Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

22/10/2015

Đông La đưa bản thảo năm 1996, như là làm mẫu cho đàn em

Với cách đưa tư liệu như thế này của đàn anh Đông La (dĩ nhiên phải tìm ra số báo thực, chứ không phải chỉ với bản photo), thì đàn em Phan Huyền Thư sẽ rửa được tiếng đạo thơ như nghi vấn đang có hiện nay.

Không chỉ trong sáng tác, mà trong học thuật cũng vậy. Có trường hợp thì tác phẩm học thuật đạo văn xuất hiện trước. Rồi sau đó, tác phẩm thực sự (bị đạo trộm từ lúc còn là bản thảo đánh máy hay viết tay) mới được in. Nếu không cẩn thận truy cứu thì dễ bắt lầm người. Khi nào rảnh, tôi sẽ đưa ví dụ cụ thể.

Với trường hợp Phan Huyền Thư - Phan Ngọc Thường Đoan lần này, bản thân bản thảo viết tay năm 1996 nếu đưa được ra lúc này thì về cơ bản cũng vô giá trị.

Bản thảo viết tay (hay đánh máy) năm 1996 chỉ có ý nghĩa khi chứng minh được thêm điều sau: Phan Ngọc Thường Đoan bằng một cách nào đó cũng đã có được bản thảo ấy (đọc hoặc chép lại được). Xem ra việc chứng minh này là hoàn toàn vô vọng.

Thêm một tầng vô vọng nữa là: làm sao phải chứng minh được rằng Thường Đoan đã đọc bản thảo ấy trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 1999. Bởi năm 2000 thì Thường Đoan đã viết cả bài thơ, rồi liền ngay sau đó được Phú Quang phổ nhạc.

Nếu không có ngay bản in năm 1996 như Đông La dưới đây, thì đừng có lòng vòng làm gì nữa.



Ở dưới là chép nguyên xi từ blog Đông La.

---



ĐÔNG LA



Sau bao tai tiếng ở những mùa giải trước, kỳ này Hội Nhà văn Hà Nội lại “phát huy” truyền thống tự bôi bẩn mặt mình, đã trao và rút lại giải thưởng cho một tác phẩm của Phan Huyền Thư, một người cũng hay được chọn xuất hiện trên VTV, mà dư luận đang ồn lên là “đạo thơ”. Thư cũng đã có lá thư xin lỗi nhưng rất “khéo”!
Tôi cũng đã có tới 4 lần được trao giải thưởng và tặng thưởng, kể cả của tổ chức văn hóa nghệ thuật to nhất là Liện hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN, nhưng thật kỳ lạ, không biết có phải tác phẩm của tôi cao siêu quá hay không, cả khen và chê khó quá, nên cả người yêu lẫn người ghét đều im tịt. Cũng có thể do thực tế tôi đã chê biết bao người mà họ đều im lặng chịu trận, vậy ai có thể “dám” chê tôi? Nói ra thì có vẻ ngông nghênh nhưng sự thật đúng là như thế! Còn bọn sâu bọ, rắn rết, chuột chù, chó điên sủa bậy thì không chấp!
Rất có thể tôi sẽ viết về vụ đạo thơ ồn ào này. Còn hôm nay tôi viết về một kỷ niệm sáng tác cũng liên quan đến việc mà tôi không biết như vậy thì có phải là “đạo thơ” hay không?
          ***
          Có thời Nguyễn Quang Thiều làm chủ trò ở tờ Văn nghệ TRẺ thuộc Hội Nhà Văn VN. Hồi ấy tôi và Thiều thân nhau lắm, nên tôi cũng góp bài khơ khớ cho giai đoạn đầu của tờ báo, góp phần làm cho nó “đánh bạt” tờ Văn Nghệ “già” vốn có từ lâu. Nhưng rồi khi Thiều thôi thì đến bây giờ tôi không biết còn tờ đó nữa hay không?
          Hồi ấy, mỗi lần tôi ra Bắc, Thiều thường chở tôi đến nhà mình ở, và bí mật cho biết “Trong số bạn tôi ông là người bà xã tôi quý nhất”.
Năm 1996, trong một lần đến chơi với Nguyễn Quang Thiều như thế:
          Anh chàng Đặng Thiều Quang, người từng viết một bài cho tôi là “ông Bụt” của nó, đã chụp một loạt ảnh tôi mặc cái áo sọc trên. Ảnh dưới Quang mặc chiếc áo sọc chính là áo tôi cho Quang:
(Đặng Thiều Quang, Đông La, Nguyễn Vĩnh Tiến (nhạc sĩ),
hồi hai đứa còn học ĐH Kiến trúc)
Chính lần đó, tôi đã gặp một “nàng thơ” tại phòng biên tập của Thiều. Nàng thơ đúng theo nghĩa đen, nghĩa là một cô gái có thể đốt bùng lên thi hứng trong tôi. Nàng chính là một cộng tác viên của Thiều, một nữ thi sĩ với hình dáng còn hoàn toàn là một “cô bé”. Chính cái nét “cô bé” đó mới làm “khổ” những người có tâm hồn thi sĩ, trong đó có tôi!  “Cô bé” đó có tên là Dạ Thảo Phương!
Hồi ấy Thiều cũng hay chở tôi gặp rồi tổ chức nhậu nhẹt với bạn bè. Vì thế mà tôi đã gặp những người mà bình thường có đến muôn kiếp cũng không gặp như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên, v.v… Hôm gặp “cô bé”, Thiều cũng tổ chức một cuộc nhậu. Đặng Thiều Quang cũng chụp ảnh này:
          Hồi đó, nghĩa là cách nay 20 năm rồi, tôi còn rất bốc, đụng tí là có thể sáng tác được ngay. Tôi đã làm một bài thơ lấy tên là Cơn khát, viết ra những cảm xúc của mình, ghi tặng luôn Thiều và Phương. Tôi gởi cho Thiều và bài thơ được đăng trên Văn Nghệ TRẺ.
          Tất cả chỉ có vậy thôi, tôi không liên hệ và không lần nào gặp lại Dạ Thảo Phương nữa. Trong tôi, “cô bé” đúng là một “nàng thơ” hoàn toàn tinh khiết, không vướng chút bụi trần, chỉ để lại trong tôi một kỷ niệm sáng tác đẹp và thơ mộng.
Rồi mãi gần đây, tức sau gần 20 năm, nhờ facebook, tôi đã được gặp lại “nàng thơ” của mình trên “Trời”, và bất ngờ quá, thấy thời gian đúng là “ác” thật, tôi mãi mới có thể nhận ra cái “cô bé” ngày xưa!
          Tôi cũng đã một lần đố bạn đọc trên blog, nhưng không ai nhận ra trong số những người chụp chung trong tấm ảnh ai chính là “cô bé”! Phải chấp nhận quy luật thôi, thời gian không buông tha một người nào!
          ***
Quay lại chuyện bài thơ, sau khi tôi đăng vài năm, một cây viết nữ trẻ khác đã xuất hiện khá ồn ào, đó chính là Vi Thùy Linh. Có điều chú ý là Linh lại trình làng một tập thơ lấy tên là Khát. Hồi ấy tôi chỉ thấy hay hay, có thể do Linh đã đọc bài thơ của tôi, vì Văn nghệ TRẺ hồi ấy rất hot với những người viết trẻ:
(Vi Thùy Linh (trái) và tập KHÁT)
          Mọi chuyện chỉ có vậy. Có điều thời bây giờ là thời của bản quyền, chuyện “đạo văn chương” được săm soi. Bản thân tôi thì lại phê phán rất nhiều người khiến họ cay cú không ít, nếu bây giờ tôi xuất bản tập thơ có bài Cơn khát, sau tập thơ KHÁT của Vi Thùy Linh rất lâu, liệu có kẻ xấu nào lấy cớ đó xuyên tạc tôi đạo thơ hay không?
          Có điều nếu coi chuyện đó là “đạo thơ” thì chính Vi Thùy Linh đã đạo của tôi chứ không phải ngược lại. Bởi Linh xuất bản tập KHÁT năm 1999:
          Còn tôi làm và đăng bài thơ Cơn khát từ năm 1996, tức trước Linh 3 năm. Bằng chứng đây:
         
         Xin viết lại cho rõ:
ĐÔNG LA
C Ơ N   K H Á T

                            
                   Khi gặp em
                        Anh chợt thấy một cơn khát của biển
                        Anh muốn mang biển đi tìm nước
                        Nhưng biết tìm đâu
                        Khi tất cả những suối nguồn tươi mát kia
                        Em cất giữ trong ngôi nhà 18 tuổi
                        Ngôi nhà có treo đầy ổ khoá nghiêm nghị
                        Của đức hạnh

                        Nguồn mạch nơi dòng sông óng ả màu đen
                        Nơi đáy hồ thu
                        Nơi chúm chím môi hoa
                        Nơi những đỉnh núi mềm mại và quyến rũ
                        Nơi khe nước mượt cỏ
                        Nơi những vầng hào quang vô hình đủ sức
                                                  thiêu cháy mọi niềm kiêu hãnh...
                        Chỉ em thôi
                        Chỉ em có thể và không thể
                        Nhưng em có bình tâm
                        Khi biển giãy chết ?
                                   
                        ***

                        Khi gặp em
                        Anh chợt thấy  cơn khát của cánh đồng
                        Cánh đồng bị rang trên cái chảo mùa hạ
                        Móng tay của nắng để lại những
                                                                  vết xước hình mắt lưới
                        Những vết bỏng phồng rộp như bánh đa nướng
                        Trên da thịt đất
                        Thế mà bao đám mây mọng nước
                        Lại thung thăng trôi về phía bên kia.

                                                                                    1996  
Phan Huyền Thư muốn chứng tỏ mình trong sáng để rửa cái mặt bẩn thỉu và đần độn của Phạm Xuân Nguyên và Hội Nhà Văn Hà Nội hãy làm như tôi!
          21-10-2015
          ĐÔNG LA

1 nhận xét:

  1. Em Huyền Thư có Thư xin lỗi kinh điển thì Đông La có Mẫu chứng minh kinh điển luôn, hổng rõ Vi Thùy Linh đạo thơ hay đạo chữ "Khát"?

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.