Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

31/01/2017

Một ghi chép nhỏ về việc lập bàn thờ Bà Mụ ở nơi xen cư Tày - Nùng

Bài của bạn Lý Viết Trường, như một ghi chép cá nhân về thực tế của làng mình.

Lấy về từ blog của bạn ấy.



---





Date: January 31, 2017

Author: khaudeng



Khi chưa về nhà khảo sát, tôi nghĩ rằng cả người Tày và Nùng ở quê tôi (xã Thạch Đạn) đều có lễ đầy tháng để lập bàn mụ. Vì đi vài nơi, thấy người Tày và Nùng đều có nghi lễ này, nhưng khi về nhà hỏi người dân thì mới biết đúng là “táng tỳ táng tẻm hương, táng mường táng tào lỵ” (đại ý là mỗi địa phương lại có những dị biệt khác nhau trong phong tục), ngay cả quê hương mình sinh ra, nếu không để ý cũng sẽ không phát hiện ra. Và càng tìm hiểu, tôi lại càng thấy thích thú với những câu chuyện văn hóa, sự giao thoa và tiếp biến giữa hai dân tộc Tày và Nùng nhìn từ việc lập bàn mụ và nghi lễ đầy tháng.

Dưới đây là vài câu chuyện xung quanh việc lập bàn mụ và nghi lễ đầy tháng của người Tày và Nùng ở quê tôi:

Thứ nhất: việc lập bàn mụ trong lễ đầy tháng của người Nùng là chuyện đương nhiên, bởi lẽ người Nùng quan niệm bên ngoại sẽ mang bàn mụ, địu và hương hoa đến lập bàn mụ (chẳng vì thế mà người Nùng có câu “tái slống đa, dà slống ỏm”, và ngoài biếu đa, bên ngoại còn biếu võng, quần áo, chăn, tã…). Lúc này, khi đứa bé chào đời được đầy tháng, thì gia đình đứa bé làm lễ và trước đó đã thông báo cho bên ngoại để chuẩn bị lễ vật. Hôm đầy tháng, mọi thủ tục sẽ diễn ra dưới sự chỉ đạo của thầy cúng (thường là Tào hoặc Mo). Mục đích của nghi lễ là cảm tạ bà mụ đã cho gia đình sinh linh bé nhỏ; cảm ơn những người họ hàng thân thích, bạn bè thân thiết, hàng xóm gần gũi đã biếu quà trong thời kỳ sinh đẻ; từ đây đứa bé sẽ được chính thức bước vào cuộc sống như một thành viên của xã hội.

Thứ hai: đối với gia đình người Tày, người ta không tổ chức nghi lễ đầy tháng mà sẽ lập bàn mụ vào ngày slam nâư (ba ngày sau khi đứa bé chào đời). Bàn mụ sẽ do gia đình tự mua, gia đình bên ngoại chỉ tặng quà (gà hoặc chân giò, vải vóc, tá…) cho đứa bé. Bác Cò cho rằng “pả lè cần Tày chăn, tò pả hăn hất lùm cần Nồng hằm nhặn ka, tan và tự mừa pày cần ké tú vầy hất dá, xìn nẩy lầu ti phải hất pần nận thôi” (bác là người Tày thật, nhưng bác thấy làm như người Nùng tình cảm hơn, tuy nhiên từ ngày xưa người Tày mình đã làm như thế, nên giờ phải làm thế thôi).

Thứ ba: đối với gia đình có vợ là người Tày chồng là người Nùng. Trường hợp này thì mọi lễ nghi đều tiến hành theo phong tục của gia đình chồng (trừ trường hợp người chồng ở rể thì tiến hành nghi lễ theo phong tục gia đình nhà vợ). Trước khi gia đình tổ chức lễ đầy tháng khoảng 5-10 ngày, cha mẹ đứa bé sẽ thông báo cho bên ngoại đứa bé biết. Lúc này, bên ngoại đứa bé mặc dù là người Tày nhưng cũng sẽ phải mang các lễ vật giống như người Nùng đến biếu trong nghi lễ đầy tháng. Trong khi trò chuyện, bác Việt có nói “mờ pày dương eng Đạt nảy hàu xày pay hạ bưởng lăng mừn con, xong mừn khằm hàu và slài au lằng nghề pay mí à, hàu hạ mừn và hạ pay tồ xày kin ngài, vày slài au lằng nghề pay nề. Hàu cứ hạ mừn pèn tê, tài nhẹ hàu tèo hạ mừn và phải au mọi dờng, hàu hạ mừn, xong mừn phài tăng pay khằm bản còn dê” (ngày xưa làm lễ đầy tháng cho thằng Đạt, bác cũng mời gia đình bên ngoại, lúc mời bên ấy cũng hỏi có phải mang gì đi không, mình cũng bảo là mời đi ăn cơm cần gì mang theo gì đi. Mình cứ bảo thế, chẳng nhẽ mình lại bảo họ là phải mang theo lễ vật, cái đấy bên ấy phải tự hỏi hàng xóm chứ. Sau đó, bên ấy cũng mang lễ vật đến).

Thứ tư: gia đình có chồng là người Tày và vợ là người Nùng. Trong hoàn cảnh này sẽ có hai trường hợp xảy ra, hoặc là gia đình bên ngoại sẽ làm theo phong tục của người Tày, lúc này lễ đầy tháng sẽ không được tổ chức, bàn mụ sẽ được gia đình tự mua về lập trong ngày slam nâư; hoặc là gia đình bên ngoại sẽ đề nghị gia đình nhà chồng làm lễ đầy tháng theo phong tục của người Nùng. Trong khi khảo sát, bác Còi dân tộc Tày kể lại lễ đầy tháng của gia đình mình “rườn câu, cần Tày mọi cần nắm hất dương eng, tan và bưởng lăng mưn cạ và hất, sle mưn ti au mọi dừng khẩn mà, pần nận lầu ti hất” (nhà bác, là người Tày, mọi người không làm, nhưng nhà ngoại bảo làm để bên ấy mang lễ vật đến biếu, thế là làm thôi).

Qua bốn trường hợp trên đây, rõ ràng nghi lễ đầy tháng với trọng tâm là việc lập bàn thờ mụ đã minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của văn hóa dân tộc. Trong thời buổi hội nhập, các dân tộc Tày và Nùng sống xen cài, nhất là tình trạng hôn nhân hỗn hợp giữa hai dân tộc diễn ra phổ biến, sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa diễn ra ngày càng mạnh. Từ những sự tiếp xúc vào giao lưu về mặt văn hóa này, các dân tộc Tày và Nùng đã và đang dần xích lại gần nhau hơn về mặt văn hóa, (văn hóa là một trong ba tiêu chí xác định thành phần tộc người).

Thạch Đạn – Lạng Sơn – Ngày 31/01/2017

Lý Viết trường

Trong hình là chiếc bàn mụ, chiếc bàn này được lập lên trong nghi lễ đầy tháng, với mục đích thờ bà mụ.



.

https://khaudeng.wordpress.com/2017/01/31/moi-quan-he-tay-va-nung-nhin-tu-viec-lap-ban-mu-trong-nghi-le-day-thang/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.