---
1.
A Rem, tộc người sống trong hang động xưa – Kỳ 1:
Người từ hang đá viễn xưa
Chủ Nhật, ngày 21/6/2015 - 13:59
LTS: A Rem, một tộc người nhỏ bé ẩn mình dưới những rặng núi đá vôi ở xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Dân số của tộc người anh em này chỉ hơn 400 người đủ biết họ mong manh như thế nào để sóng sót. Sâu bên trong trái tim mỗi cá nhân là ý chí bảo toàn nòi giống giữa thiên nhiên khắc nghiệt.
Hơn 50 năm trước, anh em A Rem bắt đầu được cán bộ đưa ra khỏi hang động. Nhưng tâm hồn của họ vẫn lưu lại với quá khứ của tổ tiên trong các hang đá sâu dưới khối núi Kẻ Bàng. Cặp vợ chồng Đinh Nê, Y Rú ở hang Khe Chim thấp, Khe Chim cao... là một điển hình. Họ mê mẫn với cái hang của họ. Những sinh hoạt trong hang phản ánh gần như đầy đủ đời sống xa xưa của tổ tiên họ giữa thời đại văn minh mà chúng tôi may mắn chứng kiến.
Tìm người giữa rừng xưa
Bản A Rem khiêm tốn dưới núi đá vôi hùng vĩ. Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch ông Nguyễn Chí Sĩ cùng 4 người A Rem khỏe chắc trực chỉ rừng thiêng sâu thẳm đi tìm ông bà “người rừng” Đinh Nê, Y Rú. Họ được cấp nhà ở bản. Nhưng đôi vợ chồng này vẫn thường khép cửa vào hang để ở. Họ xem đó là phong tục cổ xưa cần phải gìn giữ.
Hàng chục hang đá chúng tôi đi qua đều có dấu vết con người A Rem xưa từng ở với những vết khói ám muội.
Những người A Rem đi trong đoàn kể, ông bà Đinh Nê có hang chính ở suối Khe Chim, còn khoảng chục hang đá khác họ cũng lấy làm nơi tá túc giữa rừng khi đêm xuống mà không về được hang chính.
Con đường đi xuống Khe Chim quả là một con dốc đi mãi như bất tận khi chúng tôi phải lội bộ xuống hơn hai giờ đồng hồ. Xuống Khe Chim nói đường cho oai, nó là lối mòn rất nhỏ của thú rừng đi rồi người A Rem dẫm lên đó thành lối đi của họ. Có những đoạn dốc như dựng đứng, có những đoạn dốc cua ngoặt, bước xuống không cẩn thận dễ khụy chân. Nhiều đoạn men bên vách núi dựng đứng, còn bên kia là vực sâu thẳm mà bản địa đặt tên Vực Chông, bởi dưới đó nhiều đá tai mèo nhọn hoắt.
Đi miết giữa rừng rậm, rồi ánh nắng mặt trời cũng vỡ òa, suối Khe Chim ập đến, tiếng nước chảy trong lành, kỳ thú. Đấy là một thế giới khác. Hai bên suối là vách đá hùng vĩ, rừng xanh lút mắt. Nơi chốn đó, người A Rem cũng thích thú chứ không riêng gì khách bên ngoài lạc lối như chúng tôi.
Người đến từ hang xưa
Đinh Rầu, người già nhất đoàn xuống trước. Ông chỉ tay lên hang Khe Chim thấp rồi nói: “Ông bà Đinh Nê ở trong đó”. Chúng tôi háo hức vượt suối, vượt cợp đá tai mèo theo lối mòn đi lên. Hang có hai cửa. Sự háo hức như bị dập tắt khi có thông báo, ông bà không có ở đây.
Hang Khe Chim thấp đã tắt lửa.
Ở hang Khe Chim thấp, một bếp lửa đã tàn khói, một chút lưới bắt cá đã khô. Chứng tỏ chủ hang đã mấy ngày không về, theo Đinh Cu xem xét.
Ngước cổ lên vách đá cao chót vót khoảng 200m so với mặt suối, Đinh Rầu chỉ tay lên, trên đỉnh có hang Khe Chim cao, đó là hang chính của ông bà Đinh Nê.
Mọi người cùng men theo lối mòn nhỏ rướn người đi lên. Khoảng 20 phút lên đến hang đá, một cái hang rất rộng, cổ xưa nhuốm màu hun khói. Đinh Rầu vào trước, thì ra ông bà mới đi rừng lấy mật ong về.
Thấy có người lạ, Y Rú và Đinh Nên trốn vào ngách hang bên trong như không muốn gặp. Mọi người thuyết phục ông bà ra nói chuyện. Họ rón rén đến, khi máy chụp hình đưa lên, ông bà quay lưng vì sợ. Thuyết phục mãi, cả hai đều nhút nhát trước ống kính sâu đen hun hút. Ghi hình bất thành.
Hang Khe Chim cao nơi ông bà Đinh Nê thường xuyên ở với vật dụng đầy đủ cho cuộc sống căn bản.
Hang Khe Chim cao có đầy đủ vật dụng cho ông bà Đinh Nê sinh tồn giữa núi rừng hẻo lánh. Có một chiếc cối gỗ, hai cái chày dùng giã gạo nương hoặc làm món Pồi từ cây báng đều do Đinh Nê tự tay làm.
Bên trên ngách cao Y Rú thiết kế một cái sạp treo lơ lửng, nơi đó dùng cất các hạt giống là ngô và sắn để làm rẫy nhỏ dưới chân núi. Cả hai chỉ chịu nói chuyện khi chúng tôi cất máy ảnh.
Họ cho biết ở hang đã hàng chục năm, từ khi nhỏ. Lúc ra bản có nhà họ cũng thích, nhưng bên trong trái tim của họ, phần lớn suy nghĩ đều nhớ hang nên cả hai vào đây ở như cách giữ gìn tục lệ của A Rem cổ xưa.
Không gian hang động ông bà ở rộng như căn nhà lớn. Được quét dọn sạch sẽ, nồi niêu méo mó. Cái sạp ngoài đựng hạt giống còn là nơi để ông bà ngủ vào mùa lũ.
Cái sạp để hạt giống và ở chạy lũ mùa đông.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, vì sao hang đá Khe Chim cao cách mặt suối gần 200m mà lũ vẫn vùi đến? Ông Sỹ giải thích: “Lũ ở đây lớn lắm, nước chảy không kịp, suối dâng, nước vượt núi này là bình thường nên họ phải ở cao như thế để tránh lũ. Mùa hè, ông bà thường xuống hang Khe Chim thấp cho gần nguồn nước. Ở cao như thế cũng là tránh thú dữ”.
Thiếu muối, giải quyết như thế nào? Đinh Rầu cầm gói muối i ốt lên và nói: “Bây giờ xã phát muối cho bà con. Phần ông bà cũng có. Có khi phát ông bà về bản đúng ngày thì lấy luôn. Còn không thì dân bản nhận, rồi đi rừng đưa vào cho ông bà. Trước đây tổ tiên mình không có muối thì dùng cỏ tranh đốt lên, lấy than cỏ tranh làm muối”.
Mối tình nối dây
Đinh Nê và Y Rú là hai vợ chồng biểu tượng của tập tục nối dây trong tộc người anh em A Rem. Chồng Y Rú là một người đàn ông đã mất, anh trai của Đinh Nê, tên là Đinh Đe. Năm 1994, Đinh Đe mất, ba năm sau Đinh Nê làm chồng Y Rú theo thủ tục nối dây của bản. Lúc đó Y Rú có 7 người con, nay đã lớn khôn và có gia thất.
Y Rú được nói đã gần 80 tuổi nhưng leo núi, vượt đá tai mèo vẫn còn vững chắc. Đinh Nê kém hơn, hiện 60 tuổi. Giữa họ có tình cảm chắc như cây lim, bền như dây mây rừng. Đặc biệt, Y Rú thường hay ghen mỗi khi Đinh Nê về bản.
Ông Sỹ kể: “Cũng vì ông Nê to lớn nên nhiều phụ nữ trong bản rất ưng, còn Y Rú đã già, tóc bạc nên hay ghen giận. Ông Nê về bản mà lâu ngày không ra hang bà Rú lại giận, lại ghen”. Thế nên rất ít khi Y Rú để Đinh Nê về bản một mình. Mỗi lần có việc, cả hai cùng rời hang, mặc dù Y Rú rất thích tổ ấm hang đá nhưng người chồng thua mình 20 tuổi đi đâu, Y Rú phải theo sát chân.
Mỗi bận về bản, Đinh Nê vẫn được bạn bè anh em dân bản mời rượu. Ông say và ngủ đâu đó bên vệ rừng. Bà Rú đợi mãi trong căn nhà nhỏ giữa bản. Nhiều lúc như thế, phòng của ông Sỹ ở xã bị đập cửa sầm sập: “Y Rú đập cửa nhiều lần, mình mở cửa, Y Rú nói bắt đền xã, vì răng để chồng mình nó đi đâu mất. Ý bà nói là để o nào bắt Đinh Nê rồi. Tui phải giải thích, Y Rú cứ về đi, ông Nê chắc say, ngủ đâu đó. Bà không về, tui dẫn bà đi tìm. Có khi ông Nê ngủ bên rừng, có khi ông ngủ dưới sàn nhà, có khi ông ngủ lại nhà bạn bè. Khi Y Rú tìm thấy chồng, bà thường hay xin lỗi; mình xin lỗi xã vì mình nghĩ sai”-ông Sỹ tâm sự. Và mỗi lần “nghĩ sai” như thế, hôm sau Y Rú tìm ra trung tâm xã, tặng cán bộ mớ quả rừng, nói: “Cho mẹ xin lỗi nghe, cho mẹ xin lỗi nghe”. |
MINH QUÊ
http://phapluattp.vn/ho-so-phong-su/nguoi-tu-hang-da-vien-xua-564058.html2.
A Rem, tộc người sống trong hang động xưa - Kỳ 2:
Kỳ lạ trò chơi chọi đá của người A Rem
Chủ Nhật, ngày 21/6/2015 - 18:30
(PLO) - Quê hương của người A Rem (Bố Trạch, Quảng Bình) có suối thiêng làm lễ xuống nước. Nơi đó có trò chơi chọi đá kỳ lạ cũng như truyền kỳ về cách lấy ong độc đáo đến phi phàm.
Những chiếc lá trên tay người A Rem trở thành thuốc thang kỳ diệu.
Trịnh trọng vạn vật rừng xanh
A Rem theo lý giải của nhiều người và thậm chí trong sách vở của các nhà nghiên cứu có nghĩa là mái đá hoặc rèm đá. Họ luận rằng, rèm đá, mái đá ấy là nơi mà tộc người anh em này ở và định danh họ là người A Rem-người từ mái đá hoặc rèm đá. Nhưng có đồng hành với họ trong rừng mới biết đó chưa phải là nghĩa đúng nhất.
Từ cổ xưa mà Đinh Rầu giải thích: Rem là hang đá hoặc mái đá. Còn chữ A, nó có nghĩa gì? Chúng tôi quan sát, từ các sự vật hiện tượng hữu danh mà tộc người này gọi tên đều có chữ A đầu tiên. Như chỉ cây cối đều có chữ A đứng đầu.
Cây thuốc, họ đặt tên A Sing The, hay cây dùng nấu nước uống, nó được gọi tên A Roang Plài, con cá nhỏ như ngón tay hoặc to hơn một chút là sản vật rất ngon của suối rừng nơi đây nó được trịnh trọng đặt tên A Piu.
Một đêm nghỉ ngơi giữa rừng, qua trò chuyện với già Đinh Rầu, một người thông thái nhất A Rem thì chữ A như một thể hiện chính danh sự vật. Đó là sự trịnh trọng mà người A Rem muốn dành lòng biết ơn của họ cho các loài cây, mái núi, con cá, con chim, thú hoang...để đặt tên. Tất cả đều có sự biết ơn, tôn trọng ngang nhau. Và trong suy nghĩ, người A Rem cũng có sự biết ơn đó với vạn vật núi rừng mà họ thông minh đặt mình ngang với các loài A khác trong thế giới quan của họ.
Xuống suối, họ vục nước một hồi đã có ốc khe, cá piu.
Thế nên khi dẫn chúng tôi xuống suối thiêng ở vực Klong Krai, Klong Kriu...Đinh Rầu làm một lễ cầu khấn thần rừng, ma núi, mẹ suối, thần nước. Mỗi câu khấn của Đinh Rầu bằng tiếng A Rem đều có chữ A đứng đầu. Không phải có khách lạ đặt chân đến suối thiêng Đinh Rầu mới khấn, mà mỗi lần xuống suối người thông thái này đều khấn như thế. Ông Rầu nói: “Lấy một con ốc suối, một con cá, một cành cây làm thuốc, hay một củ rừng, quả cây...thì đều phải biết ơn tự nhiên. Núi rừng cho tất cả. Khổ cực cũng núi rừng, cái ăn cũng núi rừng, cái sống cũng núi rừng, nước uống cũng núi rừng, chết đi cũng núi rừng che chở. Tất cả đều nhờ núi rừng nên phải biết ơn núi rừng. Cha ông mình đã dạy như thế".
Lễ xuống nước và trò chơi suối thiêng
Từ tháng 6 đến tháng 7 khi mùa rẫy chín đã thu hoạch xong, người A Rem có một hội hè bản địa. Lễ xuống nước, nơi con suối mà Đinh Rầu khấn vái, đó là dòng suối chảy hàng chục cây số từ biên giới Việt-Lào.
Ngọn suối đó mỗi đoạn có một cái tên khác nhau. Có đoạn được gọi là Kalong Ktúi, có đoạn gọi Kalong Kriu, có nơi gọi là Khe Chim rộng, có đoạn xướng danh Cợp Pộng, đều do những già làng xa xưa của người anh em A Rem đặt tên.
Bệ đá dùng làm trò chơi của thanh niên ở Rục Cà Roòng.
Nhưng đoạn suối thiêng nhất, ấy là khu suối Rục Cà Roòng. Nơi đó có cái hang ba cửa, tương truyền, người A Rem xa xưa thường họp lại để bàn việc nương rẫy, săn bắt, hái lượm trong một năm. Rục, có nghĩa là vũng nước sâu, Cà Roòng được giải thích đại để là sơn thủy đẹp. Và đúng, khu vực Rục Cà Roòng là nơi hội tụ sản vật của người A Rem. Từ thảo quả để ăn hay lá cây nấu canh, hoặc nấu nước, rễ cây hai bên suối cho cách chống đau bụng, một số thứ lá Đinh Rầu giải thích nhuận gan, lợi mật...
Lễ xuống nước dọc con suối chúng tôi đi qua rằng, ở trên bản xa, cứ một lần có ba bốn hộ gia đình A Rem xuống ở dưới hang đá hoặc dựng lều ven suối. Ở đó họ sinh hoạt như một mái nhà. Các gia đình dựng trại gần nhau, chồng lo việc lớn hoặc uống rượu đoác làm từ cây rừng, vợ xuống suối mò ốc, bắt cá chuẩn bị bữa. Mỗi lễ xuống nước như thế khoảng hai tuần rồi trở lại bản. Ông Sỹ cho hay, xuống đó mát, nước suối không sắc lạnh mà ấm nên các vợ chồng trẻ A Rem trở lại bản thì cũng là lúc mang thai và khi sinh nở, các phụ nữ A Rem đều sinh gần kề nhau vì họ làm lễ xuống nước cùng nhau.
Trò chơi của người A Rem, chọi đá.
Có một nơi phụ nữ A Rem không được đến đó khi lễ xuống nước được tổ chức; Rục Cà Roòng, nơi đó chỉ dành cho người cao tuổi A Rem nói chuyện, bọn con trai thả lưới bắt cá phục vụ bữa cho những người uy tín của dân bản. Và ở khúc suối này, thanh niên A Rem có một trò chơi dân gian bản địa độc đáo. Đinh Rầu lặn xuống suối, đưa một viên đá cuội như con lợn con dựng trên phiến đá bên kia suối, trong khi chờ đợi người già bàn luận việc, thanh niên thi nhau kiếm từng hòn đá cuội tròn như quả trứng gà chọi đổ các viên đá đã dựng lên. Mỗi lần chọi được phép ba quả, hết ba quả mà viên đá lớn không đổ phải nhường cho người khác. Người chọi đổ đá, được thưởng ngụm rượu đoác thơm lừng từ nước cây báng lên men bằng vỏ cây bí truyền của người A Rem tìm kiếm.
"Huyền thoại" ăn ong
Một cây rừng có tổ ong được người A Rem thắt dây leo để ăn ong theo cách cổ xưa.
Nhóm chúng tôi đi có 4 anh em A Rem bậc thầy về sinh tồn nhưng giỏi nhất là nghề ăn ong rừng mà không một tộc người nào có thể sánh bằng.
Họ đi tìm tổ ong và lấy mật mà trong tay chỉ một cây dao và ít bùi nhùi hun khói. Có những người như Đinh Rầu lại để cho ong đốt mà không cần đến khói xua ong. Chỉ ít dây rừng họ vắt qua cây cổ thụ rất to, rồi leo lên, dùng tay không lấy ong bỏ vào rá bện từ tre nứa, lót thêm lá chuối xanh, sau đó thòng xuống cho người dưới đất thu lượm. Đấy là những tổ ong trên cây cao. Còn ong làm tổ trên vách đá, người A Rem lại leo lên đỉnh núi, dùng dây rừng bện lại thật chắc, thòng xuống đến chừng chạm quá tổ ong một chút, họ theo dây rừng tuột xuống lần hồi, dùng tay và dao cắt từng mảng mật ong đặc quánh một cách bình tĩnh trong khi đàn ong bu lấy và đốt chi chít khắp người. Đinh Rầu kể: “Mình bắt tay không, ong đốt mặc kệ. Đau thì có đau nhưng quen rồi nên không sợ. Bọn thanh niên mới đi lấy lần đầu thường bị sưng khắp người một tuần rồi quen. Đến lần thứ hai chúng chẳng bị đau đớn gì”.
Chúng tôi xem nhiều tộc người đi bắt ong ở rừng xanh. Và không ngoa khi nhận định, anh em A Rem bắt ong gan dạ với cách thức giản đơn mà không một tộc người xung quanh nào có thể so sánh. Họ ở nép mình dưới núi đá vôi, có phần nhút nhát, thế nhưng, danh tiếng ăn ong của họ đến nỗi đồng bào Pa Cô phía huyện miền núi A Lưới cũng biết mà ra thuê họ vào ăn ong ở vùng biên giới Việt-Lào (Thừa Thiên Huế).
Đinh Cu đi trong đoàn kể: “Đấy là một cái cây đến 300 tổ ong và một cái cây hơn 200 tổ ong mà người Pa Cô ở A Lưới thuê vô để bắt. Họ không bắt được vì cây quá cao, sợ ngã, không leo trèo bằng dây như dân A Rem mình. Họ nói đưa được mật ong xuống thì chia đều nhau, không ai hơn ai”.
Đó là chuyến đi của đầu mùa hè năm 2013. Đinh Cu cùng nhóm 9 người A Rem thu tiền triệu về mua cơm gạo, thức ăn cho vợ con, dân bản. Chuyến đi đó người Pa Cô khâm phục họ vì cây khổng lồ như thế, họ sống trên đó cả tuần, ong đốt vô thiên lủng mà không ai hề hấn gì.
Cách họ lấy ong cũng tôn trọng với núi rừng tự nhiên, một cái tổ mật họ chỉ lấy 2/3, số còn lại theo Đinh Tân: “Để con nhộng và một phần mật lại trên tổ cho chúng sinh sôi, năm sau lại có tổ mới mà lấy mật”. Trong trường hợp ong rời tổ bay đi thì số nhộng nở ra cũng làm tổ trong rừng rậm lãnh thổ người A Rem, dân bản đều hưởng lợi.
Đinh Rầu còn kể: “Dân mình ai tìm ra tổ thì khắc dấu hiệu của mình lên cây có tổ ong, người đến sau không bao giờ phạm vào”. Đấy là cách người A Rem tôn trọng nhau, không xâm phạm của nhau dù trong con mắt người bên ngoài, cuộc sống của họ còn khó nghèo.
Người A Rem đối xử căn nhà của mình như cách ứng xử trong hang đá xưa |
MINH QUÊ
http://phapluattp.vn/ho-so-phong-su/ky-la-tro-choi-choi-da-cua-nguoi-a-rem-564060.html3.
A Rem, tộc người sống trong hang động xưa – Kỳ cuối:
Xe máy không bánh của người A Rem
Thứ Hai, ngày 22/6/2015 - 09:00
Trong hành trình đi với người A Rem giữa rừng rậm khắc nghiệt, họ trổ các tài hoạt bát của mình. Nhưng khi về với trung tâm xã Tân Trạch, những người đàn ông nói đi trên đường bằng như sợ ngã. Họ về với văn minh như thu mình lại. Nhưng thanh niên mới lớn có vẻ hội nhập tốt với xe máy, điện thoại, phim ảnh...
Quê hương của người A Rem xanh tươi trong khắc nghiệt.
Tiếng buồn dưới chân bằng
Con đường từ Rục Cà Roòng trở về bản phải đi qua những ngọn núi cao, lối lên có đoạn dựng đứng. Thấy chúng tôi chuẩn bị những chai nước từ bờ suối, Đinh Rầu khoát tay: “Không cần đâu. Mang vác nặng, nhiều nước dễ mệt”. Nghe lời ông, không ai mang nước thêm.
Đi từng đoạn dốc hiểm trở vượt mặt chừng đến kỳ khát, Đinh Rầu, Đinh Lâm, Đinh Khinh...rẻ vào vạt rừng tối om, chặt một lúc rồi đưa ra mớ dây rừng to như cổ tay, phát mỗi người một khúc, bảo uống cho đã. Thấy khách lúng túng, Đinh Rầu dốc ngược lên, ngửa mặt ra, dòng nước từ dây leo chảy mạnh vào vòm họng. Chúng tôi làm theo, ngon ngọt, mát đến kỳ lạ. Ngon là vị thảo dược trong dây leo, ngọt cũng là vì cây cối có lượng đường tự nhiên, mát là chúng nằm trong tán rừng rậm.
Đinh Rầu hướng dẫn cách lấy nước từ cây rừng.
Nhiều đoạn núi đầy dây rừng có vị khoai hoặc vị lúa chín, có những đoạn dây chặt ra có mùi của dâu, có khi nghe vị chát mặn mòi. Tất cả chúng tôi đều được giải thích và cách nhận biết cơ bản nhất những loại dây leo lành tính, không độc, uống vào không chỉ giải khát mà còn tốt cho sức khỏe.
Lội ngược núi nhiều giờ liền cũng về trung tâm xã. Quả thực thấy bóng người dân bản chúng tôi khá vui. Nhưng những người dẫn đường nói một câu rất chưng hửng: “Về bản buồn bác ạ”. Trong bản có đầy đủ đi lại, quán sá, gạo cơm, trường học, y tế...sao lại buồn? Đinh Lâm trả lời: “Ít nước. Cả bản chỉ một cái giếng khoan, có khi nước vui thì nó lên nhiều, nước buồn thì nó không lên, nhiều người cả tháng không tắm. Về dưới đó có suối, tiếng nước chảy nghe vui, thích, tắm lúc nào cũng được”.
Người A Rem nếu xa nguồn nước, họ khó khăn trong cả cách nói năng chứ chưa nói về lao động. Xuống được suối của họ, mọi người ai nấy hoạt bát. Nay nghe câu chuyện đó, chúng tôi bất giác nhìn những trường học, trạm xá...hiện đại mà thấy buồn dưới chân đất bằng.
A Rem giữa văn minh
Qua thế kỷ 21 đã 15 năm, những viễn xưa của người A Rem vẫn còn bảo lưu trong máu thịt của họ. Nhưng nền văn minh hiện đại cũng nhen nhóm trong giới trẻ tộc người này.
Có hai thứ hiện diện rõ. Xe máy và điện thoại. Cả bản có hơn 10 chiếc xe máy nhưng không ai có bằng lái. Nó chỉ chạy vòng quanh trong bản. Hai năm trước xe chạy được trên đường, nhưng bây giờ chỉ còn một vài chiếc cọc cạch với khói đen kịt chói tai.
Đinh Đu, một người già trong bản giải thích: “Bọn thanh niên thích xe máy lắm. Chúng mua lại xe cũ của người dưới xuôi. Chạy hết xăng, không còn tiền cho nó uống xăng thì vứt dưới sàn. Ai có tiền đổ xăng thì chủ cho mượn đi thoải mái trong bản”.
Xe máy của người A Rem.
Ông Nguyễn Chí Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã nói thêm: “Người A Rem có xe máy là trận lũ lịch sử năm 2010 làm một số con suối bị xới tung đáy, gỗ huê trồi lên sau lũ, họ được huê, bán tiền triệu rồi mua xe máy”.
Dưới căn nhà sàn của Đinh Niu có ba chiếc xe máy bị lột bánh sau, hỏi ra mới biết xe nào trong bản bị hỏng ít thì tháo xe hỏng nhiều lắp vào để đi. Chiếc xe máy hiện không còn sở hữu của riêng ai, trở thành của chung. Chạy cho đến kỳ hỏng máy, lột biên, khô dầu, bánh xẹp lép, xích đứt, điện hỏng...thì để dưới mái nhà sàn, không cần để mắt đến. Và ai cũng dần quên đã từng chạy xe máy, rú ga rồ rồ khắp bản.
Việc hiện đại thứ hai mà anh em A Rem có là những chiếc điện thoại bàn phím, màn hình màu có chụp ảnh, nghe nhạc và video clip. Nhưng như Đinh Khinh, có điện thoại không phải dùng để gọi bởi anh không có bạn bè miền xuôi. Còn trong bản, liên lạc với ai thì ... đi bộ vẫn nhanh hơn vì cột sóng ở trung tâm xã khi được khi mất mà không phải ai cũng có điện thoại như Đinh Khinh.
Đinh Khinh đi đâu cũng có điện thoại để nghe nhạc.
Trong chuyến hành trình rừng rậm, Đinh Khinh luôn mang điện thoại bên mình để nghe nhạc. Ở vùng này không có điện, Khinh và thanh niên A Rem chế ra cách xạc pin điện thoại bằng lấy nguồn từ 4 hoặc 8 viên pin con thỏ. Đấy là bộ xạc điện hữu dụng của thanh niên ở đây. Khi pin điện thoại bị chai, không tiếp nguồn được, thanh niên A Rem lại bắt nguồn trực tiếp từ pin con thỏ vào máy để dùng.
*******************
Chuyến đi của chúng tôi cũng vượt qua hàng chục hang động ở quê hương anh em A Rem. Đấy là hệ thống hang động như hang Cổng Trời, hang Klung Klang, hang Đại Cáo...tất cả đều hùng vĩ với vẻ đẹp lạ thường.
Có một số hang động chúng tôi chỉ được phép đứng ngoài cửa hang, bên trong còn đồ xưa của tổ tiên A Rem, có những hang bí mật với chum sành từ thời xa lắc, chỉ phép nhìn qua, không được ghi hình. Phải chắc chắn tôn trọng phép ứng xử của cuộc đi do người anh em ở đây đặt định mới có thể vào vùng đất thiêng của họ. Miền viễn xưa A Rem thật sự tuyệt vời và cuốn hút. Cách sinh tồn cũng như hiếu khách đã cho chúng tôi nhận thức rất khác về tộc người này. Họ thật sự không ỷ lại mà cần cù, chất phác, thông minh, dí dỏm. Biết bảo vệ tự nhiên một cách tự tin và hào sảng, không toan tính thiệt hơn.
Khu rừng sưa bí mật
Vườn sưa rậm rạp của người A Rem.
Chúng tôi được dẫn đến một khu rừng mà anh em A Rem ai cũng biết, với người lạ, nơi đó rất bí mật. Phải thuyết phục lâu lắm mới được cho qua. Đó là một khu rừng sưa xanh mướt, trồng đã nhiều năm, không ít cây to chắc, giá hàng chục triệu mỗi cây nhưng chưa được bán. Bởi người A Rem đang muốn bảo vệ cho rừng sưa hơn 8ha này phát triển tốt hơn để nhớ ơn cán bộ dưới xuôi đã dày công sưu tầm sưa về cho họ.
Đinh Rầu kể: “Đó là những cán bộ vì dân bản. Thấy dân bản đói kém, khó khăn, họ muốn trồng thứ cây này để đồng bào sau này thiếu thốn thì bán dần cành, nhánh hoặc cả cây để có gạo, có cơm, có ấm no”.
Vùng A Rem, xưa từng là thủ phủ cửa sưa xứ Đông Dương. Sưa ở đây tốt hàng đầu ở rặng Trường Sơn vì mọc trên núi đá. Nhưng nó đã bị khai thác cạn kiệt nên 8ha rừng sưa của người A Rem như báu vật. Vì thế nó được canh giữ cẩn thận, dân bản chia từng gia đình giữ sưa mỗi ngày. Tất cả sưa ở đây đều đã chia cho các hộ dân, mỗi gia đình có trách nhiệm chăm sóc từng gốc sưa, vệ sinh cây cỏ.
Chúng tôi chưa bao giờ ở dưới tán một rừng sưa thuần chủng tiền tỷ như thế. Mỗi năm đi qua, giá trị rừng sưa này được nhân lên rất nhiều lần. Bởi đất nó sống là quê hương xa xưa của gỗ sưa, nơi hòa trộn những khắc nghiệt được đẩy tới giới hạn về khí hậu, đất đai trên đá vôi.
Chúng tôi được phép chụp ảnh rừng sưa khi Đinh Rầu đồng ý với điều kiện không được chụp lối mòn dẫn đến khu rừng hiếm có này. Bởi việc tiết lộ nơi nào, rừng sưa khó có thể bảo toàn. Bí mật như thế mà người A Rem từng bị trộm hai cây sưa cả trăm triệu. Mọi người tiếc đứt ruột. Nên bây giờ, trước mắt chúng tôi, họ vẫn cảnh giác giữ cho kỳ được không lọt nhiều hình ảnh vào ống kính.
|
MINH QUÊ
http://phapluattp.vn/ho-so-phong-su/xe-may-khong-banh-cua-nguoi-a-rem-564069.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.