Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/06/2015

Xây dựng sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế lớn

Loạt bài này là ủng hộ cho chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Trái với loạt bài phản biện đã đi hôm qua (ở đây).

Một bên ủng hộ, và một bên không ủng hộ.

Đại khái bên không ủng hộ thì đưa ra các ý chính sau:


1. Nguyễn Thiện Tống: "Những phân tích trên cho thấy rằng sản lượng hàng không thông qua Tân Sơn Nhất đã được thổi phồng lên để tuyên truyền về tình trạng “quá tải” của sân bay Tân Sơn Nhất và dự báo “nhu cầu ảo” rất lớn trong tương lai cho sân bay Long Thành. Tất cả những lập luận về sự cấp thiết cũng như các tính toán về tài chánh và kinh tế của dự án sân bay Long Thành đều dựa trên cơ sở dự báo “nhu cầu ảo” này, vì thế cần có một cuộc kiểm tra độc lập để làm sáng tỏ vấn đề số liệu rất quan trọng này, nhằm tránh lãng phí lớn khi xây dựng sân bay Long Thành mà không có khách."


2. Nguyễn Xuân Thành: "Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành tính toán tài chính cách nào cũng lỗ".


3. Nguyễn Thiện Tống: "Tóm lại, phần phân tích tài chính và phân tích kinh tế của Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành còn sơ sài, thiếu sót, không chặt chẽ, không chính xác, không có tính hiện giá ròng tài chính FNPV, không có tính chỉ số nội hoàn tài chính FIRR cho dự án, không tính hiện giá ròng kinh tế ENPV, chỉ số nội hoàn kinh tế EIRR cho dự án không đáng tin cậy. Báo cáo Đầu tư dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành không đạt yêu cầu về nghiên cứu tiền khả thi. ".

4. Nguyễn Thiện Tống: "Bài học rút ra từ sân bay Mirabel là “Bất kể phương tiện phục vụ hiện đại ra sao, sân bay hoành tráng không lôi cuốn và đem lại khách hàng mà sự thuận tiện đi lại nhanh chóng do kết nối giao thông và khoảng cách gần trung tâm thành phố mới là yếu tố đáp ứng nhu cầu hành khách và làm cho sân bay tồn tại và phát triển”.

Vì thế đừng để sân bay Long Thành có số phận sẽ bị đập bỏ như sân bay Mirabel ở Montreal 40 năm sau khi xây dựng hoành tráng.".


Còn ở dưới là của bên ủng hộ.

Tư liệu sưu tầm dần dần.

---



6.

http://baotintuc.vn//kinh-te/xay-dung-san-bay-long-thanh-la-cang-hang-khong-quoc-te-lon-bai-2-20150605223519854.htm

Thứ Bảy, 06/06/2015 07:36

Xây dựng sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế lớn - Bài 2



BA GIAI ĐOẠN ĐẦU TƯ

Mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước hết là để khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng không của khu vực. 

Vào các khung giờ cao điểm tại sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay phải xếp hàng chờ cất/hạ cánh. Ảnh: Bộ GTVT
Mục tiêu lâu dài là để trở thành cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, trong tương lai có thể đảm nhận được vai trò là một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo đầu tư Dự án được Bộ Giao thông Vận tải lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải nói chung và giao thông vận tải hàng không nói riêng. Trong Báo cáo tiền khả thi đầu tư dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra những cơ sở thực tiễn và tính toán kỹ về tính khả thi của dự án.

Trong giai đoạn lập Báo cáo đầu tư ban đầu, giá trị khái toán cho cả dự án được xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án của Nhật Bản với giá trị là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng).

Sau khi rà soát và tính toán chi tiết trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, nhưng không làm thay đổi công nghệ, kỹ thuật chung của dự án. Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội lần này có tổng mức đầu tư giảm từ 18,7 tỷ USD xuống còn 15,8 tỷ USD và được chia thành các phân kỳ đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến dự án sẽ phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng 1 đường hạ cất cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5,2 tỷ USD. Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2018 - 2025 (phấn đấu hoàn thành sớm dự án, dự kiến vào khoảng năm 2022). Giai đoạn 1 chỉ xây dựng 1 đường hạ cất cánh do vẫn duy trì khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nên có thể hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong trường hợp khẩn nguy. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án sau khi rà soát giảm khoảng 2,6 tỷ USD do điều chỉnh lại quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng, giảm hạng mục đầu tư (chỉ đầu tư 1 đường hạ, cất cánh giai đoạn 1) và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư.

Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD. Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2030 - 2035.

Giai đoạn sau cùng hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm theo mục tiêu quy hoạch. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,6 tỷ USD. Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2040 - 2050.

Ông Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Dự kiến cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 1 là: Vốn ngân sách chiếm 11,1% (dùng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình cho cơ quan quản lý nhà nước); vốn ODA chiếm 26,5% (dự kiến dùng cho đầu tư xây dựng các hạng mục khu bay như: đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay); vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 62,4% (dùng để đầu tư xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các hạng mục thương mại...). Theo tính toán của các bộ về dự kiến sử dụng vốn theo từng năm trong giai đoạn triển khai dự án, sẽ ảnh hưởng tới nợ công của dự án là không đáng kể.

Tổng mức đầu tư chỉ liên quan đến việc phân kỳ đầu tư, chi tiết đơn giá tính toán và giảm diện tích sử dụng đất chứ không làm thay đổi quy mô Cảng hàng không, công nghệ - kỹ thuật dự kiến áp dụng cho dự án. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được nghiên cứu, áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành các cảng hàng không quốc tế trên thế giới đảm bảo năng lực khai thác theo tiêu chí đồng bộ, an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả.

Bài 3: Những lợi thế so sánh

Hương Thủy (TTXVN)





5.

Thứ Năm, 04/06/2015 22:18



Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. 

Mô hình sân bay Long Thành. Ảnh: Chinhphu.vn

 Bài 1: Khắc phục quá tải

Vấn đề tính khả thi của dự án, cơ cấu nguồn vốn, tác động đến nợ công và khả năng hoàn vốn, chính sách giải phóng mặt bằng, hiệu quả kinh tế xã hội của dự án là những nội dung được đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm. 


Nước ta đang phát triển và hội nhập sâu rộng, lại có dân số đông, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc. Với nhu cầu vận tải tăng cao, năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã khai thác đạt công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm; hiện nay đang được cải tạo, mở rộng để đạt công suất 25 triệu hành khách/năm. 

Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: Hiện nay, trung bình, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khai thác 490 chuyến mỗi ngày, cao điểm như trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua lên tới 623 chuyến/ngày. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là căn cứ khai thác của các hãng hàng không. Nếu không khai thác, máy bay của các hãng vừa ở lại vừa khai thác ban đêm khoảng 62 chiếc, trong khi đó Cảng chỉ có 47 bến đỗ. Trong năm nay, Vietjet Air mỗi tháng về thêm một máy bay; dự kiến, khoảng tháng 6 - 7 tới, Vietnam Airlines sẽ khai thác các máy bay lớn. Đây cũng là khó khăn vì thiếu bến đậu và tăng tần suất bay, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải. Công suất nhà ga quốc tế theo thiết kế là 8-10 triệu hành khách/năm, năm 2014 đã đạt hơn 9,1 triệu hành khách, năm 2015 dự kiến sẽ đáp ứng công suất thiết kế.

Với tình trạng khai thác hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị quá tải ở tất cả các công đoạn, như: giao thông kết nối (thiếu chỗ đậu xe, lối vào sân bay), khu hành khách, khu dịch vụ hàng hóa; sân đỗ; giao thông trên bầu trời bị tắc nghẽn; gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt về tiếng ồn và ô nhiễm không khí). Dự kiến từ năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm. 

Tại Hội nghị lần thứ 11 khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 12/2011) đề ra, coi đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, phương án nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 40-50 triệu hành khách/năm là không khả thi vì để mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ngoài toàn bộ diện tích đất dân dụng và đất quốc phòng hiện tại của Cảng hàng không, cần bổ sung thêm quỹ đất cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 641 ha trên địa bàn 3 quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận. Ước tính phải giải tỏa, di dời khoảng 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu)

Tổng chi phí theo phương án này ước tính khoảng 9,1 tỷ USD, chưa kể chi phí quy hoạch, xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông khu vực quanh Cảng hàng không của thành phố; ảnh hưởng của bề mặt giới hạn chướng ngại vật của đường hạ cất cánh mới đối với khu vực lân cận (tĩnh không) để đảm bảo an toàn cho hoạt động bay. Khu vực xung quanh Cảng hàng không có mật độ dân cư cao, do đó tiếng ồn máy bay có ảnh hưởng rất lớn đến người dân và khả năng thiệt hại lớn về người nếu xảy ra tai nạn lúc máy bay hạ cất cánh. 

Hương Thủy
http://baotintuc.vn/kinh-te/xay-dung-san-bay-long-thanh-la-cang-hang-khong-quoc-te-lon-20150604221638687.htm



4.
Thứ Năm, 04/06/2015 15:13

Tán thành chủ trương xây sân bay Long Thành

Sáng 4/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự án đầu tư quan trọng này.

Báo cáo của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nêu rõ: Nước ta đang phát triển và hội nhập sâu rộng, có dân số đông, việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cấp bách và cần thiết, góp phần đưa nước ta hội nhập với sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới. Báo cáo cho biết nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực thành phố Hồ Chí Minh, hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc. 

Với nhu cầu vận tải tăng cao, năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã khai thác đạt công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm; đang được cải tạo, mở rộng để đạt công suất 25 triệu hành khách/năm. Với tình trạng khai thác hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị quá tải ở tất cả các công đoạn. Khi dự án này được phê duyệt thì giai đoạn 1 sớm nhất cũng phải đến năm 2022 mới hoàn thành. Dự kiến từ năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm. 

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Báo cáo phân tích rõ, theo tính toán, phương án nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 40 - 50 triệu hành khách/năm là không khả thi vì phải xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách công suất 15 - 2 5 triệu hành khách/năm; 01 đường hạ, cất cánh dài 4.000 m, rộng 60 m, cách tim đường hạ, cất cánh 25R/07L hiện hữu tối thiểu là 1.035 m về phía Bắc, cùng các công trình phụ trợ và hệ thống đường lăn kết nối. Tổng chi phí theo phương án này ước tính khoảng 9,1 tỷ USD, chưa kể chi phí quy hoạch, xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông khu vực quanh Cảng hàng không của Thành phố (khu vực các quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận); ảnh hưởng của bề mặt giới hạn chướng ngại vật của đường hạ, cất cánh mới đối với khu vực lân cận (tĩnh không) để đảm bảo an toàn cho hoạt động bay. 

Phương án cải tạo/mở rộng Sân bay quân sự Biên Hòa cũng không khả thi do chi phí đầu tư cải tạo lớn (7,5 tỷ USD cho công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm), bị nhiễm độc dioxin và đây là căn cứ quân sự then chốt trong hệ thống phòng thủ quốc gia. Việc khai thác các cảng hàng không khác (Cần Thơ, Liên Khương...) để giảm tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không phù hợp vì mỗi cảng hàng không có vai trò riêng trong từng khu vực kinh tế, phục vụ cho một thị trường hàng không nhất định. Vì vậy, cần sớm đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng không của khu vực này; việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp bách và cần thiết. 

Mục tiêu đầu tư xác định rõ: Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); với mục tiêu trước mắt khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. 

Dự án dự kiến phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Xây dựng 1 đường hạ cất cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5,2 tỷ USD; dự kiến triển khai trong giai đoạn 2018-2025 (phấn đấu hoàn thành sớm Dự án, khoảng năm 2022). Trong Giai đoạn 1 chỉ xây dựng 1 đường hạ, cất cánh do vẫn duy trì khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nên có thể hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong trường hợp khẩn nguy. Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ, cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm; dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2030-2035. Giai đoạn sau cùng: Hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm theo mục tiêu quy hoạch; dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2040-2050. 

Về tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Trong giai đoạn lập Báo cáo đầu tư ban đầu, giá trị khái toán cho cả Dự án được xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án của Nhật Bản, với giá trị là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng). Sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực (nhưng không làm thay đổi công nghệ, kỹ thuật chung của Dự án), giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng). 

Chính phủ cho biết, tổng mức đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án sau khi rà soát lại giảm khoảng 2,6 tỷ USD (tương đương 54.619 tỷ đồng) so với Báo cáo của Chính phủ tại Tờ trình số 360/TTr-CP và Báo cáo số 452/BC-CP, với các lý do chủ yếu: Điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư giảm từ 5.000 ha (toàn bộ diện tích quy hoạch) với kinh phí 989,04 triệu USD xuống còn 2.750 ha (cho diện tích đất dành cho hàng không dân dụng) với kinh phí còn 454 triệu USD (giảm 535,04 triệu USD). Giảm các hạng mục đầu tư do chỉ đầu tư 1 đường hạ, cất cánh Giai đoạn 1 và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư... 

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Tại phiên thảo luận sáng 4/6, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành phù hợp với quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành góp phần khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Theo đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) nếu chậm xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải mà không trở tay kịp. Đại biểu đề nghị “có thể làm sớm hơn chứ không chờ đến năm 2018-2025, bởi sự quá tải này đã hiện rõ, việc quá tải không chỉ là vấn đề nhà ga, sân đậu”. “Tôi cho rằng, chủ trương xây dựng sân bay Long Thành về giai đoạn 1, làm sao trước năm 2025 có một sân bay với công suất 25 triệu hàng khách/năm để cùng với sân bay Tân Sơn Nhất giải quyết cho vùng kinh tế trọng điểm này là một yêu cầu bức xúc.”- đại biểu đề xuất. 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề xuất: “dự kiến sân bay Long Thành sẽ bắt đầu được đưa vào khai thác năm 2025, trong khi dự báo năm 2017 thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bắt đầu quá tải, cần phải nghiên cứu khắc phục tình trạng quá tải giai đoạn 2017-2025. Do đó, đề nghị có thể khởi công dự án từ 2016, 2017 thay vì 2018 như dự kiến và thời gian hoàn thành giai đoạn 1 rút ngắn từ 8 năm xuống 5 hoặc 6 năm để sớm đưa dự án vào khai thác".

Về phương án giải phóng mặt bằng, theo quy hoạch được duyệt, diện tích đất dành cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha. Sau khi rà soát lại báo cáo đầu tư Dự án theo phương án phân kỳ đầu tư, nhu cầu sử dụng đất cho Dự án là 2.750 ha (chỉ tính diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của cảng hàng không), không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng (khoảng 1.050 ha) và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác (khoảng 1.200 ha). 

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, ngoài nhu cầu đất trực tiếp dùng cho Dự án, nhu cầu đất dành cho quốc phòng, đất dành cho xây dựng Ga hàng hóa, khu bảo trì tàu bay, trung tâm điều hành của hãng hàng không… cũng rất cần thiết, không nên tách rời Dự án và cần được thu hồi một lần để hạn chế việc tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau. Tuy nhiên vẫn còn các ý kiến khác đề nghị chỉ thu hồi đất riêng cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 2.750 ha, còn các quy hoạch dành cho quốc phòng an ninh, dịch vụ... sẽ được quản lý theo quy hoạch và thu hồi khi có quyết định đầu tư. 

Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vấn đề này sẽ được cân nhắc để báo cáo trước Quốc hội. Tại phiên thảo luận sáng 4/6, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tập trung quản lý công trình, tiến độ thi công, tránh làm thất thoát, lãng phí nguồn vốn. Liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, cần tránh tình trạng trục lợi, luồn lách và lợi ích nhóm của một số đối tượng. Một số ý kiến đề nghị làm rõ phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân có đất thu hồi. Nhiều ý kiến đề nghị việc quy hoạch, quản lý phải có tầm nhìn lâu dài, phải đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả kinh tế-xã hội và có tính cạnh tranh, có đánh giá về tác động môi trường; đồng thời cần có giải pháp về công nghệ kỹ thuật, đào tạo nhân lực để vận hành công trình khi đi vào sử dụng. Các ý kiến cũng cho rằng việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần được nghiên cứu để đảm bảo không cao hơn suất đầu tư các cảng hàng không khác trong khu vực. Các nội dung về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư và hình thức đầu tư; hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá tác động nợ công; lựa chọn công nghệ kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành... đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến cụ thể. 

Theo chương trình, chiều 4/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Quỳnh Hoa (TTXVN)

http://baotintuc.vn/chinh-tri/tan-thanh-chu-truong-xay-san-bay-long-thanh-20150604145505093.htm

3.

2.

1.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.