Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/11/2015

Suu Kyi từng có 1 năm nghiên cứu ở Nhật Bản (hình ảnh hồi cố từ Nhật)

Đúng như một người họ xa của Suu Kyi đã nói trực tiếp với mình nhiều năm trước: bà Suu từng đến Nhật nghiên cứu trước năm 1990. Hôm nay thì đã biết, bà đến Đại học Kyoto trong các năm 1985 - 1986, với tư cách là nghiên cứu viên.

Tức là trước khi bà chính thức hiến thân cho con đường dân chủ của tổ quốc mình (tính từ năm 1988).

Tư liệu cũ vừa được truyền thông Nhật loan.





Xuất bản 09-11-2015
建国の父として国民から尊敬されているアウン・サン将軍の長女、アウン・サン・スー・­チーさんは、1985年から翌年まで、京都大学の研究員として来日していたこともあり­ます。
・・・記事の続き、その他のニュースはコチラから!
[テレ朝news] http://www.tv-asahi.co.jp/ann/

https://www.youtube.com/watch?v=ZGspwGY4ajE





https://www.youtube.com/watch?v=XvwLXf0Iatk


ミャンマー国民民主連盟党首アウンサン・スーチーさん会見(日本語同時通訳版)
Xuất bản 17-04-2013

Danh mục

Giấy phép




Bổ sung 2 (11/11/2015):


Thứ ba, 10/11/2015 | 21:30 GMT+7

Chuyện tình của nữ chính trị gia nổi tiếng nhất Myanmar


Để chiến đấu cho tự do và dân chủ của Myanmar, bà Suu Kyi đã nuốt nước mắt không về nước nói lời vĩnh biệt với người chồng đang hấp hối. 

Bà Suu Kyi bên cạnh chồng, ông Michael Aris, và con trai. Ảnh: Telegraph
Bà Suu Kyi bên cạnh chồng, ông Michael Aris, và con trai. Ảnh: Telegraph
Là con gái người anh hùng lập quốc Aung San vĩ đại, người đã bị ám sát khi con gái mới chỉ hai tuổi, bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD), lớn lên với nỗi đau đáu về di sản còn dang dở của cha, theo Telegraph.
Năm 1964, bà được mẹ gửi đi du học tại trường Đại học Oxford, nơi bà được người giám hộ Lord Gore-Booth giới thiệu với ông Michael Aris, người sau này trở thành chồng bà. Ông Michael học ngành lịch sử ở Durham nhưng lại có niềm đam mê với vương quốc Bhutan. Ông thấy bà Suu giống như hiện thân cho tình yêu mà ông dành cho phương Đông. Tuy nhiên, khi nhận lời cầu hôn của ông Michael, bà Suu đã giao ước rằng nếu đất nước cần bà, bà sẽ trở về. Và ông Michael đồng ý. 
Trong 16 năm tiếp theo, bà Suu Kyi chế ngự sức mạnh phi thường của mình và trở thành một người nội trợ hoàn hảo. Khi hai con trai của họ, Alexander và Kim, chào đời, bà lại chuyên tâm vào việc nhà và chăm sóc các con. Thậm chí bà còn khiến những người bạn nữ bực bội khi khăng khăng đòi ủi tất cho chồng và tự mình lau dọn nhà cửa. 
Một đêm yên tĩnh năm 1988, khi vợ chồng bà Su đang ngồi đọc sách ở Oxford, họ nhận được cú điện thoại thông báo mẹ bà Suu bị đột quỵ. Bà bèn bắt chuyến bay trở về Rangoon với dự định ban đầu là ở lại vài tuần, nhưng thành phố lúc này trong tình trạng hỗn loạn. Một loạt các cuộc đối đầu bạo lực với quân đội đã khiến cả đất nước rơi vào tình trạng tê liệt. 
Lúc đến bệnh viện Rangoon để chăm mẹ, bà thấy các khu bệnh đầy sinh viên bị thương nằm chờ chết. Vì các cuộc tụ họp công cộng bị cấm, bệnh viện trở thành tâm điểm của một cuộc cách mạng không có người dẫn đầu, và thông tin con gái vị tướng anh hùng Aung San trở về nước đã nhanh chóng lan đi. 
Khi một đoàn học giả đề nghị bà Suu lên lãnh đạo phong trào dân chủ, bà đồng ý và nghĩ rằng một khi cuộc bầu cử được diễn ra,  bà sẽ được tự do để quay trở lại Oxford. Chỉ hai tháng trước, bà còn là một người nội trợ toàn tâm cho gia đình, nhưng bây giờ lại dẫn đầu một cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại chế độ quân sự hà khắc. 
Trong khi đó ở Anh, ông Michael chỉ biết lo lắng dõi theo tin tức của vợ khi bà Suu đi khắp nơi vận động cho dân chủ. Bà ngày càng trở nên nổi tiếng, nhưng quân đội lại tìm cách cản trở bà, đồng thời bắt nhiều thành viên trong đảng NLD. Ông Michael sợ vợ cũng sẽ bị ám sát giống cha. Năm 1989, khi bà Suu bị quản thúc tại nhà, an ủi duy nhất của ông là việc ấy ít nhất giúp ông yên tâm bởi tính mạng của bà không bị đe dọa. 
Ông Michael đã đền đáp tất cả những năm tháng tận tụy mà bà Suu dành cho ông trước đây bằng một lòng vị tha vô bờ bến và phát động một chiến dịch vận động để giúp bà trở thành một biểu tượng quốc tế. Tuy nhiên, ông cẩn thận giữ kín công việc của mình, bởi một khi bà nổi lên như là lãnh đạo của phong trào dân chủ mới, quân đội sẽ lợi dụng việc bà đã kết hôn với người nước ngoài để công kích, bôi nhọ, xuyên tạc bà trên báo chí Myanmar. 
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) trong một bài phát biểu hôm nay. Ảnh: AP
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) trong một bài phát biểu hôm 9/11. Ảnh: AP
5 năm sau đó, khi các con của họ đã trở thành những chàng trai trẻ, bà Suu vẫn đang bị quản thúc tại nhà và bị cô lập. Bà tập thiền, đọc sách về Phật giáo và nghiên cứu những bài viết của Mandela và Gandhi. Suốt thời gian đó, ông Michael chỉ được vào thăm vợ hai lần. Tuy nhiên, đây là một hình thức cầm tù đặc biệt, vì bất cứ lúc nào bà Suu cũng có thể yêu cầu được đưa tới sân bay và bay về với gia đình. 
Nhưng cả bà Suu và chồng đều không muốn làm vậy. Tuy rất đau khổ vì nhớ vợ và tiếp tục gây sức ép chính trị đằng sau hậu trường, ông hiểu bà là một phần của lịch sử đất nước Myanmar. Ông giữ nguyên trang sách mà bà Suu đọc khi nhận được cuộc gọi trở về quê hương. Ông trang trí các bức tường trong nhà bằng những chứng chỉ giải thưởng của vợ, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1991. Trên giường ngủ, ông treo một bức ảnh lớn của vợ. 
Trong suốt khoảng thời gian dài không liên lạc được với nhau, ông Michael lo lắng bà Suu có thể đã chết. Chỉ khi nghe có người kể rằng họ nghe thấy tiếng đàn piano khi đi ngang qua nhà bà, ông mới cảm thấy yên tâm. Khi cây đàn bị hỏng, ông cũng mất đi cả sự bảo đảm mong manh đó. 
Đến năm 1995, ông Michael bất ngờ nhận được cuộc gọi của bà Suu từ Đại sứ quán Anh. Một lần nữa bà lại được thả tự do. Lúc này ông Michael và các con được cấp visa để bay tới Myanmar. Khi bà Suu nhìn thấy Kim, đứa con trai út, bà đã rất kinh ngạc bởi cậu bé ngày nào đã trở thành một chàng trai trẻ. Bà thừa nhận có thể sẽ không nhận ra con nếu gặp Kim trên phố.
Nhưng bà Suu đã trở thành một chính trị gia có tầm cỡ, những năm tháng bị giam trong cô lập đã giúp bà tôi luyện một quyết tâm sắt đá, và bà đã quyết định ở lại đất nước của mình để đấu tranh, ngay cả khi cái giá phải trả là phải xa chồng con thêm thời gian nữa.
Cuộc gặp đó cũng là lần cuối cùng vợ chồng bà Suu nhìn thấy nhau. Ba năm sau, ông Michael biết tin mình đang bị ung thư giai đoạn cuối. Ông gọi cho bà để báo tin xấu và ngay lập tức xin visa đến Myanmar để được nói lời từ biệt bà. Hồ sơ xin visa của ông bị từ chối, ông tiếp tục xin thêm 30 lần nữa, trong khi sức khỏe xuống cấp nhanh chóng. Một số nhân vật nổi tiếng như Giáo hoàng và Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cũng viết thư khiếu nại chính quyền quân đội Myanmar nhưng đều vô ích. Cuối cùng, một quan chức quân đội tới gặp bà Suu và nói rằng bà có thể nói lời vĩnh biệt chồng, nhưng sẽ phải bay về Anh và không bao giờ được trở về Myanmar. 
Sự lựa chọn âm thầm ám ảnh bà suốt 10 năm xa cách chồng con lúc này trở thành một tối hậu thư rõ ràng: bà phải chọn giữa gia đình và tổ quốc. Bà vô cùng đau đớn. Nếu đồng ý rời khỏi Myanmar về Anh, hai vợ chồng bà đều biết điều đó đồng nghĩa với việc tất cả những gì họ đã cùng nhau chiến đấu vì dân chủ tự do sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Bà Suu gọi cho Michael từ Đại sứ quán Anh hỏi ý kiến ông, và ông kiên quyết nói với bà đừng bao giờ nghĩ đến việc đó.
Nhà báo Fergal Keane, người từng được gặp bà Suu vài lần, miêu tả bà là một phụ nữ sắt đá. Keane cho biết khi nhận ra mình sẽ không thể gặp lại chồng nữa, bà mặc một chiếc váy màu ông yêu thích, cài một bông hồng lên mái tóc, đến Đại sứ quán Anh để quay một đoạn video nói lời chia tay chồng. Trong video, bà nói tình yêu mà ông dành cho bà chính là điểm tựa, là sức mạnh cho bà bao nhiêu năm qua. Đoạn phim được chuyển lậu ra khỏi Myanmar, nhưng khi đến được nước Anh thì ông Michael đã mất được hai ngày. 

Hướng Dương
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/chuyen-tinh-cua-nu-chinh-tri-gia-noi-tieng-nhat-myanmar-3310077.html





Bổ sung 1 (10/11/2015):

Thứ Ba, 10/11/2015 15:34

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi đang giành số ghế áp đảo trong quốc hội Myanmar, và dự đoán trong tương lai sẽ tạo ra một sự chuyển dịch quyền lực đáng kể.


Bà Aung San Suu Kyi – thủ lĩnh đảng đối lập ở Myanmar trở thành một biểu tượng gìn giữ hòa bình quốc tế sau hơn 15 năm tích cực hoạt động.
Ngày 8/11 vừa qua, Myanmar đã trải qua cuộc tổng tuyển cử lịch sử với hơn 32 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa sau khi chính quyền dân sự thay thế chính quyền quân sự cách đây 4 năm.

Theo Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar (MUEC) thông báo, kể từ 9/11, kết quả cuộc tổng tuyển cử ở nước này sẽ được công bố 6 lần trong ngày từ 9/11 cho đến ngày 15/11.


Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò sơ bộ, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi đang giành số ghế áp đảo trong quốc hội, và dự đoán trong tương lai sẽ tạo ra một sự chuyển dịch quyền lực đáng kể.

Người phụ nữ 70 tuổi đã trải qua quãng thời gian bị quản thúc tại nhà nhiều lần trong năm 1989 đến 2010 vì những nỗ lực đòi dân chủ.
Một năm sau khi đảng NLD có chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử 1991, bà San Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, chiến thắng của đảng NLD không được công nhận kết quả, Myanmar tiếp tục duy trì chính quyền quân sự. Trong khi đó bà San Suu Kyi cũng bị cấm vận động tranh cử chức tổng thống vì hai con trai bà mang quốc tịch Anh. 
Chồng và 2 con trai nhận giải Nobel Hòa bình cho San Suu Kyi trong thời gian bà bị quản thúc.
Aung San Suu Kyi là con gái của anh hùng dân tộc - Tướng Aung San – người thành lập quân đội Miến Điện. Ông bị ám sát trong suốt giai đoạn chuyển tiếp vào tháng 7/1947, khi bà mới lên 2 tuổi.
Năm 1960, bà tới Ấn Độ với mẹ là bà Daw Khin Kyi, lúc bấy giờ được chỉ định là đại sứ Myanmar tại Delhi. 4 năm sau, bà tới Đại học Oxford ở Anh, học về ngành tâm lý học, kinh tế và chính trị.
Sau khi làm sống và làm việc tại Nhật Bản và Bhutan, bà ở lại Anh để nuôi dưỡng hai đứa con trai của mình. Khi bà quay trở lại Rangoon vào năm 1988 để chăm sóc mẹ già bị đau ốm, Myanmar đang trong giai đoạn bị đẩy tới bờ vực cách mạng sau cuộc nổi dậy 8888. Hàng ngàn sinh viên, công nhân viên chức và nhà sư xuống phố đòi cải cách dân chủ. 

Được truyền cảm hứng các chiến dịch nói không với bạo lực của các nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King và Mahatma Gandhi, bà tổ chức các buổi diễn thuyết vòng quanh đất nước, kêu gọi cải cách dân chủ hòa bình và bầu cử tự do.
Bà Suu Kyi gặp gỡ người ủng hộ trong ngày bà được thả tự do sau 6 năm bị quản thúc tại gia.
Nhưng những buổi diễn thuyết của bà Suu Kyi không may bị quân đội đàn áp vào năm 1988 và bà phải chịu án quản thúc tại gia trong 6 năm, trước khi được thả vào tháng 7/1995. Trong những năm về sau, bà cũng bị quản thúc một vài lần nữa. Trong giai đoạn chịu án phạt, bà Suu Kyi vùi mình trong việc học và luyện tập. Bà học thêm tiếng Pháp và Nhật, cũng như nâng cao kỹ năng chơi piano. Thi thoảng, bà có thể tổ chức các buổi gặp mặt với các quan chức thuộc đảng NLD để họp bàn các vấn đề cũng như đưa ra ý kiến chỉ đạo.
Hồng Hạnh (theo BBC)
http://baotintuc.vn/tu-lieu/chan-dung-nguoi-phu-nu-quyen-luc-nhat-myanmar-20151110111149383.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.