Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/04/2013

Hồ Bá Quỳnh, kẻ sĩ độc nhất ở xứ Nghệ - 1 (một đời vẫn mang tiếng hoang tưởng)

Lời dẫn: Đã rất lâu không thấy anh Quỳnh tới chơi, mà mấy lần đi xứ Nghệ gần đây thì tôi cũng không có thời gian ở Vinh lâu. Do quan hệ gia đình, mà tôi gọi ông là "anh", dù thua cả tuổi người con nhỏ của ông nhiều.

Tủ sách gia đình, ở chỗ trang trọng, có một khoang dành cho anh. Trong có một cuốn Hưu nông dân (vốn là luận văn Phó Tiến sĩ mà anh đã đệ trình trường đại học Kinh tế Quốc dân). Và đặc biệt, có hàng trăm tờ trình được anh gửi ra, thường ở dưới cùng sẽ là đề dòng chữ: "Người trình: PTS Hồ Bá Quỳnh". 

Từ đây trở xuống là một bài báo lấy về từ tờ Pháp luật Việt Nam. Bài báo có một số chi tiết không chính xác.

---

“Vua hiến kế” tiền tỉ cho người nhưng không nuôi được vợ con



Cập nhật 13/06/2012 10:13 (GMT+7)



Vị Tiến sĩ được coi là một trong những cha đẻ của ý tưởng “Hưu nông dân”, có hàng trăm tờ trình ở tầm kinh bang tế thế, quốc kế dân sinh... làm lợi cho cộng đồng nhiều tỉ đồng, nhưng lại không nuôi nổi vợ con. Lần đầu tiên những góc khuất trong cuộc sống của ông “vua hiến kế” Hồ Bá Quỳnh (82 tuổi, nguyên cán bộ Ủy ban vật giá tỉnh Nghệ An, ngụ xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) được hé lộ.

“Vua hiến kế” và chiếc xe đạp cà tàng
“Vua hiến kế” và chiếc xe đạp cà tàng


Nỏ có một cái chi
Đứng trước gian nhà cấp bốn tuềnh toàng với cổng vào đơn sơ, người ta vẫn không khỏi chạnh lòng bởi sự lạc lõng của ngôi nhà ông Quỳnh giữa phố thị. Người ta thì thay hết xe này sang xe khác, đổi hết nhà này sang nhà khác. Riêng Tiến sĩ Quỳnh cứ lọc cọc với chiếc xe đạp cọc cạch, sáng dắt đi tối dắt về, chẳng mảy may vội vã đua chen.

Bà Nguyễn Thị Bích Thân, người vợ đã có 43 năm gắn bó với ông Quỳnh thở dài tổng kết: “Thật cả cuộc đời nỏ có một cái chi”. Chiếc điện thoại cũng của vợ sắm cho, chiếc xe đạp cũng vợ mua cho rồi thay cho đến từng chiếc lốp… “Ông ấy cứ mải mê nghiên cứu rồi viết hết cái ni đến cái tê, cứ đi như rứa, in khắp, gửi khắp, tiền lương có khi nỏ đủ”, bà “tố khổ”.

Trong ngôi nhà nhỏ chỉ “điểm danh” được một vài đồ vật có giá trị đến tiền trăm ngàn: Một chiếc vô tuyến cũ để ông Quỳnh xem chương trình thời sự hàng ngày, một chiếc xe đạp cũ rích để ông Quỳnh đi “công cán”, một chiếc bàn làm việc ngổn ngang tài liệu và bì thư, một chiếc điện thoại thuộc loại “đồ cổ” liên tục réo chuông…

Ông cứ đi “tràn cung mây” để đo đạc tính toán nhưng về nhà bàn chân chưa một lần phải bỏ trần lo việc nhà. Ông Quỳnh được cho là là tác giả của 171 tờ trình, trong đó có nhiều ý tưởng đã được đi vào hiện thực, mang lại nguồn lợi hàng tỷ đồng cho xã hội, nhưng bản thân ông chưa bao giờ biết đến một tấc đất.

Chuyện đất cát nhà cửa trong chính gia đình mình ông không nắm rõ, trong đầu ông có thể cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc làm thế nào để có đất dựng nhà cho vợ con, và cũng không ai lo cho ông việc ấy. Nếu không có ngôi nhà trước đây được cơ quan bà Thân phân cho thì không biết đến bao giờ gần chục con người trong nhà ông Quỳnh mới có chốn nương thân.

Dao sắc không gọt được chuôi
Ông Quỳnh có 5 người con, nhưng tất cả việc nuôi nấng học hàng, dựng vợ gả chồng hầu như đều do một tay bà Thân lo lắng. Từ hơn bốn chục năm nay, mẹ con bà đã tự chăm nhau để ưu tiên tất cả nhằm phục vụ “nhà khoa học” trong gia đình. Lần lượt 5 người con khôn lớn, đến nay chưa có ai được học hành và có vị trí công việc được như cha mẹ ngày xưa.

Khi người đàn ông lo “kinh bang tế thế” thì gánh nặng gia đình đổ lên vai người đàn bà. Hơn 40 năm bà Thân lăn lưng ra làm ở cơ quan, rồi về đi bốc vác, đi dán bao đường bao ảnh, chèo chống nuôi cả đàn con. Bà kể: “Đến từng này tuổi rồi ông Quỳnh vẫn đang nghiên cứu, đang đi vận động thực hiện các chính sách chế độ giúp đỡ cho mọi người. Còn con cái thì ông không lo được gì. Con trai con gái, dâu rể đều làm thuê làm mướn, không đứa nào sung sướng, chưa đứa nào có nhà…”.

Nước mắt người vợ Tiến sĩ ướt nhòe khi nhớ chuyện một trong số 5 người con của ông bà đã lầm lạc sai đường “không thành người tốt”: “Ông ấy suốt đời vì cái chung. Thế nên một chắc (một mình - PV) bà không quản được hết các con”.

Tiến sĩ Quỳnh ngồi lặng nghe vợ kể chuyện. Bàn tay răn reo không ngừng lật giở hết tờ trình này sang tờ trình khác, sắp xếp rồi nghiền ngẫm… Ánh mắt mờ đục vì bao đêm thức trắng khiến người ngoài có cảm giác như ông đang ở trong một thế giới riêng, riêng chỉ mình ông. Một thế giới mà ở đó ông hoàn toàn chìm đắm trong các công trình nghiên cứu để mang lợi ích đến cho công đồng, nhưng chuyện cơm áo gạo tiền của bản thân và gia đình ông thì không có chỗ đứng.

Bà Thân kể từ khi bà quen ông, không ngày nào không thấy ông nghiên cứu viết lách. Bà thương ông cũng vì cái nết ham học và tinh thần vượt khó, đặc biệt là tấm lòng đối với cộng đồng. Chính vì thế mà tuy “trách” ông đã vì những tờ trình mà “hy sinh” cả vợ cả con, bà vẫn đi bên ông trong suốt cuộc đời, lo cho ông từng bữa cơm chén nước, chia sẻ với ông từng ý tưởng và đến giờ thì bà thuộc luôn nội dung của hàng trăm tờ trình được ký tên Hồ Bá Quỳnh.

Một đời vẫn mang tiếng… hoang tưởng
Có nhiều nỗi buồn đằng sau cuộc đời nghiên cứu khoa học không biết mệt mỏi của ông Tiến sĩ “Hưu nông dân”. Nghe ông tổng kết có bao nhiêu tờ trình được hồi âm trong số gần 200 tờ gửi đi mới thấy thương ông đến nao lòng.

Ông Quỳnh nói: “Tính đến nay đã có 171 tờ trình, nhưng nếu đếm số tờ được chấp nhận trả lời bằng văn bản thì chỉ khoảng mươi cái, nhưng trả lời cũng chỉ mang tính cảm ơn. Còn lại có một số ý tưởng được chấp nhận đúng như mình đề xuất nhưng khi thực hiện họ không nói ai làm và cũng không có văn bản gửi về cho mình. Có lần thì ý tưởng của mình được thực hiện nhưng người khác được hưởng, có lần thì không biết có ai được thưởng không nhưng mình cũng không được hưởng gì và cũng không thấy nhắc tên”.

Hỏi làm thế nào để biết đó chính là công sức của mình, ông Quỳnh đưa ra bằng chứng tờ trình ông đã gửi khắp nơi, có những ý tưởng thực hiện vài năm sau khi ông gửi, và ông cũng đang giữ tác quyền của nhiều ý tưởng. Hỏi sao ông không thưa kiện để lấy lại công bằng, ông già vẫn bình thản: “Quan trọng nhất là những gì mình nghiên cứu và đề xuất đã được thực hiện có ích cho đời. Từ trước đến nay có bao nhiêu trí thức cỡ bự, bao nhiêu người hy sinh không được một cái chi; một chút công sức của mình làm sao so được”.

Ông Quỳnh tranh thủ từng phút để tiếp tục làm việc mà người đời nói là “muối bỏ biển”, đề xuất những điều có khi nghe rất xa xôi như “Dùng bom để hạn chế sự nóng dần lên của trái đất” hoặc những vấn đề “khủng” như Bù chênh lệch giá và lương, thức dậy tiềm năng lao động trí óc bằng con đường chiêu hiền đãi sĩ, thưởng phạt nghiêm minh để giữ kỷ cương phép nước…

Những người ở quán đánh máy, hàng phô tô, điểm bưu điện… thường gọi Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh là “ông già lẩm cẩm”. Nhiều người trong số họ không cả biết đến học vị Tiến sĩ của ông. Những cái ông viết rồi mang ra hàng đánh máy, in ấn phô tô toàn những thứ “cao siêu” khiến nhiều người không thể hiểu nổi.

Hàng trăm tờ trình “một đi không trở lại”, sức khỏe, trí tuệ dần suy kiệt, người ngoài lắc đầu ngán ngẩm “toàn là vô vọng” nhưng ông thì vẫn say sưa, quyết tâm làm cho đến chết thì thôi. Không biết mai này có bao nhiêu công trình thấm đẫm tâm huyết của ông Tiến sĩ già sẽ tiếp tục đi vào hiện thực.

Còn hiện tại “ông già lẩm cẩm” vẫn chấp nhận mang tiếng một đời hoang tưởng để theo đuổi những việc làm mà người khác chê là hâm, là dở hơi chỉ đơn giản vì: “Mỗi người trả ơn đời bằng một cách, mình không có tiền tỷ làm những việc khác thì mình cống hiến trí tuệ. Tờ trình gửi đi, người nhận không trả lời mà âm thầm thực hiện thì có lợi cho dân. Họ quên đi rồi thì còn trong thư viện, trong sách vở để lại. Trong 100 người nói vớ vẩn thì tôi chỉ cần một người nhìn đến là mãn nguyện lắm rồi”.

Tuyết Lan

---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

4 nhận xét:

  1. Giao ghi ra mấy chỗ không chính xác đi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy chỗ lớn hơn thì em sẽ nói từ từ (vì entry này mới là số 1). Còn mấy cái sơ sơ kể qua thì thế này:

      - Bác Hồ Bá Quỳnh bây giờ chưa đến cả 80, sinh năm 1939, mà báo của năm 2012 đã nói là 82 tuổi !

      - Bác Quỳnh có ở Quỳnh Lưu nữa đâu, mà báo bảo bác ấy ngụ ở xã Quỳnh Bảng.

      - Việc nhà, bác Quỳnh cũng ra sức chèo chống đấy chứ, đâu có như báo nói !

      Xóa
    2. Nhỏ nhặt thì bác ấy Phó Tiến sĩ báo lại cứ Tiến sĩ mà ghi.

      Xóa
    3. Há há, MB đưa ra đúng đấy ! Bác Quỳnh lúc nào cũng chỉ ghi là Phó Tiến sĩ (PTS), dù cho Việt Nam đã cho phép đổi từ PTS sang TS bằng một quyết định từ mười mấy năm về trước.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.