Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

08/10/2024

Đề xuất phương pháp bảo quản tài liệu giấy trong các di tích (nhóm Điền Thị Hạnh)

Các bô lão ở các làng, khi gặp mình hay hỏi về kĩ thuật này. Nay có bài viết khá chi tiết. Nhóm các tác giả ở Viện Bảo tồn Di tích.

Các vấn đề thiên về kĩ thuật.

Tháng 10 năm 2024,

Giao Blog


---


 10:59 AM 09/04/2024

Tài liệu giấy tại các di tích là di sản văn hóa có giá trị, phản ánh nhiều mặt về đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư trong lịch sử. Để loại hình di sản này tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, rất cần có những giải pháp tu bổ, bảo quản kịp thời.

Viện Bảo tồn di tích là đơn vị sự nghiệp công lập có ghiên cứu khoa học chuyên ngành về di tích và công tác bảo tồn di tích; đề xuất các tiêu chuẩn, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực bảo tồn di tích; nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học làm cơ sở hoạch định chiến lược chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Việc nghiên cứu, bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc luôn được Viện đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, “phần hồn” của di tích như lễ hội hay các tài liệu quý lưu giữ tại di tích, như: sắc phong, thần phả, thần tích và việc bảo quản, tu bổ các tài liệu này lại chưa được quan tâm, nghiên cứu nhiều.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo quản và tu bổ các tài liệu quý giá này, năm 2018, Viện Bảo tồn di tích đã cử 2 cán bộ làm công tác lưu trữ tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ tu bổ tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Từ những kiến thức và kỹ thuật tu bổ tài liệu được học tại Trung tâm, năm 2023, phòng Tư liệu, Thông tin, Đào tạo kết hợp với phòng Nghiên cứu Tiêu chuẩn và Công nghệ Bảo tồn di tích đã thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng quy trình tu bổ tài liệu giấy trong các di tích”. Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm khảo sát, đánh giá giá trị của các tài liệu, thực trạng bảo quản tài liệu giấy tại các di tích, đồng thời đề xuất phương án bảo quản, tu bổ các tài liệu trên nhằm kéo dài tuổi thọ cho tài liệu, bảo tồn và phát huy giá trị của các tài liệu quý giá này.

Thực trạng bảo quản tài liệu giấy trong các di tích hiện nay

Các dạng hư hỏng thường gặp của tài liệu giấy lưu giữ tại di tích

Tài liệu giấy cổ có giá trị trong di tích, đặc biệt là các sắc phong được bảo quản ở nhiều điều kiện khác nhau. Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, với đặc tính của giấy là vật liệu dễ bị phân hủy theo thời gian, dưới tác động của môi trường (như khí hậu, độ ẩm, ánh sáng…), côn trùng (mối, mọt, chuột, gián…) và con người (điều kiện bảo quản, sử dụng, gia cố không đúng cách, nạn trộm cắp, hỏa hoạn, chiến tranh, thiên tai…) là những nguyên nhân gây hư hỏng, hủy hoại tài liệu giấy, trong đó có sắc phong. Các dạng hư hỏng phổ biến thường gặp bao gồm:

- Rách thủng, ẩm mốc, mủn mục;

- Mối xông làm cho tài liệu bị vụn nát;

- Mất chữ, ố, nhòe chữ, mất hoa văn;

- Nấm mốc, mất màu sắc do bảo quản không đúng cách...

- Phần rách, thủng trên bề mặt tài liệu bị dán vá băng keo, băng dính do không nắm được phương pháp, cách thức bảo quản, tu bổ tài liệu.

Các yếu tố ảnh hưởng tới công tác bảo quản tài liệu giấy trong các di tích

Các yếu tố ảnh hưởng tới việc bảo tồn tài liệu giấy nói chung và tài liệu sắc phong nói riêng tại di tích bao gồm yếu tố nội tại và yếu tố bên ngoài.

- Yếu tố nội tại: Bao gồm chất liệu giấy, mực, phương pháp in ấn tài liệu…

- Yếu tố bên ngoài: là những điều kiện khách quan ảnh hưởng đến việc bảo tồn tài liệu, như:

+ Phòng/kho và trang thiết bị bảo quản;

+ Các yếu tố tự nhiên: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lũ lụt, động đất, khói bụi…

+ Yếu tố sinh học: vi khuẩn, nấm mốc, côn trùng gây hại, chuột bọ… 

+ Yếu tố con người: chiến tranh, hỏa hoạn, trộm cắp, bảo quản và khai thác không đúng phương pháp… là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tuổi thọ của tài liệu…

Cách bảo quản tài liệu giấy thường gặp tại các di tích

- Cuộn tròn tài liệu, đặt trong ống nhựa, ống giấy, ống sắt hoặc ống tre…

- Cuộn vào túi nilon, cất kỹ vào hòm sắt, hòm gỗ hoặc két sắt…

- Cho sắc phong vào khung kính, treo lên tường, sau vài năm bị mờ chữ do bị phản ứng quang hóa.

- Mang sắc phong ra ép plastic khiến cho toàn bộ số sắc phong này bị biến màu do phản ứng hóa học.

- Dán vá băng dính, băng keo lên bề mặt tài liệu bị rách thủng.

- Đa số các tài liệu giấy không được mở ra kiểm tra và làm vệ sinh định kỳ, đến khi mở ra thì toàn bộ tài liệu đã bị dính bết, vón cục. Bên cạnh đó, điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… không đảm bảo, ...

Những tác động trên đây không những gây hậu quả nghiêm trọng là làm hỏng tài liệu mà còn gây khó khăn cho các chuyên gia khi xử lý (mất nhiều thời gian, công sức), thậm chí có trường hợp nặng không thể khắc phục được.

Bên canh đó, điều kiện bảo quản tài liệu tại các di tích không đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và thậm chí cả độ an toàn cho tài liệu, trước những tác động của thiên tai, hỏa hoạn.

Ngoài ra, vấn đề an ninh, an toàn tại các di tích ở địa phương không đảm bảo, đâu đó vẫn diễn ra hiện tượng mất cắp các đạo sắc phong vẫn diễn ra (đình Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội).

Đề xuất một số phương án bảo quản tài liệu giấy trong các di tích

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác bảo quản

- Kho bảo quản:

Với những tài liệu giấy quý hiếm tại di tích, đặc biệt là hệ thống các sắc phong nên được đưa về bảo quản, lưu trữ trong các phòng/kho bảo quản chuyên dụng tại các cơ quan chuyên môn, có hệ thống điều hòa, nhiệt độ, độ ẩm ổn định: nhiệt độ từ khoảng 180c-220c, độ ẩm từ 45%-55%.

Ngoài ra, cần có hệ thống camera báo động chống trộm, hệ thống phòng cháy chữa cháy, ngăn chặn chuột bọ, côn trùng…

- Giá đựng tài liệu:

Giá để tài liệu phải bảo đảm các yêu cầu bền vững, tiết kiệm được diện tích bảo quản và vật liệu. Nên dùng giá kim loại để tránh được sự tác động của côn trùng ẩm mốc. Nên sử dụng giá di động để tiện cho việc di chuyển.

- Hộp, bìa, cặp đựng tài liệu:

Sử dụng hộp, bìa, cặp đựng tài liệu giúp cho việc tránh được bụi, tác động của ánh sáng chiếu vào. Nên sử dụng hộp làm bằng giấy, vải, chất liệu phi axit.

Phương pháp bảo quản

- Bảo quản, sử dụng tài liệu đúng cách:

+ Cách bảo quản sắc phong tốt nhất theo kinh nghiệm truyền thống là dùng giấy dó để bọc tài liệu, sắc phong lại, sau đó bỏ trong ống tre hoặc hộp giấy bằng chất liệu phi axit, kèm gói chống ẩm vào bên trong để hút ẩm, hoặc đặt tài liệu lên các giá/tủ chuyên dụng. Các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phải đảm bảo và được kiểm soát thường xuyên.

+ Nên bảo quản sắc phong ở vị trí khô thoáng và phải có sự kiểm tra kiểm tra định kỳ, vệ sinh tư liệu để kịp thời xử lý tình trạng hư hỏng tài liệu, hạn chế tối đa tình trạng mục nát, hư hại của tài liệu.

+ Không tự ý xử lý các tình trạng hư hỏng của tài liệu bằng cách dán vá băng keo, băng dính lên bề mặt tài liệu, hoặc ép plastic…

+ Với những tài liệu hư hỏng cần mời các các chuyên gia tại các cơ quan chuyên môn để tư vấn kỹ thuật hoặc tham gia xử lý một cách bài bản, khoa học.

 

Hộp bảo quản sắc phong do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thiết kế có chất liệu bìa ép bọc giấy dó quét nhựa của cây cậy

 

- Tu bổ những tài liệu hư hỏng:

Đối với những tài liệu giấy đặc biệt là các đạo sắc đã bị mối mọt, các địa phương phải có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên môn tu bổ theo đúng quy trình kỹ thuật. Những người tham gia tu bổ các tài liệu giấy nói chung, tài liệu sắc phong nói riêng phải là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, như: Nghiệp vụ bảo quản, tu bổ tài liệu, phải chuyên môn về hán nôm để trong quá trình thực hiện tu bổ không làm sai lệch nội dung tài liệu. Quá trình thực hiện nên tuân thủ theo đúng quy trình như chúng tôi đã xây dựng.

- Tổ chức lớp tập huấn về công tác bảo quản tài liệu Hán Nôm.

Đối tượng được tập huấn là đại diện các Ban quản lý di tích và cán bộ văn hóa - những người trực tiếp trông coi, gìn giữ nguồn tư liệu quý này tại các di tích. Người dân cũng như người làm công tác bảo vệ, trong coi di tích cũng cần phải hiểu được di tích, di sản không thuộc về cá nhân, tổ chức nào mà thuộc về cộng đồng nên chính quyền địa phương và cư dân bản địa phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản…

Mục tiêu của lớp tập huấn nhằm cung cấp cho học viên các nhóm thông tin nghiệp vụ và kỹ năng xử lý như:

+ Giá trị và ý nghĩa của tài liệu Hán Nôm hiện đang được lưu giữ tại cơ sở thờ tự (giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, vật liệu và cách chế tác…);

+ Nguyên nhân và các dạng hư hỏng thường gặp của tài liệu;

+ Trường hợp bảo quản, sử dụng không đúng cách;

+ Biện pháp bảo quản, tu bổ tài liệu và quy định về sử dụng tài liệu.

- Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chính sách cụ thể về nguồn kinh phí nhằm phục vụ cho việc bảo quản, phục hồi, phục chế các sắc phong một cách bài bản, cụ thể chứ không phải dừng lại ở việc bảo quản bằng những cách thô sơ, thủ công như hiện nay.

- Sưu tầm, số hóa các tài liệu:

Để bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tư liệu quý giá này, việc cấp thiết đầu tiên là Ban Quản lý các di tích cần phối hợp với phòng văn hóa, Bảo tàng tỉnh và các cơ quan chức năng nhanh chóng nghiên cứu, sưu tầm, đăng ký, kiểm kê, lập hồ sơ để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc tra cứu. Triển khai số hóa, sao chụp, tu bổ, phục chế toàn bộ sắc phong, thần tích, hương ước… bằng các nền tảng kỹ thuật số hiện đại giúp cho việc quản lý, lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu được thực hiện tốt nhất.

- Huy động sự tham gia của cộng đồng:

Vấn đề cần quan tâm là thay đổi tư duy, cách nhìn của người dân và chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo tồn di sản. Ban Quản lý các di tích, chính quyền địa phương cần nhận thức rõ ràng, đầy đủ về công tác quản lý, bảo vệ di tích, di sản nói chung, di sản tư liệu giấy trong di tích nói riêng; cùng với đó có các hình thức kỷ luật rõ ràng nếu để xảy ra tình trạng thất thoát, mất cắp di vật, cổ vật, hiện vật tại di tích. Ban Quản lý di tích cần bổ sung các lực lượng như: Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh… để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương.

Tài liệu giấy tại các di tích, đặc biệt là sắc phong là loại hình di sản văn hóa có giá trị, phản ánh nhiều mặt về đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư trong các giai đoạn lịch sử. Để loại hình di sản này tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, cần có những giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về các biện pháp giữ gìn bảo quản, đồng thời phát huy giá trị trong cuộc sống hiện tại.

 

 

 

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TU BỔ TÀI LIỆU GIẤY TẠI DI TÍCH

Chụp ảnh hiện trạng trước khi tu bổ
 

Đặt tài liệu lên giấy bồi

 

Sắp xếp và ghép các mảnh rách, vụng vào đúng vị trí

 

Tài liệu sau khi bồi xong, chờ khô

 

 

Bàn giao tài liệu sau khi tu bổ

 

 

ThS. Điền Thị Hạnh

CN. Trần Phương Hoa

ThS. Đỗ Minh Nghĩa

- Viện Bảo tồn di tích


..

https://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/de-xuat-phuong-phap-bao-quan-tai-lieu-giay-trong-cac-di-tich.htm?fbclid=IwY2xjawFyNddleHRuA2FlbQIxMAABHXotZf8gj7HxGRzyTdvy2yr1Ls6zKo5nhlnaF8i9NQa2MnsgOaS-LHFgSQ_aem_4as_jo2iK2NlmMOcXUMMHQ





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.