Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/03/2018

Một số thông tin bổ sung về danh tác "Sứ Hoa tùng vịnh" của Nguyễn Tông Quai

Hôm nay, đi bài  này trên Giao Blog để động viên một người bạn đang loay hoay 

Bài của Lê Thị Vỹ Phượng. Đã xuất bản năm 2012. Về tác phẩm danh tiếng Sứ Hoa tùng vịnh của Nguyễn Tông Quai (viết trên đường hai lần đi sứ nhà Thanh với tư cách phó sứ rồi chánh sứ; lần đi đầu tiên thì là phó sứ, còn chánh sứ là Nguyễn Kiều - phu quân của Đoàn Thị Điểm).

Tác giả trích phát biểu một phần từ luận văn thạc sĩ (Ngữ văn Hán Nôm) về Nguyễn Tông Quai. Bài đưa ra một số thông tin bổ sung cho nhận thức trước năm 2012 của học giới.

Thú vị là, Lê Thị Vỹ Phượng có dẫn một bài đã công bố của mình năm 2012 trên Tạp chí Hán Nôm, nhưng không đưa tên đầy đủ. Chỉ ghi ở dưới chú thích là "Chu Xuân Giao trong Tạp chí Hán Nôm 2012."(xem Chú thích số 4 trong bài). Có thể là cho đến lúc viết bản thảo để gửi cho Tạp chí Hán Nôm, thì Lê Thị Vỹ Phượng chưa đọc bài toàn văn của mình, mà mới chỉ biết có một tóm tắt (dĩ nhiên là tóm tắt của bài đã đăng chính thức trên tạp chí). Bài đó, mình trở lại sau khoảng 20 năm, để tiếp tục khẳng định cách đọc Nguyễn Tông Quai (và cách viết đúng của chữ Quai). Trong bài, cũng như trong luận văn thạc sĩ trước đó, Lê Thị Vỹ Phượng cũng nêu quan điểm ủng hộ cho cách đọc Nguyễn Tông Quai.




Từ đây trở xuống là chép nguyên về từ trang của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.



---


MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ TÁC PHẨM SỨ HOA TÙNG VỊNH
ThS. LÊ THỊ VỸ PHƯỢNG
Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ
Sứ Hoa tùng vịnh使華叢詠của Nguyễn Tông Quai là một tác phẩm quan trọng và xuất sắc trong nền văn học Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVIII. Tác phẩm và tác giả từng nhận được sự đánh giá cao của nhiều tác gia Hán Nôm đương thời. Trong vài chục năm gần đây, tác phẩm đã được một số học giả quan tâm nghiên cứu và giới thiệu như Mai Quốc Liên(2), Bùi Duy Tân(3), Chu Xuân Giao(4)… Những nhà nghiên cứu này bước đầu nêu lên giá trị văn học nghệ thuật của tác phẩm và địa vị tác giả trong dòng văn học Việt Nam thời Lê Trung hưng, một thời đại có nhiều biến động không chỉ trong đời sống xã hội mà còn cả trong đời sống văn học nghệ thuật của đất nước.
Trong phạm vi bài viết này, thông qua việc nghiên cứu văn bản Sứ Hoa tùng vịnh và văn bản các tác phẩm khác có liên quan, chúng tôi bàn thêm một số vấn đề sau:
1. Xác định thời điểm ra đời của tác phẩm Sứ Hoa tùng vịnh
Việc xác định lại thời gian chuyến đi sứ lần thứ nhất của Nguyễn Tông Quai, cũng chính là thời gian ra đời của tác phẩm Sứ Hoa tùng vịnh.
Tập Sứ Hoa tùng vịnh được viết khi đoàn sứ bắt đầu lên đường với bài mở đầu Đăng trình tự thuật. Nhưng trong suốt tác phẩm, trừ các bài tự, các ghi chép về thời gian rất ngắn gọn, chỉ dừng lại ở ngày, tháng. Và tư liệu để xác định năm ra đời của tác phẩm chủ yếu dựa vào năm đi sứ của tác giả được ghi chép trong chính sử và trong những tài liệu khác.
Tháng 12, năm Cảnh Hưng thứ 2, thời Lê Hiển Tông (Đinh Dậu, 1741), Đại Việt sử ký tục biên chép: “Sai Chánh sứ Nguyễn Kiều, Phó sứ Nguyễn Tông Quai, Đặng Công Mậu sang nhà Thanh”. Lịch triều hiến chương loại chí cũng chép: “Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 2, sai Chánh sứ Nguyễn Kiều, Phó sứ Nguyễn Tông Quai sang cống nhà Thanh”.
Nhưng ở một tư liệu khác là tác phẩm Sứ trình tân truyện bằng chữ Nôm của chính tác giả Nguyễn Tông Quaicũng viết về chuyến đi sứ này, câu mở đầu lại chép: “Cảnh Hưng rồng dậy thứ ba(5). Tháng thu ngày tám sứ Hoa khởi trình”.
Như vậy, từ các nguồn tư liệu trên có hai mốc thời gian về thời điểm đi sứ của đoàn sứ do Nguyễn Tông Quai làm phó sứ năm đó, một vào năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) và một vào năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742), điều này dễ mang lại cho người đọc cảm giác hoài nghi về thời điểm lên đường thật sự của đoàn sứ năm ấy.
Để xác định lý do tồn tại hai điểm thời gian cho một sự kiện như trên, chúng tôi đã tìm đến nguồn tư liệu thứ ba, đó là tác phẩm đi sứ của những tác giả khác.
Phụng sứ Yên Đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh làm về chuyến đi sứ năm Cảnh Hưng thứ 25 (1764), có chép ngay trang đầu tác phẩm: “Ngày 13 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 25, năm Giáp Thân, vâng mệnh đi sứ phương Bắc. Tháng 3 năm thứ 26, gửi thư cho quan đạo Tả Giang, nội dung nói về lễ vật và thời gian đi cống vào trọng thu năm nay… Tháng 5, quan đạo Tả Giang báo đã phê duyệt… Tháng 8, Tổng đốc Lưỡng Quảng … cho phép ngày mồng 7 tháng 10 khởi trình nhập cống… Ngày mồng 1 tháng 12, Tổng đốc Lưỡng Quảng gửi thư báo ngày 29 tháng giêng năm tới mở cửa ải. Ngày mồng 8 tháng giêng năm thứ 27, phụng chiếu ra mắt ở Tả đường…, ngày mồng 9 khởi hành tại ngôi đình bên sông…” (lược dịch).
Những ghi chép rất chi tiết như trên trong Phụng sứ Yên Đài tổng ca cho thấy, từ lúc vua xuống chiếu cử người đi sứ đến lúc đoàn sứ có thể lên đường là một khoảng thời gian không ngắn, gần hoặc hơn cả năm.
Điều đó chứng tỏ rằng thời điểm năm Cảnh Hưng thứ 2 (Đinh Dậu, 1741), đoàn sứ mà Nguyễn Tông Quai làm phó sứ vẫn chưa lên đường và thời điểm lên đường thật sự chỉ bắt đầu vào mùa thu năm sau tức năm Cảnh Hưng thứ 3 (Mậu Tuất, 1742), và đây mới là thời điểm bắt đầu ra đời của tập Sứ Hoa tùng vịnh. Do đó, câu thơ mở đầu tác phẩm Sứ trình tân truyện rất sát thực với thời điểm khởi hành thực tế của chuyến đi. Mốc thời gian năm Cảnh Hưng thứ hai (1741) mới chỉ là thời điểm vua xuống chiếu chỉ định người đi sứ. Việc đi sứ còn đang trong quá trình chuẩn bị từ cống phẩm đến gửi thư liên hệ với các quan viên Trung Quốc để nhận được giấy phép khởi hành.
Qua việc xác định thời gian này, chúng ta cũng có thể nhận thấy, để có một chuyến đi sứ, không những chỉ cần sự lo liệu của nước ta mà ngay cả Trung Quốc cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình của đoàn sứ, đảm bảo đoàn sứ đi đến kinh đô theo đúng các lộ trình của họ và được tiếp đón chu đáo. Với triều đình Đại Việt, mỗi chuyến đi sứ đều là tâm huyết, là công sức của vua tôi, từ khâu chọn người, khâu chuẩn bị lễ vật từ các vùng miền, cho đến các thủ tục hành chính... Chính vì thế, mỗi chuyến đi sứ thành công đều được đánh giá cao như một chiến công lớn với những trọng thưởng nồng hậu.
2. Hành trình của đoàn sứ
Đối với một tác phẩm đi sứ, hành trình đi sứ chính là bối cảnh sáng tác của toàn bộ tác phẩm. Xác định và tìm hiểu càng sâu sắc về hành trình này, chúng ta càng có cơ sở để đánh giá đầy đủ nội dung, ý nghĩa của tác phẩm. Do đó, hành trình này cũng chính là một trong những vấn đề quan trọng mà việc nghiên cứu các tác giả, tác phẩm đi sứ phải tiến hành. Trong phạm vi bài viết, người viết bước đầu tái hiện một cách tương đối chi tiết con đường mà đoàn sứ đã đi qua, thông qua các địa danh được nói đến trong tác phẩm, giúp những người quan tâm có cái nhìn cụ thể hơn về hành trình.
Với mục đích đó, để xác định tuyến đường đi sứ năm 1742 của Nguyễn Tông Quai trên đất Trung Hoa, người viết đã tiến hành xác định trình tự các địa danh được nói đến trong tập Sứ Hoa tùng vịnh, với tư cách là những điểm đến hoặc điểm dừng chân của đoàn sứ, dựa theo các bản sứ đồ của Việt Nam và bản đồ hành chính hiện nay của Trung Quốc, đồng thời có sự tham khảo về lịch sử và thứ tự được nhắc đến trong tập thơ của các địa danh này. Một điều đáng chú ý là ở phần lớn các truyền bản của tác phẩm, thứ tự được nhắc đến của các địa danh này đều thể hiện đúng thứ tự hành trình tiến đến kinh đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Điều này cho thấy, mỗi tập thơ đi sứ cũng đồng thời là một bản sứ đồ khá chính xác và hết sức sinh động.
Kết quả xác định của chúng tôi cho thấy: sau khi rời khỏi cửa Nam Quan sang đất Trung Quốc, đoàn sứ lần lượt đi qua 8 tỉnh, theo địa giới hành chính hiện nay của Trung Quốc, để đến được kinh đô Yên Kinh, tức thành Bắc Kinh. 8 tỉnh đó lần lượt là Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, Sơn Đông và Hà Bắc.
Tỉnh Quảng Tây: Đây là tỉnh nằm ở cực nam của nước Trung Hoa, giáp với Việt Nam. Sau khi rời cửa Nam Quan vào tỉnh này, đoàn sứ theo sông Tả Giang 左江đến thành Nam Ninh 南寧. Từ đây, họ đi qua hướng đông trên sông Ung Giang 邕江đến huyện Hoành . Sau đó theo sông Úc Giang 郁江đến huyện Đằng , tiếp đến vùng Thương Ngô .
Thương Ngô là vùng đất nằm giữa Quảng Tây và Quảng Đông, nơi này có rất nhiều thắng cảnh, trong đó có 8 cảnh đẹp nổi tiếng gọi là Thương Ngô bát cảnh. Trong tiền tập của Sứ Hoa tùng vịnh có chùm thơ Đề Thương Ngô thành bát thủ do Nguyễn Tông Quai làm khi đoàn sứ của ông đến đây.
Từ sông Nghi ở Thương Ngô, đoàn sứ xuôi đến sông Quế Giang về phía tây bắc, qua huyện Chiêu Bình 昭平, đến ngã ba sông Tam Kỳ 三岐 tại huyện Bình Lạc 平樂. Tại đây, họ theo sông Chiêu Giang  đến huyện Lâm Quế 臨桂, thành Quế Lâm 桂林, rồi đến Linh Châu 靈州, qua Hưng An 興安, đến Toàn Châu 全州nằm ở khu đông bắc của tỉnh Quảng Tây 廣西, gần tỉnh Hồ Nam 湖南. Kế tiếp, đoàn sứ đi lên phía bắc theo sông Tương  vào Hồ Nam 湖南.
Tỉnh Hồ Nam: Nằm phía nam vùng trung du của sông Trường Giang và phần lớn diện tích của tỉnh cũng nằm phía nam hồ Động Đình洞庭. Đây là nơi có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, đặc biệt có dòng sông Tương, chảy theo hướng nam bắc trong khi đa số các con sông ở Trung Quốc đều chảy theo hướng tây đông, là con đường giao thông thuận lợi đưa đoàn sứ đi về phía bắc tiến đến kinh thành Bắc Kinh.
Vào Hồ Nam, đoàn sứ đến huyện Kỳ Dương 祁陽, tiếp đến Hành Dương 衡陽, rồi theo sông Tương lên phía bắc đến thành Trường Sa 長沙.
Từ thành Trường Sa đoàn sứ đến Tương Âm 湘陰, nơi có mỏm Long Điểu Chủy 龍鳥嘴, rồi đi trên sông Mịch La 汨羅, đến hồ Động Đình nằm phía đông bắc tỉnh Hồ Nam. Từ đây, họ qua châu Nhạc Dương thăm lầu Nhạc Dương và bờ Xích Bích 赤壁, tiếp đến theo sông Trường Giang đi vào tỉnh Hồ Bắc 湖北.
Tỉnh Hồ Bắc: Tỉnh nằm phía bắc hồ Động Đình, nổi tiếng là “vùng đất của nghìn hồ” với mạng lưới giao thông đường thủy dày đặc. Ở đây, đoàn sứ tiếp tục xuôi theo sông Trường Giang đến thành phố Vũ Xương 武昌, thăm lầu Hoàng Hạc, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng trong thi ca, sau đến huyện Hoàng Cương 黃崗 (nay là thành phố Hoàng Cương), rồi xuôi tiếp đến thành phố Cửu Giang 九江 tỉnh Giang Tây 江西.
Tỉnh Giang Tây: Tỉnh nằm trong dải Giang Nam xưa. Từ xưa, nơi đây nổi tiếng là khu vực trù phú, văn hóa phát triển rực rỡ. Đoàn sứ bộ chỉ đi qua các địa phương ở rìa bắc của tỉnh này. Sau khi đến Cửu Giang, họ đi tiếp đến huyện Bành Trạch 彭澤, và đi sang tỉnh Giang Nam 江南 (đã được đổi thành hai tỉnh An Huy 安徽và Giang Tô 江蘇 từ đời Thanh).
Tỉnh An Huy: Vốn thuộc vùng đất Giang Nam địa linh nhân kiệt nên đây là nơi có nhiều giá trị văn hóa lịch sử lâu đời được bảo tồn và lưu truyền. Trong lịch sử, An Huy cũng là nơi có rất nhiều người đỗ trạng nguyên, tiến sĩ. Đây cũng là vùng đất từng phát triển một tư tưởng học thuật mới mẻ, đáng chú ý là “Nho thương”, một sự kết hợp giữa văn hóa Nho giáo và đạo lý kinh doanh thương mại. Trên vùng đất này, đoàn sứ qua huyện Đương Đồ 當涂, rồi đến thành phố Mã Yên Sơn 馬鞍山, nơi có địa danh Thái Thạch 采石(6).
Tỉnh Giang Tô: Từ thế kỷ XIV - XVII, Giang Tô là khu vực phát triển phồn thịnh nhất về tiểu thủ công, thương mại và là trung tâm văn hóa của Giang Nam. Nơi này có nhiều danh lam thắng cảnh, cộng với một nền văn hóa lịch sử phát triển lâu đời và rực rỡ.
Tại đây, đoàn sứ đến thành Nam Kinh(7). Sau đó, họ không theo Trường Giang nữa mà rẽ lên phía bắc, đến Dương Châu 楊州, rồi thẳng đến thành Hoài Âm 淮蔭, phủ Hoài An 淮安(8). Từ Hoài Âm, đoàn sứ đi theo hướng tây bắc gặp thành Bì Châu 邳州, đi tiếp đến huyện Bái , rồi đến Tế Ninh 濟寧 tỉnh Sơn Đông 山東.
Tỉnh Sơn Đông: Thời Xuân Thu, đây là vùng lãnh thổ của hai nước Tề, Lỗ, và cũng là chiếc nôi của tư tưởng Nho giáo ở Trung Quốc.
Trong địa phận tỉnh này, đoàn sứ từ Tế Ninh đi về phía đông, đến Khúc Phụ 曲阜, quê hương của Khổng Tử, qua sông Tứ Thủy 泗水, đi lên hướng tây bắc, qua sông Hoàng Hà 黃河. Sau đó, họ đến Lâm Tây 臨西 rồi Lâm Thanh 臨青, gần với tỉnh Hà Bắc 河北. Từ Lâm Thanh, sứ bộ đi ngược theo hướng đông bắc đến thành phố Đức Châu 德州.
Tỉnh Hà Bắc: Đây là tỉnh cuối cùng trong hành trình đi sứ phương Bắc của sứ bộ. Phần lớn lãnh thổ của tỉnh này thuộc hai nước Triệu, Yên cũ nên kinh thành Bắc Kinh của nó còn được gọi là thành Yên Kinh.
Đến đây, đoàn sứ đi thẳng lên phía bắc đến Thiên Tân 天津, thành phố nằm ở mặt đông nam thành Yên Kinh燕京. Sau đó, họ đến huyện Vệ Hà 衛河, và từ đây theo đường bộ đến kinh thành. Hành trình lượt đi đến đây là chấm dứt.
Tập thơ chủ yếu làm trên chuyến hành trình lượt đi, còn lượt về có rất ít bài đề cập đến địa danh. Tuy nhiên, theo một tác phẩm đi sứ khác là Yên Đài anh thoại khúc của Bùi Ngọc Quỹ, làm trong chuyến đi sứ báo tang và xin phong vào năm Tự Đức thứ nhất (1848), khi trở về đoàn sứ thần quay lại theo hành trình cũ mà họ đã đến. Chúng ta có thể thấy điều ấy ở đoạn thơ sau: “圓明面駕梅風曉西直回瞻天日照午門拜賜公事完裘馬舒徐從故道 (Viên Minh diện giá mai phong hiểu, Tây trực hồi chiêm thiên nhật chiếu, Ngọ môn bái tứ công sự hoàn, Cừu mã thư từ tùng cố đạo - Vườn Viên Minh được diện kiến vua vào sáng sớm, cửa chính tây ngắm ánh mặt trời soi, từ biệt ở Ngọ môn việc công đã xong, áo cừu xe ngựa ung dung theo đường cũ)”. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến các tác phẩm đi sứ chủ yếu được làm trên lượt đi, khi mà phần lớn các tác giả của chúng lần đầu tiên được đặt chân đến những nẻo đường, những vùng miền phong cảnh mới lạ khiến tâm hồn họ dạt dào cảm xúc và có một nhu cầu bức thiết là phải viết lại thành thơ, ký.
Nhìn lên các bản đồ hành chính hiện nay của Trung Quốc, chúng ta dễ dàng nhận thấy hành trình đi về của đoàn sứ vừa đường bộ vừa đường thủy, “khi lên bộ lúc xuống thuyền”, và lệch hẳn về phía đông. Đồng thời, hành trình này đi qua nhiều địa danh lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Đây thực sự là một hành trình hết sự gian nan nhưng không kém phần lý thú mà các sứ thần Việt Nam trải qua khi đi sứ sang Trung Quốc thời bấy giờ.
3. Nhân vật李半村 (Lý Bán Thôn)
Bên cạnh các thông tin về thời gian và không gian ra đời của tập thơ, trong quá trình nghiên cứu văn bản, chúng tôi còn quan tâm đến một khúc mắc xung quanh nhân vật Lý Bán Thôn trong tác phẩm.
Là một tập thơ hay nổi tiếng, ngay từ khi bắt đầu ra đời, đang còn trên những chặng sứ trình, Sứ Hoa tùng vịnh đã được không ít nhân sĩ và quan viên Trung Quốc ngưỡng mộ. Họ không tiếc lời bình luận, khen ngợi và viết bài tự cho nó. Trong các truyền bản hiện còn của tác phẩm có đến bốn bài tự và nhiều lời bình và lời khen tặng của nhiều nhân sĩ và quan viên Trung Quốc. Đó là điều hiếm thấy ở các tập thơ đi sứ của người Việt và nó cũng phần nào phản ánh giá trị cũng như địa vị của tác giả và tác phẩm trong mảng thơ này.
Lý Bán Thôn là người đứng tên dưới hai bài tự trong Sứ Hoa tùng vịnh, một bài được viết vào tháng 8 (tháng trọng thu) năm Càn Long thứ 13 (1748) và một bài khác được viết vào tháng 9 (bản A.1552 chép là tháng 7) cùng năm. Đồng thời, trong tập Sứ Hoa tùng vịnh cũng có rất nhiều thơ họa đối, tặng đáp giữa Lý Bán Thôn và tác giả Nguyễn Tông Quai. Cả trong hai chuyến đi sứ lần thứ nhất và lần thứ hai, Nguyễn Tông Quai đều có những gặp gỡ, thù tiếp xướng họa với tác giả này.
Mặc dù là một nhân vật được lưu dấu ấn đậm nét trong tác phẩm Sứ Hoa tùng vịnh với nhiều bài văn thơ, bình điểm để lại trong tập thơ này, nhưng thân phận của Lý Bán Thôn cho đến nay vẫn chưa được khẳng định rõ ràng. Từ trước đến nay có hai ý kiến về nhân vật này: Một ý kiến cho rằng Lý Bán Thôn là nhân sĩ Triều Tiên(9), và một ý kiến khác cho rằng đây là một nhân sĩ người Trung Quốc(10).
Để tìm lời giải đáp cho vấn đề này, thông qua việc nghiên cứu văn bản tác phẩm, từ các bài tự, các phần nguyên dẫn có liên quan, cho đến các bài thơ họa đối giữa nhân vật này và tác giả Nguyễn Tông Quai, chúng tôi nhận thấy:
Thứ nhất, theo bài tự tháng 8, vào thời điểm gặp đoàn sứ An Nam, Lý Bán Thôn đang “khách Kim Lăng - làm khách nơi đất Kim Lăng”. Bài tự tháng 9 cũng cung cấp thông tin tương tự: “中,得使晤。Mùa thu năm Quý Hợi, tôi làm khách Kim Lăng, trú ở trai phòng Châu Đình của Cao tử, được tương ngộ cùng sứ quân”. Cho thấy, lúc này, Lý Bán Thôn không phải là một sứ thần đi công cán mà chỉ đến đó với việc cá nhân, có thể là thăm thú, đồng thời ông cũng không ở những nơi dành cho sứ giả như công quán hay trạm dịch, thuyền sứ, mà ở trọ nhà Cao tử. Chính ở đây ông đã gặp phó sứ Thư Hiên.
Thứ hai, bài tự tháng 8 có câu: “承,懷侯柔者。- Các thánh nhân nước tôi nối tiếp nhau che chở các nước xa xôi nhu thuận, biết tuân theo chính sóc, biết theo lệ chế quan đới.” Câu này chứng tỏ ông là một người Trung Quốc thực thụ. Đương thời chỉ có Trung Quốc mới có vị thế để “che chở các nước xa xôi nhu thuận, biết tuân theo chính sóc, biết theo lệ chế quan đới”. Nếu là người Triều Tiên hay người Nhật, chắc chắn ông sẽ không viết như vậy, vì lúc bấy giờ Việt Nam, Triều Tiên và Nhật có cùng một vị trí giống nhau đối với Trung Quốc, đều là những lân bang nhỏ và đều phải triều cống theo định lệ.
Thứ ba, nói về lần gặp gỡ năm Mậu Thìn, trong chuyến đi sứ lần hai của Nguyễn Tông Quai, cũng trong bài tự tháng 8, Lý Bán Thôn viết: “使 [](11)使矣。舟,握舊,情殷,有已。- Tháng trọng thu (tháng 8) năm Mậu Thìn này, thuyền sứ đi qua Hoài, tiên sinh đã là chánh sứ. Tôi cũng lên thuyền sứ, nắm tay nói chuyện cũ, tình cảm thắm thiết, dạt dào.” Câu này phù hợp với lời bạt cuối bài tựa “- Chép vào tháng trọng thu năm Mậu Thìn, Càn Long thứ 13, Lý Bán Thôn hiệu Thái Lâm người Hoài Âm kính cẩn đề”. Hai chữ “Hoài Âm” ở đây không phải là tên tự hay hiệu của ông mà chính là địa danh. Vì mối giao lưu giữa những sứ thần Việt Nam với người Trung Quốc hay Triều Tiên… đều là mối giao lưu bằng hữu bốn phương, nên họ luôn để lại tên bản quán xuất xứ của mình, đánh dấu sự kiện gặp gỡ đặc biệt này. Để khẳng định chắc chắn địa danh này là quê hương của Lý Bán Thôn, chúng tôi đã đọc lại lời dẫn trong bài thơ Lý thị họa Thanh khê phiếm khả nhất thủ : “來。談 - Sông nước mênh mông lạnh lẽo, trời thu âm u, thi khách ở trong thành là Lý Bán Thôn người Hoài An(12) không lỗi hẹn trước, chèo thuyền nhỏ đến bất chấp tiết trời xấu. Trò chuyện, luận bàn thật lâu rồi họa bài thơ này, còn hẹn năm sau trên đường trở về qua Hoài An cùng nhau hàn huyên tiếp cho thỏa lòng quyến luyến”. Bài thơ và lời dẫn trên có ở phần Phụ tặng đáp của nhiều truyền bản với nội dung giống nhau.
Từ những phân tích trên, chúng tôi đi đến kết luận Lý Bán Thôn là một nhân sĩ người Trung Quốc.
Ở Triều Tiên, họ  (Lý) là một dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt và giữ những chức vụ cao trong triều đình, nhiều người trong số họ được cử đi sứ Trung Quốc. Và ở Giao Nam, họ được biết đến như những người bắt cầu cho mối quan hệ ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Triều Tiên. Các sách của người Việt cũng nhiều lần nói đến những sứ giả Triều Tiên có gặp gỡ giao lưu với các sứ giả Đại Việt như: 李睟光 (Lý Tuý Quang) viết đề tựa cho tập thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan; 李煇中(Lý Huy Trung) gặp gỡ và giao lưu văn chương với Lê Quý Đôn; 李致中 (Lý Trí Trung) gặp gỡ đoàn sứ do Đoàn Nguyễn Thục làm Chánh sứ… Riêng Nguyễn Tông Quai, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tường(13), trong chuyến đi sứ lần thứ hai (1947) với vai trò Chánh sứ, ông cũng đã có thơ xướng họa với một sứ giả họ Lý của Hàn Quốc là Lý Hiệu Lý. Hầu hết những sứ thần Hàn Quốc họ Lý này đều hoặc có đề bài tựa, bình điểm hoặc có thơ xướng họa với sứ thần nước ta. Vì sự quen thuộc đó, khi gặp tên gọi “Lý Bán Thôn”, các nhà nghiên cứu dễ có liên tưởng và cho rằng đây là một sứ thần Hàn Quốc.
Quá trình làm rõ thân phận nhân vật Lý Bán Thôn giúp chúng ta được biết nhiều hơn về tình bằng hữu mà các sứ thần Việt Nam đã có trên đất Trung Hoa. Có thể nói, mối quan hệ tri âm, tri kỷ sâu sắc giữa Lý Bán Thôn và Nguyễn Tông Quai không chỉ thể hiện mối quan hệ bằng hữu thông thường mà còn cho thấy sự gắn bó mật thiết giữa nhân sĩ hai nước Việt - Trung thời bấy giờ. Đó cũng là sự gắn bó giữa hai dân tộc có nền văn hóa đồng văn.
Là một tác phẩm thơ ca, nhưng cũng đồng thời là một “nhật ký đi đường” sống động, Sứ Hoa tùng vịnh chứa đựng trong nó nhiều thông tin quý giá mà một tác phẩm đi sứ có thể phản ánh được trên các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, địa lý, ngoại giao… Bên cạnh giá trị văn học đặc sắc, tác phẩm còn giúp chúng ta không những thưởng lãm được phong cảnh, cảm nhận được tình bằng hữu giữa hai nước, mà còn phần nào hiểu được công vụ ngoại giao vất vả nhưng cũng đầy vinh quang của những sứ giả Việt Nam dưới thời phong kiến. Với những đóng góp của mình, các tác giả đi sứ cùng tác phẩm của họ cần được sự tôn vinh xứng đáng, và được khẳng định vị trí đặc biệt trong dòng văn học Việt Nam. Và vì thế, rất cần có một sự nghiên cứu bài bản, công phu, hệ thống những tác phẩm đi sứ thời trung đại của Việt Nam.
Chú thích:
(1) Từ trước tới nay tồn tại hai cách đọc tên tác giả này là Nguyễn Tông Khuê và Nguyễn Tông Quai. Trong bài viết này chúng tôi thống nhất chọn cách đọc Nguyễn Tông Quai.
(2) Nguyễn Tông Quai (1692 - 1766) một nhà thơ đời Lê nổi tiếng vừa phát hiện, in trong tập tiểu luận văn học Dưới gốc me vườn Nguyễn Huệ vào năm 1986. Đây là bài viết có tính chất giới thiệu tác giả, tác phẩm. Trong đó, GS. Mai Quốc Liên đã có đánh giá cao đóng góp về nghệ thuật thơ chữ Hán và chữ Nôm của tác giả Nguyễn Tông Quai trong dòng lịch sử văn học Việt Nam.
(3) Những bài viết mang tính chất giới thiệu và định hướng như: Nguyễn Tông Quai, sứ giả nhà thơ nổi tiếng thế kỷ XVIII (Nghiên cứu Văn học, số 1/1993); Nguyễn Tông Quai (1693 - 1767) đường đi sứ - đường thơ (Người khai sáng dòng ca Nôm sứ trình) (Tạp chí Hán Nôm, số 2/2007)…
(4) Thơ đi sứ Nguyễn Tông Quai - Luận văn tốt nghiệp đại học năm 1994; Đi tìm căn cứ gốc cho danh xưng của tác giả Sứ Hoa tùng vịnh, Khuê hay Quai? (Tạp chí Hán Nôm, số 1/1994); Nguyễn Tông Quai, niên biểu và tác phẩm (Tạp chí Hán Nôm, số 3/1994). Chu Xuân Giao trong Tạp chí Hán Nôm 2012.
(5) Chỉ năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742).
(6) Địa danh này gắn với sự tích về thi tiên Lý Bạch, kể rằng ông từng uống rượu, ngâm thơ và nhảy xuống sông bắt trăng ở đây. Khi đến thăm nơi này Nguyễn Tông Quai đã làm bài thơ nổi tiếng Thái Thạch hoài Thanh Liên. Đây được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất của tác phẩm Sứ Hoa tùng vịnh, bài thơ này nằm ở cuối phần Tiền tập của tác phẩm.
(7) Nam Kinh là đất Kim Lăng cũ, ở đây Nguyễn Tông Quai đã làm chùm thơ Kim Lăng bát cảnh.
(8) Đây là quê hương của Lý Bán Thôn, một nhân sĩ Trung Quốc có khá nhiều thơ họa đối với Nguyễn Tông Quai trong Sứ Hoa tùng vịnh, đồng thời là người đã viết hai bài tự cho tập thơ này.
(9) Như cố GS. Bùi Duy Tân trong bài viết Nguyễn Tông Quai: Sứ giả - nhà thơ nổi tiếng thế kỷ XVIII in trong Nghiên cứu Văn học (số 6/1993), TS. Lý Xuân Chung trong luận án Nghiên cứu đánh giá thơ văn xướng họa của các sứ thần hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
(10) Như TS. Mai Ngọc Hồng trong bài viết: Đôi nét về Nguyễn Tông Quai - tác giả “Sứ trình tân truyện”, in trong tập Kỷ yếu hội thảo về Nguyễn Tông Quai.
(11) Mất chữ.
(12) Đương thời, Hoài Âm là thành cổ trong phủ Hoài An, Trung Quốc.
(13) Trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chu Xuân Giao: Nguyễn Tông Quai niên biểu tác phẩmTạp chí Hán Nôm, số 3/1994.
2. Chu Xuân Giao: Đi tìm căn cứ gốc cho danh xưng của tác giả “Sứ Hoa tùng vịnh” Khuê hay Quai?Tạp chí Hán Nôm, số 1/1994.
3. Chu Xuân Giao: Nguyễn Tông Quai - chân dung một danh nhân văn hóa ở thế kỉ XVIII. Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 6/1995.
4. Mai Quốc Liên: Thơ đi sứ, khúc ca của lòng yêu nước và chiến đấuNghiên cứu Văn học, số 3/1979.
5. Sở Văn hóa thông tin và thể thao Thái Bình: Nguyễn Tông Quai danh nhân văn hóa, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 300 năm sinh Nguyễn Tông Quai (1693-1767), 1993.
6. Bùi Duy Tân: Nguyễn Tông Quai: Sứ giả - nhà thơ nổi tiếng thế kỷ XVIIINghiên cứu Văn học, số 6/1993.
7. Tổng tập văn học Việt Nam, tập 7 (Văn học nửa thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XVIII), Bùi Duy Tân (chủ biên). Nxb. KHXH, H. 1997.
7. Lý Xuân Chung: Nghiên cứu đánh giá thơ văn xướng họa của các sứ thần hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Luận án Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 2009.
8. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789). Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng dịch. Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1991.
9. Văn học Việt Nam (thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII). Đinh Gia Khánh chủ biên, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Nxb. Giáo dục, H. 2002.
10. Thơ đi sứ. Phạm Thiều - Đào Phương Bình chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993.
11. 使華叢詠 (Sứ Hoa tùng vịnh), VHv.1998 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
12. 奉使燕臺總哥 (Phụng sứ Yên Đài tổng ca). R.1375 (Thư viện Quốc gia Hà Nội).
13. 詩文雜編 (Thi văn tạp biên), VHv.1879 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
14. 使程圖(Sứ trình đồ), VHv.1378 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
15. 燕臺嬰話曲 (Yên Đài anh thoại khúc), HNv.249 (Thư viện Khoa học xã hội Tp. HCM).



(Tạp chí Hán Nôm; Số 5(114) 2012; Tr.38-47)

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2228&Catid=920

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.