Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

27/10/2017

Học tập người anh em Cu Ba, và học tập các doanh nhân như anh Khải "lụa Việt gốc Tàu"

Có hai mẩu về học tập. Đều vui và thiết thực. Tình hình Cu Ba, và tình hình anh Khải, hiện giờ đều rất ban-căng.

Học Cu Ba là mẩu của anh Phong. Còn học anh Khải là mẩu của chú Dương. Anh Phong và chú Dương đều dân làm báo.

Tưởng không liên quan, nhưng đọc xong cả hai, sẽ thấy rất liên quan !

Chép nguyên về từ Fb của anh Phong và chú Dương.

Có bổ sung gì thì đưa tiếp xuống phía dưới 2 mẩu mở đầu này.




Chiếc khăn lụa vừa có mác "made in Vietnam" vừa có mác "made in China" - Ảnh: ĐẶNG NHƯ QUỲNH




---

1.




Trước tiên, tôi kể cho ông nghe câu chuyện có thật 100% xảy ra tại một trường học danh tiếng bậc nhất ở HÀ NỘI.

Tôi có đứa cháu học tại trường đó, học chuyên Anh và học rất giỏi, và cũng rất ngoan. Đùng một cái, nghe nói cháu phải làm bản kiểm điểm... hỏi ra mới biết cô giáo bắt... cả lớp làm kiểm điểm, về tội rủ nhau trốn học môn Giáo dục giới tính... Nguyên nhân là vì các cháu xấu hổ.

Nhân việc này, tôi muốn nói với ông Bộ trưởng rằng, các ông cứ suốt ngày lo cải tiến thành cải lùi phương pháp giáo dục, cứ loay hoay đổi mới nọ, đổi mới kia mà các ông không biết những môn " nhạy cảm" như môn giáo dục giới tính thì cần phải có phương pháp dạy thế nào ư?

Xin ông hãy chịu khó sang mà học Cuba... Ở quốc gia này môn giáo dục giới tính, họ cho con gái học riêng, con trai học riêng. Con gái học thì cô giảng, con trai thì thầy giảng... Thế là thầy và trò nói thoải mái, chẳng sợ xấu hổ. Các cháu được học cực kỳ kỹ về các biện pháp tránh thai, về sinh sản, về đủ các thứ liên quan đến Sex và vệ sinh ...Vì thế, ở Cuba, không hề có chuyện " vỡ kế hoạch" khi " ăn cơm trước kẻng" ở tuổi thanh thiếu niên.

Cách dạy như hiện nay của ta, chỉ là nói cho có, cho biết tý cái khái niệm " con chim, cái hĩm"... chả thế mà tỷ lệ chửa hoang ở tuổi thanh thiếu niên của nước Việt ta có lẽ phải vào loại cao có hạng trên thế giới.

Việc cần tách con trai, con gái ra giáo dục giới tính riêng, tôi đã từng viết trên báo cách đây ngót chục năm, sau một chuyến đi công tác Cuba về... Nhưng chắc chả ai để ý. Và hình như ngành giáo dục chú ý nhiều đến " đào tạo toàn diện", theo chủ nghĩa thành tích, chứ không coi thực chất...

https://www.facebook.com/kim.trieu.90813/posts/376651016104531



2.



Sở dĩ, nói chú ấy đen, là vì bị lộ, chứ 95% các ông to nhỏ lớn bé chưa bị lộ.

Có lượn một vòng đất Tàu, mới biết đó là công xưởng của thế giới.

Riêng về quần áo dày dép các thể loại tiêu dùng thì tập trung ở Quảng Đông và việt nam là cái thị trường bé tí teo.

Dù bé tý, nhưng nó cũng đáp ứng từ cái tăm, cái bông ngoáy tay cho đến các thứ điện tử tinh vi, ko thứ gì là không có. Các ông có tin rằng kể cả các loại đầu thu phát sóng truyền hình vệ tinh madein Việt Nam ko?

Và khi đã sang đó rồi, thì khẳng định luôn một điều: Ngu gì mà sản xuất, sang đó mua về bán cho nhanh.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt đều sang mịa nó Tầu đặt hàng cho nhanh gọn.

Mình chơi với một ông doanh nhân kinh doanh các mặt hàng mặc, doanh thu ngàn tỷ/năm. Hắn sang Quảng Châu đặt 5k/cái quần sịp. Về gắn thương hiệu cao cấp, bán 85k. Sau hắn muốn là doanh nhân tử tế, nên nhập nguyên liệu từ Khựa về, xây nhà xưởng, làm ra cái quần sịp tốn 7k và tất nhiên vẫn bán 85k. Chiết khấu cho đại lý 50%.

Chiếc áo sơ mi cao cấp làm ra tốn 120k, bán 1,5 triệu. Trước nhập của tàu chỉ 100k. Tốn kém hơn khi tự sản xuất nhưng giữ sĩ diện nên chỉ nhập nguyên liệu của nó, ko đặt nó. Tất nhiên là ăn cắp kiểu dáng của nó. Cả làng Ninh Hiệp cũng đang làm thế.

Ông Khải Silk kia tuy cũng to, nhưng so với Tàu thì ông chỉ là con tép trên mép con hổ. Ông cũng như 99,9% doanh nghiệp Việt sẽ ko đấu lại được với các doanh nghiệp Tàu. Ông làm ra một cái áo lụa tốn 1 triệu, bán 1,5 triệu, thì ông chết sặc tiết khi bọn Tàu nó làm ra cái áo lụa còn tốt hơn thế mà tốn có 100k. Vậy nên, ông ấy cũng như 90% ông khác giải tán luôn khâu sản xuất đi cho đỡ nhọc. Khâu sản xuất chỉ còn mỗi công đoạn là thay mác.

Nói chung, ông dốt hơn bọn khác, là hợp đồng với bọn Tàu dập luôn mác ở bên Tàu đi cho nhanh gọn. À, chắc là sợ bọn Tàu nó chơi đểu phát thì toi. Cơ mà thực ra, về làm ăn thì bọn Tàu nó giữ chữ tín hơn bọn Việt.

Đấy, bí mật của ngành thời trang nó như vậy đấy. Cái áo các ông mặc đều là Tàu cả thôi. Các ông đừng tự hào mà khoe nó 3 triệu/cái sơ mi, vì giá thực của nó 150k là cùng.

Buôn bán ở Việt Nam là ngành siêu lợi nhuận, toàn lãi gấp 10 lần. Đến mớ rau ở quê 1k, vào Times thành 20k thì thật kinh khủng. Ấy vậy mà, bán chai thuốc súc miệng trị sâu răng có 150k, lời lãi mấy chục bạc mà nghĩ ngợi mất mấy tháng, vì câu hỏi "có chặt chém quá ko?".

(Tác giả lượn ở Tàu)

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1501261293300700&set=a.545469438879895.1073741838.100002505302172&type=3&theater




Nhân vụ Khải Shit bán vải lụa hàng Khựa đội lốt hàng Việt, đại nhà báo Bùi Ngọc Hải, dù đang ở trời Tây ngắm lá vàng rơi, cũng phải chửi một nhát.

Anh chửi quản lý thị trường này khác, bao năm không tóm được...

Nhân vụ đại nhà báo Hải chửi cán bộ quản lý thị trường, mình kể câu chuyện rất xúc động và nhân văn thế này...

Chuyện là, có quen mấy đại gia chuyên đánh hàng từ Quảng Châu về chợ Ninh Hiệp, Hàng Đào, Đồng Xuân, rồi phân phối đi cả nước, rồi thì cũng lượn Tàu vài lượt, nên cũng biết lắm chuyện bi hài.
Trước, viết tút về làng Ninh Hiệp, nơi có đất đắt nhất Việt Nam, có chỗ đôi ba tỷ/mét vuông. Chuyện đó có thật, mấy ngàn lượt chia sẻ, comt, nhưng hầu hết là mấy ông có nhà trong ngõ chửi mình bốc phét. Bởi vì, nhà của các ông ấy trong ngõ, nên không đắt như mình nói. Thôi thì chả cãi làm gì, vì mấy ông ấy buôn bán đếm tiền giỏi, chứ có biết đọc chữ đâu.
Quay giở lại chuyện Quản lý thị trường. Nhiều lần sang Ninh Hiệp, thấy các cán bộ quản lý thị trường của đất nước ta làm việc cực kỳ mẫn cán. Rõ rành rành, vải vóc, quần áo nhập về từ Tầu khựa, hầu hết, chắc 99,9% là hàng lậu. Lẽ ra, các anh ấy chỉ việc xông vào làng, bắt hết, tóm hết, phạt hết là xong. Thế nhưng, làm thế thì đơn giản quá, nên các anh ấy không chọn cách đơn giản thế. Mà, các anh ấy phục kích ở gốc cây, bụi cỏ, trong cái nắng chang chang mùa hè, thấu xương mùa đông, để bắt cái bọn ở Hà Nội, tỉnh lẻ về đây mua vải vóc, quần áo từ Ninh Hiệp về buôn.
Cứ thằng nào chở xe máy đi qua, là các anh ấy chặn lại vặt. Xe ô tô từ Ninh Hiệp đi ra là bị chặn lại khám xét kỹ càng, xử lý rốt ráo. Xe khách đi ra, toàn là dân buôn, lên kiểm tra mệt quá, nên nhờ mịa nó lái xe thu phế hộ, rồi nộp một phát là xong.
Mấy lần, vào Ninh Hiệp thăm bạn, xem làm ăn, buôn bán thế nào, thấy các anh ấy làm anh hùng núp mà tội thật. Toàn là cán bộ mẫn cán, hết lòng vì Tổ quốc vinh quang.
(ảnh cóp trên mạng)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1501839236576239&set=a.343874709039370.81624.100002505302172&type=3&theater





Nói ra điều này rất không vui, nhưng đó là sự thực.
Mấy hôm trước, khi vụ Khải Silk ầm ĩ, mình đã viết tút bóc mẽ câu chuyện của giới làm ăn, kinh doanh sản xuất hàng Madein Việt Nam, nhưng chỉ có mỗi công đoạn thay mác. Và, từ việc thay mác, đánh vào "tinh thần yêu nước, bài trừ hàng Tàu", mà thổi giá sản phẩm lên gấp 10, thậm chí 100 lần. Như vậy là sự lừa đảo hết sức trắng trợn, lợi dụng tinh thần dân tộc để trục lợi. Chuyện mua rẻ bán đắt thì không nói làm gì, vì buôn bán cạnh tranh sòng phẳng, nhưng thay mác thì là lừa đảo.
Và, bây giờ, thì chuyện mình bóc mẽ là đúng, với thông tin từ Tổng cục Hải quan. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, trung bình một chiếc khăn nhập khẩu về Việt Nam ở mức 1,3 USD/chiếc (khoảng 28.000 đồng/chiếc).
Không chỉ ông Khải, mà còn cả ngàn doanh nghiệp khác cũng đang làm trò mèo này.
Mình sang Quảng Đông, thì mới biết, hầu như doanh nhân Việt Nam toàn dân tóc vàng siêu đẳng, làm giàu một cách siêu nhanh. Họ xây dựng "nhà máy trên sao hỏa", rồi sang Tàu đặt hàng, dán mác thương hiệu của họ, rồi đem về Việt Nam bán với cái tên rất Tây.
Mình biết có mấy doanh nhân buôn đồng hồ kiếm trăm tỷ, thậm chí có thể ngàn tỷ/năm.
Họ sang Tàu đặt một chiếc đồng hồ tên khỉ gió gì đó, cứ có vẻ Ý, Anh, Pháp là được, với giá xuất xưởng tính theo lô là 100k/chiếc. Số lượng đặt tầm vài ngàn cái mới bõ người Tàu gia công.
Từ 100k/chiếc ở Tàu, về Việt Nam sẽ thành 3-5 triệu. Có đến cả ngàn đại lý bán online, được chiết khấu đến 50%. Các đại lý chỉ việc rao bán ở bất kỳ đâu, có đơn thì đội ngũ doanh nhân tóc vàng sẽ chuyển đơn, và cuối tháng thanh toán hoa hồng. Bất kỳ ai, không cần vốn, không cần uy tín, tên tuổi, cũng có thể làm đại lý, và nhà nhà bán hàng, người người bán hàng.
Trên mạng, có một Nữ hoàng Hoa cứt lợn, là thần tượng của giới kinh doanh online. Sở dĩ, mọi người gọi như thế, vì nàng hay đội vương miện trông như nữ hoàng, và khi xuất hiện trên sân khấu thì có đến cả ngàn mỹ nữ (là các đại lý) vẫy tay chào như người giời. Nàng đặt bọn Tàu sản xuất nước hoa giá 10-20k/chai, chiết từ Hoa Cứt Lợn, nàng nhập về Việt Nam nàng đặt tên nó như ở Tây Ban Nha, rồi bán giá ngót triệu bạc. Nàng có cả trăm sản phẩm Tàu, toàn mác Đức, Ý, Bồ Đào Nha... Hàng ngàn đại lý online bán cho nàng, và kiếm tiền tay trái rất phát đạt.
Với mức lợi nhuận kinh khủng như thế, họ sẵn sàng chi 50, thậm chí 80% cho quảng cáo, truyền thông. Tiền của người Việt đổ hết cho FB với google, và nhận được giá trị không xứng đáng. Với lợi nhuận như thế, họ sẵn sàng đập chết sạch sẽ các thương hiệu Việt nghiêm chỉnh, chính cống, thậm chí các thương hiệu uy tín phương Tây cũng tạch.
Nhiều ông hỏi mình: "Làm thế nào để giàu hả anh?". Mình đều bảo: "Mày cứ sang Quảng Đông đi. Thấy Tàu nó có cái gì mới mẻ, thì mua ngay về dán mác khác và bán".
Với cách làm ăn kiểu này, giống như Khải Silk và các doanh nhân tóc vàng hớt váng, thì chỉ người nọ bịp người kia, tiền đổ ra nước ngoài, và giá trị mang lại cho đất nước là con số 0.
Ngẫm mà buồn.


(Tác giả tại con bố đi bộ ở Quảng Châu)




Nếu nói về kinh doanh, thì Việt Nam thuộc hàng "cụ của thiên hạ".
Bọn làm thuê nhiều nhất cho người Việt, chính là Tàu khựa. Người Trung Quốc hiện đang làm thuê cho người Việt một cách toàn diện. Người Tàu phục vụ người Việt từ cái tăm, chổi, đến những thiết bị điện tử hiện đại, cao cấp nhất.
Các doanh nhân Việt chỉ việc sang Tàu thuê dân Tàu làm cho món hàng gì đó, rồi dán mác Việt, bán về Việt Nam với giá cắt cổ, lãi gấp 10 đến 100 lần. Đẳng cấp của doanh nhân Việt là ở chỗ đó. Chả phải làm cái gì.
Tàu sản xuất thuê cho Việt xong, thì các hệ thống truyền thông lớn nhất thế giới (google và FB), lại quảng cáo thuê cho các doanh nhân Việt bán hàng.
Các nước như Nhật, Hàn, Inđo, Thái Lan, Châu Âu, Mỹ... thì còng lưng sản xuất ô tô, xe máy với giá rẻ mạt, đem sang Việt Nam. Người Việt chả cần làm gì, chỉ ngồi thu thuế một phát gấp mấy lần trị giá cái ô tô, xe máy.
Về thực phẩm chức năng (sản phẩm giữa thực phẩm và thuốc), thì bọn Mỹ làm thuê cho Việt Nam một cách toàn diện. Gần như 99% các sản phẩm thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu Mỹ, bán ở Việt Nam, toàn là Mỹ làm thuê cho Việt Nam. Các doanh nhân, dược sĩ người Việt chỉ cần nhổ cây cỏ, chiết ra những chất nào đó, thuê tàu chở sang Mỹ, bắt bọn nhà máy, công nhân Mỹ còng lưng đóng gói, chiết suất, ra một lọ thuốc giá 20k, gắn chữ Made in Hoa Kỳ, rồi đem về Việt Nam bán trên dưới triệu bạc, để phục vụ người Việt sính hàng Mỹ. Tất nhiên là sản phẩm đó không được phép bán ở Mỹ, vì người Mỹ không đủ tầm để xài.
Thật tự hào, khi người Việt quá thông minh, toàn nghĩ việc cho thằng khác làm, mình chỉ hưởng lợi.
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1507309522695877&set=a.343874709039370.81624.100002505302172&type=3&theater


---




BỔ SUNG


.
Ngày 27 Tháng 10, 2017 | 11:32 AM


GiadinhNet - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc cho hay "Trước đây, người làng chúng tôi có nhập lụa cho Khaisilk, nhưng lâu lắm rồi..."

Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Tại làng nghề lụa Vạn Phúc, có khoảng 70% cửa hàng bán lụa Vạn Phúc làm ra, còn lại là những sản phẩm từ những nơi khác nhập về. Trong số nhập về đó có lụa xuất xứ từ Trung Quốc. Từ trước tới nay, Hiệp hội Làng nghề chưa phát hiện trường hợp nào cắt mác Trung Quốc để dán mác lụa Hà Đông".
Ông Hà cho biết về chức trách nhiệm vụ của Hiệp hội Làng nghề mà ông là Chủ tịch hội thì việc "treo đầu dê bán thịt chó" là không thể chấp nhận được và "trái đạo đức, lương tâm người làm nghề": "Chúng tôi chỉ tuyên truyền và nhắc nhở các hội viên không làm chuyện đó. Tôi chưa nói lụa nào tốt hơn lụa nào, nhưng việc đánh tráo nhãn mác xuất xứ là lừa dối người tiêu dùng".
Những ngày qua, việc thương hiệu Khaisilk bị tố lừa dối khách hàng khi bán khăn lụa xuất xứ Trung Quốc, sau đó, người đứng đầu thương hiệu này đã công khai xin lỗi và thừa nhận bán lụa Trung Quốc từ những năm 90 ít nhiều ảnh hưởng đến nghề lụa Vạn Phúc.
"Gần đây, những thông tin không tốt nhằm vào chúng tôi đã gây ảnh hưởng xấu đến làng nghề. Tôi khẳng định đó là những thông tin thiếu cơ sở, thiếu đạo đức", ông Hà nói.
Nói về thương hiệu Khaisilk, vị Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc cho biết: "Trước đây, người làng chúng tôi có nhập lụa cho Khaisilk, nhưng lâu lắm rồi. Mấy năm nay, không thấy anh Khải lấy lụa Vạn Phúc nữa".
Ngoài việc bị liên lụy về việc mập mờ trong gắn mác thương hiệu lừa dối khách hàng, thì lụa Vạn Phúc cũng đứng trước rất nhiều khó khăn. "Giá thành mua tơ ngày một đắt, lụa công nghiệp từ khắp nơi, đặc biệt từ Trung Quốc ngày một nhiều đẩy nghề lụa thủ công luôn gặp khó ở khâu đầu ra", ông Phạm Khắc Hà cho biết.
http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-khaisilk-may-nam-nay-khong-thay-anh-khai-lay-lua-van-phuc-nua-20171027110127548.htm




.





(PLO)- Sáng nay, 27-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi với báo chí xoay quanh vụ việc khăn lụa mác Trung Quốc của doanh nghiệp Khaisilk…
. Phóng viên: Là người đứng đầu ngành công thương, ông có quan điểm thế nào về vụ khăn lụa Khaisilk gắn mác Trung Quốc gây bức xúc trong dư luận những ngày qua?
+ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đối với các hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ luôn tạo điều kiện tốt nhất trong việc phát triển thị trường, sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng các hoạt động đó phải tuân thủ pháp luật, đặc biệt các nội dung liên quan đến pháp luật bảo vệ lợi ích, quyền lợi người tiêu dùng. Đó là nguyên tắc cơ bản mà các doanh nghiệp đều phải thực hiện.
Những hoạt động của doanh nghiệp ngoài yêu cầu của luật pháp thì phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa doanh nghiệp. Qua hành vi vừa rồi mà báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại của doanh nghiệp Khaisilk thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp.
Tất nhiên, đạo đức doanh nghiệp là khái niệm hơi không cụ thể hoặc có thể thiếu những nền tảng cụ thể hơn. Tuy vậy nó cũng có những nền tảng rất cơ bản là sự tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, trung thực trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Bộ Công Thương đã có động thái gì về vụ việc này, thưa ông?
+ Các cơ quan của Cục Quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và của Hà Nội đang tiến hành xác minh, làm rõ các hoạt động vi phạm của doanh nghiệp. Chắc chắn, cơ quan chức năng sẽ có những báo cáo sớm, kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài những chế tài pháp luật thì ý thức về giá trị đạo đức, văn hóa của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp phải nhận thức, hiểu rõ điều đó là mang tính sống còn với hoạt động của họ.
.Vậy vụ việc này Bộ có chuyển cơ quan điều tra không?
+ Chúng tôi đang tiếp tục làm rõ, trên cơ sở đó đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào. Nếu thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có cách xử lý phù hợp. 
Bộ trưởng Công Thương nói gì về vụ khăn lụa Khaisilk? - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
.Vai trò của cơ quan quản lý ở đâu khi tình trạng này diễn ra nhiều năm nay rồi?
+ Đúng, đây là thực trạng chúng tôi không che giấu và là vấn đề đối với hệ thống của chúng ta chứ không chỉ một cơ quan quản lý nhà nước nào cả.
Tất nhiên, cơ quan quản lý nhà nước như quản lý thị trường cũng có trách nhiệm của mình nhưng ở đây phải nói rộng ra để thấy, một thực trạng đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập là ý thức, hiểu biết pháp luật và cả luật pháp Quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và cả vấn đề cụ thể hơn liên quan đến xuất xứ hàng hóa là còn rất yếu. Khắc phục những điều này là yêu cầu đặt ra của VN trong quá trình hội nhập.
Đi vào cụ thể, thông qua vụ việc này, sau khi làm rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân của nó thì chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hiểu biết, nhận thức và cách thức thực thi pháp luật; vai trò trong tham mưu chính sách. 
.Theo ông, việc Khaisilk sẽ ảnh hưởng thế nào với thương hiệu của Quốc gia?
+ Giá trị thương hiệu Quốc gia phải xây dựng dựa trên nền tảng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thị trường. Người tiêu dùng mới quyết định được những sự phát triển của doanh nghiệp, các sản phẩm, ngành hàng cũng như của các giá trị thương hiệu.
Thông qua sự việc của Khaisilk thì chúng ta chưa kết luận cụ thể xem mức độ vi phạm đến đâu, những nội dung gì và ở mức độ nào nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng như thương hiệu Việt.
Nhưng chúng ta sơ bộ nhận thấy doanh nghiệp có hành vi lừa dối người tiêu dùng. Sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng. Nó cũng gây tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Nhưng quan trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người VN chúng ta.
.Qua vụ việc này Bộ có đề nghị gì để quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động sản xuất, buôn bán hàng hoá tương tự, như việc sản xuất lụa tại làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông) chẳng hạn?
+ Như tôi đã nói, có lẽ chúng ta kết luận điều gì cũng là sớm khi chúng ta chưa có nghiên cứu, xác định làm rõ tính chất, mức độ vi phạm pháp luật cũng như những hiện tượng, hoạt động chưa được đánh giá làm rõ.
Vì vậy, chúng tôi đang tập trung để từ việc này sẽ tiếp tục làm rõ ở phạm vi rộng lớn hơn. Phạm vi này không chỉ ở một làng nghề, địa phương mà còn liên quan đến lĩnh vực kinh tế ngành, khuôn khổ cơ chế chính sách, pháp luật, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.
. Cảm ơn ông!
TRỌNG PHÚ ghi
http://plo.vn/kinh-te/bo-truong-cong-thuong-noi-gi-ve-vu-khan-lua-khaisilk-736000.html



.


Ngày 26/10/ 2017, tôi ngồi trong hội trường diễn đàn Mekong Connect từ sáng đến chiều mà có đến 3 cú điện thoại gọi phỏng vấn và 2 nhà báo chờ trước cửa phòng họp về Khai Silk. Một tờ báo điện tử gọi giật ngườc từng chập như đòi hợ hết hạn. Tôi từ chối hết. Vì mọi người đã nói đúng và đủ. Giờ nghĩ lại, tôi thấy cần nói một điều khác, theo tôi là thảm khốc hơn, cấp thiết hơn. Đó là Sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc và sự thống lĩnh hung hãn của hàng Tàu.

Không nói lý sự, tôi chỉ kể ở đây những câu chuyện thật và tùy người đọc suy nghĩ.

Chuyện Khải Silk phải chăng chỉ là cái kim trong bọc? Hàng Tàu giờ thống lĩnh không ít lãnh vực hàng hóa VN: thời trang (quần áo, giày dép), vật liệu xây dựng, phân bón thuốc sâu thuốc cỏ, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử…). Mây năm nay, qua cuộc điều tra người tiêu dùng mà Hội DN.HVNCLC tổ chức thường niên, chúng tôi thấy, ở các ngành này có nhiều doanh nghiệp “qua đời” lặng lẽ vì cạnh tranh không xiết. Siêu thị lớn nổi tiếng ưu ái hàng Việt, bán hàng thời trang, ngoài dán nhãn made in Việt Nam, trong bâu áo, còn nguyên nhãn made in China. Tôi đến thăm trung tâm triển lãm hàng vật liệu xây dựng Phật Sơn, thấy trên nóc của cái sảnh khổng lồ có treo cao một lá cờ Việt Nam to ở vị trí rất trọng vọng. Người hướng dẫn nói thật: VN là một trong những quốc gia nhập hàng VLXD cùa chúng tôi nhiều nhất. Chà, khách sộp ! Hèn chi các hãng gạch, kính, thiết bị vệ sinh VN…thi nhau rớt. Các nhà thầu, giờ do cạnh tranh, chỉ chuyên sale trọn bộ nội thất hàng Tàu, đủ loại mẫu mã, nhanh, đúng hẹn, giá rẻ. Tôi từng đến Thổ Tang, ổ hàng Tàu, phục ở đó mấy đêm xem vận chuyển và phân phối về Nam hàng rau quả từ biên giới về, thấy đường dây phân phối thật khủng. Các doanh nghiệp HVNCLC mấy năm trước hăng hái “bắc tiến” nay không ít cty quay lộn về vì chịu không nổi hàng Tàu. Hàng Tàu bây giờ cũng biết thiên hạ sợ cái “gốc gác” của mình, nên đã kịp thời “kim thiền thoát xác” ngon ơ. Doanh nhân Thái than, họ dán nhãn hàng Thái, chui vào hội chợ Thái Lan ở VN tỉnh bơ. Họ đầu tư qua CPC, Lào và khắp các nước để rửa cái gốc made in China. Họ chui vào các khu nông nghiệp công nghệ cao của VN, hưởng thuế suất ưu đãi, nhập nông sản của họ qua, lau rửa sơ sơ, dán nhãn Việt xuất xứ Khu NN.CNC. Nhiều khu công nghiệp cũng vậy. DN từng kể tôi nghe, ở KCN Bắc Ninh, người Tàu nhập giấy đã thành phẩm, chưa đóng gói vào đó và làm package xong dán nhãn VN, đem bán với giá…giết hết các hãng SX giấy VN.

Doanh nhân VN, nhập hàng Tàu về bán, vì thời thế thị trường, vì THAM (quá rẻ, mẫu mã nhiều dễ bán, giao nhanh, trả tiền chậm…) vì LỪA, thực sự cũng dễ lừa NTD (hàng Tàu dán nhãn lung tung đâu dễu bị phát hiện) và rồi có những người thành ra ÁC vì 3 điều: giết SX trong nước, làm hỏng niềm tin NTD với hàng Việt và có khi bán hàng độc, hại người.

Hàng ta không cạnh tranh nổi với hàng Tàu. Trước nhất vì mình yếu, thiếu sức cạnh tranh. Nhưng nếu hàng Tàu làm giả, gian lận thương mại, có độc tố vẫn cứ còn “thênh thang” trên thị trường bằng chính sách ưu ái, bằng sự ngần ngại “đụng” (gian thương) Tàu, bằng đường tiểu ngạch…thì hàng Việt còn lâu mới vươn lên cạnh tranh cùng họ, đánh thắng họ, trong khi đang còn loay hoay tự gỡ đủ thứ trói buộc: mấy ngàn giấy phép con, thanh tra- kiểm tra, thuế phí, bảo hiểm cứ tăng, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào càng tăng. Khi biết rằng sự thua kém hàng Tàu gần như điều thấy trước, thậm chí khách quan, thì chúng ta đã làm gì để bảo vệ nền kinh tế của mình (cũng là bảo vệ sự độc lập của mình) và nhất là bảo vệ doanh nghiệp của mình. Chúng ta đã làm gì để THỰC SỰ hỗ trợ DN của mình, điều hiển nhiên, bức bách cần làm để cạnh tranh với hàng Tàu ngay trên đất nước mình? Hiện nay, họ bán và đóng băng, giải thể các nhà máy, công ty hàng loạt. Rồi mai này, nền SX KD của VN sẽ ra sao?

Đó là chưa kể “xu hướng lệ thuộc kinh tế TQ” mà Đại biểu quốc hội Trương trọng Nghĩa và nhiều người, nhiều tổ chức đã cảnh báo trước Quốc hội mấy năm trước, còn nói dài dài tới bây giờ. Đó là chuyện lớn hơn nhiều, mà chúng ta chỉ thấy báo chí đề cập khi vài ba cái đầu kim ló ra từ trong hàng loạt cái bọc to được ủ rất lâu: các nhà máy nhiệt điện mọc khắp nơi mà đáng lo nhất là rất thích đặt ở ven biển; đa số nhà máy quốc doanh thi nhau nhập thiết bị Tàu; cuộc “tiếp nhận” đợt thiết bị lạc hậu của các nhà máy cũ thời TQ là “công xưởng của thế giới”, nay họ thải ra khi đi vào thời kỳ nâng cấp công nghệ và nền kinh tế; cuộc xử lý hàng hóa xuất khẩu bị ứ thừa do tiêu dùng thế giới giảm sút hay tâm lý ngán ngại hàng Tàu mà "ủn" sang ta, dễ ợt...Câu chuyện này còn phải nghiên cứu lâu. Và không chỉ ngâm cứu hoài, mà phải hành động để tự cứu mình.
https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10155991832156122
.




Dân trí Sau tin ông chủ Khải Silk xin lỗi khách hàng và thừa nhận bán khăn Trung Quốc, phóng viên Dân Trí đã tìm đến làng Vạn Phúc (Hà Nội) – cái nôi của lụa tơ tằm nức tiếng gần xa, để giúp bạn đọc rõ hơn về nguồn gốc mặt hàng có giá trị này.

 >> Khám xét, thu giữ một số sản phẩm của Khaisilk tại Hà Nội


 >> Vụ gian lận của Khaisilk: Nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả


 >> Ông chủ Khaisilk xin lỗi khách hàng và thừa nhận bán khăn Trung Quốc

Video tạm dừng
Lụa Trung Quốc tràn ngập khắp nơi, về tận Vạn Phúc vẫn phải tùy tâm người bán
Qua cổng làng Vạn Phúc, khách du lịch có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục cửa hàng tơ tằm với đủ mặt hàng như khăn, áo, váy hay một số đồ thủ công nhỏ khác. Nhưng để có thể phân biệt được đâu là lụa Vạn Phúc đâu là hàng xuất xứ từ Trung Quốc thì thật sự là một bài toán khó.
Để chắc có thể mua được lụa Vạn Phúc, nhóm PV đã đi vào trong Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao để tìm hỏi.
Trong vai những khách mua buôn, nhóm PV đã vào thử một cửa hàng, chị chủ niềm nở mời chào mua các mặt hàng lụa Vạn Phúc chính danh được sản xuất ngay tại làng.
Khi đề xuất nguyện vọng muốn mua khăn lụa để tặng khách nhưng chỉ lấy hàng Trung Quốc cho rẻ, thì chị N.T.H. – chủ cửa hàng cho biết: “Trong khu vực Trung tâm này, chị không bán hàng Trung Quốc mà bắt buộc phải bán hàng lụa Vạn Phúc. Nhưng nếu có nhu cầu thì chị có một cửa hàng khác gần đây có bán tổng hợp các loại.”
“Thích hàng nào cũng có, hàng Trung Quốc nhiều hoa văn, chất liệu, lại trẻ trung hơn. Khách cầm vào không thể phân biệt được đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng lụa Vạn Phúc. Chị chuyên cung cấp cho các công ty tổ chức sự kiện nên thích đóng mác Vạn Phúc chị cũng làm được hết”, chị H. cho biết thêm.
Trong khu trung tâm kinh doanh Lụa Vạn Phúc chất lượng cao, có nhiều mặt hàng xuất xứ Trung Quốc đang được bán trôi nổi.
Trong khu trung tâm kinh doanh Lụa Vạn Phúc chất lượng cao, có nhiều mặt hàng xuất xứ Trung Quốc đang được bán trôi nổi.
Nhưng chủ yếu được bầy bán vẫn là hàng lụa chính gốc Vạn Phúc.
Nhưng chủ yếu được bầy bán vẫn là hàng lụa chính gốc Vạn Phúc.

Trong những mặt hàng là lụa Vạn Phúc, một số mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc được PV tìm thấy khi điều tra về vấn đề này.
Trong những mặt hàng là lụa Vạn Phúc, một số mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc được PV tìm thấy khi điều tra về vấn đề này.

Dù là hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng hàng vẫn được gói và gắn mác Việt Nam.
Dù là hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng hàng vẫn được gói và gắn mác Việt Nam.
Chị H. tiếp tục gợi ý: “Em có thể mang mác của công ty với logo đến chị thay cho, hoặc chị làm luôn giúp, đây là nghề của chị rồi. Nếu em lấy cả hộp thì có thể báo giá công ty cao hơn nữa lên. Tuy nhiên, mác dệt và và mác in giá cũng sẽ khác nhau”.
Hỏi dò về chất lượng giữ lụa Vạn Phúc và lụa Trung Quốc, chị H. cho biết: “Cái nào tốt hơn thì không biết được, chị không dám khẳng định vì hàng Trung Quốc cũng khá bền”.
“Thậm chí, hàng Trung Quốc còn có hàng chục mẫu mã, mỗi mẫu mã lại có gần 20 màu để lựa chọn. Chưa kể tới việc nó có rất nhiều loại hàng chất lượng khác nhau ở khung giá khác nhau để khách lựa chọn”, chị H. nói.
Vừa nói, chị H. vừa lấy 1 túi bóng đen to và mở ra hàng chục mẫu mã Trung Quốc để giới thiệu, chị H. cho biết: “Đây là hàng khách quen đặt, nhưng không bày ở cửa hàng này. Hàng này cũng chính là hàng hay bán trên Hàng Bài, hay một số phố cổ khác, nhưng giá trên đó rất đắt 400.000 – 500.000 đồng/cái là chuyện bình thường. Một số doanh nghiệp cũng toàn bán mặt hàng hoa văn y hệt như này với giá 270.000 – 280.000 đồng/cái.
Hàng được sản xuất tại Việt Nam được gắn tem, mác.
Hàng được sản xuất tại Việt Nam được gắn tem, mác.
“Nhưng kì thực, nếu chị giao hàng này bán buôn chỉ 100.000 đồng/cái là nhiều. Ngay cả Khải Silk cũng bán toàn hàng này với giá 644.000 đồng/cái, chứ không có hàng đẹp hơn. Dân trong nghề nhìn là biết”, chị H. cho biết thêm.
Ra khỏi cửa hàng chị H., nhóm PV lại tìm đến một cửa hàng đầu cổng làng, tại đây, hàng Trung Quốc cũng được bán rất nhiều. Tuy nhiên, phải hỏi dò trước là mua buôn và thay mác thì mới được người bán giới thiệu cho biết đâu là lụa Vạn Phúc, đâu là lụa có xuất xứ từ Trung Quốc.
Giá những chiếc khăn lụa xuất xứ từ Trung Quốc cũng vô vàn, nhưng thấp nhất chỉ có 40.000 đồng/chiếc mua buôn, cao thì 100.000 – 125.000 đồng/chiếc. Còn đóng hộp và thay mác thì còn tùy chất liệu.
Hàng khăn tơ lụa voan đã thay mác và đóng hộp có giá từ 80.000 – 90.000 đồng/chiếc; khăn đũi thêu và khăn đũi hoa văn thì đắt, chênh khoảng 40.000 – 60.000 đồng/chiếc. Riêng khăn lụa thêu đã thay mác và đóng hộp giá nằm khoảng 220.000 – 240.000 đồng/cái.

Lụa Vạn Phúc được các tiểu thương cam kết chuẩn 100% sản xuất lại làng.
Lụa Vạn Phúc được các tiểu thương cam kết chuẩn 100% sản xuất lại làng.
Báo giá đó cho khách lấy buôn 100 – 200 cái, nếu lấy hơn nữa thì còn rẻ nữa. Một số chủ cửa hàng ở đây cho biết, hàng Trung Quốc có nhiều nên hàng lụa Vạn Phúc khó bán hơn hẳn. Phần vì đắt hơn, phần vì không ưa nhìn, nhiều màu sắc như hàng Trung Quốc. Khách cũng hay hỏi hàng Trung Quốc nên dần dần, các xưởng của gia đình cũng quen với việc thay mác này đóng sang mác nọ.


Hàng xuất xứ không phải tại làng Lụa Vạn Phúc, được các tiểu thương chào mời.
Hàng xuất xứ không phải tại làng Lụa Vạn Phúc, được các tiểu thương chào mời.
Theo chị Hà với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, cũng là chủ một hãng chuyên sản xuất lụa Việt Nam - cho biết: “Đến giờ này, chỉ còn vài nhà ở Vạn Phúc là sản xuất lụa thật. Việc nhập hàng Trung Quốc về bán là rất phổ biến.”
“Lụa Trung Quốc đa dạng, in màu cực kì sắc sảo, độ lụa nuột nà hơn hàng Việt mình. Đó là do họ có công nghệ nhuộm in rất hiện đại. Trong khi đó, hàng mình chủ yếu làm thủ công, màu lụa thường là màu trầm, trơn, nhạt nhạt, sờ vào thô ráp. Màu có rực rỡ hơn nếu nhuộm bằng thuốc nhưng cũng không bằng hàng Trung Quốc”, chị Hà nói.
Mua bán hàng lụa Trung Quốc dễ dàng, sau đó thay mác lụa Vạn Phúc để nghiễm nhiên trở thành hàng thủ công được không ít người “tự hào” nhận là nghề, chứ không riêng gì thương hiệu Khải Silk. Tuy nhiên, giá bán bao nhiêu vẫn nằm ở giá trị thương hiệu và cách làm thương mại của các doanh nghiệp.
Thế Hưng - Toàn Vũ
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/vu-gian-lan-cua-khaisilk-hang-trung-quoc-van-tra-tron-ban-trong-lang-lua-van-phuc-20171026193308271.htm







Rúng động 'con đường tơ lụa' của Khaisilk

27/10/2017 08:18 GMT+7

Cửa hàng Khaisilk trên phố Hàng Gai (Hà Nội) đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động vào chiều 26-10 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

TTO - Vụ khăn lụa Khaisilk - một thương hiệu tồn tại suốt hơn 30 năm qua - gắn mác “made in China” là cú sốc lớn cho niềm tin vào thương hiệu Việt của người tiêu dùng.

Video tạm dừng
Kiểm tra, làm rõ thông tin khách hàng phản ánh tại cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai
Trong ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin phản ảnh của khách hàng về sản phẩm khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk bán khăn vừa có mác "made in Vietnam", vừa có mác "made in China".
"Trường hợp nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý và báo cáo bộ trưởng trước ngày 28-10" - văn phòng Bộ Công thương yêu cầu.
Thu giữ 52 mẫu sản phẩm
Trưa 26-10, đội 14 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phòng cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội và lực lượng chức năng đã đi kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí đã đăng tại cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai.
Tại buổi kiểm tra cửa hàng Khaisilk, ông Hoàng Khải - chủ thương hiệu này - không có mặt tại đây. Ông Trần Hùng - cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - nhận định sự việc khăn lụa Khaisilk dán mác Trung Quốc là sự kiện rúng động bởi Khaisilk là một thương hiệu lớn, có uy tín rất nhiều năm nay.
Ông Hùng cho biết lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ 52 mẫu sản phẩm gồm: khăn, quần áo, caravat... để kiểm tra dấu hiệu vi phạm, giả nguồn gốc xuất xứ.
Ông Hùng cho rằng như ông Khải đã trả lời truyền thông, là thừa nhận về hàng "made in China". Đồng thời, sẵn sàng bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, những ai bị thiệt hại thì Khaisilk sẽ bồi hoàn (đổi trả hàng).
Nhưng theo ông Hùng, cái mất lớn nhất ở đây không phải là vật chất mà là thương hiệu, gắn liền với hình ảnh quốc gia. Hầu hết các đoàn mua quà lễ tết, khánh tiết, các đoàn ngoại giao đều chọn mua sản phẩm, trong đó có lụa tơ tằm Khaisilk...
Rúng động con đường tơ lụa của Khaisilk - Ảnh 2.
Bên trong cửa hàng Khaisilk ở Hàng Gai, Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ
Hiện kết quả kiểm định vẫn đang bị vướng và dường như có sự can thiệp nào đó nên chúng tôi chưa lấy được kết quả
Ông Đặng Như Quỳnh
Khaisilk trả lời lòng vòng
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau buổi kiểm tra liên ngành của các cơ quan chức năng, ông Đặng Như Quỳnh - là người thân của khách hàng đã mua 60 sản phẩm khăn lụa tại cửa hàng ở 113 Hàng Gai của Khaisilk - cho biết ngay sau khi phát hiện mẫu khăn lụa có hai nhãn mác "made in China" và "Khaisilk made in Vietnam", đã gửi mẫu đi kiểm định tại Viện Kiểm định dệt may để kiểm tra nguồn gốc sợi nguyên liệu.
Tuy nhiên, cho biết đến thời điểm 17h ngày 26-10 (ngày hẹn trả kết quả kiểm định) nhưng đơn vị kiểm định vẫn chưa trả kết quả. "Hiện kết quả kiểm định vẫn đang bị vướng và dường như có sự can thiệp nào đó nên chúng tôi chưa lấy được kết quả" - ông Quỳnh thông tin.
Được biết ngay sau đó Tập đoàn Khaisilk đã có văn bản phản hồi. Nhưng ông Quỳnh cho rằng những phản hồi được đưa ra chưa thỏa đáng, "khá lòng vòng" khi chủ thương hiệu Khaisilk cho rằng việc để "lọt" một chiếc khăn có hai nhãn mác là do đã "lấy nhầm" một chiếc khăn của dây chuyền đang sản xuất cho lô hàng ở Hong Kong (Trung Quốc) và đối tác yêu cầu gắn hai nhãn mác.
Rúng động con đường tơ lụa của Khaisilk - Ảnh 4.
Chiếc khăn lụa vừa có mác "made in Vietnam" vừa có mác "made in China" - Ảnh: ĐẶNG NHƯ QUỲNH
Ngay sau đó, khi trả lời trên báo chí ngày 26-10, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk là Hoàng Khải cũng khẳng định một phần sản phẩm được bán ra thị trường có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc và trong khoảng 30 năm trở lại đây đều đã bán những sản phẩm này.
Tối 26-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện tập đoàn này cũng xác nhận việc chủ tịch tập đoàn Khaisilk là ông Hoàng Khải thừa nhận đang kinh doanh sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc là đúng sự thật và tỷ lệ này đang chiếm khoảng 50%. 
Đến hết ngày 26-10, theo ông Quỳnh, Tập đoàn Khaisilk chưa có bất kỳ động thái nào xin lỗi hay cho biết sẽ bồi thường cho khách hàng mua 60 chiếc khăn.
"Họ chỉ thông báo sản phẩm đó không đúng và xin thu hồi. Nhà cung cấp cũng đưa ra hai lựa chọn là thu hồi toàn bộ hoặc đổi sản phẩm bị lỗi, nhưng thực ra trong 60 chiếc khăn được mua, ngoài 1 chiếc có 2 nhãn mác thì 59 chiếc khăn còn lại vẫn còn một phần của nhãn mác, có dấu hiệu của việc cắt tap, thậm chí có tap vẫn còn nguyên chữ A" - ông Quỳnh nói.
Xử lý ở mức nào, ra sao?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng - cho rằng theo quy định tại nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa thì xuất xứ hàng hóa là một trong các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa.
Với sự việc trên, ông Mạnh Hùng nói: "Rõ ràng việc ghi như vậy là không chính xác, làm sai lệch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng".
Video tạm dừng
Ông Trần Hùng, phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường phát biểu về vụ việc Khaisilk - Thực hiện: CHÍ TUỆ
Còn theo ông Phạm Ngọc Hùng - phó chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam, qua phát biểu của ông Hoàng Khải, việc nhập hàng từ Trung Quốc là từ những năm 1990. 
Do đó, ông đề nghị công ty này cần phải làm rõ số lượng hàng được nhập về từ Trung Quốc, bắt đầu từ thời điểm những năm 1990 là bao nhiêu, số lượng khăn được thay đổi nhãn mác, giả thương hiệu là thế nào? Đồng thời cần làm rõ lượng hàng hóa được Tập đoàn Khaisilk nhập về là theo đường chính ngạch, có hóa đơn chứng từ rõ ràng hay không? Và liệu trong số đó có hàng nhập lậu, trốn thuế?
"Cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra vụ việc, làm rõ các thông tin liên quan tới việc nhập hàng Trung Quốc. Bởi đây là sản phẩm thương hiệu Việt, mang tính quốc gia và quốc tế, nếu không xử lý nghiêm minh thì sẽ đánh mất niềm tin vào thương hiệu Việt, hàng Việt Nam và không đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Trong trường hợp đủ cấu thành tội làm giả với số lượng lớn thì đề nghị khởi tố theo Luật hình sự" - ông Hùng đề nghị.
Rúng động con đường tơ lụa của Khaisilk - Ảnh 6.
Đồ họa: N.KH.
"Đầu dê, thịt chó" rất phổ biến
Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM (Agtek), cho biết việc sản phẩm dệt may được mua "nguyên đai nguyên kiện" từ Trung Quốc, sau đó về tới VN được "phù phép" thành "made in Vietnam" rất phổ biến.
"Rất nhiều lần chúng tôi đã có văn bản kiến nghị gửi cơ quan chức năng về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, tránh để trường hợp hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc tuồn vào VN, nhưng sau đó lại được gắn mác xuất xứ của VN, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước rất lớn do không thể cạnh tranh lại" - ông Hồng bức xúc nói.
T.V.N.
http://tuoitre.vn/rung-dong-con-duong-to-lua-cua-khaisilk-20171027080802376.htm











Lục lại quá khứ, Khaisilk từng thừa nhận bán lụa Trung Quốc từ bài phỏng vấn năm 2013

L.T | 
Lục lại quá khứ, Khaisilk từng thừa nhận bán lụa Trung Quốc từ bài phỏng vấn năm 2013

Trong bài phỏng vấn vào tháng 12/2013 với tạp chí Forbes Việt Nam, doanh nhân Khaisilk từng thừa nhận đã sớm nhập hàng Trung Quốc về bán tại các cửa hàng lụa của mình. Vị này gọi đó là những thương vụ "một vốn mười lời".












Tháng 12/2013, doanh nhân Hoàng Khải xuất hiện trong bài phỏng vấn dài 6 trang trên báo Forbes Việt Nam trong bài viết mang tên "Người làm nên Khải Silk". Tâm sự về câu chuyện khởi nguồn của Khaisilk, vị doanh nhân này không quên nhắc tới cửa hàng 113 Hàng Gai, nơi gắn liền với sự nghiệp kinh doanh tơ lụa của gia đình ông, và giờ đây cũng là tâm điểm của khủng hoảng về niềm tin sau khi bị khách hàng phanh phui vụ lừa đảo cắt mác Trung Quốc, gắn mác Việt Nam.
Trong bài viết khi đó, ông Hoàng Khải bình luận bằng một câu nói rất nổi tiếng của mình: "Chính tôi là người khai sinh ra phố tơ lụa Hàng Gai". Ông kể công ty Khaisilk đặt vải lụa, đặt làm các sản phẩm ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, rồi vào tận Đà Nẵng đặt hàng, giúp tạo nên công việc cho nhiều gia đình chuyên gia công các sản phẩm cho thương hiệu Khaisilk.
"Về sau, khi công việc làm ăn tấn tới, Khải còn nhập các sản phẩm lụa từ Trung Quốc. Ông không phủ nhận chuyện này, cho rằng 'mẫu mã là do mình thiết kế, mình chỉ đặt hàng theo ý mình'. Kinh doanh 'một vốn, mười lời', nhưng có bài bản, ông Khải tạo ra được tên tuổi riêng, xác lập đẳng cấp cao hơn hẳn so với đối thủ cạnh tranh", bài viết ghi rõ.
Với Hoàng Khải, việc kinh doanh tơ lụa ở Hà Nội đã đem về cho công ty ông thương hiệu nổi tiếng đầu tiên, và đến nay cũng gắn liền với thương hiệu cá nhân vị doanh nhân này - Khaisilk. Vì vậy, việc kinh doanh này cũng được ông giữ lại dù giờ đây, các cửa hàng lụa ở Hà Nội không còn phát triển mở rộng như xưa, và đóng góp vào doanh thu toàn tập đoàn không nhiều.
Trong vụ khủng hoảng về bán hàng giả, Hoàng Khải lên tiếng trên báo chí rằng ông vẫn trực tiếp làm công đoạn thiết kế cho các sản phẩm của Khaisilk, dù thừa nhận bản thân thiếu sát sao trong hoạt động của các cửa hàng. Điều này cũng trùng hợp với thông tin ông đã từng đưa ra vào năm 2013, đồng thời cho biết hàng hoá bán chạy nhất tại Khaisilk là khăn lụa và carvat, với các khách hàng là người tiêu dùng cao cấp, doanh nghiệp mua làm quà biếu đối tác.
Là người tiên phong với tơ lụa từ thương hiệu Khaisilk, cũng có thể nói đây chính là nguồn gốc cho số tài sản hàng triệu USD của vị doanh nhân này. Ông nói về chuyện người khác nghi ngờ về sự giàu có của mình bằng một lời đánh giá "Có lẽ họ không hiểu những thứ tôi làm đều thuê được rất rẻ, vì mình là người tiên phong".
Nhưng có lẽ, sự nhanh nhạy với cái rẻ đó đã khiến ông không ý thức được hậu quả 30 năm sau đó mà mình phải gánh chịu. Bởi trong kinh doanh, niềm tin rất khó định giá, nhưng chắc chắn không có giá rẻ!
http://soha.vn/luc-lai-qua-khu-khaisilk-tung-thua-nhan-ban-lua-trung-quoc-tu-bai-phong-van-nam-2013-20171027005725657.htm
.

1 nhận xét:

  1. Phạm Dương Ngọc
    1時間 · ハノイ ·
    Muốn làm giàu, hãy sang Trung Quốc
    Nói ra điều này rất không vui, nhưng đó là sự thực.
    Mấy hôm trước, khi vụ Khải Silk ầm ĩ, mình đã viết tút bóc mẽ câu chuyện của giới làm ăn, kinh doanh sản xuất hàng Madein Việt Nam, nhưng chỉ có mỗi công đoạn thay mác. Và, từ việc thay mác, đánh vào "tinh thần yêu nước, bài trừ hàng Tàu", mà thổi giá sản phẩm lên gấp 10, thậm chí 100 lần. Như vậy là sự lừa đảo hết sức trắng trợn, lợi dụng tinh thần dân tộc để trục lợi. Chuyện mua rẻ bán đắt thì không nói làm gì, vì buôn bán cạnh tranh sòng phẳng, nhưng thay mác thì là lừa đảo.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.