Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/04/2013

Giảng viên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đây: "Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền" !

Lời dẫn: Đọc trên blog Beo, thấy entry Thầy của quan ta. Đọc lướt, bỗng giật mình, tưởng bác Beo viết chơi chơi đùa đùa. Đành phải tra cứu một chút. Thì hóa ra đúng là vậy. Đúng là thầy của các quan dạy các quan thế thật. Đăng trên Đất Việt thật, mà là do Bích Ngọc thực hiện đấy.

Các quan ta được đào tạo tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia.

Từ đây trở xuống là nguyên văn bài phỏng vấn trên Đất Việt. Có lẽ, đã đến lúc, người ta sẽ đưa câu "Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền" (và định nghĩa "phép chạy chức, chạy quyền") vào luôn Hiến pháp cho gọn và chắc chăng ?

---
Chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền


Chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền. ảnh: Bích Ngọc


Cập nhật lúc 06:01, 23/01/2013

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri:

"Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền"

(ĐVO) - Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.




PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia chia sẻ với Đất Việt về chuyện chạy công chức, chạy quyền.


Chạy công khai, tiền nổi, Nhà nước quản lý được

PV: - Là người có nhiều năm nghiên cứu về hành chính và là trưởng ban chấm thi nâng ngạch công chức chắc ông hiểu rõ bản chất của sự việc ‘chạy' công chức mới đây ông Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội có nêu. Ông có bình luận gì về câu chuyện này?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi cho các lớp học khi tham gia giảng bài ở đó rằng tại sao lại phê phán việc chạy chức chạy quyền. Trên thế giới này chạy chức chạy quyền nhiều chứ (?!). Obama phải ‘chạy’ vào Nhà Trắng, Putin phải ‘chạy’ vào nhà đỏ thì việc chạy vào chức, quyền của Việt Nam cũng là dễ hiểu.
Ai muốn có chức, có quyền và điều này chưa thể khẳng định là xấu. Bản thân tôi cũng từng nói với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rằng tôi cũng muốn chạy để có chức. Vào để tôi có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn chức với mục tiêu vào chức ấy để lời dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho cái chung.
Sở dĩ tôi kể lại câu chuyện này là vì cũng xuất phát từ quan điểm cơ chế thị trường. Chúng ta nói nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường là theo quy luật cơ bản của cơ chế thị trường bởi vì cái gì cũng có quy luật của nó tức là cung cầu, cạnh tranh, giá trị.
Điều mà tôi băn khoăn, cơ chế thị trường đã được vận dụng trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, vậy nó có được vận dụng trong các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội hay không. Câu trả lời là có.

Như vậy, trong tổ chức, trong cán bộ cũng phải theo cơ chế thị trường bởi nó không có gì xấu vì vẫn là quan hệ cung cầu.
Thế nhưng, chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền.
Vì chúng ta không thừa nhận nên mới để nó chạy ngầm để rồi phê phán. Thậm chí còn phê phán cả tư tưởng chạy chức, chạy quyền. Thử hỏi trên trái đất này có ai không muốn chức quyền(?!). Chúng ta đừng nhầm lẫn khi làm yếu kém rồi quy kết ngược trở lại như vậy.
Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường thì chính những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định cho nó chạy. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.
Tức là nếu tạo ra được cái khung khuôn khổ pháp lý thì cứ thế làm theo. Bầu cử cũng là cạnh tranh, thi cũng là cạnh tranh nhưng nếu đảm bảo một cuộc thi công khai theo quy chế luật định thì nếu phạm vào sẽ bị xử lý.
PV: - Đành rằng đồng ý với quan điểm của tiến sĩ đưa ra rằng sẽ công khai để cho số tiền ‘chạy’ chức nổi lên dễ kiểm soát nhưng còn chất lượng cán bộ sẽ ‘đo’ như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Nếu công khai thì sẽ kiểm soát được. Chính những người tổ chức hiểu điều này, nhưng biết đâu để ngầm thì họ sẽ có lợi cho cá nhân hơn. Cũng như ở các trường, chuyện mua bán bằng cấp, phải có người bán mới có kẻ mua.


Án tại hồ sơ – không tìm được dấu vết
PV: Nhưng thưa ông, hiện công chức lương rất thấp và chịu nhiều sự bó buộc bởi các quy định. Vậy công khai chuyện phải ‘chạy’ tiền rồi kiểm soát cả chất lượng. Vào được vị trí đó rồi, họ làm gì để ‘thu hồi vốn’?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Tôi xin đưa một ví dụ, dựa trên quan hệ cung – cầu, tôi cần một trưởng phòng. Cung có 5 người muốn được vào vị trí đó, nhưng nếu là 10 người muốn thì cạnh tranh phải khốc liệt hơn. Nhưng nếu ai được thì giá trị sẽ phải lớn hơn.
Khái niệm giá trị ở đây không phải chỉ là tiền, nó có thể là tinh thần, tình cảm, chính trị xã hội… trong các mối quan hệ sẽ bao hàm lợi ích. Vậy thì quy luật giá trị ở đây thực chất là thực hiện cái lợi ích. Trong điều kiện đó, nếu chúng ta hiểu điều đó, tất cả những cơ chế chính sách của chúng ta phải theo nó.
Có một điều phải bàn ở đây để thấy rõ hơn chuyện ‘chạy’ vào biên chế. Dù rằng trong Nghị quyết của Trung ương thì nói rằng các vị trí lãnh đạo có lên có xuống, có vào có ra nhưng thực tiễn không có ai kiên quyết làm điều này. Không thiết lập cơ chế để xác định rõ điều này nên ở ta đã vào biên chế là không có ra, đã lên cao là không xuống thấp.
Ví dụ một anh Bí thư đảng ủy xã rất giỏi, thậm chí là xã anh hùng, trong một nhiệm kỳ huyện Đảng bộ, anh này được bầu vào làm thường vụ huyện ủy, trúng phó Bí thư huyện ủy. Trong một nhiệm kỳ, anh này được phân công làm chủ tịch UBND huyện. Khi đó anh ta đi học bồi dưỡng làm chủ tịch khoảng 2-3 tháng nhưng về làm không được.
Vài năm sau, anh ta không được bầu vào thường vụ huyện ủy và chắc chắn không được làm Chủ tịch UBND huyện. Thế nhưng, cái ngược đời ở đây vì anh ra đang ở mức lương chủ tịch đang rất cao, tuổi lại ở chừng 45, không thể hạ xuống thấp và không biết đưa anh này đi đâu.
Lúc này buộc phải sắp xếp anh ta lên trưởng, phó ban trên tỉnh. Trượt ở tỉnh thì lại đưa lên Trung ương.
Suốt mấy chục năm nay, tình trạng này diễn ra khiến chất lượng bộ máy của chúng ta cứ thấp dần đều.
Cộng với tâm lý một ông trưởng phòng sẽ không bao giờ chọn một ông phó giỏi hơn mình. Tương tự, ông phó phòng lại chọn người dưới quyền kém hơn mình nữa. Như vậy nếu lên sơ đồ thì sẽ thấy chất lượng cứ giảm dần.
Từng là trưởng ban chấm thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, tôi hiểu rất rõ điều này. Khi chấm thi, hỏi tôi thấy rất rõ chất lượng đội ngũ cán bộ công chức như thế nào và kiến thức họ ra sao.

PV: Những phân tích của ông đang thừa nhận việc chạy công chức là có thật. Nghĩa là ông đồng ý với ý kiến mà ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, nêu là có thật. Vậy theo ông tại sao có tới 3 đoàn thanh tra mà không phát hiện được ‘dấu vết’ của câu chuyện này?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Làm sao mà phát hiện được?. Nguyên tắc là án tại hồ sơ nên làm sao đoàn thanh tra tìm được văn bản nào hay bằng chứng nào để nói lên điều này. Trừ những trường hợp bắt quả tang.
Câu chuyện này tạo ra dư luận xã hội mà không có chuẩn mực nào để xác định được nên rất khó. Nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải có câu trả lời rõ ràng cho xã hội.
Hiện tôi cho rằng bộ máy khá tắc trách. Khi những người trong cuộc cấu kết với nhau rồi thì chỉ những người trong cuộc biết với nhau thôi, còn người ngoài cuộc bó tay. Trừ khi cố tình lừa một vụ để làm điểm.
Trong khâu tổ chức, làm đi đã khó, làm lại còn khó hơn. Tình trạng này còn nhiều việc không thể xử lý được.
Tôi khẳng định không thể tìm được gì vì lấy đâu ra chuyện giấy trắng mực đen.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Ông Trần Trọng Dực: Chạy công chức, cứ để sau này...

Bích Ngọc (thực hiện)

2 nhận xét:

  1. Thêm một bước hướng nền nghị trường lốp bi kiểu Hoa Kỳ.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.