Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/01/2015

Kỉ niệm 110 năm phong trào Đông Du : như loài hoa Lan Quân Tử (bài Tôn Thất Phương, 2001)

Kinh nghiệm của Tôn Thất Phương được nhận từ thầy giáo hướng dẫn là người Nhật Bản : "Khi đi interview người Nhật, phải cẩn thận. Phần lớn người Nhật có tính xấu là đối với người Âu Mỹ thì riu ríu hỏi gì nói đó, còn đối với người xứ khác thì nói láo trắng trợn 1 cách thản nhiên".

Lời dẫn (đã viết lời dẫn này từ năm 2010): Tôi để nguyên dạng bài viết của Tôn Thất Phương, không biên tập những lỗi thuần túy mang tính kĩ thuật (chế bản, chính tả), chỉ bổ sung vào đây một ít ảnh hoa Lan Quân tử (tiếng Nhật là Kunshi-ran).
Lan Quân tử có vẻ trầm mặc. Cái đẹp của hoa là vẻ trầm mặc ấy. Phải chăng tác giả muốn ví những chàng trai chí khí của nước Việt đã nằm lại ở đất Phù Tang, như Trần Đông Phong – Cường Để, là loài Lan Quân tử ? Có lẽ thế, đọc trọn bài, dư vị lưu lại trong ta là một nỗi buồn man mác, làm ta không thể nghĩ đến Lan Quân tử.
Trái Ichi-jiku trong bài, tôi cứ hiểu nôm na là trái sung. Ở cái huyện xa xôi quê tôi, giờ chỉ còn vài hộ trồng sung. Nhớ mỗi mùa sung chín, gặp dịp chùa làng hay đền làng có lễ, ông lão trồng sung lại dâng lên ban thờ Phật hay ban thờ Thần một lẵng sung. Ít tháng trước, tôi nghe tin ông lão cũng đã về bên kia thế giới !
Kĩ thuật trồng sung ở quê tôi, chắc sắp thất truyền rồi.

クンシラン(君子蘭)
 Từ đây trở xuống là bài của Tôn Thất Phương.
---



Màu  hoa  thắm  vẫn  sống  trong  tôi
Chiều  thu  nay  không  qua  lối  xưa
Để  đng  nhìn  gió  mưa

Sắc  hoa  hồng  mênh  mông
 (Nguyễn Văn Đông:
Sắc Hoa Màu Nh)

Lan Quân Tử, Tây phương gọi là Clivia (hay Clivea).  Nó không thuộc vào nhóm các cây Lan (Orchid) mà lại thuộc giống lilies, đặc biệt rất gần với African Lily (Agapanthus).  Loại này đẹp cả hoa lẫn lá.   Nhìn cây Lan Quân Tử ta thấy lẽ ra cái câu “mướt quá xanh như ngọc” của Hàn Mặc Tử phải dành để tả cho những chiếc lá này mới đúng.  Hoa thì màu cam đậm, nhưng mỗi cánh hoa có 1 đường viền nhỏ màu vàng nhạt. Khoảng 12-18 cái hoa cụm lại làm thành 1 chùm và mỗi cây trung bình có được 2-3 chùm hoa.  Tất cả nằm chen giữa đám lá xanh bóng bẩy, rực rỡ nhưng không lồ lộ.  Phải nói đây là một loài hoa đẹp thanh nhã, ai đi ngang trông thấy cũng không thể bình thản bước qua.
Cái tên Lan Quân Tử (Jun-Zi Lan) là của người Trung Quốc, và truyền qua Nhật (Kunshi-ran)  – nhưng tại sao họ gọi thế thì không rõ.  Phải chăng vì cây hoa chịu được những hoàn cảnh khó, cứ như người “quân tử cố cùng” ?  Ví dụ đất có thật khô, hay ngược lại quá ướt, cây vẫn sống được như thường.  Năm ngoái, được anh bạn ở Wollongong cho mấy cây về làm giống,  tôi đem trồng thẳng vào ngay trong vườn   (không trồng chậu vì nghĩ rằng Wollongong và Canberra có thời tiết giống nhau, có trồng ngoài đất cũng chả sao).   Nhưng trời mùa đông Canberra lắm sương, một loạt cả mấy cây đều bị đông cứng !   Tuy vậy khi qua Xuân cây lại ra mầm trổ lá, có cây còn cho được cả hoa, tuyệt diệu !  Hay là hoa cứ như người quân tử, biết nhẫn nại trong hoàn cảnh khó, để khi cuộn thì vn, khi vươn thì dài  ?
Clivia còn có tên khác là Kaffir Lily Khoa học xếp nó vào họ Amaryllidaceae.   Có tất cả hai loại:  Clivia Miniata  - cao khoảng 45cm, và Clivia Nobilis  - cao khoảng 60cm, ít phổ biến hơn loại trưc nhưng có lá dài và đẹp hơn.  Hồi viếng thăm Đà Lạt năm 1986, tôi có thấy một câyClivia Miniata  đang nở hoa trong vườn ươm cây (đó là vườn Bích Câu ngày trước, sau này đổi ra quốc doanh và kèm luôn việc bán hoa giống).   Hỏi anh chuyên viên phụ trách, anh ta cũng không biết tên là gì.  Tôi cứ nghĩ, nếu chưa đặt tên, sao người Việt mình không theo người Nhật mà gọi nó là Lan Quân Tử ?  Cái tên gợi ra được tính chất truyền thống Đông phương, và chỉ làm ta giàu thêm vốn liếng về từ ngữ.
*
Cây lan này, tôi được thấy lần đầu tiên khi đến nhà vị giáo sư chỉ đạo của tôi vào khoảng năm 1975.  Thấy cây hoa đẹp, tôi thích lắm, hỏi cây gì.  Ông thầy đáp ngắn gọn:  Đó là Kunshi-ran !
Duyên thầy trò với ông cũng là chuyện hãn hữu. Tôi không biết ông, chỉ thích những bài ông viết trong tạp chí Chuo Koron rồi đi gõ cửa phòng nghiên cứu của ông mà tìm đến.  Từ đó suốt bao năm trời đằng đẵng, với tôi ông vừa là thầy, cũng vừa là người bạn.  Nếu ông không bận, tôi và ông có thể ngồi nói với nhau cả ngày không hết chuyện.   Ông cảm được cả những bài thơ Việt Nam bằng chữ Hán khi sửa cho tôi một chương viết về sự thất bại của phong trào Cần Vương ở Việt Nam:
Nhung trường phụng mạng thập canh đông  

Vũ lược y nhiên vị tấu công  

Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn  

Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong  

Cửu trùng xa giá quan san ngoại  
Tứ hải nhân dân thủy hoả trung  
Trách vọng dũ long, ưu dũ đại  
Tướng môn thâm tự quí anh hùng

(Phan Đình Phùng:  Lâm Thời  Cảm Tác)
Cụ Đào Trinh Nhất dịch:
Nhung trường vâng mạng đã mười năm

Việc võ lôi thôi mãi chẳng xong  

Dân đói kêu trời vang ổ nhạn  

Quân gian dậy đất tựa đàn ong  

Chín lần lận đận miền quan tái  
Trăm họ phôi pha nước lửa  nồng  
Trách nhiệm càng cao, càng nhọc mệt  
Tướng môn luống thẹn tiếng anh hùng.

Ông hơn tôi 10 tuổi, nhưng điềm đạm hơn đến ba bốn chục lần.  Nói chuyện với nhau, nhiều khi ông chỉ cười, không đưa ra câu trả lời, để cho tôi tự tìm lấỵ.  Có lần bàn luận về cụ Phan Bội Châu (PBC), ông hỏi:  "PBC đi cầu Nhật Bản hay một cường quốc nào đó thì khác nhau gì?"  Tôi nói ngay:  "cầu viện nước nào cũng ở chỗ họ có chịu giúp hay không mà thôi".  Ông hỏi lại:  "cầu viện Nhật hay Mỹ cũng giống nhau sao?".  Khi tôi trả lời "giống nhau", ông cười, im lặng.  Phải bao nhiêu năm sau, khi nét nhìn về quan hệ quốc tế khá hơn, tôi mới hiểu là thưở đó mình suy nghĩ khờ khạo.
Ông dạy tôi kiên nhẫn.  Khi đi kiếm tài liệu ở kho Lưu Trữ của bộ ngoại giao Nhật, thấy tài liệu toàn viết bằng viết lông,  chữ viết tháu mà văn chương toàn là thứ cổ lổ sĩ thời Minh Trị, tôi ngán tới cổ. Nhưng ông khuyến khích, bảo đọc mãi rồi quen đi sẽ thành dễ.  Quả là lâu cũng quen dần thật.
Ông thường nói:  "Khi đi interview người Nhật, phải cẩn thận.   Phần lớn người Nhật có tính x ấu là đối với người Âu Mỹ thì riu ríu hỏi gì nói đó, còn đối với người xứ khác thì nói láo trắng trợn 1 cách thản nhiên".  Điều này tôi thấy ngay được khi nói chuyện với một ông giáo sư trường đại học nọ (ông này được chính phủ Nhật giao cho tổ chức việc nghiên cứu về quan hệ Nhật-Việt thời trước 1945).   Có lần ông ta cho tôi một tin "quan trọng", chỉ có mình ông ta biết.  Đó là việc cụ Cường Để (CĐ) có một người con với một phu nữ Nhật, hiện người đó đang ở Tokyo.  Tôi đã biết sẵn chân tướng vấn đề này từ trước nên ông ta không lừa gạt tôi được.  Nhưng ông ta làm tôi chán tình đời.  Theo kinh nghiệm, tôi thấy những người trong nhóm mà thiên hạ gọi là "hữu khuynh" tuy nóng nảy nhưng bộc trực và thành thật.  Còn những người "tả khuynh" (đặc biệt là những trí thức "tả khuynh" nửa mùa, nghĩa là giả bộ có tư tưởng cấp tiến, tự do)  thực sự lại rất ích kỷ, giả nhân giả nghĩa, khí độ hẹp hòi và không bao giờ giữ lời hứa.
Khi kể chuyện “tin quan trọng” nói trên cho thầy tôi, tôi hỏi:  ông giáo sư kia đưa tin như thế để làm gì ?”.  Ông trầm ngâm suy nghĩ, nhưng không nói gì.  Tính ông vốn thận trọng.
Ông còn dặn tôi một điều khác là “Chỉ hỏi cái gì mà người ta có thể nói được thôi”.  Đó là sau những lần tôi đi interview những người Nhật như các cựu nhân viên bộ ngoại giao hay những người quan trọng trong các công ty như NK, MB, DK, vv…  Khác với các học giả ở đại học hay cơ quan nghiên cứu, công việc của những người này (trừ 1 vài trường hợp) đều có liên quan đến chính trị, nên họ khó có thể nói một cách tự do .  Ông OC, cố vấn của công ty NK, là nhân viên quan trọng trong phái đoàn Nhật đi thương lượng về việc Nhật Bản bồi thường chiến tranh cho Việt Nam.  Ông ST, trưởng phái đoàn, lại là phó chủ tịch của Keidanren (Japan’s Federation of Economic Organisations).  Riêng về công ty DK thì họ có quan hệ mật thiết với quân bộ Nhật.  Người giám đốc của công ty là ông M.  Từ những năm cuối thập niên 1930, ông M.  đã làm đại diện ở Việt Nam cho cụ CĐ hầu  thâu tiền do giáo đồ đạo Cao Đài quyên góp  (cho cụ CĐ.  Nhưng cụ không nhận được bao nhiêu).  Trong giai đoạn 1940-45, công ty này kiêm luôn việc tiếp vận hậu cần cho quân đội Nhật đi xuống Mã Lai và Indonesia …
Có lẽ vì là học trò mặt trắng cho nên khi tôi điện thoại xin gặp, họ đều bằng lòng ngay.  Nhưng nói chuyện có thâu băng, vả lại lúc ấy tôi ngơ ngơ như ngỗng đực, lại quá hăng hái, cho nên cái gì biết (phần này ít) thì hỏi quá nhiều, cái gì không biết thì muốn họ nói ra hết những điều mình mong mỏi, thành ra cái biết của họ về quân đội Nhật thời ở Việt Nam, về hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, cụ Cường Để, về quan hệ Nhật-Việt vv… cứ bao la như biển mà tôi chỉ nhận được một vũng nước nhỏ.  Ông thầy tôi cười:  "Phải suy nghĩ thật nhiều trước khi đi hỏi chứ.  Nếu mình là người ta thì mình có nói tất cả hay không? "
Ông M. có giới thiệu cho tôi một chính trị gia, thành viên của Jiminto (đảng Tự Do Dân Chủ) và là nghị sĩ Quốc Hội, người đã từng ở Việt Nam lâu ngày thời trước 1945.  Ông này lại giới thiệu cho tôi gặp cựu đại úy “K”.  Đây là viên sĩ quan đã từng dẫn ông Ngô Đình Diệm đi trốn mật thám Pháp vào đầu năm 1945.  Thấy tôi chỉ là học trò, cả hai người đều có thiện cảm, nhưng tôi khờ khạo, không biết hỏi những gì người ta có thể nói được, thành ra lỡ nhiều cơ hội bằng vàng.   Bây giờ họ tất cả đều ra người thiên cổ, làm sao tôi trở lại thời 20 năm xưa để hỏi thêm ?
(Không nói đến những việc gì mà các người vừa kể có thể đã làm đối với Việt Nam, trên khía cạnh cá nhân, thực sự tôi rất cám ơn và kính trọng tư cách của họ. Họ chỉ không nói ra những gì không tiện nói, nhưng ai cũng tự trọng, không bịa chuyện, không đánh lạc hướng.  Họ giúp tôi những gì họ có thể làm, và tỏ ra có tình cảm đối với kẻ hậu sinh.  Trong họ có cái nghĩa khí tốt đẹp của Nho Giáo, của văn hoá phương Đông, một điểm mà tôi thấy đã quá tàn phai và hầu như lịm chết trong lòng nhiều học giả ở chính trên đất nước tôi !)
Năm tháng dần trôi, đến ngày tôi rời xứ Nhật.  Trước khi đi, đến chào thầy.  Lúc về, cả gia đình ông tiễn tôi ra cửa, hai đứa con nhỏ của ông bật khóc.  Ông đi với tôi thêm một khoảng đường, nói những câu ngắn.  Con đường dài, đưa xa đến mấy rồi cũng phải chia tay.  Tôi đi một khúc, quay đầu trở lại, thấy ông vẫn còn đứng nhìn theo.  Mới ngày nào đó, còn thấy như hôm qua, nhưng đã 20 năm rồi !   Từ đó:
Seasons have come and seasons have gone  

Everything died down in due course, you know  

But there is one thing always as fresh as the dew  

That’s the feeling I still have for you ! (tác giả  ?)

*
TRONG việc đi tìm tài liệu, tôi còn may mắn gặp được một người rất tử tế, đó là bà A.C.  Bà cụ là người "bạn đường" của cụ Cường Để (CĐ). Trên danh nghĩa, bà chỉ là một quản gia, nhưng thực tế không phải thế.  Bà gặp cụ lúc nào không rõ (vì bà không nói).  Dựa trên việc bà có đi Mãn Châu với cụ (và thủ tướng Inukai) vào năm 1930-31, có thể đoán được là bà đã gặp cụ nhiều năm trước đó.  Có lẽ việc bà đến với cụ cũng là do các chính trị gia Nhật sắp đặt.
Tại nhà bà, trước mặt tôi là một bà cụ tuy đã 80 nhưng vẫn còn ung dung phong độ, ăn mặc rất tề chỉnh.   Ngay từ phút đầu, tôi hiểu được xưa kia bà phải là một phụ nữ sắc bén và có khả năng.  Bà có ra vườn hái cho tôi một trái ichijiku (fig), bảo rằng đọc là ichijiku nhưng viết là "vô hoa quả"…
Hơn phân nửa của căn phòng lớn nhất trong nhà bà là một viện bảo tàng lưu trữ di vật của cụ CĐ.  Ngoài cái bàn thờ ra, khắp nơi đều có kỷ vật: nào bên này là cái áo choàng, bên kia là tấm nệm "futon" mà ngày trước cụ nằm, rồi cái dù, cái roi cầm khi cỡi ngựa.  Lại có một bức ảnh chân dung của cụ rất to, rồi những đôi dép (tabi) ngày trước của cụ cũng vẫn còn để nguyên, cứ  như là cụ chỉ đi đâu vài ngày rồi sẽ về dùng lại vv…  Tôi hiểu được hình ảnh của cụ trong lòng bà phải rất sâu đậm.  Cho nên sau đó, khi hỏi về lai lịch của bà và sự liên quan với cụ , thấy bà lắc đầu nói nho nhỏ "nói ra làm gì", tôi không đề cập tới nữa.
Nhưng chậu Lan Quân Tử nằm chỗ genkan (cửa ra vào) có lẽ không phải di vật của cụ.    Thưở đó tôi thấy mãi mà không hỏi thử, biết đâu … ?!
Tôi đến nhà bà cụ nhiều lần vì bà đã 80 tuổi, không thể nhớ điều đã quá lâu, phải thu góp từng mảnh nhỏ qua nhiều lần trò chuyện khác nhau.  Bà có một người con nuôi, gia đình anh này ở chung với bà.   Chính anh này là người mà ông giáo sư nói trên đã "hé màn bí mật" cho tôi biết là "con ruột" của cụ CĐ.  Nhờ anh có tu bổ ngôi mộ của chí sĩ Trần Đông Phong nên lâu năm mà nó vẫn còn tươm tất.  Cũng qua bà, tôi biết đươc ngôi mộ nằm ở đâu để đi thăm.
Bà còn cho tôi xem 1 cái rương nhỏ chứa tất cả tài liệu và dụng cụ văn phòng ngày trước của cụ   Trong đó có nhiều bức hình của nhiều người (mà tôi không biết là những ai, chỉ trừ cụ, ông Inukai và cụ Phan Bội Châu).  Hỏi có ai trong mấy tấm ảnh là sinh viên thời Đông Du không, bà cụ nói không biết.  Quả thật là bà không biết nhiều về nhân sự phía Việt Nam.  Hỏi có biết cụ Phan Bội Châu không, bà bảo có nghe tên thôi.
Bà có cho tôi biết là khi cụ mới qua đời, có để lại đến hai bao tải rất to đầy giấy tờ và tài liệụ  Nhưng một thời gian sau đó, có hai sĩ quan Việt Nam đến bảo là ghé qua trên đường đi Kentucky (Mỹ),  rồi mang đi tất cả.  Bà vẫn ngạc nhiên tại sao hai sĩ quan Việt Nam ở đâu mà biết nhà bà để đến lấy đi.  Tôi hỏi có phải ông M. biết nhà bà hay không, bà gật gù: "phải rồi, thế thì M. cử họ tới lấy chứ không ai vô đó cả .   Lúc đó tôi không tỉnh táo, ai hỏi gì cũng đưa".  (Bà cụ ghét ông M. lắm).
Trong cái rương đó còn có con dấu, ấn tín, triện, đủ thứ … và tuyên ngôn, truyền đơn, chứng minh thư v.v. …  của Phục Quốc Đồng Minh(một tổ chức chính trị thân Nhật do cụ CĐ đứng đầu).  Lại có danh sách những người Việt Nam trong nước ủng hộ cụ CĐ,  và một tờ ghi chép đầy đủ các chi nhánh, với tên của các chức sắc trong đạo Cao Đài chia theo từng khu vực, chi nhánh, tổng số giáo đồ toàn quốc v.v… (Đạo Cao Đài hồi đó rất ủng hộ cụ CĐ.  Phù hiệu của Phục Quốc Đồng Minh có hình con mắt).    Bà cụ có cho tôi mấy cuốn sổ tay của cụ, bên trong ghi chép nhiều thứ xen lẫn với nhau, chữ Nho có, chữ ta có (vì cụ vốn cẩn thận.  Hình như khi ghi chép, cụ ghi chung sự kiện với những toa thuốc, hay địa chỉ của những ai đâu đâu, vv… mà khi đọc chắc chỉ có một mình cụ hiểu).
Tôi sung sướng, để thì giờ khám phá dần cái rương.  Có một bức thư với chính thủ bút của cụ, viết bằng chữ nho, gửi cụ Hồ Chí Minh.  Nhưng chỉ có cái bì thôi, không có ruột.  Có thư cụ gửi cho tổng thống Mỹ, yêu cầu để Việt Nam độc lập như Mỹ trao độc lập cho Philippines.  Có thư cụ viết về lập trường của mình bằng hai thứ tiếng Nhật và Anh, đánh máy hẵn hòi   ( lá thư này, về sau tôi được biết là do một trong những người Nhật nói trên viết hộ cho cụ ).    Lại có bài thơ cụ làm để tặng tướng Nguyễn Văn Xuân:
Đạp tuyết dày sương (…)
Ông Nguyễn Văn Xuân là người quốc tịch Pháp, có vợ đầm, giữ chức thiếu tướng trong quân đội Pháp.  Năm 1946, khi trở lại đánh Việt Minh hoài không thắng nỗi,  Pháp chơi trò lắc léo, vừa đánh vừa đàm và lập nước Nam Kỳ Tự Trị do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ Tướng, có ông Xuân làm phó.  Việc này quốc dân Việt Nam phản đối rất mạnh.  Vài tháng sau, không hiểu sao ông Thinh chết (Pháp bảo là tự tử), ông Xuân lên thay.  Về sau (1950-51) khi bắt buộc phải trao “độc lập” cho vua Bảo Đại (sau đó gọi là Quốc Trưởng), Pháp cho ông Xuân làm Thủ Tướng.  Không hiểu cụ gửi ông Xuân vào thời gian nào, nhưng bài thơ cho thấy cụ đã thành lẩm cẩm, không phân biệt đen trắng được nữa… Nói cho đúng, không có cụ PBC, cụ CĐ chỉ là một con chim non trong bão tố mà thôi.
Xem những tài liệu trong rương được vài tuần, sau đó khi tôi đến nữa thì bà cụ nói vì cho tôi xem mà bà bị "tsuji no hito" (người có liên hệ) trách cứ, và không thể để tôi xem cái rương nữa !  Bà không muốn cấm tôi, nhưng có áp lực gì đó bên trong, đành phải nghe theọ
Có lần bà hỏi tôi có thực sự tôn kính cụ CĐ không.  Tôi nói rằng  về tình cảm tôi thông cảm cụ đã sống một cuộc đời quá đau khổ, từ khi mới làm chính trị cho đến khi chết, kể luôn cả đám tro tàn còn lại cũng còn bị người ta lợi dụng, nhưng trên thực tế thì cái kết quả vẫn không thuận lợi cho cụ nên rất khó mà chứng minh rằng khi so tổng quát lại, cụ có thể có công với lịch sử Việt Nam.  Bà cụ nhìn tôi, chẳng nói gì. Tôi nói thêm rằng bản thân tôi thấy cám cảnh cho cụ nên mới muốn nghiên cứu cho rõ, mà việc nghiên cứu chưa xong.  Tôi hiểu cái cảnh bơ vơ và cô đơn của cụ khi những điều cụ mong mỏi không có gì thành sự thực.  Cụ bảo cứ "nằm gai nếm mật" làm Câu Tiễn để khi nào thành công hẵn tung cánh bay lên.   Nhưng người ta biết rõ cụ mồn một, hoá ra cái kế "nằm gai nếm mật" của cụ chỉ làm cụ chịu cay đắng thôi.  Từ khi 19 tuổi đã bỏ hết vợ dại con thơ đem thân phiêu bạt nơi xứ lạ, con người như thế không phải là không có chí.  Từ đó xa nhà luôn 45 năm, đến những phút cuối của cuộc đời muốn trở về xứ mà cũng không về được…
Đến đây thì cụ bà bùi ngùi bảo : 
"lần đó đi về Việt Nam không được, trở lui mới buồn mà suy yếu, rồi mất đó chứ.  Khi gần nhắm mắt, có nói mấy câu tiếng Việt.  Cụ muốn trối trăng gì đó, nhưng làm sao tôi hiểu …! "
Tôi vẫn thường đến với bà cụ, khi thì tự đến, khi thì do bà cụ kêu.  Những khi nhớ ra điều gì, bà cụ lại bảo người nhà kêu tôi đến, rồi cho một ít tài liệu, hoặc kể lại chuyện xưa, vv…  Bà cụ kể hồi ở Mãn Châu, mật thám Pháp bắn đạn vào hotel rào rào ra sao…  Vào sau này thì có việc cụ Ngô Đình Diệm cử hai ông Phan Thúc Ngô, Phan Thúc Huỳnh qua xin cụ cho ông Diệm làm đại diện,  họ lạy lễ đại triều ra sao …  Rồi lúc đi Mỹ, ông Diệm ghé qua Tokyo gặp cụ, hai người ôm nhau khóc ra sao, vv…  Tôi ghi chép những chuyện này.  Khi nào có dịp,  tôi hỏi bà cụ có biết những người như Lê Tản Anh, Shibata Trần văn An, Hoàng Nam Hùng, Trương Anh Mẫn, Trần Trung Lập, Ngô Quốc Long vv…  cụ bà chỉ biết một vài cái tên (ví dụ như Trương Anh Mẫn), nhưng không biết họ làm gì.
Ngoài việc cho tài liệu, cụ bà còn muốn cho tôi vài đồ vật của cụ CĐ như cái roi để cưỡi ngựa, tấm áo choàng, cái dù, thậm chí đến cả cái mền futon v.v…   Nhưng thưở đó tôi ở trọ trong cư xá, có nhà cửa gì đâu để cất, đành phải từ tạ lòng tốt của bà.   Điều tôi vẫn tiếc là khi chụp ảnh chân dung của bà, tại sao tôi lại không xin chụp chung với bà một tấm !
Có lẽ phần đối thoại nhiều nhất giữa bà cụ với tôi đã là phần im lặng.  Cuộc đời chính trị của cụ CĐ quá tế nhị, cho nên có nhiều điều cả bà cụ lẫn tôi đều không nói ra được những nhận định của mình, chỉ biết im lặng mà hiểu.  Những suy nghĩ của cụ đơn thuần quá, nhưng cá nằm trong thớt, ai cho kén chọn vàng thau?  Thành ra kết quả là cụ phải chịu đi theo những điều người khác đưa đẩy tuy trong lòng không muốn, và gánh chịu những cái hậu quả tất nhiên phải tới.  Nhưng trên mặt tình mà nói, có thể bảo là thấy thương cụ hơn là giận mà phê phán.  Cho nên cả bà cụ lẫn tôi đều thấy không có gì hơn một sự im lặng để hiểu ngầm.
Tôi vẫn mong có dịp trở lại Tokyo để có thể đi thăm mộ bà cụ.  Bao giờ tôi cũng vẫn nhớ trái ichijiku mà bà cụ đã cho, khi mới gặp lần đầu.  
*
Hai giống Lan Quân Tử mà bạn tôi đã tặng, bây giờ được trồng trong chậu.  Vào những tháng ấm, tôi đem ra vườn, để ở chỗ có nắng mai, dưới cây táo lớn.  Khoảng đất này có nhiều dế, mỗi đêm chúng thường rủ nhau vui vẻ hát ca.  Tôi thích nghe tiếng dế trong đêm khuya.  Có lẽ không có thứ nhạc gì của loài người có thể sánh bằng tiếng dế kêu trong đêm trường tịch mịch.  Tiếng kêu sao làm tâm trí mình thấy thanh thoát mà lòng vẫn nghe có gì vương vấn, thiết tha!
Tiếng kêu cũng lắm lúc làm tôi hồi tưởng lại những ngày còn ở Nhật.  Trong ý nghĩ, hình ảnh của thầy tôi – và bà cụ – hiện ra rõ rệt.  Những kỷ niệm thật trong sáng, nhẹ nhàng, như màu những chiếc lá Lan Quân Tử xanh biếc mà tôi đã thấy trong những ngày xa xưa ấỵ 
Ôi cây Lan Quân Tử, tôi có mến thương cũng không phải chuyện tình cờ.
______________________________________________________________________________
Văn-Lang Tôn-thất Phương, Canberra, sơ Thu  2001.

http://erct.com/2-ThoVan/TTPhuong/Lanquantu-12102003.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.