Tuy nhiên, những gì mà Lữ Phương viết về Mác cho ra tấm ra món thì lại chưa thấy. Chỉ thấy có mỗi diễn từ này, kể thêm thì là một vài mẩu đã cho đăng trên talawas (cùng một vài trang nữa) từ nhiều năm trước. Hoặc là những thứ ra tấm ra món thì chưa xuất bản (?).
Lâu nay, không thấy Lữ Phương viết gì trọng lượng. Hầu như lặng thinh. Bây giờ thì thấy diễn từ nhận giải thưởng của ông. Nghe như có cái gì buồn buồn cho cái gọi là "giải nghiên cứu" của quĩ Phan Châu Trinh.
Buồn nhỉ.
Buồn nhỉ.
Toàn văn diễn từ của Lữ Phương thì đọc ở dưới.
---
(Giải Nghiên cứu)
Kính thưa Quý vị,
Trước hết cho phép tôi gửi đến các vị phụ trách Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh lời cám ơn đặc biệt vì đã tạo điều kiện cho tôi được đứng ở đây nhận sự vinh danh những bài viết của mình về một đề tài học thuật cực kỳ khó khăn và nhạy cảm là học thuyết Marx. Để đáp lại thạnh tình đó, trong bài phát biểu này, tôi không muốn đi sâu vào cái vấn đề gai góc sẽ làm mất thời giờ của quý vị, mà chỉ xin nói qua cái hoàn cảnh đặc biệt nào trước đây khiến tôi tìm đến học thuyết ấy và cùng với cái hoàn cảnh nào về sau này đã thúc đẩy tôi nhìn lại ngay từ cái nền tảng lý luận đã nâng đỡ nó. Tôi chắc rằng việc nhìn lại ấy không phải chỉ là cái ý hướng của bản thân tôi mà trong một chừng mực nào đó cũng có thể biểu hiện được tâm thức của một lớp người cùng thế hệ với tôi.
Thưa Quý vị,
Như mọi người đều biết, học thuyết Marx đã được du nhập vào Việt Nam không phải trong một hoàn cảnh bình thường của một xã hội bình thường ở đó người ta có thể coi việc nghiên cứu Marx như một thao tác nghề nghiệp mang tính học thuật hàn lâm thuần tuý. Đất nước bấy giờ chìm đắm trong bóng tối của sự bất bình thường: nhà nước dân tộc bị tước mất chủ quyền, nhân dân sống trong nô lệ, trí thức thì bơ vơ, tuyệt vọng. Chủ nghĩa Marx đã đến với chúng ta trong tình thế đó, và mặc dù không có đủ điều kiện để tìm hiểu đến nới đến chốn, chúng ta đã tiếp nhận học thuyết ấy như biểu tượng của sự giải phóng chói loà ánh sáng: không phải chỉ mang đến cho dân tộc biện pháp xây dựng hiệu nghiệm cuộc sống mới mà còn giúp người trí thức lấp đầy được cái khát vọng ngàn đời của mình về sự tồn tại của một trần gian ở đó con người có thể hoà giải vĩnh viễn với nhau. Trong khung cảnh tinh thần đó, việc tìm đến Marx đối với chúng ta đã mang nội dung một cuộc dấn thân toàn diện và triệt để, bấy giờ thường được xưng tụng là “hiện thực và khoa học”, nhưng thực chất lại rất giống với một hình thức tín ngưỡng nào đó, đặt niềm tin tuyệt đối vào một đấng bậc phi phàm có thể dẫn đường một cách kỳ diệu cho các kế hoạch mà chúng ta vạch ra để cải tạo thế giới, làm lại con người.
Bây giờ thỉnh thoảng nhìn lại mọi thứ từ cái thời xa xưa ấy, tôi bỗng có cảm giác như mình đã sống qua một giấc mơ dài, giấc mơ ấy chứa đựng rất nhiều hứa hẹn kỳ vĩ, đẹp đẽ nhưng cũng lại mịt mùng, chơi vơi so với cuộc sống tràn ngập những lo toan tầm thường, vô vị hôm nay. Tuy vậy khi bình tâm suy nghĩ lại mọi thứ về những cái đã qua đó, đặt nó vào cái khung cảnh tổng thể của cuộc chiến đấu vào lúc bấy giờ với những gian khổ, mất mát, hy sinh triền miên, cái viễn cảnh tuyệt hảo về một xã hội tương lai ấy đã có tác dụng nâng con người lên, giúp chúng ta vượt qua những thử thách tưởng như không thể vượt qua được để tiếp tục cuộc chiến đấu và đưa cuộc chiến đấu đến ngày chung cuộc. Tôi không biết bây giờ trong những bạn bè còn sống của mình có ai, vào một lúc nào đó bỗng chạnh nhớ đến cái giấc mơ thuở đó hay không nhưng bản thân tôi thì không bao giờ quên được: chính giấc mơ ấy đã khuôn nắn nên con người tôi, giúp tôi biết chia sẻ với đồng loại những ưu tư liên hệ đến số phận chung, không lúc nào từ bỏ cái ý muốn đi tìm một chân trời nào đó xa hơn bản thân mình để cuộc sống thường nhật mang được ý nghĩa nhiều hơn cái nó vốn có.
Thưa Quý vị,
Chính với tâm thế đó, tôi và bạn bè đã theo Marx bước vào cuộc thử thách mới khi đất nước giành lại được quyền tự chủ, thuận lợi cho việc tập trung sức mạnh xây dựng tương lai. Chúng tôi không ai ảo tưởng rằng mọi việc sẽ dễ dàng, do đó đã động viên nhau dùng ý chí quyết tâm để vượt qua khó khăn. Tuy vậy mọi chuyện đã diễn ra không suôn sẻ như kỳ vọng: dần dà qua thời gian, những vấp váp, chệch choạc, sai lầm trong thực hiện cứ lặp đi lặp lại triền miên để rồi dần dà dường như đã tích tụ thành một sự cản phá vô hình, nó tác động vào công cuộc xây dựng, đục khoét đến thối rữa chính cái viễn cảnh tốt đẹp mà Marx đã phác hoạ ra cho chúng ta trong những ngày tranh đấu cũ. Không phải chỉ là sự bất lực trong phát triển kinh tế, xã hội khiến đất nước giẫm chân trong lạc hậu, chậm tiến, mà quan trọng hơn nhiều lần là nó dẫn đến tình trạng những chủ thể của đất nước bị làm cho bệ rạc, ích kỷ, tầm thường, ác độc, khác hẳn với sự hình dung của Marx về hình mẫu một con người tự do, biết sống vì người khác bằng văn hoá và sáng tạo ra văn hoá cho xã hội mới. Hàng loạt những câu hỏi gay gắt liên hệ đến bản thân học thuyết Marx đã xuất hiện từ đó. Tại sao chủ nghĩa Marx được xem là học thuyết vừa khoa học vừa nhân đạo, nhưng đưa vào thực tiễn xây dựng lại sản sinh ra những điều trái ngược như vậy? Có phải là do chúng ta đã vận dụng sai những chỉ dẫn của Marx trong thực hành? Phải chăng chủ nghĩa Marx mãi mãi vẫn chỉ là những giấc mơ, tươi đẹp, nhưng bất khả thi, không thể đem vào thực tế để biến thành một phác đồ làm lại thế giới và cải tạo con người?
Dù có cố gắng đi tìm sự yểm trợ của các loại tài liệu tham khảo nhiều nguồn, tôi vẫn lặn ngụp trong nỗi hoang mang do những câu hỏi ấy đặt ra, suốt một thời gian dài. Phải vật vã thật lâu cuối cùng tôi mới nẩy sinh ra được ý định phải gác lại mọi thứ để tập trung vào việc đọc lại hết những tác phẩm của Marx từ đầu cho đến cuối, xem thực sự Marx đã nghĩ gì, hy vọng qua đó tự mình tìm ra được giải đáp cho những câu hỏi trên đây. Thời gian đánh vật với những trước tác của Marx kéo dài có hơn mười năm, rất khó khăn vì lối viết trừu tượng và nặng nề của ông, do đó thường phải đọc đi đọc lại nhiều lần, cọ xát với những cách đọc khác, rồi nghiền ngẫm thật lâu mới lần dò ra phần nào cái ý hướng nền tảng thể hiện qua cái mạch tư duy của ông. Vấn đề “nghiên cứu chủ nghĩa Marx” với tôi như vậy thật sự chỉ là vấn đề đọc Marx để hiểu Marx cho được mà thôi.
Thưa Quý vị,
Kết quả của việc tìm hiểu đó, tôi đã trình bày trong một số bài viết, ở đây không có điều kiện để nói rõ nội dung, nên tôi chỉ xin được nhấn mạnh đến một điểm mấu chốt: học thuyết Marx không phải là một khoa học bao gồm những quy luật tất yếu có thể đem ra thực hiện trong các kế hoạch phát triển, cải tạo xã hội một cách nghiêm ngặt. Những kết luận mang tính cách mạng do Marx đề xuất về mặt thực tiễn, thực sự đã được tạo ra bằng một thứ logic biện chứng về lịch sử đặt nền trên sự tồn tại của hàng loạt những giả định về hiện thực, mà nếu thiếu đi như điều kiện cần và đủ thì những kết luận ấy mãi mãi sẽ chỉ là những giả tưởng, suy đoán mộng mơ; đã như vậy mà cứ nhất quyết đem ra thực hiện cho được trong thực tế thì hệ quả ngược chiều do những kết luận ấy mang lại cho thực tế mới là tất yếu. Có thể do không quan tâm đầy đủ đến tính chất tư biện trong cái logic biện chứng mang tính chất phương pháp luận ấy của Marx, nên những người theo Marx lẫn chống Marx, khi khai thác quá mức những kết luận về thực tiễn của Marx với mục đích bảo vệ hoặc phê phán Marx về mặt chính trị, những người theo hoặc chống Marx đó, theo tôi nghĩ, đã bỏ qua hoàn toàn cái ý nghĩa căn bản, biểu hiện qua toàn bộ những trước tác của ông như một công trình suy tưởng về số phận con người đi xuyên qua các hình thái xã hội lịch sử do chính mình tạo ra như một quá trình phục hồi lại bản chất của mình.
Khai triển đến tận cùng hậu quả của ý nghĩa căn bản này trong những tác phẩm của Marx, tôi thấy tư tưởng của ông phong phú hơn những kết luận thực tiễn về chính trị của ông rất nhiều: nó biểu hiện nơi sự phê phán của ông về quá trình hình thành các hình thái xã hội ở đó những sản phẩm do con người làm ra cuối cùng biến thành những thực thể kỳ bí, huyễn hoặc, làm cho con người đánh mất bản thân trong chính những sản phẩm đó một cách vô ý thức và trở thành những nô lệ vô ý thức cho những sản phẩm đó. Với Marx, những thực thể làm cho con người xa lạ với sản phẩm do mình làm ra, từ đó xa lạ với cả đồng loại của mình, không phải chỉ là một nền sản xuất chạy theo vật chất đơn thuần mà còn bao gồm cả những biểu tượng tinh thần, do một số định chế văn hoá nào đó tạo ra nữa. Chính cái luận điểm về con người bị tha hoá và tự tha hoá trên con đường đi tìm tương lai cho mình đó mới là nội dung nền tảng, tồn tại nơi tầng sâu nhất trong những trang viết của Marx. Những giải pháp chính trị mà Marx đưa ra có thể không đủ sức mạnh hiện thực để đương đầu với cái hiện thực mà ông phê phán nhưng sự cảnh tỉnh của ông về tình trạng con người tự đánh mất bản chất của mình trong những sản phẩm do mình làm ra, dưới nhiều hình thức, đã mang một ý nghĩa triết học sâu sắc, có thể gợi ra cho chúng ta cái ý thức về sự giới hạn mang tính bản thể luận của mình, trước khi nghĩ đến việc tìm ra các giải pháp cứu chuộc trần tục nào khác, cho cái thế gian mình đang sinh sống.
Thưa Quý vị,
Với mấy suy nghĩ thô lậu ấy, tôi xin phép chấm dứt bài phát biểu này và mong được Quý vị đón nhận những điều đã trình bày, không phải là những kết luận chung cuộc về một đề tài nghiên cứu phức tạp mà chỉ như một trang trải riêng tư một món nợ tinh thần đối với một triết gia đã dai dẳng theo tôi suốt một đời, nay vẫn còn dang dở, chưa trả hết.
Một lần nữa xin cám ơn Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh.
Xin cám ơn Quý vị.
http://quyphanchautrinh.org/giai-phan-chau-trinh/ChiTiet/916/nha-nghien-cuu-lu-phuong?nam=67&bc=68
THÔNG TIN KẾT QUẢ
Lễ trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ XI, năm 2018 được diễn ra vào 19h00-21h30, ngày 24/03/2018, tại Khách sạn REX, TP. HCM. Tiếp nối sự thành công của 10 mùa giải trước, mùa giải năm nay thêm một lần nữa đánh dấu chặng đường hoạt động bền bỉ của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa lỗi lạc Phan Châu Trinh (1872 – 1926), được thành lập với sứ mệnh “Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21”.Quỹ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do một nhóm các trí thức tâm huyết với văn hóa của đất nước thành lập.
Việc trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng của Quỹ. Hoạt động này nhằm vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân Văn hoá và Giáo dục Việt Nam.
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và kỳ vọng của xã hội, nhất là tầng lớp trí thức trẻ. Vì thế, tiếp nối những mùa giải thành công trước, Lễ trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh tiếp tục được tổ chức để tôn vinh và trao giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động văn hóa - giáo dục, các nhà khoa học, các dịch giả trong và ngoài nước thuộc bốn lĩnh vực/hạng mục: Giải“Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục”, Giải “Dịch thuật”, Giải “Nghiên cứu"và Giải “Việt Nam học”.
KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG
VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH
(LẦN THỨ XI, NĂM 2018)
VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH
(LẦN THỨ XI, NĂM 2018)
- Giải Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục cho Nhóm dịch sách NHẤT NGHỆ TINH vì đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục công kỹ nghệ.
- Giải Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục cho Nhạc sĩ DƯƠNG THỤ vì đóng góp đặc sắc quảng bá văn hóa và tri thức tinh hoa.
- Giải Nghiên cứu cho Nhà nghiên cứu PHAN CẨM THƯỢNG vì những công trình đặc sắc nghiên cứu văn hóa dân gian.
- Giải Nghiên cứu cho Nhà nghiên cứu LỮ PHƯƠNG vì những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx.
- Giải Dịch thuật cho Dịch giả NGUYỄN TÙNG vì những công trình dịch thuật đặc sắc về nhân học.
- Giải Việt Nam học cho Nhà nghiên cứu DANIEL HÉMERY vì thành tựu đặc sắc về Việt Nam học.
- Giải Việt Nam học cho Nhà nghiên cứu PIERRE BROCHEUX vì thành tựu đặc sắc về Việt Nam học.
----------------------------------------------------------
BÌNH CHỌN & TÔN VINH
DANH NHÂN VĂN HÓA
VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI
DANH NHÂN VĂN HÓA
VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI
Song song cùng với buổi lễ trao Giải thưởng Phan Châu Trinh năm nay, Quỹ chính thức tôn vinh vị danh nhân văn hóa sẽ là nhân vật tiếp theo được vinh danh vào “Dự án Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại” là :
Nhà văn hóa
PHẠM QUỲNH
Đôi dòng về “Dự ánTôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”
Đây là một trong những hoạt động văn hóa thường niên của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh nhằm tri ân và tôn vinh các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại; đồng thời góp phần lưu giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của các danh nhân văn hóa này thông qua các tư liệu/tài liệu mà họ để lại và các tư liệu/tài liệu viết/nghiên cứu về họ.
Đây là nơi cất giữ những phần “hồn” của các danh nhân thông qua việc tập hợp sâu rộng những tư liệu về cuộc đời của danh nhân, các tác phẩm và thành tựu tiêu biểu của danh nhân, những bài viết và nghiên cứu đặc sắc về danh nhân cũng như một số đề xuất nghiên cứu thêm về từng vị danh nhân.
Dự án này được truyền cảm hứng từ Điện Panthéon (Pháp), và chỉ dành cho các danh nhân văn hóa tiêu biểu. Cũng trong Dự án này (được thể hiện qua website www.QuyPhanChauTrinh.org), mỗi danh nhân văn hóa sẽ có một chuyên mục của riêng mình, nơi cất giữ những phần “hồn” của các danh nhân thông qua một tập hợp sâu rộng những tư liệu về cuộc đời của danh nhân, các tác phẩm và thành tựu tiêu biểu của danh nhân, những bài viết và nghiên cứu đặc sắc về danh nhân cũng như một số đề xuất nghiên cứu thêm về từng vị danh nhân.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để có thêm thông tin về Quỹ Phan Châu Trinh và Giải thưởng Phan Châu Trinh,
Quý vị vui lòng truy cập www.QuyPhanChauTrinh.org hoặc liên hệ: Ban thư ký
(cô Thùy Dương, ĐT:0988.588.789, email: BanThuKy@QuyPhanChauTrinh.org)
Quý vị vui lòng truy cập www.QuyPhanChauTrinh.org hoặc liên hệ: Ban thư ký
(cô Thùy Dương, ĐT:0988.588.789, email: BanThuKy@QuyPhanChauTrinh.org)
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
DANH SÁCH CÁC CÁ NHÂN ĐƯỢC VINH DANH TẠI
GIẢI THƯỞNG VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH (2008-2018)
Trải qua 10 mùa giải kể từ mùa giải đầu tiên được diễn ra tại Hà Nội vào năm 2008 đến mùa giải thứ mười một được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh năm 2018, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã vinh hạnh trao tổng cộng 55 Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh cho những cá nhân/ tổ chức xuất sắc có những thành tựu và công trình khoa học đặc biệt thuộc các hạng mục trao giải, cụ thể như sau:
- Giải Tinh hoa Giáo dục Quốc tế: 03 giải
(Lưu ý: từ năm 2010, giải thưởng “Tinh hoa giáo dục quốc tế” chính thức
đượcthay bằng giải thưởng mang tên “Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục”)
đượcthay bằng giải thưởng mang tên “Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục”)
- Giải Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục: 14 giải
- Giải Dịch thuật: 12 giải
- Giải Nghiên cứu: 13 giải
- Giải Việt Nam học: 13 giải
Đồng thời, “Dự án Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”, do Quỹ Phan Châu Trinh khởi động từ năm 2015, đã chọn ra và tôn vinh được 06 Danh nhân văn hóa đầu tiên.
KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG CỦA TỪNG NĂM NHƯ SAU:
Năm 2008
- Giải Tinh hoa Giáo dục Quốc đã được trao cho Nhà nghiên cứu Triết học BÙI VĂN NAM SƠN với dịch phẩm Phê phán lý tính thuần túy của triết gia Đức Immanuel Kant, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2004.
Năm 2009
- Giải Tinh hoa giáo dục Quốc tế (2 giải) được trao cho Dịch giả PHẠM ANH TUẤN với bản dịch Dân chủ và giáo dục của John Dewey, và Nhóm dịch giả LÊ HỒNG SÂM, TRẦN QUỐC DƯƠNG với bản dịch Émile hay là về giáo dục của Jean-Jacques Rousseau.
- Giải Việt Nam học (2 giải) được trao cho Giáo sư DAVID MARR (Australia) và Giáo sư SAKURAI (Nhật Bản).
- Giải Nghiên cứu được trao cho Học giả NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU.
Năm 2010
- Giải Giáo dục được trao cho Nhà giáo dục HỒ NGỌC ĐẠI.
- Giải Dịch thuật (2 giải) được trao cho Dịch giả PHẠM VĨNH CƯ với dịch phẩm Siêu lý tình yêucủa triết gia Nga Soloviev, và Dịch giả LÊ ANH MINH với dịch phẩm Lịch sử triết học Trung Hoa của Phùng Hữu Lan.
- Giải Nghiên cứu được trao cho Nhà nghiên cứu INRASARA PHÚ TRẠM vì các công trình nghiên cứu văn học Chăm.
- Giải Việt Nam học trao cho Nhà dân tộc học GEORGES CONDOMINAS (Pháp).
Năm 2011
- Giải Giáo dục được trao cho Giáo sư HOÀNG TỤY.
- Giải Nghiên cứu được trao cho Nhà nghiên cứu Văn bản học LẠI NGUYÊN ÂN.
- Giải Dịch thuật (2 giải) được trao cho Dịch giả PHẠM VĂN THIỀU với các dịch phẩm phổ biến kiến thức khoa học và Dịch giả NGUYỄN ĐÔN PHƯỚC với các dịch phẩm phổ biến kiến thức kinh tế học.
- Giải Việt Nam học (2 giải) được trao cho Giáo sư KEVIN BOWEN (Hoa Kỳ) và Tiến sĩ IVO VASILJEV (Czech).
Năm 2012
- Giải Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục được trao cho Ông NGUYỄN SỰ.
- Giải Dịch thuật được trao cho Dịch giả NGUYỄN VĂN KHOA, quyển Đối thoại Socratic 1, Plato.
- Giải Nghiên cứu (2 giải) được trao cho Nhà nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam TRẦN VĂN KHÊ và Nhà nghiên cứu Văn học Hán - Nôm NGUYỄN THẠCH GIANG.
- Giải Việt Nam học (2 giải) được trao cho Ông ALAIN RUSCIO và Ông POZNER PAVEN VLADIMIROVICH.
Năm 2013
- Giải Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục (2 giải) được trao cho Bà BÙI TRÂN PHƯỢNG, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen và Ông VŨ ĐỨC HIẾU, Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường.
- Giải Dịch thuật (2 giải) được trao cho Ông CHU TIẾN ÁNH và Ông PHẠM DUY HIỂN (bút danh PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG).
- Giải Nghiên cứu cho Giáo sư LÊ THÀNH KHÔI, Việt kiều tại Pháp.
- Giải Việt Nam học cho Giáo sư PHILIPPE LANGLET, nhà sử học.
Năm 2014
- Giải Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục (2 giải) được trao cho: Ông THOMAS J. VALLELY, Nhạc sĩ LƯ NHẤT VŨ và Nhà thơ LÊ GIANG.
- Giải Dịch thuật được trao cho: Giáo sư NGÔ ĐỨC THỌ.
- Giải Nghiên cứu được trao cho: Nhà nghiên cứu Sử học TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG.
Năm 2015
- Giải Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục (2 giải) được trao cho: Nhạc sư NGUYỄN VĨNH BẢO, Nhà giáo PHẠM TOÀN và nhóm CÁNH BUỒM.
- Giải Dịch thuật được trao cho:Dịch giả NGUYỄN NGHỊ.
- Giải Nghiên cứu được trao cho Nhà nghiên cứu PHẠM HOÀNG QUÂN.
- Giải Việt Nam học trao cho: Giáo sư KEITH WELLER TAYLOR.
Các vị Danh nhân văn hóa đầu tiên được vinh danh là“Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”:
+ Danh nhân văn hóa TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-1898)
+ Danh nhân văn hóa PHAN CHÂU TRINH (1872 - 1926)
+ Danh nhân văn hóa PHAN BỘI CHÂU (1867 - 1940)
Năm 2016
- Giải Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục (2 giải) được trao cho: Giáo sư TRỊNH XUÂN THUẬN và Giáo sư PIERRE DARRIULAT.
- Giải Dịch thuật được trao cho: Giáo sư ĐÀO HỮU DŨNG (bút hiệu: Nguyễn Nam Trân).
- Giải Nghiên cứu được trao cho Nhà nghiên cứu NGUYỄN NGỌC LANH.
- Giải Việt Nam học trao cho: Giáo sư PETER ZINOMAN.
Vị Danh nhân văn hóa thứ 4 được vinh danhlà“Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”:
Danh nhân văn hóa NGUYỄN VĂN VĨNH (1882-1936)
Danh nhân văn hóa NGUYỄN VĂN VĨNH (1882-1936)
Năm 2017
- Giải Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục được trao cho: Giáo sư CAO HUY THUẦN.
- Giải Dịch thuật được trao cho: Dịch giả NGUYỄN HỒNG NHUNG.
- Giải Nghiên cứu (2 giải) được trao cho Giáo sư TRỊNH VĂN THẢO và Giáo sư TRẦN ĐÌNH SỬ
- Giải Việt Nam học trao cho: Giáo sư ALEXANDER WOODSIDE.
Vị Danh nhân văn hóa thứ 5 được vinh danh là“Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”:
Danh nhân văn hóa PHAN KHÔI (1887-1959)
Danh nhân văn hóa PHAN KHÔI (1887-1959)
Năm 2018
- Giải Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục (2 giải) được trao cho: NHÓM DỊCH SÁCH NHẤT NGHỆ TINH và Nhạc sĩ DƯƠNG THỤ
- Giải Dịch thuật được trao cho: Dịch giả NGUYỄN TÙNG
- Giải Nghiên cứu (2 giải) được trao cho Nhà nghiên cứu LỮ PHƯƠNG và Nhà nghiên cứu PHAN CẨM THƯỢNG
- Giải Việt Nam học (2 giải) trao cho: Nhà nghiên cứu DANIEL HÉMERY và Nhà nghiên cứu PIERRE BROCHEUX
- Vị Danh nhân văn hóa thứ 6 được vinh danh là“Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”:
Danh nhân văn hóa PHẠM QUỲNH (1893-1945)
http://quyphanchautrinh.org/tin-tuc-su-kien/ChiTiet/927/thong-tin-ket-qua-le-trao-giai-van-hoa-phan-chau-trinh-lan-thu-xi-nam-2018Danh nhân văn hóa PHẠM QUỲNH (1893-1945)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.