Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/05/2015

Văn nghệ Thứ Bảy : ai là cha đẻ của Nguyễn Văn Bé (1941 - 2002) ?

Ngôi trường mang tên Nguyễn Văn Bé ở Tp. Hồ Chí Minh có ghi tiểu sử về người anh hùng này. Trong đó, năm sinh và năm mất được ghi như sau:

"(Sinh ngày 3/2/1941-Từ trần ngày 24/03/2002)"

Dần dần, rồi sẽ kể chuyện Nguyễn Văn Bé, qua chính kinh nghiệm của tôi.





Ai là cha đẻ của Nguyễn Văn Bé ?

1. Có thể tạm trả lời: đó chính là nhà văn Nguyễn Sáng.

2. Thật vậy. Nguyễn Sáng là cha đẻ của "Nguyễn Văn Bé".

Đây là cuốn sách tôi đã thấy từ hồi đi học cấp 1 hay cấp 2 gì đó. Có người còn chép cả quyển này vào số tay (ngày xưa không có máy phô-tô, nên chỉ có chép lại thôi).

Bây giờ lục lại thư mục thì biết: đó là sách mỏng, do nhà xuất bản Thanh Niên in lần đầu vào năm 1967. Có chân dung anh Nguyễn Văn Bé ở trong đó.

Nguyên tiêu đề của sách là: "Nguyễn Văn Bé : Truyện ký, từ miền Nam gửi".

Nguyễn Sáng thì là bút danh của Nguyễn Quang Sáng. Ông đã từ trần năm 2014. Không thấy người ta kê cuốn sách trên trong gia tài của ông (xem ở dưới).






---
TƯ LIỆU




3. Bài của đại ca Nguyễn Sĩ Đại trên Nhân Dân:




Chủ nhật, 16/02/2014 - 02:26 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (bên trái) trao đổi với bạn đọc trẻ về truyện tranh.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (bên trái) trao đổi với bạn đọc trẻ về truyện tranh.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau khi hưởng trọn cái Tết lần thứ 82 của mình, đã chọn đêm trước hôm rằm - Rằm tháng Giêng Giáp Ngọ để nhẹ bước tiên du vào miền tịch diệt.
Trong nỗi đau buồn gần như đến tận cùng, con trai nhà văn, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng viết: "Kết thúc một chặng đường. Ba tôi - nhà văn Nguyễn Quang Sáng - đã chia tay gia đình tôi. Ba đến nơi gặp những bạn bè thân - chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc... Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba! Cảm ơn thượng đế cho con được là con của ba".
Người ta nói "cái quan định luận", nghĩa là đóng nắp quan tài xong mới có thể bàn được về người đó. Song, với nhiều người có thể "định luận" ngay khi còn sống. Với hàng chục truyện ngắn và tiểu thuyết, hàng chục kịch bản điện ảnh đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt hai - 2000), ông được đánh giá là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Riêng tôi muốn gọi ông là "Nhà văn Nam Bộ" không chỉ bởi tác phẩm của ông lấy bối cảnh Nam Bộ, giọng điệu Nam Bộ, "không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền nào cũng được - Tô Hoài", mà các tác phẩm ấy còn mang đậm tính cách Nam Bộ: đã yêu thích cái gì, tin tưởng cái gì, thì tin, yêu đến tận cùng.
Tôi được gặp Nguyễn Quang Sáng không nhiều, chủ yếu trong các kỳ đại hội (ÐH) Hội Nhà văn. Trước đây, tôi thường đứng xa xa với thái độ "kính nhi viễn chi", có hỏi han điều gì cũng thưa gửi rón rén nên ông cũng không cởi mở nhiều. Tính ông càng về già càng lặng lẽ. Nhưng trong kỳ ÐH VIII Hội Nhà văn Việt Nam (2010) tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông bỗng gần gũi hơn. Hai chú cháu còn chụp ảnh chung với nhau, nói chuyện nhiều hơn về người và nghề cầm bút. Nghe tin ông mất, hình ảnh một già Sáng đeo túi chéo, chầm chậm, lặng lẽ dọc hành lang hội trường, đôi mắt đắm ướt tình người bỗng long lanh khi gặp ai đó nhưng rồi cũng bất chợt xa xăm lại hiện lên trong tôi một cách rõ rệt, nao lòng! Tôi tự trách mình đã thật khờ khạo khi không biết cách gần ông thêm nữa, để được nghe từ ông những điều không dễ có trong đời. Mỗi nghệ sĩ lớn là một thế giới kỳ diệu, độc đáo. Tác phẩm của họ làm giàu hồn ta; gần bên họ được sáng trí ta. Tôi đã được gặp nhiều nghệ sĩ lớn, đã được bước trong những thế giới kỳ diệu đó, mà khi họ còn sống, đâu đã biết hết giá trị, nên bây giờ tiếc nuối khôn nguôi. Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Nguyên Hồng, Nguyễn Ðình Thi, Nguyễn Tuân, Lưu Quang Vũ, Hữu Loan, Phạm Tiến Duật, Hoàng Cầm... Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, cái họ mang đi còn nhiều hơn rất nhiều cái họ để lại cho đời!
Nguyễn Quang Sáng (từng lấy bút danh là Nguyễn Sáng, sau để tránh trùng tên với danh họa Nguyễn Sáng nên lại dùng tên Nguyễn Quang Sáng), cầm bút từ năm 1952. Truyện ngắn đầu tiên được in là Con chim vàng (Báo Văn nghệ, 1956), và trở thành hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Năm 1959, ông giật hai giải truyện ngắn Ông Năm Hạng của Báo Thống Nhất và Tư Quắn của Văn nghệ quân đội. Ấn tượng nhất trong thời kỳ đầu ấy là Ðất lửa, cuốn tiểu thuyết đậm chất Nam Bộ và chất điện ảnh viết về quê hương ông những ngày chống Pháp. Các giải thưởng khác là Mùa gió chướng (Kịch bản phim, Bông sen bạc Liên hoan phim (LHP) toàn quốc 1980); Cánh đồng hoang (Kịch bản phim, Bông sen vàng LHP toàn quốc 1980, Huy chương vàng LHP quốc tế Mát-xcơ-va 1981); Dòng sông thơ ấu (Giải thưởng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (HNV) 1985); Con mèo của Fujita (Giải thưởng HNV 1993)...
Viết trong Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (2007), Nguyễn Quang Sáng tự vấn rằng, mình có nhiều chục năm cầm bút, nhiều giải thưởng nhưng vẫn luôn tự hỏi "mình đã thật là nhà văn hay chưa"? Ðó là một tự vấn nghiêm khắc và ông nói rằng, bằng tác phẩm, ông đã, đang và sẽ trả lời điều đó.
Ông đã là nhà văn hay chưa? Xin thưa với hương hồn ông, chỉ với Chiếc lược ngà và Cánh đồng hoang, ông đã là một nhà văn lớn, ảnh hưởng của ông đã vượt khỏi biên giới nước nhà. Chiếc lược ngà được viết năm 1966, nhanh chóng được đưa vào giáo khoa và làm xúc động bao thế hệ học trò. Cánh đồng hoang (công chiếu lần đầu ngày 30-4-1979) với kịch bản của Nguyễn Quang Sáng, với đạo diễn tài năng Hồng Sến, âm nhạc Trịnh Công Sơn, diễn viên Lâm Tới, Thúy An, đã trở thành bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.
Có người nói Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam Bộ biết kể chuyện một cách giản dị và xúc động. Tôi đặc biệt thích lối văn kể chuyện giản dị ấy mà chỉ người dân thường hoặc tài năng lớn mới có thể làm được. Nhưng những chi tiết đắt giá, sự bất ngờ dồn dập, sự khái quát thần diệu, chất điện ảnh và đặc trưng Nam Bộ đến từng dáng điệu, lời thoại là những đặc điểm khác làm nên phong cách của Nguyễn Quang Sáng.
Tôi đã học được ở ông những bài học văn chương quý giá. Trong nhiều bàn trà cũng như trong diễn đàn chính thức, Nguyễn Quang Sáng là người đồng tình với quan điểm, nghệ thuật muốn có "tính" gì cũng được, nhưng phải có "tính hay". Ông không phản đối các nhà lý luận khi nói về chân, thiện, mỹ; về chuyện đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc nhưng lại có cách nghĩ riêng rất thú vị. Theo ông, nhà văn nước ngoài không viết theo nhu cầu của bạn đọc Việt Nam nhưng ta đọc vẫn thấy hay. Văn chương có ba ràng buộc, cũng là ba phẩm chất: Buồn - Ðau và Ðẹp. Làm thế nào để hay? Ông nói, tác phẩm như lời ru của lòng mẹ, cứ thế mà hay. Ông nói thêm, phải viết cái gì thật tự nhiên, thật sâu trong lòng mình, viết cái mình rành thì trúng, cái mình không rành thì trật, trước sau gì cũng hỏng.
Theo cách nghĩ học trò, có lần tôi từng hỏi ông về lý tưởng, quan niệm thẩm mỹ; vai trò của nó đối với sáng tạo tác phẩm, ông hơi ngơ ngác rồi nói: "Chú cứ coi cuộc đời tui thì biết"! Cuộc đời ông là gì? Là một Nguyễn Quang Sáng chiến sĩ rồi sau đó mới là một Nguyễn Quang Sáng nhà văn. Ông sinh năm 1932 tại thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang trong một gia đình giàu có. Ba má ông có tiệm vàng và xe hơi. Yêu lý tưởng, yêu sự tốt đẹp của cách mạng, năm 1946 ông xung phong vào bộ đội, rồi tập kết ra bắc năm 1954 với quân hàm chuẩn úy. Từ đó ông chuyển ngành sang Ðài Tiếng nói Việt Nam rồi các cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1966, ông tình nguyện vào chiến trường để đấu tranh thống nhất nước nhà bằng cây súng và ngòi bút, để được sống giữa những người thân yêu, giữa xóm làng và bưng biền thân thuộc, dù biết rằng cái sự dấn thân ấy chính là dấn thân đến cái chết bất cứ lúc nào. Cho đến năm 1972 ông mới ra bắc, và sau năm 1975, ông về ở hẳn miền nam, bên cạnh chức vụ Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh trong nhiều khóa, góp phần đặc biệt to lớn trong việc xây dựng phong trào văn nghệ ở thành phố mang tên Bác nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những ngày đầu giải phóng.
Những tác phẩm lớn của ông chủ yếu được hình thành trong những ngày "xáp vô" trong cuộc chiến đấu lớn của bộ đội và nhân dân ta ở miền nam; nhặt được những "hạt vàng" từ cuộc sống. Năm 1966, nhà văn chợt thấy và "găm" vào đầu cảnh trực thăng Mỹ - ngụy bắn người dân ở Ðồng Tháp Mười mùa nước nổi; người lớn thì lặn sâu xuống khi bị bắn. Trẻ em thì cho vào túi ni-lông, người lớn lặn phải kéo theo... Ðó cũng là một trong những chi tiết nói lên sự ác liệt đến tận cùng của chiến tranh. Chi tiết đó, đến hơn mười năm sau mới được viết thành kịch bản phim Cánh đồng hoang. Cánh đồng hoang là bộ phim có tính khái quát cao. Cuộc đọ sức giữa một bên là vợ chồng Ba Ðô và đứa con nhỏ mới sinh trơ trọi giữa mùa nước nổi mênh mông và một bên là trực thăng Mỹ đầy hỏa lực săn đuổi rát rạt. Căng thẳng từng giây một khi kẻ thù quyết sát hại và nhân văn từng giây một khi con người Việt Nam quyết bảo vệ sự sống đến cùng. Kết cục, Ba Ðô chết nhưng bất ngờ, bằng khẩu súng trường, lòng căm thù, cái kỳ diệu của sự sống, vợ Ba Ðô đã nhặt lấy súng của chồng và bắn rớt chiếc trực thăng. Từ túi áo của viên phi công Mỹ, rơi ra tấm ảnh vợ con hắn, một chi tiết đầy hàm nghĩa, đẩy tác phẩm lên một tầm cao nữa trong tố cáo chiến tranh, trong giá trị nhân văn; một kết thúc mở để cả đời sau còn suy nghĩ...
Nếu truyện ngắn Chiếc lược ngà chỉ viết trong một đêm, thì kịch bản này cũng chỉ viết trong một tuần, bắt đầu từ đêm 18-12-1978, đêm nhà văn đưa vợ đi đẻ. Người con ấy chính là đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng bây giờ. Cả hai đứa con được sinh hạ trong những ngày ấy đều nổi tiếng.
Phải rành và chín trong nghề văn là vậy. Nhưng cái điều sâu xa hơn mà tôi cảm nhận được là, nhà văn sẽ không viết được gì nên hồn nếu không gắn bó với cuộc sống, biết "mò lặn" mà tìm "quặng quý" trong đời. Và phải học, tự học suốt đời. Tôi là "cậu ấm" - ông nói, nhưng chỉ học đến lớp bảy. Ði theo cách mạng, được học thêm văn hóa. Rồi mình lại tự học. Năm 1963, đạo diễn Mai Lộc nói văn tôi có chất điện ảnh. Hồi đó tôi chưa ý thức hết. Sau này được đặt hàng viết kịch bản phim, tôi mới chăm chú đi rạp xem. Hết ngày này sang ngày khác. Hết phim này sang phim khác. Tự cắt nghĩa sao trường đoạn ấy nó hay, nó xúc động. Cứ học lỏm thế thôi, nhưng mà học thật, tin thật...
Và điều cốt yếu nhất là phải biết hy sinh. Hy sinh tính mạng là mất mát lớn nhất, nhưng lựa chọn nó không phải là khó khăn nhất. Hy sinh từng ngày trong cuộc sống để giữ gìn nhân cách, để bám giữ và tiến vượt lên trong nghề là điều không dễ, đòi hỏi một tầm nhìn lớn, can đảm lớn. Nguyễn Quang Sáng đã trọn đời cùng nghề viết văn, trọn đời là một chiến sĩ, một người dân yêu nước, một Tài tử Nam Bộ...
NGUYỄN SĨ ÐẠI


http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/chan-dung/item/22382702-nguyen-quang-sang-va-nhung-bai-hoc-van-chuong.html

2. Mục từ "Nguyễn Quang Sáng" trên từ điển mở (chép vào đây ngày 9/5/2015):

"


Nguyễn Quang Sáng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Quang Sáng (12 tháng 1 năm 1932 – 13 tháng 2 năm 2014, bút danh Nguyễn Sáng) là một nhà văn Việt Nam, từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm2000.[1]

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, còn có bút danh là Nguyễn Sáng sinh ngày 12 tháng 1 năm 1932 tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông mất ngày 13 tháng 2 năm 2014.
Từ tháng 4 năm 1946, ông xung phong vào bộ đội, làm liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2. Đến năm 1948 được bộ đội cho đi học thêm văn hoá ở Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố.Năm 1950, về công tác tại phòng chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo và Hòa Hảo).
Năm 1955, ông theo đơn vị tập kết ra Bắc, chuyển ngành với cấp bậc chuẩn úy, về làm cán bộ Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1958, công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ biên tập nhà xuất bản Văn học, cán bộ sáng tác.
Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng. Năm 1972, trở ra Hà Nội, tiếp tục làm việc ở Hội Nhà văn.
Sau ngày đất nước thống nhất tháng 4.1975, ông về TP.HCM, giữ chức Tổng thư ký (về sau đổi tên gọi thành Chủ tịch) Hội Nhà văn TP.HCM các khoá l, 2, 3.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957; Ủy viên Ban Chấp hành Hội khoá 2, 3 và là Phó tổng thư ký Hội khoá 4.
Ông mất tại nhà riêng Quận 7 TP.HCM vào lúc 17 giờ ngày 13 tháng 02 năm 2014. Hưởng thọ 82 tuổi.[2]
Nguyễn Quang Sáng là một Đảng Viên của Đảng Cộng sản Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957).
Ông là cha ruột của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng[3], người hiện đang làm giám khảo của chương trình truyền hình Vietnam Idol.

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Văn xuôi[sửa | sửa mã nguồn]

  • Con chim vàng (1956
  • Người quê hương (truyện ngắn, 1968)
  • Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1961)
  • Đất lửa (tiểu thuyết, 1963)
  • Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa, 1966)
  • Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1966)
  • Bông cẩm thạch (truyện ngắn 1969)
  • Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, 1975)
  • Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975)
  • Người con đi xa (truyện ngắn, 1977)
  • Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985)
  • Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, 1985)
  • Tôi thích làm vua (truyện ngắn, 1988)
  • 25 truyện ngắn (1990)
  • Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn (1990)
  • Con mèo của Foujita (truyện ngắn - 1991)
  • Nhà văn về làng (truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2008)
  • Người đàn bà Tháp Mười
  • Chị Nhung

Kịch bản phim[sửa | sửa mã nguồn]

  • Cánh đồng hoang (1978)
  • Pho tượng (1981)
  • Cho đến bao giờ (1982)
  • Mùa nước nổi (1986)
  • Dòng sông hát (1988)
  • Câu nói dối đầu tiên (1988)
  • Thời thơ ấu (1995)
  • Giữa dòng (1995)
  • Như một huyền thoại (1995)

Giải thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

  • Ông Năm Hạng - truyện ngắn giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959)
  • Tư Quắn - truyện ngắn, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (1959)
  • Dòng sông thơ ấu - giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (1985)
  • Con mèo của fujita - tập truyện ngắn,Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994
  • Cánh đồng hoang (kịch bản phim) bộ phim được tặng Huy chương vàng liên hoan phim toàn quốc (1980, Huy chương vàng liên hoan phim ở Moskva (1981)
  • Mùa gió chướng (kịch bản phim) Huy chương bạc liên hoan phim toàn quốc (Hà Nội 1980)
  • Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2001.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nguồn 1 và Giải thưởng Hồ Chí Minh tại Từ điển bách khoa Việt Nam
  2. ^ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai/ Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng
  3. ^ “Nguyễn Quang Sáng được tiễn biệt bằng câu thơ, trang văn”. Vnexpress. Ngày 16 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2014.
"



1. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trần

http://danviet.vn/hau-truong-giai-tri/nha-van-nguyen-quang-sang-qua-doi-47891.html

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời

Bồng Sơn 19:13 - 13 tháng 2, 2014

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - người viết nhiều tác phẩm để đời như Chiếc lược ngà, Mùa gió chướng, Đất lửa... vừa từ trần lúc 17h ngày 13.2 tại TP.HCM do tuổi cao sức yếu (hưởng thọ 82 tuổi).

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (bút danh Nguyễn Sáng) sinh ngày 12.1.1932 tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), ông là cha của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. 

Nha van Nguyen Quang Sang qua doi
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng con trai – đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Năm 2000, nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng đọat giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II. Đồng thời, ông còn được các giải thưởng văn học khác như: Giải thưởng báo Thống Nhất 1959 với truyện ngắn “Ông Năm hang”, Giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội 1959, Giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam (VN) năm 1985. 



Không chỉ vậy, ông còn đọat giải thưởng về điện ảnh: Huy chương vàng Liên hoan Phim toàn quốc 1980, Huy chương vàng Liên hoan Phim Mát-xcơ-va 1981 với bộ phim “Cánh đồng hoang”.”Mùa gió chướng” được huy chương bạc Liên hoan phim toàn quốc 1980.

Nha van Nguyen Quang Sang qua doi
Nhà văn Nguyễn Sáng trong một lần giao lưu, trò chuyện cùng người hâm mộ

Ngược thời gian, tháng 4.1956, ông xung phong vào bộ đội. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và đến năm 1958, ông công tác tại Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam. Năm 1972, ông ra lại Hà Nội và tiếp tục làm việc ở Hội nhà văn. Sau ngày giải phóng, ông trở lại TPHCM và giữ chức Tổng Thư ký Hội nhà văn TP khóa 1, khóa 2 và khóa 3. Ông là Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN khóa 2, khóa 3 và là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn VN khóa 4.



Ngoài các tác phẩm ghi dấu ấn nổi bật đã kể trên, nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn để lại nhiều tác phẩm văn xuôi như: "Con chim vàng" (1978), "Người quê hương" (truyện ngắn, 1968), "Nhật ký người ở lại" (tiểu thuyết, 1961), "Tôi thích làm vua" (truyện ngắn, 1988), "25 truyện ngắn" (1990), "Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn" (1990), "Con mèo của Foujita" (truyện ngắn, 1991)… Và kịch bản phim như:" Cánh đồng hoang" (1978), "Pho tượng" (1981), "Cho đến bao giờ" (1982), "Mùa nước nổi" (1986), "Dòng sông hát" (1988).

29 nhận xét:

  1. Góp vui: Ai là cha đẻ đại tá cố vấn J.Lơ-uýt
    http://nguoidongbang.blogspot.com/2015/05/ai-ta-co-van-my-jlo-uyt-nguoi-my-cuoi.html

    Trả lờiXóa
  2. Các bác Cạo và bác Giao đều thiếu cẩn thận, khi đặt vân đề " ai là cha đẻ..." (trong cách viết).
    Riêng bác Giao, ở mục một, bác bảo là " có thể tạm trả lời", là Nguyễn Sáng. Ngay dưới đó, mục 2, bác lại " thật vậy", thì cái " tạm" ở trên có nghĩa gì? Vá Nguyễn Sáng, bao tuổi, để có thể làm cha đẻ của Nguyễn Văn Bé, sinh 1941? Và ông Nguyễn Quang Dũng là em hay là anh ông Bé???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Lý ơi, "cha đẻ" ở đây là nghĩa tinh thần mà. Và bác Cạo với em, đôi khi chơi chữ.

      Bác để ý chút nhé: trong gia tài văn học của bác Nguyễn Quang Sáng (hiện bác Lý chắc gõ từ Ipad nên nhầm thành "Nguyễn Quang Dũng"), thì lại không tìm ra "Nguyễn Văn Bé".

      Xóa
    2. Anh Giao không chơi chữ đâu. Anh hùng Nguyễn Văn Bé là chuyện có thật (không thật thì tại sao đến giờ vẫn có trường mang tên anh ấy với đầy đủ lai lịch?). Một con người có thật, một câu chuyện có thật, ắt phải có người là cha đẻ của con người và câu chuyện ấy chứ.

      Ở trên là giỡn, không có người lại bé cái lầm hehe.

      Thực ra trong vụ này cái hay không phải là bộ máy tuyên truyền của ta đã dựng lên một câu chuyện bịa đặt, vì bộ máy này xưa nay vẫn làm rất tốt loại công việc này, mà ở chỗ bộ máy tâm lí chiến của địch, với sự iểm trợ của máy bay và media, vẫn không thể đánh tan cái huyền thoại bịa đặt kia, trong khi sự thật đang nằm trong tay họ, sự thật có thể quay phim, có thể sờ mó được.

      Ai nói chúng ta thắng vì chúng ta có chính nghĩa? Không cần chính nghĩa, với bịa đặt, chúng ta vẫn thắng như thường hehe.

      Xóa
    3. Phát hiện "cha đẻ" của Nguyễn Văn Bé của anh Giao thú vị thật đấy. Bất ngờ nữa, người ấy lại là Nguyễn Quang Sáng. Ông Sáng là người Nam bộ, biến không thành có khó thể là tính cách của ông ấy. Hay vì theo CM nên con người ông thành ra như vậy?

      Xóa
    4. Có thể xem là phát hiện đó hehe. Cứ phải từ từ, đưa tư liệu dần lên, thì mới sáng dần ra.

      Xóa
    5. Tôi sẽ chờ xem vụ này, rất thú vị.

      Như vậy, cha đẻ của anh hùng Lê Văn Tám là sử gia Trần Huy Liệu, cha đẻ của anh hùng Nguyễn Văn Bé là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cha đẻ của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (Phút thiêng liêng Anh gọi Bác 3 lần) là nhà thơ Tố Hữu, cha đẻ của "Thiệu ôm 16 tấn vàng" là đại tướng Văn Tiến Dũng (the Thợ Cạo), v.v...

      À Trỗi hay Trơi nhỉ? Tôi đọc trong clip ở trên, ở nhiều chỗ, thì thấy là Trơi - Nguyễn Văn Trơi. Ai sửa tên anh ấy cho đẹp nhỉ?

      Tất nhiên là còn nhiều nữa, tỉ như "Diệm lê máy chém khắp miền Nam...", hay "Diệm đốt sạch, giết sạch những gì liên quan đến PG" (cái này theo cô lí là nhà văn nằm vùng Vũ Bằng hehe),...

      Cũng phải "dần dần" thôi hehe.

      Xóa
  3. Vâng, tôi hiểu chứ, cả hai bác đều chơi chữ.
    Và tôi bảo là thiếu cẩn thận, chứ khong bàn chuyện đúng, sai. Tôi đang gõ băng ipad đây, muốn viết nhiều cũng ngại, nhưng không nhầm, vì qua bài bác đăng, tôi biết Nguyễn Quang Dũng là con ông Sáng. Tit bài, bác đặt " ... Ai là cha đẻ của NVB" thì tôi mới cắc cớ hỏi ai là anh, ai là em vậy thôi.
    Giá chữ cha đẻ bác cho cái ngoặc kép, hoặc cứ nói rõ ông Sáng đẻ ra câu chuyện NVB, chứ không đẻ ra NVB thì theo tôi, đó là sự cẩn thận cần thiết đối với nghề của bác, chuyên nghiêp mà, còn nghiệp dư như em và bác Cạo thì dễ thông cảm hơn, hihi.
    Và mách bác, lúc tôi học lớp 3, hay 4 (1969), hay lớp 5, thì có hát bài NvB, bây giờ còn nhớ được câu đầu: "quận Châu Thành, tỉnh Bến tre, có anh Bé nêu gương sang ngời..." , nhạc còn nhớ, nhưng lời những câu sau quên tiệt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, đúng thế bác Lý, lúc đầu ở dòng tiêu đề có hai dấu ngoặc kép, là "Nguyễn Văn Bé" thật. Đúng như bác mong muốn. Rõ ràng là ý thức được như vậy bác ạ.

      Sau, thì tạm bỏ đi, như chơi chữ thế thôi (vì trong chính văn, mình ghi rất rõ là "Nguyễn Văn Bé").

      Đấy ! Tư liệu của bác rất hay. Bọn em sinh sau nên không biết bài hát này. Ở đây là "quận Châu Thành tỉnh Bến Tre" nhé các bác Salam và Mr. Khoằm.

      Xóa
  4. Ông Dũng, con ông Sáng, còn có biệt hiêu "Dũng khùng", tôi nhắc lại để bác khỏi hiểu lâm là tôi nhầm tên Nguyễn Quang Sáng với Nguyễn Quang Dũng.
    Cái bài hát nói ở trên, 1969 trở lại thôi, và không biết ai cha đẻ ra bài hát ( " tinh thần anh Nguyễn Văn Trôi", Trôi, chứ không phải Trỗi, và " nguyễn Bá Ngọc dã vì bạn mà hi sinh" và "quận Châu Thành..." không biêt sau này Giao có còn được/bị hát? Chuyện vui và thật, là bọn tớ cóc biêt quận là cái giông gì, mà vẫn gân cổ hát.

    Trả lờiXóa
  5. Chợt nhớ, viết thêm, kẻo sau lai quên mất.
    Bác Giao, ngày xưa , học cấp 1, bọn tôi luôn có một lớp phó quản ca, anh (chị) này chi có mỗi nhiệm vụ hô : "các bạn hát bài (VD) tinh thần anh Nguyễn Văn Trôi, hai, ba..." là cả lơp hat tiếp " tinh thần...",
    Về anh Trôi, thì lân lượt có 3 tên: anh Trôi, anh Chổi, và anh Trỗi, như bây giờ goi.
    Lúc đầu, là anh Nguyễn Văn Trôi, như lời bài hát "tinh thần anh Nguyễn Văn Trôi, ghi vào tâm trí của em đời đời. Hi sinh trước quân thù dã man, anh giữ tron tuổi đơi thanh xuân..." ( còn lại, quên tiệt lời, à chưa, còn "đế quốc Mỹ cút ngay vê, nhan dân ta.."...)
    Sau đó, lại viết là anh Chổi, một thời gan ngắn. Và tôi đã bị mắng, vì vừa quét nhà vưa nhại "anh Chổi ơi, anh Chổi ơi" huhu!
    Sau đó, đến "Sống như Anh" ( Trần Đình Thọ (?) mà có người cho rằng đó là Trần Đĩnh) thì mơi thành anh Trỗi.
    Đên bây giờ, tôi vẫn chưa biết tên thật của anh là gì. Nhưng có thể đoán, Trôi, là các bác nhà báo luân ra từ báo chí nước ngoài, không dấu. Chổi, có thể là tên thật, mà cũng có thể do chữ Trỗi, đoc theo giọng Quảng Nam, còn Trỗi, thì giông như trỗi dậy, mơi xưng đáng là anh hùng chăng?
    À và Tỉnh Định Tường, thì chính là Bến Tre các bác ạ, do cụ Diệm đặt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tư liệu thời đi học của bác Lý quá hay ! Chính lớp bọn em không hề biết đâu, vì đến lứa em đã thống nhất thành "Nguyễn Văn Trỗi" (dấu ngã) rồi.

      Mãi đến hồi vào cấp 3, tìm được một quyển thơ Tố Hữu cũ (in từ nhiều năm trước đó) thì thấy "Nguyễn Văn Trôi" (không dấu).

      "Nguyễn Văn Chôi" thì em chưa thấy bao giờ, hôm nay mới biết. Và thêm cả "Chổi" (chổi quét nhà) thì thêm thú vị - cái này do bác Lý lái thêm vào, và bị ăn phạt nhé !

      Xóa
  6. Hí hí cụ Lý nói vui phết,Trôi, Trỗi, Trổi, Chổi... cạo thành cái luận án tiến sĩ "Sáng mãi tên anh" được đới !

    Trả lờiXóa
  7. Xin có một ý về tỉnh Định Tường.
    Trong các sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Gia Định Thành Thông Chí của triều Nguyễn đã có tên Định Tường. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: Năm Gia Long thứ năm (1806), đổi huyện Kiến Khang thành huyện Kiến An, Năm thứ bảy (1808), đổi dinh Trấn Định thành trấn Định Tường, thuộc thành Gia Định... Năm Minh mạng thứ mười hai (1831) chia tỉnh, gọi là tỉnh Định Tường...
    Theo trang Wikipedia thì tỉnh Định Tường ngày trước nay thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp. Thời Pháp tỉnh Định Tường bị xóa bỏ, khôi phục tên gọi tỉnh Định Tường vào giai đoạn VNCH từ thời TT. N. Đ. Diệm (1956 cho đến năm 1975).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin đọc "khôi phục tên gọi tỉnh Định Tường vào giai đoạn VNCH từ thời TT. N. Đ. Diệm (1956), cho đến năm 1975.

      Xóa
    2. Đấy, có bác Hiệp nắm chắc cái Định Tường này. Mà quả là cái vùng đó địa danh đổi đi đổi lại nhiều. Nên cái "quận Châu Thành tỉnh Bến Tre...." trong lời bài hát trên, là cần hiểu như thế nào ?

      Bác Lý nhớ lâu, bởi cái chữ "quận" nhé. Rất hay. Là "quận Châu Thành, tỉnh Bến Tre".

      Xóa
    3. VNCH gọi quận tuót luót, khong huỵen gì hét

      Xóa
  8. Vâng, chính xác thì phải nóii cụ Diệm khôi phục lại cái tên Định Tường, chứ không phải đăt, như trương hợp B lao được cụ đặt lại thành Bảo Lộc.
    Ở trên, người viêt Sống như Anh là Trần Đình Vân. Vân chứ không phải Thọ.
    Bác Cạo, cái bài hát "sáng mãi tên anh" bác nhắc đén thì anh Trỗi vẫn còn là anh Trôi. "nguyễn Văn Trôi, Nguyễn văn Trôi, người công nhân thành phố Sài Gòn" khi hát đên đoạn này, chúng tôi hay đổi chữ Trôi thành chữ tôi và vỗ ngực phành phạch mơi thú.

    Môt dáu vết nữa về chữ Trôi, vẫn còn ở trong bài thơ của cụ Lành. Chữ Chổi thì mất tích rồi.

    Trả lờiXóa
  9. Bác Lý hiểu nhiều về anh hùng liệt sĩ Nguyễn văn Trỗi . Hồi nhỏ đi học có đọc bài thơ nói về ổng của tác giả Tố Hữu , trong đó có câu ( Phút thiêng liêng Anh gọi Bác 3 lần ) . Và khi xem phim cũng vậy , trước khi bị bắn ông Trỗi giật mảnh băng đen che mắt và hô ba lần ( Hồ chí Minh muôn năm )
    Hôm lâu được xem phim tư liệu ( Của VNCH do nhà báo nước ngoài quay ) thì hoàn toàn không phải như vậy . Ông Trỗi không hề giật tấm vải đen ( không thể giật vì tay đã bị trói giật cánh khuỷu ) và cũng chẳng thấy hô gì . Hỏi bác Lý tại sao lại có chuyện ngược nhau 180 độ như vậy ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu bác Salam hỏi này, thì đối tượng cần hướng đến là nhà thơ Tố Hữu.

      Chứ bác Lý cũng như bác Salam, đều là học sinh phải học thuộc bài thơ đó thôi.

      Thế hệ em sau này, nhờ có Đổi Mới, nên được học Thơ Mới và các thứ khác. Nhiều bài thơ của Tố Hữu, bọn em không còn thuộc nữa (chỉ một vài đoạn như "Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi..." thì vẫn thuộc, bởi rất đơn giản: đây là đề thi hồi cấp 3, rồi là bài thi đầu vào đại học Pháp Lý ngày trước - bây giờ là Đại học Luật).

      Xóa
  10. Hỏi thì tôi trả lời vậy. Cụ Tố Hữu mất rồi làm sao trả lời
    Đối với thơ, hay tác phẩm điện ảnh, chuyện sáng tác là chuyện bình thường. Phim Sống như Anh, lại là "phim truyện" rõ ràng, cho nên chả có gì là "chuyện ngược nhau 180 độ" như bác Salam nói. Còn các chi tiết mà bác bảo là ở phim tư liệu của VNCH ấy mà, tôi chưa xem, nhưng người ta cũng vẫn có quyền biên tập, vì mục đích tuyên truyền, và có thể dựng lại cảnh (với phim tài liệu lịch sử). Riêng chi tiết "không thể giật vì tay đã bị trói giật cánh khuỷu", chắc bác lặp lại theo bài viết của ai đó, chứ còn các ảnh anh Trỗi ở pháp trường cho thấy là có thể với lên "giật" được đấy, bác thử xem.

    Đến đây lại nhớ đến chuyện Thánh Gióng tắm Hồ Tây, bác có để ý chính cái chi tiết được sáng tác này lại còn "thực" hơn chuyện cậu bé 3 tuổi ăn 7 nong cơm 3 nong cà?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://farm9.static.flickr.com/8293/7771224470_7449719524.jpg

      Xóa
    2. Nhờ Khoằm (cũng như bác Salam) cho các video của phía VNCH công bố đi. Xem trình độ dựng hình, cắt cúp của bộ máy bên đó ra sao.

      Xóa
    3. Ví dụ đơn giản, cô giáo Đào Thị Nhung nhặt bừa ảnh trến mạng vè mà không xem kỹ http://daonhungdng.violet.vn/entry/show/entry_id/2136099/cat_id/2245222

      Xóa
    4. Xem đoạn vài ngắn trước
      http://youtu.be/6MR4y2OnNRQ
      http://youtu.be/6RLXPrbGA5s
      http://youtu.be/rHi9AW6VtRw
      http://youtu.be/Gtgo_RK2wfg

      Xóa
    5. Phim 1966
      http://youtu.bet9rMX6EQXXo

      Xóa
    6. Phim do VNDCCH sản xuất thì mình đã xem từ ngày xưa (cũng đã xem lại).

      Còn video của phía VNCH thì cũng không rõ. Chỉ nghe rõ tiếng đạn nổ, cứ không nghe thấy anh Trỗi nói gì.

      Xóa
  11. Đồng chí Nguyễn Văn Bé ở Thủ Dầu Một đã thành thánh lai vô ảnh, khứ vô hình rồi. Thợ tui truy nã theo đơn vị, theo các trận đánh, cũng chào thua. Báo Bình Dương đăng nhiều bài về tiểu đoàn Phú Lợi, chỉ nghe một cựu chỉ huy có đề cập 3 cá nhân anh hùng, trong đó NVB nhà mình rứa thui.
    Thế lực thù địt bội nhọ làm dư luận râm ran lâu nay mà chả thấy ông nhân chứng nào lên tiếng chắc có cái gì ẩn khuất trong chiện nài.
    Còn chiện đồng chí Nguyen Van Troi (chơi tiếng Anh cho nó chuẩn) đã khá rõ, trăm nghe không bằng một mắt thấy, người tinh ý coi hình ảnh diễn biến và môi anh ở 2 clip tài liệu trên Youtube của nước ngoài (hổng phải Việt mam cộng quề sx) đủ hiểu 9 phút làm nên lịch sử.
    Riêng chi tiết ít ai để ý người ta viết:
    "Anh không chịu cho linh mục rửa tội, anh hét lớn: “Ta có tội gì đâu! Chính Mỹ kia là giặc!” hay "Anh trả lời linh mục rửa tội: “Ta có tội gì đâu! Chính Mỹ kia là giặc!”. Phim VN thì dựng cảnh anh gạt cây thánh giá.
    Đối chiếu với nhân chứng nhà văn Nguyễn Thụy Long kể:
    ".. tại bãi cỏ khám Chí Hòa, ký giả chúng tôi được sĩ quan Bộ Quốc Phòng đưa đến chứng kiến cuộc hành quyết. Cái áo quan để cạnh cột thọ hình mang một cây thập tự giá bằng sắt xi mạ trên nắp hòm, vì đêm qua anh đã trở lại đạo do cha Yến rửa tội..."
    http://community.vietfun.com/showthread.php?t=798240

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạc Cạo đưa đề xuất "Nguyen Van Troi". Có lẽ không cần thiết, vì lâu nay, đã quen gọi tên anh như vậy rồi.

      Sự kiện anh Nguyễn Văn Bé, bác Cạo đã lần theo đơn vị và trận đánh mà không ra thì khó rồi !

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.