Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/11/2016

Công chúa cuối cùng của vương triều Mạc ở Cao Bằng (bản kể Nguyễn Xuân Toàn)

Tương truyền là công chúa Mạc Thị Tuyết Lan.

Bản kể của cụ Nguyễn Xuân Toàn ở Cao Bằng.


Các bản kể năm 2009, 2012.


---


Nhà Mạc sau khi thất thủ ở Thăng long đã rút về cố thủ ở Cao Bằng trong 85 năm ( 1592- 1677). Do vậy tại đây vẫn lưu hành nhiều truyền thuyết liên quan đến vương triều nhà Mạc. Đặc biệt câu chuyện công chúa Mạc Thị Tuyết Lan được in đậm trong ký ức dân gian, để lại nhiều dẫu tích trong địa danh đất Cao Bằng.

Năm Đinh Tỵ (1677) niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 đời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Tạc là thời thịnh trị, vua Lê cử tướng Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Triều Hoa, Hoàng Triều Ân… mở cuộc tổng tiến công vào đại bản doanh nhà Mạc ở Nà Lữ - Cao Bình. Quân Mạc đưa đạo quân cấm vệ hùng mạnh vào cuộc chiến đấu một mất mọt còn. Nhiều trận kịch chiến diễn ra ác liệt đẫm máu ở phòng tuyến sông Mãng khi nước sông lên to. Chiến tuyến sông Mãng bị vỡ, quân Lê- Trịnh đã đánh chiếm được vương phủ Cao Bình- Nà Lũ.
Mạc Kính Vũ (1638- 1677) cùng quần thần chạy lên vùng núi đá Lũng Phầy – Phúc Tăng, cố thủ để chống lại nhà Lê. Vua ở vùng Lũng Phầy nên gọi là Lũng Hoàng đế. Quân của Hoàng Triều Ninh vây kín vùng này từ Phúc Tăng đếnMinh Tâm ( xã Lam Sơn, xã Hồng Việt, Hòa An) ở Lũng Hoàng, hoàng hậu và hai công chúa thứ hai và thứ ba không chịu hàng nhà Lê nên gieo mình xuống sông Dẻ Rào ở hát Dã Vuồng tự vẫn, Mạc Kĩnh Vũ thoát khỏi vòng vây chạy về thành Phục Hòa.
Còn công chúa Mạc Thị Tuyết Lan thường gọi là Tiên giao, mới 13 tuổi, mải chơi, giả làm trai trốn qua sông mãng sang trường quốc học Bản Thành chơi với cô gái xinh đẹp cũng 13 tuổi con bà cấp dưỡng trường này. Chồng bà cấp dưỡng là lính nhà Mạc bị chết trận. Khi quân nhà Lê chiếm được Bản Phủ Cao Bình, bà cùng con gái và công chúa Tiên Giao chạy trốn về vùng hồ Ba Bể, Chợ Rã (Bắc Cạn). Bà cấp dưỡng có công với nhà Mạc được nhà Mạc cấp đất phong thưởng cho bà, đất đó gọi là “Nam Mẫu” (người mẹ ở phía Nam) xuống Bộc Bộ, trên đường đi ba mẹ con (bà cấp dưỡng nhận công chúa là con), hai chị em ngồi khóc than trên đỉnh đèo 9nay đỉnh đèo này gọi là đèo Giả Hảy – đèo con gái vua khóc). Ở Ba Bể hai chị em có tiếng đẹp người, đẹp nết lại hát hay. Năm 17 tuổi công chúa nghe tin cha Mạc Kính Vũ chưa chết đã chạy về Phục Hòa, sửa lại thành củng cố lực lượng, mở chợ tỉnh gọi là Háng Seéng (chợ sảnh tỉnh đường). Hai chị em rủ nhau trốn về phục Hòa, sau nhiều ngày lặn lội, đói rét mới đến được bờ sông Bằng ở Phiêng Lâu, bị quân nhà Lê bắt được. Một buổi trời mưa, trời nắng gay gắt, quan chưởng độ Đinh Văn Tả đang thị sát ở đồn tiền tiêu, nghe tiếng ồn ào ra xem thấy đám lính đang vây quanh hai cô gái trẻ. Một cô mặt tái mét, mắt nhắm nghiền nằm sõng soài trên vệ cỏ. Còn cô kia hoảng hốt lay gọi kêu cứu. Quan chưởng đô ra lệnh khiêng cô này vào trong lán, đắp nước lạnh trên trán. Đến chiều cô gái tỉnh lại trình bày với quan Đinh Văn Tả, hai cô là hai chị em, bố mẹ đã mất, ở với người họ hàng. Họ định gả bán hai cô. Không ưng hai cô bỏ trốn, đi đường bị đói nhiều bữa, một cô say vì ăn lộc quả vả, nay chưa biết về đâu?
Động lòng thương, quan Tả nhận hai cô làm thị nữ. Hai cô lạy tạ ơn cứu mạng, hầu quan Tả rất tận tụy, làm đẹp lòng chủ nhân. Quan chưởng đô cũng bớt nỗi buồn cô đơn xa quê hương, xa vợ con ở Hải Dương.
Theo lệnh vua, Đinh Văn Tả năm 1677 sau khi đánh tan nhà Mạc ở Cao Bình được ở lại Cao Bằng tiếp tục truy quét tàn quân Mạc và tuyền truyền nhân dân theo nhà Lê đã chiến thắng. Quân Mạc còn chiếm thành Phục Hòa được 8 năm (1677-1685). Tướng Đinh Văn Tả đóng quân ở Tổng Lao, sau gọi là xã Tiên Giao, tên công chúa Mạc, nay là xã Tiên Thành huyện Phục Hòa. Xã Tiên Giao ở bên hữu ngạn sông Bằng, còn quân Mạc ở bên tả ngạn sông Bằng có thành Phục Hòa làm căn cứ chính.
Được biết tin con gái cả bị bắt đang sống ở nơi đóng quân của Đinh Văn Tả, Mạc Kính Vũ vào một đêm trăng thanh ở nơi bến sông Phục Hòa nhìn sang bên kia sông- nơi con mình bị giam cầm. Kính Vũ chạnh lòng làm một bài thơ rất lâm ly thống thiết rồi sai người bí mật mang thơ đến cho công chúa Tuyết Lan, tức Tiên Giao. Nàng đọc thơ hiểu ý vau cha.
Khi đó công chúa Tiên Giao làm tỳ nữ hầu hạ tướng Đinh Văn Tả. Có những đêm trằn trọc nằm cạnh, tướng Tả giải bày tâm sự cùng cô cả: “ Quân Mạc đã đến nước đường cùng, nên lấy khoan dung tạo lối thoát. Nếu tiến công nhau thì “cùng quá hóa liều”, đôi bên đều tổn thất”. Tướng Tả bàn với hai cô, muốn kéo dài cuộc vây hãm thì phải tổ chức sản xuất tự túc lương thực để nuôi quân, và để yên lòng binh sĩ, vì họ muốn đánh nhanh, thắng nhanh để mau chóng được về với gia đình, vợ con nên phải tổ chức vui chơi giải trí giữa binh lính với nhân dân cùng cày cấy, cùng vui chơi múa hát. Hai cô được giao tổ chức múa hát trong những đêm trăng sáng, hiện nay còn tồn tại tiếng hát lượn Slương, lượn Nàng Hai (nàng trăng).
Vua Lê ở kinh thành nghi ngờ tướng Tả cứ nấn ná, trừ chưa đánh thành Phục Hòa, bèn ra lệnh phải hạ thành Phục Hòa dứt điểm trong mùa gặt 1685. Tướng Tả chỉnh đốn quân cơ, định ngày xuất quân công thành. Bất ngờ đêm hôm trước hai cô tỳ nữ của tướng Tả nhảy xuống sông tự vẫn. Cô cả để lại bức thư tự thú là công chúa cả của vua Mạc, cô thứ là bạn kết nghĩa. Hai cô vì chịu ơn cứu mạng của Tả tướng, được Tả tướng ư ái, nặng tình, tâm sự trong những đêm năm canh nay lại không ủng hộ chủ đánh thành Phục Hòa là bất nghĩa, mà ủng hộ để chống lại cha mình là bất hiếu, bất trung. Trước tình cảnh bế tắc không lối thoát, ben kết liễu đời mình để giãi bày tấm lòng với trời đất.
Tướng Tả bùi ngùi thương tiếc, lùi thời gian tiến công 100 ngày, tổ chức lễ tang trọng thể cho hai cô. Thời gian này tướng Tả cử lão Bộc làm sứ giả bí mật sang thành Phục Hòa thuyết phục nhà Mạc tự giải giáp. Ông cam kết tạo mọi điều kiện để họ tôn thất  vua Mạc tìm nơi ẩn tích, hàng binh được đối xử tử tế, cấp tiền gạo cho về quê làm ăn bình thường.
Cuối năm 1685 tướng Tả vào thành Phục Hòa, cửa thành mở toang, bỏ ngỏ, quân Mạc án binh bất động, hạ vũ khí xin hàng. Việc thu hồi mảnh đất cuối cùng không đổ máu. Về sau nơi quân Mạc tự giải giáp đặt tên là xã Quy Thuận, hiện nay là xã Hòa thuận, thị trấn huyện Phục Hòa. Còn công chúa Mạc thị Tuyết Lan tức Tiên Giao để lại cho ngày nay những điệu lượn then múa Slượn. Nàng Hai ở Tổng Lao đổi là xã Tiên Giao và nay là xã Tiên Thành huyện Phục Hòa.
Ở xã Tiên Thành còn dấu tích ngôi đình ở gò đất giữa cánh đồng có bức hoành phi chạm chữ “ phục kích vi đình” là bản doanh của tướng Tả. Hai bên bờ sông Bằng còn có nhiều địa danh là nơi đóng quân, đài quan sát, trạm gác của quân nhà Lê như trạm Mủng Thiên, trạm Phiêng Lâu, Phiêng Cọn… Ở Phiêng Lâu có miếu thờ công chúa Tiên Giao, nơi công chúa bị bắt, gặp tướng Tả lúc mới đến Phiêng Lâu.
Trong suốt 8 năm ở xã Tiên Giao, tướng Tả khuyến khích quân sĩ, họ hàng lấy vợ người địa phương để đỡ nhớ nhà và ổn định lâu dài, thành lực lượng chính trong sản xuất đồng ruộng. Đến nay họ Đinh ở xã Tiên Giao (đổi là Tiên Thành) chiếm số đông là người gốc Hải Dương.
Ở xã Hòa Thuận thị trấn Phục Hòa hiện nay lấy ngày 18-2 hằng năm là ngày hội pháo hoa để tưởng nhớ đến công ơn tướng Đinh Văn Tả đã thuyết phục nhà Mạc  quy hàng, nhờ đó không xảy ra chiến tranh, nhân dân được sống hòa bình, và lưu truyền về cuộc đời bất hạnh của công chúa Mạc Thị Tuyết Lan, nặng tình hiếu trung mà buông mình xuống sông để bảo toàn hiếu nghĩa.
Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Toàn

http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Cong-chua-Mac-Thi-Tuyet-Lan-nang-nghia-hieu-trung-42184.html







XƯA & NAY (SỐ 346 THÁNG 12.2009)

Thành phố Hồ Chí Minh chốn “địa linh nhân kiệt” – Vương Tử Quỳnh
Giới thiệu một số bản đồ cổ thềm lục địa – Nguyễn Đình Đầu 
Lê Thánh Tông – Văn Tạo 
Đề đốc Lê Trực, cuộc đời và sự nghiệp – Hoàng Minh Đức 
Công chúa Mạc Thị Tuyết Lan, nặng nghĩa hiếu trung – Nguyễn Xuân Toàn 
Đốc Tích và nỗi ám ảnh của thực dân Pháp – Hoàng Lê 
Về địa danh Thủ Đức – Tôn Chiêu Quân 
Nhân vật Phạm Hữu Lầu – Trần Trọng Thơ
Hai bà Công nữ chúa Nguyễn – Nguyễn Quế (st)
Trần Trọng Kim với Việt Nam sử lược – Mạc Khắc Ứng
De Monpezat với sự nghiệp khai thác ở Bắc kỳ – Gilles Gantès 
Địa danh Việt Nam mang từ  ở trước – Lê Trung Hoa
Bạch Mã – Ngọn núi kỳ ảo – Tôn Thất Thọ
Những ngày ở Rạch Giá của Sơn Nam – Thu Thủy







---

BỔ SUNG


2.

Kinh thành Thăng Long
 Nhất Lâm

C
ánh rừng âm u một ngày heo lạnh đã sắp tàn, vài vệt nắng yếu ớt đọng lại đọt cây cổ thụ của cánh rừng già chạy dài lên phương Bắc. Một đám ruộng bậc thang vừa cắt hết lúa, còn lại gốc rạ màu xám bạc như nói với những ai đi qua đây rằng: có người ở không xa, và đúng vậy. Một cộng đồng người bản địa - Người thổ. Nhưng số ngôi nhà đếm được thật khiêm tốn. Tiếp theo mấy thuở ruộng là bãi cỏ xanh rì, lạ thật, rừng không mọc, người dân không canh tác.
Trước cái nắng chiều tà lay lắt bên ngôi mộ mới, đất hãy còn tươi, một tráng sĩ ngồi ủ dột như tột cùng đau khổ. Cách chừng mươi sải chân, một con ngựa cực đẹp đứng gõ móng. Nhìn con ngựa này, người ta biết chủ nó không là công hầu cũng phải bậc khanh tướng. Ngoài cái yên da quý, nó còn được phủ tấm nhung đỏ.
Nắng tàn, con chiến mã, và ngôi mộ đất hãy còn tươi. Một bức tranh thiên nhiên mới tuyệt làm sao.
Tráng sĩ thở than:
- Nàng ơi! Ta đến đây không phải vì mối tình ngắn ngủi mà ta giành cho tuyệt thế giai nhân... Ta đến đây là để nói với nàng rằng: Nhà Mạc thật sự đã hết rồi... đất đã không có mà dung thân. Trời cũng ngoảnh mặt làm ngơ, thì nay một người con gái - Một công chúa là nàng Mạc Tuyết Lan cũng phản lại vua cha.
Tiếc rằng, lời than thở này chỉ có núi rừng, đèo Bông Lau và nếu con người nằm dưới mộ nhận biết được mà cảm thông cho chàng... Ở cái thời buổi này; trong Nam chúa Nguyễn, đất Bắc chúa Trịnh, công thần nhà hậu Lê tan tác mỗi người mỗi phương uống rượu chán đời. Cao Bằng nhà Mạc còn cát cứ - Đấy là lúc đất nước rên xiết bởi cuộc chiến huynh đệ tương tàn, tranh giành thế lực.
Vừa lúc đó con ngựa chiến của Tráng sĩ hí lên vang động cánh rừng. Nó là giống ngựa Vùng Nước Hai vừa to cao, chạy khỏe và khôn ngoan lúc xông trận.
Tiếng hí của con tuấn mã như kéo tráng sĩ ra khỏi cơn mộng. Bỗng xuất hiện một con ngựa chiến lông màu tro xám, nó cũng ngang tài cân sức với con tuấn mã của tráng sĩ ngồi bên ngôi mộ. Một tráng sĩ bận áo giáp màu đỏ như vị tướng ra trận, nhảy phóc xuống ngựa tay cầm cương, tay đặt vào đốc kiếm.
- Bớ Đinh Hùng, ta với ngươi quyết phen ni...
Đinh Hùng, vâng chính chàng là Đinh Hùng đến ngồi bên mộ từ lâu, không hề tỏ ra nghênh chiến. Trong khi đó con tuấn mã của chàng tức tối lồng lộn như giục chủ ngồi lên mình nó mà lao vào kẻ thù... còn chờ gì nữa!
Đinh Hùng thư thả, giọng chàng trầm hùng đượm buồn và xót xa:
Bớ này Trịnh Đỗ. Chính ta là Đinh Hùng dũng tướng của nhà Mạc đây. Chúng ta đều là con nhà tướng cả.
Hôm nay ta đến đây, là đến nói cho Mạc Tuyết Lan biết rằng; ta đâu oán hận nàng vì một mối tình riêng mà vua Mạc đã... Mũi kiếm của ta gây nên cái chết của nàng là vì ta đã lãnh ý của vua Mạc khi ra đi. Nếu ngươi ở vào địa vị của ta lúc ấy thì cách xử sự của con nhà tướng, của một bề tôi cũng không khác ta... ta biết thế. Nhà ngươi khoan trách ta đi phò một dòng họ không được lòng người. Các dòng họ vua chúa nào: Nguyễn, Trịnh, Mạc và nhà Lê nữa, người dân nào có ưa chi. Khi mà triều đại ấy đã suy tàn và gây hậu họa bi thảm cho dân lành.
Nhà ngươi phò Trịnh, ta phò Mạc. Trịnh hay Mạc cũng là tai ương của mọi thống khổ trăm họ muôn dân Đại Việt mà thôi. Ngay tuyệt thế giai nhân như Mạc Tuyết Lan cũng không tránh khỏi số phận thì ngươi hãy tra kiếm vào vỏ đi. Đừng nên đổ máu trên ngôi mộ chưa lên cỏ của một hồng nhan bạc mệnh. Nhà ngươi quyết tử thì ngày mai mang gươm lên ngựa ra chiến trường với ta. Đó mới là con nhà tướng. Trịnh Đỗ tra kiếm vào vỏ, chàng nhảy lên ngựa đi thẳng về hướng Nam.
Đinh Hùng lại ngồi một lúc, chẳng biết chàng nói gì với người nằm dưới mộ. Hoàng hôn đã liếm dần cánh rừng, cái lạnh tê buốt về mùa heo may phương Bắc. Khi mặt trời tắt, lạnh lắm và thật không may cho ai sa cơ nơi heo hút này!
Câu chuyện dài dòng và thê thảm dẫn đến cái chết của công chúa Mạc Tuyết Lan là người mà vua Mạc đã hứa sẽ gả cho dũng tướng tâm phúc Đinh Hùng. Khi nào nhà Mạc chiếm lại Kinh thành Thăng Long. Đó là thời kỳ ảm đạm của một dòng họ mà vị vua sáng lập có hành động thật hèn hạ tự dẫn mình lên Ai Nam Quan trói mình để “chịu tội”, được vương bắc phương “dung tha”. Biết không sớm thì muộn sẽ bị quân Trịnh tiêu diệt, vua Mạc cho kẻ tâm phúc đến gặp nhà tri thức vĩ đại đã về ở ẩn quê nhà. Quan Trạng tiếp kẻ đến xin hiến kế không niềm nở, quà cáp không nhận, ông chỉ nói đại ý:
“Cao Bằng là đất hiểm yếu, có đèo Bông Lau, có Bắc Giang án giữ hiểm trở. Nếu biết thương dân bản địa: Thổ, Tày, Mán, Nùng... thì cũng được vài đời.”
Nói xong quan Trạng sai người nhà hầu chuyện, còn Trạng đi đâu. Đinh Hùng ràng buộc với triều Mạc Đăng Doanh. Sau này trở thành tướng nhà Mạc, Đinh Hùng kết thân với Mạc Kính Khoan. Khi Khoan bị quân Trịnh bắt đóng cũi đưa Thăng Long, Đinh Hùng là tướng tâm phúc, đầy tài hoa và thầm hứa, khi Tuyết Lan tròn tuổi mười sáu, thì chọn chàng Phò mã.
Vua cho thám tử về Thăng Long dò xét, thám trình với vua Mạc:
- Mạc Kính Khoan được một Trịnh Quận chúa xin cha cho nàng kết duyên.
- Một cánh quân rất lớn đã nam chính, một cánh khác do tướng Trịnh Đỗ đã lên Xương Giang... chờ ngày chinh phạt Cao Bằng. Kinh thành Thăng Long gần như một kinh đô bỏ ngõ.
Nhưng khốn nỗi vua tôi nhà Mạc lấy đâu ra quân từ thành Nguyên Bình qua mạn Thái Nguyên đánh úp một trận cướp lại kinh thành. Nhà vua cho đòi dũng tướng Đinh Hùng đến nghị bàn. Đinh Hùng tâu bày:
- Ta đưa quân đi, không thể không nghĩ đến thành Nguyên Bình mà nhà vua đang giữ. Chỉ cần một đạo quân nhỏ là mất Nguyên Bình và cũng mất Cao Bằng.
- Vậy theo khanh? Vua Mạc hỏi.
- Tâu  bệ hạ, làm sao ta bảo toàn được  Nguyên Bình, vừa đánh tan đạo quân Trịnh Đỗ đang xa kinh thành trên đường lên Cao Bằng. Đinh Hùng  nói đến đây thì ra hiệu ngầm với vua. Hiểu ý, vua Mạc bãi triều. Tối đó, một vua một tôi bàn kế giết Trịnh Đỗ...
Và khi chiều tà, bọn họ lọt vào được nơi đóng quân của Trịnh Đỗ. Tốp lính canh dẫn Thanh Nhàn Nạn Nữ vào gặp chủ tướng. Y phục tiều tụy, lời lẽ sợ sệt tuy có giảm đi phần nào nhan sắc của nàng, song tướng Trịnh Đỗ như bị choáng ngợp trước vẻ đẹp trời cho có một không hai mà ngay ở kinh thành chưa có một bông hồng nào sánh kịp. Nhất là vào lúc này, trong bối cảnh chàng và quân sĩ trên đường ra trận.
- Tướng quân ơi - Nàng khẩn khoản, lời nàng tha thiết. Thân phụ thiếp chán cảnh chán đời từ quan về dạy học, rồi giao du với cụ Bảng, cụ Nghè, lấy túi thơ bầu rượu làm vui, non xanh nước biếc là nơi đi về. Thiếp vâng lời mẹ hiền cùng gia nhân câm điếc đi tìm thân phụ. Thiếp nào có biết gì việc quan quân... mà ngờ thiếp làm thám tử cho vua nọ, chúa kia. Mong tướng quân mở lượng hải hà cho thầy tớ thiếp lên đường. Kẻo ở nơi này thiếp biết dựa vào ai! Nếu chiến trận xảy ra thì thân phận liễu đào, thiếp làm sao thoát khỏi vòng oan nghiệt để cháy thành vạ lây.
Viên tướng quát tháo coi bộ nghiêm khắc:
- Các ngươi là thám tử quân Mạc, đến đây dò xét quân ta. Ta phải tra xét không thể bỏ qua.
Chàng hạ lệnh cho quân hầu giam hai ngưòi khả nghi này để ngày mai tiếp tục tra xét.
Trại lính chìm trong đêm dày sương, tiếng chim từ quy trong rừng vọng tới khi xa khi gần. Trịnh Đỗ không ngủ được, chàng sai quân hầu dâng rượu. Nhưng cũng chỉ vài ly là trầm tư không thiết uống. Hình ảnh Thanh Nhàn Nạn Nữ khi ẩn khi hiện trước mắt chàng. Đôi môi hồng, hàng răng trắng đều đặn, làn da ngọc ngà và đôi mắt là khóc thu ba. Chao ôi con người này mà đất nước không loạn lạc triền miên thì số phận biết đâu sẽ đưa nàng vào phủ chúa cung Vua, và quan tướng. Ôi binh lửa làm cho đất nước điêu linh, dân đen thống khổ, trai tráng ra trận, làng mạc tiêu điều, đồng ruộng bỏ hoang… Già khổ cực cảnh già, trả khổ cực mất cha, đàn bà góa bụa và người đẹp chịu chung số phận bơ vơ.
Trịnh Đỗ nghe đồn rằng: Vua Mạc có công chúa Tuyết Lan vừa tròn mười bảy là giai nhân thời nay và chàng rấp rem đánh chiếm Cao Bằng, bắt được vua Mạc thì việc đầu tiên là lấy Mạc Tuyết Lan. Chàng sẽ từ bỏ tất cả từ chức tước quyền hành, nếu chúa Trịnh... thì chàng chia tay Chúa đem Tuyết Lan đi một nơi nào đó, miễn là có nhau, thoát ra cái cảnh ràng buộc quyền binh chiến trận.
Nhưng Mạc Tuyết Lan chàng chưa thấy, còn đây Thanh Nhàn Nạn Nữ làm cháy bỏng tim chàng. Hay là... có sự bí ẩn nào đây? Chàng thức cho đến chim rừng chào đón bình minh, cánh rừng cây sau sau lá vàng như tơ tằm phủ một lớp sương mỏng bắt đầu tan.
Ngày hôm sau tên đầy tớ câm được vào sung tạp dịch quét dọn chăm sóc đàn ngựa chiến trận, còn nàng được Trịnh Đỗ cho theo hầu, chờ ngày trở về bản quán.
Ngày lại ngày qua, thời gian là bóng câu đi qua rèm cửa, trăng khuyết lại tròn. Trịnh Đỗ không thiết gì việc quân quên lãng nhiệm vụ quân sĩ, giao mặc cho phó tướng và việc quân chuẩn bị đánh Cao Bằng cũng im luôn.
Thanh Nhàn ngày càng được lòng và sự cảm mến của viên tướng, nàng đã quên đi, hay trái tim nàng đang rung cảm trước một tuấn tú nam nhi mà quên lời dặn của Mạc hoàng cùng thân mẫu. 
Chỉ khổ sở cho tên đầy tớ câm trung thành cồn cào gan ruột ở cạnh kẻ thù muốn mưu sự mà chưa thể giải bày cùng ai! Đêm đêm khi có dịp đến tàu ngựa sờ lên thanh đoản kiếm, bí mật chờ giờ khắc hành sự. Thế rồi ngày ấy đã đến, trớ trêu thay lưỡi kiếm của chàng không dính máu Trịnh Đỗ, lại đâm vào công chúa Mạc Tuyết Lan.
Đó là một ngày không có nắng, gió lạnh bởi bầu trời phương Bắc quá âm u. Chàng chuẩn bị sẵn một con tuấn mã trong đàn ngựa mà chàng chăm sóc, lận thanh đoản kiếm vào người, ra hiệu cho tên lính xin đến gặp cô chủ. Chàng đóng vai kịch đạt đến không ngờ. Chẳng mất bao thời gian, chàng đã gặp Mạc Tuyết Lan.
- Hôm nay, một là chúng ta chết hay là Trịnh Đỗ chết... xin công chúa lựa chọn mà hành sự.
- Sau giây phút ngỡ ngàng Mạc Tuyết Lan như tỉnh mộng. Nàng đâu ngờ tên đầy tớ câm - tức Đinh Hùng xuất hiện bất thần đến vậy.
- Thế nào công chúa, thời gian không cho phép ta trì hoãn nữa rồi... chỉ ngày mai thôi thành Nguyên Bình sẽ tan nát bình địa. Vua, hoàng hậu gia quyến nhà Mạc sẽ thịt nát xương tan.
- Ôi tướng quân! Sao tướng quân lại nói những lời ghê sợ vào lúc này để giày vò ta, trong khi ta nhớ mẹ ta khôn xiết!
- Vậy thì chỉ có cách là hành động gấp. Nàng rơi nước mắt và nấc lên.
- Tướng quân ơi, ta phải đâu không biết cơ sự này, là đứa con bất hiếu không thương cha nhớ mẹ, quên đi những lời phụ hoàng căn dặn. Chàng là trụ cột của triều đình nhà Mạc đang sắp đổ trước cơn bão mù trời, ta có bổn phận báo ân. Nhưng tướng quân ơi! Làm vua là chịu mệnh trời, khi trời đã dứt tình một giòng họ rồi thì ta chống chọi liệu được ích gì? Ta nghiệm lời quan Trạng, thì nhà Mạc đến đây coi như tận số. Nàng còn định nói tiếp thì Đinh Hùng đã gầm lên như con mãnh hổ.
- Không, mệnh trời nhưng cũng ở lòng người. Đất Cao Bằng còn mến nhà Mạc ta, chính bọn chúa Trịnh mới là kẻ thoán đoạt không hợp với đạo Trời Đất mà ta có bổn phận diệt trừ để trở lại kinh thành Thăng Long, thu phục giang sơn về một mối.
- Thì tướng quân cứ việc mà hành động; còn ta, ta thấy việc làm này chỉ là giọt dầu còn lại trong cây đèn mà đêm tối thì còn mông lung. Dù có sáng lên thì chỉ là...
- Đừng dài lời biện bạch, ta đâu còn thời gian nữa, trước khi hành sự ta quyết vì nhà Mạc mà trị tội một kẻ quay lưng với giòng họ.
- Đinh Hùng rút đoản kiếm thì cũng vừa lúc quan quân và Trịnh Đỗ trở về. Trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc, chàng đưa mũi kiếm vào bụng Mạc Tuyết Lan rồi nhảy lên con tuấn mã phi như gió lên mạn Bắc, trước sự ngạc nhiên của quân hầu Trịnh Đỗ.
- Đến khi định thần, Trịnh Đỗ hô quân đuổi bắt thì... chỉ là trò mò kim đáy biển.
- Trịnh Đỗ sai thầy thuốc băng rịt vết thương cho nàng rồi hỏi cơ sự làm sao. Mạc Tuyết Lan xin được uống nước và biết mình không thể qua được, nàng ra hiệu cho quân hầu của Trịnh Đỗ đỡ nàng rồi thì thào mệt nhọc:
- Tướng quân ơi. Chính ta là công chúa Mạc Tuyết Lan đây.
- Trịnh Đỗ tròn xoe con mắt liền quỳ xuống nắm lấy tay nàng. Ôi Mạc Tuyết Lan công chúa... thì ra nàng mà bấy lâu ta mong có ngày diện kiến. Nhưng can cớ sao dẫn đến thê thảm này. Nàng đòi uống nước.
Trịnh Đỗ gầm lên: 
- Ta thề phanh thây tên đầy tớ khốn kiếp đó, bắt sống về đây cho ta. Nàng phải sống... phải sống.
Công chúa thều thào. Không phải đầy tớ đâu, mà là dũng tướng Đinh Hùng đó. Trịnh Đỗ hét lên: Đinh Hùng...
- Tướng quân ơi, ta cùng Đinh Hùng được Mạc hoàng giao phó đến đây giết chàng. Nhưng khi được vào đây, được ở gần chàng lòng ta quặn đau mà đổi khác đi, bởi vậy mà bao lần cầm dao hành động tay ta... không thể... Nói đến đây, nàng chảy nước mắt nắm chặt tay Trịnh Đỗ.
- Ngày mai chàng cất quân đánh Cao Bằng ta xin chàng cho ta một ân huệ.
- Được ta sẽ làm theo những gì nàng muốn.
- Xin tướng quân tha tội chết cho mẹ thiếp.
Người đàn bà dù là gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là nạn nhân của mọi thế lực và nạn binh đao.
Còn ta, khi ta chết tướng quân chôn ta bên cánh rừng, cho ta nghe chim hót suối reo. Thế là ta vui lòng.
Ôi ta sinh ra mang danh là công chúa, nhưng ta được sống ngày nào trong cảnh thanh bình và nhung lụa? Thì công chúa hay người đàn bà con gái đốn củi nơi sơn địa, cày ruộng ở thảo dã làng quê thờ chồng nuôi con, hái dâu chăn tằm dệt lụa phụng dưỡng mẹ già có khác gì nhau lúc nhắm mắt lìa đời. Nàng tắt thở trên tay Trịnh Đỗ.
Trịnh Đỗ cho quân làm đám nàng trọng thể và từ đó chẳng thiết gì việc quân. Rồi ba ngày sau khi đã có chén rượu ngất ngưỡng, chàng một mình một ngựa tìm đến cánh rừng có ngôi mộ mới chôn.
Bây giờ ai có dịp đi qua chân đèo Bông Lau sẽ thấy ở đó có một xóm nhà người Thổ. Trong đó có gia đình ông Mạc Ma Tò, ông ta quả quyết: ông là giòng họ nhà Mạc quê quán ở Hải Dương.

                                                                                                N.L



http://www.tapchicuaviet.com.vn/DuLieu/index.asp?main=ndd&TL=TN&ID=7076





1.

Công chúa Mạc Thị Tuyết Lan - một bậc nữ lưu anh hùng



Tùy bút lịch sử - Phan Đăng Nhật | Thứ Hai, 31/10/2016 10:04 GMT +7

Nhà Mạc định đô ở Cao Bằng từ năm 1592 đến 1683, 91 năm (?), gần một thế kỷ. Thời kỳ đầu mọi mặt còn hùng hậu:
- Về quân sự, các vua Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ đã hơn một lần kéo quân về  xuôi uy hiếp Thăng Long.
- Hai quả chuông Đà Quận, quả lớn cao 1m, 75 là chứng cớ sự hùng hậu về kinh tế-kỹ thuật và khí thế quyết thắng (lời bài minh trên chuông).
- Kỳ thi hội ở Cao Bình, lấy nữ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ đỗ đầu (trạng nguyên) là thành tựu to lớn về giáo dục và văn hóa. v.v….

Con rồng bảo vệ, ở trên ngọc tỷ truyền ngôi nhà Mạc. Ngọc tỷ bằng bích ngọc, nặng 11kg

Nhưng vế sau, kể từ khi thua trận ở vương phủ Cao Bình là bắt đầu thời kỳ suy thoái. Hoàng hậu và hai công chúa Mạc Thị Hoa Lan, Mạc Thi Hoa Tiên giữ tròn khí tiết đã nhảy xuống sông tự tử. Các vị đã được nhân dân sùng kính, muôn đời thờ phụng (ở Vương phủ, Cầu Khanh và ở Hoàng Thành-Cao Bằng).
Tháng 8-1677 Đinh Văn Tả đánh Nà Lữ, nhà Mạc lui về cố thủ Phục Hòa. Tướng Đinh quyết tiếp đánh Phục Hòa. Giai đoạn này là bối cảnh lịch sử của câu chuyện bi hùng về công chúa Mạc Thị Tuyết Lan.

Công chúa có một bà nhũ mẫu ở Bắc Cạn. Khi quân nhà Lê chiếm được Bản Phủ Cao Bình, bà cùng con gái và công chúa Tuyết Lan chạy trốn về vùng hồ Ba Bể, Chợ Rã (Bắc Cạn). Được biết phụ thân còn chiến đấu ở  Phục Hòa, công chúa và con gái bà nhũ mẫu rủ nhau trốn lên đây, sau nhiều ngày lặn lội, đói rét mới đến được bờ sông Bằng ở Phiêng Lâu, bị quân nhà Lê bắt được.  Hôm ấy, quan chưởng độ Đinh Văn Tả đang thị sát ở đồn tiền tiêu, nghe tiếng ồn ào ra xem thấy đám lính đang vây quanh hai cô gái trẻ. Một cô mặt tái mét, mắt nhắm nghiền nằm sõng soài trên vệ cỏ. Còn cô kia hoảng hốt lay gọi kêu cứu. Quan chưởng đô ra lệnh khiêng cô này vào trong lán, đắp nước lạnh trên trán. Đến chiều cô gái tỉnh lại trình bày với quan Đinh Văn Tả rằng, hai cô là hai chị em, bố mẹ đã mất, ở với người họ hàng. Họ định gả bán hai cô. Không ưng hai cô bỏ trốn, đi đường bị đói nhiều bữa, một cô say vì ăn lộc quả vả.

Động lòng thương, quan Tả nhận hai cô làm thị nữ. Hai cô lạy, tạ ơn cứu mạng, hầu quan Tả rất tận tụy, làm đẹp lòng chủ nhân.

Được biết tin con gái bị bắt đang sống ở nơi đóng quân của Đinh Văn Tả, vua Mạc Kính Vũ vào một đêm trăng thanh ở nơi bến sông Phục Hòa nhìn sang bên kia sông- nơi con mình bị giam cầm, chạnh lòng làm một bài thơ rất lâm ly thống thiết rồi sai người bí mật mang thơ đến cho công chúa Tuyết Lan, tức Tiên Giao. Nàng đọc thơ hiểu ý phụ hoàng và quyết làm theo ý Ngài.

Công chúa hát lượn hay và giỏi lại đẹp như tiên sa; lựa dịp thuận lợi, nàng tìm lời khuyên Đinh Văn Tả bớt tàn bạo, để dân được nhờ. Nhờ vậy mà Đinh Văn Tả, nhẹ tay không thực hiện chính sách tam quang (đốt sạch, giết sạch, phá sạch) như chỉ thị của Lê- Trịnh. Công chúa còn bàn với tướng Tả: “ Quân Mạc đã đến nước đường cùng, nên lấy khoan dung tạo lối thoát. Nếu tiến công nhau thì “cùng quá hóa liều”, đôi bên đều tổn thất”. Công chúa lại có sáng kiến đề nghị với tướng quân họ Đinh tổ chức giao lưu vui chơi giải trí giữa binh lính với dân bản: cùng vui cày cấy, cùng vui chơi múa hát. Hai cô được giao tổ chức múa hát trong những đêm trăng sáng, hiện nay còn tồn tại tiếng hát lượn Slương, lượn Nàng Hai (nàng trăng).

Vua Lê ở kinh thành được mật báo, nghi ngờ tướng Tả do có hai lòng nên cứ nấn ná, trù trừ chưa đánh thành Phục Hòa ; bèn ra lệnh phải hạ thành Phục Hòa dứt điểm trong mùa gặt 1685. Tướng Tả chỉnh đốn quân ngũ, định ngày xuất quân, công thành. Bất ngờ, đang đêm hai cô nữ tỳ của tướng Tả nhảy xuống sông tự vẫn. Cô chị để lại bức thư nói rõ là công chúa của vua Mạc, cô thứ là bạn kết nghĩa. Hai cô vì chịu ơn cứu mạng của tướng Tả, được tướng tin cậy, nếu không ủng hộ chủ đánh thành Phục Hòa là bất nghĩa, mà ủng hộ để chống lại cha mình là bất hiếu, bất trung. Trước tình cảnh bế tắc không lối thoát, bèn kết liễu đời mình, để giãi bày tấm lòng với trời đất.

Tướng Tả bùi ngùi thương tiếc, lùi thời gian tiến công 100 ngày, tổ chức lễ tang trọng thể cho hai cô. Thời gian này tướng Tả cử lão Bộc làm sứ giả bí mật sang thành Phục Hòa thuyết phục nhà Mạc tự giải giáp. Ông cam kết tạo mọi điều kiện để họ tôn thất vua Mạc tìm nơi ẩn tích, hàng binh được đối xử tử tế, cấp tiền gạo cho về quê làm ăn bình thường.
                                         *
Sau đó, Phiêng Lâu, nơi công chúa bị bắt, gặp tướng Tả lúc mới đến Phiêng Lâu, có miếu thờ hai chị em công chúa Tiên Giao (tức Tuyết Lan).
Ở xã Hòa Thuận, thị trấn Phục Hòa hiện nay, bà con lấy ngày 18-2 hằng năm là ngày hội , để tưởng nhớ đến công ơn tướng Đinh Văn Tả, đã biết nghe theo công chúa Tuyết Lan, nên  có chính sách ôn hòa, nhờ đó không xảy ra chiến tranh to, nhân dân được sống hòa bình; và để lưu niệm  về cuộc đời bất hạnh của công chúa Mạc Thị Tuyết Lan, nặng tình hiếu trung mà buông mình xuống sông để bảo toàn hiếu nghĩa. (Nguyễn Xuân Toàn http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Cong-chua-Mac-Thi-Tuyet-Lan-nang-nghia-hieu-trung-42184.html Nguyễn Xuân Toàn).

                                                    *

Thưa bạn đọc,

Lịch sử nước nhà đã trang trọng ghi nhiều tấm gương sáng chói của bao bậc nữ lưu anh hùng. Hai Bà Trưng đã làm dậy sóng 65 thành  đánh đuổi quân Tô Định, Bà Triệu cưỡi đầu voi giữ bắt cá kình giữa biển khơi, đánh tan quân Ngô. v.v…

Riêng công chúa Mạc Thị Tuyết Lan lại trong một hoàn cảnh đặc biệt. Bà bị địch bắt, từ tình thế bị bắt, bà không để cho quân thù khuất phục mình, mà ngược lại đã thuyết phục tướng giặc, khiến cho ông ta giảm bớt tàn bạo giết chóc, bớt hao tổn xương máu của quân mình và cả bên kia. Bà lại bày ra việc đem lại những cuộc vui chung cho dân bản cùng binh lính, mà ngày nay bài ca tiếng hát thanh bình còn truyền lưu mãi mãi,…Thật không ngờ, trong thân thể mảnh mai, yểu điệu ấy lại ẩn chứa một tinh thần can trường, dũng cảm, một trí tuệ thông minh sáng tạo ,tuyệt vời như vậy. Bà thật xứng đáng là hậu duệ của các bậc tiên linh, tiên đế họ Mạc: Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Mạc Thải Tổ, Mạc Thái Tông, Mạc Kính Điển, Mạc Ngọc Liễn, Thái hoàng Thái hậu Mạc Thị Ngọc Toàn,v.v…. Nên nhớ lúc bấy giờ bà mới 20 tuổi xanh.

Trên đây là câu chuyện xẩy ra 336 năm xưa, lịch sử trộn lẫn với huyền tích.

 Vỹ thanh
Còn ngày nay, tháng 10 năm 2016, mấy anh em chúng tôi được hướng dẫn đến một khu vườn chùa, một trang trại bên bờ sông Hồng vùng trung du, cây cao bóng cả , um tùm xum xuê. Nơi đây là chốn an nghỉ muôn đời của công chúa Mạc Thị Tuyêt Lan. Thế là nghĩa thế nào?

Bà giải đáp rằng: Chính bà là Mạc Thị Tuyết Lan mấy thế kỷ xa xưa. Thực tế là lúc bấy giờ bà không mượn dòng nước để kết liễu cuộc đời. (bên ta phao lên như vậy để đánh lạc hướng ), mà Bà đã mật báo với quan gia nhà Mạc đưa Bà lên thuyền xuôi về nơi đây.

Lại thêm một sự thông minh sáng tạo nữa.
-Còn người bạn gái con bà nhũ mẫu, tên là gì và bây giờ an nghỉ ở đâu? Bà cho biết:
-Em được gọi là Nàng Hai, hiện nay yên nghỉ tại đây, bên ta.
Thân mẫu ta họ Nguyễn Đình, tên là Công Sinh, thứ phi của phụ hoàng. Về đường con gái, Bà có hai người, đều có tên Lan, chị là Chính Lan, ta là Tuyết Lan.
                                                       *
Thời gian sau bà buồn phiền vì số phận nhà Mạc, lâm bệnh và tạ thế ngày 27 tháng Ba Âm, duệ hiệu Tiên Công. Nhà Mạc tổ chức tang lễ rất trọng thể và mai táng theo nghi thức vương gia, ướp xác với đầy đủ quan quách.
                                                         *
Chúng tôi vô cùng vinh dự, tự hào và cảm thấy vinh quang được quỳ lạy dâng nén tâm hương, dưới chân Bà-một bậc nữ lưu anh hùng vô song của đất Việt.

P.Đ.N.

http://vanhien.vn/news/cong-chua-mac-thi-tuyet-lan--mot-bac-nu-luu-anh-hung-48307

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.