Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/12/2015

Báo cáo của anh Châu về 5 năm viện toán cao cấp

Cuối báo cáo, anh Châu viết:



"Với cương vị giám đốc khoa học của VNCCCT, tôi xin bày tỏ sự biết ơn đối với sự tin tưởng và hỗ trợ bền bỉ và mạnh mẽ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ giáo dục vào đào tạo, của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, và các Bộ liên quan đã dành cho Viện. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, của Bộ giáo dục và đào tạo và các Bộ liên quan trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình trọng điểm, để Viện hoàn thành hết vai trò của mình trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, cơ bản và ứng dụng, về số lượng và đặc biệt về chất lượng, cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy toán học, từ chuyên toán đến đạo tạo tiến sĩ."

Toàn văn lấy về từ blog NBC.

---


Năm năm sau ngày thành lập

Ngày 17/8/2010, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thay mặt Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020. Ngày 23/12 cùng năm, ông lại thay mặt chính phủ ký quyết định thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về toán, là đơn vị hạt nhân triển khai Chương trình trọng điểm.

Viện NCCCT được thiết kế theo một mô hình hoàn toàn mới lạ ở Việt Nam. Ngay từ khi thành lập, Viện đã được hưởng những ưu đãi đặc biệt của Chính phủ, cả trong việc phân bổ ngân sách và trong cho phép một cơ chế hành chính thông thoáng, gọn nhẹ. Đây chính là sự thể hiện của kỳ vọng lớn mà chính phủ đặt vào vai trò của VNCCCT trong việc tạo nên một sức bật cho toán học Việt nam. Đây cũng là kỳ vọng chung của cộng đồng toán học Việt Nam.

Sau năm năm tồn tại, Viện đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc học, dạy và nghiên cứu toán ở Việt Nam; được cộng đồng toán học ở trong và ngoài nước công nhận. Ở nửa chặng đường của chương trình trọng điểm, VNCCCT đã có một số thành tựu, đã hiện thực được một phần kỳ vọng lớn mà Chính phủ và Cộng đồng toán học vào vai trò của nó. Trong bản báo cáo này, tôi xin phép điểm những việc mà Viện đã làm được trong thời gian qua, và cả những việc mà Viện cần làm ở nửa chặng đường sau.

Trên bình diện nghiên cứu cơ bản: VNCCCT đã tập trung hỗ trợ những nhóm nghiên cứu ở những chủ đề mạnh truyền thống ở Việt Nam, và ưu tiên cho sự hình thành một số nhóm mới.

Các hướng nghiên cứu mạnh truyền thống ở Việt nam là: Tối ưu, Giải tích phức, Đại số giao hoán, topo đại số, số học … Viện đã đón tiếp các nhóm nghiên cứu ở các chuyên ngành kể trên nhiều hơn một lần. Với điều kiện nghiên cứu tập trung ở VNCCCT, các nhóm nghiên cứu đã có điều kiện củng cố hợp tác trong nước và quốc tế, cải thiện đáng kể công bố khoa học. Số lượng công bố khoa học được đăng ký như công trình hoàn thành ở VNCCCT cũng như số lượng bố khoa học ngành toán trong phạm vi cả nước đã tăng gấp đôi trong năm năm gần đây.

Các hướng nghiên cứu chưa mạnh ở VN, nhưng có cơ hội để phát triển là: lý thuyết biểu diễn, tổ hợp xác suất, phương trình đạo hàm riêng và phương trình vật lý toán, hình học vi phân và giải tích trên đa tạp … Ở những lĩnh vực này có những nhà toán học Việt nam rất có uy tín đang làm việc ở nước ngoài như các anh Phạm Hữu Tiệp (Arizona), Vũ Hà Văn (Yale), Dương Hồng Phong (Columbia), đặc biệt bên phương trình, có một nhóm trẻ hơn là các anh Nguyễn Hoài Minh (Zurich), Trần Vĩnh Hưng (Madison), Nguyễn Lực (Oxford) … Những nhóm làm việc ở Việt Nam theo các hướng này còn đang manh nha, trong thời gian Viện sẽ ưu tiên hơn nữa để các anh kể trên về Việt Nam làm việc thường xuyên hơn, có nhiều hơn cơ hội, thời gian để tương tác với sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam. Viện đã thiết kế một chức danh mới là Associate members dành cho những nhà toán học rất có uy tín như các anh Phạm Hữu Tiệp, Vũ Hà Văn, với kỳ vọng các anh sẽ đến Viện làm việc thường xuyên và xây dựng trường phái toán học của các anh ở Việt Nam.
Trên bình diện nghiên cứu ứng dụng trong đó có cả ứng dụng của toán học vào thực tế và vào các ngành khoa học khác, Viện đã hết sức nỗ lực. Tuy vậy, bên cạnh một vài thành tựu đáng khích lệ, nhiều dự định còn đang phôi thai hoặc hãy còn đang dang dở.
Viện đã hỗ trợ để các anh Hồ Tú Bảo và Nguyễn Xuân Long tổ chức hai trường hè về thống kê  và học máy rất thành công. Thống kê và học máy là một hướng toán học ứng dụng rất nóng, với nhiều ứng dụng quan trọng vào khoa học thông tin và trí tuệ nhân tạo thông qua xử lý các hệ thống dữ liệu lớn. Mặt khác, số các chuyên gia ở VN trong lĩnh vực này còn rất hạn chế.  Vì hai lý do kể trên nên trường hè về thống kê và học máy tổ chức ở VNCCCT đã đáp ứng được một nhu cầu rất cấp thiết, và được hưởng ứng rất tích cực (trên dưới 100 học viên). Các anh Hồ Tú Bảo và Nguyễn Xuân Long cũng đã có cam kết gắn bó lâu dài với công việc của Viện thông qua chức danh Associate Member. Cũng trong lĩnh vực thống kê, nhờ vào hợp tác chặt chẽ với Pháp, trong năm 2015, một nhóm các nhà toán thống kê học của Pháp đã sang giảng nhiều chuỗi bài giảng khá có bản về chuyên ngành này ở Viện. Tuy nhiên có lẽ vì ngôn ngữ vẫn còn là rào cản, các khoá học do các giáo sư Pháp đảm nhiệm, tuy basic và cụ thể hơn nhưng ít được hưởng ứng hơn (~ 20 học viên) so với trường hè về học máy, tuy rằng nội dung trường hè phần nào trừu tượng hơn.
Hè 2014, Viện đã tổ chức một trường hè và giai đoạn nghiên cứu tập trung với chủ đề là ứng dụng của toán học trong cơ học, với sự tham gia là một nhóm các nhà cơ học Pháp, hợp tác với những người nghiên cứu cơ học ở Việt Nam. Trường hè Cơ học 2014 được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng cơ học Việt nam. Tuy vậy, dường như chúng tôi không cảm nhận được hiệu quả rõ nét của chương trình trong việc đẩy mạnh nghiên cứu Cơ học ở Việt Nam. VNCCCT luôn mở cửa cho những hoạt động nghiên cứu liên ngành, nhưng chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm từ những khó khăn của nghiên cứu liên ngành ở VN.
VNCCCT đã rất nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trực tiếp vào thực tế. Tuy yêu cầu là vô cùng lớn, khó khăn thực tế còn lớn hơn nhiều, cho nên những thành công của Viện còn khiêm tốn.
Viện đã phối hợp với Viện nghiên cứu Viettel trong việc thống nhất các dữ liệu radar để xác định quỹ đạo máy bay địch. Tuy chưa đạt được độ chính xác ở tiêu chuẩn của các nước với nền công nghệ tiên tiến, đề tài nghiên cứu này đã góp phần cải thiện đáng kể độ chính xác vốn có.
Viện đã bắt đầu phối hợp với một nhóm các nhà khoa học pháp, dưới sự điều phối của GS. Nguyễn Kim Đan (Caen) để tính toán mức độ sói lở bờ biển ở khu vực Hội An. Tuy dự án này còn đang ở trong giai đoạn thai nghén, Viện có kỳ vọng Dự án này sẽ có đóng góp trong việc giải quyết một vấn đề thực tế nghiêm trọng.
Trong số các dự án nghiên cứu ứng dụng thực tế, kế hoạch có quy mô lớn nhất là thành lập trung tâm Toán học ứng dụng trong kinh tế, tài chính và ngân hàng (Fmathlab) vào đầu năm nay. Đối tác chiến lược của dự án này là Ngân hàng đầu tư phát triển (BIDV). BIDV cam kết hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng trong thời gian năm năm cho các hoạt động của FMathlab. Tuy việc triển khai công việc của FMathlab hiện còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến các quy tắc hành chính còn nặng nề, chúng tôi rất kỳ vọng vào sự phát triển tương lai của toán tái chính ở Việt Nam, mà Fmathlab sẽ là hạt nhân.
Một trong những khó khăn căn bản cho việc phát triển toán học ứng dụng ở VN là lực lương những người làm toán ứng dụng có trình độ cao còn rất mỏng. Tuy vậy, lưc lượng người Việt nam ở nước ngoài làm toán ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực toán tài chính, là khá mạnh. Vai trò của VNCCCT sẽ là kết nối lâu dài với những chuyên gia người Việt ở nước ngoài để tham gia giải quyết những bài toán do thực tế Việt nam đặt ra, qua nhiều hình thức, trong đó có thông qua chức danh Associate members.
Trên bình diện đào tạo, VNCCCT đã thực hiện tốt vai trò hạt nhân của chương trình trọng điểm trong việc tổ chức các khoá bồi dưỡng học sinh giỏi toán, các khoá huấn luyện giáo viên chuyên toán, các trường hè cho sinh viên trên cả ba miền của đất nước. Những hoạt động này phần lớn đã có từ trước. Vai trò của VNCCCT là nhân rộng các mô hình tốt, hỗ trợ trong các khâu tổ chức, để mô hình hình tốt hoạt động còn tốt hơn nữa.
Trong giai đoạn hai của chương trình trọng điểm, một mục tiêu lớn của VNCCCT là xây dựng một chương trình đào tạo tiến sĩ xuất sắc, dựa vào sự phối hợp với các trường đại học lớn ở Hà nội, và các trường đại học nước ngoài đặc biệt là ở châu Âu. Nhìn từ giác độ chất lượng chung, đào tạo tiến sĩ ở Việt nam còn nhiều bất cập. Mặt khác có thể nhận thấy, có chương trình đào tạo tiến sĩ với chất lượng được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận cần được coi là ưu tiên số một, nếu Đại học Việt nam muốn cải thiện đẳng cấp của mình. Đối với VNCCCT, đây sẽ là một mục tiêu quan rọng hàng đầu, thực hiện sẽ rất khó khăn, nhưng không thể không hoàn thành. Người khởi xướng và chủ trì chương trình này là GS. Nguyễn Hữu Dư.
Trên bình diện quan hệ quốc tế, VNCCCT đã gặt hái được nhiều thành công. Viện đã tổ chức và hỗ trợ tổ chức những hội nghị quốc tế có quy mô lớn trong đó có Hội nghị toán học Việt Pháp 2013, Hội nghị tính toán hiệu năng cao 2013 và 2015, Hội nghị số học châu Á 2014 …  Viện có Hội thảo thường niên vào cuối tuần cuối cùng cuả tháng tám, mời được nhiều ngôi sao trong bầu trời toán học cập nhật về những tiến bộ quan trọng của toán học đương đại. Những bài giảng ở Hội thảo thường niên được đăng trong một số đặc biệt của tạp chí Acta Mathematica Vietnamica, đã góp phần tăng chỉ số truy cập của Acta lên nhiều lần.
Một trong những điểm rất bất lợi của khoa học Việt nam là không có tạp chí được xếp loại ISI. VNCCCT không có chủ trương xây dựng một tạp chí mới, vì việc này đòi hỏi mức độ đầu tư cả về kinh phí và công sức quá lớn, mà chia nguồn lực của mình vào hai hướng thực tế hơn: một là khai thác các bài viết chất lượng cao của Hội thảo thương niên để nâng cấp và ủng hộ cho Acta được xếp loại ISI, hai là xây dựng chuỗi bài bài giảng VIASM như một subseries trong một series đã có tên tuổi và tất nhiên đã được công nhận ISI từ lâu. Viện đã đàm phán với nhà xuất bản Springer về viêc này và sẽ nỗ lực triển khai trong giai đoạn sắp tới.
Trong giai đoạn hai của chương trình, VNCCCT sẽ tiếp tục tổ chức và hỗ trợ tổ chức các hội nghị quốc tế qui mô; trong đó có Hội nghị mật mã châu Á cuối 2016, dự kiến có Hội nghị toán học châu Á 2017, và Hội nghị toán học Việt Mỹ 2019.
VNCCCT có được sự cộng tác, hậu thuẫn đáng kể của cộng đồng toán học quốc tế. Đã có gần 100 nhà toán học hàng đầu thế giới đến tham gia nghiên cứu ở Viện mà trong đó một không nhỏ tự túc hoàn toàn hoặc một phần kinh phí. Trong các quan hệ quốc tế rộng của Viện, đối tác nhiệt tình và bền bỉ nhất là labo quốc tế của Viện nghiên cứu khoa học pháp do GS. Lionel Schwartz điều phối. Labo này đã tổ chức và cấp kinh phí cho nhiều nhà toán học Pháp sang phối hợp nghiên cứu và giảng dạy ở VN. VNCCCT đã dành một phòng làm việc để đón tiếp các chuyến làm việc của labo của GS. Schwartz. Viện cũng đã ký kết hợp tác với các Viện nghiên cứu trong vùng đặc biệt là ở Hàn Quốc, và Singapore và sẽ rất chú trọng hợp tác trong vùng.VNCCCT đã bươc đầy xây dựng được uy tín quốc tế, như một hình mẫu cho việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học đỉnh cao ở các nước đang phát triển.
Trên đây tôi đã trình bày với quý vị về bốn mảng công tác chính của VNCCCT: nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản, và đào tạo và quan hệ quốc tế,  những gì đã làm được trong giai đoạn đầu của chương trình trọng điểm, và những gì cần phải làm trong giai đoạn hai. Tôi xin phép dành thêm chút thời gian của Quý vị để trình bày về nền tảng vật chất và tinh thần của Viện.
Trong giai đoạn 2010-2015, Viện toạ lạc tại tầng 7 của toà nhà thư việc điện tử Tạ Quang Bửu, thuê lại của Đại học bách khoa Hà nội. Trong giới hạn eo hẹp về diện tích và kinh phí, Viện đã thiết kế một hạ tầng ngăn nắp, thuận tiện cho công việc nghiên cứu và đào tạo, tiệp cận tiêu chuẩn quốc tế.
Với sự ủng hộ to lớn của Chính phủ và Bộ giáo dục và đào tạo, Viện đang hoàn tất các thủ tục để có một cơ sở riêng, rộng rãi và ổn định hơn. Viện kỳ vọng có thể chuyển về cơ sở mới cuối 2016 hoặc muộn nhất là 2017. Có một cơ sở riêng, ổn định và có diện tích lớn hơn, trong đó có khu nhà công vụ cho các nhà khoa học đến Viện làm việc, là một nhu cầu cấp bách để Viện có thể thực hiện được kỳ vọng lớn lao mà nhà nước và cộng đồng toán học đặt vào vai trò của Viện.
Ngay từ đầu, bộ máy của Viện đã được thiết kế theo chủ trương gọn nhẹ và hiệu quả. Người chịu trách nhiệm vận hành Viện là giám đốc điều hành, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 3 năm. Giám đốc điều hành đầu tiên là GS. Lê Tuấn Hoa, người đã có công lớn cho việc xây dựng Viện từ con số không. Giám đốc điều hành thứ hai là GS. Nguyễn Hữu Dư, người bên cạnh việc làm cho hoạt động của Viện trơn tru và hiệu quả hơn, đang đặt nền tảng cho việc mở rộng quy mô của Viện. Chị Nguyễn Thị Lê Hương, phó giám đốc, đã theo dõi, đôn đốc sát sao mọi hoạt động của Viện, đặc biệt là các hoạt động ngày càng nhiều ở mảng đào tạo. Văn phòng Viện do các anh Nguyễn Ngọc Tuấn và Nguyễn Ngọc Khôi điều phối đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn trong đó có việc hỗ trợ các nhà khoa học đến Viện làm việc, tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, trường hè, khoá bồi dưỡng, tập huấn.
Linh hồn của các hoạt động khoa học của Viện là HĐKH, hội tụ những nhà toán học hàng đầu VN ở trong và ngoài nước như các GS. Ngô Việt Trung, Nguyễn Hữu Việt Hưng, Đỗ Đức Thái, Phan QUốc Khánh, Dương Minh Đức. HĐKH chỉ họp hai năm một lần, lần đầu vào tháng ba để xét tuyển chọn hồ sơ khoa học cho năm tiếp theo, một lần vào hè để thảo luân về định hướng khoa học chung của Viện. HĐKH do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đoà tạo bổ nhiểm theo nhiệm kỳ 3 năm, có rất ít thay đổi giữa HĐKH nhiềm kỳ 1 và nhiệm kỳ 2. HĐKH đã làm việc rất tận tâm, với tinh thần khoa học vô tư và khách quan.
Để triển khai các hoạt động đào tạo của chương trình như tổ chức các khoá bồi dưỡng, tập huấn, VNCCCT đã nhận được sự hỗ trợ đầy tinh thần trách nhiệm của nhiều nhà toán học ở các cơ sở khác, đặc biệt là Viện toán và trường Sư Phạm mà tiêu biểu là các anh chị Trần Nam Dũng, Phan Thị Hà Dương, Phùng Hồ Hải, Nguyễn Chu Gia Vượng, Vũ Thế Khôi, Trần Văn Tấn…
Trong giai đoạn hai, để thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ chất lượng cao , VNCCCT sẽ cần thêm sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở Viện toán học, trường Sư phạm Hà nội, trương Đại học khoa học tự nhiên và các trường khác, và bên cạnh đó VNCCCT sẽ phải dựa vào lực lượng associate members, cũng như các đối tác quốc tế.
Qua trình bày trên, quý vị thấy rõ những thành công bước đầu của VNCCCT phụ thuộc rất nhiều và sự đồng thuận, sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng toán học trong nước và quốc tế. Có những nhiều đồng nghiệp đã ủng hộ chúng tôi trong việc tổ chức, triển khai những hoạt động cụ thể, tiêu biểu là các thành viên của HĐKH và các anh, chị mà tôi vừa nêu tên. Có nhiều đồng nghiệp lão thành, mà điển hình là GS. Hoàng Tuỵ, GS. Hà Huy Khoái, GS. Trần Văn Nhung, đã luôn sát cánh cùng VNCCCT, là chỗ dựa tinh thần, và tư vấn từng đường đi nước bước.
Cũng không thể không nhắc đến vai trò của các tổ chức dân sự đã hết lòng hỗ trợ VNCCCT trong việc thực hiện các hoạt động mang tính cộng đồng, mà điển hình là việc tổ chức ngày hội Toán học trong vỏ hạt dẻ hôm nay. Một số cá nhân, công ty, đã ủng hộ rất thiết thực ngay từ những ngày đầu khó khăn, cho viện mượn từ máy tính đến thư ký, giúp viện xây dựng trang mạng.
Với cương vị giám đốc khoa học của VNCCCT, tôi xin cảm ơn sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng toán học trong nước và quốc tế.
Với cương vị giám đốc khoa học của VNCCCT, tôi xin bày tỏ sự biết ơn đối với sự tin tưởng và hỗ trợ bền bỉ và mạnh mẽ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ giáo dục vào đào tạo, của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, và các Bộ liên quan đã dành cho Viện. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, của Bộ giáo dục và đào tạo và các Bộ liên quan trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình trọng điểm, để Viện hoàn thành hết vai trò của mình trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, cơ bản và ứng dụng, về số lượng và đặc biệt về chất lượng, cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy toán học, từ chuyên toán đến đạo tạo tiến sĩ.
Tập thể VNCCCT cam kết nỗ lực hết sức cho sự phát triển của toán học Việt Nam.
Xin cảm ơn các quý vị đã lắng nghe.


GIÁO DỤC ››

GS Ngô Bảo Châu gửi thông điệp về Toán học

Lễ Kỷ niệm 5 năm hoạt động của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 – 2020 và thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VNCCCT) diễn ra ngày 20/12.
Thông điệp của Lễ kỷ niệm được gửi đến những người nghiên cứu toán và những người yêu thích toán là “Toán học luôn ở xung quanh ta và gần gũi với tất cả mọi người. Hãy phấn đấu vì một nền Toán học Việt Nam phát triển ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới”.
GS Trần Văn Nhung, Phó trưởng Ban điều hành Chương trình cho biết, qua 5 năm hoạt động, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên ngành về Toán, như xét chọn học bổng cho học sinh, sinh viên, công trình công bố quốc tế, tổ chức tập huấn giáo viên chuyên toán, các hội thảo chuyên đề về Toán học...
Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cũng tạo dựng được môi trường học thuật và làm việc tiên tiến, được cộng đồng toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao; quy tụ được một lượng đông đảo các nhà Toán học hàng đầu thế giới cũng như Việt Nam tới làm việc và tham gia các hoạt động học thuật.
Trong lễ tổng kết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ôn lại những ngày đầu triển khai Chương trình và thành lập VNCCCT. Theo ông Luận, VNCCCT là một mô hình hoàn toàn mới lạ, khi triển khai thành lập các bên đã thống nhất cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp sâu về chuyên môn mà chỉ đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ; Chuyển mô hình từ kiểm soát, can thiệp và sự phát triển sang mô hình tạo điều kiện thống nhất, hỗ trợ cho sự phát triển.
Ông Luận đánh giá sự ra đời của Chương trình trọng điểm và VNCCCT đã là luồng gió mới không chỉ trong lĩnh vực toán học mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực khoa học khác, có tác động bước đầu khá mạnh mẽ đến việc dạy, học, đến tình yêu với môn toán và các môn khoa học cơ bản...
Viện Ngiên cứu cao cấp về Toán, Ngô Bảo Châu, Phạm Vũ Luận
GS Ngô Bảo Châu cho biết VNCCCT đã có những đóng góp cho việc dạy học ở Việt Nam, được cộng đồng toán học trong và ngoài nước công nhận
GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học của VNCCCT, chia sẻ “Ở nửa chặng đường của chương trình trọng điểm, VNCCCT đã có một số thành tựu, đã hiện thực được một phần kỳ vọng lớn mà Chính phủ và Cộng đồng toán học vào vai trò của nó”.
GS Châu cho biết, trong giai đoạn hai của chương trình trọng điểm, một mục tiêu lớn của VNCCCT là xây dựng một chương trình đào tạo tiến sĩ xuất sắc, dựa vào sự phối hợp với các trường đại học lớn ở Hà Nội, và các trường ĐH nước ngoài đặc biệt là ở châu Âu.
“Có chương trình đào tạo tiến sĩ với chất lượng được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận cần được coi là ưu tiên số một, nếu ĐH Việt Nam muốn cải thiện đẳng cấp của mình. Đối với VNCCCT, đây sẽ là một mục tiêu quan trọng hàng đầu” – GS Châu khẳng định.
Bên cạnh đó, theo GS Châu, một trong những điểm rất bất lợi của khoa học Việt Nam là không có tạp chí được xếp loại ISI. Ông cho biết VNCCCT không có chủ trương xây dựng một tạp chí mới, vì việc này đòi hỏi mức độ đầu tư cả về kinh phí và công sức quá lớn, mà chia nguồn lực của mình vào hai hướng thực tế hơn: một là khai thác các bài viết chất lượng cao của Hội thảo thương niên để nâng cấp và ủng hộ cho Acta được xếp loại ISI, hai là xây dựng chuỗi bài bài giảng VIASM như một subseries trong một series đã có tên tuổi và tất nhiên đã được công nhận ISI từ lâu.
VNCCCT sẽ tiếp tục tổ chức và hỗ trợ tổ chức các hội nghị quốc tế qui mô; trong đó có Hội nghị mật mã châu Á cuối 2016, dự kiến có Hội nghị toán học châu Á 2017, và Hội nghị toán học Việt Mỹ 2019…
Lễ kỷ niệm còn bao gồm các hoạt động như tọa đàm, các bài giảng chuyên đề về Toán học, như: “Chuyên Toán- đi đâu về đâu?”, “Ích gì, toán học”, “Từ trường chuyên đến đỉnh cao toán học”... triển lãm các mô hình toán học khổng lồ.
Một số hình ảnh trong Ngày hội Toán học mở dành cho mọi đối tượng người lớn, trẻ em đang quan tâm và chưa quan tâm đến Toán học với chủ đề “Toán học trong vỏ hạt dẻ”.
Viện Ngiên cứu cao cấp về Toán, Ngô Bảo Châu, Phạm Vũ Luận
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Học viện Sáng tao 3S đem đén cho học sinh, sinh viên, phụ huynh các mô hình toán học đẹp, hài hòa đến ngạc nhiên...
Viện Ngiên cứu cao cấp về Toán, Ngô Bảo Châu, Phạm Vũ Luận
Và mới mẻ ngay cả với các giáo sư Toán học
Viện Ngiên cứu cao cấp về Toán, Ngô Bảo Châu, Phạm Vũ Luận
Toán học trở nên gần gũi, có thể sờ, chạm..
Viện Ngiên cứu cao cấp về Toán, Ngô Bảo Châu, Phạm Vũ Luận
Và thậm chí có thể luồn qua, trèo lên
Viện Ngiên cứu cao cấp về Toán, Ngô Bảo Châu, Phạm Vũ Luận
Cái trừu tượng nay biến thành cái không thể hiện hữu hơn
Viện Ngiên cứu cao cấp về Toán, Ngô Bảo Châu, Phạm Vũ Luận
Ngày 17/8/2010, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thay mặt Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020. Ngày 23/12 cùng năm, ông lại thay mặt Chính phủ ký quyết định thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về toán, là đơn vị hạt nhân triển khai Chương trình trọng điểm.
Ngân Anh
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/279930/gs-ngo-bao-chau-gui-thong-diep-ve-toan-hoc.html

2 nhận xét:

  1. Hồi xưa tôi học dốt toán. Cứ phải là cực dốt ấy. Học đại học cũng không học liên quan tới toán. Nhưng giờ tôi nhận ra mơ màng là toán không phục vụ nhiều cho cả việc kiểm toán giờ tôi đang làm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế ra bác Chua Tao đang làm kiểm toán chăng ?

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.