Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/07/2024

Một lược sử về huyện Tiền Hải (ra đời năm 1828, vốn thuộc Nam Định, rồi từ 1895 thì về Thái Bình)

Lược sử về huyện Tiền Hải này đã được tôi trình bày trong một bài viết năm 2019 (in thành sách năm 2020).

Cảm giác chung là vùng Sơn Nam mênh mông ruộng đồng, trù phú và cởi mở.

Kí ức về thời kì thuộc về tỉnh Nam Định với trung tâm là thành phố Nam Định vẫn thấy được trong suy nghĩ của các thế hệ người Tiền Hải và người Kiến Xương gần đây. Một thời gian dài, người Tiền Hải và người Kiến Xương vẫn xem "thành phố Nam Định" là thành phố trung tâm của mình, cái gì của Nam Định cũng xem như của mình ! 

Sang thế kỉ 21 rồi, cảm giác đó, vẫn còn thấy ở đâu đó trong các câu chuyện mang tính hồi ức của người Tiền Hải và người Kiến Xương lớn tuổi.

Bản đăng trên Giao Blog hôm nay là lấy từ bản word 2019 có đối sánh với bản in năm 2020.

Tháng 7 năm 2024,

Giao Blog

---

Một lược sử về huyện Tiền Hải

"

Theo tổng quan của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiền Hải năm 2011 (Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiền Hải năm 2011 : 11-32), và theo báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy Tiền Hải (Ban Thường vụ Huyện ủy Tiền Hải 2018), hiện nay, huyện có qui mô dân số là gần 21 vạn người (năm 2018 chính xác là 209.583 người), gồm 1 thị trấn (thị trấn Tiền Hải) và 34 xã. Một trong 34 xã là An Ninh, mà trước đây quen gọi là Trình Phố. Trước năm 1969, An Ninh (Trình Phố) thuộc về huyện Kiến Xương.

Cụ thể, có các mốc quan trọng như sau trong lịch sử thành lập và phát triển của huyện Tiền Hải:

(1). Vùng Tiền Châu (tên cũ của khu vực huyện Tiền Hải sau nay) vốn là một vùng hoang vu. Từ thế kỉ XVII, XVIII, lẻ tẻ đã có người đến khai phá. Dân các làng Đại Hoàng, Tiểu Hoàng, Diêm Điền mở rộng khai khẩn ra các làng ấp ở Ngoại Đê, Hoàng Môn, Diêm Trì,…Ở phía bên trong là các làng cựu (đất cũ, không phải đất quai đê lấn biển) như Trình Phố, Tiểu Hoàng, Diêm Điền,…(Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiền Hải 2011 : 14).

(2). Huyện Tiền Hải ra đời vào đầu thế kỷ XIX (năm 1828), cách đây 190 năm, do cuộc khẩn hoang đại quy mô, dưới sự tổ chức và chỉ huy của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Theo sách Đại Nam thực lục thì huyện Tiền Hải trong buổi đầu thành lập gồm 7 tổng (Tân An, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Định, Tân Bồi, Tân Cơ) với 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 4 giáp. Năm 1828, dân số toàn huyện có 2.350 người, số ruộng đất sau cuộc khẩn hoang là 18.970 mẫu.

(3). Huyện lỵ ban đầu đặt tại làng Phong Lai (xã Đông Phong ngày nay). Đến đầu thời vua Tự Đức chuyển về làng Hoàng Tân (xã Tây Sơn ngày nay).

(4). Khi mới ra đời, huyện Tiền Hải thuộc trấn Nam Định. Đến cuối thế kỷ XIX (năm 1895), tách tổng Tân Bồi về huyện Thái Ninh, đồng thời sáp nhập tổng Đại Hoàng (Kiến Xương) và tổng Đông Thành (Giao Thủy - Nam Định) về huyện Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái Bình. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, huyện Tiền Hải có 8 tổng, 81 xã, 30 thôn, 1 phường.

(5). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1950 đến năm 1954, Tiền Hải có 15 xã. Từ sau năm 1954, Tiền Hải được chia thành 3 khu, gồm 26 xã, lấy chữ Đông, Tây, Nam làm đầu tên gọi các khu.

(6). Năm 1962, thành lập hợp tác xã cói Nam Cường. Năm 1975, xã Nam Cường được thành lập.

(7). Ngày 17/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93/QĐ-CP về hợp nhất và điều chỉnh địa giới hành chính các huyện. Tỉnh Thái Bình từ 12 huyện, thị nhập lại còn 7 huyện và 1 thị xã. Tiếp theo đó, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 428/QĐ-NV phê chuẩn việc chuyển 5 xã của huyện Kiến Xương về Tiền Hải là: An Ninh, Vũ Lăng, Phương Công, Vân Trường, Bắc Hải.

(8). Năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập 1 thị trấn và 2 xã mới là Đông Hải và Nam Phú.

(9). Từ năm 1986 đến nay, huyện Tiền Hải có 34 xã và 1 thị trấn. 

"






---

Các bài liên quan:

Một lược sử về huyện Tiền Hải (vốn thuộc Nam Định, từ 1895 thì về Thái Bình)

- Những chuyện kể dần về Năng khiếu Tiền Hải - 3 : Phân hiệu NKTH ở cạnh lăng tưởng niệm Nguyễn Công Trứ, và kỉ niệm về con đường đất dẫn ra lăng với những hàng cây xấu hổ (đầu thập niên 1980)

Những chuyện kể dần về Năng khiếu Tiền Hải - 2 : Một thời thiếu gạo thiếu mì, thầy giáo dạy Văn hồi lớp Ba (1980-1981) thường xuyên nhịn bữa trưa

Những chuyện kể dần về Năng khiếu Tiền Hải - 1 : Lớp Bốn luyện giỏi Văn ở nhà thầy và những truyện ngắn đầu tiên 1982-1984


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.