Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/03/2017

Chiến sự Gạc Ma 1988 : thông tin chính thức, năm 2017

Lần đầu tiên, sau gần 30 năm, truyền thông chính thức của nhà nước đề cập sâu/chi tiết về chiến sự Gạc Ma  (14/3/1988 - 14/3/2017).

Nhiều địa phương, nhiều tổ chức và cá nhân đồng loạt tổ chức các lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma.

Gom về từ các nơi.





---

.

9.

Thứ Ba, 14/03/2017 - 21:35

TPHCM: Học sinh xúc động tưởng niệm sự kiện Gạc Ma

Dân trí Hôm nay 14/3, hơn 500 thầy trò trường THPT Nhân Việt (TPHCM) tổ chức lễ tưởng niệm 29 năm sự kiện Gạc Ma (1988 - 2017). Đây là năm thứ 2 trường này tổ chức lễ tưởng niệm thông qua đó tuyên truyền, hưởng ứng các hoạt động hướng về biển đảo.

Hơn 500 thầy trò trường THPT Nhân Việt (TPHCM) đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma
Hơn 500 thầy trò trường THPT Nhân Việt (TPHCM) đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma
Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và xúc động khi thầy trò nhà trường đều mang trên mình đồng phục hải quân. Tại buổi lễ, thầy Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường dành thời gian ôn lại lịch sử ngày diễn ra trận chiến Gạc Ma oanh liệt cách đây 29 năm, khi 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo.
Học sinh trường mặc đồng phục thiết kế cách tân từ trang phục của chiến sĩ Hải quân
Học sinh trường mặc đồng phục thiết kế cách tân từ trang phục của chiến sĩ Hải quân
Kết thúc bài nói chuyện, ông Hiếu nhắn nhủ các học trò rằng, biển đảo quê hương chất chứa những đau thương mất mát, những hy sinh và cả những bài ca tự hào.
Thầy Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng trường ôn lại sự kiện trận chiến Gạc Ma với sự hy sinh của 64 chiến sĩ
Thầy Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng trường ôn lại sự kiện trận chiến Gạc Ma với sự hy sinh của 64 chiến sĩ
Tiếp sau đó, học sinh của trường đã biểu diễn tiết mục văn nghệ Gạc Ma trong tim ta - tái hiện buổi sáng 14/3/1988, Trung úy Trần Văn Phương cùng các chiến sĩ đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc giữa đảo Gạc Ma - Trường Sa. Các chiến sĩ đã anh dũng kiên cường bám trụ, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Học sinh chăm chú lắng nghe về lịch sử bảo vệ biển đảo Tổ quốc
Học sinh chăm chú lắng nghe về lịch sử bảo vệ biển đảo Tổ quốc
Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh lớp 12A (Gạc Ma) chia sẻ rằng buổi tưởng niệm rất ý nghĩa và giúp cho các học sinh nhiều bài học về tình yêu đất nước. “Thông qua những bài nói chuyện của thầy hiệu trưởng, tiết mục văn nghệ và những bộ phim tư liệu giúp em hiểu rõ hơn về quá trình bảo vệ biển đảo của nhân dân ta", Thuỳ Linh nói.
Tiết mục văn nghệ do học sinh trường biểu diễn tái diễn lại trận chiến Gạc Ma oanh liệt cách đây 29 năm
Tiết mục văn nghệ do học sinh trường biểu diễn tái diễn lại trận chiến Gạc Ma oanh liệt cách đây 29 năm
Đây là năm thứ hai trường tổ chức hoạt động tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Bên cạnh các hoạt động tưởng niệm, các lớp học của trường được đặt tên theo đảo Việt Nam như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Tô... để nhắc nhở học sinh về tình yêu biển đảo Tổ quốc.
Lê Phương
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tphcm-hoc-sinh-xuc-dong-tuong-niem-su-kien-gac-ma-20170314213529996.htm


8. Tin cũ 2015:

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội, nhóm người mặc áo in dòng chữ "DLV" có hành vi ngăn cản việc đặt hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) sáng 14/3 là tự phát.

Tại cuộc họp Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chiều 17/3, tướng Chung cho hay, ngày 14/3, đúng dịp 27 năm ngày Trung Quốc xả súng sát hại 64 chiến sĩ, cưỡng chiếm Gạc Ma (14/3/1988) có một số người dân yêu nước đã đặt lẵng hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội).
“Được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, chúng tôi luôn tôn trọng hành vi, hoạt động của người dân có lòng yêu nước với tất cả các sự kiện, đặc biệt liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, những người đã tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước”, ông Chung nói.
Liên quan đến việc có nhóm thanh niên mặc áo đỏ in logo giống của công an và dòng chữ "DLV" ngăn cản hoạt động của một số người dân, tưởng niệm các liệt sĩ, tướng Chung khẳng định, nhóm người này không thuộc quản lý của công an thành phố và Ban tuyên giáo.
thieu-tuong-chung-6405-1426584012.jpg
Giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết lực lượng công an thành phố luôn tôn trọng các hoạt động của những người dân yêu nước. Ảnh: Bá Đô.
Ông Chung cho biết, có thể đó là "lực lượng tự phát", công an thành phố đang tổ chức xác minh và khi có kết quả sẽ "thông tin tới báo chí".
Là người trực tiếp chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh tại hiện trường, tướng Chung cho hay đã yêu cầu giải tán nhóm thanh niên trên và sau khi được thuyết phục họ đã tự động rút đi.
dlv1-6223-1426588676.jpg
Nhóm người mặc áo đỏ in chữ "DLV" giăng cờ đỏ búa liềm trước tượng đài, ngăn cản người dân đặt hoa, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma.
Liên quan đến phát ngôn của Trưởng ban tuyên giáo Hồ Quang Lợi về việc "Hà Nội có hơn 900 dư luận viên", Phó ban tuyên giáo Phan Đăng Long lý giải, dư luận viên là lực lượng "đại diện cho các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh nằm rải khắp từ thành phố đến quận huyện". Nhiệm vụ của họ là "nắm những vấn đề người dân đang bàn luận, quan tâm" rồi tập hợp lại báo cáo thành phố. “Lực lượng này không bao giờ xuống đường”, ông Long khẳng định.
Võ Hải









































http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cong-an-ha-noi-xac-minh-nhom-nguoi-ngan-can-viec-tuong-niem-liet-si-gac-ma-3158708.html


7.



Truyền hình pháp luật
(PLO) - Chiều 14/6, Tại buổi tọa đàm Minh Triết Biển Đông diễn ra tại khách sạn Công Đoàn Hà Nội. Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã xúc động kể lại trận chiến trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.

http://baophapluat.vn/truyen-hinh-phap-luat/thieu-tuong-le-ma-luong-xuc-dong-ke-lai-tran-chien-tren-dao-gac-ma-187624.html

© Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Cơ quan chủ quản: Bộ Tư pháp. Tổng Biên tập: TS.Đào Văn Hội
Phó Tổng biên tập phụ trách: Vũ Hoàng Diệp. Trưởng ban Pháp luật Điện tử: Ths. Vũ Hồng Thúy 
Giấy phép xuất bản số 303/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 8/7/2015
Tòa soạn: Số 42 - Ngõ 29 - Đường Nguyễn Chí Thanh - Phường Ngọc Khánh - Quận Ba Đình - TP.Hà Nội
Báo Pháp luật Việt Nam giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cấm sao chép, trích dẫn dưới mọi hình thức trừ khi có sự đồng ý bằng văn bản của báo Pháp Luật Việt Nam.






 
916.199 lượt xem
Xuất bản 1 thg 10, 2014

https://www.youtube.com/watch?v=uS5fmvKoCeg

6. Ông Bùi Tín báo tin ông Lập từ trần !

"


    14/03/2017


    Bùi Tín

    Niềm uất hận Gạc Ma
    Trận hải chiến ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa diễn ra ngày 14 tháng 3 năm 1988 giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam, nay vừa tròn 29 năm.
    Gọi là hải chiến, nhưng thật ra không có giao tranh gì đáng kể, vì phía hải quân Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải nhỏ HQ505, HQ604 và HQ605 làm nhiệm vụ tiếp tế cho các đảo trước các tàu khu trục hung hăng của Trung Quốc ở thế tiến công. Hơn nữa, theo kể lại của các sỹ quan chỉ huy hải quân Việt Nam, trước đó từ giữa năm 1988 đã có lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh hồi ấy là dù có bị khiêu khích, tiến công, các đơn vị hải quân trên các đảo đều phải tự kiềm chế, không được nổ súng. Nhân dịp này chính tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân đội Nhân dân, xác định rõ điều này, cho rằng quân đội đã bị trói tay khi lâm chiến.Thế là 64 quân nhân Việt Nam đã bị hy sinh một cách oan uổng, 9 quân nhân bị hải quân Trung Quốc bắt làm tù binh giam trên đảo Lôi Châu. Thái độ đầu hàng quân xâm lược bắt nguồn từ thái độ bạc nhược của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trước sự hung hăng của Đặng Tiểu Bình trong cuộc chiến tranh biên giới đầu năm 1979, khi các cuộc đàm phán về Campuchia đang căng thẳng và mật ước Thành Đô đang được chuẩn bị ráo riết.
    Đầu năm nay, vào dịp kỷ niệm lần thứ 43 trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, lẽ ra Bộ Quốc phòng cần tổ chức tưởng niệm các liệt sỹ, thăm viếng các gia đình thương binh, liệt sỹ của cả 2 miền đã từng chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương, nhưng chính quyền đã không có một hình thức kỷ niệm, tưởng nhớ, vinh danh nào. Chỉ có hoạt động lẻ loi của tổ chức xã hội dân sự Nhịp cầu Hoàng Sa với nhiều hoạt động phong phú. Đây là tổ chức do các nhà báo tiến bộ Vũ Kim Hạnh, Lê Thế Thanh, Huy Đức, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, các văn nghệ sỹ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập (vừa từ trần), doanh nhân Đặng Cao Thắng lập nên. Nhịp cầu Hoàng Sa đã tổ chức các cuộc gặp mặt mang nhiều ý nghĩa giữa các chiến sỹ Hoàng Sa và gia đình, đồng đội còn sống sót. Các chiến sỹ Việt Nam trong trận Hoàng Sa và trận Trường Sa đã coi nhau là anh em ruột thịt chung một tổ quốc, chung một kẻ thù, không hề chống đối nhau. Nhịp cầu Hoàng Sa còn tặng 10 gian nhà cho các gia đình liệt sỹ thiếu thốn.
    Ông Đặng Công Ngữ, nguyên chủ tịch huyện Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng cũng vào tham dự.
    Các bạn trong tổ chức Nhịp cầu Hoàng Sa trên đây dự định sẽ tham gia tổ chức kỷ niệm "Ngày Gạc Ma" vào ngày 14/3 này. Điều này chứng tỏ nhân dân ta rất quý trọng các chiến sỹ 2 miền đã dũng cảm chống kẻ thù xâm lược, sống có nghĩa có tình.
    Trong khi đó Bộ Quốc phòng, Tổng cục chính trị QĐND, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng vẫn một mực im lặng trong các ngày kỷ niệm chống Trung Quốc xâm lược. Họ cố tình ngăn chặn, còn cho công an đi phá đám các cuộc tưởng niệm chiến sỹ, liệt sỹ Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
    Lẽ ra, nhân dịp này, Tướng Lê Đức Anh, người từng nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, ra lệnh cho Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương không được nổ súng dù bị tiến công, nay đã 97 tuổi, còn sức, phải vào Đà Nẵng tưởng niệm và tạ tội với các liệt sỹ, chiến sỹ Gạc Ma, một món nợ tinh thần không thể nào xúy xóa bỏ qua. Xin nhớ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người gốc Đà Nẵng, có quan hệ gần gũi đặc biệt với Hòang Sa và Gạc Ma, cũng cần làm một việc đơn giản lúc này là chỉ thị cho Bộ Quốc phòng và đích thân đến viếng mộ và tượng đài kỷ niệm và thăm hỏi ân cần các thương binh gia đình liệt sỹ của các trận hải chiến Trường Sa và Hoàng Sa oan nghiệt, tham gia giải tỏa niềm uất hận sâu xa khôn nguôi của dân tộc.
    * Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
    • 16x9 Image

      Bùi Tín

      Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

    "
    http://www.voatiengviet.com/a/niem-uat-han-gac-ma/3765090.html



    5.

    “Chúng ta không quên xương máu những người ngã xuống bảo vệ Gạc Ma”

    “Ngày 14/3/1988. Hải quân TQ đã thảm sát các chiến sĩ công binh Việt Nam. Chúng ta không quên công lao, quên xương máu của những người đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất biên cương, từng hòn đảo của Tổ quốc”, Đô đốc Lê Kế Lâm nói.
    29 năm đã trôi qua kể từ sự kiện Gạc Ma. Nhiều độc giả muốn hiểu rõ hơn chuyện gì đã xảy ra vào cái ngày 14/3 năm đó?
    Trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, chúng ta đều biết tháng 2/1979, Trung Quốc đem 60 vạn quân xâm lấn 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Đến tháng 3 họ rút quân về nước nhưng từ đó, ngày nào họ cũng dùng pháo cối 100 li,120 li nã sang Việt Nam. Hàng ngày tôi đi giao ban ở Bộ Tổng tham mưu đều được nghe báo cáo hôm nay TQ bắn sang ta mấy vạn quả pháo cối và ta bắn sang TQ mấy trăm quả.
    Cứ kéo dài như vậy, đến năm 1987 thì họ bắt đầu gia tăng hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Trường Sa có diện tích khoảng 160.000 km2 gồm 100 đảo đất, đá, và bãi san hô. Năm 1988, VN đang quản lý 9 đảo đất và 12 bãi san hô ngầm. Đến khi TQ xuống biển Đông thì không còn đảo đất nào mà chỉ còn lại bãi san hô ngầm và đá thôi.
    TQ cho tàu trinh sát đi liên tục suốt nhiều năm để tìm và chiếm đóng những bãi san hô có ý nghĩa chiến lược. Đến tháng 3/1988, họ đã chiếm đóng Thập Châu Viên, Su Bi, Ga Ven và ngày 14/3/1988 thì chúng ta bị mất đảo Gạc Ma.
    Gạc Ma, chiến sĩ Gạc Ma, Đô đốc Lê Kế Lâm
    Ảnh cắt từ clip.
    Thực chất Gạc Ma không phải là đảo mà là bãi đá ngầm nhưng nó có một vị trí chiến lược vì nằm ở giữa các đảo mà chúng ta đang quản lý. Nếu TQ chiếm được Gạc Ma thì họ đã đưa được thế cài răng lược vào giữa vùng đảo của Việt Nam.
    Phía ta hiểu rõ điều này nên cố gắng cho anh em công binh đến trước. Đến tối 13/3/1988, trên đảo có 48 chiến sĩ công binh. Khi lính TQ đổ bộ thấy cờ Việt Nam cắm ở đó thì xông đến để nhổ cờ, dập xuống nước. Anh em chiến sĩ ta cố sức bảo vệ lá quốc kỳ nên xảy ra xô xát bằng dao găm. Ngay lập tức, lính TQ đứng đó không xa dùng tiểu liên bắn quét tất cả 48 anh em chiến sĩ trên đảo.
    Cách đảo khoảng 5-6 km lúc đó đang có 2 tàu vận tải cỡ 400 tấn mang số hiệu 604 và 605 là hai tàu chuyên chở các chiến sĩ công binh lên đảo. Đây chính là tàu TQ đã viện trợ cho ta trong chiến tranh chống Mỹ. Tàu chiến TQ đã nã pháo bắn chìm luôn hai tàu này, làm 16 cán bộ và chiến sĩ trên tàu hi sinh. Còn một số anh em kịp lên các xuồng cao su sau đó được Bộ Tư lệnh hải quân cử tàu mang cờ chữ thập đỏ đến cứu.
    Cuộc thảm sát 64 cán bộ, chiến sĩ của ta vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra như vậy đấy.
    Ông có còn nhớ, sau khi quân xâm lược Trung Quốc nổ súng thảm sát các chiến sỹ công binh Việt Nam, bao lâu thì đất liền biết tin?
    Lúc đó chưa có điện thoại di động như bây giờ. Phải liên lạc bằng phương tiện đánh ma – níp, phải mất mấy tiếng đồng hồ mới truyền tin tức vào được. Anh em Hải quân ở những đảo lớn quan sát và biết tình hình, liên tục báo tình hình về đất liền.
    Tôi nghe kể, ngay khi biết tin chúng ta đã nhanh chóng ứng cứu….
    Trên biển luôn có lực lượng Hải quân sẵn sàng. Nhưng lúc đó hoàn cảnh của chúng ta hết sức khó khăn. TQ bắn chìm 2 chiếc của ta. Một số chiến sĩ của ta bị TQ bắt, một số hy sinh theo tàu. Ta có đưa tàu 604 và 605 là những tàu vận tải 300 tấn, treo cờ chữ thập đỏ ra cứu số anh em đang trôi dạt trên biển. Chúng ta đã cứu được một số.
    Gạc Ma, chiến sĩ Gạc Ma, Đô đốc Lê Kế Lâm
    Thân nhân chiến sĩ Gạc Ma viếng tượng đài Gạc Ma. Ảnh NLĐ
    Không có gì có thể phủ nhận, sự kiện Gạc Ma 1988 là một trang sử bi tráng của dân tộc. Nhưng vì sao hiện nay nhiều vẫn chưa biết rõ về sự kiện này. Vì sao lại như vậy?
    Tôi không rõ lý do vì sao nhưng thực tế đúng là sự kiện Chiến tranh Biên giới tháng 2/1979 và Gạc Ma 14/3/1988 chưa được truyền thông rộng rãi, nhất là nếu so với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
    Chúng ta hay nói dân tộc phải trải qua cuộc trường chinh 30 năm nhưng với tôi và nhiều nhà quân sự khác, cũng như những người đã từng chứng kiến cuộc chiến 1979, cuộc trường chinh của dân tộc trong thế kỷ 20 phải kéo dài đến hơn 40 năm. Bao xương máu đã đổ xuống. Trên biên giới phía Bắc, hang vạn cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh. Rồi trong cuộc thảm sát ở Gạc Ma, 64 chiến sĩ đã ngã xuống.
    Tôi luôn đề nghị giáo dục cho con em chúng ta hiểu và biết được đất nước chúng ta còn trải qua hai cuộc chiến đấu khốc liệt. Không một lí do gì mà chúng ta được phép quên công lao, quên xương máu của những người đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất biên cương, từng hòn đảo của Tổ quốc.
    Chúng ta cũng phải nói rõ cho nhân dân TQ biết. Tôi tin có nhiều người dân TQ cũng không đồng tình với việc làm của các nhà lãnh đạo TQ năm 1979 và 1988.
    Thứ hai, tôi đề nghị ngày 17/2 và ngày 14/3 phải là ngày kỷ niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì đất nước. Như vậy mới xứng đáng và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta, chúng ta chống thực dân Pháp, Mỹ nhưng không chống nhân dân những nước này. Trong hai cuộc kháng chiến đó, bao nhiêu người Pháp, người Mỹ đã xuống đường đấu tranh cho Việt Nam. Nhân dân TQ cũng vậy. Những người hiểu biết và chính trực họ sẽ phản đối những nhà lãnh đạo TQ có tham vọng bành trướng và bá quyền, có tham vọng muốn biến biển Đông thành ra ao nhà của họ.
    Một minh chứng rõ ràng là ông Lý Lệnh Hoa, một nhà sử học TQ đã lên tiếng công khai phản đối đường lưỡi bò. Và còn nhiều ông Lý Lệnh Hoa khác.
    Gạc Ma, chiến sĩ Gạc Ma, Đô đốc Lê Kế Lâm
    Thả bè hoa đăng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hi sinh bảo vệ Trường Sa - Ảnh: Kiên Trung
    Bởi vậy, chúng ta kỷ niệm những ngày này để tôn vinh tinh thần tự hào dân tộc, để mỗi người dân ghi nhớ mà đoàn kết lại với nhau. Nhưng chúng ta không bài Hoa, không chống nhân dân Trung Quốc. Việt Namluôn luôn bắt tay hữu nghị và làm ăn với Trung Quốc.
    Nhưng chúng ta, cũng cần phải luôn nhắc nhở với nhân dân, với các lực lượng vũ trang, với các thế hệ người Việt Nam những việc làm của quân xâm lược.
    Sau này ông có thường gặp lại những người lính Gạc Ma không?
    Sau này tôi chuyển về trường Sĩ quan Hải quân nên thi thoảng mới gặp lại anh  em Gạc Ma. Tuy nhiên, tôi luôn biết tin tức về số anh  em chiến sĩ Gạc Ma. Phần nhiều anh  em ở Đà Nẵng, một số ở Quảng Bình. Có một đồng chí ở Đà Nẵng mới mất.
    Họ là những người chiến sĩ đã xả thân cho chủ quyền dân tộc. Sự kiện Gạc Ma năm 1988 là khúc quanh bi tráng nhất của lịch sử giữ gìn biển đảo cho Tổ quốc.
    Chính sự kiện này cũng như cuộc tấn công biên giới tháng 2/1979 giúp chúng ta rút ra nhiều bài học lớn trong bảo vệ chủ quyền.
    Trung Quốc: Uỷ viên Trung ương bị xử tử và chuyện bao nuôi bồ nhí

    Trung Quốc: Uỷ viên Trung ương bị xử tử và chuyện bao nuôi bồ nhí


    Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương ĐCS Trung Quốc cho biết, tính từ Đại hội 18 (tháng 11/2012) đến tháng 9/2014, trong số 250 quan chức các cấp bị ngã ngựa, có ít nhất 48 người có quan hệ tình ái ngoài hôn nhân.
    QH sẽ giám sát vấn đề xâm hại trẻ em ở mức cao nhất!

    QH sẽ giám sát vấn đề xâm hại trẻ em ở mức cao nhất!


     "Với vai trò là cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực trẻ em, trong thời gian tới Ủy ban sẽ đề xuất với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát ở mức độ cao nhất đối với nội dung này"
    Không ai còn làm du lịch kiểu "Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi..."

    Không ai còn làm du lịch kiểu "Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi..."


    Sự kiện bộ phim "Kong: Skull Island" được quay tại Việt Nam đã làm dấy lên câu chuyện về việc quảng bá du lịch ăn theohiệu ứng của bộ phim.
    Duy Chiếnthực hiện
    http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/chung-ta-khong-quen-xuong-mau-nhung-nguoi-nga-xuong-bao-ve-gac-ma-361249.html



    4.

    Gạc Ma 1988: Những cuộc chia tay, những ngày giam cầm

    Trong sự kiện Gạc Ma 1988, câu chuyện về “vòng tròn bất tử” đã mãi ghi tạc vào lịch sử dân tộc. Và cũng còn biết bao câu chuyện khác về những hi sinh, mất mát của những người lính mà chúng ta không được phép lãng quên.
    Đám cưới, tình yêu và những cuộc chia tay
    Đầu xuân năm 1988, thượng sĩ Lê Văn Đông (xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Tỉnh Quảng Bình) được nghỉ phép hai tuần đón Tết Nguyên Đán. Anh chiến sĩ, khi ấy 22 tuổi, tranh thủ tổ chức đám cưới với người con gái cùng thôn đã chờ anh mấy năm quân ngũ.
    Ngay trong ngày cưới, chú rể nhận lệnh của đơn vị và đúng 24 giờ sau, Lê Văn Đông quay lại đơn vị chuẩn bị làm nhiệm vụ.
    Hơn một tháng sau, chiều 13/3/1988, Việt Nam đưa ba tàu vận tải HQ 604, HQ 605, HQ 505 chở bộ đội ra đóng giữ Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Lực lượng chủ yếu trên ba tàu này là các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Công binh E83, đơn vị của anh Đông.
    Anh Đông (tàu 604) kể lại, các chiến sĩ trên tuổi đời hầu hết đều khoảng từ 20 – 23, phần đa chưa lập gia đình, để rồi nhiều người trong số họ đã ngã xuống khi chưa kịp có một mối tình nào mang theo.
    Sau này, trong các câu chuyện khi bị tù đày nơi xứ người, anh Đông không khỏi day dứt về người vợ trẻ vừa cưới được một ngày của mình, khi vừa mang thai vài tháng đã nhận tin chồng hy sinh - anh bị báo tử khi còn sống. Nhưng vợ anh Đông đã may mắn hơn nhiều người vợ, người yêu lính khác trong sự kiện 14/3/1988, khi cuối cùng vẫn được đón chồng trở về.
    Trong số những liệt sĩ Gạc Ma ngày ấy có một người con đất Khánh Hòa, liệt  sĩ Võ Đình Tuấn (xã Ninh Ích, Thị xã Ninh Hòa). Trong cuộc gặp gỡ với VietNamNet 4 năm trước, bố mẹ anh kể lại, ngày anh Tuấn nhập ngũ, anh đã có người yêu đang học Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang. Khi nghe tin anh hy sinh, chị chết lặng cả người.
    Thời gian sau đó, chị đã viết thư cho anh, những lá thư không người nhận, với một hy vọng "biết đâu Tuấn sẽ trở về". 10 năm sau, chị mới lập gia đình. 
    Còn liệt sĩ Lê Văn Xanh (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), thời còn ở nhà, anh quen một người con gái, mà theo người thân kể lại, giữa họ chắc chắn là tình yêu.
    Gạc Ma 1988, Trường Sa, HQ 604, HQ 605, HQ 505, Cô Lin, Len Đao, Liệt sĩ Gạc Ma
    Những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Xanh
    Tin anh hi sinh tại đảo Gạc Ma báo về quê nhà, người con gái đau đớn khóc ròng nhiều ngày. Dù rằng giữa họ chưa rõ đã có hứa hẹn gì hay chưa, nhưng bởi nỗi nhớ mong, chị xin phép gia đình lập bàn thờ anh tại nhà riêng. Hàng năm, chị vẫn qua lại gia đình nhang khói cho anh mỗi dịp lễ Tết và giỗ chạp cho tới tận khi chị quyết định lấy chồng.
    Đạn pháo chưa phải là tất cả
    Sáng 14/3, khi lính Trung Quốc bắt đầu đổ bộ lên Gạc Ma và uy hiếp chiến sĩ trên đảo, những người ngoài tàu, trong đó có anh Lê Văn Đông, được lệnh vẫn bình tĩnh, kiên quyết làm tiếp nhiệm vụ bốc xếp vật liệu xuống các xuồng nhôm để chở vào đảo.
    Khi nghe tiếng súng nổ ở đảo Gạc Ma, các chiến sĩ dồn sang một bên boong tàu nhìn bất lực, trong tay không có vũ khí. Lúc này Trung Quốc cho các xuồng nhỏ chạy quanh tàu Việt Nam gọi loa xua đuổi, đe dọa bắt tàu rời khỏi khu vực đảo.
    Chỉ sau đó ít lâu, tàu bị dập pháo mù mịt, rồi chìm dần. Nhiều chiến sĩ, hoặc bị bắn rơi, hoặc chủ động nhảy xuống biển. Anh Đông cũng bị thương.
    Gạc Ma 1988, Trường Sa, HQ 604, HQ 605, HQ 505, Cô Lin, Len Đao, Liệt sĩ Gạc Ma
    Tàu HQ 604 đã bị đạn pháo của Trung Quốc phá hủy, bắn chìm
    "Tàu to và chìm quá nhanh. Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Khi nhảy xuống biển, nhìn sang xung quanh thấy anh em thương vong, vẫy vùng, nhiều người không biết bơi”, anh Đông kể.
    Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Thống bị một mảnh thành tàu (hoặc pháo?) phạt ngang mặt, rồi liên tiếp toàn thân trúng đạn, bị thương dập nát. Khi tàu chìm ngập xuống nước, lật nghiêng, anh Thống cũng bị áp lực nước đẩy bắn ra ngoài qua cửa sổ cabin.
    Tàu chìm ngập xuống nước rồi tôi mới bị bật lên, nổi lên trên chậm hơn anh em nên lính Trung Quốc không để ý", anh Thống kể lại.
    Vừa may một mảnh gỗ to trôi gần, anh Thống gắng sức trèo lên đó trôi dập dềnh. Sau đó một chiếc xuồng cao su trôi dạt đến gần, anh với sang nằm ngã gọn trong xuồng.
    Đạn pháo hay AK của Trung Quốc vẫn chưa phải đã hết. Các chiến sĩ còn phải đối diện với một điều khủng khiếp khác: cá mập. Vùng biển Trường Sa được xác định có khá nhiều cá mập. Anh em lính vẫn bảo nhau đi xuồng nhỏ phải cẩn thận. Những người bị thương tuyệt đối không xuống bơi, ngửi thấy mùi máu chúng tấn công ngay.
    Bản thân anh Thống trong lúc dập dềnh đó cũng suýt bị làm mồi cho một con cá mập cố tấn công anh ba lần, may nhờ chiếc xuồng cao su đã che đỡ cho anh.
    Gần 3 năm rưỡi trong nhà tù Trung Quốc
    Trong cuộc tấn công Gạc Ma 1988, Trung Quốc đã bắt đi tổng cộng 9 chiến sĩ Việt Nam.
    Cựu binh Trương Văn Hiền khi ấy hơn 20 tuổi, được đơn vị điều ra đảo Gạc Ma xây dựng, canh giữ đảo. Anh nhớ lại, sáng 14/3/1988, khi một số anh em đang khảo sát đảo thì lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo, xả đạn vào nhóm công binh Việt Nam. Tàu HQ 604 bị bắn chìm buộc anh và một số anh em nhảy ra khỏi tàu.
    Anh Hiền và đồng đội trôi dạt trên biển, đến chiều thì bị tàu Trung Quốc phát hiện, bắt giữ. Sau khi vớt những người lính Việt Nam lên tàu, quân Trung Quốc dùng khăn bịt mắt rồi trói gông 2 người lại với nhau. Chín anh em bị quẳng vào nhà kho, máu chảy lênh láng khắp sàn tàu.
    Từ Gạc Ma, tàu Trung Quốc chở tù binh tới đảo Hải Nam. Ở đây, tù binh người Việt Nam bị chuyển sang một tàu khác để chuyển về nhà giam quân đội ở bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông (Trung Quốc).
    Suốt mấy ngày liền trên tàu Trung Quốc, mọi người không ăn uống gì. Vết thương cũng không được băng bó”, cựu binh Nguyễn Văn Thống, một trong chín người bị bắt, kể lại.
    Gạc Ma 1988, Trường Sa, HQ 604, HQ 605, HQ 505, Cô Lin, Len Đao, Liệt sĩ Gạc Ma
    Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quang Thắng
    Ở nhà giam Lôi Châu, người bị thương nặng được đưa vào trạm xá để “mổ sống” lấy mảnh đạn. Những người còn lại bị cách ly từng phòng riêng để phía Trung Quốc hỏi cung, nhưng chúng không khai thác được thông tin gì từ những người lính Việt Nam.
    Thời gian đầu bị bắt giam, mọi người phải lao động rất cực khổ. Sau một năm, khi tổ chức chữ thập đỏ quốc tế can thiệp, lính Trung Quốc mới đối xử tốt hơn với tù binh Việt Nam.
    Một chiều cuối tháng 8/1991, những người tù Việt Nam được trại gọi lên thiết đãi bữa “cơm tươi” ngon hơn ngày thường nhưng không cho biết lý do, không biết nó báo hiệu điều xấu hay tốt. Đêm đó không ai ngủ được.
    Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, lính trại đánh thức mọi người dậy sớm rồi đưa lên xe rời khỏi trại giam. Sau 3 ngày đêm, xe đến biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Khi thấy bên kia biên giới, đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam đứng đón, 9 người tù mới tin rằng mình đã được trở về quê hương thân yêu.
    Xuống xe, mọi người chỉ biết ôm nhau khóc sau quãng thời biệt biền bị giam cầm không biết ngày về. Tổng cộng, 9 chiến sĩ Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giam hơn 3 năm 5 tháng.
    Mỹ Hòa (tổng hợp)
      http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/suyngam/gac-ma-1988-nhung-cuoc-chia-tay-nhung-ngay-giam-cam-361287.html

      3.








      "

      Lê Nguyễn Hương Tràさんが写真4件を追加しました。
      昨日 13:29

      Đây là ông Hoàng Dỏ (87 tuổi) sống ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Cứ hàng năm đến ngày 14.3 ông lại làm đám giỗ chung cho tất cả 64 liệt sĩ Gạc Ma, trong đó có con trai mình - anh Hoàng Văn Túy. Ông gọi hết là Con!

      Những ngày còn khỏe lưng chưa còng như ri, ông Dỏ bám biển nhưng không có tàu mà chủ yếu đi bạn cho những chủ tàu ở xã Bảo Ninh gần bên. Trên tàu có chủ tàu nhưng không có người làm thuê, tất cả là bạn. Cả làng theo nghề đi bạn, ông Dỏ nghèo cũng như cái làng của mình. Hiện ông sống với gia đình con trai út Hoàng Văn Vũ, anh cũng làm nghề đi bạn cho mấy tàu lớn trong vùng!

      P/s: Sáng 14.3.1988, bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản.
      Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ bắn chìm tàu HQ-604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ-505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ-605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15.3. Có 64 lính hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm từ đó!
      Ở Tp.HCM, nếu có thể thì chạy xuống Công Viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc, đường dễ tìm dễ đi lắm - nằm ngay trên trục QL1A (Quận 9). Trong khu tưởng niệm các vua Hùng, có trưng bày 33 bia đá chủ quyền lấy từ Trường Sa về, do Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam tặng.


      - Mâm cúng 29 năm ngày các Con hy sinh, đơn sơ với 64 chén đũa, trên bãi biển. (Hình) anh Lê Hữu Thảo và ông Dỏ. Anh Thảo (Hương Khê, Hà Tĩnh) nhập ngũ 2.1986, là tiểu đội trưởng thuộc Trung đội tác chiến phòng tham mưu, Lữ đoàn 146 Quân chủng Hải quân Việt Nam. Anh chính là một trong ít các chiến sĩ sống sót tại Gạc Ma. Còn 9 tù binh bị Trung Quốc bắt và giam giữ hơn 3 năm ở bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông, China) để tra hỏi, sau được phóng thích; nay chết 2 rồi, một anh mới mất 2 tuần trước tại Đà Nẵng!

      "
      https://www.facebook.com/cogaidolongvn/posts/10207150288630276?pnref=story


      2.

      Gạc Ma và nén nhang giữa sân trường

      14/03/2017 08:49 GMT+7
      TTO - Hôm nay 14-3, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) tiến hành nghiệm thu kỹ thuật và chuẩn bị cho lễ khánh thành dự kiến vào cuối tháng 7-2017.
      Gạc Ma và nén nhang giữa sân trường
      Học sinh Trường THPT Lê Thế Hiếu chuẩn bị dâng hương tại lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma - Ảnh: L.Đ.D.
      Nhưng sự tưởng niệm và nhắc nhở về chủ quyền biển đảo, về nỗi đau Gạc Ma không chỉ ở những quần thể tượng đài, công viên hoành tráng!
      Hôm 11-3, tại Trường THPT Lê Thế Hiếu (vùng Cùa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị), mấy trăm thầy trò của ngôi trường này đã trang trọng tổ chức buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma vào ngày 14-3-1988.
      Một mặt bàn lộng kiếng hóa thành mặt biển, tên tuổi, quê quán của 64 liệt sĩ được in thành từng ô giấy chữ nhật gắn lên bàn tượng trưng cho thân xác các anh.
      Và thầy trò của trường thành kính đốt 64 nén trầm đặt lên đầu mỗi dòng tên như bia mộ, khói nhang bay lên trong buổi sáng giữa sân trường ở một vùng núi đồi hẻo lánh như hòa quyện với tinh thần của ông cha từ thế kỷ trước.
      Bởi chính cạnh bên ngôi trường này là dấu tích của thành lũy Tân Sở - nơi ngày xưa vua Hàm Nghi đã bỏ kinh đô ra đây lập căn cứ (1885), xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước đánh Pháp.
      Tinh thần của vị vua yêu nước từ thế kỷ XIX và bài học lịch sử tri ân của thầy trò tại ngôi trường trên vùng đất lịch sử này thêm một lần nữa trao truyền tới chúng ta thông điệp thiêng liêng về tình yêu đất nước, về sự hi sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
      Thầy Thái Quốc Khánh, hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu, nói với PV Tuổi Trẻ: “Năm trước, ngày 14-3 chúng tôi đã mặc niệm các liệt sĩ Gạc Ma trong buổi chào cờ đầu tuần và quyết định năm nay sẽ tổ chức lễ tưởng niệm như một buổi sinh hoạt ngoại khóa về bài học lịch sử.
      Rất may là năm nay chúng tôi đã mời được 2 cựu binh Gạc Ma là anh Lê Hữu Thảo và anh Trần Thiên Phụng đến dự. Trong đó, anh Trần Thiên Phụng là 1 trong số 9 anh em bị Trung Quốc bắt làm tù binh trong vụ thảm sát Gạc Ma.
      Chúng tôi tin rằng câu chuyện về Gạc Ma và sự gặp gỡ, trò chuyện với những nhân chứng người thật việc thật sẽ giúp thầy và trò thấm thía hơn về sự hi sinh và câu chuyện chủ quyền lãnh hải”.
      Không chỉ ở Trường THPT Lê Thế Hiếu, năm trước khi đi công tác tại xã Hướng Phùng - một xã miền núi hẻo lánh thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi cũng quá đỗi bất ngờ khi trong sân trường cả một quần thể mô hình biển đảo được thầy trò dựng lên với bản đồ Việt Nam, cột mốc chủ quyền Trường Sa, những di tích lịch sử.
      Trong một hồ nước nhỏ, một hòn đảo được dựng lên, phía trên gắn những bức tượng chiến sĩ hải quân đang cắm lá cờ đỏ sao vàng.
      Thầy hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng nói với chúng tôi: “Đây là hình ảnh về sự kiện Gạc Ma, những bài học lịch sử được chúng tôi dạy cho các em thông qua những mô hình mô phỏng ngay trong sân trường. Một lối đi nhỏ trong khuôn viên cũng được chúng tôi đặt tên là đường Trường Sa, đường 
Hoàng Sa”.
      Tất cả đều có chung thông điệp: chừng nào Gạc Ma còn bị chiếm đóng trái phép, chừng nào Hoàng Sa và những Châu Viên, Chữ Thập... của Trường Sa chưa về cùng đất mẹ thì trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người Việt phải luôn nhớ về nỗi đau ấy.

      Lê Đức Dục
      http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20170314/gac-ma-va-nen-nhang-giua-san-truong/1279829.html




      1.

      Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương 

      13/03/2017 09:52 GMT+7
      TTO - 29 năm sau ngày quân Trung Quốc thảm sát chiếm Gạc Ma ở Trường Sa ngày 14-3-1988 - những người trong cuộc kể lại với Tuổi Trẻ những hồi ức không bao giờ quên của những giờ khắc bi tráng ngày ấy.
      Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương 
      Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa tổ chức trên tàu KN409 tháng 4-2016 - Ảnh: N.T.U.
      29 năm trước. Sáng 13-3-1988, khi thuyền trưởng tàu vận tải HQ605 Lê Lệnh Sơn đang cho tàu tiếp dầu ở gần đảo Tốc Tan thì cơ yếu của tàu nhận được bức điện tối mật của Tư lệnh hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 hải quân Giáp Văn Cương ký hai ngày trước: ngày 11-3-1988.
      “Ngày N” và Len Đao
      Cựu thuyền trưởng HQ605 nhớ lại: “Bức điện tối mật ghi rõ: Gửi đồng chí Sơn - thuyền trưởng HQ605. Tư lệnh hải quân lệnh: Đúng 6 giờ ngày N phải đến Len Đao. Sẽ có tàu chở hàng và nhà tới sau...”.
      Trong bức điện còn có ghi chú của trung tá Đỗ Xuân Công, lúc đó là phó tham mưu trưởng Vùng 4 (sau này là phó đô đốc, tư lệnh hải quân từ năm 2000 - 2005 - PV):
      “N là ngày 14-3. Trước đây có thống nhất với đồng chí Cai là 7 giờ ngày N. Nay quyết định đúng 6 giờ ngày 14-3 tàu 605 phải đến được Len Đao. Để thực hiện được việc đó thì đúng 11 giờ ngày 13-3, 605 phải tập kết ở Tốc Tan”.
      Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương 
      Tàu HQ 604 - con tàu đã bị Trung Quốc bắn chìm ngày 14-3-1988
      Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương 
      Tàu 505 - con tàu đã lao lên ủi bãi cạn Cô Lin
      Lý giải về việc thay đổi thời gian có mặt ở đảo chìm Len Đao từ 7 giờ sáng 14-3-1988 thành 6 giờ sáng, phó đô đốc, nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công cho biết: “Nếu đến 7 giờ e rằng sẽ bị muộn. Nếu Trung Quốc đến trước mình thì sẽ cắm cờ ngay. Mình phải đến sớm hơn để giữ đảo”.
      Đúng 11 giờ trưa 13-3-1988, tàu 605 đã có mặt ở Tốc Tan và 11 giờ đêm 13-3, 605 tiếp tục cơ động từ Tốc Tan qua Len Đao.
      “Chúng tôi phải tính toán để làm sao đến Len Đao đúng 6 giờ sáng với nhiệm vụ cụ thể là ủi tàu lên đảo, khẳng định chủ quyền của mình. Không sớm hơn mà càng không được muộn hơn. Nếu sớm hơn thì bình minh chưa lên, không nhìn thấy đảo. Nếu muộn đảo sẽ bị Trung Quốc chiếm mất”, ông Lê Lệnh Sơn kể lại.
      Đúng 6 giờ sáng, tàu HQ605 đã đến Len Đao, thả neo chờ lệnh. Trong khi đó, từ chiều tối 13-3, tàu HQ604 và 505 đã đến đảo Gạc Ma và Cô Lin. Theo kế hoạch, buổi sáng 14-3, các tàu phải cùng lúc có mặt ở các đảo trước khi Trung Quốc đến. Nhưng HQ605 đã không thể ủi lên bãi cạn Len Đao.
      2 tàu cháy và 1 công sự thép
      Hơn hai tiếng đồng hồ sau khi HQ605 đến Len Đao, tàu chiến Trung Quốc xuất hiện, lúc 8 giờ 05. Bất ngờ, từ khoảng cách hơn 1 hải lý, loạt pháo đỏ rực từ tàu khu trục Trung Quốc bắn xé lửa về phía HQ605.
      Ngay từ loạt bắn đầu, Trung Quốc đã bắn trúng vào khoang máy và đài chỉ huy - hai vị trí quan trọng nhất trên một con tàu. Tàu 605 bị tê liệt hoàn toàn. Không thể cơ động. Không thể tiến, lùi.
      Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn bị thương nặng ở đầu và chân. Một chiến sĩ thợ máy hi sinh. Con tàu bốc cháy ngùn ngụt như bó đuốc. HQ605 là tàu vận tải nhỏ, chỉ có một lớp thép nên khi bị pháo bắn là xuyên thủng.
      Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ. Nguồn điện bị cắt đứt hoàn toàn. Cơ yếu không thể gửi điện về Bộ chỉ huy Vùng 4 báo cáo. Ba tiếng đồng hồ sau khi bị bắn, sắt thép trên con tàu chảy tràn, nóng rực, những người lính buộc phải rời tàu bơi về đảo Sinh Tồn.
      Sáu tiếng đồng hồ sau họ mới bơi đến Sinh Tồn. Trong khi đó, ở Gạc Ma, tàu HQ604 đã bị bắn cháy và chìm, cuốn theo những cán bộ chiến sĩ hi sinh và cả người bị thương xuống đáy biển.
      Còn ở Cô Lin, tàu HQ505 đã kịp ủi lên bãi, biến con tàu trở thành công sự thép khẳng định chủ quyền.
      “Việc HQ505 lao lên đảo không nằm ngoài kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân. Trước khi tàu ra Trường Sa, Bộ tư lệnh Quân chủng đã có rất nhiều phương án trong nhiều tình huống.
      Trước đó chỉ vài ngày, chúng ta đã lao tàu lên đảo Đá Lớn khi bị các tàu Trung Quốc bao vây và nhờ vậy mà mình giữ được Đá Lớn”, phó đô đốc Đỗ Xuân Công kể.
      Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương 
      Cựu thuyền trưởng tàu HQ 605 Lê Lệnh Sơn nhớ lại sự kiện 14-3-1988 - Ảnh: My Lăng
      Dù phải hi sinh đến người cuối cùng...
      Khi ba tàu HQ604, 605 và 505 ra Trường Sa làm nhiệm vụ, Tư lệnh Giáp Văn Cương cùng nhiều lãnh đạo hàng đầu của Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân đã vào Bộ chỉ huy Vùng 4 trực tiếp theo dõi, chỉ huy.
      “Tôi còn nhớ hôm đó giao ban buổi sáng 14-3-1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương thông báo: Trung Quốc đã cướp đảo! Bộ đội mình đã bị bắn, nhiều người hi sinh. 605 và 604 bị bắn chìm. 505 đã lao lên đảo Cô Lin... Mọi người lặng đi.
      Chúng tôi lặng đi vì thương tiếc anh em đồng chí đồng đội mình, và vì quá bất ngờ trước sự liều lĩnh, bất chấp của Trung Quốc. Ai cũng bất bình”, phó đô đốc Đỗ Xuân Công nói.
      Ông Đỗ Xuân Công vẫn còn nhớ rất rõ sự điềm tĩnh và quyết đoán của Tư lệnh Giáp Văn Cương - một vị tướng kinh qua nhiều trận chiến.
      Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương 
      Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại Vùng 4 Hải quân - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân
      Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương 
      Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại quân cảng Cam Ranh - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân
      Sau khi phân tích tình hình, Tư lệnh Giáp Văn Cương truyền đi hai bức điện khẩn: lệnh cho các đơn vị trong bờ đưa ngay các tàu ra cứu hộ và bức điện thứ hai lệnh cho các đảo gần đó cấp cứu, chữa trị những đồng chí bị thương và chôn cất liệt sĩ khi về đảo.
      Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng điện báo cáo Bộ Quốc phòng và gửi cho Bộ Ngoại giao để phản đối Trung Quốc. Ông còn động viên cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân chủng, tiếp tục ra Trường Sa làm nhà cấp tốc để khẳng định chủ quyền ở tất cả các đảo chìm còn lại.
      “Tư lệnh Giáp Văn Cương nói: dù phải hi sinh đến người cuối cùng vẫn phải giữ đảo! Chúng ta không được sợ! Phải nhanh chóng khẳng định chủ quyền ở các đảo chìm khác trước khi Trung Quốc đến! Không thể để họ cướp đảo như Gạc Ma lần nữa.
      Nếu lúc đó mà sợ, không dám đưa thêm tàu ra, đưa bộ đội ra làm nhà giữ những đảo khác thì không giữ được các đảo cho đến hôm nay.
      Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng khẳng định quyết tâm phải giành lại Len Đao. Anh Cương ra lệnh cho các tàu vận tải chở bộ đội ra chi viện giữ đảo Cô Lin và các đảo chìm khác”, ông Đỗ Xuân Công nhớ lại.
      Những ngày không ngủ
      Phó đô đốc Đỗ Xuân Công cho biết những ngày sau 14-3 ở Bộ chỉ huy Vùng 4, tất cả mọi người từ tướng đến quân không ai ngủ. Không khí rất căng thẳng.
      Trung tá Đỗ Xuân Công được bổ nhiệm lên làm phó chỉ huy Vùng 4 (tương đương phó tư lệnh bây giờ - PV). Ông là người viết các bức điện do tư lệnh chỉ đạo và gửi ra đảo, ra tàu cũng như nhận báo cáo tình hình hằng ngày từ Trường Sa về để báo cáo tư lệnh.
      “Tư lệnh Giáp Văn Cương làm việc bất kể ngày đêm. Bình thường một ngày họp giao ban một lần nhưng những ngày đó một ngày họp ba lần: sáng, trưa, tối. Lúc nào cần là họp, là triệu tập ngay. Có lúc họp 12 giờ đêm. Có hôm 1-2 giờ sáng triệu tập toàn bộ chỉ huy đầu não của Quân chủng, Vùng 4 lại họp”, ông Công kể.
      Ông Đỗ Xuân Công cho biết những ngày đó cả Quân chủng hừng hực khí thế. Lực lượng từ các nơi được điều về Cam Ranh: đặc công nước, tàu vận tải, hải quân đánh bộ...
      Kể cả học viên của Học viện Hải quân cũng được huy động, tạm thời ngừng học ra đảo để tập kết vật tư, vật liệu cấp tốc làm nhà khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm còn lại. Sau đó mấy ngày, các tàu dân sự hàng nghìn tấn cũng được huy động chở vật tư, vật liệu ra đảo làm nhà.
      Có một chuyện rất ít người biết. Đó là ngay trong ngày 14-3, Tư lệnh Giáp Văn Cương đã ra lệnh điều cả tàu chiến của lữ đoàn 171 ở Vũng Tàu ra sẵn sàng chiến đấu.
      Ông Đỗ Xuân Công cho hay: “Lúc đó anh Cương đã lệnh cho các tàu săn ngầm của lữ đoàn 171 xuất phát ra đánh tàu mặt nước của Trung Quốc. Nhưng tương quan lực lượng của chúng ta với Trung Quốc quá chênh lệch.
      Tàu chiến của mình lúc đó chỉ có mấy chiếc tàu pháo mà loại tàu rất nhỏ, còn tàu săn ngầm thì chỉ có pháo, ngư lôi, trong khi Trung Quốc có tàu khu trục, tàu pháo, tàu tên lửa rất to, rất hiện đại”.
      Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương 
      Phó đô đốc, nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công - phó tham mưu trưởng Vùng 4 thời điểm tháng 3-1988 - Ảnh: My Lăng
      Nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công nói: “Việc Trung Quốc thảm sát 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam mình càng thúc đẩy thêm quyết tâm phải nhanh chóng nắm giữ, khẳng định chủ quyền các đảo chìm còn lại...
      Lúc đầu kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân chủng là làm nhà trên 12 đảo chìm trong 3 năm để khẳng định chủ quyền. Nhưng khi xảy ra sự kiện ngày 14-3, chúng ta làm chỉ trong 1 năm. Nhanh gấp 3 lần!”.
      Kỳ tới: Bơi 1.500m cắm cờ Tổ quốc

      My Lăng


      http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20170313/buc-dien-toi-mat-cua-tu-lenh-giap-van-cuong/1279214.html

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét

      Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

      LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

      Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.