Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/11/2014

Cu Nỡm bình luận về "3 nguyên tắc chi tiêu" của Bộ trưởng Vinh


Kinh tế học giảng tòa của Cu Nỡm (bài 1)

Bộ trưởng Vinh đã lên tiếng từ ngày 20/10/2014. Tức là khoảng nửa tháng trước. Cụ thể, ông cho biết cả 3 nguyên tắc chi tiêu sau đây của Việt Nam hiện nay đều bị vi phạm, là:

"
Thứ nhất là tăng chi lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động (ở các nước chỉ tăng lương khi năng suất lao động tăng lên). 

Thứ hai là tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách. Dẫu biết chi an sinh xã hội là nhu cầu bức xúc, quan trọng của mọi quốc gia, nhưng tốc độ tăng chi khoản này phải thấp hơn mức tăng thu. 

Thứ ba, tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển, trong khi lẽ ra phải ngược lại. Bộ trưởng đánh giá: “Nhiều chính sách ra đời không thực hiện được chỉ vì không có tiền”.

"

Hôm nay, sau sự chuẩn bị tư liệu rất có trách nhiệm, Cu Nỡm sẽ bàn luận về ba nguyên tắc trên, từ góc nhìn Kinh tế học và Kinh tế Chính trị học.

Thời Minh Trị ở Nhật Bản, giữa lúc quân đội thiên hoàng và quân đội của Mạc phủ bắn nhau dữ dội, khói súng tỏa ngút một góc trời thành Đông Kinh, thì thầy Phúc Trạch Dạ Cát (Fukuzawa Yukichi) vẫn lên lớp, và cùng học trò đọc cuốn Kinh tế học của Adam Smith. Cuốn sách đó là do cá nhân Fukuzawa mang về từ một chuyến công du sang phương Tây.

Với ý nghĩa tham khảo, nhắc lại chuyện cũ ở trên, vì trong bài, Cu Nỡm có nhắc đến sách của Adam. 

Từ đây trở xuống là bài của Cu Nỡm. Trân trọng giới thiệu như là bài đầu tiên cho Kinh tế học Giảng tòa của Cu Nỡm

Chữ giảng tòa, tôi tạm mượn của Fukuzawa. Có lẽ, bắt đầu từ đây, blog tôi sẽ mở dần ra một số giảng tòa, do các nhà chuyên môn góp mặt. Học sinh đầu tiên là tôi.



---

Thursday, November 6, 2014

Ba nguyên tắc chi tiêu ngân sách của bộ trưởng Vinh


Trước đây cũng khá lâu, bác Giao có yêu cầu bình luận về phát biểu của bộ trưởng bộ kế hoạch đầu tư Nguyễn Quang Vinh trong bài "Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư: Việt Nam vi phạm ba nguyên tắc trụ cột", bình luận qua comment thì sẽ quá dài nên phải viết một bài riêng cho bác Giao.

Hoàn cảnh của cuộc tranh luận về ngân sách

Trước hết nếu chỉ nhìn vào bài báo đó thì không thể bình luận nhiều, cần phải nhìn vào bối cảnh lịch sử của Việt Nam để hiểu tại sao có bài báo đó.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây đang chậm lại, nguồn thu ngân sách bị giảm sút trong khi đó các khoản phải chi lại phình ra rất nhanh. Kế hoạch tăng lương đã phải hoãn hai năm, chính phủ thậm chí đã phải phát hành trái phiếu để đảo nợ. Thu chi ngân sách trở thành vấn đề nóng bỏng tại diễn đàn Quốc Hội. 

Ngân sách thì có rất nhiều cơ quan tiêu nhưng giải trình về ngân sách trước Quốc Hội thì chỉ có hai bộ là Bộ Tài Chính (BTC) và Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư (BKHĐT). Song hai bộ này cũng chỉ nắm chung về chi tiêu và đầu tư, họ không nắm được chi tiêu của các bộ khác và các địa phương. Ngân sách cũng là vấn đề phức tạp, dưới Luật Ngân Sách Nhà Nước thì còn có 300 văn bản khác. Đa phần các đại biểu cũng không bao quát hết được vấn đề ngân sách.

Tuy cùng phải giải trình về vấn đề ngân sách trước Quốc Hội song quan điểm của BTC và BKHĐT lại đối chọi nhau. Điều này dẫn đến bài phát biểu của bộ trưởng Vinh.

Gần đây nhất hai bộ này đã trực tiếp đối thoại với nhau về ngân sách là trong cuộc hội thảo về Kế Hoạch và Đầu Tư ở Đà Nẵng vào ngày 7.8.2014. Trong cuộc hội thảo đó đại diện của BKHĐT đã nói về việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, còn đại diện của BTC nhấn mạnh việc ưu tiên chi cho cải cách tiền lương và an sinh xã hội.

Mới đây, chủ tịch Quốc Hội đã phát biểu về vấn đề chi ngân sách, nhấn mạnh việc phải thực hiện cải cách tiền lương, trong khi bộ trưởng BTC muốn ưu tiên trả nợ và chi cho quốc phòng. 

Chưa đầy hai tuần sau, bộ trưởng Vinh đã phát biểu về ba trụ cột kinh tế của quản lý ngân sách, quan điểm của BKHĐT là giảm chi thường xuyên, giảm chi an sinh xã hội và gia tăng chi đầu tư phát triển. BTC cũng đã nhanh chóng đưa ra quan điểm của mình. BTC một lần nữa nhấn mạnh việc chi cho an sinh xã hội là dựa trên các nghị quyết của Quốc Hội và chính phủ. Một điểm đáng chú ý là BTC đã đề cập đến vấn đề phải xiết lại việc lập dự toán đầu tư, tức là công việc của BKHĐT.

Nguyên tắc kinh tế nào?

Về nguyên tắc kinh tế, dựa trên kinh tế học thì chỉ có hai loại quan điểm. Quan điểm của trường phái Keynes là nhà nước có thể can thiệp vào thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại theo quan điểm của phái tân cổ điển thì nhà nước nên hạn chế can thiệp vào thị trường, chỉ nên can thiệp để sửa chữa các khuyết tật của thị trường.

Thu chi ngân sách về bản chất là liên quan chặt chẽ đến nhau, không thể tách rời việc thu riêng và chi riêng. Ví dụ như tăng chi lương chẳng hạn, thì cũng có nghĩa là khoản thu từ thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng cũng tăng lên, do vậy phải tính toán cân đối cả thu và chi. Khoa kinh tế học gộp hai vấn đề đó lại thành chính sách tài khóa.

Phái Keynes khuyến khích nhà nước chi tiêu để điều tiết nền kinh tế do vậy chính sách tài khóa là vấn đề trọng tâm của họ. Một người theo phái Keynes, giáo sư kinh tế học Warron Smith đã đúc kết nguyên tắc về chính sách tài khóa là: "Quy tắc tốt nhất là ngân sách không bao giờ nên cân bằng, trừ một khoảnh khắc khi thay đổi từ dư thừa để chống lạm phát sang thâm hụt để chống suy thoái". Còn các đại biểu của phái tân cổ điển thì thường dẫn quan điểm ngắn gọn của người sáng lập ra khoa kinh tế chính trị cổ điển, Adam Smith: "Ngân sách tốt duy nhất là ngân sách cân bằng"

Khoản 1 điều 8 Luật Ngân Sách Nhà Nước năm 2002 ghi rõ: Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao vào chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi, thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách.

Bàn về ba nguyên tắc của bộ trưởng Vinh

Nguyên tắc trong trường hợp này chỉ có hai loại, một là dựa trên lý thuyết kinh tế, hai là dựa trên luật.

Về vi phạm nguyên tắc thứ nhất, "tăng chi cho lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Đây là vi phạm nguy hiểm, bởi ở các nước chỉ tăng lương khi năng suất lao động tăng, hiệu quả lao động tăng lên thì được bù đắp.". Khoa kinh tế học chưa bao giờ chứng minh được lương tương ứng với năng suất lao động. Khoa kinh tế học cho rằng lương là do cung và cầu về lao động quyết định. Doanh nghiệp thuê lao động dựa trên nguyên tắc lương bằng giá trị sản phẩm biên của lao động, tức là không chỉ liên quan đến năng suất lao động của lao động, mà còn phụ thuộc vào giá cả của sản phẩm đầu ra và công nghệ sản xuất. Khoa kinh tế chính trị học Marx-Lenin thì coi lương là giá mua sức lao động, nên cũng không liên quan đến năng suất lao động. Các tác giả thuộc khoa kinh tế chính trị học cổ điển thì còn có quan điểm sắt đá hơn về tiền lương, như của Malthus, tức là theo quy luật thị trường thì lương thực tế luôn chỉ bằng mức tối thiểu đủ sống, bất kể năng suất lao động có tăng kiểu gì cũng vậy. Còn về mặt thực tiễn thì doanh nghiệp không bao giờ áp dụng tăng lương bằng tăng năng suất lao động, nguyên tắc được áp dụng phổ biến là tỷ lệ tăng lương nhỏ hơn tỷ lệ lạm phát.

Vi phạm nguyên tắc thứ hai, tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách, mất cân đối ngay. Chi an sinh xã hội là nhu cầu bức xúc quan trọng của mọi quốc gia nhưng dù muốn thế nào thì muốn, nhu cầu an sinh xã hội rất lớn phải cân đối, phải thấp hơn tốc độ thu về ngân sách.

Vi phạm nguyên tắc thứ ba là trong quy luật kinh tế quy định tốc độ tăng chi cho phát triển phải cao hơn tốc độ tăng chi thường xuyên, để tiến lên nếu ngược lại thì khó khăn.

Tôi đã tra cứu các loại sách giáo khoa về kinh tế học và không tìm thấy nguyên tắc thứ hai và thứ ba của bộ trưởng ở bất cứ chỗ nào, có lẽ đó là loại nguyên tắc cao cấp chỉ dành riêng cho các chuyên gia cao cấp chăng?

Nếu đối chiếu với quy định của khoản 1 điều 8 của luật NSNN thì nguyên tắc số 2 và 3 của Bộ trưởng Vinh chỉ là những trường hợp cụ thể của quy định ấy. Lý do là cả chi lương, chi an sinh xã hội đều thuộc về khoản chi thường xuyên. Hãy lấy quy tắc thứ 3 để xem xét, tốc độ tăng chi thường xuyên phải thấp hơn tốc độ tăng chi phát triển, điều đó có nghĩa là tốc độ tăng chi thường xuyên phải thấp hơn tốc độ tăng thu ngân sách, vì chi thường xuyên cộng với chi đầu tư phát triển chính bằng tổng chi. Nhưng ngay cả khi tốc độ tăng chi thường xuyên lớn tốc độ tăng thu ngân sách thì tốc độ tăng chi đầu tư phát triển vẫn có thể lớn hơn nhờ bội chi theo luật NSNN. Xét quy tắc thứ hai, khi tốc độ tăng chi thường xuyên được duy trì thấp hơn tốc độ tăng thu ngân sách, đương nhiên theo logic đơn giản thì các cấu thành của chi thường xuyên, như tốc độ chi an sinh xã hội phải thấp hơn tốc độ tăng thu ngân sách, nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì chi an sinh xã hội vẫn có thể có tốc độ cao hơn tốc độ thu ngân sách nếu tốc độ gia tăng của các khoản khác thuộc về chi thường xuyên giảm đi. 

Trong bài báo bộ trưởng nêu rõ là Việt Nam đang gặp rắc rối vì không tuân thủ ba nguyên tắc này, nhưng suy nghĩ kĩ hơn một chút sẽ thấy áp dụng cả ba nguyên tắc này thì Việt Nam cũng không tránh khỏi rắc rối. Các khoản chi cho lương, an sinh xã hội đều nằm trong khoản chi thường xuyên. Trong thực tế sẽ xảy ra tình huống các nguyên tắc đó tạo sức ép lên nhau, ví dụ tuân thủ nguyên tắc thứ ba, giữ tốc độ tăng chi phát triển lớn hơn tốc độ tăng chi thường xuyên mà năng suất lao động tăng nhanh buộc phải tăng lương đẩy tốc độ tăng chi thường xuyên vượt quá tốc độ chi phát triển thì lúc đó không biết sẽ phải hy sinh nguyên tắc nào. Nếu có thể hy sinh nguyên tắc này để chọn nguyên tắc khác thì ba nguyên tắc đó không thể là nguyên tắc mà chỉ có thể là tùy chọn.

Tại sao quan điểm của Bộ trưởng Vinh được ủng hộ?

Quan điểm của bộ trưởng Vinh là chi gia tăng đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chi đầu tư phát triển là những khoản chi như sau: chi xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, chi hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước và góp vốn vào doanh nghiệp, chi dự trữ nhà nước. Bộ trưởng Vinh vốn chỉ nắm được khoản chi xây dựng cơ sở hạ tầng còn hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước và góp vốn lại thuộc BTC, dự trữ nhà nước thì do Tổng Cục Dự Trữ quản lý trong đó khoản dự trữ lớn nhất là ngoại tệ lại do Ngân Hàng Nhà Nước nắm. Với các dự án cơ sở hạ tầng thì đương nhiên là doanh nghiệp có lợi, xét trên phương diện kinh tế vĩ mô thì cơ sở hạ tầng tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, xét trên phương diện trực tiếp thì các doanh nghiệp sẽ được nhận thầu thêm các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ thì quan điểm của bộ trưởng Vinh sẽ được nhóm doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng ủng hộ mạnh mẽ. 

Song vấn đề nằm ở chỗ, Việt Nam đã từng sử dụng chính sách tài khóa theo kiểu Keynes các đây không lâu. Vào năm 2008 khi thế giới bị chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính do nợ dưới chuẩn của Mỹ gây ra, chính phủ Việt Nam đã tung ra gói kích thích tài khóa trị giá 8 tỷ USD. Cho đến nay chưa có bất cứ nghiên cứu nào đánh giá tác động của gói kích thích kinh tế đó. Những năm tiếp theo Việt Nam đã phải chứng kiến mức lạm phát kinh hoàng và tình trạng các doanh nghiệp đua nhau đầu cơ làm rối loạn thị trường. Hiện nay trong chính phủ không còn nhiều người nhắc đến kích thích tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa nữa. Từ sau cuộc chạy đua lãi suất của hệ thống ngân hàng năm 2012, chính sách tiền tệ đã bắt đầu có tiếng nói nhất định đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều đáng chú ý hơn trong bài phát biểu của bộ trưởng Vinh.

Đó là đoạn cuối bài:

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kể rằng, Quốc hội từng yêu cầu ông phải trả lời câu hỏi những dự án nào không hiệu quả, kém hiệu quả. Để làm việc này, Bộ Kế hoạch đã gửi công văn đến tất cả các địa phương thì nhận được phản hồi là "dự án nào cũng hiệu quả". “Tôi hỏi tiêu chí nào là hiệu quả thì các ông ấy bảo không hiệu quả chỗ này thì hiệu quả chỗ khác”, Bộ trưởng chia sẻ.

Những người làm quản lý doanh nghiệp đều thuộc lòng câu cách ngôn của Peter Drucker "Không thể quản lý khi thiếu đo lường". Câu chuyện của bộ trưởng Vinh cho thấy BKHĐT hoàn toàn không có chuẩn mực để đo lường hiệu quả dự án. Việc bộ hỏi các địa phương là vô ích vì thứ nhất họ sẽ không biết dựa trên tiêu chí nào để trả lời BKHĐT. Thứ hai là cho dù có được đầy đủ các báo cáo của các địa phương thì BKHĐT cũng chẳng thể làm gì vì mỗi báo cáo ấy sẽ theo một chuẩn mực khác nhau và không thể nào tổng hợp vào một báo cáo để phân tích hay đánh giá. Chỗ này làm tôi nhớ lại câu khen của một người bạn khi phải chứng kiến tình trạng tương tự ở nhiều bộ ngành: "Thế mà Việt Nam vẫn quản lý được mới tài!". 

http://cunom.blogspot.jp/2014/11/ba-nguyen-tac-cua-bo-truong-vinh.html




---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:


Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


 

7 nhận xét:

  1. Một bài viết ngắn nhưng cô đúc của Nỡm, đọc kĩ thì hiểu được "thế" và "lực" của ông Bộ trưởng. Hiểu được vận hành tổng quát của những đồng ngân sách chính phủ.

    Và đặc biệt, biết rõ thêm về cách thức làm việc của cái bộ Kế hoạch - Đầu tư. Xem ra khá luộm thuộm.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Giao sửa lại giùm tôi chỗ ở cuối phần vi phạm nguyên tắc thứ nhất: "tốc độ tăng lương nhỏ hơn tốc độ lạm phát" thành "tỷ lệ tăng lương nhỏ hơn tỷ lệ lạm phát". Diễn đạt như vậy chính xác hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ok. Mình cũng đã thấy Nỡm có chỉnh sửa (cả ở tiêu đề nữa) sau khi mình đưa lên ở bên này. Mình sẽ sửa lại theo bản mới nhất của Nỡm nhé.

      Xóa
    2. Vâng, bác thông cảm, tôi có thói xấu là đăng rồi nhưng đọc thấy không ưng thì vẫn chỉnh sửa, nhưng chỉ là vấn đề câu từ, không thay đổi ý nghĩa.

      Xóa
    3. Mình cũng có tật xấu đó. Nên rất hiểu Nỡm à.

      Xóa
  3. Mấy hôm trước, blog gặp trục trặc. Đến hôm nay, mới chỉnh lại theo đúng bản mới trên blog của Nỡm nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Sau 4 năm, bây giờ, để hiểu rõ hơn về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng Bộ trưởng Vinh lúc đó, cần đọc lại bài phân tích chuyên môn này của Cu Nỡm.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.