Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/03/2016

Vừa đi vừa đọc lại : Một bậc thầy thi ca thời Lê Trung Hưng (bài Phạm Trọng Chánh)

Thấy thêm một bài viết dạng xào xáo của ông Phạm Trọng Chánh.


Toàn văn như ở dưới.



---


17.12.2014 BY KHOAHOCNET.COM

Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút bài Thể thơ viết về thi ca Việt Nam có nói đến ba nhà thơ lớn, ba bậc thầy thi ca thời Lê Trung Hưng : Nguyễn Tông Khuê (1693-1767), Nguyễn Huy Oánh (1722-1799), Hồ Sĩ Đống (1738-1738). Ba nhà thơ duy nhất Phạm Đình Hổ nói tên trong bài viết về thi ca Việt Nam .
« Trong khoảng đời Vĩnh Hựu, Cảnh Hưng các bậc tiền bối danh công có nhiều ông lưu ý về thi luật. Nguyễn Tông Khuê thực là một tay lãnh tụ về thời ấy ; thứ hai đến Nguyễn Huy Oánh rồi đến Hồ Sĩ Đống cùng nối nhau khởi lên tự lập thành một nhà thơ có tiếng. Ta lại thường xem thơ các bậc tiền bối thơ của Phúc Khê Công (Nguyễn Tông Khuê) thì tinh vi đẹp đẽ, nhưng có phần vụn vặt quá. Lai Thạch Công (Nguyễn Huy Oánh) là bậc thanh cao, nhưng vẫn có ý mô phỏng ; thơ Hoàn Hậu Công (Hồ Sĩ Đống) thì chủ lấy khí phách, không thèm lấy điêu khắc vẽ với làm khéo. Thi học đến đời ấy đã trung hưng lên được nhưng so với các thi gia đời Lý, đời Trần thì cũng chưa thể sánh bằng. »
Những tên tuổi danh tiếng ấy ngày nay đã rơi vào quên lãng, chứng tỏ chúng ta không biết gì nhiều về những nhà thơ danh tiếng ngày xưa ? vì thi ca phần lớn là thơ chữ Hán, ngày nay chúng ta chỉ thưởng thức thơ danh tiếng cha ông qua những bài dịch nghĩa, như người ngoại quốc đọc thơ Trung Hoa. Di sản thơ cha ông ta hơn ngàn năm viết bằng chữ Hán. Tác phẩm thi ca Việt Nam nhiều vô số kể, phần đã nghiên cứu chỉ là một phần nhỏ. Toàn bộ nền văn hóa ấy Tàu không xem là văn hóa của họ, ngày nay họ dùng chữ Quan thoại Bắc Kinh đơn giản, chẳng ai bỏ công đọc chữ Hán cổ thơ người Việt. Người Việt Nam ngày nay đọc chữ Quốc ngữ, làm thơ xuôi, thơ tự do, chẳng ai trau dồi thơ Đường Luật niêm luật khó nhọc làm gì, lại phải đọc thứ chữ Hán cổ điển chẳng ai dùng. Các cụ Việt Nam từ trong nước ra hải ngoại còn khả năng dịch thơ chữ Hán ra thơ Đường Luật ngày một rơi rụng chẳng còn bao nhiêu người. Không biết Viện Hán Nôm Hà Nội có đào tạo ra người dịch thơ Đường Luật không ? Thấy các tập Tinh tuyển thơ cổ chỉ có dịch nghĩa, nhiều bài viết nghiên cứu các ngày nay chỉ dịch nghĩa, thật tội nghiệp cho nền thi ca cổ điển của dân tộc ta. Với mối ưu tư đó tôi xin dịch lại thành thơ những gì tôi có được trong tầm tay những bài đã dịch nghĩa để giới thiệu các nhà thơ danh tiếng Việt Nam đã bị rơi vào quên lãng. Mong độc giả thưởng thức được cái hay cái đẹp văn chương cha ông ta một thời lừng danh.
Nguyễn Tông Khuê (1693-1767) hay Nguyễn Tôn Khuê còn gọi là Nguyễn Tông Quai, (Hán tự gồm bộ huyệt (hình) và Khuê (thanh). Các bộ Thuyết văn, Từ Hải, Từ Nguyên, Quảng Vạn, Thiết vạn đều ghi cách đọc là Khuê. Chữ nôm dùng nó để viết quai nón, quai ấm, quai nồi. Khuê là sao Khuê, sao văn học, người cha đặt tên con ngày xưa ước mơ cho con hay chữ, trở thành ngôi sao văn học, có ai ước mơ cho con thành quai nồi, quai nón bao giờ ? người con cũng hãnh diện mình là ngôi sao văn học để phấn đấu đạt mục đích ấy cho xứng tên mình, và cả đời ông Nguyễn Tông Khuê giữ lòng thẳng ngay trong sáng như sao Khuê dù bao gian nay trước bạo lực. Theo tôi, từ chữ Khuê ra chữ quai chữ nôm có một khoảng cách quá xa, chữ quai thường sử dụng ở miền Nam, ngày xưa vùng Lê – Trịnh người ta dùng chữ khuê để phiên âm chữ khuy, nay còn khuy nút, khuy áo ; cái quai bình, quai nồi cũng gọi là khuy, nên văn bia Văn Miếu đời Lê viết là Khuê, sau cuộc thống nhất đất nước của vua Gia Long năm 1802, do ảnh hưởng miền Nam nhiều chữ nôm thời Lê – Trịnh bị biến mất hay thay đổi ý nghĩa nên cái khuy nồi, khuy nón được đọc là quai nồi, quai nón vì thế nên tôi thiên về cách đọc Nguyễn Tông Khuê, có rất nhiều chữ nôm cùng trường hợp này như chữ cóc là biết, chiền là chùa, nghẹ là cái nồi, cống là cửa hào lớn vào cung cấm, kinh thành vua, kín cống cao tường, chỉnh chiện là ngồi oai vệ..).
Ông hiệu là Thư Hiên, người xã Phúc Khê, huyện Ngự Thiên, nay là xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình nhưng sinh và lớn lên tại Thăng Long. Học với cụ Thám Hoa Vũ Thành (1664- ?) là Giám sinh trường Giám ( Văn Miếu, Quốc tử Giám), thầy học vẫn thường ca ngợi tài học của ông. Ông đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Tân sửu (1721) năm 29 tuổi. Nổi danh khoa cử. Nguyễn Tông Khuê được sung chức ở Hàn lâm viện, Thừa chính sứ Kinh Bắc. Đốc đồng Tuyên Quang. Năm 1734, được cử đi tiếp sứ giả nhà Thanh sang phong vương. Năm 1742 được cử làm Phó Sứ đi sứ nhà Thanh, Nguyễn Kiều chồng Đoàn Thị Điểm làm Chánh Sứ, cuộc đi sứ nhiều trắc trở gian nan mất 3 năm, trở về năm 1745 và được thăng Hình Bộ Tả thị lang, tước Ngọ Đình hầu. Ít lâu sau vì bị vu cáo nên bị giáng chức dẫn đến bỏ quan về nhà. Năm 1748 được phục chức cũ và cử làm Chánh sứ sứ bộ sang nhà Thanh lần thứ hai, Nguyễn Thế Lập làm Phó Sứ. Hai năm sau trở về, ông được thăng Hộ bộ Tả thị lang, tước hầu. Tính tình cương trực, ông bị gièm pha bị Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc bách hại giáng chức xuống Thị Giảng, rồi truất về làng. Nguyễn Tông Khuê mở trường dạy học, đào tạo anh tài, học trò giỏi có Lê Quý Đôn (đỗ đầu ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, là nhà bác học nước ta), có Đoàn Nguyễn Thục (cha vợ Đại thi hào Nguyễn Du).. Năm 1767 ông mất tại quê nhà.
Kính Phủ Nguyễn Án trong Tang thương ngẫu lục đã viết về Nguyễn Tôn Khuê như sau :
« Ông Nguyễn Tôn Khuê người làng Phúc Khê, huyện Ngự Thiên. Thuở nhỏ, ông ngụ ở kinh đô, không thiết học hành, hàng ngày chỉ theo bọn trẻ đùa ngịch. Cha giận đánh đập, ông đến ẩn ở chùa Diên Hưng hàng tuần (10 ngày). Đói thì ăn trộm quả oản cúng Phật để ăn. Người ta biết mách với người cha, cha đến mắng nhiếc rất nhục nhã. Ông xin từ nay chăm chỉ đi học, rồi đến học ở trường ông Thám hoa Vũ Thành. Ông Vũ là bậc tôn sư thời bấy giờ, những học trò làm nên nổi tiếng nhiều lắm. Khi ông mới đến học, cũng không có gì là xuất sắc. Một hôm ông Vũ ra đầu bài thơ « trống mái  » để làm tập, bài thơ ông làm, có hai câu tam tứ như sau :
« Tịnh lập sơn đầu huyền thạch loạn
Song phi hán biểu hắc vân mê. »
Nghĩa là : « Cùng đứng đầu non, thì đá xanh cũng phải lộn xôn ; cùng bay lên trời thì mây đen cũng phải mờ. » Ông Vũ khen ngợi rằng :
  • Gã này mai sau tất sẽ nổi tiếng thơ hay. Năm 28 tuổi thi đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (niên hiệu Bảo Thái). Bấy giờ ông Nguyễn Đức Đôn ở Vĩnh Kiều vẫn tự phụ mình học rộng, sau kỳ thi thứ tư, ở trường ra, nói với mọi người rằng :
  • Khoa này đỗ đầu, trừ ra có Nguyễn Tôn Khuê, chứ còn những người khác đều phải lui tránh ta ba xá (30 dặm một xá).
Lúc ra bảng, ông trúng thứ nhất mà ông Vĩnh Kiều trúng thứ hai. Vào đình đối, ông đỗ Hoàng Giáp. Sau hai lần phụng mệnh sang sứ Trung Hoa, làm quan đến Hộ Bộ Tả Thị Lang phong Hầu Tước. Ông giữ đạo thẳng, ghét sự cong queo, không chịu kiêng nể gì cả, nhân thế bị viên Đại Thần cầm quyền là Việp Quận Công, kiếm chuyện tâu hặc, phải giáng xuống Hàn Lâm Thị Độc và truất phế về làng, thọ hơn 70 tuổi mới mất. Khi đi sứ có tập thơ Sứ Hoa tùng vịnh đến mấy trăm bài, được người Trung Hoa phê bình, hết sức khen ngợi. Đến nay trải hơn năm mươi năm, trong nước vẫn còn truyền tụng. Con là Tôn Bảo làm tri phủ Trà Lân, Tôn Thực làm Hiển Phó Kinh Bắc cũng đều nổi tiếng thơ hay. »
Tác phẩm Nôm của Nguyễn Tông Khuê có tập :
– Sứ trình tân truyện : 670 câu thơ, viết theo thể lục bát xen lẫn với những bài thơ Nôm được xem như là một chùm thơ đẹp. Với tác phẩm này Nguyễn Tông Khuê đã đưa đề tài đi sứ vào một thể loại mới là ký thơ Nôm.
-Ngũ luân tự : 646 câu thơ song thất lục bát, là một tập diễn ca đạo đức luân lý diễn Nôm 5 điều luân thường : vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn.
Tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Tông Khuê có :
Sứ hoa tùng vịnh  hiện nay có 30 dị bản tại Viện Hán Nôm, gồm hai trăm bài thơ chữ Hán, tại Ecole Français d’Extrême-Orient Paris cũng có một văn bản: thơ sáng tác trên đường đi sứ. Đề tài cảnh quan, phong thổ, nhân vật.. từ Thăng Long đến Yên Kinh cùng nỗi niềm xa nước nhớ quê và tấm lòng trung quân ái quốc của một sứ giả có ý thức cao về trách nhiệm của mình về đất nước và nền văn hóa dân tộc. Sứ hoa tùng vịnh được sáu danh sĩ trong nước và Trung Quốc, Triều Tiên đề tựa và phẩm bình. Phần cuối có trăm bài thơ xướng họa với các danh sĩ Trung Quốc trong đó có Trương Hán Chiêu, Âu Dương Vương, Vương Văn Tường..
Vịnh Sử thi quyển : tập thơ của bốn nhà thơ có tiếng Đoàn Trác Luân (anh Đoàn Thị Điểm), Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân bốn danh sĩ được đương thời xưng tụng là Trường An tứ hổ (Bốn con cọp ở kinh đô.. Trong thể tài thơ vịnh sử Nguyễn Tông Khuê cũng đã tạo dựng cho mình một phong cách đặc sắc.
Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống, đã đọc được tập Sứ Hoa tùng vịnh do con trai của Nguyễn Tông Khuê là Cư Chính Nguyễn Tôn Thực cho xem năm 1774 lúc làm Bố Chánh sứ Kinh Bắc, Cư Chính làm việc ở ty Án sát, năm 1778 trên đường đi sứ lại ghé thăm Kinh Bắc, Cư Chính lại cho xem toàn tập nhờ viết tựa và cho khắc in. Trong bài tựa tập thơ Sứ hoa tùng vịnh, Hồ Sĩ Đống đã viết trên đường đi qua Kim Lăng :
«  Nhớ lúc ở kinh thành, tiên sinh đã về hưu, tôi vì lẽ không được tới dưới cửa học tập mà lấy làm buồn. Nay hân hạnh được nối theo bước trước (đi sứ) tham quan phong vật nước ngoài. Phàm những non sông cảnh vật trên đường trải qua, chứng nghiệm vào những câu tự tình và tiểu dẫn, đều có thể lĩnh hội được cả, không đợi phải hỏi. Đến như những bài thuật hoài, khiển hứng khi rảnh việc đem ra xem, càng đủ chứng tỏ ‘Thơ là chổ đi tới của chí ‘. Đó cũng là một mối nhân duyên gặp gỡ vậy.
Ôi ! tiên sinh từ khi chiếm giải Hội nguyên đình thi khoa Tân Sửu (1721), đã hai lần phụng mệnh sang sứ phương Bắc, tiên sinh làm quan đến Hộ bộ Tả thị lang, giữ đạo chính, tuy bị kẻ hằn thù vu cáo mà bị tội, song lúc tiên sinh trở về vườn thì danh vọng lại càng trọng. Những kẻ hậu tiến hết thảy đều tôn kính tiên sinh. Cái điều hiển hách với đời, truyền bá về sau, há đâu phải chỉ riêng ở văn tự thôi đâu ! ”
Trước tiết Trùng dương hai ngày, tháng cuối thu, năm Mậu Tuất (1778) niên hiệu Càn Long, Hậu học Hồ Sĩ Đống, tự Long Phủ cúi đầu ghi ở trong thuyền khi qua Kim Lăng.
Trương Hán Chiêu một nhân sĩ Trung Quốc năm 1743 trong bài tựa đã viết :
« Mùa hạ năm Quý Hợi (1743) tôi qua nhà ngưòi bạn là Cao Uẩn Sơn được gặp sứ quân An Nam là Nguyễn Thư Hiên.. Ở trong thuyền cùng nhau đàm luận về thi ca. Sứ quân nhân hứng đưa ra một tập thơ Sứ Hoa tùng vịnh nhờ tôi đề tựa, tôi nhận lời viết…
Là người nho nhã, phong lưu, mũ cao, đai rộng, nghe ông ta nói lưu loát không cần phiên dịch, thân mật thấy đó là con người hòa nhã dễ gần. Thử hỏi về học vấn thì Bách gia chư tử không chổ nào không thông, ông là học sĩ am tường thư tịch, sự tích, đặt biệt giỏi về thơ ca. Những lúc công vụ rãnh rỗi, ông thường thích thú ngâm nga, ngày làm không biết bao bài thơ. . Thanh vận cách luật trong thơ đều học ở Đường thi nguồn tình thơ nhàn nhã, âm vận thơ cao nhã, độc đáo, đề cập đến những di tích nhân vật ngày xưa đều không cần tra hỏi, cảm hứng theo ngọn bút tuiôn ra, đủ thấy sự học uyên thâm của sứ quân vậy.»
Âu Dương Vương một nhân sĩ Trung Quốc khác viết :
« Tả cảnh thì công phu tuyệt diệu như họa, tả tình thì thật sâu kín. Thơ Thư Hiên cao nhã pjhóng khoáng như thơ Lý Bạch . »
Vương Văn Tường viết «  Tài văn chương và đức hạnh đều siêu trác. »
SỨ HOA TÙNG VỊNH
Sau đây tôi dịch năm bài thơ trong tập Sứ hoa tùng vịnh.
Bài thanh Sơn hoài cảnh, Nguyễn Tông Khuê viết khi qua phố Thanh Sơn còn có tên là Tuế Hoa. Xuất phát từ trạm Phù Lưu, buổi chiều qua phố Thanh Sơn, đường cái quan dài dằng dặc bóng chiều ngã dài. Gió mát khiến xui nghỉ ngợi, xe sứ tạm dừng. Nhân vật phồn hoa, (những kẻ danh tiếng thi nhân nơi đô hội) như núi xanh vẫn còn đó, tiếng ca tiếng kèn trong lâu đài vách phấn lại thêm ( những ca nhi, ả đào son phấn). Khói sương lơ thơ bay lồng trong cây núi. Bầy én liệng thung thăng (làm tổ) kề mái nhà thôn xóm. Mục đồng chẳng hề oán mùa thu gió lạnh. Vì gió thổi tát vào mặt nên cưỡi ngược, xoay lưng lại phía đầu trâu nâng sáo thổi trong ánh chiều tà.
NHỚ CẢNH THANH SƠN
Đường quan dằng dặc bóng chiều buông,
Gió mát xui xe sứ tạm dừng.
Nhân vật phồn hoa xanh núi biếc,
Lâu đài đàn hát vách thêm hương.
Khói hoa lơ lửng lồng cây núi,
Én liệng thung thăng cạnh mái thôn.
Mục tử chẳng nề thu gió lạnh,
Ngược lưng trâu thổi sáo hoàng hôn.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
THANH SƠN HOÀI CẢNH
Chu đạo nuy trì ảnh tiệm thư,
Vãn hương suy tứ yết chinh xa.
Phồn hoa nhân vật thanh sơn tại,
Ca quản lâu đài bích phấn dư.
Đạm đãng yên hoa lung lĩnh thụ,
Khinh doanh yến tử bạng thôn lư.
Ngưu đồng bất trục thu phong oán,
Đảo kỵ tà dương bả địch khư.
Bài Thái Thạch hoài Thanh Liên, làm nhân đi qua ghềnh Thái Thạch ở khúc sông Trường Giang (Dương Tử Giang) thuộc huyện Dương Đồ, vùng Giang Nam. Thanh Liên là biệt hiệu Lý Bạch, đại thi hào đời Đường quê làng Thanh Liên. Tục truyền Lý Bạch đi chơi trăng ở đây, ông mặc áo cẩm bào vua ban vì ông là khách nơi cung diện vàng nhà vua, uống rượu ngâm thơ vang lừng, lúc rượu say nhảy xuống sông để ôm mặt trăng (chết đuối), người đời thêu dệt huyền thoại rằng có con cá kình nổi lên. Lý Bạch cưỡi con cá kình đi về cõi tiên nơi thủy cung. Nơi đây nay còn đền thờ và đình Bắt Trăng (Tróc Nguyệt Đình) ở trên núi.
Nơi non xanh núi biếc một lá thuyền, Gửi lòng ngạo mạn (như Lý Bạch) trong trời đất lòng lâng lâng. Uống rượu như uống cạn sông trăng ngàn lớp sóng lấp lánh. Tiếng ngâm thơ như vang động đến sao trời suốt năm canh. Phi ngựa rũ bụi trần từ biệt khách điện vàng. Lý Bạch nói với quan huyện Phạm Dương rằng: “Trước mặt thiên tử còn để cho ta cưỡi ngựa, ở trong huyện Phạm Dương này lại không để ta cưỡi lừa ư ? “ Lý Bạch cưỡi cá kình về làm bạn say với tiên nữ chốn thủy cung. Ngưỡng mộ phong thái cao thượng của ngôi đình cổ Tróc Nguyệt đình trên đỉnh núi. Trời chiều mây trên sông ngăn những làn khói biếc.
THÁI THẠCH NHỚ THANH LIÊN
Non xanh nước biếc một thuyền con,
Lòng nhẹ lâng lâng ngạo nước non.
Uống cạn sông trăng ngàn lớp sóng,
Vọng ngâm sao sáng suốt đêm tròn.
Ngựa phi rủ bụi khách kim điện,
Cưỡi cá kình về tiên thủy cung.
Non cao ngóng cảnh ngôi đình cổ,
Chiều xuống sông mây sương khói buông.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
THÁI THẠCH HOÀI THANH LIÊN
Bích thủy thanh sơn nhất diệp thuyền,
Càn khôn ký ngạo tứ phiêu nhiên.
Ẩm tàn giang quốc thiên ba nguyệt,
Ngâm động tinh hà ngũ dạ thiên.
Tẩm mã trần phao kim điện khách,
Kỵ kình lữ túy bích cung tiên.
Cao phong cảnh ngưỡng sơn đình cổ,
Nhật mộ giang vân toả thúy yên.
Bài Tiêu Tương vãn diễu, Nguyễn Tông Khuê viết nhân đi qua sông Tiêu Tương. Tiết cuối xuân miền sông nước trong ánh chiều tà, từng làn khói ở các thôn xóm nghi ngút tỏa lên không. Mây giăng màn biếc, núi dường như muốn mưa; sóng cuộn vẩy cỏ xanh bờ như sắp nổi gió. Trời thấp gần, sương mù trùm tháp Hoài Tố. Tháp là một di tích bên sông Tiêu Tương mang tên một vị sư đời Đường, quê ở quận Trường Sa, viết chữ thảo rất đẹp. Đền thâm nghiêm cây che cung Vũ Hoàng, cung vua Vũ ngày xưa. Vài tiếng sáo dân chài trên chiếc thuyền con buổi chiều. Nước xa trời thẳm, ý nghĩa mênh mang vô cùng.
NGẮM CẢNH CHIỀU TRÊN SÔNG TIÊU TƯƠNG
Cuối xuân sông nước ánh chiều buông,
Làn khói thôn xa tỏa khoảng không.
Màn biếc mây giăng mưa núi thẳm,
Gợn xanh sóng cuộn gió bay nhanh.
Phủ trùm mây thấp, tháp Hoài Tố,
Che bóng cây cao cung Vũ Hoàng.
Tiếng sáo dân chài thuyền lẽ bóng,
Trời xa thăm thẳm ý khôn cùng.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt.
TIÊU TƯƠNG VÃN DIỄU
Giang quốc xuân dư tịch chiếu trung,
Thôn thôn yên lũ niểu tầng không.
Vân già thúy mạc sơn tương vũ,
Ba cổ thanh lân ngạn dục phong.
Thiên cận vụ lung Hoài Tố tháp,
Từ thâm thụ tỏa Vũ Hoàng không.
Sổ thanh ngư địch biên chu vãn,
Viễn thủy trường thiên tứ mạc cùng.
Bài Trường Sa vãn diễu. Bài thơ viết khi đi thuyền qua Trường Sa. Trăng mé Tây đã ngậm nửa vành. Ngồi dựa ghế bên song cửa sổ khoang thuyền say mê ngắm cảnh. Chân núi Hành ánh nắng đỏ chiều tà xóa nhòa vẻ biếc. Sóng sông Tiêu Tương sắc thu tàn rũa cả màu lam. Khói thuyền câu xa nối phía Bắc bầu trời trên hồ ; Lòng lữ khách lại đang phiêu diêu ở miền ngoài Lĩnh Nam  nơi quê nhà. Tiếng chuông trên thành dục ngàn non mau tối. Ngồi xem trăng non soi đầm lạnh.
NGẮM CẢNH CHIỀU Ở TRƯỜNG SA
Trăng mé hiên Tây ngậm nửa vành,
Bên song tựa ghế ngắm mơ màng.
Hành sơn bóng ráng nhòa sương biếc,
Tương thủy sóng thu phai vẻ lam.
Thuyền tỏa khói chân trời xứ Bắc,
Khách du lòng chạnh nhớ quê Nam.
Tiếng chuông thành dục ngàn mau tối,
Ngồi ngóng trăng soi lạnh nước đầm.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TRƯỜNG SA VÃN DIỄU
Thê thê tây nguyệt bán quy hàm,
Tỳ ỷ bồng song vọng chính hàm.
Hành lộc hà dư quang mạt thúy,
Tương ba thu tận sắc du lam.
Ngư yên dao tiếp hồ thiên bắc,
Khách tứ phiên tùy lĩnh biểu nam.
Thành thượng chung thôi thiên lĩnh mộ,
Tọa khan tân nguyệt chiếu hàn đàm.
Bài Giang Châu lữ thứ làm khi đi qua tỉnh Hà Bắc, huyện Giang Châu, xưa huyện lỵ đóng ở Võ Xương, nơi có bến Tầm Dương, nơi này Bạch Cư Dị từng làm thứ sử.
Ngày tháng mùa hè dài dằng dặc, Đậu thuyền bên bờ đê dưới bóng cây dương xanh. Thấy sông lồng mây thêm nhớ quê hương. Nghe ve kêu trên cây tỉnh giấc ngủ trưa. Sau mưa mai, buồm chạy về bến Bồn. Lúc bóng xế chiều tiếng còi bằng võ ốc thổi trên lầu canh. Nghe ca bên đình hóng gió mát trên gác là những việc tầm thường. Chỉ có đọc sách thánh hiền mới là thú hơn cả.
TRÚ Ở QUÁN KHÁCH GIANG CHÂU
Mùa hè đằng đẳng tháng ngày dài,
Thuyền đậu bờ đê xanh bóng cây.
Lồng bóng sông mây quê nước nhớ,
Vang cây ve tỉnh giấc nồng say.
Bến Bồn mưa tạnh thuyền xa đến,
Ốc thổi lầu canh xế bóng ngày,
Hóng mát ca đình là việc mọn,
Chẳng bằng đọc sách thánh hiền hay.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
GIANG CHÂU LỮ THỨ
Hoa nhật thư trường cửu hạ thiên,
Lục dương đê bạn hệ chinh truyền,
Giang hàm vân ảnh triền hương tứ,
Thụ náo thiên thanh giấc ngọ miên.
Bồn phố viễn phàm triêu vũ hậu,
Thú lâu cô giác tịch dương biên.
Ca đình lương tạ hồn nhàn sự,
Thặng hữu đồ thư lạc thánh hiền.
Tập Sứ hoa tùng vịnh đã được một nhà thơ sứ giả Triều Tiên đương thời Hoài Âm Lý Bân Thôn trong bài đề tựa ca tụng:
Mùa thu năm Quý Hợi (1743) tôi trọ ở Kim Lăng, con thuyền sứ giả An Nam bỗng lướt tới, nhân đó tôi được giao tiếp với vị Phó sứ Nguyễn tiên sinh Thư Hiên. Tiên sinh hoài bão cao cả như bậc đạo đức thời cổ. Khi giáp mặt bàn bạc, thấy tiên sinh đã sâu sắc lại hòa nhã, gặp tiên sinh như là được ngồi trong luồng gió xuân vậy ! Hồi lâu, tiên sinh bỏ ra cho xem tập Sứ Hoa tùng vịnh. Phàm những nơi sông núi trải qua, những điều tai nghe mắt thấy, nào tức cảnh, nào hoài cổ, nhất nhất đều thu vào thơ cả.
Tôi đọc hết thấy khí thế trong đó bàng bạc mênh mông như núi sập, đá tan, mưa gió sầm sập, sông suối vỡ bờ, nếu không đầy công tích, khí sao có thể được như vậy ?
Thơ của tiên sinh cách luật tề chỉnh, âm điệu cao siêu, nắn nót từng câu từng chữ, thảy đều theo đúng khuôn phép Thịnh Đường. Dẫu Trung Hoa có tiếng hay thơ cũng không hơn thế được.
… Tiên sinh lại đưa cho coi cuốn Sứ Hoa tùng vịnh hậu tập lối viết đằng tả. Đó là tập thơ viết tiếp tục sau khi về nước. Trước tôi chưa được xem, nay đón coi thì thấy luật điệu của thơ càng tinh tế, ý cảnh của thơ thì càng điêu luyện, phảng phất như thơ ở đời Đại Lịch (766- 769) và Nguyên Hòa (806-820), mà tuyệt nhiên không thấy chổ nào rập theo khuôn mẫu cổ. Đó chẳng những là nêu cao ngọn cờ trên thi đàn nước An Nam, và nếu sau đây, thánh thiên tử có đi thâu thái phong tục bốn phương, thì tập thơ của tiên sinh cũng có thể làm tăng thêm vẻ sáng đẹp cho thượng quốc nữa.”
Cuối tháng trọng thu năm Mậu Thìn (1748) Niên hiệu Càn Long.Hoài Âm Lý Bán thôn cẩn đề.
Có 5 bài thơ xướng họa với sứ thần Triều Tiên Lý Hiệu Lý, Mộ Tự Gia; Sứ thần Triều Tiên viết:
Quân tại tê Nam, ngã hải Đông,
Tương khan mạch mạch điểm tê thông.
Tuy kim ngôn ngữ chư phương dị,
Tòng cổ y quan tương địa đồng
dịch thơ
Anh ở núi Nam tôi biển Đông,
Xa nhau địa mạch vẫn tương thồng.
Nói năng hai nước tuy có khác,
Áo mũ đôi nơi vẫn mặc đồng.

SỨ TRÌNH TÂN TRUYệN
Sứ trình Tân truyện, là một kiệt tác kể hành trình đi sứ bằng 670 câu lục bát và 8 bài thơ Đường luật chữ Nôm. Viết theo hành trình đi sứ kể những điều mắt thấy tai nghe trên đường đi qua các tháng cảnh từ Thăng Long đến Yên Kinh. Năm 2009 để nghiên cứu hành trình đi sứ của Nguyễn Du tôi có đi Trung Quốc, qua những địa điểm thắng cảnh ngày xưa các cụ đã đi qua. Điều thú vị khi đọc các tập thơ người xưa viết trên đường đi sứ từ: Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm, Ngô Thời Vị, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Kiều .. so sánh từng thắng cảnh tâm sự mỗi người đề thơ khác nhau: Ví dụ khi đi qua Trấn Nam Quan, hành trình đi thuyền trong đêm, Đề miếu Tam Liệt, Ngắm cảnh trên sông Tiêu Tương, Hoàng Hạc Lâu, qua cảnh ở Trường Sa, qua quê hương Lý Bạch, Đỗ Phủ..
Trước Hoàng Hạc Lâu chúng ta có hàng trăm bài thơ, các nhà đi sứ Việt Nam khác nhau. Nhưng kể lại toàn bộ hành trình bằng thơ lục bát thì thật là hiếm có. Đi sứ là một đề tài thú vị trong thi ca cổ điển nước ta. Trong bài này tôi chỉ trích một đoạn đường đi từ Thăng Long đến Ải Nam Quan.
Đi sứ ngày xưa còn gọi là Hoàng Hoa, hay sứ Hoa. Sứ đoàn trung bình trên 20 người, sứ đoàn đông nhất thời Tây Sơn năm 1790 do Phan Huy Ích làm Chánh Sứ gồm 150 người có cả hai con voi làm cống phẩm, và một ban hát bội Bình Định. Đoàn sứ Nguyễn Du năm 1813, gồm 27 người. Lệ cống cứ 3 năm một lần, không kể việc vua băng hà, vua lên ngôi, mừng khánh thọ, mừng lễ truyền ngôi ở Trung Quốc. Đồ cống phẩm gồm 200 lượng vàng, 1000 lượng bạc, lụa và cấp mỗi thứ 100 cây, hai bộ sừng tê giác, 100 cân ngà voi, 100 cân quế. Thời Nguyễn đi từ Phú Xuân đến Thạch đình sông Vị Hoàng bằng thuyền, sau đó đi ngựa xe, qua mỗi nơi có bàn hương án, cờ lộng, quan lại địa phương tiếp rước lính tráng hộ tống linh đình, trạm nghỉ chân dọc đường ban đêm tại các trấn cho đến Ải Nam Quan. Đến ải, quan địa phương Trung Quốc mở cửa tiếp rước, tế lễ các phẩm vật, từ Nam Quan đến Bắc Kinh có đoạn đi đường bộ, có đoạn bằng thuyền, do các quan địa phương lo liệu ăn uống, vật chất, trạm nghỉ và lính hộ tống. Từ phía Bắc Quế Lâm theo con kinh Đại Vận Hà đi qua các sông, các hồ lớn như Động Đình Hồ, các trạm nghỉ trên sông hồ đèn đuốc sáng rực cả trăng sao, sau yến tiệc còn có các ca nhi múa hát. Mở đầu Sứ Hoa tân truyện Nguyễn Tông Khuê viết về cuộc đi sứ năm 1742 với Tiến sĩ Nguyễn Kiều chồng Đoàn Thị Điểm làm Chánh Sứ:
Cảnh Hưng rồng dậy thứ ba,      1
Tháng thu ngày tám, sứ Hoa khởi trình.
Tiển đưa tiệc mở giang đình,
Nam nhi phơi phới, nhẹ mình bước ra.
Ngang thuyền qua bến Nhĩ Hà,
Tạm dừng vó ký đấy là Điêu Diêu. 6
Trông về vời vợi đền Nghiêu,
Tai còn mường tượng tiêu thiều tiếng vang.
Quan sơn muôn dậm đường trường.
Gió thu hây hẩy bước càng mau chân. 10
Niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) năm thứ ba (1743), tháng thu (tháng 8) ngày 8 âm lịch, đoàn sứ khởi hành, tiệc tiễn đưa ở đình bên sông Hồng, thân trai nhận lãnh sứ mệnh hớn hở bước lên đường, đi thuyền qua bên kia sông Nhĩ Hà, trạm dừng đầu tiên là Gia Lâm nghỉ lại đêm.. Trông về cung điện nơi có vị vua Trung Quốc sáng suốt như vua Nghiêu, tai còn mường tượng tiếng nhạc lễ thời thái bình. Phải vượt qua khoảng 5000km đương trường núi non hiểm trở, gió thu hây hẩy mát càng mau bước chân.
Dồn chen điếm khách nhà dân,
Chợ rau dịch ấy có phần xôn xao.     12
Sông Cầu cảnh cũ bước vào,
Non kia nước nọ han chào líu lo.
Dặm bài đường vắng như tờ.     15
Rườm rà khóm trúc, phất phơ bóng hòe.
Xe thiều thuở hé rèm the,
Ruộng thu vàng rượi mây che đòi ngàn.
Mảng vui cảnh vật giang san.
Thọ Xương ngựa đã gác yên vào chờ.     20
Nhà khách dành cho đoàn sứ nằm giữa nhà dân, chợ bán rau cải vui nhộn đông đúc , tiếng ồn ào xôn xao. Đi đến Sông Cầu nơi đã từng qua, gặp các quan địa phương đón chào vui vẻ líu lo. Đoàn sứ cờ xí, lại tiếp tục đi trên đường cái quan vắng lặng, dọc đường những khóm trúc um tùm, những cây hòe phất phơ. Từ trong xe sứ hé rèm nhìn ra, ruộng mùa thu chín vàng, mây che đồi non xa xa. Mảng vui cảnh vật nước non đã đến huyện Thọ Xương quan lại, lính tráng đang đứng chờ.
Nhà thôn lều chợ khói thưa,
Bạc in muôn khóm thành xưa mây về.
Tuần vôi nồng nả chỉn ghê,
Ruổi vào Yên Thịnh bốn bề trăng soi.
Trời đông mưa dặt nắng dồi,
Đã qua suối Cát lại nơi bãi Triềng.
Canh ba mới dứt tiếng chiêng,
Một gian chuông ấy bằng riêng nghìn nhà.
Đầu non bóng dãi thà la,
Đến sông Giang Hóa cảnh đà thanh thay. 30
Nhà nơi thôn quê, lều chợ khói bếp thưa thớt bay lên, Mây bạc từng khóm nhỏ bay trên thành xưa. Đoàn sứ đừng chân uống nước ăn trầu vôi nhanh chóng. Khi vào đến Yên Thịnh thì trăng đã lên cao. Trời sắp vào đông khi mưa, khi nắng, đoàn sứ đi qua suối cát, đi qua bãi Triềng. Canh ba đoàn sứ mới dừng lại dứt tiếng chiêng để yên nghỉ. ở trong một căn nhà rong to rộng bằng nghìn chòi nhỏ. Thức dậy bóng nắng đã lên đầu núi chan hòa, đến sông Giang Hóa cảnh vật thật thanh lịch đẹp đẽ.
Tiếng chim pha rộn tiếng cây,
Cùng ai cầm suối thày lay lại đàn.
Mới hay sương tuyết gian nan,
Đã tranh có núi, lại màn có mây.
Quỷ môn cẩu khí thiêng thay,
Nhơn nhơn cõi Bắc đến rày còn kinh.
Núi che chần chẫn bích thành,
Một bầu thiên hiểm trời dành cõi ta.
Gió đưa núi rước dần dà,
Kheo con, Kheo Nạ sẩy đà tới nơi.   40
Tiếng chim kêu rộn rả trên cây. Tiếng suối róc rách dai dẳng chảy mãi cùng ai như tiếng đàn. Mới hay cảnh sương tuyết đi đến gian nan, có tranh sơn thủy là núi, có màn trướng là mây. Đến Quỷ Môn quan nơi Liễu Thăng bị vua Lê Lợi chém đầu khí còn thiêng, nơi đây nổi tiếng “mười người đi qua xâm lược nước Nam chỉ có một người về”, người phương Bắc còn kinh hải. Đây là bức tường thành che chắn sông núi hiểm trở trời dành cho ta. Gió đưa núi rước dân dà đến Đèo Con, Đèo Mẹ hay Khâu Con, Khâu Nạ, tức Tử Sơn, Mẫu Sơn ở Lạng Sơn ngày nay.
Ngửa trông gang tấc gần trời,
Thang mây lần bước ngất vời nửa mây.
Những mơ nước tỉnh non say,
Đình phô ngựa đã ruổi ngay Lạng Thành.
Phong quan vốn có hữu tình,
Chợ vây lầu mái, thú dành lầu cao.
Nửa kinh nửa chợ xôn xao.
Giăng vang ong yến, dập dìu ngựa xe. Kìa đâu gấm lại tứ bề,
Trời xây núi ngọc, mây che động trời.                    50
Đường lên núi trông gang tấc như gần trời, như bước lên thang cao ngần đến nửa mây. Còn đang mơ tỉnh cảnh non nước ngựa đã đến thành Lạng Sơn, còn gọi là Đoàn Thành (thành tròn). Cảnh quan thật hữu tình. Chợ có mái lầu, tháp lầu cao dành cho lính thú.. Người buôn bán phân nửa là người Việt, phân nửa là các dân tộc, văn vẳng lời tán tỉnh yêu đương, xe ngựa dập dìu. Cảnh sắc như gấm vóc bốn bề,thơọ trời xây núi ngọc, mây che động Tam Thanh.
Đá sao nước rỉ đời đời,
Vốc hòa lại có chẳng vơi chẳng đầy.
Một phương lưu loát đòi ngay,
Trần ai chẳng bám thực này giếng tiên.
Khen lòng Tô Thị đá bền,
Ngàn năm mặt Bắc trông miền ải quan.
Xưa nay mấy kẻ hồng nhan,
Sớm trưa tối gió mấy gan thờ chồng.
Non xanh, nước biếc mây lồng,
Tam Thanh một động gồm cùng hòa ba.   60
Trong động nước rỉ mãi đời đời, vốc tay uống thì nước không vơi lại đầy lại ngay. Hỏi người tại đó thì đây là giếng tiên. Khen thay lòng nàng Tô Thị ôm con chờ chồng bền vững, ngàn năm ở phía Bắc trông ra miền biên ải, xưa nay mấy kẻ phận hồng nhan, gió mưa sớm tối, cùng gan dạ thờ chồng. Non xanh nước biếc, mây bay lồng . Tam Thanh có ba động kề nhau.
Ngọc đông nên cảnh chiền già.
Hương lừng mùi quế, bóng lòa màu đan.
Bồ lao om núi kêu ran,
Sương sơ một tiếng rũ tan mọi miền.
Kỳ Lừa cây rợp bóng êm,
Cửa the nhà gấm vây thêm tứ bề.
Khách thương buôn bán đi về,
Cửa thông hai nước chợ lề sáu phiên.
Dịch mai xẩy thấy tin truyền.
Cuối đông mồng bảy sứ liền quá quan.
Trong động ngọc ấy có ngôi chùa, mùi trầm hương thơm lừng, bóng cột, kèo sơn màu đỏ chói lòa. Tiếng chuông nhà chùa ( đầu chuông có quai hình con bồ lao) vang vang núi rừng, tiếng chuông như rủ tan niềm trần tục. Phố chợ Kỳ Lừa cây rợp êm bóng, bốn bề là cửa màn the, nhà đẹp như gấm bốn bề. Khánh thương buôn bán đi đi, về về. Đây là cửa thông hai nước mỗi tháng có 6 phiên chợ. Ở quán dịch thành Lạng Sơn chờ đợi. Mồng bảy tháng chạp mới mở cửa chính cho đoàn sứ đi qua.
Tiếng người tiếng súng dậy ran,
Kẻ về Kinh quốc, kẻ sang Yên đài.
Đã hay mến cảnh nhớ người,
Quân thân hai chữ một vai đã quằn.
Tôi người đâu ngại nhọc nhằn,
Song nghi cố quốc khôn ngăn được lòng.
QUÁ QUAN TỰ THUẬT (Tự thuật khi qua cửa quan)
Hai chữ quân thân, gánh nặng quằn,
Song nghi cố quốc dạ khôn ngăn.
Dời chân ải Bắc đường muôn dặm,
Ngoảnh mặt trời Nam cửa chín lần.
Dắng khúc Ly câu thêm thắc mắc,
Ngâm thơ Tứ mẫu lại dồn chân.
Lạ người lạ cảnh mà dằn vậy,
Miễn báo nhà vàng mỗ chút phân.

Chinh phu dóng dã đã xong,
Xe xe ngựa ngựa ruổi dong lên đàng.
Bên trời ác đã ban vàng,
Lạ người lạ cảnh bước càng dừng chân . 80
Theo Ngô Thời Vị năm 1807: “ Trấn Nam là cửa ải địa đầu địa giới tỉnh Quang Tây. Cửa một tầng, xây bằng những phiến đá. Hai bên tả hữu có hai ngọn núi đối nhau. Ở trên mỗi ngọn núi có cắm một lá cờ trắng đề bốn chữ “Trấn Nam đại quan “ . Đằng trước cửa giáp với đài Ngưỡng Đức của nước ta, đằng sau cửa có một đồi tức là Đài Chiêu Đức, nơi sứ giả đốt hương bày đồ cống. Cửa ải chỉ mở vào những ngày hội đồng giao tế. Khi mở đầu tiên nổ ba phát súng, rồi viên quan coi cửa cầm cờ vàng mở khóa. Trong cửa bọn thơ lại và lính tráng giao gậy vào nhau, ngăn lính kỵ mã theo sau, bắt dừng lại đợi sứ bộ tiến qua; cuối cùng họ quay lại đóng cửa.
Cửa ải dựng lên chẳng qua là để chia rõ trong ngoài, phân biệt bờ cõi mà thôi. Lính ít, canh gác lơi là, chẳng có phòng bị gì cả. Cửa Hàm Cốc đời Tần, cửa Ngọc Môn đời Hán cũngkhông đến nổi sơ sài như thế. “ (Ngô Văn gia phái. Hà Sơn Bình 1980, tr 182.)
Sau khi bắn ba phát súng, đoàn sứ từ giả quê hương lên đường đi Yên Kinh (Bắc Kinh), lòng bồi hồi thương nhớ quyến luyến quê hương, nhưng vì nghĩa vụ làm bề tôi vì nhiệm vụ vua chúa giao phó nên phải ra đi. Bài thơ chữ Hán Tự thuật khi qua ải Nam Quan viết: Vì nghĩa vụ là bầy tôi nhà vua cho nên phải gánh nặng trách nhiệm, nhưng lòng nhớ quê không ngăn dòng lệ. Dời chân đi sứ qua cửa Bắc đi 5000 km. Ngoảnh mặt lại trời Nam ngưỡng trông lên chín bệ rồng nhà vua. Nghe khúc Ly câu trong Kinh Lễ khi tiễn khách người ta hay hát bài này lòng thêm thắc mắc. Ngâm bài thơ Tứ Mẫu trong Tiễu nhã Kinh Thi, nói về lòng nhớ thưong cha mẹ lòng càng áy náy, băn khoăn mà vẫn phải đi, xông pha vì sứ mệnh nhà vua. Dù có lạ người lạ cảnh cũng đành vậy, miễn là báo đáp được ơn vua một phần nào .
Ra khỏi ải quan, bây giờ trở thành người chinh phu, cùng đoàn ngựa xe mang theo phẩm vật triều cống, đi suốt ban ngày đến chiều tối mới dừng chân, dọc đường lạ người, lạ phong cảnh khi dừng chân.
Sứ trình tân truyện là một tác phẩm cần thiết để đọc khi nghiên cứu về Bắc Hành Tạp Lục của Nguyễn Du. Nó cho chúng ta biết con đường đi, từng trạm dừng chân, phong tục tập quán từng vùng đi qua, nơi dừng chân các di tích đền đài, chùa chiền, thắng cảnh, nơi lưu dấu từng nhân vật lịch sử hay nhà thơ, chúng ta sẽ có dịp so sánh khi nghiên cứu hàng ngàn bài thơ đi sứ của các danh nhân nước ta..
Nguyễn Tông Khuê mất ngày 4 tháng 3 năm Đinh Hợi (1767)
Nhà thờ Nguyễn Tông Khuê hiện nay ở Xóm Dinh, làng Sâm, xã Hòa Trân, huyện Hưng Hà, Tỉnh Thái Bình. Năm 1993 Kỷ niệm 300 ngày sinh, Sở Văn Hóa, Viện Hán Nôm và Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội có làm hội thảo cấp quốc gia tại huyện Hưng Hà.
Nguyễn Tông Khuê, một nhà thơ lớn nước ta, thơ như châu ngọc, như gấm thêu, lại là thầy của Bảng Nhản Lê Quý Đôn. Sinh thời tiếng tăm vang dội, chưa bao giờ thấy một nhà thơ, sứ thần Việt Nam nào ngày xưa được các danh sĩ Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam ca tụng như vậy, Nguyễn Tông Khuê là bậc thầy phục hưng thi ca. Ngô Thời Sĩ từng đánh giá: “lừng tiếng thơ hay khắp cõi”. Phan Huy Chú khen: “điêu luyện mới mẻ và đáng ưa “. Nguyễn Án viết trong Tang thương ngẫu lục: “Đến nay trải hơn 50 năm người trong nước vẫn còn truyền tụng.” Lê Quý Đôn viết về bậc thầy mình: “Trình bày công việc vừa lịch duyệt, vừa vui tươi, có phần làm mạnh được quốc thể.” thế mà ngày nay gần như bị chìm vào quên lãng, con cháu không còn biết nhiều thi ca đến thật là đáng tiếc. Mong rằng tác phẩm Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sĩ Đống được Viện Hán Nôm lưu ý công bố toàn bộ tác phẩm, công bố nguyên tác và dịch sơ sài cũng được, để những người tha thiết đến di sản văn chương cha ông khắp bốn phương trời có thể đọc, dịch thơ, nghiên cứu góp phần làm đẹp di sản văn hóa cha ông.
Paris 10-12-2014
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V; Sorbonne
phamtrongchanh@free.fr
Tài liệu tham khảo:
Phạm Đình Hổ. Vũ Trung Tùy Bút Bản dịch Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Đông Nam Á Paris. 1985 in lại từ bản nxb Văn Học 1972.
Phạm Đình Hổ, Nguyẽn Án. Tang thương ngẫu lục. quyển nhì. Bộ Giáo Dục Xuất bản Sàigon 1970 tr 155, 156
Tinh tuyển Văn Học Việt Nam. tập 5 quyển I. Văn Học thế kỷ XVI I I. PGS Nguyễn Thạch Giang chủ biên. Nxb Khoa Học Xã Hội. Hà Nội 2004.
Nguyễn Q Thắng – Nguyễn Bá Thế. Tự Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam nxb Văn Hóa 1999. In lần thứ năm.
Tồn Am Bùi Huy Bích. Hoàng Việt Thi tuyển. nxb Văn Học Hà Nội. 2007.
Bùi Duy Tâm; Nguyễn Tông Quai: Sứ thần, Thi sĩ. Tạp chí Hán Nôm số 2 (81) 2007, tr 3-10
Ngô Văn gia phái. Ty Văn Hóa Hà Sơn Bình, 1980

http://khoahocnet.com/2014/12/17/ts-pham-trong-chanh-nguyen-tong-khue-bac-thay-thi-ca-doi-le-trung-hung/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.