Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/05/2017

Văn bia Cao Bằng - Kho tàng di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh

Bài của Ngô Thị Cẩm Châu - cán bộ của Bảo tàng tỉnh Cao Bằng.

Mấy năm trước đã xem tập bản thảo của nhóm. Lúc đó là trong liên đới tới nhân vật Hà Đại Nhân.

Bài ở dưới lấy nguyên về từ báo Cao Bằng.


---





Chủ nhật 10/04/2016 06:00
Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, trong đó có hệ thống văn bia. Đây là di sản văn hóa vô cùng quý giá mà các thế hệ tiền nhân để lại.
    Bia Thành Thái niên hiệu thứ 19.
    Văn bia Cao Bằng phong phú về thể loại, với nhiều loại hình khác nhau như bia ma nhai (bia khắc trực tiếp vào vách đá); bia lăng mộ; bia xây dựng, trùng tu kiêm công đức; bia hậu. Đây là những cổ vật có giá trị về nhiều mặt, là nguồn sử liệu gốc không có bản sao. Sự đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung của hệ thống văn bia Cao Bằng đã góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu, nghiên cứu diện mạo xã hội Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời kỳ trung và cận đại.

    Năm 2012, Bảo tàng tỉnh chủ trì thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu văn bia Cao Bằng qua các triều đại”. Đề tài đề cập các nội dung chính, như: Tổng quan về văn bia Việt Nam và văn bia Cao Bằng; Hệ thống văn bia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Giá trị của văn bia Cao Bằng; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn phát huy giá trị của văn bia Cao Bằng. Qua khảo sát thực tế đã tìm thấy văn bia ở 12/13 huyện, Thành phố (trừ Bảo Lạc đến nay chưa phát hiện có văn bia). Văn bia Cao Bằng được dựng ở nhiều vị trí, địa điểm, địa hình khác nhau như trong đền, chùa, miếu, trên sườn đồi, núi cao, bờ suối, bờ sông, vách đá, trần hang, mỏ nước, trước mộ, cầu… Theo thống kê, tổng số văn bia được phát hiện trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 48 văn bia, được thể hiện dưới 2 dạng bia khối và bia ma nhai. So với các địa phương khác, văn bia Cao Bằng không nhiều về số lượng, nhưng phong phú về thể loại. Hầu hết các văn bia Cao Bằng  đều khắc rõ niên đại, chỉ có một số ít văn bia không đề niên hiệu, niên đại. Trong số 48 văn bia được phát hiện, có 42 văn bia còn rõ chữ được đưa vào nghiên cứu, số bia có khắc rõ niên đại, niên hiệu là 35 bia; 7 văn bia còn lại không rõ niên đại, niên hiệu.

    Văn bia Cao Bằng được tạo tác muộn hơn so với văn bia các tỉnh khác, hiện nay chưa tìm thấy văn bia thời Lý, Trần. Văn bia có niên đại sớm nhất được tìm thấy trên địa bàn là bài thơ “Ngự chế” của vua Lê Thái Tổ khắc trên núi Phja Tém, xã Bình Long (Hòa An) vào năm 1431. Tiếp đến là văn bia “Câu thủy bi ký” cũng được khắc trên núi Phja Tém có niên đại năm 1702 (Chính Hòa thứ 23). Sau đó là văn bia chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) được dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782). Văn bia Cao Bằng tập trung nhiều nhất ở triều Nguyễn, với 31 văn bia bắt đầu từ thời Gia Long kéo dài cho đến đời vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại. Đề tài chạm khắc trang trí thể hiện trên hệ thống văn bia Cao Bằng là các đề tài truyền thống, nhiều nhất là đề tài tứ linh (long, ly, quy, phụng). Đây được coi là biểu tượng của sự vĩnh cửu, trường tồn. Đề tài tứ quý cũng được đưa vào trang trí trên văn bia lăng mộ, bia hậu. Đó là hình ảnh tùng, trúc, cúc, mai biểu tượng cho 4 mùa: Xuân, Hạ ,Thu, Đông. Ngoài ra còn có các biểu tượng cỏ cây hoa lá, rồng hóa trúc, hóa mây. Căn cứ vào những biểu tượng được chạm khắc trang trí trên văn bia cho thấy Nho giáo đóng vai trò quan trọng trong phát triển nghệ thuật của nước ta nói chung và ảnh hưởng không nhỏ trong nghệ thuật chạm khắc trang trí trên văn bia ở Cao Bằng.

    Một đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất của văn bia Cao Bằng là hầu hết các bia không có phần trán bia, diềm bia riêng biệt. Vì vậy phần trang trí cũng tập trung ngay ở phần trên cùng của bia. Nhưng cũng rất ít bia được trang trí ở phần này. Với 42 văn bia thì chỉ có văn bia chùa Tổng Phườn, xã Nam Quang (Bảo Lâm), văn bia mộ Hà Đại Nhân (Trà Lĩnh) được trang trí đầy đủ cả trán bia, diềm bia, đế bia. Đặc biệt, văn bia chùa Tổng Phườn (Bảo Lâm) có phần trang trí trên trán bia và cả 4 mặt bia với hình ảnh tứ linh chạm nổi. Văn bia gia phả họ Nông ở huyện Trà Lĩnh và bia mộ họ Thang, huyện Trùng Khánh, phong cách trang trí ở hai bên diềm bia đều cơ bản giống nhau với mô típ chạm hình lọ hoa bằng những cánh dài, mảnh, kỹ thuật chạm khắc rất tinh xảo. 5 văn bia tại chùa Phố Cũ  (Thành phố) với mô típ trang trí hoa văn trên trán bia là hình ảnh rồng chầu, biểu tượng âm dương bát quái và mây xoắn, hoa dây. Văn bia Ngườm Cải (Hòa An), phần trên cùng (chính giữa) có khắc hình âm dương bát quái. Hai bên khắc hình hoa lá, vân mây khá cân xứng. Riêng đối với các văn bia công đức (đặc biệt là bia về xây dựng, tu sửa cầu, đường) hầu hết không có phần trang trí. Nhìn chung, các họa tiết hoa văn chạm khắc trên văn bia, đề tài trang trí của văn bia Cao Bằng tập trung ở thời Nguyễn với rất nhiều mô típ chạm khắc, thể hiện bàn tay, khối óc tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc đá. Phong cách trang trí hoa văn trên văn bia Cao Bằng, chủ yếu là văn bia  thời Nguyễn, với hình rồng chầu hay rồng hóa ẩn trong mây, đuôi xoắn (mô típ tiêu biểu trong trang trí văn bia Việt Nam). Những tinh hoa, nghệ thuật chạm khắc đỉnh cao của văn bia Cao Bằng tập trung chủ yếu ở loại hình văn bia lăng mộ và bia hậu. Ở các văn bia này, nghệ thuật chạm khắc đá của nghệ nhân đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đá. Chữ khắc trên văn bia Cao Bằng hầu hết là kiểu chữ chân, nét rõ ràng, bay bổng, sắc nét. Kiểu chữ triện chỉ xuất hiện duy nhất trong văn bia miếu Quan Đế, thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh), nhưng kiểu chữ này cũng chỉ được khắc một dòng duy nhất là tiêu đề của tấm bia.

    Văn tự sử dụng trong văn bia Cao Bằng chủ yếu là chữ Hán Việt, Nôm Việt và Nôm Tày. Do đặc thù của địa phương nên tên đất, tên người trong văn bia Cao Bằng được ghi bằng chữ Nôm Tày hoặc Nôm Việt vì trong chữ Hán không có những từ đó. Trong suốt thời gian trên 500 năm song hành cùng lịch sử, văn bia Cao Bằng chuyển tải những thông điệp của quá khứ cho thế hệ sau. Đồng thời, văn bia Cao Bằng như một trang sử đá ghi chép lại một số sự kiện lịch sử, văn hóa, phản ánh đời sống xã hội, phong tục tập quán của người dân Cao Bằng trong các giai đoạn lịch sử, dưới nhiều triều đại phong kiến khác nhau. Với mỗi thể loại văn bia khác nhau, chức năng phản ánh cũng khác nhau. Điều này thể hiện rất rõ qua từng nội dung được khắc trên mỗi văn bia. Qua nội dung của các văn bia lăng mộ ta thấy được những nét đẹp trong văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân vùng đất Cao Bằng xưa, như: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tục cúng giỗ… Văn bia Cao Bằng cũng đóng góp một phần lớn trong việc nghiên cứu, bổ sung tư liệu lịch sử địa phương, đặc biệt là những tư liệu lịch sử chưa được ghi chép trong sử sách. Những sự kiện lịch sử diễn ra trên vùng đất Cao Bằng  qua các triều đại đã được sử sách ghi chép lại. Tuy nhiên, cũng có những sự kiện không được ghi lại trong các trang sử, nhưng lại được khắc trên bia đá trong các di tích hay khắc trực tiếp lên vách đá, như một trang sử đá. Nhiều sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử của Cao Bằng được tìm thấy trong văn bia và được ghi chép lại rất cụ thể, chi tiết. Đó là những bằng chứng, những tư liệu chính xác, góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương một cách dễ dàng hơn. Đồng thời thông qua những tư liệu khắc trên bia đá đã lý giải, chứng minh cho nhiều sự kiện chưa được làm sáng tỏ bấy lâu nay.

     Bia mộ Cao Bằng, ngoài những thông tin về dòng họ, về người đã chết còn có thể khai thác nguồn thông tin về bộ máy hành chính địa phương lúc bấy giờ, các địa danh và tên chức danh của các vị quan lại để tra và đối chiếu với các tài liệu chính sử hoặc bổ sung cho nguồn tài liệu chính sử. Hầu hết các văn bia cũng giống như một bản báo cáo tài chính công khai xây dựng, trùng tu công trình với việc khắc ghi chi tiết các khoản, như: Công khắc bia, dựng bia, soạn bia... Thông qua nội dung các văn bia, ta có thêm những thông tin về chế độ tiền tệ thời đó. Đồng thời, qua hệ thống văn bia, chúng ta hình dung được sự phát triển hay suy yếu về kinh tế của các triều đại thông qua việc đóng góp vào việc xây dựng, trùng tu tôn tạo các di tích đền, miếu, xây cầu, mương, thành... Bên cạnh đó, văn bia không chỉ là văn bản mang tính chất lưu trữ thông tin, một số bài văn bia phát hiện ở Cao Bằng thực sự là những tác phẩm văn học được viết theo thể biền ngẫu hoặc tản văn. Ngôn từ sử dụng trong mỗi bài đều có những đóng góp đặc sắc, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn học cổ địa phương. Với số lượng gần 50 văn bia được tìm thấy trên mảnh đất Cao Bằng là nguồn tư liệu có giá trị to lớn giúp cho việc tìm hiểu văn hoá truyền thống của mảnh đất Cao Bằng nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Nghiên cứu hệ thống văn bia góp phần khẳng định Cao Bằng là vùng đất cổ có lịch sử lâu đời, có nhiều cổ vật, di vật có giá trị. Đồng thời, góp phần vào việc quảng bá, tuyên truyền về kho tàng di sản văn hóa của tỉnh Cao Bằng.

    Trải qua thời gian, sự thăng trầm của lịch sử, chiến tranh tàn phá, sự khắc nghiệt của thời tiết cùng sự tác động của con người đã làm cho hệ thống văn bia Cao Bằng xuống cấp nghiêm trọng. Một số văn bia đang có nguy cơ mai một, thậm chí có thể mất hẳn. Do chưa có sự quan tâm đúng mức, văn bia Cao Bằng chưa phát huy được giá trị, chưa có những giải pháp bảo tồn một cách cụ thể, toàn diện. Để bảo tồn, phát huy giá trị của văn bia Cao Bằng, cần có sự chung tay góp sức của các cấp, ngành và của cả cộng đồng. Đồng thời phải có cơ chế chính sách đầu tư hợp lý, cần phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ hệ thống văn bia.




    Ngô Thị Cẩm Châu

    http://www.baocaobang.vn/Non-nuoc-Cao-Bang/Van-bia-Cao-Bang-Kho-tang-di-san-van-hoa-lich-su-cua-tinh/48601.bcb

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.