Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/11/2023

Tâm sự nhà giáo và cựu nhà giáo - tháng 11 năm 2023

Sắp đến ngày 20 tháng 11, sưu tầm một ít tâm sự của nhà giáo và cựu nhà giáo.

Tiếng Việt đang phát triển. Xưa ta quen nói "cựu sinh viên" hay "cựu học sinh", nay đã có cả "cựu người học". Bởi vậy, tự nhiên như nhiên, "cựu nhà giáo" cũng thành quen tai.

Vẫn lan man chút về tiếng Việt, thì xưa chỉ quen với "yên ổn" hay "an nhiên", bây giờ thì có cả "an yên" một cách rất tự nhiên ! Rồi xưa chỉ quen "có móng", bây giờ thì có cách dùng "hữu móng" như là chơi chữ ! 

Mở đầu tâm sự là của một cựu nhà giáo trên VNN.

Cập nhật dần như mọi khi.

Tháng 11 năm 2023,

Giao Blog




---


Ngày từ giã công việc giảng viên, tôi không dám mở lời nói với bất kỳ ai. Tôi e ngại cha mẹ buồn, sợ thầy cô thất vọng và đau đớn với chính bản thân khi phải thừa nhận mình bỏ cuộc.

LỜI TÒA SOẠN

Không chỉ giáo viên, các giảng viên đại học cũng luôn trăn trở với câu hỏi: Làm sao có việc làm đúng chuyên môn? Làm sao để có thể sống được với nghề?

Những ngày qua, tuyến bài Giáo viên: Nơi thiếu, nơi không xin được việc, nghỉ việc nhận được rất nhiều ý kiến, chia sẻ của độc giả khắp cả nước. VietNamNet xin tiếp tục giới thiệu đến quý độc giả chia sẻ của nữ giảng viên một trường đại học lớn tại TP.HCM.

Sau 10 năm theo đuổi nghề giáo, hiện chị đã ngừng công việc giảng dạy về sinh sống tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng. 

Mỗi khi tháng 11 đến, lòng tôi lại nao nao nhớ về kỉ niệm xưa với nghề giáo. Tôi đã từng là giảng viên ở một trường đại học danh tiếng nhưng rồi đành rẽ ngàng bởi không sống nổi vì lương.

Ngày từ giã công việc giảng viên, tôi lặng lẽ không dám mở lời nói với bất kỳ ai. Tôi e ngại cha mẹ buồn, sợ thầy cô thất vọng và đau đớn với chính bản thân khi phải thừa nhận việc mình bỏ cuộc.

Chuyện đã trôi qua được nhiều năm, dù thế thi thoảng nghe được tin một số đồng nghiệp muốn và đã từ giã công việc, tôi vẫn thấy lòng mình đắng chát một nỗi nghẹn ngào. Thật ủ ê và buồn cho giấc mộng đẹp đẽ của thời thanh xuân của thế hệ sinh viên sư phạm chúng tôi khi xưa.

Ngay từ thời còn là sinh viên sư phạm, tôi cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa khác, ôm ấp giấc mộng trở thành giảng viên. Thay vì xin việc làm ở các trường phổ thông, tôi may mắn được tiếp tục ở lại trường làm giảng viên. Vài năm sau đó, tôi cứ thế ra sức vừa học lên cao hơn vừa tiếp tục nghiên cứu khoa học. Đương nhiên, trong lúc đó, tôi vẫn phải đi dạy, vẫn phải đảm bảo các nhiệm vụ khác vì sinh viên, vì trường.

Dù thế, lương thực tế của giảng viên chỉ bằng 1/3 lương sinh viên vừa ra trường dưới sự dạy dỗ của chúng tôi. Vì biết “cơm áo không đùa với khách thơ” nên tất cả chúng tôi đều phải gồng lên tìm thêm nhiều việc, cố gắng bươn chải tìm việc làm thêm để sống được với nghề. 

Suốt những năm học đó, bản thân tôi phải đi thỉnh giảng khắp các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trường trung cấp và cao đẳng nghề để duy trì mức lương cơ bản đủ sống với nghề. Việc đi dạy thỉnh giảng ngỡ như đơn thuần nhưng lại đầy nỗi nhọc nhằn và xót xa chẳng kém. Có những ngày, cổ họng tôi đau rát sau khi đi dạy về, vì phải nói và nhắc nhở sinh viên quá nhiều.

Cũng bởi đối tượng giảng dạy của tôi khi ấy là các em học sinh hệ 9+, tức là cần học hệ THPT để bổ sung trình độ văn hóa. Sức học của các em khá yếu, thậm chí mất căn bản trầm trọng. Quan trọng là đại đa số các em đều có ý thức rất kém, thường xuyên gây mất trật tự trong lớp, vi phạm nội quy nhà trường. 

Vốn là một giáo viên không thể bỏ mặc học trò, tôi ra sức nhắc nhở, vừa dạy vừa rèn giũa từng chút một. Thậm chí, có những lần phải làm việc liên tục với phụ huynh các em, nhưng tình hình vẫn không khá hơn chút nào, khiến lòng tôi luôn cảm thấy nặng nề.

Đôi lần, vì nghiêm túc giữ nguyên điểm số kém, không đồng ý với việc nâng điểm không phù hợp với năng lực học sinh, sẵn sàng để hơn nửa lớp bị điểm dưới trung bình bộ môn, tôi bị phê bình, thậm chí bị đột ngột sa thải. Lí do được đưa ra là: “Cô là giảng viên đại học nên phương pháp dạy không phù hợp với học sinh THPT” hoặc là: “Cô nghiêm khắc quá nên chưa thích hợp để rèn giũa học sinh ở trường”. 

Thêm vào đó, công việc của giảng viên vô cùng căng thẳng khiến bản thân tôi mất ngủ nhiều đêm. Một ngày của tôi luôn bắt đầu bằng những công việc thường nhật của khoa Văn, lên giảng đường hoặc dạy thỉnh giảng ở các trung tâm GDTX, đến chiều tối lại ghé vào trung tâm gia sư, luyện thi để có thêm khoản thu nhập trang trải trong đời sống.

Thi thoảng, chúng tôi phải đảm nhận cả việc tổ chức hội thảo ở khoa. Khi những trường khác tổ chức hội thảo, chúng tôi chỉ việc ngồi nhà viết bài, chờ ngày đi báo cáo hoặc được đăng bài.

Hội thảo ở khoa, chúng tôi phải sắp xếp kiêm nhiệm luôn quá trình tổ chức, không còn thời gian mà viết bài hay nghiên cứu khoa học. Các giảng viên ngành Hàn đi dịch sự kiện, giá cao ngất ngưởng, khi đảm nhận việc dịch sự kiện, giá rẻ đến buồn tủi. Tôi làm thư ký ở mỗi hội thảo, làm việc đến vắt kiệt sức nhưng thù lao nhận được chắc đủ mua 2 tô phở.

Lương giảng viên hằng tháng của chúng tôi chỉ đạt mức cơ bản, cuối năm nhận khoản tiền thưởng Tết ít ỏi đến độ không dám khoe. Thậm chí, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ nghiên cứu từ 1,5 năm đến 2 năm, chỉ được nhận tổng chi phí khoảng 30 triệu đồng. Dù vất vả là thế nhưng chúng tôi vẫn kiên trì làm với mong muốn Khoa được nhiều người biết đến hơn.

Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chọn rời đi vì quá sợ những đêm thiếu ngủ, những ngày làm như vắt kiệt sức lực. Tôi rời đi vì những lần phải lao tâm khổ trí vì lo cho học sinh, sinh viên nhưng kết quả nhận lại vẫn là con số không tròn trĩnh.

Tôi từ bỏ công việc mình yêu thích do nhận ra nỗ lực với nghề cũng chỉ là phí phạm nên đành khép lại giấc mơ vì cuộc sống riêng của mình cần những khởi sắc mới. Từ bỏ rồi, tôi làm công việc viết lách tự do nhàn nhã hơn, thu nhập gấp đôi lương giảng viên ngày trước.

Thi thoảng, có dịp trò chuyện với bạn bè đồng nghiệp cũ, tôi vẫn thầm ngưỡng mộ những người ở lại. Họ trong mắt mọi người là thạc sĩ, tiến sĩ, những nhà nghiên cứu tài giỏi nhưng có mấy ai biết được sau vẻ lấp lánh ấy, nhiều đồng nghiệp của tôi phải tính toán từng khoản chi tiêu bao gồm ăn uống, đồ dùng cá nhân, điện thoại… thật cân nhắc mà vẫn không đủ để trang trải đời sống của gia đình. 

Thậm chí, có những đồng nghiệp trong trường tôi, vì thiếu hụt trong cuộc sống, phải đi làm xe ôm công nghệ, ngược xuôi dạy thêm ở các trung tâm ở ngoại thành. Mức lương của giảng viên nói riêng và giáo viên nói chung mãi luôn là nỗi niềm đau đáu trong lòng mỗi người dạy.

Để rồi mỗi khi rời khỏi bục giảng, vội vã đi làm thêm một công việc kiếm thêm kế sinh nhai nào đó, lòng ai cũng ngao ngán tự hỏi: “Biết bao giờ, chúng tôi mới sống được với đồng lương chân chính vì những cống hiến và tận tâm tận lực với nghề của mình?”.

Trúc Quỳnh (Đà Lạt, Lâm Đồng)

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn. 


https://vietnamnet.vn/tu-bo-cong-viec-giang-vien-vi-luong-khong-du-song-2212584.html

..


CẬP NHẬT




1.


Tôi rất ngạc nhiên khi biết có "quy luật ngầm” ở trường tư thục. Giáo viên nếu không làm hài lòng học sinh và phụ huynh rất dễ bị “đào thải”. Dẫu biết thực trạng này không phổ biến, nhưng tôi vẫn thật sự xót xa.

Thông tin từ GD-ĐT, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng. Rất nhiều lý do của tình trạng này đã được độc giả VietNamNet - thậm chí là những người trong cuộc, "mổ xẻ" như mức thu nhập, áp lực... Sự áp lực không chỉ ở các trường công lập, còn diễn ra ở các trường tư thục. VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả chia sẻ của một nữ giáo viên dạy Toán bậc THCS tại TP.HCM. Sự trải lòng này của chị chỉ với mong muốn đơn giản được phụ huynh và xã hội thông cảm, thấu hiểu hơn với những người "cầm phấn".

Đọc các bài viết Giáo viên: Nơi thiếu, nơi không xin được việc, nghỉ việc trên VietNamNet, tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân. Cách đây nửa năm, tôi nộp đơn xin nghỉ việc tại một trường THCS tư thục tại TP.HCM.

Lí do đơn giản vì bản thân không thể chịu nổi áp lực và vô số những cuộc họp liên miên, bất kể giờ giấc. Cá nhân tôi hiểu rằng trong khoảng thời gian giảng dạy, không chỉ mình mà rất nhiều anh chị em đồng nghiệp và cả các em học sinh đều phải cố gắng. Tuy nhiên, sức người thật sự có hạn. 

minhhoaa 1050.jpg
Học sinh TP.HCM (Ảnh minh họa: Thanh Tùng)

Bản thân tôi đành phải “chào thua” và băn khoăn tự hỏi: Liệu đã có một quy định cụ thể và rạch ròi cho khoảng thời gian làm việc cho giáo viên tại các trường tư thục và cả công lập trên toàn quốc. Khi gần như ngày nào, giáo viên chúng tôi cũng phải “quay cuồng” với hàng loạt các việc làm không tên như soạn giáo án, phiếu học tập, chuẩn bị tiết dự giờ, thao giảng… thậm chí viết cả sổ báo bài cho học sinh.

Tôi được phân công giảng dạy môn Toán ở hai lớp 7 và một lớp 9 tại trường. Cá nhân tôi cảm thấy rất hào hứng vì tìm được một việc giảng dạy hứa hẹn nhiều triển vọng. Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu, tôi phải đối mặt với vô vàn những áp lực không tên. 

Phải đồng ý rằng giáo viên chúng tôi khi tham gia giảng dạy phải soạn giảng giáo án, chuẩn bị đủ đầy lượng kiến thức để cung cấp cho học sinh. Nhưng vô vàn những cuộc họp rút kinh nghiệm, họp tổ chuyên môn, họp hội đồng suốt cả tuần dài khiến tôi phải mỏi mệt chào thua.

Thêm vào đó, việc dự giờ thường xuyên của Ban Giám Hiệu và Tổ trưởng chuyên môn, bắt buộc giáo viên đầu tư chất xám nhiều hơn mức có thể cho mỗi tiết dạy. Áp lực ấy khiến một giáo viên mới như tôi phải bỏ ra trung bình từ 2-3 giờ đồng hồ cho một file giáo án ppt, phiếu học tập kèm theo vô số những công việc không tên khác như điểm danh, nhập nhận xét đánh giá học sinh, ghi sổ báo bài cho học sinh…

Nếu so sánh với mức lương giảng dạy cụ thể, khoản thù lao tôi nhận được cho công việc này không thật sự quá nhiều. Tuy nhiên, khối lượng công việc hoàn toàn không giảm đi, ngược lại còn chiều hướng tăng thêm cho giáo viên. Nếu hai ngày cuối tuần là khoảng thời gian để chúng ta nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, đội ngũ giáo viên lại liên tục phải tham gia hội họp, học tập các lớp đào tạo về văn hóa, kĩ năng…

Thậm chí, có những ngày chủ nhật gần 20h, tôi vẫn phải tham gia họp với nhà trường về các vấn đề phải triển khai trong tuần sắp đến. Dẫu biết công việc giảng dạy đòi hỏi nhiều cuộc gặp gỡ để thống nhất và chia sẻ ý kiến, nhưng việc tổ chức hàng loạt các buổi họp thật sự gây sức ép rất lớn đến tâm lý của giáo viên, khiến những ngày tháng dạy học càng trở nên vất vả hơn gấp bội.

Đó là chưa kể đến việc bản thân thường xuyên phải nghe những lời phản ánh, đa phần là một chiều từ học sinh về bộ môn của mình. Vốn xuất thân từ một giáo viên trường công lập nên khi tham gia giảng dạy tại trường tư, cá nhân tôi đã vấp phải rất nhiều những trở ngại về tâm lý, đặc biệt là việc kết nối với học sinh.

Dù đã ra sức trò chuyện, tạo tương tác với các em, nhưng bản thân tôi vẫn cảm giác rất rõ nét sự nhường nhịn học sinh, thậm chí là đặt nặng việc làm hài lòng tâm lý của các em hơn kết quả đạt được trong học tập.

Tôi rất ngạc nhiên khi biết có quy luật “ngầm” ở một số trường tư thục, đó là giáo viên nếu không biết cách làm hài lòng học sinh và phụ huynh rất dễ bị “đào thải”. Dẫu biết thực trạng này không phổ biến hoàn toàn ở nhiều nơi, nhưng tôi vẫn thật sự xót xa khi trải nghiệm điều này trong hành trình “cầm phấn” của mình. 

Chữ “lễ” trong văn hóa thầy trò và cách ứng xử giữa phụ huynh với giáo viên, khi được đặt trong môi trường giáo dục hiện nay, dường như đang ngày một suy giảm và bị xem nhẹ hơn. Khi giá trị của đồng tiền và nhịp sống kinh tế thị trường đang dần bào mòn nhiều thứ thì vị thế của người thầy cũng do đó mà bị cân đo, đong đếm về nhiều mặt hơn.

Thực tế đã cho ta thấy nhiều vụ việc đau lòng trong học đường, đa phần xuất phát từ tâm thế e ngại thậm chí bất lực của người thầy trước sự phán xét của phụ huynh và cộng đồng. Học sinh chưa ngoan, thậm chí cá biệt, rất cần đền sự rèn giũa của thầy cô nhưng chính sự khắt khe của phụ huynh và áp lực của dư luận xã hội khiến giáo viên mất hết dũng khí và kiên trì giáo dục trẻ đến tận cùng.

Nhiều áp lực buộc tôi phải có một quyết định không dễ dàng: viết đơn xin nghỉ việc. Sau khi viết đơn, tôi đã dành thời gian để chú tâm ngồi suy ngẫm lại những bất cập bản thân đã trải qua trong suốt những tháng vừa qua. Cá nhân tôi hiểu rằng trong bất cứ ngành nghề nào cũng có những áp lực của riêng, cũng có hiện tượng tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta có quyền đánh đồng mọi trường hợp. 

Thiết nghĩ, đã cần đến lúc phải nhìn nhận lại vai trò của nhà giáo và giảm nhẹ áp lực cho giáo viên, đặc biệt trong thời kỳ dạy học nhiều thách thức từ phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội như hiện nay. Giáo viên chúng tôi, dẫu có là người đứng lớp tận tụy đến đâu, vẫn cần có cảm xúc và được trân trọng đúng mực, để hoàn thành chặng đường giáo dục thế hệ trẻ đầy cam go.

Chúng tôi không phải là những “cỗ máy” chỉ biết răm rắp nghe theo chỉ thị của cấp trên và yêu cầu một cách phi lý của phụ huynh và học sinh.

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn. 

Bình An (Giáo viên môn Toán THCS, TP.HCM)

https://vietnamnet.vn/khong-theo-quy-luat-ngam-o-truong-toi-phai-viet-don-xin-nghi-viec-2212984.html

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.