Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/10/2017

Ngoại cảm tìm di cốt, và một tư liệu đương thời về Nguyễn Đức Cảnh

Nhà ngoại cảm đã tìm được di cốt của chí sĩ cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, và phía chính quyền địa phương đã lập đền thờ tại vị trí tìm được đó. Đã đi cụ thể mấy năm trước, ở đây (tháng 11 năm 2013), hay ở đây. Nhiều bài báo gần đây đã bị phi tang hoàn toàn (bị chủ động xóa bỏ toàn bộ).

Bây giờ là một tư liệu cũ về cái chết của cụ Cảnh. Tư liệu đương thời. Tựa như hoàn toàn khác với thông tin chính thức hiện nay.

Lấy nguyên về từ Fb Bảo Thư (cả ảnh và cả văn).

Nếu có bổ sung thì sẽ đưa xuống dưới.

---
"


"

"
Bảo Thưさんが写真2件を追加しました。
1時間

"Tháng 11.1931, thực dân Pháp mở tòa đại hình, kết tội tử hình Nguyễn Đức Cảnh. Trong xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn tập trung sức để viết cuốn “Công nhân vận động”. Ngày 30.7.1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về Hải Phòng và sáng 31.7.1932, chúng đã thi hành bản án tử hình đồng chí cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân trước cửa đề lao Hải Phòng.".

Đó là một đoạn trong bài viết " Nén tâm nhang tưởng nhớ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh" đăng trên Báo Lao động bản điện tử đăng ngày 30/7/2016. Tuy nhiên "Lật trang báo cũ" số ngày 21 Mai 1931 thì đọc được liên tiếp hai tin này. Bỏ qua thứ ngôn ngữ và đại từ nhân xưng mang nặng yếu tố chính trị thì phát hiện ra chi tiết sau:

- Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị giặc xử chém ngày 31/7/1932 theo Thông tin chính thống hiện nay. 

Và:

- Người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh đã tự tử (cho tay vào máy điện và cắn lưỡi tự tử) theo thông tin trên báo ngày 21/5/1931.


Vậy đâu là sự thật? Nếu tờ báo năm 1931 kia là đúng thì nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng phải tìm được hài cốt thiếu xương hai tay mới đúng là mộ của Nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh.
"
https://www.facebook.com/havu.hoang.16/posts/1022376284570943



---







BỔ SUNG



Năm 2007, Báo Thái Bình





Năm 2007

Năm 2009 


Năm 2016


Năm 2017

Năm 2017
Phối cảnh (bản vẽ năm 2017)


Ngày 3/2/2018


Ngày 3/2/2018


---

.

6. Ngày 3/2/2018



Xây dựng khu tưởng niệm bí thư đầu tiên của Hải Phòng


Xây dựng khu tưởng niệm bí thư đầu tiên của Hải Phòng
(PLO)- Sáng 3-2, UBND TP Hải Phòng tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Nhà tưởng niệm nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, một trong những lãnh tụ cách mạng đầu tiên của đất nước.
Khu nhà tưởng niệm ông được xây dựng tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Diện tích toàn khu là 3,04 ha với tổng mức đầu tư 110 tỉ đồng.
Nguyễn Đức Cảnh là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); là ủy viên Ban Chấp hành kỳ bộ Bắc kỳ và bí thư Tỉnh bộ “Thanh niên” Hải Phòng. Ông là người thành lập tổ chức Đảng đầu tiên ở Hải Phòng.

Một phần khu nhà tưởng niệm nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh.
Với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ TP Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh đã cùng với những đảng viên khác bắt tay vào xây dựng tổ chức chính trị của giai cấp công nhân, đem đường lối của chủ nghĩa Mác-Lênin vào Hải Phòng. TP Hải phòng cũng là nơi ông hy sinh anh dũng.
Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ, Đảng bộ TP Hải Phòng đã đồng ý cho gia đình nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh cùng với Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình tổ chức tìm kiếm hài cốt ông. Và cùng năm đó thì tìm thấy.
Khu vực tìm thấy mộ trở thành khu dự án xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Nguyễn Đức Cảnh hiện nay.
Việc xây dựng khu nhà tưởng niệm nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh là hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (2-2-1908).
HẢI ĐƯỜNG

http://plo.vn/thoi-su/xay-dung-khu-tuong-niem-bi-thu-dau-tien-cua-hai-phong-754448.html





5. Ngày 3 tháng 2 năm 2018



Thứ Bảy, 3/2/2018 15:53 GMT+7

(PLO) - Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã được khởi công xây dựng tại khuôn viên Công ty cổ phần Giầy Thống Nhất xã An Đồng, huyện An Dương, Tp Hải Phòng. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau và là hoạt động  thiết thực kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Xây dựng nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Hải Phòng
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, sáng lập Tổng Công hội Đỏ (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng.
Với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hải Phòng, trong những năm tháng khó khăn, đồng chí đã cùng với những đảng viên khác bắt tay vào xây dựng tổ chức chính trị của giai cấp công nhân, đem đường lối của chủ nghĩa Mác – Lenin vào Hải Phòng, giác ngộ tầng lớp công nhân và quần chúng Hải Phòng về lý tưởng giành độc lập cho đất nước, xây dựng XHCN mới và anh dũng hy sinh tại Thành phố Hải Phòng. 
Năm 2007, sau khi tìm được hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân sau 75 năm bị giặc Pháp xử chém, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo vận động nguồn lực xã hội hóa, xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân tại khuôn viên Công ty cổ phần Giầy Thống Nhất (là nơi tìm ra hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân) thuộc xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Công trình được khởi công ngày 24/8/2008 và hoàn thành ngày 10/5/2009, do Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng quản lý.
Sau hơn 08 năm đưa vào hoạt động, Nhà tưởng niệm đã trở thành địa chỉ đỏ của thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tuy nhiên, khuôn viên Nhà tưởng niệm có diện tích  là 1.370m2,  không có bãi đỗ xe, nơi đón tiếp khách, địa điểm trồng cây lưu niệm, khu trưng bày, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, công nhân lao động, nhà vệ sinh chung. Nhà tưởng niệm hiện nay còn là nơi thờ chung cả đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Hồ Ngọc Lân, các anh hùng liệt sỹ và đồng bào bị chết trong chiến tranh. 
Xuất phát từ nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, đội ngũ công nhân lao động thành phố, theo đề nghị của Thành ủy Hải Phòng và Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại khuôn viên Công ty cổ phần Giầy Thống Nhất và giao cho Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng làm chủ đầu tư. 
Theo đó, Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh được xây dựng trên khuôn viên rộng trên 3ha do Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Úc là nhà thầu thi công được khởi công xây dựng từ 3/2/2018 và dự kiến khánh thành vào quý III năm 2018. Công  trình Nhà tưởng niệm bao gồm các hạng mục: Cổng chính, cổng phụ, nhà bảo vệ, Ki-ốt dịch vụ, khu kỹ thuật, hồ sen, đền thờ, tả vu (soạn lễ), hữu vu (nhà trưng bày truyền thống), nhà bia, tứ trụ, bình phong, cột cờ, chòi cảnh quan, lầu hóa sớ, nhà làm việc Ban quản lý, miếu thờ Bà chúa Nam Phương, sân vườn tổng thể (bãi đỗ xe, vườn cây lưu niệm, giả sơn...) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Tổng mức đầu tư cho công trình trên là 110.233.000.000 đồng ( không kể chi phí giải phóng mặt bằng) bằng nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, giai đoạn 1 đã nhận được trên 90 tỷ đồng từ các nhà tài trợ là những doanh nghiệp lớn trên địa bàn như Tập đoàn Sungruop, Vingroup, Cty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định, việc xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một hành động  thiết thực, có ý nghĩa vô cùng to lớn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta đối với những người có công với đất nước, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ sau này.
Thảo Nguyên
http://baophapluat.vn/thoi-su/xay-dung-nha-tuong-niem-dong-chi-nguyen-duc-canh-tai-hai-phong-378809.html


4. Đầu năm 2018



Thứ 6, 02.02.2018 | 09:30:52

 23 lượt xem
Hành trình đi tìm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Chủ tịch Tổng Công hội đỏ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay), Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng đã khép lại với thành công ngoài mong đợi. Sau 65 năm xa xứ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trở về đất mẹ. Câu chuyện đi tìm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là kỷ niệm không bao giờ quên với những người tâm huyết, trách nhiệm và vinh dự tham gia hành trình tri ân ấy.
Tin lễ dâng hương và tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đăng tải trên Báo Thái Bình năm 2007.

Những ngày này, cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018). 
Tôi tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Đoán, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, người “tổng chỉ huy” cuộc tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đã thành lệ, cứ vào ngày 30/7 hàng năm, vợ chồng ông Đoán lại sắp lễ giỗ tưởng nhớ, tri ân đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân - hai người con ưu tú của Đảng đã hiên ngang bước lên máy chém, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Ông Đoán còn nhớ như in những ngày đi về Thái Bình - Hải Phòng cùng cán bộ cơ quan công đoàn tỉnh và thành phố Hải Phòng chắp mối từng tư liệu liên quan đến nơi thực dân Pháp xử chém và nơi an táng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Khi mọi thông tin đã trùng khớp, cuộc tìm kiếm bắt đầu.
Ông Đoán chia sẻ: Trước khi cuộc tìm kiếm diễn ra, thành phố Hải Phòng đã tổ chức tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nhưng không thành công. Ở Thái Bình, các thế hệ lãnh đạo địa phương và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trước đó đã có nguyện vọng tìm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh để thỏa nỗi niềm của công đoàn các cấp, nhân dân và người thân của đồng chí nhưng chưa thực hiện được. Đến khi tôi làm Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, tôi và các đồng chí trong Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã đề xuất nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh, quyết tâm tìm hài cốt đồng chí. Cấp ủy, chính quyền, LĐLĐ thành phố Hải Phòng cũng thể hiện quyết tâm phối hợp tìm kiếm.
Theo các tài liệu, hành trình tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bắt đầu từ ngày 4/3/2007 và có kết quả vào ngày 19/9/2007. Để tìm được nơi an táng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, LĐLĐ tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng đã tổ chức 5 cuộc hội thảo khoa học. Qua hội thảo mới “soi” lại quãng đường sau khi hai cụ bị chém rồi đem xác đi như thế nào cũng như tìm ra các địa điểm, địa danh ở Hải Phòng trong thời kỳ đó. Từ đó, xác định được nơi an nghỉ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại khu vực Công ty Giày da Thống Nhất, huyện An Dương (thành phố Hải Phòng). 
Theo ông Đoán, trong các nguồn tư liệu lịch sử ghi chép lại, sau ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thành lập Đảng bộ thành phố Hải Phòng và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy, sau đó được Trung ương phân công giữ cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương điều vào tham gia Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 4/1931, đồng chí bị địch bắt khi đang trên đường đi công tác, sau đó bị địch kết án tử hình. Ngày 31/7/1932, thực dân Pháp vội vã và hèn hạ thực thi bản án tử hình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thành phố Hải Phòng cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân. Khi đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mới 24 tuổi.
Nơi tìm thấy thi hài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân.
Sau bao năm vật đổi sao dời, cảnh cũ người xưa không còn đặt ra những thách thức lớn trong công tác tìm kiếm. Ông Đoán nhớ lại: Chúng tôi không còn nhớ bao lần ra Hải Phòng để làm việc với LĐLĐ thành phố. Bất cứ khi nào có thông tin mới phía bạn cung cấp là chúng tôi lên đường. Thời gian đó, đồng chí Chánh văn phòng và đồng chí Phó Chánh văn phòng LĐLĐ tỉnh được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phân công ở lại Hải Phòng trực tiếp điều hành việc tìm kiếm. Ai cũng mong muốn sớm tìm thấy và đưa đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về quê hương.
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình), ông Trần Chất Vấn, nguyên Chánh văn phòng LĐLĐ tỉnh say sưa kể cho tôi nghe những kỷ niệm về hành trình tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Khi ấy, mỗi địa danh, con đường ở huyện An Dương ông đều thuộc như lòng bàn tay. 
Ông Vấn tâm sự: Giai đoạn tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng là khoảng thời gian LĐLĐ tỉnh nhiều việc như xây dựng 130 căn hộ cho công nhân và nhà để xe 300 chỗ, các công việc chuyên trách như bảo vệ quyền lợi người lao động, tổ chức các phong trào thi đua... vẫn phải thực hiện. Mặc dù vậy, anh em trong LĐLĐ tỉnh vẫn thể hiện quyết tâm vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên vừa tích cực tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tất cả công việc trong cơ quan được phân công cụ thể. Với tôi, được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh giao trực tiếp tham gia đoàn tìm kiếm vừa thấy mình thật vinh dự nhưng cũng cảm thấy trách nhiệm nặng nề, quyết tâm phải hoàn thành tốt.
Mỗi cuộc hội thảo, mỗi lần gặp gỡ nhân chứng, người dân hay khảo sát ở các nơi có thể là khu vực an táng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ông Vấn lại ghi chép tỉ mỉ vào cuốn sổ tay để tiện báo cáo cấp trên. Với ông, cảm xúc khi tìm thấy hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Khi ấy, tất cả mọi người trong đoàn tìm kiếm đều khóc òa vì sung sướng. Vậy là sau bao năm vùi trong lòng đất lạnh lẽo, cuối cùng, ý nguyện của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, các thế hệ cán bộ, nhân viên cơ quan công đoàn các cấp đã trở thành hiện thực. 
Ông Vấn nhớ lại: Khi xác định được khu vực an táng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, chúng tôi tổ chức họp với lãnh đạo Công ty Giày da Thống Nhất để chọn ngày, giờ tìm, đưa đồng chí về quê. Khu vực ấy cây cỏ rậm rạp phải cho người phát quang sạch sẽ. Ngày 19/9/2007, đoàn tìm kiếm bắt đầu tìm kiếm nhưng mọi người đào rất sâu mà không thấy tiểu, dùng cả thuốn xuống lòng đất nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nhưng cuối cùng thì đoàn đã tìm thấy được hai cái tiểu nằm úp ngược, lật lên là hai bộ hài cốt không có đầu..., có thể đây chính là hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân. Sau đó, hài cốt được xử lý, chuyển đến nhà tang lễ Quân khu 3 để bảo quản theo quy định.
Theo ông Đoán và ông Vấn, mặc dù hành trình tìm kiếm khép lại với kết quả tốt nhưng chuỗi ngày chờ đợi kết quả giám định ADN để khẳng định chắc chắn đó là hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân lại là thời gian áp lực nhất. Ông Đoán kể: Trung ương đã quyết định cho giám định ADN ở Viện Khoa học pháp y quân đội. 56 ngày đêm hồi hộp canh giữ di hài là chuỗi thời gian chúng tôi được đón tiếp, chứng kiến tình cảm của mọi người ở khắp mọi miền Tổ quốc khi biết tin đến viếng. Và rồi, việc giám định cho kết quả đúng như mong đợi của tất cả mọi người.
Hành trình tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khép lại với cái kết có hậu. Người con ưu tú của quê hương đã yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ. Ở nơi đây vẫn còn lưu lại nếp nhà quê, vẫn vấn vương vị mặn mòi của biển, mãi ru giấc ngủ ngàn thu người chiến sĩ cộng sản kiên trung. 
Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện dự án mở rộng, tu bổ, tôn tạo Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Thành, sinh năm 1936 ở khu 3, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) không khỏi bồi hồi xúc động: Chúng tôi luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương Diêm Điền. Việc tìm kiếm hài cốt đồng chí cũng như việc trùng tu, tôn tạo, mở rộng Khu lưu niệm là việc làm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, xứng tầm với công lao to lớn của đồng chí. Chúng tôi là thế hệ hậu bối, nguyện hứa tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, giáo dục con cháu hiểu về những giá trị lịch sử của dân tộc, quyết tâm xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc mãi mãi trường tồn.
Tất Đạt  
http://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/62637/hanh-trinh-dua-dong-chi-nguyen-duc-canh-ve-dat-me


3. Năm 2017, tin mới từ các nơi


Cập nhật lúc 08:38 10/05/2017 (GMT+7)
Phối cảnh Khu tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh khi hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng. 
Ngày 9.5, LĐLĐ TP.Hải Phòng phối hợp với UBND TP.Hải Phòng tổ chức lấy ý kiến tham gia phương án quy hoạch mặt bằng các hạng mục của Dự án Đầu tư, nâng cấp, mở rộng khuôn viên Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng. 
Chủ trì hội nghị là ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng - cùng các lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng và các đơn vị liên quan.
Theo ông Phạm Hữu Thư - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng: Toàn bộ Nhà tưởng niệm hiện nay chỉ có hơn 2.000m2, trong đó 1.370m2 là sân, đền, còn lại là cổng vào. Do khuôn viên chật hẹp, không có chỗ để xe, nơi đón tiếp khách và sắp lễ, không có nơi trưng bày và tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, việc bố trí cho các đoàn đến dâng hương còn nhiều bất cập. Thêm vào đó, xung quanh Nhà máy giày Thống Nhất có nhiều đơn vị thuê mặt bằng, gây nhiều khói bụi, tiếng ồn. Vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và mở rộng Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân là việc làm cần thiết.
Tại buổi làm việc của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường với lãnh đạo thành phố Hải Phòng hồi cuối tháng 2.2017, hai bên đã thống nhất chủ trương nâng cấp, mở rộng Nhà tưởng niệm Nguyễn Đức Cảnh để xứng tầm với vai trò của một lãnh tụ Đảng Cộng sản và lãnh tụ của giai cấp công nhân Việt Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện Cty Cổ phần xây dựng và bảo tồn công trình văn hoá đã trình bày về phương án thiết kế dự án. Theo đó, toàn bộ phần diện tích của Cty giày Thống Nhất sẽ được giải phóng mặt bằng để giao đất cho dự án xây dựng thành các khu: Khu vực tưởng niệm, nhà tả hữu, nhà Bia; Khu vực vườn hoa cây xanh, sân (có sức chứa 1.100 người), sân hồ nước (3.000 người); Đường chính được thiết kế rộng đảm bảo phục vụ khi có lễ lớn, đường nhỏ được bố trí vừa phải tạo cho không gian được gần gũi thân thiện, trang nghiêm; Khu vực để xe và cổng…
Tại hội nghị, có 15 ý kiến đóng góp về các phương án thực hiện dự án, hầu hết đều thống nhất chủ trương nâng cấp, mở rộng Nhà tưởng niệm. Ông Nguyễn Văn Thuận - nguyên Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng - cho rằng: Ngoài khu vực Nhà tưởng niệm, cần có nhà trưng bày về lãnh tụ, có hội trường, nhà truyền thống để người dân hiểu về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của lãnh tụ, cùng là hiểu về giai đoạn đầu của Đảng ta.
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng - cho biết sẽ cùng với LĐLĐ TP.Hải Phòng tiếp thu tất cả các ý kiến và báo cáo thành phố xem xét, quyết định. Dự kiến, dự án được khởi công dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017) và kỷ niệm 85 năm ngày mất của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân (31.7.1932 - 31.7.2017). 
http://www.congdoan.vn/tin-tuc/tuyen-truyen-giao-duc-thi-dua-khen-thuong-511/mo-rong-khuon-vien-nha-tuong-niem-lanh-tu-nguyen-duc-canh-va-liet-si-ho-ngoc-lan-204790.tld










22:11 | 25/04/2017

Ngày 25.4, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã họp, thông qua dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng Nhà tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, Liệt sỹ Hồ Ngọc Lân thành Khu tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và Liệt sỹ Hồ Ngọc Hân. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.
Nhà tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và Liệt sỹ Hồ Ngọc Lân (trên địa bàn xã An Đồng, huyện An Dương TP Hải Phòng) được TP Hải Phòng công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố, tuy nhiên, diện tích khiêm tốn, không thuận tiện giao thông.
Từ cuối năm 2016, thể theo nguyện vọng của người dân và giai cấp công nhân TP, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng đã đồng ý chủ trương đầu tư, nâng cấp, mở rộng khuôn viên Nhà tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, Liệt sỹ Hồ Ngọc Lân thành Khu tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và Liệt sỹ Hồ Ngọc Lân.

Hiện trạng Nhà tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh
Theo Dự án quy hoạch tổng thể được thông qua, Khu tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và Liệt sỹ Hồ Ngọc Lân trên nền khu đất cũ được mở rộng lên trên 27.800 m2. Trong đó, Khu tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh được quy hoạch thành các khu chức năng chính là Khu Nhà tưởng niệm, khu vực đệm cây xanh, quảng trường và khu dịch vụ, bãi để xe cùng các hạng mục mở rộng đường giao thông từ đường 208 vào Khu tưởng niệm, tuân thủ các quy tắc thiết kế truyền thống của các công trình văn hoá; các hạng mục tâm linh được tổ chức theo một trục thần đạo. UBND TP sẽ hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng mở rộng Khu tưởng niệm, tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ, vận động xã hội hóa 100% xây dựng các công trình trong khuôn viên Khu tưởng niệm.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đề nghị Liên đoàn lao động TP phối hợp cùng các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện Dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng khuôn viên di tích để Hải Phòng kịp thời tổ chức khánh thành Khu tưởng niệm vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.
Tin và ảnh: Đông Bắc - Sĩ Nghiêm

http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=389349







2. Năm 2016


Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là di tích lịch sử







Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng trao bằng công nhận Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và Liệt sĩ Hồ Ngọc Lân là di tích lịch sử cấp thành phố .
Sáng 31.7, UBND TP.Hải Phòng phối hợp với LĐLĐ TP.Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm 84 năm ngày mất của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân (31.7.1932 - 31.7.2016) và công bố xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố cho Nhà tưởng niệm lãnh tụ tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng. Đến dự buổi lễ có ông Lê Văn Thành - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Văn Ngàng, đại biểu là lãnh đạo, sở ngành của TP.Hải Phòng, tỉnh Thái Bình và Bắc Ninh cùng nhân dân địa phương.





Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng - nhấn mạnh vai trò cũng như vị trí quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh trong việc sáng lập ra Đảng công sản, sáng lập ra Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, Tổng Biên tập đầu tiên của báo Lao Động và bí thư đầu tiên của Hải Phòng. Sự hy sinh của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân khi tuổi đời còn rất trẻ là sự mất mát to lớn của Đảng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự hy sinh anh dũng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (2.2.1908-2.2.2018), Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất về chủ trương đầu tư, nâng cấp, mở rộng khuôn viên Nhà tưởng niệm thành Khu tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân với quy mô lớn, xứng đáng với tầm vóc, vị thế là lãnh tụ của Đảng, tạo thành điểm đến giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng - đã trao quyết định công nhận Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là công trình di tích lịch sử cấp thành phố cho đại diện LĐLĐ TP.Hải Phòng – đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Nhà tưởng niệm.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, trước mắt, thành phố sẽ tập trung giải phóng mặt bằng trong năm 2016. Trong quá trình triển khai dự án mở rộng Khu tưởng niệm, TP.Hải Phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng LĐLĐ VN trong việc thực hiện xã hội hoá, hoàn thành dự án vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (2.2.1908 – 2.2.2018). Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng xây dựng quy hoạch tổng thể khu di tích, bố trí hợp lý vị trí đặt các công trình phụ trợ và xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa, thể thao vào những dịp lễ, để Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân mãi là di tích lịch sử văn hóa, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho nhân dân.
Clip buổi lễ kỉ niệm 84 năm ngày mất của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân
Đoàn lãnh đạo TP.Hải Phòng và PCT Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Văn Ngàng làm lễ dâng hương.
Một phút mặc niệm tưởng nhớ vong linh lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân.
Ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng đọc diễn văn khai mạc buổi lễ.
Quang cảnh buổi lễ.
Đoàn đại biểu của TP.Hải Phòng làm lễ dâng hương.
Rất đông các đại biểu cùng nhân dân trong và ngoài thành phố dâng hương tưởng nhớ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân.





HOÀNG HOAN – VIỆT CHINH

https://laodong.vn/thoi-su/nha-tuong-niem-lanh-tu-nguyen-duc-canh-la-di-tich-lich-su-578541.bld












1. Bài báo cũ của Vietinbank (11/5/2009) đã bị xóa bỏ (xem ở đây). Không còn tìm lại được từ trang của Vietinbank.

Dưới là bản lấy về từ báo Nhân Dân và một số báo khác. Để thấy được nội dung mà Vietinbak đã xóa bỏ.

Báo Nhân Dân:

"
Chủ Nhật, 10/05/2009, 21:23:00
 Font Size:     |        Print

Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân được xây dựng tại nơi tìm thấy di hài hai chiến sĩ cách mạng yên nghỉ sau gần 77 năm bị Thực dân Pháp thi hành án tử hình. Công trình Nhà tưởng niệm được xây dựng kiên cố theo thiết kế kết hợp giữa kiến trúc cổ truyền và hiện đại gồm hậu cung, bái đường, tam quan, sân, tường bao... trên diện tích 2.600 m2. Công trình do Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng làm chủ đầu tư với việc tổ chức vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế- xã hội và các nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố ủng hộ, đóng góp về vật chất và tinh thần. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 8 tỷ đồng.
Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân sẽ trở thành địa chỉ Đỏ để cán bộ và các tầng lớp nhân dân đến thăm, viếng, tưởng nhớ công ơn các chiến sĩ cách mạng tiền bối, nơi để các thế hệ hôm nay và mai sau đến học tập, ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Công trình cũng thể hiện và phát huy truyền thống "uống nước, nhớ nguồn"- nét đẹp văn hóa của dân tộc ta./.
NGÔ QUANG DŨNG
Theo:
"
http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/15921602-.html






00:45 11/05/2009
Ngày 10/5, tại khuôn viên Công ty cổ phần Giày Thống Nhất, xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành Nhà tưởng niệm lãnh tụ giai cấp công nhân Việt Nam Nguyễn Đức Cảnh và nhà cách mạng tiền bối - liệt sĩ Hồ Ngọc Lân.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Văn Kể, sau gần 77 năm bị thực dân Pháp xử chém, hài cốt của hai nhà cách mạng tiền bối đã được tìm thấy tại khu đất trên.
Để ghi nhớ công ơn của hai đồng chí với đất nước và TP Hải Phòng, thể theo nguyện vọng của cán bộ, công nhân và các tầng lớp nhân dân, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã giao cho LĐLĐ Hải Phòng làm chủ đầu tư, vận động tổ chức cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động trong và ngoài thành phố ủng hộ về tinh thần và vật chất để xây dựng Nhà tưởng niệm ngay tại nơi tìm thấy di hài hai nhà cách mạng.
Sau hơn 8 tháng xây dựng, công trình Nhà tưởng niệm cơ bản hoàn thành.  Tổng dự toán công trình khoảng hơn 8 tỷ đồng. Đây là công trình vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng đối với các thế hệ mai sau
D.H.
http://cand.com.vn/Xa-hoi/Khanh-thanh-Nha-tuong-niem-lanh-tu-Nguyen-Duc-Canh-va-liet-si-Ho-Ngoc-Lan-143046/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.