Đường lên Hạ Lang đến bây giờ, năm 2017, nhìn chung vẫn là khó hơn so với một số tuyến, như thấy trong kí sự đầu năm nay của Mai Thanh Hải (xem toàn văn ở dưới đây). Huống chi là mấy trăm năm trước, khi nhà Mạc còn thực quyền cai quản Cao Bằng từ khoảng năm 1600 đến khoảng năm 1680, gần một thế kỉ.
Mình thì thường đóng đô ở Quảng Uyên, và tranh thủ đi các huyện khác. Có khi đi rong ruổi, xuyên huyện nọ sang huyện kia. Nên với mình, Hạ Lang chỉ có một chút khó đi mà thôi. Cảm giác của mình khác với cảm giác của cánh nhà báo.
Dưới là của nguyên Mai Thanh Hải, từ Thanh Niên.
---
Ngang qua Hạ Lang
Đường từ TT. Thanh Nhật (Hạ Lang) lên xã biên giới Quang Long
Vùng đất cách TP.Cao Bằng gần 80 km vẫn hoang sơ, tinh khiết hoa tam giác mạch trắng, trạng nguyên đỏ rực, dã quỳ vàng tươi... không ai tìm đến, mà có đến rồi, cũng chỉ dám chạy ngang qua.
“Trong 33 huyện, thị của 7 tỉnh biên giới phía bắc, duy nhất H.Hạ Lang (Cao Bằng) có hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng cơ bản và được xem là khó khăn nhất cả nước”, Phó bí thư Huyện ủy Hạ Lang Hoàng Văn Hải nói.
Thị trấn lòng suối
Bằng là lái xe của Tỉnh đoàn Cao Bằng có thâm niên vài chục năm chạy mòn các tuyến đường trong và ngoài tỉnh, thế nhưng khi nhắc đến Hạ Lang là so vai, lè lưỡi: “Đi đường ấy là ngại nhất” và diễn giải: Con đường chính từ TP.Cao Bằng lên Hạ Lang là tỉnh lộ 207 dài gần 80 km, nhưng đường này lâu lắm rồi ít ai dám đi vì đoạn 50 km từ Quảng Uyên đến Hạ Lang không khác gì đường Trường Sơn ngày xưa. Người ta thường đi vòng lên Trùng Khánh - Đàm Thủy theo tỉnh lộ 206 rồi xuống Hạ Lang cho dễ đi, mặc dù xa gấp đôi, gần 160 km. Tôi bảo: “Trâu bò đi được thì người đi được”, khiến Bằng cười: “Để em đổi xe gầm cao. Mấy năm rồi cũng không quay lại con đường này”.
Từ Quảng Uyên, con đường 207 bắt đầu lên Hạ Lang rất dễ nhận ra bởi khớp nối bê tông nham nhở nối với mặt đường 206 mặt nhựa phẳng lì, nhìn như thể đường vào một thôn bản như hàng vạn thôn bản nằm dọc biên giới. Quăng quật, gầm gào vượt qua hết thảy ổ voi, vũng lầy, đường đất trơn tuột, vòng cua lởm chởm đá cục và hiếm hoi lắm mới thấy xe máy hì hục đồng hành... Gần 3 tiếng đồng hồ chúng tôi cũng vượt qua quãng đường gần 50 km, ngẩn ngơ trước cổng chào làm bằng ống sắt, phía trên treo pano màu đỏ bạc phếch bụi đất, nhìn theo tay chỉ của Bằng về dãy nhà cấp 4 lúp xúp gỗ cũ: “Trung tâm H.Hạ Lang đấy. TT.Thanh Nhật”.
Ông Hoàng Văn Hải, Phó bí thư Huyện ủy Hạ Lang lý giải: “Nằm trong số 62 huyện nghèo trong cả nước bởi địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới có 3 mặt giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Duy nhất phía tây giáp với 3 huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hòa của tỉnh” và tỉ mẩn: Diện tích tự nhiên cả huyện khoảng 463,35 km2 chia cho số dân của huyện hơn 25.000 người, thì 1 người dân trong huyện có khoảng 18.000 m2 đất...
|
Đất rộng, người thưa nên số lượng học sinh đến lớp lèo tèo. Thiếu tá Phạm Văn Hoan, chính trị viên phó của Đồn biên phòng (BP) Quang Long kể: Dự khai giảng đầu năm học mới của cả xã, đến phần đón các cháu lớp 1 chỉ thấy lèo tèo hơn chục học sinh. Hai xã Quang Long, Việt Chu tiếng là đông dân nhất huyện nhưng số học sinh mầm non, tiểu học mỗi xã cũng chỉ vừa tròn 200 em, không đủ để lập trường bán trú... Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Bằng bật cười: “Đường sá xuống cấp, hạ tầng tối thiểu không đảm bảo, ai mà dám sinh” và dẫn tôi đi tham quan khắp thị trấn, bảo: “Tụi em gọi là thị trấn lòng suối vì cứ sau mưa, đá tảng nhô lên lổn nhổn khắp mặt đường, như dưới suối”.
Cả thị trấn không có một cột đèn đường, tối đến ánh sáng hắt ra từ những ngôi nhà thấp lè tè, từ nhà xây cấp 4 đến nhà tranh tre nứa lá, khiến mặt đường tối sầm lại. Gần trưa, vào làm việc với Huyện đoàn, Bí thư Triệu Thị Hồng Hạnh, 30 tuổi, vừa nói chuyện vừa liên tục gọi điện, hỏi ra mới biết: Phải tìm chỗ đặt cơm trưa cho khách. Ở Hạ Lang, nếu không gọi điện thông báo trước, khách xa đến thăm chỉ có nước nhịn đói vì lèo tèo vài quán ăn bán theo cảm hứng. Hôm nào có hội nghị hoặc khách tỉnh nhiều, khách vãng lai đi qua huyện không có cơ hội ăn uống trong quán vì... hết chỗ, hết cơm.
“Trường Sa trên cạn”
Đồn BP Quang Long, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội BP Cao Bằng nằm lưng chừng núi Sa Lê của xã Quang Long, nằm giữa ngờm ngợp hoa trạng nguyên đỏ bừng và dã quỳ vàng rực. Lãng mạn và nên thơ là thế, nhưng ít ai biết Quang Long được ví như “Trường Sa trên cạn” trong các đồn BP của tỉnh bởi đóng quân trên khu vực núi đá, thiếu thốn từ nắm đất cho đến giọt nước. Đại úy Nguyễn Đình Tự, đồn phó quân sự chỉ vườn tăng gia mướt mát rau xanh, kể: Bộ đội phải đi bộ gần chục ki lô mét xin từng bao đất ruộng của dân để trải thành vườn trồng rau. Được mấy vụ, bướm rừng kéo nhau ra đẻ trứng sinh sâu khiến vườn rau bị phá nát, lại phải trích tiền lương mua lưới bảo vệ cả vườn rau. “Anh nào lười lấy đất, đến bữa cho ăn cơm với thịt, vài ngày là kêu oai oái, tự động vác đất như thường”, Tự nói vui.
Khổ nhất là tình trạng thiếu nước. Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, chế độ tiết kiệm nước được thực hiện toàn đơn vị. Liên tục 24/7 anh em thay nhau trực bơm, kiểm tra đường nước y như trực chiến. Thiếu tá Phạm Văn Hoan tiết lộ: Có khi cả chục ngày đường cấp nước nhường hết cho dân, bộ đội chỉ dám sử dụng nước ngọt cho việc nấu ăn và đánh răng rửa mặt tối thiểu.
Vất vả từ cuộc sống thường nhật cho đến sự cô độc xa dân, nhưng Quang Long luôn được đánh giá là đơn vị kiên cường trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới. Ông Nông Quang Lập, nguyên Đồn phó BP Quang Long kể: Ngày 20.11.1986, Đồn BP Quang Long được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền suốt chiều dài 15,5 km thuộc địa bàn 2 xã Quang Long, Việt Chu. Thời điểm ấy, phía Trung Quốc tiến hành các thủ đoạn nhằm móc nối vào nội bộ ta, tổ chức cho dân các xóm sát biên mở rộng khu vực xâm canh, khi ta đấu tranh phản đối thì họ đe dọa, khiêu khích... Nhiều chiến sĩ BP tiếng là công tác ở đồn nhưng cả năm mới về doanh trại 1 - 2 lần bởi phải ăn ngủ ở từng góc rừng, bờ suối để chống lấn chiếm, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bảo vệ chủ quyền. Đặc biệt ở những điểm Trung Quốc xâm canh sâu vào đất ta (Lũng Vin, Bản Kiểng, Lũng Phặc...), bộ đội BP cùng người dân ăn ngủ bên bờ ruộng và đấu lý, đấu trí, đấu tình, kịp thời phản đối, ngăn chặn những hành động vi phạm của phía Trung Quốc...
Đầu tháng 12.2008, nhóm phân giới cắm mốc số 9 VN - Trung Quốc đã tiến hành cắm xong mốc 882 tại khu vực Lũng Phặc. Đây là mốc được cắm cuối cùng trên tuyến biên giới VN - Trung Quốc đoạn biên giới Đồn Quang Long quản lý nên công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên tình hình an ninh trật tự cũng diễn biến hết sức phức tạp.
Ở Hạ Lang tôi nghe chuyện kỳ họp mới đây của tỉnh, các huyện đồng loạt kêu “đừng bỏ quên Hạ Lang” nhưng tỉnh cũng không dám hứa vì chưa tìm ra nguồn đầu tư, mới thấm thía: Vùng đất cách TP.Cao Bằng gần 80 km nhưng vẫn hoang sơ, tinh khiết hoa tam giác mạch trắng, trạng nguyên đỏ rực, dã quỳ vàng tươi trên các triền đồi, dọc đường đi... cũng chỉ vì không ai tìm đến, mà có đến rồi, cũng chỉ dám chạy ngang qua.
Nỗi buồn bị lãng quên
Việc xây dựng cơ bản ở các xã trong huyện nhiều năm nay đội giá gấp nhiều lần so với các huyện thị trong tỉnh do việc vận chuyển vật liệu xây dựng quá tốn kém. Hiện tại, giá 1 m3 cát xây dựng lên đến 1,5 triệu đồng và đa số cát được đưa từ Trung Quốc với đơn vị tính là... bao tải. Giá thành xây dựng cao nên đa số người dân xay đá trộn với xi măng làm chất gắn kết, dựng những ngôi nhà thấp lè tè, rất nguy hiểm. Phó bí thư Huyện ủy Hạ Lang Hoàng Văn Hải thở dài: Đường sá ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Bao năm dân Hạ Lang chịu khổ, chịu nhịn bảo vệ đường biên mốc giới, nhưng cứ tụt hậu vì đường sá thế này, lãnh đạo chúng tôi có về nghỉ cũng chẳng yên...
|
http://thanhnien.vn/thoi-su/ngang-qua-ha-lang-779477.html
---
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Văn nghệ Thứ Bảy : sáng tạo ở vùng biên viễn, lễ hội Thác Bản Giốc lần thứ nhất
- Câu chuyện thác Bản Giốc - 7 (về 15.000km2 trong tư liệu của Ngân hàng Thế giới)
- Thác Bản Giốc : Khánh thành chùa, rồi là khai trương khu nghỉ dưỡng
- Bên dòng thác kia, sắp có ngôi chùa mới Phật Tích Trúc Lâm
- Câu chuyện thác Bản Giốc - 6 (chuẩn bị khánh thành chùa Phật Tích Trúc Lâm, và khu nghỉ dưỡng)
- Câu chuyện thác Bản Giốc - 7 (về 15.000km2 trong tư liệu của Ngân hàng Thế giới)
- Thác Bản Giốc : Khánh thành chùa, rồi là khai trương khu nghỉ dưỡng
- Bên dòng thác kia, sắp có ngôi chùa mới Phật Tích Trúc Lâm
- Câu chuyện thác Bản Giốc - 6 (chuẩn bị khánh thành chùa Phật Tích Trúc Lâm, và khu nghỉ dưỡng)
- Bản Giốc chờ ngày cất cánh (bài nhóm Đỗ Hùng, 2011)
- Câu chuyện thác Bản Giốc - 3 (bài nói của Trần Công Trục, 2013)
- Câu chuyện thác Bản Giốc - 3 (bài nói của Trần Công Trục, 2013)
- Câu chuyện thác Bản Giốc - 2 (bài Mai Thái Lĩnh 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.