Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

27/09/2013

Mong nhà văn Vũ Thư Hiên xác nhận giúp : Trong nhóm Trần Dân Tiên có cụ thân sinh Vũ Đình Huỳnh, mà không có cụ Vũ Kỳ ư ?

Chuyện sẽ còn dài, như thường lệ trên blog này, quan điểm của cá nhân tôi sẽ được đưa ra ở những entry cuối cùng của loạt bài. Cho đến lúc đó, sẽ là tập hợp những cái nhìn, những quan điểm từ nhiều phía, có khi là đối chọi nhau, có khi là tương hỗ nhau. Tôi không đặt sự thiên vị vào bất cứ quan điểm nào trong thời gian tập hợp.

Entry này, tôi viết như là một lời ngỏ, để mong đến được với nhà văn Vũ Thư Hiên. Và trong điều kiện cho phép, nếu có thể, mong ông cho biết ý kiến, hoặc là bình luận, hoặc là xác nhận. Được như vậy thì thật quí.

1. Hiện đang có quan điểm cho rằng Trần Dân Tiên chỉ là một trong rất nhiều bút danh đã sử dụng của Hồ Chủ tịch. Nói cho gọn thì, Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh. Như vậy, Trần Dân Tiên ở đây là một người. Tiêu biểu cho quan điểm này ở trong nước là các vị sau: Hà Minh Đức, Trần Khuê - Nguyễn Thị Thanh Xuân, Ngô Tự Lập,...(tạm chưa nhắc đến các học giả nước ngoài). Ông Dương Trung Quốc cũng cho là một người, nhưng chỉ là nhà báo nào đó, tựa như không phải Hồ Chủ tịch. Bạn Thanh Tùng thì không xác định số lượng người, nhưng vẻ như muốn chú ý đến vai trò của cụ Đặng Thai Mai.

2. Hiện cũng lại có quan điểm khác, cho rằng Trần Dân Tiên là một nhóm (tức vài ba người). 

Chẳng hạn, trước đây (hồi năm 2007), ông Lữ Phương có dẫn lại lời kể của bà Phan Thị Minh, cho biết: "Chiều ngày 2 tháng 3 năm 1993, tôi - bà Phan Thị Minh - đã được gặp ông Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác từ Cách mạng tháng Tám đến ngày Bác qua đời và đã cùng một số người quanh Bác là đồng tác giả cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch với bút danh Trần Dân Tiên" (nguồn trích dẫn câu nói này, được Lữ Phương cho biết như sau: "Phan Thị Minh: “Tìm hiểu thêm về quan hệ của Bác Hồ với cụ Phan Châu Trinh trong những năm Bác chưa sang Pháp”, trong Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris, Sđd, tr. 403"). Theo thông tin này, nhóm Trần Dân Tiên có bao gồm cả Vũ Kỳ. Ông Lữ Phương thì tạm thấy cách lí giải về nhóm Trần Dân Tiên như vậy là ổn thỏa.

Gần đây nhất, qua một entry xuất hiện trên mạng, ông Nguyễn Khôi lại cho chúng ta thông tin mang tính trung gian về nhóm Trần Dân Tiên, có hơi khác, như sau: "theo sáng kiến của ông Hoàng Quốc Việt (thường vụ Trung ương Đảng) gợi ý cho Trần Huy Liệu (Bộ trưởng bộ Tuyên truyền) viết giới thiệu về Bác, Trần Huy Liệu không viết mà giao cho Vũ Đình Huỳnh, thư ký trợ lý của Bác chấp bút, xong khởi thảo thì Trần Huy Liệu sửa, viết bổ sung (thêm bớt) rồi qua Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh đọc “duyệt” cho ý kiến để hoàn thiện  đem xuất bản". Có cả một cách giải thích về cái tên Trần Dân Tiên, như sau: "Tên bút danh “Trần Dân Tiên” có ý nghĩa : người công dân đầu tiên họ Trần của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Họ Trần có ý ngầm: mấy người chấp bút này (Vũ Đình Huỳnh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh) đều là người quê Vua Trần – Trần Hưng Đạo (Nam Định)". Theo thông tin này, trong nhóm Trần Dân Tiên, có cụ Vũ Đình Huỳnh. Hơn nữa, cụ là người viết bản sơ thảo đầu tiên.

3. Giả sử Trần Dân Tiên là một nhóm, chứ không chỉ là một người, vậy trong nhóm đó có cụ Vũ Đình Huỳnh, mà không có cụ Vũ Kỳ, hay là có cả hai cụ ? 

Cụ Vũ Kỳ, trong các tác phẩm đã công bố, hầu như không nhắc gì đến chuyện như bà Phan Thị Minh đã viết.

Đồng thời, nhà văn Vũ Thư Hiên, cũng hầu như chưa bao giờ nói đến việc cha mình đã trực tiếp viết bản sơ thảo cho cuốn sách sau này mang tên tác giả Trần Dân Tiên.

Sau khi nghe ý kiến của nhà văn Vũ Thư Hiên, chúng ta hãy thử cùng nhau đi vào nội dung của bản thân cuốn sách do Trần Dân Tiên viết. Đầu tiên, thử so sánh vài đoạn làm vui giữa bản tiếng Trung (đã xuất bản năm 1949) với bản tiếng Việt (đã xuất bản lần đầu năm 1955).


---


BỔ SUNG

Sau entry này, nhà văn Vũ Thư Hiên đã hồi âm bằng comment ở dưới
(chép lên đây để lưu - chép ngày 7/5/2019)

"

2 nhận xét:


  1. Điều rõ ràng là không ai có thể biết những giai đoạn hoạt động trong đời Hồ Chí Minh bằng chính Hồ Chí Minh. Cho nên dù ai được Hồ Chí Minh kể lại đời mình cho mà viết, thì tác giả đích thực của cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên vẫn là Hồ Chí Minh. Trong những tác phẩm thuộc thể loại hồi ký ở VN, chuyện người viết lại (viết thuê, hoặc được phân công, người này có khi được ghi tên, có khi không) những gì tác giả kể là chuyện thường tình. Tôi nhớ cha tôi có lần nói trong bạn bè rằng ông Nguyễn Lương Bằng có nói đảng (ĐCS) cần một cuốn tiểu sử Hồ chủ tịch (thời điểm 1946) cho công tác tuyên truyền và bảo cha tôi quan tâm việc đó. Cha tôi không nói rõ người nào đã ghi lại những lời kể ấy, nhưng nó đã được ông Hồ Chí Minh đọc lại, tự mình sửa chữa những sai sót, rồi đồng ý cho in (dường như bản in đầu tiên là bằng in thạch bản hay ronéo không rõ trong rừng Việt Bắc, trong trí nhớ đã lộn xộn của tôi). Cuốn sách có thể có sự góp ý của Trường Chinh, là người được HCM nể vì, nhưng tôi không nghe ai nói tới sự can dự của Trần Huy Liệu và Hoàng Quốc Việt.Tôi chưa bao giờ nghe cha tôi nói ông chấp bút cho cuốn này. Làm việc gần ông Hồ Chí Minh lúc đó còn có các ông Phan Mỹ, Nguyễn Văn Lưu, Lê Văn Rạng nữa… Họ không có gia đình ở gần nên ở ngay Bắc bộ phủ, còn cha tôi thì về nhà ở góc đường Gambetta-Rialand (Trần Hưng Đạo-Phan Chu Trinh sau này). Có thể phỏng đoán là mấy người này làm việc ghi lại vào những lúc ông Hồ Chí Minh rảnh rỗi (bữa cơm, buổi tối), còn cha tôi chắc chắn có đọc lại, sắp xếp lại trước khi trình lên chủ tịch nước (nhiệm vụ bí thư là như thế). Ông Hồ vào thời gian đó rất bận (theo quan sát của tôi năm ấy), không làm gì có thời giờ cho việc viết sách ca tụng mình. Có điều ông đã tự mình duyệt, cho sách ra thì không thể chối bỏ sự thiếu khiêm tốn rành rành. Sau cuốn này tôi không thấy bút danh Trần Dân Tiên xuất hiện lần nào nữa. Vũ Kỳ vào giai đoạn này có làm ở văn phòng Chủ tịch, nhưng không phải là thư ký riêng, và chắc chắn không tham gia gì vào việc ghi chép cho cuốn sách nói trên. Đó là tất cả những gì tôi biết về chuyện này.
    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chân thành cảm tạ sự xác nhận của nhà văn Vũ Thư Hiên ! Cháu xin phép đưa toàn văn comment này thành một entry riêng, trên blog này, để độc giả có thể tham khảo.

      Cháu xin trao đổi nhanh lại với nhà văn ở hai điểm sau.

      - Cháu hoàn toàn đồng ý với nhà văn về vai trò của cụ Trường Chinh. Không chỉ ở cuốn của Trần Dân Tiên, mà còn ở nhiều cuốn khác nữa. Cái này, cháu sẽ viết từ từ.

      - Rõ ràng là trong chiến khu Việt Bắc đã có bản in nháp. Và nó đã được chỉnh sửa khá nhiều để ra mắt chính thức vào năm 1955 với một nhà xuất bản, sau giải phóng thủ đô.

      Kính chúc nhà văn sức khỏe.
"

---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Họa sĩ vẽ chân dung Hồ Chủ tịch năm 1949 và sau đó (bìa sách xuất bản ở nước ngoài)

2 nhận xét:

  1. Điều rõ ràng là không ai có thể biết những giai đoạn hoạt động trong đời Hồ Chí Minh bằng chính Hồ Chí Minh. Cho nên dù ai được Hồ Chí Minh kể lại đời mình cho mà viết, thì tác giả đích thực của cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên vẫn là Hồ Chí Minh. Trong những tác phẩm thuộc thể loại hồi ký ở VN, chuyện người viết lại (viết thuê, hoặc được phân công, người này có khi được ghi tên, có khi không) những gì tác giả kể là chuyện thường tình. Tôi nhớ cha tôi có lần nói trong bạn bè rằng ông Nguyễn Lương Bằng có nói đảng (ĐCS) cần một cuốn tiểu sử Hồ chủ tịch (thời điểm 1946) cho công tác tuyên truyền và bảo cha tôi quan tâm việc đó. Cha tôi không nói rõ người nào đã ghi lại những lời kể ấy, nhưng nó đã được ông Hồ Chí Minh đọc lại, tự mình sửa chữa những sai sót, rồi đồng ý cho in (dường như bản in đầu tiên là bằng in thạch bản hay ronéo không rõ trong rừng Việt Bắc, trong trí nhớ đã lộn xộn của tôi). Cuốn sách có thể có sự góp ý của Trường Chinh, là người được HCM nể vì, nhưng tôi không nghe ai nói tới sự can dự của Trần Huy Liệu và Hoàng Quốc Việt.Tôi chưa bao giờ nghe cha tôi nói ông chấp bút cho cuốn này. Làm việc gần ông Hồ Chí Minh lúc đó còn có các ông Phan Mỹ, Nguyễn Văn Lưu, Lê Văn Rạng nữa… Họ không có gia đình ở gần nên ở ngay Bắc bộ phủ, còn cha tôi thì về nhà ở góc đường Gambetta-Rialand (Trần Hưng Đạo-Phan Chu Trinh sau này). Có thể phỏng đoán là mấy người này làm việc ghi lại vào những lúc ông Hồ Chí Minh rảnh rỗi (bữa cơm, buổi tối), còn cha tôi chắc chắn có đọc lại, sắp xếp lại trước khi trình lên chủ tịch nước (nhiệm vụ bí thư là như thế). Ông Hồ vào thời gian đó rất bận (theo quan sát của tôi năm ấy), không làm gì có thời giờ cho việc viết sách ca tụng mình. Có điều ông đã tự mình duyệt, cho sách ra thì không thể chối bỏ sự thiếu khiêm tốn rành rành. Sau cuốn này tôi không thấy bút danh Trần Dân Tiên xuất hiện lần nào nữa. Vũ Kỳ vào giai đoạn này có làm ở văn phòng Chủ tịch, nhưng không phải là thư ký riêng, và chắc chắn không tham gia gì vào việc ghi chép cho cuốn sách nói trên. Đó là tất cả những gì tôi biết về chuyện này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chân thành cảm tạ sự xác nhận của nhà văn Vũ Thư Hiên ! Cháu xin phép đưa toàn văn comment này thành một entry riêng, trên blog này, để độc giả có thể tham khảo.

      Cháu xin trao đổi nhanh lại với nhà văn ở hai điểm sau.

      - Cháu hoàn toàn đồng ý với nhà văn về vai trò của cụ Trường Chinh. Không chỉ ở cuốn của Trần Dân Tiên, mà còn ở nhiều cuốn khác nữa. Cái này, cháu sẽ viết từ từ.

      - Rõ ràng là trong chiến khu Việt Bắc đã có bản in nháp. Và nó đã được chỉnh sửa khá nhiều để ra mắt chính thức vào năm 1955 với một nhà xuất bản, sau giải phóng thủ đô.

      Kính chúc nhà văn sức khỏe.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.