Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/10/2014

Thơ Tố Hữu : "Cho thịt da em lại nở trắng ngần"

Lớp trẻ có lẽ rất ít người biết đến nữ anh hùng Trần Thị Lý (người Điện Bàn, Quảng Nam). 

Nhà thơ Tố Hữu đã viết tặng nữ anh hùng Trần Thị Lý những vần thơ như thế.

Khổ thơ đó như sau (lấy từ website huyện Điện Bàn):
Cả nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho em hồng đôi má
Cho tóc em thắm lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần

Hiện có Trường tiểu học Trần Thị Lý tại quê hương nữ anh hùng. Trích tư liệu từ website của trường (cũng giống như từ website huyện Điện Bàn):

Bác Hồ với chị Trần Thị Lý gần Tết năm 1967. Ảnh: T.L

---

LƯU TƯ LIỆU


Chị Trần Thị Lý được giải thoát như thế nào?

Cho đến nay, ít ai biết được rằng: làm thế nào“Người con gái Việt Nam”-Anh hùng Trần Thị Lý, bị tra tấn dã man bằng các đòn thù “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung”, lại có thể thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù để ra Bắc tố cáo tội ác dã man của chính quyền Mỹ-Diệm, làm dấy lên làn sóng dư luận phản đối ngụy quyền Sài Gòn chưa từng thấy trong và ngoài nước. Nhân dịp Tết đến Xuân về, qua tiếp xúc hồ sơ sự việc và trao đổi với những người từng giải thoát cho chị Trần Thị Lý, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc hành trình “vượt tuyến” cách đây đúng 40 năm của người anh hùng này.

Cuộc chiến truyền thông chưa từng có
17 giờ ngày 25-10-1958, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội đã phát đi bài về chị Trần Thị Lý làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Đây là sự kiện mở đầu cho cuộc chiến truyền thông chưa từng có giữa hai miền Nam-Bắc, làm ngụy quyền Sài Gòn vô cùng khốn đốn trong việc đối phó với ta và dư luận thế giới. Bản đài nêu rõ: “Chị Lý bị bọn tay chân của Diệm bắt đánh đập, “sám hối” với những nhục hình dã man như: lấy kìm sắt kẹp vào người rứt ra từng mảng thịt, dùng điện tra vào đầu vú và bộ phận sinh dục!”. Ngay sáng hôm sau, tờ báo Thống Nhất lập tức đăng bài có in hình chị Lý nói về sự việc này, làm dư luận Hà Nội và các tổ chức quốc tế tại đây hết sức bàng hoàng. Tiếp đó, lúc 7 giờ 15 ngày 19-11-1958, Đài PHÁT thanh tiếng nói Việt Nam lại phát đi lời kêu gọi của Trần Thị Lý gửi Ủy ban Quốc tế, chị kể: “Lần thứ 3, tháng 3-1956, chúng bắt tôi về nhà lao Hội An và tra tấn vô cùng dã man, tên Phan Văn Lợi, người do Diệm cử từ Sài Gòn ra, cùng nhiều tên khác trực tiếp tra tấn. Chúng đổ nước xà phòng và nước bẩn vào họng tôi rồi mang giày đinh thi nhau đạp lên bụng, lên ngực làm nước trào ra miệng và mũi. Chúng lấy móc sắt xuyên bàn chân tôi rồi treo ngược lên xà nhà, dùng điện tra vào cửa mình và vú; lấy dao xẻo từng miếng thịt trên đùi, cánh tay và ngực.


Chúng dùng kìm sắt nung đỏ rồi kẹp vào bắp thịt tôi rứt ra từng mảng, dùng thước sắt thọc vào âm đạo... Chúng bắt tôi phải nhận tội “Thân cộng” và “Chống chính phủ quốc gia” của chúng!”. Ngày 21-11-1958, 5 bộ đội Liên khu 5 viết kiến nghị và được 2.000 đại biểu ký gửi đến Ủy ban Quốc tế phản đối sự dã man của chính quyền Sài Gòn đối với Trần Thị Lý. Từ ngày 11 đến 21-11-1958, 39 đoàn khách quốc tế đến thăm chị Lý và 62 đoàn tiếp tục đăng ký vào thăm. Đài Phát thanh Hà Nội cũng phát đi lời của ông Chủ tịch Hội HữU nghị Việt–Anh rằng: “Tôi đã từng chứng kiến tội ác của bọn thực dân đối với nhân dân thuộc địa song tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam nỡ đối xử với người Việt Nam tàn tệ như thế. Với chính sách đàn áp dã man này, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tỏ ra rất thối nát. Ủy ban Quốc tế tại Việt Nam cần lưu ý ngay đến vấn đề này, đó là nhiệm vụ của họ!”. Đặc biệt, nhà thơ Tố Hữu đến thăm Trần Thị Lý, ông đã khóc rất nhiều vì quá xúc động. Tháng 12-1958, bài thơ Người con gái Việt Nam của ông ra đời (sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng), gây xúc động lòng người và là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.


Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn cực lực phản ứng, Ngô Đình Diệm một mặt ra lệnh cho bọn tay chân điều tra ai và làm cách nào đã đưa được Trần Thị Lý ra Bắc, mặt khác dùng hệ thống truyền thanh và các báo lá cải thực hiện một chiến dịch tuyên truyền vô cùng rầm rộ... Điều đáng nói là dù đã huy động hết tốc lực để điều tra và ra sức trấn an dư luận song chính quyền Sài Gòn vẫn không biết được làm sao và bằng cách nào Trần Thị Lý ra được miền Bắc.

Bác Hồ với chị Trần Thị Lý gần Tết năm 1967. Ảnh: T.L 


Vụ giải thoát có một không hai

Bà Trần Thị Vân-chị em chú bác ruột và là người hoạt động cùng chị Lý, hiện sống tại TT Vĩnh Điện (Điện Bàn–Quảng Nam) kể: “Sau 3 lần bắt giam và tra tấn dã man Trần Thị Lý, tháng 12-1957, tưởng Lý đã chết, bọn CA Điện Bàn bèn mang xác nó vứt tại đám mía phía sau nhà lao Vĩnh Điện. Lý được một cơ sở ta phát hiện và cõng về nhà. Để tránh sự truy sát của bọn địch, Lý được ông Phạm Quang-Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn cử một y tá tên Lan chăm sóc ở một nơi bí mật. Nhìn thấy tấm thân tàn ma dại của Lý, chúng tôi không ai cầm được nước mắt! Lý về được một hôm, tối hôm sau, 4 thằng  mật vụ H. Điện Bàn xô liếp cửa xông vào nhà, thổi tắt phụt chiếc đèn dầu.


Biết là bọn chó săn truy tìm, mẹ Lý la lớn: “Bớ làng ăn trộm!”. Một thằng bấm đèn pin lên và nói: “Bọn tau tới coi con Lý có về đây không?”. Chúng kiểm tra không thấy gì nên bỏ đi. Mấy ngày sau đó, bà con cô bác trong họ và các đồng chí chúng tôi kẻ ít, người nhiều góp tiền để chạy chữa cho Lý. Chúng tôi nhờ cô Lan và anh Tuấn thay phiên nhau chăm sóc cho Lý. Huyện ủy Điện Bàn quyết định bằng mọi giá phải cứu sống Lý để đưa ra Bắc cứu chữa và tố cáo tội ác của chính quyền Mỹ-Diệm!”. Thấy “mất xác” Lý, bọn an ninh quân đội và mật vụ Điện Bàn truy nã khắp nơi nhằm thủ tiêu chị. Trước tình thế cam go đó, Huyện ủy Điện Bàn cử một y tá bí mật đưa Lý vào Sài Gòn bằng xe đò từng chặng. Vào Sài Gòn, ban đầu Lý trú tại nhà cậu ruột là ông Nguyễn Dinh làm nghề đạp xích lô, sau đó được đưa qua nhà ông Dương Công Trung (Thị Nghè), rồi nhà ông Bảy Quang -Trưởng Ban cán sự Điện Bàn, nuôi giấu và che chở. Một ông bác sĩ già được mời đến để chạy chữa cho Lý, nhìn thấy những vết thương, ông kinh hãi: “Tôi đã hành nghề gần 50 năm song chưa thấy bệnh nhân nào như thế, bà dì ghẻ nào mà ác quá vậy, tôi sẽ làm đơn thưa với tòa giúp chị!”. Bí thế, cơ sở ta phải cho ông biết là do bị địch tra tấn, ông bác sĩ già nghe vậy quỳ xuống lạy như tế sao vì sợ liên lụy. Ông cho Lý 2 hộp thuốc kháng sinh và ra về. Đánh hơi thấy Lý vẫn còn sống và đã rời khỏi địa phương, bọn an ninh và mật vụ Quảng Nam phối hợp với cảnh sát đô thành Sài Gòn ráo riết truy tìm. Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan đó, ông Quang phải đưa Lý hết ở nhà này rồi sang nhà khác mà sức khỏe của chị ngày càng thêm suy sụp. Nếu cứ kéo dài tình trạng đó, trước sau gì Lý cũng sẽ bị phát hiện và bắt giữ. Bí thế, ông Quang tìm cách liên lạc với Thành ủy Sài Gòn qua chị Hai Thảo để nhờ giúp đỡ. Bà Hai Thảo–sau này là Phó Chủ nhiệm Cty rau quả TPHCM, hiện đã nghỉ hưu nhớ lại: “Tôi đã móc nối với chị Hai Trợ-một đường dây chuyên đưa cán bộ của ta qua đường Campuchia để ra Bắc nhưng Lý đang mang trên mình nhiều thương tật, đi đứng rất khó khăn làm sao có thể đi từ Sài Gòn qua đến Phnom Penh. Tuy nhiên, thấy tình cảnh của Lý, chị Hai Trợ đã kiên quyết nói với ông Quang: “Anh yên tâm, bằng mọi cách em sẽ đưa Lý đến Phnom Penh và giao cho chị Kim Phụng trong Hội Việt kiều yêu nước tại đây. Chúng em sẽ đi bằng ô-tô, ghe và tàu để đến đó!”. Hai Trợ móc nối với cơ sở của ta tại Campuchia làm cho Trần Thị Lý một hộ chiếu mang quốc tịch nước này để khi đến nơi, lúc có điều kiện là lên máy bay sang Hà Nội ngay. Bà Hai Trợ nhớ lại dặm dài gian khó này: “Từ Sài Gòn đi Tân Châu, từ Tân Châu đi Bến Nước rồi từ đó đi bằng xuồng để tới Hưng Lợi. Còn cách một quãng ngắn nữa đến biên giới Campuchia thì tại đây địch bố trí một chốt gác rất gắt, tôi đành nhờ chủ thuyền: “Em tôi bị đau nặng, nếu qua bót gác mấy ổng làm phiền, nhờ chú thương tình cho đi đường vòng để tới Hưng Lợi, tôi sẽ trả tiền thêm!”, người chủ ghe đồng ý. Trên đường đi, Lý mấy lần chết đi sống lại.  Tại Phnom Penh, sau khi tiếp nhận Lý, bà Kim Phụng liền báo cho ông Năm Cường-một đảng viên của ta sống tại Campuchia, đang đóng vai một nhà tư sản lớn, là “Mạnh THƯờNG QUÂN” cho những người “tị nạn” Việt Nam, thực chất là cán bộ, cơ sở, du kích... của ta đang bị địch truy bức. Một bác sĩ Campuchia được mời đến chữa cho Lý. Rồi chị được đưa đến ở nhờ gia đình một Việt kiều, quê ở Nghệ An. Chính gia đình này đã chăm sóc và sau đó đưa chị lên máy bay về Hà Nội.Giữa năm 1958, Bệnh viện Việt - Xô tại Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: “Trần Thị Nhâm (tức Lý), tuổi 25, quê miền Nam, cân nặng: 26kg. Tình trạng bệnh: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu”. Vậy là, hành trình “từ cõi chết em trở về chói lọi” của Trần Thị Lý bắt đầu.                                          Lưu Hoàng Giang

Trần Thị Lý @ 13:46 28/05/2012 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.