Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/12/2016

Việt Nam học 5 : thông tin tổng quát và chính thức


Lấy nguyên về trang của VNU.

---


5.

Bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
Chiều nay 16/12/2016, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” đã bế mạc sau 2 ngày làm việc khẩn trương, tích cực và hiệu quả của các nhà khoa học, học giả nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã dự phiên bế mạc.
Về quy mô, Hội thảo đã nhận được tóm tắt báo cáo của hơn 1.200 nhà khoa học, trong đó có 150 nhà khoa học nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. 834 bản báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn đã được lựa chọn trình bày tại Hội thảo, trong đó có 30 báo cáo do Ban tổ chức mời từ các nhà khoa học có uy tín về ngoại giao, văn hóa, kinh tế, giáo dục, đổi mới sáng tạo và biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Hội thảo đã thực sự là nhịp cầu kết nối các nhà Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu, không những thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam mà đã bắt đầu hình thành các nhóm nghiên cứu phối hợp quốc tế. Đồng thời, Hội thảo lần này là một dấu mốc gắn kết, phát triển, đưa sự quan tâm của Việt Nam học truyền thống đến với những lĩnh vực rộng hơn, liên ngành hơn, gắn với các vần đề đương đại của Việt Nam.
Tại phiên bế mạc, các đại biểu đã nghe Báo cáo “Những hàm ý chính sách cho việc bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do TS. Alistair Nolan – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trình bày và báo cáo “Công nghiệp hóa Việt Nam trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới” GS. Trần Văn Thọ, Trường ĐH Waseda, Nhật Bản trình bày. Trong phần trình bày của mình, các học giả đều nhấn mạnh ấn tượng tốt đẹp với Hội thảo lần này và cho rằng các nội dung có ý nghĩa thực tiễn, có tính liên ngành và đề cập được những vấn đề nóng đang đặt ra với nhiều thách thức cho Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Hội thảo thực sự trở thành cầu nối học thuật các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước.
Các nhà khoa học chủ trì phiên bế mạc của hội thảo Việt Nam học ngày 16/12/2015, ảnh từ trái sang: Alistair Nolan, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Quang Thuấn và Trần Văn Thọ   
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN – Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo Nguyễn Hữu Đức cho biết, thông tin trực tiếp từ hội thảo lần này và thông tin hỗ trợ từ các khảo sát thư tịch nói chung đã cho phép định vị 10 cơ sở nghiên cứu mạnh về các vấn đề Việt Nam học, gắn với khoa học xã hội và nhân văn nói riêng và 10 cơ sở nghiên cứu mạnh trên thế giới về các vấn đề khoa học và công nghệ của Việt Nam nói chung (bao gồm cả khoa học tự nhiên, công nghệ, y học, nông nghiệp và môi trường…). Các cơ sở này đang có nhiều kết quả công bố quốc tế rất sâu sắc về Việt Nam, trong đó có một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam đã tham gia hội nhập mạnh mẽ như: ĐHQGHN, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Cần Thơ, Đại học Y Hà Nội, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế Quốc dân…
Bên cạnh các cơ sở nghiên cứu, Ban tổ chức cũng đã định vị được top 50 các nhà nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam học hàng đầu bao gồm các người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và người Việt Nam đang hoạt động khoa học công nghệ ở trong nước.
Về kết quả khoa học, Hội thảo lần này tập trung vào chủ đề Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Chủ đề này đã được thảo luận cho chính sách ngoại giao và hợp tác trong trật tự thế giới mới; về các xu hướng biến đổi của đạo đức, lối sống; về nguồn lực văn hóa; nguồn lực xã hội; hội nhập kinh tế và hội nhập khoa học và công nghệ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các nhà khoa học tham dự hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 ngày 15/12/2016
Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu còn được đề cập với ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tất cả các lĩnh vực quan tâm của hội thảo. Năm công nghệ hiện đại của thiên niên kỷ mới là công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, internet của vạn vật; Công nghệ sinh học và công nghệ gen; Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu và Công nghệ in 3D sẽ đưa các quốc gia đến với những thách thức và cơ hội hết sức to lớn. Bên cạnh việc củng cố, vận hành hiệu quả các giải pháp vận hành truyền thống, việc tiếp nhận và khuyếch tán các các công nghệ đó, cần nghiên cứu để có các giải pháp mới, phương thức quản lý và vận hành mới, phi truyền thống; Đổi mới công nghệ đào tạo và phương thức liên kết ba lĩnh vực – quản lý, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp sáng tạo, phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng lần thứ 4.
Tại Hội thảo, các chuyên gia về biến đổi khí hậu Việt Nam và quốc tế đã khá thống nhất khi nhận định Việt Nam là một trong ít quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Vì vậy, ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu gắn liền với phát triển bền vững được xem là lựa chọn thích hợp nhất cho Việt Nam. Để giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo cần đấy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, khai thác tài nguyên năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí sinh học…
Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức khẳng định, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 đã thực sự là nhịp cầu kết nối các nhà Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu, không những thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam mà đã bắt đầu hình thành các nhóm nghiên cứu phối hợp quốc tế. Đồng thời, ĐHQGHN sẽ tiên phong triển khai một số nhiệm vụ chính sau đây:
Thứ nhất, sau Hội thảo, Ban Tổ chức tiếp tục thực hiện các quy trình để lựa chọn xuất bản các báo cáo toàn văn của Hội thảo ở Tạp chí ĐHQGHN.
Thứ hai, từ năm 2017, ĐHQGHN sẽ ra mắt Chuyên san Nghiên cứu Việt Nam thuộc Tạp chí Khoa học ĐHQGHN và mong muốn các nhà nghiên cứu Việt Nam trong nước và trên thế giới tham gia gửi bài cho chuyên san. Phó Giám đốc mong muốn, Chuyên san Nghiên cứu Việt Nam sẽ là diễn đàn cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế để công bố các công trình nghiên cứu của mình về Việt Nam học, tăng cường quan hệ giao lưu giữa cộng đồng, mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, thúc đẩy lĩnh vực Việt Nam học phát triển trên phạm vi toàn cầu.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện, cập nhật và phát triển chương trình đào tạo đại học và sau đại học về Việt Nam học và Khu vực học đạt chuẩn quốc tế.
Thứ tư, được sự ủng hộ của Đảng và Chính phủ, ĐHQGHN sẽ thúc đẩy nhanh việc xây dựng Trung tâm tư liệu Việt Nam sẽ đặt tại Hòa Lạc. ĐHQGHN mong các học giả trên toàn thế giới bằng hiểu biết, kinh nghiệm của mình sẽ hỗ trợ thông tin, chỉ nguồn và trợ giúp trong việc khai thác, tập hợp. ĐHQGHN tin tưởng, một ngày gần nhất Trung tâm sẽ đi vào hoạt động và sẽ thành nơi hội tụ thường xuyên của các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới.
Thứ năm, tập trung nguồn lực, xác định cấu trúc, triển khai xây dựng Bộ Quốc chí Việt Nam.
Thứ sáu, ĐHQGHN chuyển giao nhiệm vụ đầu mối tổ chức Hội thảo Việt Nam học lần thứ 6 vào năm 2020 cho Viện hàn lâm KHXH Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của đơn vị sáng lập và đồng tổ chức hệ thống Hội thảo này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 tại phiên khai mạc ngày 15/5/2016
Phát biểu nhận chuyển giao chủ trì tổ chức Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 vào năm 2020, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn khẳng định, Hội thảo lần thứ 5 đã thực sự là diễn đàn để các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam chia sẻ những vấn đề vừa có tính lịch sử, vừa có tính thời sự đặt ra hiện nay đối với Việt Nam. Ông cho rằng những kết quả nghiên cứu mới, những tư liệu  mới được các nhà khoa học mang đến hội thảo sẽ là tài liệu quý giá trong kho tư liệu về Việt Nam học, đồng thời đây cũng là cơ sở quan trọng để Ban tổ chức Hội thảo xây dựng các kiến nghị chính sách cho Đảng và chính phủ Việt Nam. Hội thảo này cũng đã củng cố và mở rộng thêm mạng lưới các nhà nghiên cứu về Việt nam trên toàn thế giới và đây sẽ là cơ sở cho việc tổ chức hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn đã gửi lời mời trân trọng tới các các nhà khoa học, các học giả quan tâm đến Hội thảo lần 6 và tin tưởng rằng, với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học của Viện và sự phối hợp nhịp nhàng, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm ở mức cao nhất của ĐHQGHN vì sự phát triển của đất nước nói chung, sự phát triển của ngành Việt Nam học nói riêng, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 6 hứa hẹn sẽ thành công tốt đẹp.
Hội thảo Khoa học Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 năm 2016 và Hội thảo “Gặp gỡ Việt Nam” tại tỉnh Bình Định tháng 7 năm 2016 là 2 sự kiện được bình chọn là các sự kiện tiêu biểu của hoạt động khoa học và công nghệ Việt Nam 2016.
>>> Thông tin liên quan trên website ĐHQGHN:
Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (Diễn văn khai mạc hội thảo của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn
http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N19980/Be-mac-Hoi-thao-Quoc-te-Viet-Nam-hoc-lan-thu-5.htm


4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp các nhà khoa học tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
Chiều 15/12/2016, tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thân mật tiếp đoàn đại biểu đại diện cho các nhà khoa học, học giả của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” do ĐHQGHN là đơn vị đầu mối tổ chức.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi các nhà khoa học 
của hội thảo tiếp kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Báo cáo với Tổng Bí thư về những kết quả chính của hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, Hội thảo quốc tế Việt Nam học bắt đầu được tổ chức từ năm 1998 và trở thành diễn đàn học thuật lớn để các nhà khoa học công bố các kết quả nghiên cứu mới về tất cả các lĩnh vực của Việt Nam cũng như gặp gỡ, giao lưu, kết nối, trao đổi các vấn đề cùng quan tâm. Hội thảo cũng làm gia tăng tri thức, hiểu biết về Việt Nam, qua đó các nhà nghiên cứu Việt Nam học đề xuất các giải pháp, tư vấn chính sách cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Chủ đề chính của Hội thảo lần này là “Phát triển bền vững trong bối cảnh của biến đổi toàn cầu”. Ban Tổ chức Hội thảo đã tập trung vào các nội dung có ý nghĩa thực tiễn, những vấn đề nóng đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, trong đó có vấn đề chuyển giao tri thức, khoa học công nghệ, biến đổi khí hậu, môi trường và phát triển bền vững.
Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học trên khắp thế giới. Ban Tổ chức đã lựa chọn được hơn 800 báo cáo gửi đến, trong đó có trên 150 báo cáo của các học giả quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. ĐHQGHN kỳ vọng, thông qua Hội thảo sẽ giúp tăng cường kết nối các học giả nghiên cứu Việt Nam, tạo thành mạng lưới các nhà Việt Nam học, thúc đẩy ngành nghiên cứu Việt Nam học và đẩy mạnh các chương trình đào tạo về Việt Nam học tại một số trường đại học trên thế giới.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi kết thúc hội thảo, ĐHQGHN sẽ tập hợp và lựa chọn các kiến nghị tiêu biểu trình lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan. ĐHQGHN cam kết sẽ trở thành trung tâm về Việt Nam học, nơi có thể kết nối và tăng cường năng lực của các nhà nghiên cứu Việt Nam học, là điểm đến tin cậy của các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới, giúp phát huy thành quả nghiên cứu, ý kiến và trí tuệ của các nhà Việt Nam học cho sự phát triển của Việt Nam.
Phát biểu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu đều nhấn mạnh những triển vọng phát triển của Việt Nam với nhiều lợi thế, đánh giá cao những bước cải cách mang tính đột phá và cho rằng đây là động lực để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trên cơ sở những thành tựu 30 năm đổi mới.
Các đại biểu cũng đưa ra các khuyến nghị về những thay đổi của thế giới trong đó có Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để theo kịp cuộc cách mạng này cần có sự kết nối chặt chẽ giữa Chính phủ và các nhà khoa học trong việc hoạch định chính sách, khuyến khích sử dụng các công nghệ mới để tạo ra những sự thay đổi mang tính bước ngoặt về chất lượng lao động, năng suất lao động, cũng như xuất hiện những sản phẩm mới phục vụ xã hội.
Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5; thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà khoa học về những đóng góp cho ngành Việt Nam học, góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Tổng Bí thư đánh giá, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần này đã lựa chọn chủ đề rất toàn diện, đề cập đến những vấn đề thiết thực, vừa mang tính khoa học vừa tư vấn chính sách cho Việt Nam.
Tổng Bí thư đặc biệt hoan nghênh, cảm ơn các nhà khoa học luôn dành cho Việt Nam những ý kiến đóng góp chân tình, quý báu, thực sự là những người bạn thân thiết của Việt Nam. Những ý kiến đó của các nhà khoa học thể hiện tình cảm tốt đẹp, tâm huyết và mong muốn Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa, phù hợp với nguyện vọng của Việt Nam, để Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào đời sống quốc tế.
Tổng Bí thư cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt nam luôn trân trọng những ý kiến tham vấn của các nhà khoa học; mong muốn các nhà khoa học bằng trí tuệ, tâm huyết và tình cảm yêu mến đối với Việt Nam, sẽ tiếp tục nghiên cứu, truyền bá rộng rãi để bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm phát triển đất nước.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư bày tỏ hoan nghênh và mong muốn đồng bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học luôn hướng về quê hương đất nước và là cầu nối giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Để thúc đẩy nghiên cứu Việt Nam học lên tầng cao mới trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sáng kiến của ĐHQGHN trong việc thành lập Trung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam học và xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam, giao ĐHQGHN xây dựng thành các đề án khả thi, đúng tầm và thu hút cho được các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia triển khai.
- (VTV1 - Thời sự 19h 15/12/2016) Tổng bí thư tiếp đại biểu dự Hội thảo QT Việt Nam học:
>>> Thông tin liên quan trên website ĐHQGHN:
Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (Diễn văn khai mạc hội thảo của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn
http://vnu.edu.vn/ttsk/?C151/N19974/Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-tiep-cac-nha-khoa-hoc-tham-du-Hoi-thao-Quoc-te-Viet-Nam-hoc-lan-thu-5.htm



3.

Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu
Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu Diễn văn khai mạc của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, 15/12 và 16/12/2016.
Kính thưa ông Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ
Kính thưa ông Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Kính thưa các vị lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan Việt Nam và nước ngoài, lãnh đạo các cơ quan phối hợp tổ chức Hội thảo
Kính thưa các nhà khoa học tham dự Hội thảo!
Trước hết, thay mặt cho lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, tôi trân trọng gửi tới toàn thể quý vị khách quý, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam lời chào mừng nồng nhiệt.
Kính thưa các quý vị
Năm 1998, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần đầu được tổ chức với quy mô lớn. Tiếp sau đó, Hội thảo được tổ chức khá đều đặn theo chu kỳ 4 năm. Đây là diễn đàn học thuật của các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, là điểm hội tụ giao lưu và trao đổi thành quả nghiên cứu, trao đổi phương pháp nghiên cứu cùng các vấn đề cùng quan tâm. Mỗi một kỳ hội thảo là một mốc làm gia tăng sự hiểu biết của các học giả về Việt Nam và là dịp mà Việt Nam tự ý thức, tự khám phá sâu hơn về chính mình. Điều đó có ý nghĩa quan trọng cho các vấn đề khoa học và thực tiễn ở Việt Nam.
Tại thời điểm này, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức của sự phát triển và hội nhập, của những thách thức riêng mang tính quốc gia, tính khu vực và những thách thức có tính toàn cầu như: tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bài toán về phát triển bền vững và tốc độ tăng trưởng, sự hòa hợp của quốc tế và khu vực trong giải quyết khủng bố, đói nghèo, các vấn đề văn hóa, tôn giáo và các dịch bệnh hay sự ra đời của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4… Việc có được quyết sách phù hợp, trên cơ sở các luận cứ, luận chứng khoa học và thuyết phục, để tận dụng thời cơ và biến các thách thức trở thành lợi thế phát triển là vấn đề đang được đặt ra một cách cấp bách. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, một mặt, thể hiện nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về cơ hội trình bày và trao đổi về những kết quả nghiên cứu với các đồng nghiệp về các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam, và mặt khác, thảo luận về nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra đối Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Chủ đề chính của Hội thảo lần này là Phát triển bền vững trong bối cảnh của biến đổi toàn cầu”, thể hiện sự nắm bắt nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn phát triển Việt nam của những người tổ chức hội thảo. Chủ đề của Hội thảo như vậy đã nhấn mạnh tới việc nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu, đặt nghiên cứu Việt Nam trong các tương quan và bối cành rộng lớn của thế giới. Với quan điểm xem khoa học và công nghệ là động lực, đóng vai trò khơi nguồn cho sự phát triển của mỗi quốc gia, chúng tôi nhận thấy trong bối cảnh thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, văn hóa đa nguyên hóa, vận mệnh của mỗi quốc gia không chỉ có liên quan tới quốc gia đó, mà liên quan mật thiết với toàn thế giới, các nhà khoa học đem trí tuệ và tình cảm của mình đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng chính là đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và trên toàn thế giới.
Đó cũng chính là tinh thần đổi mới của Hội thảo lần này. Nếu các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì hội thảo lần này tập trung vào các lĩnh vực rộng lớn hơn, hướng tới việc tư vấn cho các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam giải quyết tốt nhất các vấn đề thuộc phạm vi rộng lớn hơn, gồm cả các vấn đề khoa học và chuyển giao công nghệ. Với tinh thần đó, Hội thảo lần này tập trung thảo luận 06 chủ đề lớn, bao gồm: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Nguồn lực văn hóa; Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Chuyển giao tri thức và công nghệ; Kinh tế và sinh kế; Ứng phó biến đổi khí hậu. Các chủ đề ấy cụ thể là:
Trong lĩnh vực Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế, Hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và các nước trong trật tự khu vực; vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và an ninh biên giới, hải đảo; vấn đề ngoại giao văn hóa và vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ...
Trong lĩnh vực văn hóa, Hội thảo hướng đến những nghiên cứu, phát hiện nhằm cung cấp những luận cứ khoa học giúp cho việc hoạch định chiến lược đưa văn hóa trở thành một nguồn lực của sự phát triển, trở thành mỏ neo giữ vững tinh thần dân tộc và bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Theo đó, các vấn đề sau đây được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm, thảo luận: cấu trúc, dạng thức và phương thức phát huy nguồn lực văn hóa; giao lưu và tiếp biến văn hóa; sự phát triển của hệ giá trị Việt Nam; phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam; nhân cách, lối sống người Việt và các xu hướng phát triển; Bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế; Phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch và kinh tế vùng.
Trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, hơn lúc nào hết, Chính phủ và các bộ ngành đang đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như: Chính sách và nguồn lực giáo dục; Giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp; Phân tầng và tự chủ đại học; Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học; xây dựng xã hội học tập ...
Về nội dung chuyển giao tri thức và công nghệ, những vấn đề mà Việt Nam đang phải ưu tiên giải quyết bao gồm: Chuyển giao và nhập khẩu công nghệ; Phát triển khoa học và công nghệ như là động lực của sự phát triển; Vấn đề sở hữu trí tuệ và các rào cản trong phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Chính sách và nguồn lực phát triển thị trường khoa học và công nghệ; các công nghệ chiến lược của Việt Nam; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong số các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và sinh kế, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và cần đến sự tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn chính sách. Các vấn đề quan trọng khác như: Khai thác lợi thế cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập Kinh tế vĩ mô Việt Nam; Kinh tế ngành và lĩnh vực ở Việt Nam; …
Cuối cùng là vấn đề mang tính chất toàn cầu và có ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội: Biến đổi khí hậu. Đối với vấn đề này, nhữngđánh giá, dự báo khả năng và giải pháp thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu; các định hướng kinh tế và mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm và đưa vào chương trình thảo luận của Hội thảo.
So với 4 lần Hội thảo trước, Hội thảo lần này lớn hơn về quy mô và phong phú hơn về nội dung khoa học. Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đó nhận được 834 bản tóm tắt báo cáo và gần 500 báo cáo toàn văn, trong đó có gần 150 báo cáo của các học giả nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, sự phong phú về nội dung khoa học thể hiện sự quan tâm của các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam. Đây là dấu hiệu tốt, hứa hẹn Hội thảo sẽ diễn ra thật sự sôi động và tràn đầy không khí khoa học.
Kính thưa quý vị!
Chúng tôi hy vọng rằng Hội thảo lần này sẽ tiếp nối sự thành công của 4 lần Hội thảo trước trên tất cả các phương diện. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng hội thảo đem lại cho các học giả những ấn tượng mới, thông tin mới về Việt Nam. Chúng tôi cũng mong rằng hội thảo tăng cường quan hệ giao lưu giữa cộng đồng, mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, thúc đẩy lĩnh vực Việt Nam học phát triển trên phạm vi toàn cầu. ĐHQGHN một trung tâm nghiên cứu và đào tạo đa ngành, có Viện Nghiên cứu Việt Nam học & Khoa học Phát triển và Khoa Việt Nam học vào loại lớn nhất cả nước mong muốn làm trung tâm kết nối và hỗ trợ và phát triển hoạt động nghiên cứu của mạng lưới các nhà Việt Nam học. Chúng tôi cho rằng, không chỉ đợi tới các kỳ Hội thảo Việt Nam học lớn định kỳ 4 năm, các hội thảo quy mô nhỏ, chuyên ngành sâu, tọa đàm nhóm, trao đổi học giả thường xuyên cho các lĩnh vực của nghiên cứu Việt Nam học cũng là hết sức cần thiết. Hiện nay, ĐHQGHN đang xúc tiến xây dựng Trung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam học lớn của Việt Nam, đặt tại Hòa Lạc, chúng tôi rất mong các học giả trên toàn thế giới bằng hiểu biết, kinh nghiệm của mình hãy hỗ trợ thông tin, chỉ nguồn và trợ giúp cho chúng tôi trong việc khai thác, tập hợp. Mong một ngày gần nhất Trung tâm đi vào hoạt động và sẽ thành nơi hội tụ thường xuyên của các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới.
Kính thưa các quý vị,
Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều mặt của các cơ quan Bộ ban ngành trung ương và các địa phương, các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Thay mặt cơ quan chủ trì Hội thảo, tôi xin trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan Trung ương và địa phương. Tôi cũng xin cảm ơn các vị đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan tài trợ. Lời cảm ơn chân thành cũng xin được gửi tới các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã gửi báo cáo khoa học đến tham dự Hội thảo. Cảm ơn các cơ quan truyền thông, các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đã đến tham dự, đưa tin về Hội thảo.
Kính chúc các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các quý vị đại biểu, các nhà khoa học dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5.
Trân trọng cảm ơn!
http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N19969/Vie%CC%A3t-Nam-pha%CC%81t-trie%CC%89n-be%CC%80n-vu%CC%83ng-trong-bo%CC%81i-ca%CC%89nh-bie%CC%81n-do%CC%89i-toa%CC%80n-ca%CC%80u.htm




2.

Khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu
Sáng nay, 15/12/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, với sự tham gia của hơn 2000 người, trong đó có gần 1000 nhà Việt Nam học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu khai mạc hội thảo.
Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc phụ trách ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn,  Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phan Ngọc Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Công Tạc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Về phía khách quốc tế có các đại sứ, tham tán, công sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.
Về phía ĐHQGHN có Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, các Phó Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc.
Hội thảo lần này do ĐHQGHN là đơn vị đầu mối tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại diện các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan trên đã tham gia Ban chỉ đạo của Hội thảo.
Trưởng ban Tổ chức Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5- Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, so với 4 lần Hội thảo trước, Hội thảo lần này lớn hơn về quy mô và phong phú hơn về nội dung khoa học. Ban Tổ chức đã nhận được 834 bản tóm tắt báo cáo và gần 500 báo cáo toàn văn, trong đó có gần 150 báo cáo của các học giả nước ngoài.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh ĐHQGHN đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuẩn bị chu đáo cho hội thảo này.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện có rất nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhưng điều quan trọng là phải phát huy được sự sáng tạo của các cá nhân và tận dụng được những lợi thế của khoa học công nghệ, cụ thể là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phó Thủ tướng lưu ý, phát triển nhanh là cần thiết nhưng quan trọng nhất là phải chú trọng đến mọi yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững, để xây dựng Việt Nam tuy không giàu về vật chất bằng nhiều nền kinh tế khác trên thế giới nhưng giàu về văn hóa; là nơi người dân dù không giàu có nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc.
Để làm được những việc đó, rất cần những luận cứ khoa học, các đánh giá, khuyến nghị của các nhà khoa học. Những vấn đề mang tính lâu dài và vốn được nhắc đến từ rất lâu như giao lưu văn hóa, đối ngoại hay những vấn đề có tính thời sự như biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ… sẽ được các nhà khoa học tại hội thảo lần này đề cập, bàn thảo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin rằng, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế và với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị hữu ích, thiết thực cho công tác hoạch định và tổ chức chính sách của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, cộng đồng Việt Nam học trong nước và quốc tế là cộng đồng rất đặc biệt và quý báu. Cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ để giải quyết yêu cầu của phát triển như đã nói mà còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới trong tất cả các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng cũng mong rằng, các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam, các nhà Việt Nam học quốc tế sẽ giữ vai trò hạt nhân, cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức của Việt Nam đưa văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới và đưa việc nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển, qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.
Trong diễn văn khai mạc, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của sự phát triển và hội nhập, của những thách thức riêng mang tính quốc gia, tính khu vực và những thách thức có tính toàn cầu như: tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bài toán về phát triển bền vững và tốc độ tăng trưởng, sự hòa hợp của quốc tế và khu vực trong giải quyết khủng bố, đói nghèo, các vấn đề văn hóa, tôn giáo và các dịch bệnh hay sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, một mặt, thể hiện nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về cơ hội trình bày và trao đổi về những kết quả nghiên cứu với các đồng nghiệp trước các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam, mặt khác, thảo luận nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra đối Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Chủ đề chính của Hội thảo lần này là “Phát triển bền vững trong bối cảnh của biến đổi toàn cầu”, thể hiện sự nắm bắt nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn phát triển Việt Nam. Chủ đề của Hội thảo như vậy đã nhấn mạnh tới việc nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu, đặt nghiên cứu Việt Nam trong các tương quan và bối cảnh rộng lớn của thế giới.
Với quan điểm xem khoa học và công nghệ là động lực, đóng vai trò khởi nguồn cho sự phát triển của mỗi quốc gia, chúng tôi nhận thấy trong bối cảnh thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, văn hóa đa nguyên hóa, vận mệnh của mỗi quốc gia không chỉ có liên quan tới quốc gia đó, mà liên quan mật thiết với toàn thế giới, các nhà khoa học đem trí tuệ và tình cảm của mình đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng chính là đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và trên toàn thế giới”, Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì hội thảo lần này tập trung vào các lĩnh vực rộng hơn, hướng tới việc tư vấn cho các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam giải quyết tốt nhất các vấn đề thuộc phạm vi rộng lớn hơn, gồm cả các vấn đề khoa học và chuyển giao công nghệ.
Giám đốc ĐHQGHN mong rằng hội thảo sẽ đem lại cho các học giả những ấn tượng mới, thông tin mới về Việt Nam; tăng cường quan hệ giao lưu giữa cộng đồng, mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, thúc đẩy lĩnh vực Việt Nam học phát triển trên phạm vi toàn cầu.
ĐHQGHN một trung tâm nghiên cứu và đào tạo đa ngành, có Viện Nghiên cứu Việt Nam học và Khoa Việt Nam học vào loại lớn nhất cả nước và mong muốn làm trung tâm kết nối và hỗ trợ và phát triển hoạt động nghiên cứu của mạng lưới các nhà Việt Nam học. “Chúng tôi cho rằng, không chỉ đợi tới các kỳ Hội thảo Việt Nam học lớn định kỳ 4 năm, các hội thảo quy mô nhỏ, chuyên ngành sâu, tọa đàm nhóm, trao đổi học giả thường xuyên cho các lĩnh vực của nghiên cứu Việt Nam học cũng là hết sức cần thiết. Hiện nay ĐHQGHN đang xúc tiến xây dựngTrung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam học lớn của Việt Nam, đặt tại Hòa Lạc, chúng tôi rất mong các học giả trên toàn thế giới bằng hiểu biết, kinh nghiệm của mình hãy hỗ trợ thông tin, chỉ nguồn và trợ giúp cho chúng tôi trong việc khai thác, tập hợp. Tôi mong một ngày gần nhất Trung tâm đi vào hoạt động và sẽ thành nơi hội tụ thường xuyên của các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới”, Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ.
Sau khi nghe báo cáo tổng quan hội thảo do GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN trình bày, các nhà khoa học, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận các nội dung tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn tại các tiểu ban: Tiểu ban 1 - Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Tiểu ban 2 - Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3 - Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4 - Chuyển giao tri thức và công nghệ;  Tiểu ban 5 - Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6 - Biến đổi khí hậu.
Hội thảo sẽ tiếp tục đến hết chiều ngày 16/12/2016. Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về hội thảo tại các bản tin sau.
Tin bài liên quan:
Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (Diễn văn khai mạc hội thảo của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn
http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N19972/Khai-mac-Hoi-thao-quoc-te-Viet-Nam-hoc-lan-thu-5:-Phat-trien-ben-vung-trong-boi-canh-bien-doi-toan-cau.htm




(Ảnh) Khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, năm 2016
Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu một số hình ảnh phiên khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, năm 2016
Sáng nay, 15/12/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, với sự tham gia của hơn 2000 người, trong đó có gần 1000 nhà Việt Nam học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
  


 Ảnh: Bùi Tuấn - VNU Media
http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N19971/(anh)-Khai-mac-Hoi-thao-quoc-te-Viet-Nam-hoc-lan-thu-5,-nam-2016.htm




1.

ĐHQGHN sẵn sàng cho Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
Sáng mai, ngày 15/12/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”. Hội thảo kéo dài đến hết ngày 16/12/2016.
ĐHQGHN là đơn vị đầu mối tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ban Tổ chức Hội thảo nhận được hơn 700 báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn do các học giả trong nước và quốc tế gửi đến. Khoảng 150 khách quốc tế đến từ trên 30 quốc gia khác nhau trên thế giới là các học giả, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam được mời tham dự.
Nội dung của Hội thảo lần này tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn. Cụ thể là: Tiểu ban 1 - Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Tiểu ban 2 - Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3 - Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4 - Chuyển giao tri thức và công nghệ;  Tiểu ban 5 - Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6 - Biến đổi khí hậu.
Bên cạnh các kết quả về chuyên môn sâu thuần túy, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về chính mình thì thông qua hội thảo sẽ có những đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lí của Việt Nam. Ban Tổ chức sẽ có các buổi làm việc và bàn giao kết quả của hội thảo với các bộ, ban, ngành và cơ quan trung ương có liên quan.
Theo kế hoạch, các kết quả của Hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ xây dựng được mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới. Đồng thời, thông qua các trao đổi và kết nối tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ đề xuất được các giải pháp để thiết lập, xây dựng và phát triển Trung tâm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam.
Các thông tin liên quan:
- Website của Hội thảo: http://icvs2016.vnu.edu.vn
http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N19964/dHQGHN-san-sang-cho-Hoi-thao-khoa-hoc-Quoc-te-Viet-Nam-hoc-lan-thu-5.htm



0.

Họp báo Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 - Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” sẽ được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16/12/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Đây là thông tin được Trưởng Ban tổ chức Hội thảo - Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức thông tin tới các phóng viên, tại buổi họp báo do ĐHQGHN phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay, 8/12/2016.
Cùng chủ trì Họp báo có ông Nguyễn Thành Chung - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQGHN Vũ Minh Giang - Trưởng Tiểu ban 2 Nguồn lực văn hóa.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến đơn vị tổ chức, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, ĐHQGHN là đơn vị đầu mối tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại diện các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan trên đã tham gia Ban chỉ đạo của Hội thảo.
Bên cạnh nội dung học thuật, Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu; hướng tới việc quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau để đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu.
Nội dung của Hội thảo lần này tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn. Cụ thể là: Tiểu ban 1 - Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Tiểu ban 2 - Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3 - Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4 - Chuyển giao tri thức và công nghệ;  Tiểu ban 5 - Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6 - Biến đổi khí hậu.
Bên cạnh các kết quả về chuyên môn sâu thuần túy, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về chính mình thì thông qua hội thảo sẽ có những đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lí của Việt Nam. Ban Tổ chức sẽ có các buổi làm việc và bàn giao kết quả của hội thảo với các bộ, ban, ngành và cơ quan trung ương có liên quan.
Đến nay, công tác chuẩn bị cho tổ chức Hội thảo về cơ bản đã hoàn tất. Ban Tổ chức Hội thảo nhận được hơn 700 báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn do các học giả trong nước và quốc tế gửi đến. Khoảng 150 khách quốc tế đến từ trên 30 quốc gia khác nhau trên thế giới là các học giả, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam được mời tham dự.
Trong khi các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nội dung Việt Nam học “truyền thống” thì Hội thảo lần này đã đề cập đến nội dung nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, quan tâm cả đến vấn đề giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu. Càng ngày chúng ta càng nhận rõ vai trò của công nghệ và khoa học hiện đại tới sự phát triển của Việt Nam. Cùng với đó, để phát triển bền vững thì không thể tách khỏi yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu.
Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 này bố trí thành 6 tiểu ban nội dung, tập trung vào các nhóm lĩnh vực. Ban tổ chức giao cho 8 đơn vị thành viên của ĐHQGHN gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Kinh tế, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và Viện Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối tập hợp, tổ chức các “tiểu” hội thảo chuyên ngành này. Đây là các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín và có sự hợp tác quốc tế sâu rộng.
Trưởng ban Tổ chức Hội thảo khoa học Việt Nam học lần V, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, Hội thảo quốc tế Việt Nam học luôn là diễn đàn của các nhà nghiên cứu Việt Nam ở khắp năm châu đến trình bày các nghiên cứu của mình về Việt Nam, là sự kết nối và phát triển mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đồng thời chia sẻ, ở trên thế giới, số bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã lên tới 40 nghìn bài, trong đó các bài của các tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%. Có nghĩa là các nhà khoa học trên thế giới có quan tâm đến các đối tượng nghiên cứu, các vấn đề nghiên cứu và giải pháp cho Việt Nam rất nhiều.
Đây là các lý do mà ĐHQGHN muốn tăng cường kết nối, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam, có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng.
Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta cũng tự tin vì trong top 10 các đơn vị nghiên cứu mạnh về Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất đã có tên 5 cơ sở của Việt Nam, lần lượt là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Trường ĐH Y Hà Nội, Đại học Cần Thơ và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh. Tính riêng trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, 3 đơn vị đứng đầu Việt Nam là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch đề ra, các kết quả của Hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ xây dựng được mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới. Đồng thời, thông qua các trao đổi và kết nối tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ đề xuất được các giải pháp để thiết lập, xây dựng và phát triển Trung tâm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam.
Trong khuôn khổ của buổi họp báo, các nhà khoa học là trưởng các tiểu ban của hội thảo đã trả lời các câu hỏi của nhà báo. Dưới đây là một số thông tin được trao đổi:
GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, Trưởng tiểu ban Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế (Tiểu ban 1) cho biết những chủ đề nổi bật sẽ thảo luận tại hội thảo như: Việt Nam và các nước trong trật tự khu vực, Ngoại giao văn hóa, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương…

GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT ĐHQGHN, thành viên Ban chỉ đạo Hội thảo, Trưởng tiểu ban Nguồn lực Văn hóa (Tiểu ban 2): Tiểu ban đã nhận được gần 200 bài nghiên cứu của các học giả đến từ nhiều quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Úc, Đức, Thái Lan. GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh, để nguồn lực văn hóa làm tốt vai trò động lực trong phát triển bền vững cần có sự tham gia, đóng góp trí tuệ của các nhà Việt Nam học ngoài nước, cũng như trong nước đồng thời thu hút sự đóng góp của các nhà Việt Nam học là người Việt Nam sống ở nước ngoài.
PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Trưởng tiểu ban Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực (Tiểu ban 3): Tiểu ban đã nhận được gần 150 bài báo khoa học và sẽ tập trung thảo luận ở các chủ đề chính như: Chính sách và nguồn nhân lực giáo dục, Hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia và năng lực hội nhập của nguồn nhân lực, Giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp, Công nghệ cho giáo dục tích hợp, Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và Xây dựng xã hội học tập. PGS.TS Lê Kim Long nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước với việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định thật rõ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống quốc gia để kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; xử lý việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực trên phạm vi cả nước, bảo đảm phát triển hài hòa, cân đối là một trong nhiều vấn đề sẽ được thảo luận tại hội thảo.
Tiểu ban Chuyển giao tri thức và công nghệ (Tiểu ban 4) do PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ làm Trưởng tiểu ban cho biết, chủ đề của tiểu ban là một trong những điểm mới của Hội thảo năm nay, Tiểu ban 4 đã thu hút được rất nhiều báo cáo của các chuyên gia đến từ các bộ ngành, trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong và ngoài nước và các tổ chức phi chính phủ. Các báo cáo tập trung vào việc đánh giá thực trạng phát triển của Việt Nam, so sánh với các nước trong khu vực và những nước có nền kinh tế, khoa học công nghệ phát triển trong các lĩnh vực: Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN)Hệ thống đổi mới sáng tạoKhởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệpChuyển giao công nghệSở hữu trí tuệ và Đào tạo nguồn nhân lựcSự xuất hiện của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và công nghệ sản xuất trong tương lai là vấn đề “nóng” hiện nay đòi hỏi những chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng một số công nghệ mới, áp dụng hệ thống quản lý, quản trị theo xu thế của cuộc cách mạng này; cũng như những chính sách, chương trình đào tạo, nghiên cứu và chiến lược về phát triển các lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ nano, vật liệu mới, năng lượng và tính toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học sẽ được các nhà khoa học đề cập đến trong hội thảo.
Tiểu ban Kinh tế và Sinh kế (Tiểu ban 5) do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế làm Trưởng tiểu ban đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế ở trong và ngoài nước cũng như một số bộ, ngành của Việt Nam. Tiểu ban đã nhận được 270 bài tóm tắt, 220 bài nghiên cứu toàn văn. Đặc biệt, trong số các diễn giả sẽ trình bày có các nhà khoa học nổi tiếng như GS. Hausmann đến từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ), GS. Trần Văn Thọ - Đại học Waseda (Nhật Bản), GS. Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore, GS. Ohno - Viện Sau đại học Quốc gia về Nghiên cứu chính sách  (GRIPS - Nhật Bản), PGS.TSKH Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam…. Tiểu ban 5 còn có sự tham gia trình bày của các chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực thực tiễn như Đại sứ Australia tại Việt Nam, TS. Claudio Dordi - Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP), ông Phạm Hoàng Mai – chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chủ đề về Biến đổi khí hậu là tên của Tiểu ban 6 do GS.TS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN làm Trưởng tiểu ban. Nội dung thảo luận sẽ xoay quanh các vấn đề như: Đánh giá, dự báo khả năng và giải pháp thích ứng, chống chịu với thiên tai; kinh tế và các mô hình sinh kế thích ứng, đánh giá và dự báo phát thải khí nhà kính, các giải pháp, mô hình và kinh tế giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu và mô hình phát triển bền vững. Tiểu ban 6 sẽ đón nhận các nhà khoa học nổi tiếng thế giới về Biến đổi khí hậu đến thảo luận trong suốt 2 ngày hội thảo.


  





http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N19953/Hop-bao-Hoi-thao-quoc-te-Viet-Nam-hoc-lan-thu-5---Phat-trien-ben-vung-trong-boi-canh-bien-doi-toan-cau.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.