tác giả.
    Vi phạm liêm chính học thuật có hệ thống
    Chúng tôi chưa có dịp để điều tra hàng tá các bài viết theo dạng "đồng tác giả" của TS Vũ Thị Sao Chi. Tuy nhiên, chỉ mới nhặt ra vài ba tác phẩm kiểu như vậy thì những uẩn khúc đã hoàn toàn sáng rõ.
    Sau bài "viết chung" tai tiếng dài 2 kì với học viên cao học Phạm Thị Thu Thùy đăng trên tạp chí Ngôn ngữ năm 2013, đến tháng 1 năm 2015, bà Chi lại tiếp tục "liên danh" với NCS Nguyễn Thị Thanh Huệ "lấn sân" sang lĩnh vực... ngữ dụng học với bài viết "Về khái niệm hành vi ngôn ngữ nịnh trong tiếng Việt" công bố trên tạp chí Ngôn ngữ (số 1/2015).

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.