Cả vùng đó người ta mang họ Đinh, giống như anh hùng Núp. Chúng tôi đã từng lên rẫy trên núi cao, giữa bạt ngàn ngô và ngô, để tìm Gang.
Thật ra tính tuổi của Gang cũng không khó. Vì biết thời gian nào Gang nhập ngũ. Việc không có tuổi cho Gang, là một cách viết, vậy thôi.
Đầu tiên, đưa về đây bài của Nguyễn Quang Tuệ và Văn Công Hùng, những người đã từng làm việc nhiều với Gang.
Bài đầu thì sát thực hơn. Còn bài của bác Công Hùng thì vẫn "nổ" như quen trước nay. Vui là chính.
---
LƯU TƯ LIỆU
1. Bài của Nguyễn Quang Tuệ (2010)
Tiếc thương một nghệ nhân sử thi
Thứ Bảy, 06/11/2010, 21:55 [GMT+7]
Tôi thật sự hụt hẫng khi một người bạn báo cho tôi: Gang mất rồi… Vậy là người hát kể sử thi Bahnar (hơamon) lão luyện nhất của Gia Lai và Tây Nguyên đã ra đi khi mùa lễ hội chưa về.
Nghệ nhân Đinh Gang, 2005. |
Lần đầu gặp nhau cách đây hơn chục năm, tôi đoán ông ngoài tuổi 60, sau mới hay là cho đến nay, khi vĩnh biệt cuộc đời, Gang vẫn chưa tới được cái ngưỡng ấy. Gang không biết chữ, bập bẹ tiếng phổ thông, chưa từng đi đâu xa nhưng tiếng tăm thì khắp vùng đều biết. Tôi may mắn đã được ghi âm hàng trăm cuộn băng, quay được nhiều chục giờ phim các nghệ nhân dân gian khắp Tây Nguyên, nhưng thực lòng chưa thấy ai có giọng hát kể sử thi mà quyến rũ như Gang. Hễ Gang cất tiếng là bốn bề im lặng, đến cả những đứa trẻ ưa nghịch ngợm cũng bất ngờ lặng im tựa hồ đăm chiêu.
Gang là một giá trị sống động của văn hóa Bahnar, một niềm tự hào của xã Ya Ma, của huyện Kông Chro và của cả Gia Lai nữa. Chính những người làm công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa cũng vì có ông mà được tiếng thơm lây; mỗi khi cần chứng minh sức sống mãnh liệt của sử thi truyền thống, không ai quên mang tấm gương Gang ra mà nói, mà kể. Gang đi lại lung linh trong mỗi câu chuyện, hiện diện trong nhiều bài viết, báo cáo, luận văn như một nhân chứng sống lặng im mà vô cùng thuyết phục.
Đã đến làng Hơn hàng trăm bận, ở lại đó nhiều ngày nhiều đêm, cũng từng lên rẫy xa cùng bà con đôi ba buổi nên tôi biết tình cảm mà cộng đồng dành cho Gang là đặc biệt. Gang còn quá trẻ so với nhiều thành viên khác trong làng để được mọi người nể nang theo truyền thống trọng lão. Tuy thế, chỉ với tài diễn xướng sử thi của mình không thôi, Gang đã thực sự được coi như một người sống lâu, nhiều kinh nghiệm và uy tín. Gang âm thầm làm công việc của mình như tất thảy mọi người, nhưng khi được yêu cầu hát kể sử thi thì không bao giờ nề hà. Mà mỗi lần hát kể như vậy, ít nhất cũng kéo dài ba, bốn ngày đêm, tốn nhiều sức lực, thức gần như trắng đêm.
Chất nghệ sĩ trong con người Gang luôn chiến thắng người nông dân gầy gò, lam lũ này. Gang không phải là kẻ ham vui mà ông thực sự yêu quý cái “nghề” học được từ cha mình- người đã mất từ lâu. Có dịp là Gang say sưa phiêu du cùng các thần linh, vui buồn sướng khổ cùng hàng trăm nhân vật huyền hoặc trong mỗi câu chuyện thần thánh mà tổ tiên ông đã để lại. Gang nói, khi hát kể sử thi, ông thấy hết cảnh trên trời dưới đất và nghe được hết tiếng thần linh trong đó. Hỏi làm sao mà Gang nhớ được nhiều chuyện đến thế, lại chẳng bao giờ nhầm lẫn, ông đáp rằng: Yang cho mình mà! Đơn giản vậy thôi, nhưng mấu chốt là ở chỗ cả vùng đất mênh mang này, nào có mấy người được Yang thương yêu mà giao trọng trách vinh quang cũng là vô cùng nặng nề như đối với Gang đâu!
Gang thuộc làu và hát kể thuần thục hơn một chục sử thi cổ. Nếu mỗi câu chuyện này chỉ cần kéo dài độ ba ngày thôi, thì thời gian mà “kho lưu trữ sống” Gang muốn trình bày sẽ mất tròn một tháng liên tục. Tôi may mắn được chứng kiến ông diễn xướng phần lớn những tác phẩm độc đáo này. Một số câu chuyện đã được biên dịch dưới dạng tư liệu, một số đã trở thành những cuốn sách song ngữ dày dặn như Dyông Dư, Bia Brâu… Gang đã đi vào đời sống văn hóa của cộng đồng một cách nhẹ nhàng nhưng chắc chắn bằng những đóng góp lớn lao của mình. Gang đã về với làng ma vĩnh viễn. Một nghệ nhân sử thi lão luyện nhất của Gia Lai và Tây Nguyên đã thực sự không còn.
Gang là một nghệ nhân sử thi đích thực. Gang để lại người vợ lớn tuổi cùng bốn người con riêng của bà. Khác với cha mình, Gang ra đi mà không để lại cho hậu thế một người kế tục công việc hơamon nào. Âu đấy cũng là số phận của một nhân vật tài hoa hiếm hoi của Tây Nguyên, còn gắng gượng sống và cống hiến cho đến những năm đầu thế kỷ XXI này.
Nguyễn Quang Tuệ
2. Bài của Văn Công Hùng (2014)
Quái nhân Đinh Gang
NGÀY 2 THÁNG 11, 2014 | 08:00
Ngang dọc Tây Nguyên cũng nhiều, tiếp xúc cũng lắm, gặp nhiều nhân vật lạ đến mức mắt chữ O miệng cũng… chữ O, nhưng cách đây chục năm, tôi gặp một…
Ngang dọc Tây Nguyên cũng nhiều, tiếp xúc cũng lắm, gặp nhiều nhân vật lạ đến mức mắt chữ O miệng cũng… chữ O, nhưng cách đây chục năm, tôi gặp một… quái nhân thứ thiệt và đã ngủ cùng ăn cùng với quái nhân này cả tuần lễ. Sở dĩ nhớ và ấn tượng với cái tuần lễ ấy là có lý do của nó, chứ đời tôi vạ vật cũng nhiều, lang thang cũng lắm, cái sự ngủ với ăn ở nhà nhân vật một tuần chỉ là chuyện vặt.
Ấy là lúc giao thời mùa khô mùa mưa, thực hiện một dự án sưu tầm hơ a mon, chúng tôi lên đường đến làng Hơrn, xã Yơ Ma, huyện Kông Ch’ro, tỉnh Gia Lai. Sở dĩ phải chọn lúc giao thời này vì đây là lúc đồng bào ở nhà, chứ mùa khô họ lên rẫy hết, mà chính mùa mưa thì sẽ khổ cả chúng tôi và đồng bào vì nó cứ lướt thướt dầm dề thế, ai mà chịu nổi, chả làm gì được cả.
Trẻ em ở làng hôm nay.
Chúng tôi đi xe máy, trên xe lỉnh kỉnh như một cửa hàng xén lưu động, tăng võng, mì tôm, bông băng cồn, pin, đèn pin, cassette, máy ảnh, cá khô, kim chỉ, bấm móng tay, thuốc men, dầu gió, xà phòng, dầu gội... đúng hơn là như một cái chợ lưu động không thiếu một thứ gì và đấy là kinh nghiệm rút ra sau nhiều năm sống ở Tây Nguyên, đi công tác độc lập, không có tiền hô hậu ủng, không phiền cơ sở đón rước. Có lẽ phải đến chuyến đi này, tôi mới thực sự hiểu cái việc sưu tầm văn hóa dân gian vất vả đến như thế nào. Thì lâu nay cũng vẫn thường đi đấy thôi. Nghề báo mà. Suốt ngày lăm lăm chực để đi, vài chục lần ăn cơm khỉ, dăm bảy lần ngủ vắt vẻo cành cây... Ấy là nói những lần đi xuống làng để lấy tư liệu viết báo, nhưng dù sao thì cũng tự mình quyết định công việc của mình. Còn đây là đi sưu tầm, tất cả phụ thuộc vào nghệ nhân và rất nhiều yếu tố mà con người không định đoạt được.
Vượt hơn 150 cây số cả đường nhựa và đường đất, chúng tôi đã đến làng Hơrn. Đây là một ngôi làng Bahnar đặc trưng với khoảng hai chục nóc nhà chênh vênh trên sườn đồi. Góc làng, một ngôi nhà rông truyền thống còn khá mới đứng uy nghiêm như một nhát cắt dịu ngọt giữa trời xanh. Vài chục đứa trẻ tha thẩn chơi và tròn mắt xúm lại khi phát hiện khách lạ... Người mà chúng tôi cần tìm là Đinh Gang. Đây là một người đàn ông có thể nói là dị tướng. Nặng khoảng ba chục ký, cao chưa đến mét tư, sống với bà vợ nối dây hơn mình dễ đến gần hai chục tuổi và có một đứa con riêng chắc phải bằng tuổi bố dượng. Tôi phải phỏng đoán vì người Tây Nguyên ít khi nhớ tuổi thật của mình, họ áng chừng theo mùa rẫy. Anh hùng Núp nổi tiếng là thế mà khi mất người ta cũng đưa ra hai, ba cỡ tuổi chênh nhau cả chục năm.
Thế tại sao Đinh Gang lại là quái nhân?
Thứ nhất, tôi dám chắc rằng trong chúng ta, kể cả các cháu học sinh đang hàng ngày phải học gạo, không phải ai cũng thuộc lòng Truyện Kiều, dù đấy là áng văn bất hủ, là niềm tự hào dân tộc, và với học trò, đấy là cứu cánh, là nghĩa vụ để học, để thi... Thế mà cái anh chàng Đinh Gang nhỏ nhoi và mù chữ đang nằm co ro trước mặt chúng tôi kia, anh ta đang không chỉ đọc thuộc, mà còn diễn bằng tay, bằng mắt, bằng khuôn mặt, bằng giọng nói và bằng cả cái thân hình bé tẹo ấy, tất cả các nhân vật có trong hơ a mon, không chỉ một hơ a mon mà là 3 cái, đầy hai chục băng cassette trong vòng 1 tuần. Mà giọng mới vang làm sao, khuôn mặt, ánh mắt mới sinh động làm sao. Không chỉ chúng tôi ngạc nhiên và thích thú, mà cả dân làng. Vâng, nhờ có chúng tôi về, lâu lắm rồi dân làng mới lại được nghe hơ a mon.
Hơ a mon (người Kinh hay gọi là trường ca) là những câu chuyện thần thoại dài, rất dài, nhiều khi đến chục đêm, được một người có năng khiếu đặc biệt về nhớ, về diễn ngâm, phối hợp với các động tác tay chân, mắt, khuôn mặt... kể vào ban đêm trong những nhà rông hoặc nhà sàn. Tất nhiên, một đạo cụ quan trọng không thể thiếu là bếp lửa phập phù. Chính lửa và rượu cần phả vào trường ca một không khí lung linh huyền ảo, ru con người vào thế giới thần thoại từ thuở con người cắp gươm đi đánh nhau với nữ thần mặt trời để tìm... vợ, từ thuở bắp chân con gái Tây Nguyên trắng đến mức mặc 7 lần váy mà ánh sáng vẫn còn lộ ra như ánh chớp làm chói lòa trời đất... Vâng, quả thật là người ta không chỉ nghe trường ca, mà còn là xem trường ca. Chính vì thế, khi đời sống văn minh lên, điện thay thế lửa thì đồng nghĩa với việc trường ca hết đất diễn, chất huyền ảo lung linh, chất thần thoại không còn nữa. Quái lạ cái anh chàng Đinh Gang này, trong cái cơ thể bé nhỏ kia, năng lượng dự trữ ở đâu ra mà lắm thế. Tiếng cứ trong văn vắt, lúc gào thét giận dữ, khi thủ thỉ tâm tình, lúc lại the thé như mụ đàn bà góa, khi như rót mật vào tai... cứ nhìn cái đám đông lúc im thin thít, khi cười rũ rượi, đám con gái lúc lại đỏ mặt cấu chí nhau thì biết...
Thanh niên bây giờ đã có nhiều thú vui hiện đại khác, mà cái mốt đang hiện hành ở các làng dân tộc là đốt một đống lửa, ngồi quanh đấy, mỗi người đeo một cái cassette to đùng mở nhạc oang oang. May có mấy ngày chúng tôi về sưu tầm, mời Đinh Gang hát kể, Đinh Gang như người trẻ lại, vì nhiều lẽ, thứ nhất là anh được hơ a mon. Cái giống mà đã có năng khiếu, đã thuộc nhiều trong bụng như thế mà lâu không được hát lên kể ra nó buồn lắm, ấm ức lắm, như là bị trướng bụng, bị ung thư, bị trời hành... thứ nữa là có... tiền. Chúng tôi mời anh ăn cơm cùng và nói rõ mỗi ngày sẽ được “Nhà nước” bồi dưỡng bao nhiêu. Đến khi ứng tiền cho anh thì anh thật sự mừng, số tiền nhỏ nhoi theo chế độ nhưng cũng bằng hàng trăm ngày anh lặn lội vào rừng lấy mây rồi gùi ra chợ thị trấn vật vạ bán...
Thứ hai, Đinh Gang có một người vợ rất vĩ đại, chiều anh ta từng li từng tí, nâng như nâng trứng, hứng như hứng... Gang, tôi đã có lần đùa anh như thế. Chuyện ly kỳ là, chị vợ này hơn Gang mười mấy tuổi, là vợ của anh ruột Gang. Anh này chết và theo tục nối dây thì Gang được hưởng vợ của anh. Chị này đã có một đứa con với người anh của Gang và giờ trở thành con của Gang. Và điều buồn là không hiểu sao, Gang lại không có con với người phụ nữ này, tuy thế mấy ngày đầu tôi hoàn toàn không biết cô gái kia không phải con anh, cũng hoàn toàn không biết chị Đinh Thị Đeh là vợ nối dây của Gang. Mọi việc trong gia đình vẫn bình thường. Hàng ngày, Gang lên rừng lấy mây rồi cho lên xe máy mang ra chợ thị trấn bán. Cả làng, cho đến lúc ấy mỗi mình Gang có cái xe máy, loại cup 82 chạy lạch phạch, thi thoảng không nổ thì vợ và con cặm cụi đẩy lên dốc cho Gang xổ dốc rồi vào số một đột ngột, cái xe giật đùng đùng rồi phun khói đen kịt thì vợ con xoa tay hể hả cười.
Thứ ba, thứ này mới... li kỳ. Ấy là trong một lần leo cây, Gang bị ngã, đụng chạm sao đó tới bàng quang, kết quả là, “cái bụng Gang tự đái” chứ không phải đái bình thường như người bình thường. Chính điều này làm khổ Gang, khổ vợ con Gang và khổ cả... chúng tôi. Gang có đúng hai cái quần khi gặp chúng tôi, lúc nào cũng xắn, và nói thật là nó... khai mịt mù vì anh không hoàn toàn tự chủ được việc tiểu tiện. Mấy đêm Gang nằm hơ a mon cho chúng tôi ghi âm thì cứ một lát, vợ Gang lại vào lấy cái váy của mình khéo léo che cho Gang để... thay quần. Quần ấy vợ Gang mang ra cây phơi, khô lại mang vào thay, tôi chả thấy giặt bao giờ. Và chúng tôi ở cùng Gang gần một tuần lễ trong ngôi nhà sàn rất nhỏ đang chứa cả mấy người nhà anh.
Gang mất năm 2010, lặng lẽ. Tôi không thể về lại để viếng Gang, thấy báo Gia Lai có một bài viết về anh, ca ngợi anh là một nghệ nhân siêu giỏi và vô cùng tinh thông. Và cũng rất tiếc là, hồi ấy tôi đã chụp rất nhiều ảnh Đinh Gang, bằng máy cơ, phim Konica, giờ lôi ra thì... phim đã trắng xóa. Thế nên đã không thể có một cái ảnh in kèm để mọi người ngắm dung nhan chàng trai kỳ lạ này, thôi thì thay bằng cái ảnh một ngôi Nhà sàn Tây Nguyên vậy...
Bài, ảnh: VĂN CÔNG HÙNG
Bổ sung 1 (09/11/2014): Một bài cũ, năm 2009, của Văn Công Hùng.
Làng đang sung túc
NGÀY 2 THÁNG 9, 2009 | 14:05
Từ lâu người ta đã phát nhiều tín hiệu SOS về việc văn hóa dân gian Tây Nguyên đang bị phá hủy dần cùng với thời gian và sự thâm nhập của đời sống văn minh.
Từ lâu người ta đã phát nhiều tín hiệu SOS về việc văn hóa dân gian Tây Nguyên đang bị phá hủy dần cùng với thời gian và sự thâm nhập của đời sống văn minh. Nào là cồng chiêng chảy máu, nào là nhà rông bị bê tông hóa, nào là nghề dệt thổ cẩm đang mai một, nào là khan, hơ ri, hơ a mon... đang cùng với các nghệ nhân về với đất... Tất cả những tín hiệu trên là có thật. Song cũng có một sự thật rất đáng mừng là đời sống của đồng bào Tây Nguyên ngày càng đi lên.
Có lẽ phải đến chuyến đi này, tôi mới thực sự hiểu cái việc sưu tầm văn hoá dân gian vất vả đến như thế nào. Thì lâu nay cũng vẫn thường đi đấy thôi. Nghề báo mà. Suốt ngày lăm lăm chực để đi, vài chục lần ăn cơm khỉ, dăm bảy lần ngủ vắt vẻo cành cây... Ấy là nói những lần đi xuống làng để lấy tư liệu viết báo, nhưng dù sao thì cũng tự mình quyết định công việc của mình. Còn đây là đi sưu tầm, tất cả phụ thuộc vào nghệ nhân và rất nhiều yếu tố mà con người không định đoạt được. Ấy là một ngày mùa khô cách đây mấy năm, hai người bạn ào đến rủ tôi: Mới phát hiện được một nghệ nhân hay lắm, đi không, hy vọng kiếm được một cái trường ca để ăn tết cho vui vẻ. Tôi thân với hai người này và hiểu được tình yêu cháy bỏng của họ đối với di sản văn hóa bản địa Tây Nguyên, họ gần như đã gắn cả cuộc đời mình vào công việc sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian một cách tự nguyện. Mỗi người đã có 3 đầu sách về văn hóa dân gian Tây Nguyên. Thế là chúng tôi lên đường trên 3 chiếc xe máy chất đầy đồ đạc: tăng võng, mì tôm, bông băng cồn, pin, cassette, máy ảnh, cá khô, kim chỉ... như một cái chợ lưu động không thiếu một thứ gì.
Lễ Bỏ mả của người Gia Rai - một trong những nét văn hóa dân gian.
|
Điện đã dần dần thay thế lửa xà nu, tivi, radio vào tận buồng ngủ, đồ may sẵn bán đầy chợ, mà lại rẻ và đơn giản hơn là tự ngồi dệt vải rồi may lấy, guitar, organ rõ ràng là thời thượng hơn trong mắt lớp trẻ so với chiêng, đàn goong, kơni..., khi mà chúng diện quần jean, áo thun, đi giày khủng bố... bằng tiền thành quả của chúng từ cà phê, tiêu, cao su... Vậy thì hơ a mon mất dần đi, dân ca mất dần đi, chiêng trở thành hàng hóa, nghề thổ cẩm thất truyền... cũng là điều dễ hiểu. Và cũng bởi thế mà chuyến đi này của chúng tôi là để "giữ lại cái đã".
Vượt hơn 150 cây số cả đường nhựa và đường đất, chúng tôi đã đến làng Hơnr. Đây là một ngôi làng Bana đặc trưng với khoảng hai chục nóc nhà chênh vênh trên sườn đồi. Góc làng, một ngôi nhà rông truyền thống còn khá mới đứng uy nghiêm như một nhát cắt dịu ngọt giữa trời xanh. Vài chục đứa trẻ tha thẩn chơi và tròn mắt xúm lại khi phát hiện khách lạ... Chúng tôi tập kết đồ đạc vào nhà rông và tìm ngay nhà Đinh Gang. Đây là một người đàn ông có thể nói là dị tướng. Nặng khoảng ba chục ký, cao chưa đến mét tư, sống với bà vợ nối dây hơn mình dễ đến gần hai chục tuổi và có một đứa con riêng chắc phải bằng tuổi bố dượng. Tôi phải phỏng đoán vì người Tây Nguyên ít khi nhớ tuổi thật của mình, họ áng chừng theo mùa rẫy. Anh hùng Núp nổi tiếng là thế mà khi mất người ta cũng đưa ra hai ba cỡ tuổi chênh nhau cả chục năm. Cũng nói thêm điều này, sở dĩ chúng tôi xuống thẳng đây và tìm đúng Đinh Gang là do hàng năm trời trước đó, chúng tôi đã dò tìm, liên hệ...
Tôi dám chắc rằng trong chúng ta, kể cả các cháu học sinh đang hàng ngày phải học gạo, không phải ai cũng thuộc lòng truyện Kiều, dù đấy là áng văn bất hủ, là niềm tự hào dân tộc, và với học trò, đấy là cứu cánh, là nghĩa vụ để học, để thi... Thế mà cái anh chàng Đinh Gang nhỏ nhoi và mù chữ đang nằm co ro trước mặt chúng tôi kia, anh ta đang không chỉ đọc thuộc, mà còn diễn bằng tay, bằng mắt, bằng khuôn mặt, bằng giọng nói, và bằng cả cái thân hình bé tẹo ấy, tất cả các nhân vật có trong hơ a mon, không chỉ một hơ a mon mà là 3 cái, đầy hai chục băng cassette trong vòng 1 tuần. Mà giọng mới vang làm sao, khuôn mặt, ánh mắt mới sinh động làm sao. Không chỉ chúng tôi ngạc nhiên và thích thú, mà cả dân làng. Vâng, nhờ có chúng tôi về, lâu lắm rồi dân làng mới lại được nghe hơ a mon.
Hơ a mon, hơ ri, khan... là tiếng người Bana, Giarai, Êđê gọi một loại hình nghệ thuật lâu nay chúng ta quen dịch ra tiếng Việt là trường ca hoặc sử thi. Đây là một câu chuyện thần thoại dài, rất dài, nhiều khi đến chục đêm, được một người có năng khiếu đặc biệt về nhớ, về diễn ngâm, phối hợp với các động tác tay chân, mắt, khuôn mặt... kể vào ban đêm trong những nhà rông hoặc nhà sàn. Tất nhiên một đạo cụ quan trọng không thể thiếu là bếp lửa phập phù. Chính lửa và rượu cần phả vào trường ca một không khí lung linh huyền ảo, ru con người vào thế giới thần thoại từ thuở con người cắp gươm đi đánh nhau với nữ thần mặt trời để tìm... vợ, từ thuở bắp chân con gái Tây Nguyên trắng đến mức mặc 7 lần váy mà ánh sáng vẫn còn lộ ra như ánh chớp làm chói lòa trời đất... Vâng, quả thật là người ta không chỉ nghe trường ca, mà còn là xem trường ca. Chính vì thế, khi đời sống văn minh lên, điện thay thế lửa thì đồng nghĩa với việc trường ca hết đất diễn, chất huyền ảo lung linh, chất thần thoại không còn nữa. Tôi nhớ hồi nhỏ đi sơ tán đã được các anh lớn cho xem phim bằng cách căng nilon lên rồi đốt một đống lửa và nhảy múa trước đống lửa ấy, chúng tôi hào hứng và vô tư vỗ tay khi ngồi trước màn ảnh... nilon xem phim. Kỷ niệm dịu ngọt ấy còn sống mãi đến tận bây giờ...
Hết cái trường ca thứ 3 thì Đinh Gang mệt quá không kể được nữa, dù trong bụng còn 2 cái nữa. Tôi chỉ làm mỗi nhiệm vụ là tiếp nước đường cho anh ta mà cũng mệt. Quái lạ, trong cái cơ thể bé nhỏ kia, năng lượng dự trữ ở đâu ra mà lắm thế. Tiếng cứ trong văn vắt, lúc gào thét giận dữ, khi thủ thỉ tâm tình, lúc lại the thé như mụ đàn bà góa, khi như rót mật vào tai... cứ nhìn cái đám đông lúc im thin thít, khi cười rũ rượi, đám con gái lúc lại đỏ mặt cấu chí nhau thì biết...
Làng quê vẫn thanh bình như ngàn đời vốn thế. Song bên trong nó đang diễn ra những đổi thay dữ dội. Ở làng Hơnr lúc này điện chưa có, nhưng người ta đã dùng ắcquy và pin. Đi nghe hơ a mon, các cô ôm theo những cái máy cassette to đùng, lúc nghệ nhân nghỉ, các cô lại mở nhạc Quang Linh, Phương Thanh... và quây thành vòng tròn trước sân nhà rông để nhảy. Mà hơ a mon này có phải lúc nào cũng có người kể cho nghe đâu. Phải đến 4-5 năm nay, Đinh Gang mới lại hát cho dân làng nghe là nhờ có cán bộ về trả tiền bồi dưỡng để nó khỏi phải lên rừng lấy mây để bán... Số người như Đinh Gang hiện nay rất hiếm, nếu như không muốn nói là độc nhất vô nhị. Vài năm sau tôi trở lại làng thì Đinh Gang đã như một con người khác, nghễnh ngãng và lơ mơ, anh chẳng còn nhớ, còn biết gì cả. Làng đã chan hòa ánh điện, những cái “chảo” bắt tín hiệu truyền hình từ vệ tinh chứng minh làng đang sung túc...
Văn Công Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.