Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/01/2016

Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945


Giới thiệu sách của Nxb Hà Nội.

---

Thứ sáu, 27/03/2015 04:06

Cuốn sách“Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ và cộng sự được biên soạn công phu theo phương pháp thực chứng và đa diện với hơn 1000 trang bản thảo biên soạn, biên dịch trung thực với nguồn tư liệu gốc, khắc hoạ các mặt đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội của đô thị cổ Hà Nội.
 
Từ thế kỷ XVI – XVII trở đi, dưới thời chính quyền Lê - Trịnh và sau đó là thời Nguyễn, Thăng Long là nơi đón tiếp các sứ đoàn, thương nhân các nước châu Á, châu Âu. Với khoảng 350 năm đó, nhiều nhà thám hiểm, truyền giáo và thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… đã trực tiếp đến Thăng Long – Đàng Ngoài để truyền giáo, thực hiện các sứ mệnh ngoại giao hay tiến hành các thương vụ. Từ nửa sau thế XIX đến năm 1945, thay vì mối quan hệ đa phương, Pháp đã đánh chiếm Bắc Kỳ, chiếm Thăng Long, lập nên Hà Nội và trực tiếp cai quản đô thị này. Để phục vụ cho chính sách quản lý, cai trị, nô dịch, giới chức Pháp đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu. Trong quá trình đó, nhiều ghi chép, mô tả, nghiên cứu của giới chức quản lý và các nhà khoa học Pháp cũng đã được nghiên cứu thực hiện. Trong giai đoạn I của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cùng các cộng sự đã biên dịch cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây”, cuốn sách được độc giả đánh giá cao về chất lượng bản dịch và nguồn tư liệu hỗ trợ nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội từ nguồn tư liệu phương Tây có giá trị khoa học. Cuốn sách lần này là sự phát triển mở rộng, tiếp nối cuốn sách trước, nhưng vẫn mang tính chất là một công trình độc lập riêng biệt. Như vậy là, những khác biệt về nguồn tư liệu giữa hai thời kỳ lịch sử của người phương Tây về Thăng Long – Hà Nội cũng như tính chất và nội dung các nguồn tư liệu mà người phương Tây nói chung, người Pháp nói riêng đã để lại ở Việt Nam cũng như trong các kho lưu trữ ở nước ngoài. Trong những công trình đó, có nhiều công trình khảo cứu, số liệu điều tra về Thăng Long – Hà Nội là rất cơ bản, có giá trị tham khảo quan trọng đối với nhiều lĩnh vực chuyên môn, quản lý của chúng ta ngày nay. Vì lẽ đó, bản thảo công trình “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
 
Trong nhiều năm gần đây, đã có nhiều công trình nghiên cứu sử dụng nguồn tư liệu phương Tây nhưng những tư liệu mang tính chuyên đề, chuyên sâu và những văn kiện chính thức của nhà nước như nguồn tư liệu của chính quyền Pháp vẫn chưa được nghiên cứu, giới thiệu một cách hệ thống. Vì thế, cuốn sách lần này của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chắc chắn có đóng góp ý nghĩa để bổ khuyết nhiều thông tin quan trọng cho công tác nghiên cứu và quản lý đô thị cũng như phát triển ngành đô thị học ở Việt Nam và lấp đi một khoảng trống trong nhận thức của chúng ta về Thăng Long – Hà Nội trước những biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc. Với nguồn tư liệu ở đây, có thể thấy hầu hết là những tư liệu đã được biết đến phần nào qua Tuyển tập tư liệu phương Tây đã được nhóm dịch giả này biên khảo, dịch, hiệu chú và được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, ở bản thảo lần này là sự bổ khuyết đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về quá khứ xa xưa của một Thăng Long – Hà Nội với 1000 năm văn hiến cũng như về lịch sử ở Đàng Ngoài, Bắc Kỳ thời trước 1945. Với gần 30 tư liệu, tài liệu là những chương sách (của Bissachère. C. Gosselin), tập ký sự (Marini), bản mô tả, khảo tả (Dampier, A.de Rhodes), hay là những nghị định (Nghị định thành lập phái bộ Khảo cổ thường trực Đông Dương) để biên soạn thành bản thảo với hơn 1000 trang. Kết cấu bản thảo khoa học, hợp lý gồm 3 phần chính: Tổng luậnPhần 1. Thăng Long – Hà Nội trước 1884: gồm 6 đầu tài liệu dịch với gần 300 trang (trong tư liệu này có tư liệu dịch dài tới 153 trang như “Tên gọi Tunkin và các xứ khác nằm dưới quyền cai trị của Hoàng đế Tunkin” cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý trên nhiều phương diện: tên gọi Tunkin, địa lý, khí tượng, địa chất, nhân chủng, dân số, động vật, sản vật từ đất đai và trồng trọt, ngư nghiệp và vận tải đường thuỷ, các ngành thủ công kỹ nghệ, nghệ thuật (âm nhạc, khoa diễn xướng, hội hoạ, tranh khắc và điêu khắc, nghệ thuật múa, kiến trúc), thương mại (nội thương, ngoại thương), thức ăn, quần áo, nhà ở, phép trị nước và chính quyền, tư pháp, tài chính, quận đội, tôn giáo, phong tục, tục lệ (lễ tang, việc để tang, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, trò chơi), khoa học, văn chương. Phần 2. Hà Nội sau 1884: Thời Pháp thuộc gồm 16 đầu tài liệu dịch với khoảng gần 700 trang. Đây là những tư liệu gốc phần lớn là những văn bản pháp quy và những văn kiện chính trị - hành cính của các cấp chính quyền tương đương, ngoài ra còn có một số chuyên đề và sách nghiên cứu của một số quan chức, học giả người Pháp và người Việt. Không gian tư liệu không chỉ là miền Bắc Việt Nam mà tập trung vào đô thị - thành phố Hà Nội, mà cốt lõi là phố phường nội thành Hà Nội rồi mở rộng ra cả vùng Hà Nội mở rộng ngày nay, bao gồm Hà Đông và Sơn Tây cũ. Điều chúng ta thấy rõ là chủ biên đã tránh trùng lặp tư liệu đã được tuyển dịch trong cuốn sách đã xuất bản trước đó năm 2010. Nội dung tư liệu được chọn lọc kỹ, giới thiệu tư liệu nhằm đảm bảo tính toàn diện trên các nguyên tắc: toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá; toàn diện, cân đối giữa các thời kỳ lịch sử; toàn diện giữa các nguồn tư liệu chính thức và không chính thức (những nguồn tư liệu của nhóm, cá nhân); toàn diện về các giai tầng xã hội. Hơn nữa, trong bản thảo này chủ biên đã tiết chế cân đối tư liệu biên dịch của các lĩnh vực khác nhau: quy hoạch và quản lý đô thị, tổ chức chính trị - hành chính, kinh tế, xã hội, văn hoá – giáo dục và các giai đoạn của thời thuộc Pháp.
 
Với những gì mà cuốn sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên mang lại về phương diện tư liệu, đây sẽ là cuốn sách có giá trị tham khảo và trích dẫn quý phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội nhất là về đô thị cổ Hà Nội trước năm 1945. Bản thảo cuốn sách được giới khoa học đánh giá cao và được Hội đồng nghiệm thu thông qua ngày 26/3/2015, chủ biên đang hoàn chỉnh bản thảo để Nhà xuất bản Hà Nội biên tập, xuất bản theo đúng tiến độ đã đề ra. Cuốn sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945”sẽ sớm ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Trân trọng mời độc giả đón đọc!
 
 
Trần Khánh Thi
 
Nhà xuất bản Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.