Nguyên tiêu đề bằng tiếng Anh là Capitalism and Gay Identity (Chủ nghĩa tư bản và đặc chất đồng tính).
Bài lấy nguyên từ bên blog Cu Nỡm về.
---
Trong bài viết “Capitalism and Gay Identity” của cuốn sách “Power of Desires” (Sức Mạnh của Những Ham Muốn) do nhà xuất bản Monthly Review phát hành năm 1983, John D’Emilio cho rằng đặc tính đồng tính là một sản phẩm lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản phá vỡ gia đình truyền thống và giải phóng các cá nhân, giúp cho những tiềm năng đồng tính của họ được giải phóng, nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn luôn cần duy trì gia đình truyền thống để sinh sản và nuôi dưỡng các thế hệ công nhân mới. Do vậy, sự áp bức đối với người đồng tính là biểu hiện mâu thuẫn căn bản giữa chủ nghĩa tư bản và gia đình. Tuy nhận thức rõ sự áp bức người đồng tính là một mâu thuẫn không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản nhưng giải pháp chính trị của John D’Emilio lại mang tính cải lương, chỉ hướng tới biện pháp hỗ trợ cho cuộc sống độc lập bên ngoài gia đình để giải phóng người đồng tính. Nếu như chủ nghĩa tư bản là nguồn gốc sinh ra đồng tính với tư cách là một đặc tính xã hội thì khi chủ nghĩa tư bản kết thúc, sự tha hóa ấy cũng sẽ kết thúc, đồng tính không còn là một đặc tính xã hội mà trở lại thành một hành vi cá nhân.
Chủ Nghĩa Tư Bản và Đặc Tính Đồng Tính
John D’Emilio
Đâu đó trong cuốn sách này, Adrienne Rich lập luận một cách sâu sắc về đặc tính đồng tính nữ, một người được rèn rũa trong những ràng buộc của thời thơ ấu; cô ta tách “sự tồn tại đồng tính nữ” này ra khỏi sự tiến hóa đời sống của một người đồng tính mà cô ta cho là vô tổ chức và rất phi tự nhiên. John D’Emilio sẽ không đồng ý với khẳng định về sự tách biệt lịch sử giữa đồng tính nam và đồng tính nữ, do ông, cũng giống như Allan Bérubé trong tiểu luận trước đây, coi sự hình thành của “tình dục đồng giới” của cả hai giới là một hiện tượng cụ thể và hiện đại. Ông cho rằng, đồng tính nữ hiếm khi có mặt trong “không gian nam tính” của đường phố, công viên và quán bar bởi vì phụ nữ tiếp tục phụ thuộc vào đàn ông về mặt kinh tế: Đó là sự áp bức kinh tế, không phải là một sự tiếp diễn tự nhiên, ông cũng khẳng định rằng điều đó khiến họ im lặng hơn ở nhà.
Cơ hội cho một cuộc sống bên ngoài gia đình, được tạo thành bởi lao động làm thuê, tạo ra một hệ quả to lớn cho cả hai giới tính. D’Emilio nhấn mạnh vai trò của người đồng tính trong việc khai phá đời sống tình dục không liên quan đến sinh đẻ thông qua sự đoạn tuyệt ngày càng lớn giữa giới tính và sự sinh đẻ, điều đó đã thay đổi ý nghĩa của tình dục đối với tất cả mọi người và trên hết là đối với phụ nữ.
Đối người đồng tính, những năm 1970 là những năm có thành tựu quan trọng. Sự giải phóng người đồng tính và giải phóng phụ nữ đã thay đổi quang cảnh tình dục của quốc gia. Hàng trăm ngàn nam và nữ đồng tính đã xuất hiện và công khai khẳng định tình dục đồng giới. Chúng ta đã bãi bỏ luật tình dục đồng giới ở một nửa số bang, bãi bỏ một phần việc cấm tuyển dụng người đồng tính cho các công việc liên bang, bảo vệ quyền công dân ở vài tá thành phố, đưa quyền đồng tính vào cương lĩnh của Đảng Dân Chủ và xóa bỏ tình dục đồng giới khói danh mục bệnh tâm lý của ngành tâm lý học. Văn hóa thứ cấp của người đồng tính được mở rộng và hiện diện ở một số thành phố lớn, các nhà nữ quyền đồng tính đi tiên phong trong việc tạo dựng những thể chế thay thế và văn hóa thay thế nhằm triển khai một viễn cảnh giải phóng tương lai.
Tuy vậy, vào những năm 1980, với sự tái nổi dậy của cánh hữu tích cực, người đồng tính phải thận trọng đối mặt với tương lai. Chiến thắng của chúng ta dường như nhỏ bé và mong manh; sự tự do tương đối của vài năm qua dường như quá ngắn ngủi để có thể trở thành vĩnh viễn. Tại một số phần của cộng đồng người đồng tính, cảm giác định mệnh đang lớn dần: tương tự với nước Mỹ của McCarthy, khi “những kẻ đồi trụy tình dục” là mục tiêu đặc biệt của cánh hữu và Đức Quốc Xã, nơi mà người đồng tính bị đưa đến các trại tập trung, đã xuất hiện thường xuyên. Khắp mọi nơi đều có cảm giác rằng chúng ta cần có chiến lược mới để bảo vệ thành quả và tiếp tục tiến về phía trước.
Tôi tin rằng một lý thuyết mới, chính xác hơn, về lịch sử đồng tính phải là một phần của công việc chính trị này. Khi phong trào giải phóng người đồng tính bắt đầu vào cuối những năm 1960, người đồng tính không có lịch sử mà chúng ta có thể sử dụng để minh họa cho mục tiêu và chiến lược của chúng ta. Vào những năm tiếp đó, trong quá trình xây dựng phong trào trong sự thiếu kiến thức về lịch sử, chúng ta đã tạo ra một huyền thoại. Lịch sử huyền thoại này bắt nguồn từ kinh nghiệm cá nhân, mà chúng ta hồi tưởng lại vào theo thời gian. Ví dụ, hầu hết người đồng tính vào những năm 1960 khám phá ra khát vọng tình dục của họ lần đầu tiên trong sự cô lập, không được những người khác biết đến và không có nguồn nào nhắc đến cũng như hiểu được cảm giác của họ. Từ kinh nghiệm này, chúng ta tạo ra huyền thoại về sự câm lặng, vô hình và cô lập, như là đặc tính cơ bản của cuộc sống đồng tính trong quá khứ cũng như hiện tại. Hơn nữa, do chúng ta đối mặt với rất nhiều luật lệ, chính sách công và niềm tin văn hóa đầy áp bức nên chúng ta đã đưa những điều đó vào hình dung về quá khứ sâu thẳm: trước khi người đồng tính được giải phóng, người đồng tính luôn là nạn nhân của sự áp bức có hệ thống, không phân biệt và khủng khiếp.
Những huyền thoại đó đã giới hạn triển vọng chính trị của chúng ta. Ví dụ, chúng đã đóng góp vào việc quá lệ thuộc vào chiến lược công khai – nếu tất cả người đồng tính ở Mỹ công khai, sự áp bức đối với người đồng tính sẽ chấm dứt – và cho phép chúng ta bỏ qua các phương thức được thể chế hóa mà theo đó tình dục đồng giới và tình dục khác giới được tái tạo. Vào lúc đó, chúng đã tạo một sự tuyệt vọng hoàn toàn, nhất là vào những thời điểm như hiện tại: Làm sao chúng ta có thể giải thích được sự áp bức phổ biến và không thay đổi đối với người đồng tính?
Có một huyền thoại lịch sử khác gần như được chấp nhận một cách phổ biến trong phong trào đồng tính, đó là huyền thoại và “tình dục đồng giới vĩnh cửu”. Lập luận này diễn ra như sau: người đồng tính luôn tồn tại và sẽ luôn tồn tại. Chúng ta có mặt ở mọi nơi; không chỉ hiện tại mà còn khắp trong lịch sử, trong mọi xã hội và mọi thời đại. Huyền thoại này có vai trò là một chức năng chính trị tích cực vào những năm đầu của phong trào giải phóng người đồng tính. Vào đầu những năm 1970, khi chúng ta chống lại một lý tưởng hoặc phủ nhận sự tồn tại của chúng ta hoặc coi chúng ta là những kẻ bị bệnh tâm thần trái hay phản tự nhiên, điều đó đã thúc đẩy sự khẳng định rằng “chúng ta ở khắp mọi nơi.” Nhưng những năm gần đây, điều đó đã giam hãm chúng ta cũng giống như nhiều lý thuyết y khoa về tình dục đồng giới và trói chặt phong trào của chúng ta vào một vị trí.
Ở đây, tôi muốn bác bỏ huyền thoại này. Tôi muốn khẳng định rằng người đồng tính đã không luôn luôn tồn tại. Trái lại, họ là sản phẩm của lịch sử và xuất hiện trong một thời đại lịch sử nhất định. Sự trỗi dậy của họ gắn liền với những quan hệ của chủ nghĩa tư bản; đó là sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa tư bản – cụ thể hơn nữa là hệ thống lao động tự do – thứ đã cho phép một số lượng lớn đàn ông và đàn bà vào cuối thế kỷ 20 tự gọi mình là đồng tính, tự coi bản thân là một phần của cộng đồng có những đàn ông và phụ nữ tương tự và tổ chức về chính trị dựa trên đặc tính đó1. Cuối cùng, tôi muốn gợi ý một số bài học chính trị mà chúng ta có thể rút ra được từ quan điểm lịch sử này.
Mối quan hệ giữa hệ thống lao động tự do của chủ nghĩa tư bản và tình dục đồng giới là gì? Trước hết, hãy để tôi tái hiện lại một số đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Dưới chủ nghĩa tư bản, công nhân là người lao động “tự do” theo hai nghĩa. Chúng ta tự do tìm kiếm công việc. Chúng ta có năng lực lao động và có tự do bán sức lao động cho bất cứ ai sẵn lòng mua để nhận lương. Chúng ta cũng được giải phóng khỏi việc sở hữu mọi thứ, ngoại trừ sức lao động của bản thân. Hầu hết chúng ta không sở hữu đất đai hay công cụ để sản xuất ra những gì mà chúng ta cần, trái lại phải làm việc để kiếm sống. Nếu chúng ta tự do bán sức lao động theo nghĩa tích cực, chúng ta cũng giải phóng, theo nghĩa tiêu cực, khỏi mọi sự lựa chọn khác. Sự biện chứng này – sự tác động qua lại thường xuyên giữa bóc lột và một mức độ độc lập nhất định – đã tiết lộ toàn bộ lịch sử của những người sống dưới chủ nghĩa tư bản.
Khi tư bản – tiền được sử dụng để tạo ra nhiều tiền hơn – mở rộng thì hệ thống lao động tự do cũng được mở rộng. Tư bản mở rộng theo nhiều cách. Thông thường, nó mở rộng tại cùng một nơi, chuyển hóa các hãng nhỏ thành hãng lớn hơn, nhưng nó cũng mở rộng bằng cách chiếm lấy những lĩnh vực sản xuất mới: ví dụ như may quần áo hay nướng bánh mỳ. Cuối cùng, tư bản mở rộng về mặt địa lý. Ở Hoa Kỳ, chủ nghĩa tư bản ban đầu bắt nguồn ở vùng Đông Bắc, vào thời mà chế độ chiếm hữu nô lệ còn là hệ thống thống trị ở miền Nam và khi xã hội phi tư bản của người bản địa vẫn còn chiếm giữ nửa phía tây của lục địa. Vào thế kỷ 19, tư bản mở rộng từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương và vào thế kỷ 20, tư bản Hoa Kỳ đã xâm chiếm hầu như mọi nơi trên thế giới.
Sự bành trướng của tư bản và sự phổ biến của lao động làm thuê đã tạo ra một sự chuyển hóa sâu sắc trong cấu trúc và chức năng của gia đình hạt nhân, lý tưởng về đời sống gia đình và ý nghĩa của quan hệ tình dục khác giới. Chính những sự thay đổi trong gia đình đó đã gắn liền với sự xuất hiện của sự chung sống đồng tính.
Thực dân da trắng vào thế kỷ 17 ở New England đã xây dựng các làng xoay quanh kinh tế hộ gia đình, được tạo thành từ các đơn vị gia đình chủ yếu dựa trên sự tự cấp tự túc, độc lập và gia trưởng. Đàn ông, đàn bà và trẻ em canh tác trên mảnh đất mà người đàn ông chủ gia đình sở hữu. Mặc dù có sự phân công lao động giữa đàn ông và đàn bà song gia đình thực sự là một đơn vị sản xuất có sự phụ thuộc lẫn nhau: sự sống còn của mỗi thành viên phụ thuộc vào sự hợp tác của tất cả mọi người. Nhà là nơi làm việc, tức là nơi phụ nữ chế biến các nông sản thô thành thực phẩm cho sự tiêu dùng hàng ngày, là nơi họ tạo ra vải, xà phòng và nến, và cũng là nơi chồng, vợ và con cái làm việc cùng nhau để sản xuất ra sản phẩm mà họ tiêu dùng.
Vào thế kỷ 19, hệ thống sản xuất theo hộ gia đình suy tàn. Ở vùng Đông Bắc, khi tư bản thương nhân đầu tư tiền tích lũy được bằng việc buôn bán vào việc sản xuất hàng hóa, lao động làm thuê bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Đàn ông và đàn bà bị kéo ra khỏi nền kinh tế gia đình tự cấp tự tục của thời thuộc địa và ném vào hệ thống lao động tự do của tư bản. Đối với phụ nữ vào thế kỷ 19, việc làm thuê hiếm khi kéo dài đến sau khi kết hôn; đối với đàn ông thì điều đó trở thành tình cảnh vĩnh viễn.
Gia đình không còn là đơn vị sản xuất độc lập. Tuy không còn độc lập nhưng gia đình vẫn tiếp tục phụ thuộc qua lại. Do chủ nghĩa tư bản vẫn chưa mở rộng quá nhiều, do nó vẫn chưa chiếm lấy – hay xã hội hóa – việc sản xuất các vật phẩm tiêu dùng, phụ nữ vẫn thực hiện lao động sản xuất thiết yếu tại nhà. Nhiều gia đình không còn sản xuất lúa mì nhưng người vợ vẫn tiếp tục làm bánh mỳ từ bột mà họ mua bằng tiền lương của chồng; hoặc, khi họ mua sợi hay vải, họ vẫn tiếp tục may quần áo cho gia đình. Vào giữa những năm 1800, chủ nghĩa tư bản đã phá hủy nền kinh tế tự cấp tự túc của nhiều gia đình nhưng không phá hủy sự phụ thuộc lẫn nhau của các thành viên trong gia đình.
Sự chuyển hóa từ kinh tế hộ gia đình thành một nền kinh tế lao động tự do của chủ nghĩa tư bản trưởng thành diễn ra rất chậm chạp, kéo dài hơn hai thế kỷ. Cuối cùng vào năm 1920, 50% dân Mỹ sống trong các cộng đồng có ít hơn 2.500 dân. Đại đa số người da màu vào đầu thế kỷ 20 đều sống bên ngoài nền kinh tế lao động tự do, trong một hệ thống cấy rẽ và lĩnh canh dựa trên gia đình. Đối với hàng triệu người Mỹ, không chỉ có canh tác độc lập là sinh kế mà ngay cả ở những thành phố nhỏ thì phụ nữ vẫn tiếp tục nuôi và chế biến thực phẩm, may quần áo và tham gia vào những loại hình sản xuất gia đình khác.
Nhưng đối với những người cảm thấy sức nặng của sự thay đổi đó, gia đình có ý nghĩa mới, giống như là một đơn vị tình cảm, một thể chế không sản xuất ra vật phẩm mà tạo ra sự thỏa mãn về tình cảm và hạnh phúc. Vào những năm 1920, trong tầng lớp trung lưu da trắng, gia đình được coi là một phương tiện để đàn ông và đàn bà tạo ra sự thỏa mãn, cùng nhau cải thiện các mối quan hệ và tạo ra môi trường nuôi dưỡng con cái. Gia đình trở thành một môi trường cho “đời sống cá nhân”, khác biệt hoàn toàn và tách biệt khỏi thế giới công cộng của việc làm và sản xuất2.
Ý nghĩa của quan hệ tình dục khác giới cũng thay đổi. Ở thuộc địa New England, tỷ lệ sinh trung bình là 7 trẻ em trên một phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Đàn ông và đàn bà cần lao động của trẻ em. Sản xuất ra thế hệ kế cận là cần thiết để sinh tồn cũng giống như sản xuất lúa mì. Tình dục bị khai thác cho việc sinh đẻ. Thanh giáo không hoan nghênh tình dục khác giới mà không kết hôn; họ lên án mọi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và không tách biệt giữa gian dâm đồng giới và khác giới.
Tuy vậy, vào những năm 1970, tỷ lệ sinh đẻ đã giảm xuống còn 2. Với ngoại lệ là sự bùng nổ trẻ em sau Thế Chiến II, sự suy giảm đã diễn ra liên tục trong hai thế kỷ, cùng với sự mở rộng của quan hệ sản xuất tư bản. Điều đó diễn ra ngay cả khi các biện pháp tránh thai và phá thai bị ngăn cản một cách có hệ thống. Sự suy giảm đã diễn ra trong mọi bộ phận của dân cư – các gia đình thành thị cũng như nông thôn, da trắng cũng như da màu, các sắc tộc và người Anglo-Saxon Tin Lành, tầng lớp trung lưu và giai cấp công nhân.
Khi lao động làm thuê phổ biến và sản xuất được xã hội hóa thì việc giải phóng tình dục khỏi sự “bắt buộc” để sinh đẻ trở thành khả thi. Về mặt lý tưởng, sự biểu lộ tình dục khác giới trở thành phương tiện để tạo ra sự gần gũi, thúc đẩy sự hạnh phúc và trải nghiệm sự thỏa mãn. Khi tước đoạt kinh tế độc lập của hộ gia đình và thúc đẩy sự tách rời giữa tình dục với sinh đẻ, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những điều kiện cho phép một số đàn ông và đàn bà tổ chức đời sống cá nhân xoay quanh sự hấp dẫn tình dục/cảm xúc đối với giới tính của bản thân. Điều đó khiến cho việc hình thành các cộng đồng người đồng tính, gần đây hơn là chính trị dựa trên đặc tính tình dục, trở nên khả thi.
Bằng chứng từ các hồ sơ tòa án và các bài giảng đạo nhà thờ của New England thời thuộc địa đã cho thấy hành vi tình dục đồng giới của nam giới và nữ giới đã xuất hiện từ thế kỷ 17. Tuy vậy, hành vi tình dục đồng giới khác với đặc tính tình dục đồng giới. Đơn giản là không có “không gian xã hội” trong hệ thống sản xuất thuộc địa để đàn ông và đàn bà trở thành đồng tính. Sự sinh tồn được xây dựng xoay quanh sự tham gia vào một gia đình hạt nhân. Có một số hành động tình dục đồng giới nhất định – tình dục đồng giới của nam, “tính dục” giữa nữ giới với nhau – trong đó các cá nhân tham gia, nhưng gia đình phổ biến đến mức xã hội thuộc địa thiếu cả khái niệm về tình dục đồng giới nam hay đồng tính nữ để mô tả một cá nhân. Cũng có khả năng là một số đàn ông và đàn bà cảm thấy sự hấp dẫn của người cùng giới tính mạnh hơn là người khác giới – trên thực tế, một số vụ án thời thuộc địa đã nhắc đến những người đàn ông chìm đắm trong sự hấp dẫn “trái tự nhiên” của họ - nhưng người ta không thể thể hiện điều đó như là một lối sống. Thuộc địa Masschachusetts thậm chí còn có luật cấm những người trưởng thành chưa kết hôn sống bên ngoài gia đình3.
Vào nửa sau của thế kỷ 19, tình hình đã thay đổi một cách đáng kể khi hệ thống lao động tự do của tư bản đã chiếm ưu thế. Chỉ khi các cá thể bắt đầu sống bằng lao động làm thuê, thay vì là một thành viên trong gia đình phụ thuộc lẫn nhau, khát vọng tình dục đồng giới mới có khả năng đồng nhất với đặc tính cá nhân – một đặc tính dựa trên khả năng sống bên ngoài gia đình với tình dục khác giới và tạo ra một đời sống cá nhân dựa trên sự hấp dẫn giới tính của người đồng giới. Vào cuối thế kỷ, một tầng lớp nam và nữ giới thừa nhận sự quan tâm tình dục đồng giới đã xuất hiện, họ coi đó là đặc điểm khiến họ tách khỏi đa số và tìm kiếm những người giống như họ. Những người đồng tính ban đầu sống xuất thân một dải xã hội rộng: viên chức và người kinh doanh, nhân viên của hàng bách hóa và giáo sư trường đại học, người điều hành nhà máy, bộ trưởng, luật sư, đầu bếp, nội trợ, những người lang thang và những người giàu có về hưu: nam giới và phụ nữ, da màu và da trắng, dân nhập cư và dân bản địa.
Trong thời kỳ này, người đồng tính đã bắt đầu sáng tạo ra nhiều cách gặp gỡ nhau và xây dựng một cuộc sống nhóm. Vào đầu thế kỷ 20, các thành phố lớn đã có các quán bar đồng tính. Người đồng tính tụ tập ở các thành phố gần sông hay biển, như Riverside Drive ở thành phố New York và Lafayette Park ở Washington. Ở St. Louis và thủ đô quốc gia, chợ tình thường niên đã thu hút một số lượng lớn đồng tính da màu. Nhà tắm công cộng và YMCA trở thành điểm tụ tập cho giới đồng tính nam. Giới đồng tính nữ thành lập những hiệp hội văng chương và các câu lạc bộ cá nhân. Một số phụ nữ thuộc giai cấp công nhân “đóng vai” như nam giới để nhận được công việc có lương cao hơn và sống cùng với những phụ nữ khác – cặp đồng tính nữ thường xuất hiện bên ngoài như là chồng và vợ. Trong số các khoa của trường đại học nữ, tại các khu nhà ký túc xá cũng như tại các hiệp hội và câu lạc bộ nghề nghiệp mà phụ nữ lập ra, người ta có thể tìm thấy những mối quan hệ thân mật suốt đời được một mạng lưới các bạn đồng tính nữ hỗ trợ. Vào những năm 1920 và 1930, các thành phố lớn như New York và Chicago đã có các quán bar cho đồng tính nữ. Hình mẫu sinh tồn đó này có thể phát triển là do chủ nghĩa tư bản cho phép các cá thể sinh tồn bên ngoài phạm vi gia đình4.
Đồng thời, những định nghĩa lý tưởng về hành vi tình dục đồng giới cũng thay đổi. Các bác sĩ phát triển nhiều lý thuyết về tình dục đồng giới, coi nó như là một điều kiện, một thứ gì đó có sẵn trong cá nhân, một phần trong “bản chất tự nhiên” của anh ta hay cô ta. Những lý thuyết này không phản ánh sự đột phá khoa học, làm sáng tỏ những lĩnh vực chưa từng được khám phá của kiến thức; trái lại, chúng là một phản ứng mang tính hệ tự tưởng đối với phương thức tổ chức đời sống cá nhân mới. Sau đó, sự phổ biến của các mô hình y khoa lại ảnh hưởng đến nhận thức của nữ giới và nam giới có ham muốn tình dục đồng giới, do vậy họ xác định bản thân bằng đời sống tình dục của họ5.
Những loại hình đặc tính đồng tính mới và hình mẫu về đời sống nhóm cũng phản án sự khác biệt giữa những người đó theo khía cạnh giới tính, chủng tộc và giai cấp, vốn đã rất phổ biến trong các xã hội tư bản. Ví dụ, đối với người da trắng, đồng tính nam có truyền thống thể hiện công khai hơn đồng tính nữ. Một của điều này bắt nguồn từ sự phân tách giữa phạm vi nam giới công khai và phạm vi nữ giới riêng tư. Đường phố, công viên và quán bar, đặc biệt là ban đêm, đều là “không gian nam giới”. Mặc dù vậy sự hiện diện rõ ràng hơn của nam đồng tính da trắng cũng phản ánh số lượng lớn của họ. Nghiên cứu của Kinsey vào những năm 1940, 1950 đã cho thấy có nhiều nam giới đồng tính hơn nữ giới đồng tính, như tôi đã khẳng định, một tình hình bắt nguồn từ sự thật là chủ nghĩa tư bản đã lôi kéo nhiều nam giới vào lực lượng lao động hơn nữ và với mức lương cũng cao hơn. Đàn ông có thể dễ dàng tạo dựng đời sống cá nhân độc lập với sự ràng buộc của giới tính khác, trong khi phụ nữ có vẻ như vẫn phụ thuộc vào đàn ông về mặt kinh tế. Kinsey cũng phát hiện ra sự tương quan mạnh giữa số năm đi học và hành vi đồng tính nữ. Phụ nữ da trắng tốt nghiệp đại học có khả năng tự chủ hơn nhiều so với những chị em thuộc giai cấp công nhân nên có khả năng sinh tồn dễ dàng hơn mà không cần mối quan hệ thân mật với nam giới6.
Đối với công nhân nhập cư vào đầu thế kỷ 20, mạng lưới huyết thống chặt chẽ và sự trung thành với gia đình về mặt đạo đức đã giới hạn sự chủ quyền cá nhân khiến cho họ khó có thể theo đuổi sự đồng tính. Trái lại, vì những lý do chưa rõ ràng, các cộng đồng da màu thành thị dường như lại tương đối khoan dung đối với sự đồng tính. Sự phổ biến của những bài hát với bối cảnh người đồng tính vào những năm 1920, 1930 – “B. D. Woman”, “Prove It on Me”, Sissy Man”, “Fairey Blues” – đã cho thấy sự cởi mở về sự biểu hiện đồng tính cùng với số lượng da trắng lớn hơn. Đối với nam giới ở nông thông miền Tây vào những năm 1940, Kinsey phát hiện ra ảnh hưởng rộng rãi của hành vi tình dục đồng giới nhưng trái với đàn ông ở các thành phố lớn, có rất ít ý thức về đặc tính đồng tính. Ngay cả khi chủ nghĩa tư bản tạo ra sự ảnh hưởng thống trị bằng cách chuyển hóa hoàn toàn các cá thể thành lao động làm thuê và tách họ ra khỏi các cộng đồng truyền thống thì các nhóm người khác nhau cũng chịu ảnh hưởng theo các cách khác nhau7.
Quyết định của những người đàn ông và đàn bà nhất định hành động theo sự ưa thích tình dục/cảm xúc về đồng tính, cũng với nhận thức mới về việc sự ưa thích mới khiến họ khác biệt, đã dẫn tới sự hình thành của văn hóa thứ cấp đô thị của người đồng tính. Tuy vậy, ít nhất vào những năm 1930, văn hóa thứ cấp này vẫn chỉ là sơ khai, thiếu ổn định và khó thấy. Làm sao cộng đồng đồng tính phức tạp và được tổ chức tốt lại xuất hiện vào thời phong trào giải phóng đồng tính nổ ra? Câu trả lời được tìm thấy trong Thế Chiến II, vào thời gian mà sự thay đổi tích lũy của nhiều thập kỷ đã hợp nhất thành một trạng thới về mặt chất.
Chiến tranh đã phá vỡ các hình mẫu truyền thống về quan hệ giới tính và tình dục, cũng như tạm thời tạo ra một tình trạng tình dục mới thuận lợi cho sự thể hiện tình dục đồng giới. Chiến tranh đã tách hành triệu thanh thiếu nữ, những người mà đặc tính tình dục chỉ vừa mới hình thành, ra khỏi gia đình, khỏi thị trấn và thành phố nhỏ, khỏi môi trường tình dục khác giới của gia đình và ném họ vào hoàn cảnh thuần nhất về giới tính – như là lính, nữ binh và nữ tình nguyện viên hải quân, trong những căn nhà đồng giới cho nữ công nhân, những người ở lại đó để tìm việc làm. Chiến tranh đã giải phóng hàng triệu đàn ông và phụ nữ khỏi những thể chế coi tình dục đồng giới là bình thường. Đối với những nam giới và phụ nữ vốn đồng tính sẵn thì đây là cơ hội để gặp được những người giống như họ. Những người khác trở thành đồng tính do chiến tranh đã mang lại cho họ sự tự do tạm thời trong việc khám phá tình dục.
Ví dụ, Lisa Ben đã công khai trong chiến tranh. Cô rời khỏi thị trấn nhỏ ở California, nơi cô đã lớn lên, đến Los Angeles để tìm việc làm và sống trong một căn nhà trọ dành cho phụ nữ. Tại đây, lần đầu tiên cô gặp các nữ đồng tính, họ đưa cô tới quán bar dành cho người đồng tính và giới thiệu cô với những phụ nữ đồng tính khác. Donald Vining là một thanh niên có nhiều ham muốn tình dục và một ít trải nghiệm đồng giới. Anh ta chuyển đến thành phố New York trong thời kỳ chiến tranh và làm việc tại một cơ sở lớn của Hiệp Hội Thanh Niên Thiên Chúa Giáo (YMCA). Nhật ký của anh ta cho thấy nhiều cuộc phiêu lưu tình dục với binh lính, thủy thủ, lính thủy và công dân tại nơi mà anh làm việc, cũng như tại các câu lạc bộ dành cho nam giới ở nơi mà anh sống, ở công viên, quán bar và rạp chiếu phim. Nhiều binh lính đóng quân ở các thành phố cảng như New York, tại các YMCA giống như nơi Vining làm việc. Trong các câu chuyện truyền miệng của anh ta về đàn ông đồng tính ở San Francisco, quãng những năm 1940, Allan Bérubé đã phát hiện ra rằng những năm chiến tranh rất quan trọng đối với sự hình thành củacộng đồng đồng tính nam tại thành phố. Những nơi khác như San Jose, Denver và thành phố Kansas đều có quán bar đồng tính đầu tiên vào những năm 1940. Ngay cả một số áp bức nặng nề cũng có thể những tác dụng phụ tích cực. Pat Bond, một nữ đồng tính đến từ Davenport Iowa tham gia nữ binh vào những năm 1940. Sau khi bị bắt trong một cuộc thanh trừng loại ngũ hàng trăm nữ đồng tính ở Thái Bình Dương, cô đã không trở lại Iowa. Cô ở lại San Francisco và trở thành một người thuộc cộng đồng đồng tính nữ. Có bao nhiêu nam giới và phụ nữ đã có kinh nghiệm tương tự? Có bao nhiêu thành phố chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng người đồng tính?9
Những người đồng tính nam và nữ vào những năm 1940 là những người tiên phong. Quyết định hành động theo ham muốn của họ đã tạo thành nền móng cho văn hóa thứ cấp đô thị của giới đồng tính nam và nữ. Suốt những năm 1950 và 1960, văn hóa thứ cấp của giới đồng tính đã phát triển và ổn định nên nhiều người công khai và sau đó có thể dễ dàng thấy những người đồng hơn so với quá khứ. Báo chí và tạp chí xuất bản các bài báo mô tả đời sống của đồng tính nam. Hàng trăm tiểu thuyết về đồng tính nữ đã được xuất bản10. Các nhà phân tâm học phàn nàn về sự giải tỏa mới, tức là những bệnh nhân đồng tính nam của họ tìm được bạn tình. Văn hóa thứ cấp của người đồng tính không chỉ được thấy ở những thành phố lớn nhất. Các quán bar đồng tính cũng xuất hiện ở những nơi như Worcester, Massachusetts và Buffalo, New York; ở Columbia, Nam Carolina và Des Moines, Iowa. Đời sống đồng tính trong những năm 1950 và 1960 trở thành hiện tượng khắp quốc gia. Vào thời cuộc bạo loạn Stonewall ở thành phố New York vào năm 1969 – sự kiện châm ngòi cho phong trào giải phóng đồng tính – hoàn cảnh của chúng ta khó có thể giữ im lặng, vô hình và cô lập. Một phong trào giải phóng quần chúng quy mô lớn có thể được hình thành chỉ trong một đêm là bởi vì các cộng đồng đồng tính nam và nữ đã tồn tại.
Mặc dù các cộng đồng đồng tính là tiền đề cho phong trào quy mô lớn song sự áp bức đối với người đồng tính nam và đồng tính nữ là sức mạnh khiến cho phong trào tồn tại. Khi văn hóa thứ cấp mở rộng và phát triển rõ ràng hơn vào cuối thời kỳ Thế Chiến II, sự áp bức của nhà nước được gia tốc, trở thành hệ thống và bao quát hơn. Cánh hữu lên án “những kẻ sa đọa tình dục” dưới thời McCarthy. Eisenhower ban hành lệnh cấp tuyển dụng người đồng tính trong chính quyền liên bang và nhà thầu của chính quyền. Các vụ thanh trừng loại người đồng tính ra khỏi quân đội được tiến hành dữ dội. FBI thiết lập một hệ thống giám sát rộng rãi đối với các nơi tụ họp của giới đồng tính cũng như các tổ chức đồng tính, như Con Gái Của Bilitis và Hiệp Hội Mattachine. Bưu điện theo dõi thư tín của người đồng tính và chuyển các bằng chứng về hoạt động đồng tính cho chủ lao động. Các đội cảnh sát đạo đức xông vào nhà riêng, càn quét các quán bar của người đồng tính, cài bẫy người đồng tính nam ở nơi công cộng và tổ chức các cuộc khủng bố ở địa phương. Sự nguy hiểm của việc trở thành người đồng tính tăng lên ngay khi khả năng trở thành đồng tính rộng mở hơn. Sự giải phóng người đồng tính là một sự phản ứng lại mâu thuẫn này.
Mặc dù người đồng tính đã giành được thắng lợi quan trọng vào những năm 1970 và mở ra một không gian xã hội an toàn cho sự tồn tại của người đồng tính song chúng ta khó có thể khẳng định rằng đã đánh một đòn chí mạng vào tình dục khác giới và sự thù ghét tình dục đồng giới. Người ta vẫn còn có thể khẳng định rằng sự áp bức đối với người đồng tính chỉ thay đổi vị trí, chuyển từ phạm vi nhà nước sang một lãnh địa bạo lực ngoài pháp luật dưới dạng bạo hành công khai đối với người đồng tính. Khi phong trào của chúng ta phát triển, chúng ta đã tạo ra một phản lực có nguy cơ xóa sạch mọi thành quả. Đáng chú ý là phe đối lập Cánh Hữu Mới đã thay đổi bề ngoài thành một phong trào “ủng hộ gia đình”. Tại sao chủ nghĩa tư bản, có cấu trúc khiến cho sự xuất hiện của đặc tính đồng tính và sự hình thành của cộng đồng đồng tính đô thị trở nên khả thi, dường như lại không thể chấp nhận người đồng tính trong lòng nó? Tại sao tình dục đồng giới và sự thù ghét người đồng tính lại có thể kháng cự là cuộc tấn công?
Tôi cho rằng câu trả lời có thể tìm thấy trong quan hệ mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và gia đình. Một mặt, như tôi đã khẳng định trước đây, chủ nghĩa tư bản phá hủy hoàn toàn cơ sở vật chất của gia đình hạt nhân bằng cách tước bỏ các chức năng kinh tế đã tạo thành mối liên hệ giữa các thành viên gia đình. Khi những người trưởng thành bị lôi cuốn vào hệ thống lao động tự do nhiều hơn và tư bản mở rộng phạm vi của nó cho tới khi nó biến hầu hết sản phẩm và dịch vụ mà chúng ta cần cho sự sinh tồn thành hàng hóa, những sức mạnh đã kết hợp nam giới và nữ giới thành gia đình và giữ họ ở đó đã bị suy yếu. Mặt khác, hệ tư tưởng của xã hội tư bản trân trọng gia đình như là nguồn của tình yêu, tình thương và sự an toàn cảm xúc, là nơi mà nhu cầu về mối quan hệ nhân bản gần gũi, ổn định của chúng ta được thỏa mãn.
Việc gia đình hạt nhân trở thành thứ vượt trội trong phạm vi đời sống cá nhân không phải là ngẫu nhiên. Mọi xã hội cần các cấu trúc tái sản xuất và nuôi dưỡng trẻ em, nhưng khả năng đó không giới hạn trong gia đình hạt nhân. Mặc dù vậy, gia đình tư nhân hóa phù hợp với các quan hệ sản xuất tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã xã hội hóa sản xuất đồng thời vẫn đảm bảo rằng việc sản phẩm của lao động được xã hội hóa thuộc về chủ sở hữu tư nhân. Theo nhiều cách, việc nuôi dưỡng trẻ em cũng đã được xã hội hóa một cách tiến bộ trong hai thế kỷ qua, với trường học, truyền thông, các nhóm đồng đẳng và nhân viên làm thuê đảm nhiệm những chức năng trước đây thuộc về cha mẹ. Tuy vậy, xã hội tư bản đảm bảo rằng tái sản xuất và nuôi dưỡng trẻ em là công việc riêng tư, trẻ em “thuộc về” cha mẹ, những người thực thi quyền chủ sở hữu. Về mặt lý tưởng, chủ nghĩa tư bản đưa con người tới gia đình dị tính: mỗi thế hệ đến tuổi trưởng thành đều mang trong mình mô hình quan hệ cá nhân và thân mật dị tính. Về mặt vật chất, chủ nghĩa tư bản làm suy yếu các mối quan hệ giữ cho gia đình cố kết khiến cho thành viên của gia đình cảm thấy sự thiếu ổng định gia tăng tại nơi mà họ kỳ vọng sẽ có hạnh phúc và an toàn về cảm xúc.
Do vậy, trong khi chủ nghĩa tư bản phá vỡ nền tảng vật chất của đời sống gia đình, người đồng tính và những nhà nữ quyền dị tính trở thành kẻ chịu nạn cho sự bất ổn xã hội của hệ thống.
Phân tích này, nếu thuyết phục, có nhiều tác động đối với chúng ta hiện nay. Nó có thể tác động đến nhận thức của chúng ta về đặc tính, sự định hình các mục tiêu chính trị cũng quyết định của chúng ta về chiến lược.
Tôi đã khẳng định rằng đặc tính đồng tính và các cộng đồng hình thành một cách lịch sử, kết quả của quá trình phát triển trải dài qua nhiều thế hệ của chủ nghĩa tư bản. Hệ quả tất yếu của khẳng định này, chúng ta không phải là một thiểu số xã hội cố định cấu thành một phần nhất định của dân cư trong mọi thời đại. Có nhiều người như chúng ta hơn một trăm năm trước đây, có nhiều người như chúng ta hơn bốn mươi năm trước đây. Có thể là sẽ có nhiều người đồng tính hơn trong tương lai. Những khẳng định của người đồng tính và không đồng tính về sự cố định của thiên hướng tình dục được đưa ra trong thời đại gần đây, hay khẳng định rằng số lượng lớn người đồng tính công khai trong xã hội, truyền thông và trường học sẽ không có ảnh hưởng tới đặc tính tình dục của giới trẻ, tất cả đều là sai. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra các điều kiện vật chất cho tình ham muốn tình dục đồng giới để thể hiện bản thân của một như là thành phần cốt lõi trong đời sống của một số cá thể; giờ đây, các phong trào chính trị của chúng ta đang thay đổi nhận thức, xây dựng các điều kiện tư tưởng khiến cho người dân dễ dàng đưa ra lựa chọn đó.
Khẳng định này xác nhận nỗi sợ hãi tồi tệ nhất và phát ngôn điên dại nhất của những đối thủ chính trị của chúng ta. Nhưng phản ứng của chúng ta phải là chống lại niềm tin ẩn giấu phía sau việc cho rằng quan hệ đồng tính là xấu, một sự lựa chọn thứ hai nghèo nàn. Chúng ta phải không rơi vào sự phòng ngự mang tính cơ hội cho rằng xã hội không cần lo lắng về việc khoan dung chúng ta, do chỉ có người đồng tính trở thành đồng tính. Tốt nhất, một phân tích nhóm thiểu số và một chiến lược về quyền công dân đặt ra cho những người đã đồng tính sẵn. Hãy để cho thanh niên hiện nay – người đồng tính ngày mai – mang những mô hình dị tính mà họ có thể cần cả đời để đoạn tuyệt.
Tôi cũng khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến sự tách biệt tình dục khỏi sinh đẻ. Ham muốn tình dục của con người không còn bị thúc ép để tái tạo một cách cưỡng bách, để sinh đẻ. Người đồng tính mang trong mình tiềm năng của sự phân tách đó, từ khi quan hệ đồng tính của chúng ta hoàn toàn nằm ngoài khuôn khổ của sự sinh đẻ. Sự chấp nhận lựa chọn tình dục của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ xã hội sẵn sàng công nhận sự biểu lộ tình dục là một dạng vui chơi, tích cực và nâng cao đời sống. Phong trào của chúng ta có thể bắt đầu như là nỗ lực của một “thiểu số”, nhưng điều mà chúng ta cố gắng “giải phóng” là một khía cạnh của đời sống cá nhân của tất cả mọi người – biểu lộ tình dục11.
Cuối cùng, tôi cho rằng mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và gia đình là mâu thuẫn căn bản. Một mặt, chủ nghĩa tư bản thường xuyên làm suy yếu nền tảng vật chất của đời sống gia đình, khiến cho các cá thể có thể sống bên ngoài gia đình và đặc tính đồng tính có thể phát triển. Mặt khác, nó lại cần phải dồn nam giới và nữ giới vào gia đình, ít nhất là đủ lâu để tái tạo ra thế hệ công nhân mới. Việc gia đình trở thành sự nổi bật về tư tưởng đảm bảo rằng xã hội tư bản sẽ tái sản xuất ra không chỉ trẻ em mà cả tình dục khác giới và sự thù ghét tình dục đồng giới. Theo nghĩa nổi bật nhất, chủ nghĩa tư bản là vấn đề12.
Làm sao chúng ta, nạn nhân chính trị của sự bất ổn do chủ nghĩa tư bản tạo ra, tránh được sự đổ lỗi? Làm sao chúng ta có thể nắm lấy mối quan hệ mâu thuẫn này và sử dụng nó để thúc đẩy sự giải phóng?
Người đồng tính tồn tại trên lãnh địa xã hội nằm bên ngoài những ràng buộc của gia đình hạt nhân dị tính. Các cộng đồng của chúng ta đã hình thành trong không gian xã hội đó. Sự
sinh tồn cũng như sự giải phóng của chúng ta phụ thuộc vào khả năng bảo vệ và mở rộng lãnh địa của chúng ta, không chỉ cho bản thân chúng ta mà cho tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa là ủng hộ những chủ đề mở rộng cơ hội sống bên ngoài đơn vị gia đình hạt nhân dị tính truyền thống: những chủ đề như sự phá thai hợp pháp và phê chuẩn Tu Chính Án Quyền Bình Đẳng, hoạt động ủng hộ người da màu và phụ nữ, nhà trẻ công và các dịch vụ xã hội thiết yếu khác, trợ cấp đủ sống, có việc làm, quyền của thanh niên – hay nói các khác, những chương trình và chủ đề mang lại một cơ sở vật chất cho sự độc lập cá nhân.
Quyền của thanh niên đặc biệt quan trọng. Sự chấp nhận trẻ em là người phụ thuộc, như thuộc về cha mẹ, đã ăn sâu đến mức chúng ta khó có thể hình dung điều gì diễn ra khi đối xử với chúng như là những người độc lập, cụ thể là về lĩnh vực biểu lộ và lựa chọn tình dục. Tuy vậy, khi điều đó diễn chưa diễn ra, sự giải phóng người đồng tính vẫn nằm ngoài tầm tay của chúng ta.
Nhưng sự độc lập cá nhân chỉ là một nửa câu chuyện. Sự bất ổn của gia đình và cảm giác tạm thời cũng như thiếu an toàn mà mọi người đang trải qua trong mối quan hệ cá nhân là vấn đề xã hội thực sự cần phải được mô tả. Chúng ta cần các giải pháp chính trị cho những khó khăn của đời sống cá nhân. Những giải pháp đó không thể đến dưới dạng phiên bản cấp tiến của lập trường ủng hộ gia đình, của một số đề xuất cánh tả về việc củng cố gia đình. Những người xã hội chủ nghĩa nói chung không phản ứng lại sự bóc lột và bất bình đẳng kinh tế của chủ nghĩa tư bản công nghiệp bằng cách kêu gọi sự quay trở lại với gia đình nông thôn và sản xuất thủ công. Chúng ta công nhận rằng năng suất to lớn mà chủ nghĩa tư bản tạo ra đã khiến cho sự xã hội hóa sản xuất trở thành một đặc trưng tiến bộ. Tương tự, chúng ta không nên cố gắng quay ngược đồng hồ để trở về với thời đại huyền bí của gia đình hạnh phúc.
Tuy vậy, chúng ta cũng cần các cấu trúc và chương trình để phá vỡ các ràng buộc và cô lập gia đình, đặc biệt là sự tư nhân hóa việc nuôi dưỡng trẻ em. Chúng ta cần nhà trẻ do cộng đồng – hay công nhân kiểm soát, đặt tại nơi mà sự riêng tư và tính cộng đồng cùng tồn tại, các thiết chế cộng đồng – từ bệnh viện cho tới các trung tâm nghệ thuật – để mở rộng đơn vị xã hội mà mỗi chúng ta đều có một nơi an toàn. Khi chúng ta tạo ra các cấu trúc vượt qua gia đình hạt nhân để cung cấp một cảm giác phụ thuộc, gia đình sẽ suy tàn một cách đáng kể. Chúng sẽ sẽ ngày càng ít tạo ra hoặc phá vỡ sự an toàn cảm xúc của chúng ta.
Theo khía cạnh này, người đồng tính đóng đã được xếp một vai trò đặc biệt. Hầu hết chúng ta đã bị loại khỏi gia đình, để sinh tồn chúng ta cần phải tạo ra một mạng lưới hỗ trợ không phụ thuộc vào các quan hệ huyết thống hay giấy phép của nhà nước, mà được tự do lựa chọn và nuôi dưỡng. Việc xây dựng một “cộng đồng tình thương” phải là một phần của phong trào chính trị, cũng giống như các chiến dịch đòi quyền công dân. Theo cách này, chúng ta có thể định hình các mối quan hệ cá nhân trong một xã hội dựa trên sự bình đẳng và công bằng thay vì bóc lột và áp bức, trong xã hội đó thì sự độc lập và an toàn không loại trừ lẫn nhau mà cùng tồn tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.