Tiền Trung Quốc được gọi tắt là tệ. Tên đầy đủ là ren-min-bi (đọc thành tiếng Việt là rấn-mín-pỉ, tức Nhân dân tệ). Ở Trung Quốc, cái gì cũng là Nhân dân hết.
Dưới đây là bài mở đầu của kinh-tế-học-giảng-tòa năm 2015, do Cu Nỡm phụ trách.
Ý chính là Cu Nỡm có quan điểm ngược lại với ông Lê Đăng Doanh (tuy nhiên, Cu Nỡm ghi nhầm thành Nguyễn Đăng Doanh trong bản thảo - tôi cứ giữ nguyên tạm thời thế đã).
Từ đây trở xuống là nguyên bản của Cu Nỡm. Và ở dưới đó là nguyên văn phát biểu của Lê Đăng Doanh. Bạn nào có ý kiến khác, có thể bày tỏ trong comments hoặc gửi bài qua word nếu quá dài.
---
Cu Nỡm
Báo chí dân túy đang ồn ào phản đối đề nghị của Trung Quốc về việc thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ (NDT) ở Việt Nam. Muốn mà rõ vấn đề này, trước hết cần phải hiểu đề nghị thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ của Trung Quốc nghĩa là gì. Thứ mà phía Trung Quốc đề nghị là settlement (kết toán) trong thương mại quốc tế chứ không phải payment (thanh toán) trong mua bán hàng ngày như ông Nguyễn Đăng Doanh hùng hồn phát biểu trên tờ Một Thế Giới. Điều này không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam hết.
Thanh toán quốc tế rất phức tạp nhưng có thể hình dung qua một ví dụ đơn giản như sau. Một doanh nghiệp A ở Việt Nam bán hàng cho một doanh nghiệp B ở Trung Quốc. Vậy đồng tiền nào sẽ được đùng để thanh toán? Trước kia người ta dùng đồng USD (được gọi là ngoại tệ mạnh), tức là giá cả sẽ được quy đổi ra USD. Sau đó doanh nghiệp B ở Trung Quốc sẽ mua USD chuyển cho doanh nghiệp A ở Việt Nam, doanh nghiệp A sẽ bán USD để lấy VNĐ. Ngược lại nếu doanh nghiệp A (VN) mua hàng của doanh nghiệp B (TQ) thì cũng phải mua đồng USD rồi chuyển cho doanh nghiệp B. Tất nhiên là các doanh nghiệp không thể tự mình làm tất cả những việc phức tạp đó mà họ ủy quyền cho các ngân hàng làm. Tức là A sẽ ủy quyền cho một ngân hàng VN làm trung gian thanh toán, B cũng ủy quyền cho một ngân hàng TQ làm trung gian thanh toán. Hai ngân hàng VN và TQ sẽ thanh toán với nhau bằng đồng USD.
Khi doanh nghiệp VN buôn bán với doanh nghiệp Mỹ thì họ không cần phải chuyển đổi qua một ngoại tệ khác, vì chính đồng USD của Mỹ đã là ngoại tệ mạnh. Điều này có nghĩa là ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Mỹ thanh toán trực tiếp bằng đồng USD của Mỹ. Điều ngạc nhiên là không có chuyên gia kinh tế dân tộc chủ nghĩa nào kêu la về việc mất chủ quyền hay nguy cơ nào khác trong trường hợp này.
Đồng tiền của một quốc gia được sử dụng phổ biến trong thương mại quốc tế là do sức mạnh kinh tế của quốc gia đó tạo ra. Trước kia có đồng USD, rồi đồng Euro, bây giờ tới đồng NDT của TQ. Nền kinh tế của TQ càng phát triển thì thương mại của họ càng trở nên phổ biến khắp nơi và đồng tiền của họ càng được chấp nhận một cách rộng rãi. Mới năm ngoái, nước Đức đã chấp nhận kết toán trực tiếp bằng đồng NDT.
Khi đồng NDT được chấp nhận thanh toán trực tiếp, có nghĩa là ngân hàng VN sẽ giao dịch với ngân hàng TQ bằng đồng NDT. Thay vì ngân hàng TQ phải mua đồng USD để chuyển cho ngân hàng VN thì giờ họ có thể chuyển thẳng NDT cho ngân hàng VN. Phía ngân hàng VN cũng thanh toán bằng NDT cho ngân hàng TQ khi đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ TQ. Tất nhiên để làm được tất cả những việc đó thì TQ phải thiết lập một dịch vụ trung gian thanh toán cho các ngân hàng TQ và VN, đảm bảo cung cấp đủ VNĐ và NDT cho các ngân hàng tham gia hệ thống (hình dung đơn giản: họ làm việc giống như quầy đổi tiền). Đây chính là lý do ngân hàng công thương TQ đề nghị hợp tác với ngân hàng thương mại VN (như BIDV) để phát triển dịch vụ này.
Sự phát triển trong việc thanh toán bằng đồng NDT là một tất yếu của sự phát triển kinh tế. Thương mại giữa VN và TQ phát triển nhanh hơn khả năng cung cấp đồng USD của nền kinh tế VN. Do vậy nếu thanh toán theo kiểu cũ, thông qua đồng USD thì tình trạng tắc nghẽn trong thanh toán do thiếu USD đã cản trở sự phát triển thương mại giữa hai nước. Chính vì lý do đó ở khu vực biên giới đã phát sinh ra các cơ sở phi chính thức làm công việc trung gian thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT giữa doanh nghiệp VN và doanh nghiệp TQ. Một mặt điều này tạo ra sự thanh toán nhanh chóng với chi phí thấp trong thương mại biên giới, mặt khác điều đó cũng tạo ra các gánh nặng quản lý cho cả phía TQ và VN do nằm ngoài hệ thống chính thức và nằm ngoài pháp luật. Phía TQ cho là tổng trị giá của các giao dịch đó đã lên đến 15 tỷ USD, tức là tác động đáng kể đến hệ thống tiền tệ của cả hai nước và cần phải hợp pháp hóa việc kết toán trực tiếp bằng NDT để xóa bỏ tình trạng đó.
Tức là phải có những điều kiện kiểm soát rất rõ ràng chứ không thể nào dùng đồng Nhân dân tệ lưu hành ở Việt Nam như một đồng tiền thứ hai, không một nước nào có thể cho phép như vậy. Đây chính vấn đề vi phạm chủ quyền lãnh thổ và chẳng khác gì việc cho phép đồng Nhân dân tệ thao túng đồng tiền của Việt Nam.
Trái ngược với những gì chuyên gia kinh tế Nguyễn Đăng Doanh phát biểu trên tờ Một Thế Giới, việc kết toán bằng đồng NDT trong thương mại giữa VN và TQ chỉ là một việc bình thường như giữa VN với các nước có nền kinh tế phát triển khác. Sự lo ngại về việc đồng NDT sẽ được sử dụng như một đồng tiền chính thức thứ hai ở VN hay VN mất chủ quyền quốc gia hoàn toàn là vô lý và thiếu hiểu biết về kinh tế. Việc kết toán trực tiếp bằng đồng NDT không có nghĩa là người VN ra phố ăn phở hay uống cafe bằng đồng NDT. Ngược lại, sử dụng trực tiếp đồng NDT trong kết toán thương mại giữa hai nước sẽ giúp cả VN và TQ giảm phụ thuộc vào đồng USD, giảm được chi phí mua bán đồng USD hàng ngày, đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, do đó giảm được khoản dự trữ bằng đồng USD ngày càng lớn trong điều kiện mà đồng USD không ngừng mất giá do khủng hoảng kinh tế và chính sách tiền tệ hút máu thế giới của chính quyền Mỹ. Hơn nữa việc đó sẽ thúc đẩy một cách tích cực thương mại giữa VN và TQ do xóa bỏ được những rào cản không còn cần thiết trong thanh toán quốc tế. Một trong những điều kiện tiên quyết để cơ chế này hoạt động là TQ phải thu mua ổn định một lượng VNĐ để đảm bảo khả năng thanh toán cho hệ thống, tức là Trung Quốc sẽ phải chú trọng hơn tới lợi ích kinh tế của VN, lợi ích của họ sẽ gắn chặt hơn với lợi ích kinh tế của VN.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đăng Doanh còn có những phát biểu rất thiếu hiểu biết khác như:
"Một vấn đề khác mà chuyên gia cũng chỉ ra là hiện nay Việt Nam đang nhập siêu rất nặng từ Trung Quốc. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để trả cho Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất khẩu sang Mỹ, sang Nhật... Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ thì Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc."
Đến một người bình thường cũng biết rằng kết toán trực tiếp bằng đồng NDT không loại trừ việc kết toán bằng USD. Có nghĩa là doanh nghiệp hai nước vẫn có thể tự do sử dụng đồng USD bên cạnh đồng NDT nếu họ muốn. Mặt khác doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể dùng USD để mua đồng NDT khi cần thiết. Hoàn toàn không có bất cứ rào cản nào trong những giao dịch đó. Các chuyên gia kinh tế mà lại cho rằng kết toán trực tiếp bằng đồng NDT sẽ loại trừ kết toán bằng USD thì thật không thể hiểu nổi. Việc kết toán trực tiếp bằng đồng NDT cũng không dẫn đến vay nợ TQ, giống như VN kết toán chủ yếu bằng đồng USD nhưng đâu có phải vay nợ Mỹ hay phụ thuộc tài chính vào Mỹ. Hoàn toàn không có nguy cơ phụ thuộc tài chính vào TQ trong chuyện này.
Ngoài chuyên gia Nguyễn Đăng Doanh thì còn có giáo sư viện hàn lâm KHXH Việt Nam Lưu Ngọc Trịnh trong bài "Cần một cái lắc đầu dứt khoát" của tờ Lao Động với một ví dụ:
“Giả sử Trung Quốc cho Việt Nam vay 700 nhân dân tệ (NDT), tương đương 100USD với tỷ giá 1USD/7NDT. 5 năm sau, dù chỉ vay bao nhiêu trả đủ bấy nhiêu nhưng nếu đồng NDT lại lên giá với 1USD/6NDT thì để trả được 700NDT đó, Việt Nam phải trả 117USD, tức mất thêm 17USD. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam bị hao hụt thêm 17USD. Và việc mua thêm 17USD đó sẽ khiến VND mất giá và lạm phát có nguy cơ tăng cao”.
Điều bất bình thường trong ví dụ này là ông giáo sư viện hàn lâm lấy trường hợp VN vay nợ bằng NDT chứ không phải thanh toán thương mại bằng NDT, điều đó cho thấy ông giáo sư cũng không hiểu gì về thanh toán quốc tế. Sau nữa là ông giáo sư cố tình giả định trường hợp NDT lên giá so với USD để minh họa sự thiệt hại của VN, nhưng trong thực tế thì NDT có thể lên giá mà cũng có thể xuống giá so với USD (khi xuống giá thì vay lại có lợi chứ không thiệt), không ai biết trước điều gì cả. Cuối cùng, đó là tỷ giá NDT/USD chứ không phải là NDT/VNĐ nên không minh họa được tác động của nó đến nợ nần của VN, chính việc kết toán trực tiếp bằng NDT lại loại trừ sự phụ thuộc vào tình hình lên xuống của tỷ giá NDT/USD. Lại càng buồn cười hơn nữa khi ông giáo sư lập luận rằng việc VN phải mua thêm USD sẽ làm lạm phát của VN gia tăng, VNĐ mất giá so với USD và bản thân VNĐ mất giá là hai chuyện rất khác nhau và chả mấy liên quan đến nhau. Xu hướng dài hạn trong chính sách hối đoái của Trung Quốc là đồng NDT yếu để tài trợ xuất khẩu. Bao nhiêu năm nay hết Mỹ rồi đến IMF đều kêu la rằng TQ định giá NDT quá thấp so với đồng USD, đòi TQ phải tăng giá đồng NDT. TQ thì vẫn kiên trì chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt, chỉ cho phép tỷ giá NDT/ USD trong phạm vi nhất định, do vậy về dài hạn sẽ khó biến động lớn trong tỷ giá NDT/USD, trừ khi kinh tế Mỹ sụp đổ hoặc có chiến tranh giữa Mỹ và TQ.
Những người có chút kiến thức về kinh tế khi đọc được phát biểu ngớ ngẩn của những người được gọi là chuyên gia kinh tế sẽ nghĩ các chuyên gia đó dỏm toàn phần, nói láo không biết ngượng. Song tôi thì nghĩ khác, họ vốn rất lý trí, nhưng tư duy của họ phản ánh một quan hệ sản xuất lạc hậu, một nền kinh tế thị trường manh mún, phân tán, có hàng ngàn rào cản vô hình để giúp cho các doanh nghiệp nhỏ (như các đơn vị trung gian thanh toán trực tiếp bằng NDT ở vùng biên giới) tồn tại. Họ sợ hãi và bất lực trước những sự phát triển mới trong quan hệ sản xuất, chính vì vậy họ phải bảo thủ, núp sau những khái niệm mang tính chính trị như chủ quyền quốc gia, tinh thần độc lập dân tộc, và lợi dụng sự thiếu hiểu biết hay hời hợt của một bộ phận công chúng để bảo vệ cho những quan hệ sản xuất đã lạc hậu, bảo vệ cho nền tảng tư duy của chính họ, bất chấp hậu quả kinh tế của những việc đó.
---
TS. Lê Đăng Doanh: Đề nghị thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam là vi phạm chủ quyền!
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam chính là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một loại tiền là Việt Nam đồng.
Mới đây, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có báo cáo gửi Chính phủ, trong đó có ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam. Bởi theo hai đơn vị này thì nhu cầu giao dịch thanh toán bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam là khá lớn và tăng lên rõ rệt.
"Đề nghị này của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một đồng tiền của Việt Nam là Việt Nam đồng, còn tất cả những đồng tiền khác đều phải chuyển đổi sang đồng tiền của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta không cho phép lưu hành song song một đồng tiền nào khác" - chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm với Một Thế Giới.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh |
"Phía Trung Quốc lập luận rằng ở biên giới Việt - Trung đã sử dụng rộng rãi đồng Nhân dân tệ nên bây giờ kiến nghị Việt Nam cho phép thanh toán bằng đồng tiền này thì tôi cho rằng NHNN và các tỉnh biên giới cần phải có một câu trả lời rõ ràng là tại sao lại có thể có giao dịch lên đến 15 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ ở biên giới được? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?" - ông Doanh nhấn mạnh.
Một vấn đề khác mà chuyên gia cũng chỉ ra là hiện nay Việt Nam đang nhập siêu rất nặng từ Trung Quốc. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để trả cho Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất khẩu sang Mỹ, sang Nhật... Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ thì Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc.
"Tức là ngoài nhập siêu, chúng ta còn phụ thuộc thêm về mặt tài chính đối với Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại, cần phải xem xét kỹ" - ông Doanh nói
Cuối cùng, vị chuyên gia này cũng thẳng thắn chỉ rõ điều mà Trung Quốc muốn hiện nay là muốn xây dựng một nền kinh tế thật lớn mạnh, có dự trữ ngoại tệ dồi dào. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc luôn muốn bành trướng phạm vi ảnh hưởng và phạm vi sử dụng đồng Nhân dân tệ như một đồng tiền quốc tế. Trung Quốc cũng tham vọng thay thế đồng đô la trên thế giới bằng đồng Nhân dân tệ.
"Việt Nam luôn mong muốn có quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc trên cơ sở hai bên cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, cũng như tôn trọng luật pháp của mỗi nước. Vì vậy nên có một đề án nghiên cứu xem đồng Nhân dân tệ có thể thanh toán trên cơ sở quan hệ thương mại song phương đến mức độ nào, trên các kênh nào, và đối với những hàng hóa nào?
Tức là phải có những điều kiện kiểm soát rất rõ ràng chứ không thể nào dùng đồng Nhân dân tệ lưu hành ở Việt Nam như một đồng tiền thứ hai, không một nước nào có thể cho phép như vậy. Đây chính vấn đề vi phạm chủ quyền lãnh thổ và chẳng khác gì việc cho phép đồng Nhân dân tệ thao túng đồng tiền của Việt Nam.
Tôi cho rằng kiến nghị này cần phải được xem xét một cách rất nghiêm túc, với một tinh thần nhìn vào sự thật và muốn có một hợp tác hai bên cùng có lợi, bình đẳng với Trung Quốc nhưng không thể nào vi phạm chủ quyền tài chính của Việt Nam" - ông Doanh nhận định.
Bày tỏ quan điểm tại Hội thảo khoa học quốc tế: "Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và những tác động đa chiều đối với khu vực" ngày 28.11.2014 tại Hà Nội, TS. Võ Trí Thành cũng từng nhận định: Trung Quốc đang có 2 mong muốn, đó là về đối nội và đối ngoại.
Về đối ngoại, Trung Quốc muốn cho cả thế giới thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc, được thể hiện ở tiếng nói của Trung Quốc, cách chơi của Trung Quốc. Thể hiện ở lĩnh vực thương mại, đầu tư và sự quốc tế hóa dần đồng Nhân dân tệ.
Về đối nội, Trung Quốc muốn tái cấu trúc thành công, bởi hiện nay Trung Quốc đang rơi vào sự mất cân bằng. Đó là sự mất cân bằng về tiêu dùng và đầu tư, vấn đề tăng trưởng hiệu quả, công nghệ, quản lý, thân thiện với môi trường. Trung Quốc cũng muốn tái cấu trúc một phần chính sách dân số, bảo hiểm xã hội, sinh thái…
Để thực hiện tham vọng này, kể từ khi Hồng Kông trở thành thành phố đầu tiên ngoài Trung Quốc cho phép các ngân hàng địa phương có thể chấp nhận tiền gửi bằng Nhân dân tệ vào năm 2004, Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng để thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa Nhân dân tệ với mục tiêu trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới công bố của China International Capital Corporation (CICC), hiện có khoảng 10.000 định chế tài chính quốc tế thực hiện kinh doanh bằng Nhân dân tệ, tăng hơn 900 so với năm 2011.
Dự báo đến năm 2015, cùng với USD và EUR, Nhân dân tệ sẽ là 1 trong 3 đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thương mại toàn cầu với khoảng 30% kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng tiền này.
Duyên Duyên
Vừa đi nhậu về thấy bác Giao nhắc nên phải sửa ngay. Có lẽ tại lúc chiều vội đi nhậu nên gõ nhầm mà không biết. Cảm ơn bác đã nhắc nhở.
Trả lờiXóaThôi cứ lưu tạm bên mình bản thảo gốc nhé (bản hoàn chỉnh cứ tiếp tục hoàn thiện bên Nỡm, bao giờ có bản cuối cùng, mình sẽ bổ sung tiếp).
Trả lờiXóaNhân đầu năm, mời thầy Cu Nỡm suy nghĩ tiếp về vấn đề sau: http://giaovn.blogspot.jp/2014/11/kien-giai-cua-mot-nha-nghien-cuu-kinh.html