Tin mới, trên Dân Trí.
---
Thứ Sáu, 27/11/2015 - 16:58
Thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề sau phiên chất vấn “chốt” lại nhiệm kỳ, Quốc hội nhấn mạnh ngành GD-ĐT phải thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Quốc hội, tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.
Tại phiên chất vấn đầu tuần trước, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận nhiều chất vấn về việc môn lịch sử bị "hô biến" khỏi chương trình giáo dục phổ thông (ảnh: Quochoi.vn).
Khái quát việc thực hiện nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII của các ngành, Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao cùng các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan hữu quan trong việc triển khai các Nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng, có tác động tích cực đến việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Đối với lĩnh vực kinh tế, Quốc hội yêu cầu tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước đáp ứng yêu cầu hội nhập; gắn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển bền vững. Trong đó, ngành nông nghiệp được lưu ý có giải pháp cơ bản giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết 4 nhà, nâng cao năng suất, giá trị và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành trong từng năm đạt từ 3,5 - 4%/năm.
Ngành tài chính nhận nhắc nhở về vấn đề nợ công, nhiệm vụ đề ra là xây dựng lộ trình và các biện pháp hữu hiệu, bảo đảm an toàn nợ công, trong giới hạn Quốc hội cho phép, từng bước giảm dần nợ công. Bảo đảm sớm thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế phát sinh nợ đọng thuế mới; giảm thời gian làm thủ tục khai, nộp thuế về mức ngang bằng với các nước ASEAN-4. Thực hiện các cân đối tài chính, ngân sách, giảm dần bội chi, bảo đảm bội chi trong giới hạn Quốc hội cho phép, chỉ sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho đầu tư phát triển.
Quốc hội cũng nhắc các Bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ban hành chính sách đồng bộ để tiếp tục giảm và khống chế nợ xấu; nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế
Phiên chất vấn tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện chất vấn với tất cả các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ về việc thực hiện lời hứa trong cả nhiệm kỳ.
Với lĩnh vực xã hội, Quốc hội yêu cầu hàng năm phải tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong đời sống thực tế về vấn đề an toàn thực phẩm. Nhiệm vụ giao cho các ngành là ngăn chặn và xử lý kiên quyết các hành vi sản xuất, buôn bán hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp và thực phẩm. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, về cơ bản, việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng.
Ngành GD-ĐT được nhắc nhở, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đảm bảo mục tiêu Quốc hội đề ra. Quốc hội quán triệt “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”.
Ngành Y tế nhận nhiệm vụ phải tạo sự chuyển biến rõ nét về giảm quá tải bệnh viện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng khám chữa bệnh; đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.
Chỉ tiêu được nhắc lại với ngành du lịch là phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống cơ sở vật chất-kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.
Vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc hội yêu cầu ngành Nội vụ đánh giá toàn diện, khách quan, minh bạch chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện đề án vị trí việc làm, tích cực thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng lộ trình và chỉ tiêu thực hiện cho các năm, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021, tinh giản tối thiểu là 10% biên chế.
Lĩnh vực Nội vụ cũng nhận nhắc nhở phải sớm khắc phục tồn tại của việc bổ nhiệm chức vụ, cấp “hàm”; thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; quy định chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý để triển khai thực hiện thống nhất, chặt chẽ trên toàn quốc.
Chủ tịch Quốc hội: Yêu cầu Thủ tướng tiếp tục cam kết về trách nhiệm điều hành
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII – kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đánh giá, năm 2015 tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội. Kinh tế tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt mức cao hơn. Việc triển khai các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện theo tinh thần của Hiến pháp mới. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nâng lên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, phiên chất vấn vừa qua đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn.
Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết, đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao; tái cơ cấu trong một số ngành, lĩnh vực chậm; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới.
Nhắc đến hoạt động lần đầu tiên tổ chức tại Quốc hội – phiên chất vấn “tổng rà soát” lại nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là dịp để kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này của Quốc hội.
Phiên chất vấn diễn ra trong không khí đối thoại dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng; nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước. Nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm đã được đưa ra phân tích, xem xét dưới nhiều góc độ.
“Quốc hội yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục thực hiện có kết quả những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội khóa XIV tiếp tục giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân” – Chủ tịch Quốc hội tổng kết.
P.Thảo
http://dantri.com.vn/xa-hoi/quoc-hoi-lenh-giu-mon-lich-su-trong-sach-giao-khoa-moi-2015112716553104.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.