Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

26/08/2017

Văn nghệ Thứ Bảy : Nhớ về tạp chí "Búp trên cành", và những ý tưởng khôi phục

Búp trên cành là một ấn phẩm dành riêng cho sáng tác của thiếu nhi, bắt đầu được ấn hành từ trước Đổi Mới của Thái Bình.

Người khai sinh ra tên của tạp chí, và bản thân tạp chí, chính là nhà văn Bút Ngữ, lúc đó là Hội trưởng Hội Văn học Nghệ thuật và được biết đến với những tác phẩm như Pháo đài đồng bằng, Chuyện ở xóm chài, Những ngày nước cường,... (ông đã xác nhận về chi tiết "khai sinh" với tôi vào đầu năm 2017, tại đây). Bên cạnh ông lúc đó là một tập thể các nhà văn nhà thơ của quê lúa: Đỗ Vĩnh Bảo, Nguyễn Văn, Kim Chuông, Bùi Công Bính, Lê Bính, Đức Hậu,... 

Một tuyển tập xây dựng từ những số Búp trên cành đã xuất bản cho đến năm 1990, chính là tập sách mà tôi đang đưa dần lên Giao Blog.

Sau 1990, thì hình như Búp trên cành đi thêm được một ít nữa, rồi đình bản.

Đến năm 2013, trong một hội thảo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức, đã xuất hiện ý tưởng khôi phục ấn phẩm này - tức là tiếp tục xuất bản Búp trên cành trong bối cảnh mới.

Ở đây, gom một ít bài theo nội dung:

- nhớ về Búp trên cành,
- ý tưởng khôi phục Búp trên cành hiện nay.

Đi dần dần, bổ sung theo thứ tự ngược như mọi khi.

---





4. Chị Bùi Thị Biên Linh (tức Bùi Thị Sóng Biển) viết về một người thầy - nhà văn Tô Hoải, lên mạng vào tháng 6 năm 2017



Thứ hai, ngày 19 tháng 6 , 2017

Người thầy đặc biệt của tôi

NHNVới tôi, suốt những ngày ấu thơ, nhà văn Tô Hoài mãi còn in đậm những kỷ niệm khó quên, khi tôi vừa chập chững bước vào cái “ngưỡng cửa” của thế giới văn chương. Đến bây giờ, đã qua bốn mươi năm, đã trở thành cô giáo với gần ba chục năm trên bục giảng. Với tập thơ đứng tên riêng và rải rác những sáng tác in trên các báo…Vậy mà, mỗi lần nhớ về thời xa ấy, một cảm giác trước mặt tôi, Tô Hoài - Bóng hình Ông vẫn mãi còn như quả núi thật xa lạ mà quen gần, ấm áp. Ông là người bác, người thầy … Sao quá đỗi tận tâm, hiền thương và nhân hậu ….
Người thầy đặc biệt của tôi
Cố Nhà văn Tô Hoài
Còn nhớ. Hè năm 1976, sau khi dự thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, tôi được chọn tuyển về dự lớp “Các em có năng khiếu sáng tác văn học” do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức đầu tiên trên cả nước. 
Một tháng trời, về với cơ quan Văn học, chúng tôi được gặp mặt các nhà văn Bút Ngữ, nhà thơ Kim Chuông, nhà văn Lê Bính, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng, Nguyễn Văn, nhà thơ Võ Bá Cường, Trần Đình Chung và nhiều nghệ sĩ có tên tuổi khác trong Hội. Đặc biệt, Nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Phong Thu … từ Hà Nội được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình mời về trực tiếp dạy dỗ, hướng dẫn chúng tôi trong suốt tháng hè.
Trại viết ngày ấy, chỉ có hai mươi học viên. Có bạn mới lên mười. Bạn lớn nhất, mười bốn tuổi. Tôi vừa bước vào tuổi mười một... 
Ở lớp, trong rất nhiều gương mặt nghệ sĩ là thầy, tôi nhớ mãi lần gặp nhà văn Tô Hoài ở Hội trường Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, khi ông giảng tiết học đầu tiên. Tô Hoài năm ấy ngoại sáu mươi tuổi. Gặp ông, chúng tôi bỗng reo lên vui sướng. Ai nấy, đều ngưỡng mộ ngắm nhìn nhà văn.
Tô Hoài, một gương mặt hiền từ, phúc hậu. Một giọng nói chân tình, ấm áp. Một nụ cười tươi tắn, hóm, dễ thương. Trong phút chốc, từ sự e dè, nể sợ, cả lớp, nhất là với riêng tôi, một đứa trẻ nhà quê từ cái làng Đồng Vy, Đông La vừa bước chân lên tỉnh bỗng cảm thấy thật gần, thật chan hòa, cởi mở.
Nhà văn Tô Hoài dạy chúng tôi cách chọn đề tài, cách xây dựng một câu chuyện và cách viết. Bác dạy rất dễ hiểu. Từ cách quan sát, phát hiện, liên tưởng trước thế giới quanh mình, rồi biểu thị cảm xúc, kết cấu. Cách chọn những nhân vật, chi tiết điển hình. Đặc biệt là lao động ngôn ngữ của những người cầm bút. Mỗi lần dạy xong, nhà văn thường “ra đề” cho chúng tôi tự hư cấu, sáng tác. Với yêu cầu thật đơn giản : “ Mỗi em hãy kể lại một câu chuyện mà mình muốn kể nhất …”.
Các bạn tôi, số đa đã quen với sáng tác văn chương. Nhiều bạn như Đỗ Mai Hương, Bùi Thanh Huyền, Lê Quang Đôn, Lã Bắc Lý … viết nhanh. Chỉ sau hai ba tiếng đã có bài nộp. Còn tôi, vốn nhà quê, suốt ngày chỉ biết chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê và cắt cỏ cho bò … Tôi cắn bút, chẳng biết viết gì. 
Trưa hôm đó, sau khi lấy nửa cái bánh mì, khẩu phần ăn trưa từ nhà ăn về, vừa ăn, tôi vừa ứa nước mắt. Nhìn ngoài trời, nắng cháy lên gay gắt. Tôi nghĩ, chắc mẹ đang phơi nắng giữa đồng. Phần nhớ nhà, nhớ mẹ. Phần “văn chương tắc tị.” Tôi buồn quá. Đang muốn dấu cái gương mặt u ám của mình, bỗng nhà văn Tô Hoài vẫy tay, hỏi tôi:
- Sóng Biển (một bút danh của tôi) cháu đã viết được gì chưa? 
Tôi buồn, lắc đầu kể lại tâm trạng trên với bác. Nhà văn Tô Hoài hai mắt cười rất vui, vỗ vai tôi, khuyến khích:
 - Ồ. Vậy thì cháu hãy viết về mẹ. Về nỗi nhớ mẹ ấy.
 Đang đầy ắp trong lòng chuyện nhà, chuyện “văn chương mắc nợ,” tôi lấy bút ngồi kể lại câu chuyện riêng mình. Viết xong, tôi mang bài lên nộp, bác Tô Hoài cười hiền từ cầm lấy bài của tôi. Bác đeo kính đọc ngay. Tôi ngồi im nhìn bác, khi khoanh tròn, khi gạch, xóa. Mồ hôi trán toát ra. Tôi vừa run, vừa lo. Bỗng bác ngước lên nhìn tôi, khẽ bảo:
- Đúng là câu chuyện dính đến máu thịt của mình, phải không? Một bài viết hay về mẹ. Hay ở tình cảm chân thực. Ở tình tiết truyện kể. Ở giọng văn đằm thắm. Nhưng, cách viết. Rồi bố cục. Rồi, chữ nghĩa… thì chưa ổn. Nhà văn Tô Hoài chỉ ra cho tôi từng đoạn, từng dòng, từng câu văn trên bài viết cụ thể. 
Ôi, vui quá. Tôi không ngờ, một nhà văn lớn lại ân cần, gần gũi và ấm áp đến vậy. Sau khi lĩnh hội những ý kiến đóng góp của bác, tôi thật sự vui sướng, cảm thấy không còn lo sợ, e ngại như buổi ban đầu. Tôi cảm ơn và chào bác, vội mang bản thảo về rồi cặm cụi chui vào một góc phòng ngồi viết. 
Có tới lần thứ ba, tôi sửa chữa và nộp lại bài viết ấy cho bác. Có lúc, vừa ăn cơm xong, chưa kịp uống nước, bác đã cầm bài và gọi tôi vào phòng, hai bác cháu cùng đọc và sửa tiếp. Có truyện viết về làng, tôi nhớ, bác “bắt” tôi sửa tới lần thứ bảy, rồi phán. “Ừ. Thế chứ. Bây giờ thì được rồi đấy. Bác hài lòng? Còn cháu? Có thấy, sửa, hay lên nhiều không?
“Trời. Lao động văn chương. Cực nhọc quá. Chả thế mà nhà thơ Lê Đạt từng gọi nhà văn là phu chữ đó sao. Quả tình đây là công cuộc đãi cát tìm vàng.”  
Viết xong truyện “Mẹ,” được nhà văn lớn hài lòng. Tôi vui quá, chạy về khoe  các bạn. Đúng là, tác phẩm đã lọt “con mắt xanh.” Truyện viết về “Mẹ, ” tác phẩm đầu tay của tôi gửi đi, được các báo Thiếu niên Tiền phong,  Tạp chí “Văn nghệ Thái Bình,” Nguyệt san Báo Thái Bình đăng tải liên tiếp trong năm 1976. 
Sau truyện viết về “Mẹ,” tôi có các truyện ngắn:  “Cây bồ kết,” “ Bãi biển,” “ Làng cửa biển”… liên tiếp được giới thiệu trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, của Buổi Phát thanh thiếu niên Đài Tiếng nói Việt Nam và các ấn phẩm văn nghệ của vùng đất Thái Bình.
Tôi biết ơn nhà văn Tô Hoài, biết ơn cội nguồn, bến mở này. Dẫu đường dài, không theo suốt nghiệp Văn. Nhưng, là cô giáo, tôi vẫn nuôi ngọn lửa và âm thầm sáng tác. Đã hai lần, tôi giành được giải cao cuộc thi thơ của ngành giáo dục. Rồi, Giải thưởng văn học viết về miền Nam sau mười năm giải phóng. Giải thưởng Văn học về Hội Hữu nghị Việt- Xô và giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương năm 1980 – 1990. 
Niềm vinh dự và may mắn nữa nhờ “cái oai,” cái vía của nhà văn Tô Hoài, mà tôi được xem là trường hợp đặc biệt. Đấy là, khi vừa tốt nghiệp cấp III, tôi đã có quyết định, được mời về làm biên tập văn nghệ tại Phòng Văn nghệ của Sở Văn hóa Thông tin Sông Bé. Bởi, “Tôi từng là học trò của nhà văn Tô Hoài, có bài đăng trên các báo từ năm 11 tuổi.” Nhưng, tự nhận ra công việc có vẻ quá sức mình, tôi đã quyết chối từ, xin vào trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé, để học và cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục. 
Nhớ ngày đầu đến với Trường Cao đẳng, khi các lớp đã khai giảng được hơn một tháng. Nhưng, một ưu đãi đặc biệt nữa, riêng tôi không phải thi, lại gặp đúng tiết thầy Trần Xuân Lý giảng. Thầy Lý là Hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương. Biết tôi, từ những bài in trên các báo, thầy Lý vui mừng khoe với cả lớp về “cô học trò của nhà văn Tô Hoài” thuở bé, khiến các bạn sinh viên đem lòng yêu quý tôi hơn. Những lúc ấy, tôi thật sự vui, nhưng lại thấy lo hơn ở niềm yêu mà các bạn đã giành gửi cho mình. Và, hình ảnh nhà văn Tô Hoài một thời với vầng trán cao, khuôn mặt hiền từ, nụ cười mủm mỉm trên môi, hàng tháng hè, trên quê lúa Thái Bình, “thầy” đã  ân cần dạy và sửa bài cho học trò (trong đó có tôi) lại hiện về, lại thức dậy trong tâm khảm tôi suốt bốn chục năm qua. 
Sau này, những gì các bác, các chú nghệ sĩ, đặc biệt là bác Tô Hoài, một người thầy vĩ đại, từng dạy tôi trong lớp sáng tác mầm non ngày ấy đã trở thành nguồn kiến thức vô giá trong việc ươm mầm, gieo hạt, giúp tôi tin yêu, bước đi trên mỗi bước đường dài.
Bây giờ, đã hơn ba chục năm xa miền Bắc, xa quê hương, xa các thầy, để vào Nam cùng gia đình, làm một cô giáo dạy dỗ lứa học trò, tôi vẫn mang theo những tấm ảnh chụp cùng các bác , các chú, các bạn trong nhóm “ Búp trên cành”. Những tấm ảnh xưa cũ ấy luôn là niềm tự hào, hạnh phúc của tôi. Tôi cất giữ ở nơi trang trọng và khi có dịp tôi hay khoe với học trò, những em được tôi ôn thi học sinh giỏi hay ôn thi đại học. Tôi nhận thấy sau mỗi lần khoe niềm vinh dự ấy, các em tin tôi hơn, say sưa học tập hơn. Ở nơi tôi sinh sống đã lâu dần thành quen, rất nhiều người gặp tôi là bảo “Học trò của nhà văn Tô Hoài đấy”.
Còn học sinh của tôi, mỗi năm khi nhận lớp mới, thế nào cũng có vài em ở vài lớp hỏi ngay buổi đầu : “ Thưa cô chúng em nghe nói cô là học trò của nhà văn Tô Hoài, của nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Kim Chuông, Lê Bính … phải không?” Thú thực, lúc ấy, tôi thật hạnh phúc, và hãnh diện. Tôi lại có dịp khoe về các thầy, khoe về tuổi thơ tuyệt diệu của mình. Học trò nghe say sưa đến nỗi quên cả thời gian. Sau này, cô trò của tôi thường gọi đùa đó là “Tiết học truyền cảm hứng”.
Rồi, một ngày, tôi nhớ như in. Ngày mồng 6, tháng Bảy, năm 2014. Trời phương Nam đang nắng bỗng đổ mưa tầm tã. Một em tên Diễm Ngọc, chạy vội đến bên tôi nói trong giọng nghẹn lại : “Cô ơi, nhà văn Tô Hoài mất rồi ! Tác giả “Dế Mèn phiêu lưu kí” mất rồi. Người thầy tuổi thơ của cô mất rồi, cô ạ...”.
Tôi sững sờ, suýt bật lên tiếng khóc. Cả buổi sáng hôm ấy, tôi không giảng bài được như mọi khi. Buồn quá. Tôi chia sẻ nỗi niềm này với cả lớp rồi ra bài tập, hướng dẫn các em làm cho đến khi tan học. Đêm ấy, tôi không sao ngủ được. Ở phương Nam xa lắc, nơi miền Đông đất đỏ, tôi thao thức suốt đêm hè ngồi hồi tưởng, viết những dòng tưởng nhớ này, về nhà văn Tô Hoài – Về Một Người thầy đặc biệt của đời tôi. 
Bùi Thị Biên Linh

http://nguoihanoi.com.vn/nguoi-thay-dac-biet-cua-toi_233426.html






3. Nhà văn Đức Hậu viết về nhà văn Lê Bính, năm 2016 (lứa chúng tôi thì lại không biết về nhà văn Lê Bính; thậm chí chúng tôi chưa một lần được gặp chú)


Lê Bính với văn học thiếu nhi

Thứ 2, 22.02.2016 | 10:01:42

Nhà văn Lê Bính đã ra đi nhưng những gì ông để lại đáng để chúng ta suy nghĩ. Đó trước hết là một người sống trung thực đầy nhiệt huyết, nhiệt huyết đến mức dị khờ và luôn cháy hết mình trong công việc, trong học tập, trong tình bạn và tình yêu. Hơn bốn mươi năm gắn bó với Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, nhà văn Lê Bính đã đóng góp cho văn học của quê hương và đất nước những tác phẩm nóng hổi hơi thở cuộc sống và đậm đà chất nhân văn. Đặc biệt là mảng văn học viết cho thiếu nhi. Cũng vì yêu say văn học thiếu nhi, ông được phụ trách lớp sáng tác hè cho các em có năng khiếu chọn lọc từ các trường trong toàn tỉnh, sau này gọi là lớp Búp trên cành.

Các em thiếu nhi đọc sách tại Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh. Ảnh: Thành Tâm

Thời ấy, phong trào văn học thiếu nhi Thái Bình nổi tiếng cả nước, được hơn một trăm giải thưởng quốc gia và quốc tế. Ngoài tài năng của các em, thành tựu đó có sự đóng góp của nhiều người, mà tiêu biểu là nhà văn Lê Bính. Lê Bính yêu nghề và yêu người, dìu dắt, chăm sóc các em như người anh, người thầy. Ông đưa các em đi thực tế các vùng quê, chữa cho các em từng câu từng chữ, đôi khi giảng giải cho các em về lẽ sống, về thiện, ác, tốt xấu. Tình cảm của nhà văn dành cho các em đã nâng đỡ các em cả khi bước vào cuộc đời rộng lớn để lập thân sau này. Ân tình ấy còn sâu nặng trong lòng một thế hệ Búp trên cành. Tháng 8/2015, qua mạng facebook, các em từng được dự các lớp học viết văn ngày ấy đã liên hệ với nhau và tổ chức một cuộc họp mặt tại Thái Bình sau hơn ba mươi năm. Có em từ nước ngoài về, có em từ miền Nam ra, từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh tập hợp lại. Hầu hết các em đều thành đạt, một số em là phó giáo sư, tiến sĩ, là giám đốc doanh nghiệp lớn, là cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, trưởng khoa của trường đại học, cán bộ lãnh đạo cấp huyện. Các em đã tổ chức một đoàn về làng Hà Mi, quê hương nhà văn Lê Bính, nơi ông đang dưỡng bệnh. Thật cảm động khi nhìn những cán bộ, doanh nhân tuổi trung niên, cả nam và nữ quây quần bên nhà văn già nhỏ bé, cúi đầu chào thầy như những trò nhỏ ngày nào. Rồi tất cả trải chiếu ngồi quanh thầy cùng hát, đọc thơ và ôn lại những tháng ngày đói nghèo mà đẹp như cổ tích năm xưa. Từ đấy, các em thường xuyên liên lạc, thăm hỏi và giúp đỡ nhà văn đang chống chọi với trọng bệnh. Trước các em, Lê Bính luôn vui nhộn, hài hước, giấu kín những vất vả, khó khăn của riêng mình. Những ai thật gần gũi và cảm thông mới biết Lê Bính đã phải tự mình vượt lên số phận để làm người, làm nhà văn như thế nào. Ông luôn tránh xa những bon chen danh lợi, những đố kỵ tị hiềm. Cuộc đời ông là cả một quá trình phấn đấu, bươn trải không ngừng. Bươn trải để nuôi con, để viết sách. Từng bị đòn số phận khá khốc liệt, có những thời gian đói nghèo kiệt quệ, khó khăn cùng cực cả tinh thần lẫn vật chất, ông vẫn kiên cường và lạc quan sống. Nếu là người khác, chắc chỉ biết cúi đầu trước số phận mà lo mưu sinh, mấy ai dám mơ đến sáng tác. Lo miếng cơm manh áo cho vợ con đến kiệt sức nhưng ông không bao giờ buông bút. Mà lạ thay, văn thơ ông luôn đầy tin yêu và trong sáng. Chính những năm tháng gian khó ấy, ông viết thiên trường ca “Hát dọc đồng bằng” đầy hào sảng và 9 tập truyện, phần lớn viết cho thiếu nhi như “Chùm hoa nhãn”, “Tuổi ấu thơ”, “Câu chuyện tuổi thơ”, “Người làng ta”, “Tuổi trẻ ông đại tá”, “Vườn cây đong nắng”... Những tác phẩm nồng nàn tình yêu quê hương, yêu cuộc sống của ông đã được tặng 3 giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lê Quý Đôn của UBND tỉnh, 2 giải ba viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với tổ chức UNICEF và Báo Tiền Phong.
 Cuộc tiễn đưa Lê Bính có đông đủ gia đình, dân làng, bạn bè gần xa và đại diện các em thế hệ văn thơ Búp trên cành từ mọi miền đất nước tìm về. Với những gì làm được cho quê hương và gia đình, ông đã có một cuộc đời đầy tự hào. Nhà văn hãy thanh thản cưỡi hạc về trời, an vui nơi cực lạc.

Nhà văn Đức Hậu
http://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/20/44186/le-binh-voi-van-hoc-thieu-nhi-44186





2. Tác giả Thúy Mai viết vào năm 2015


Trong những tháng đầu bước vào nghề báo, nghề văn, nghề thơ tôi may mắn được nhà báo Bùi Thọ Tân lúc đó là Phó Giám đốc Đài phát thanh -Truyền hình Thái Bình cùng tổ biên tập Đông Á xây dựng điểm một Đài phát thanh cơ sở. Các anh, các chị đến tận nhà tôi hướng dẫn tận tình từ cách đi lấy tư liệu viết bài đến quan hệ đối xử với nhiều tầng lớp khác nhau. Từ khi tôi được giao phụ trách Đài truyền thanh xã, hàng ngày tôi đi xuống các xóm lấy tư liệu về viết tin bài 18 giờ tối đến Đài đọc trước máy. 5 giờ sáng hôm sau lại ra Đài phát chương trình 15 phút. Đài Đông Á trở thành điển hình của tỉnh và toàn quốc, được các Đài trong tỉnh và cả nước về học tập. Tôi được đi báo cáo điển hình toàn quốc. Tin bài của tôi thường xuyên xuất hiện trên đài báo Trung ương và tỉnh. Các bài viết “Sức viết của một cây bút nữ”, “Một nữ phóng viên nhiệt tình”. Anh Bùi Thọ Tân, Phó Giám đốc Đài phát thanh - Truyền hình Thái Bình đã làm một phóng sự dài “Người có duyên với nghề báo nói”.
Tôi được Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình mời dự trại sáng tác văn học, tôi được nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn, nhà thơ Lương Hữu hướng dẫn. Trại viết do Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình tổ chức. Từ một phóng viên tham dự trại viết tôi vui lắm, trại viết về đề tài trẻ em do cơ quan chăm sóc bảo vệ trẻ em “đỡ đầu”. Từ một người làm báo có ít năng khiếu văn chương lần đầu tiên được mời tham dự trại viết văn tôi rất phấn khởi. Cứ tưởng có thực tế làm báo, có cốt truyện hay mang về trại là viết được ngay, ai ngờ vào cuộc đâu có dễ.
Người phụ trách trại viết văn của chúng tôi là bác Nguyễn Văn, Hội Văn học Thái Bình. Dạy tôi làm thơ là nhà thơ Lương Hữu, cả hai đều là những người thầy đầu tiên tận tâm, tận tình vì chúng tôi. Chẳng quản khó khăn, ngày ngày các thầy phân công nhau kèm cặp hướng dẫn kỹ càng. Để có tác phẩm ra đời không chỉ người viết vắt tâm, vắt chí mà các thầy cũng vắt chí, vắt tâm không kém. Nghe chúng tôi kể chuyện, những truyện định viết, các thầy chắt lọc chuyện nào viết, chuyện nào bỏ, định hướng gợi mở cách thể hiện. Người trực tiếp đỡ đầu tôi viết văn khi ấy là bác Nguyễn Văn. Trại viết 1994 phát động cuộc thi viết về đề tài trẻ em, dự trại viết thầy khuyên tôi nên viết từ ngắn đến dài. Tôi có mấy cốt truyện mang về trại viết là những trẻ em vượt khó học giỏi. Tôi đặt tên truyện là truyện của Thu Nga. Thầy Nguyễn Văn uốn nắn từng phần, từng đoạn rồi bảo bỏ chữ Thu và đặt tên là “Truyện của bé Nga”. Tôi viết 10 truyện và được in thành sách. Bài “Tổ ong vàng” và “Cốc vỡ tại ai” được in trong tập “Búp trên cành” của tạp chí văn nghệ Thái Bình. Bài “Truyện của bé Nga” được Hội Văn nghệ Thái Bình in trong tập văn thơ viết cho các em.
Tôi còn nhớ như in thầy Nguyễn Văn bảo “Thúy Mai là người nữ đầu tiên được in sách ở Thái Bình” và “Văn hay là ở tâm người”, “Cái tâm có sáng thì lời văn mới thanh thoát”. Cả 10 truyện của tôi đều được nhà văn Nguyễn Văn đọc đi đọc lại thật vinh dự những truyện của tôi viết được in thành sách. Tập truyện ngắn “Truyện của bé Nga” được giải nhất cuộc thi viết về đề tài trẻ em in năm 1994. Anh Đặng Khiêu lúc ấy là Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Thái Bình đã giúp tôi in ấn và phát hành rộng rãi. Năm 1995 tôi được giải nhất cuộc thi viết cho trẻ em do Báo Thiếu niên Tiền Phong và nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức gặp mặt tác giả viết xuất sắc nhất cho thiếu nhi. Tôi được Hội Văn học Thái Bình mời dự gặp mặt là tác giả viết thành công về đề tài trẻ em nhà thơ Kim Chuông phỏng vấn.
Kết thúc trại viết các thầy nhận xét Thúy Mai là người viết tiến bộ nhất. Kể từ ngày đó với sự hăng say nghề nghiệp và sự chỉ đạo của các thầy, tôi lao vào con đường viết báo, viết văn, làm thơ một cách say mê. Khi về làm phóng viên đài Vũ Thư, chính môi trường làm báo đã bồi đắp cho tôi có thêm tư liệu, vốn sống để viết những tác phẩm văn học, những tác phẩm thơ, hơn 30 năm qua đắm mình trong nhà báo, nhà văn, nghề thơ đến nay tôi đã viết hàng ngàn bài báo với 15 đầu sách văn xuôi, trong đó có 2 tập thơ. Tôi đã được nhận hàng chục giải thưởng của các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh: Giải nhất viết về đề tài trẻ em do Báo Thiếu niên Hoa học trò và nhà xuất bản Kim Đồng trao tặng. Giải nhất viết về trẻ em và Hội Văn học Thái Bình tổ chức trao tặng. Giải nhất về đề tài dân số, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp, thương binh liệt sỹ. Hội nhà báo, Đài tiếng nói Việt Nam, Ủy ban dân số quốc gia, Trung ương Đoàn, Dân số Thái Bình, nông nghiệp và Hội nhà báo Thái Bình trao tặng. Báo Quân khu 3 với bài “Cả nhà là chiến sỹ”.
Có được kết quả ấy, tôi luôn nhớ những kỷ niệm ngày đầu cầm bút. Nhớ tới quãng đường hơn 30 năm làm báo, viết văn, làm thơ. Nhớ thầy Bùi Thọ Tân, nhớ thầy Nguyễn Văn, thầy Lương Hữu với những lời dậy tâm huyết vẫn còn in đậm trong tôi: “Thúy Mai là người nữ đầu tiên in sách ở Thái Bình” và “Văn hay cốt ở tâm người”, “Tâm có sáng viết mới nên”.

Thúy Mai
(Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình- Số 3 tháng 6/2015)




http://sovhttdl.thaibinh.gov.vn/ct/News/Lists/tapchivhttdl/View_Detail.aspx?ParentID=&ItemId=5







1. Năm 2013, tại hội thảo, có ý tưởng khôi phục Búp trên cành




    Sáng ngày 2/11/2013 tại Khách sạn Bạch Dương, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội, hội thảo “Vì sự phát triển của Văn học, nghệ thuật Thái Bình” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chủ trì đã khai mạc. Tới dự hội thảo có đồng chí Vũ Văn Thanh – Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; nhà văn Tùng Điển – Phó Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam; một số nhà văn Trung ương; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh; các ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, các ủy viên Ban Chấp hành các hội chuyên ngành Trung ương tại tỉnh.
Phát biểu tham luận tại hội thảo các đại biểu đã nêu bật những kết quả Hội văn học nghệ thuật tỉnh đạt được trong 42 năm xây dựng và trưởng thành; khẳng định vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội và những đóng góp tích cực của văn học nghệ thuật Thái Bình đối với sự phát triển của quê hương, đất nước. Đồng thời, cũng chỉ ra rất rõ, trong thời gian vừa qua, Hội văn học nghệ thuật của tỉnh gặp phải không ít khó khăn, hoạt động của Hội thiếu ổn định, một số biểu hiện của sự hiềm khích, đố kỵ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện trong một số hội viên đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào...Với mục đích tập hợp được đông đảo hội viên dưới mái nhà chung của Hội một cách ổn định; phát triển đa dạng các chuyên ngành văn học nghệ thuật; có nhiều tác phẩm hay, đạt giá trị cao của chân - thiện - mỹ...các tham luận cũng đã đề cập tới những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới là xây dựng khối đoàn kết; tăng cường tổ chức các trại sáng tác chuyên ngành, tổ chức đi thực tế, hội thảo; nâng cao chất lượng tạp chí Văn nghệ Thái Bình; xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, khôi phục lại ấn phẩm “Búp trên cành” để qua đó phát hiện tài năng trẻ; trao đổi kinh nghiệm đi thực tế sáng tác...
Phát biểu tại hội thảo đồng chí Vũ Văn Thanh – Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và nhà văn Tùng Điển – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ghi nhận những kết quả Hội văn học nghệ thuật tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, đánh giá cao hội thảo và các phát biểu tham luận tại hội thảo. Đồng chí Vũ Văn Thanh – Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng chỉ rõ 7 đích cần hướng tới và 5 nhiệm vụ trọng tâm Hội văn học nghệ thuật tỉnh cần phải làm trong thời gian tới là:
- Phải xây dựng được khối đoàn kết vững chắc trong hội, tạo niềm tin sâu sắc lẫn nhau giữa các chi hội với nhau, giữa hội viên với hội viên và giữa cấp trên với cấp dưới trong hội.
-Làm thật tốt công tác tham mưu, trước hết là lãnh đạo Hội phải tham mưu tốt cho Hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân  dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về các vấn đề liên quan tới văn học nghệ thuật và hoạt động của Hội.
- Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng hội viên về nhận thức tư tưởng chính trị, nhận thức về nghề nghiệp, về trách nhiệm của người văn nghệ sỹ và chuyên môn nghiệp vụ.
- Chú trọng khai thác, bồi dưỡng, nâng niu tài năng của các hội viên, của các thế hệ, đảm bảo cho hội có sức sống dồi dào.
- Đổi mới công tác quản lý một cách toàn diện, trong đó, chú trọng bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể; thực hiện quản lý Hội một cách khoa học, dân chủ, công khai; xây dựng chiến lược trong từng giai đoạn hoạt động; khai thác tốt sức mạnh nội sinh của Hội, quy tụ được văn nghệ sỹ và quy tụ được các mối quan hệ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển.

Nguyễn Thị Thu Hằng - Ban Tuyên giáo Tinh ủy



http://tuyengiaothaibinh.vn/Tin-Tuc/Left44/482_Ho%CC%A3i-tha%CC%89o-%E2%80%9CVi%CC%80-su%CC%A3-pha%CC%81t-trie%CC%89n-cu%CC%89a-Van-ho%CC%A3c,-nghe%CC%A3-thua%CC%A3t-Tha%CC%81i-Bi%CC%80nh%E2%80%9D





---

Những entry liên quan đã đi trên blog này



Chúng tôi đã viết ở tuổi lên mười - 12 (Nguyễn Minh Đức, thị xã)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.