Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/09/2022

Minh Thệ và hội thề liên quan đến thần Đồng Cổ - lịch sử và hiện tại

Đi một ít bải về thần Đồng Cổ và các hội thề, lễ hội Minh Thệ ở Việt Nam.

Mờ đầu là bài của học giả Cao Việt Anh.

Các bài bổ sung và cập nhật thì dán ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 9 năm 2022,

Giao Blog


---

Cập nhật lúc 07h26, ngày 24/02/2015

HỘI THỀ ĐỒNG CỔ TRONG LỊCH SỬ LÝ - TRẦN

CAO VIỆT ANH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Dẫn nhập và những giả thuyết khoa học có sức nặng về vấn đề trống đồng và tín ngưỡng đồng cổ trong lịch sử Việt Nam

Lịch sử đối với mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, luôn luôn là tấm gương soi hữu hiệu. Lịch sử giai đoạn Lý - Trần (thế kỷ X-XIV) của dân tộc Việt Nam chính là một phần sáng rỡ của tấm gương ấy, vẻ sáng rỡ được tạo nên từ những phân khúc oai hùng và cả những trường đoạn bi ca. Hội thề Đồng Cổ - cuộc mít - ting được nâng lên thành lễ thề có tính quốc gia của người dân Việt trước uy linh của thần Trống Đồng - là một bài học lịch sử có giá trị điển hình.

Trống đồng là một biểu tượng văn hóa đã từ lâu được giới khoa học nghiên cứu và tiến từng bước dài khẳng định tầm vóc, giá trị; tuy nhiên, thời gian nghiên cứu từ lâu ấy vẫn chưa thể sánh được với bề dày niên đại lên tới hàng ngàn năm của chính những chiếc trống đồng. Và cùng với thời gian, là lớp lớp ý nghĩa - tôn giáo có, tín ngưỡng có, quyền lực có, sinh hoạt thường ngày có - được kỳ vọng, nghiên cứu từ xuất xứ, nguồn gốc, hoa văn, tuổi tác, công dụng của trống đồng. Có những nhận định sắc bén và hợp lý, ngắn gọn và sáng rõ - kết quả của quá trình dày công trong nghiên cứu và của năng lực liên ngành trong suy luận - đã phô bày đa diện các nghĩa bóng của vật có thực, là trống đồng:

“Trống đồng như mọi người đều biết, là sản phẩm đã đạt tới trình độ hoàn hảo, tinh xảo của kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng. Dù, về hình thức, nó bắt nguồn từ nồi đất từ quả bầu hay từ một cái gì khác, thì nó cũng trở thành biểu tượng tập trung, điển hình của quyền lực thủ lĩnh Tiền Nhà nước (“Lạc hầu”, “Quản trưởng”) và Nhà nước (VUA HÙNG, VUA THỤC) - cái quyền lực bao toả nền văn minh thôn dã Việt cổ.”(1)

“Cúng tế quỷ thần, cúng tế khi đau ốm, cúng tế cầu mưa, cúng tế trong tang lễ… tất cả đều sử dụng trống đồng làm gạch nối THẦN - NGƯỜI.”(2)

“Và chỉ có thể kết luận: đến thần núi Trống Đồng và hội thề Thăng Long thời Lý là do nhà Lý xây dựng tổ chức, trên cơ sở phục hồi, đổi mới, thời sự hóa và phong kiến hóa một nghi thức cổ truyền của nhân dân ta từ thủa vua Hùng dựng nước.”(3)

Tư liệu chính sử về hội thề Đồng Cổ

Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử có những ghi chép về lễ thề trước uy linh thần Đồng Cổ của hai triều đại Lý và Trần, bắt đầu từ đời vua Lý Thái Tổ, năm 1028.

戊辰 十 九 年 (三 月 以 後 太 宗 天 成 元 年 宋 天 聖 六 年 ) 春 二 月 帝 弗 豫 三 月 丙 申 朔 日 食 戊 戌 帝 崩 于 龍 安 殿 …

封 銅 鼓 山 神 以 王 爵 立 廟 時 祭 祀 行 [.]禮 先 是 三 王 叛 前 一 日 帝 夢 是 稱 銅 鼓 山 神 語 帝 以 武 德 東 征 翌 聖 三 王 作 亂 速 調 兵 討 之 及 覺即 令 警 備 果 驗 至 是 詔 有 司 立 廟 於 大 羅 城 右 伴 …以 是月 二 十 五 日 於 廟 中 築 坛 張 旗 幟 整 設 [.]懸 劍 戟 於 神 位 前 讀 誓 書 曰 為子 不 孝 為 臣 不 忠 神 明 殛 之 群 臣 自 東 門 入 過 神 位 歃 血 每 歲 以 為 常 後 遇 三 月 有 國 忌 展 至 四 月 四 日.

Phiên âm:

Mậu Thìn thập cửu niên (tam nguyệt dĩ hậu Thái Tông Thiên Thành nguyên niên, Tống Thiên Thánh lục niên) xuân nhị nguyệt Đế phất dự. Tam nguyệt Bính Thân sóc nhật thực. Mậu Tuất Đế băng vu Long An điện…

Phong Đồng Cổ sơn thần dĩ vương tước, lập miếu thời tế tự, hành [.] lễ. Tiên thị tam vương bạn tiền nhất nhật Đế mộng kiến xưng Đồng Cổ sơn thần ngữ Đế dĩ Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh tam vương tác loạn, tốc điều binh thảo chi. Cập giác tức lệnh cảnh bị, quả nghiệm. Chí thị chiếu Hữu ty lập miếu ư Đại La thành hữu bạn …dĩ thị nguyệt nhị thập ngũ nhật ư miếu trung trúc đàn trương kỳ xí chỉnh thiết [.] huyền kiếm kích, ư thần vị tiền độc thệ thư viết: vi tử bất hiếu, vi thần bất trung, thần minh cức chi. Quần thần tự Đông môn nhập quá thần vị sáp huyết. Mỗi tuế dĩ vi thường. Hậu ngộ tam nguyệt hữu quốc kỵ triển chí tứ nguyệt tứ nhật.

Dịch nghĩa:

“Mậu Thìn [Thuận Thiên] năm thứ 19 [1028] (từ tháng 3 về sau là niên hiệu Lý Thái Tông, Thiên Thành năm thứ 1; Tống Thiên Thánh năm thứ 6). Mùa xuân, tháng 2, vua không khỏe. Tháng 3, ngày mồng 1 Bính Thân, nhật thực. Ngày Mậu Tuất, vua băng ở điện Long An.

… Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và [15a] làm lễ thề. Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu, trong miếu cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hằng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang mồng 4 tháng 4.”(4)

丁 亥 三 年 (宋 寶 慶 三 年 )…

宣 盟 誓 條 循 李 朝 故 事 始 定 行 之 其 儀 每 年 四 月 四 日 宰 相 百 官  鳴 時 詣 城 門 外 昧 爽 進 朝 帝御 大 明 殿 右 郎 門 百 官 成 服 再 拜 而 退 各 具 隊 仗 騶 從 出 城 西 門 至 銅 鼓 山 神 祠 會 盟歃 血 中 書 檢 正 宣 誓書 云 為 臣 盡 忠 居 官 清 白 有 渝 此 盟 神 明 殛 之 宣 乞 宰 相 點 閘 百 官 欠 者 罰 錢 五 [.]是 日 四 方 士 女 道 傍 觀 聽 如 堵 以 為 盛 事.

Phiên âm:

Đinh Hợi niên tam nguyệt (Tống Bảo Khánh tam niên)…

Tuyên minh thệ điều tuần Lý triều cố sự thủy định hành chi kỳ nghi mỗi niên tứ nguyệt tứ nhật Tể tướng bách quan kê minh thời nghệ thành môn ngoại, muội sảng tiến triều. Đế ngự Đại Minh điện Hữu lang môn, bách quan thành phục tái bái nhi thoái. Các cụ đội trượng xu tòng xuất thành tây môn chí Đồng Cổ sơn thần từ hội minh sáp huyết. Trung thư Kiểm chính tuyên thệ thư vân: vi thần tận trung, cư quan thanh bạch, hữu du thử minh, thần minh cức chi. Tuyên khất Tể tướng điểm áp bách quan, khiếm giả phạt tiền ngũ [.]. Thị nhật tứ phương sĩ nữ đạo bàng quan thính như đổ, dĩ vi thịnh sự.

Dịch nghĩa:

“Đinh Hợi [Kiến Trung] năm thứ 3 [1227], (Tống Bảo Khánh năm thứ 3)…

Tuyên bố các điều khoản lễ minh thệ, theo như lệ cũ của triều Lý và bắt đầu định việc thực hiện. Nghi thức lễ đó như sau:

Hằng năm vào ngày mồng 4 tháng 4, Tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, [4b] tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang, điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng:

“Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”.

Đọc xong, Tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn.”(5)

Sử liệu cho thấy, Lý Thái Tổ qua đời, theo âm lịch nhằm ngày 3 tháng 3 năm 1028. Cùng năm này, trong tháng 3, người con trai nối ngôi (miếu hiệu sau này là Lý Thái Tông) và cho xây miếu thờ thần Đồng Cổ, tổ chức lễ tế đồng thời làm lễ trước linh vị của thần này tại kinh thành Thăng Long. Ban đầu, 25 tháng 3 là ngày được chọn để thi hành lễ này. Nhưng có lẽ từ năm sau đó, sự kiện này được dời sang ngày 4 tháng 4 âm lịch với lý do được nêu ra là tháng 3 có ngày giỗ của vị vua khai sáng triều đại nhà (Hậu) Lý. Về việc chuyển dời hội thề quốc gia từ tháng 3 âm lịch sang tháng 4 âm lịch, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng:

“Phải chăng là sự tình cờ, khi hội thề Thăng Long, và hội ăn thề của cá chép lại trùng hợp tháng tư mồng 4?

Chẳng qua đó cũng bắt nguồn từ một nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ tế thần đầu mùa hạ, mùa mưa…”(6)

Đối chiếu với dân gian, không khó để nhận biết, riêng ở Việt Nam thôi, cũng có nơi đầu nguồn nước(7) gắn với truyền thuyết cá chép tụ tập vào tháng tư để thi vượt Vũ môn hầu mong được hóa rồng. Tháng tư âm lịch là mùa nước lên, mưa lớn, nước nguồn đổ về xuôi, cũng là khi cá chép hoạt động rất mạnh, thể hiện độ lớn, sức bật hơn hẳn nhiều loài cá nước ngọt khác. Trong Hán văn, cá chép được gọi là lý ngư. Truyền rằng, đời nhà Đường bên Trung Quốc (618-907) là do họ Lý khai sáng, cho nên có lệnh cấm ăn cá chép, đến tên lý ngư cũng phải đổi cách gọi. Ấy là vì chữ lý trùng với họ của Hoàng đế đương triều (quốc tính). Nói vậy thì nhớ ra rằng, đọc theo âm Hán-Việt, họ của nhà Lý ở Việt Nam ta cũng trùng âm với loài cá chép. Trong thực tế, ông cha của các vị vua nhà Trần theo nghề chài lưới, tên của các vị đều là tên các loài cá, ông nội của Trần Thái Tông vốn tên là Chép, sau khi ổn định vương triều mới thực hiện việc Hán hóa thành LýLiệu có phải do đất lề quê thói, chưa biết nhà Lý, nhà Trần ở Việt Nam có cấm ăn cá chép hay không, nhưng việc tạo dựng và ấn định hội thề nhà nước vào mùa cá lý trưởng thành nên được coi như một trong những động thái tôn vinh dòng họ? Một cách tôn húy mà không phải là kỵ húy như bên Trung Quốc và nhiều đời vua sau này ở Việt Nam đã tiến hành?

Thời nhà Trần, tuy sử liệu chép minh bạch là Tuyên bố các điều khoản lễ minh thệ, theo như lệ cũ của triều Lý, nhưng đã thấy có sự khác biệt lớn trong lời thề trước thần Đồng Cổ: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết” của nhà Lý với “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết” của nhà Trần. Sự khác biệt này sẽ là nội dung của tiểu mục ngay dưới đây, trong đó người viết bài này cho rằng chứa đựng một đặc điểm quán xuyến trong đường lối điều hành đất nước của hai triều đại cha ông đáng kính.

Tính thời sự hóa và đặc điểm dùng xưa vì nay trong quá trình củng cố và phát triển quyền lực vương triều của nhà Lý, nhà Trần

Củng cố quyền lực khi lên ngôi là việc cần làm ngay và lâu dài đối với mỗi vương triều, chỉ có thể khác nhau ở cách thức, đối tượng hoặc biểu tượng cần dựa vào để thực thi củng cố.

“Chấp kinh thì phải tòng quyền” là thêm một cách diễn đạt mức độ khác nhau giữa hai lời thề của hai triều đại kế tiếp nhau trước uy linh thần Trống Đồng. Một ưu điểm nổi trội của người cầm quyền là có khả năng tạo ra những diễn biến tương thích ý nguyện của họ.

Ở thời nhà Lý (1009-1225) là lời thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Trật tự của trách nhiệm: làm con là hàng đầu, sau đó mới là làm tôi, cái đứng trước (trách nhiệm của người làm con) là cái quan trọng hơn, chí ít là quan trọng hơn trong bối cảnh của vương triều lúc ấy. Trật tự này được thể hiện và nhấn mạnh trong lễ thề linh thiêng là điều hiển nhiên khi mấy chục ngày trước đó, vua cha vừa mất, ba người anh em ruột thịt đã không chấp nhận theo ý chí cao nhất của cha, cũng là di mệnh của đức vua. Trái lại, ba người đó kéo quân vào hoàng cung, rắp tâm dấy cuộc nồi da nấu thịt vì ngai vàng. Cuộc tạo phản tuy bất thành nhưng có lẽ không thể không gây ra mối ưu tư hàng đầu cho vị vua mới nối ngôi - mối ưu tư về độ vững chắc của ngai rồng, về mức độ an phận theo chức tước của các bề tôi, về vận số an nguy của quốc gia và dân tộc. Câu hỏi được ưu tiên đặt ra là cần phải làm thế nào, sử dụng biện pháp gì để giải quyết những nỗi lo đó để vừa răn đe, trấn áp những manh nha (nếu có) định theo gương tạo phản mới bị dẹp, vừa vỗ yên những ai ủng hộ, biết điều với quyền lực đang được công nhận? Có thể giả thiết, đã có nhiều cuộc bàn thảo, cân nhắc thâu đêm suốt sáng để rốt cuộc đi đến được lời minh thệ súc tích và minh bạch như thế.

Vào thời nhà Trần (1225-1400) là thệ thư “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Theo chính sử, lời này lần đầu tiên được phát thệ vào ngày 4 tháng Tư năm 1227 - một năm sau khi Trần Cảnh lên ngôi (sau này miếu hiệu là Trần Thái Tông). Nếu nhân vật hoàng tộc nổi bật trong cuộc lên ngôi và trong hội thề quốc gia đầu tiên của nhà Lý ở đền Đồng Cổ năm 1028 là Lý Thái Tông, thì với nhà Trần, là Trần Thủ Độ. Nếu diễn biến lên ngôi của Lý Thái Tông vấp phải một dự định đảo chính quân sự, thì với Trần Thái Tông, là một sắp đặt hôn nhân, êm ấm hơn, có vẻ ít đổ máu hơn. Vào thời điểm này, nhân vật chính là Trần Thủ Độ - một người tài không của riêng họ Trần, gồm đủ năng lực nhiều mặt và uy thế văn võ. Nếu Trần Thủ Độ rắp tâm bước lên ngai vàng, có lẽ không khó để tham vọng của ông được thành toàn. Nhưng nhân vật này sẵn lòng và một lòng giữ đúng thân phận chú của vua và vị trí của người phò tá, bôn ba dốc sức dẹp yên mọi cản trở để người cháu trai thẳng bước tới ngôi vua. Khi đã được tôn làm Thượng phụ (hơn cả cha vua), Trần Thủ Độ vẫn giữ nghiêm mực thước, khảng khái khẳng định bản lĩnh của dân tộc trước sức uy hiếp của ngoại bang, không vì lời nói ngọt của người vợ yêu hay ỷ thế vua mà bổ nhiệm kẻ vô tài, làm việc vi hiến. Nếu dư âm của cuộc ba vương phản loạn vừa mới xảy ra ảnh hưởng tới lễ thề Đồng Cổ thời Lý, thì dấu ấn của Trần Thủ Độ (khi ấy còn đang tả xung hữu đột trong sự nghiệp của họ nhà) cũng hằn sâu in đậm lên hội thề Đồng Cổ thời Trần. Phải chăng vì thế, người đọc dễ nhận ra điểm thay đổi trong cách diễn đạt lời thề của nhà Trần tại đền Đồng Cổ. Ở nhà Lý, là cách nói phủ định làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, dù vô tình hay cố ý thì vẫn hằn sâu nỗi ám ảnh của sự biến chính trị - quân sự vừa qua. Với nhà Trần, là cách diễn đạt khẳng định Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này... Khẳng định này là để suy tôn tấm gương rực rỡ của người bề tôi vĩ đại, để đề cao phẩm chất cần phải có của phận thần tử, của viên chức trong bộ máy chính quyền.

Ở đây, có thể dùng hình ảnh bát canh mới nấu còn chưa nguội để diễn đạt thủ pháp thời sự hóa mà hai triều đại đã hóa nhập vào trong một hội thề có tính nhà nước.

Trở lại với nhận định ở trên về chức năng và biểu tượng đa diện của trống đồng từ trong văn hóa cổ xưa của người Việt, trong đó nổi lên chức năng thu hút quần chúng và biểu tượng quyền lực. Với con mắt phân tích hiện nay, quả là không ai dám đoán chắc giấc mơ báo mộng của vị thần Đồng Cổ cho vua Lý Thái Tông là thực hay không thực. Chỉ biết, trong chế độ quân chủ, biểu tượng vua không nói chơi, lời vua là lời vàng ngọc, là khuôn là thước. Họ Lý tính lập triều đại mới thay Lê Ngọa Triều thì xuất hiện sấm truyền Hòa đao mộc lạc, Thập bát tử thành (dùng phép chiết tự ám chỉ Lê mất, Lý lên). Lý Thái Tổ muốn định đô ở đất mới thì có giai thoại rồng vàng bay lên. Vậy để thực hiện một việc lớn nữa là tập hợp lòng người, lòng dân sau cơn binh biến hoàng gia, khi vừa tiếp quản ngôi trời, tội gì không kế vãng khai lai, không nhờ ơn xưa mà hưởng phúc nay, không dụng sẵn vốn xưa mà tận thu thành quả mới! Các vua nhà Lý biết làm thế, các vua nhà Trần cũng vậy. Và đều đạt hiệu quả mong muốn. Các dấu son trường chinh đánh Tống bình Chiêm, hội nghị Diên Hồng, kháng Nguyên giữ nước của hai triều đại đã chứng minh điều đó. Ấy là phép dùng xưa vì nay.

Kết luận

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, đã từng diễn ra nhiều lễ thề, hội thề, trong truyền thuyết có, trong thư tịch có, trong dân gian có, trong chính sử có. Kể ra, như lễ thề giữa An Dương vương và Hùng vương, lễ thề ở cửa sông Hát của Hai Bà Trưng năm 39, hội thề Long Trì năm 1214, hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi và mười tám bạn chiến đấu năm 1416, hội thề Đông Quan giữa nghĩa quân Lam Sơn và tướng nhà Minh năm 1427… Trong đó, hội thề Đông Quan có thể coi là hội thề có tính quốc tế đầu tiên trong mười thế kỷ độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên, không phải hội thề nào cũng diễn ra suôn sẻ, cũng nói được là thành công tốt đẹp. Lễ minh thệ mà Trần Thủ Độ muốn tổ chức có sự tham gia của Đoàn Thượng (từ sau năm 1223) để dẹp nạn cát cứ đã không thành công, do Đoàn Thượng không đến dự. Lễ thề do Hồ Quý Ly tổ chức ở Đốn Sơn (Thanh Hóa) năm 1399 cũng bất thành, do Trần Khát Chân và những người đồng mưu dự định gây biến để duy trì vương triều Trần.

Dẫn sử liệu như trên để thấy rằng, việc tổ chức thành công một hội thề không hoàn toàn dễ dàng. Từ đó để hiểu, nâng tầm thành hội thề có tính quốc gia càng khó hơn nhiều lần. Những người làm được điều đó cho hội thề Đồng Cổ hiểu rằng, không đơn thuần là một lễ hội biểu diễn trước mặt thần linh - biểu tượng vô hình của uy quyền, của đức tin - hội thề ấy trên hết là để cố kết nhân tâm, đạt tới ổn định xã hội, mở đường cho sự phát triển.

 

Chú thích:

(1). Trần Quốc Vượng: “Mấy ý kiến về trống đồng và tâm thức người Việt cổ”, trong sách Trong cõi, Nxb. Trăm hoa, California, 1993 (bản điện tử).

(2). Như trên.

(3). Trần Quốc Vượng - Vũ Tuấn Sán: “Đền Đồng Cổ và hội thề đời Lý”, trong sách Hà Nội nghìn xưaNxb. Hà Nội, tr. 161.

(4). Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, Q.2, tờ 15a, b, kỷ nhà Lý. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.3/1-4. Bản dịch và chú thích của Hoàng Văn Lâu, hiệu đính của Giáo sư Hà Văn Tấn, Nxb. Khoa học xã hội, 2004, tập I, tr.262.

(5). Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, Q.5, tờ 4b, kỷ nhà Trần. Như trên, tập II, tr.10-11.

(6). Trần Quốc Vượng - Vũ Tuấn Sán: “Đền Đồng Cổ và hội thề đời Lý”, trong sách Hà Nội nghìn xưaNxb. Hà Nội, tr. 161.

(7). Núi Giăng Màn thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.51-61)

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2417&Catid=225

..



---

BỔ SUNG


4.




3.

Lan tỏa thông điệp giàu ý nghĩa qua Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ

18/05/2018 13:35 | 0

(NSHN) - Ngày 18-5 (tức ngày 4 tháng Tư âm lịch), Lễ hội truyền thống kỷ niệm 990 năm Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đã được tổ chức trang trọng, góp phần lan tỏa thông điệp giàu ý nghĩa, nhắc nhở mỗi người đạo làm con, làm cháu phải có hiếu với bố mẹ, ông bà, tổ tiên; làm dân phải yêu xóm làng, quê hương, yêu Tổ quốc; làm quan phải chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ngôi đền Đồng Cổ được Thái tử Lý Phật Mã (sau này lên ngôi là vua Lý Thái Tông) xây dựng tại khu vực làng Đông của Thăng Long - Hà Nội vào năm 1020, và sau khi dẹp loạn Tam Vương, kế vị vua cha đã cho dựng đàn thề để tổ chức Hội thề Trung Hiếu vào năm 1028 với lời minh thệ: "Làm con bất hiếu/Làm tôi bất trung/Thần Minh tru diệt".

Trải qua nhiều triều đại, Lời thề Trung Hiếu ấy được coi như báu vật phi vật thể, khẳng định đạo lý nghìn đời của dân tộc ta. Có những giai đoạn lịch sử, Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ được tổ chức trang trọng với nghi thức quốc lễ.

Đền Đồng Cổ nay thuộc địa bàn dân cư số 6, 7, 8 phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Hằng năm, tại không gian tâm linh đền Đồng Cổ, Lễ hội kỷ niệm Hội thề Trung Hiếu vẫn được tổ chức với nghi thức trang trọng.

Năm nay, Lời thề Trung Hiếu "Làm con bất hiếu/Làm tôi bất trung/Thần Minh tru diệt" tiếp tục vang lên, nhắn nhủ các thế hệ con dân nước Việt phải luôn vun đắp tình yêu quê hương đất nước, hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nỗ lực chung tay xây dựng đất nước đẹp giàu. 

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/819513/lan-toa-thong-diep-giau-y-nghia-qua-hoi-the-trung-hieu-den-dong-co


2.


Ảnh lễ Minh Thề trong hội làng Hòa Liễu

Một số nhà nghiên cứu và sử học đều cho rằng lời thề trong hội Minh thệ ở làng Hòa Liễu xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy không phải là do Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (Hoàng Hậu của vua Mạc Đăng Dung) bày cho dân (như người địa phương nói) và được lưu truyền đến nay mà do tiền nhân đời Mạc đã mượn lời thề trung hiếu của các triều đại trước như Lý, Trần để làm tấu văn trong hội Minh thề.

GS. TSKH lịch sử Phan Đăng Nhật cũng cho là như vậy khi nói rằng: “Nhân dân nói rằng lễ thề là do Đức Thánh tức Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản “bày cho”. Thực tế  là Thái hoàng Thái hậu đã tiếp thu lễ thề của đời trước và một số nơi khác chuyển giao lại cho dân làng. Điều quan trọng là nhân dân Hoà Liễu có công giữ gìn lễ này cho đến ngày nay và bảo lưu một cách đầy đủ, trang nghiêm”.

Chúng ta biết rằng, người có công xây dựng nên chùa (tên chữ là Thiên Phúc tự) và đền Hòa Liễu là Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (bà nội của vua cháu Mạc Phúc Nguyên). Đền Hoà Liễu là nơi tôn thờ Bà – người đã lập ra ấp Lan Niểu (tiền thân của làng Hòa Liễu), làm việc thiện giúp dân, giúp đời và bỏ nhiều công, của chấn hưng chùa chiền. Theo dân chúng, chính bà là người đã lập ra lời thề chí công vô tư được đọc trong lễ hội Minh thệ mà âm Hán – Việt và lời dịch như sau: “Dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ, nhược hữu tham tâm, dĩ công vi tư tự nguyện chư thần đả tử” (Lấy của công vì việc công thì được thần linh ủng hộ, nhược bằng nếu có lòng tham lấy của công về làm của tư, nguyện cầu các vị thần linh đánh chết).

Trong tín ngưỡng dân gian, hẳn Bà là một vị Thành hoàng bản thổ được nhân dân địa phương tôn thờ.

Chúng ta sẽ tìm hiểu đôi nét về bà:

Bà Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ là chính thất của vua Mạc Đăng Dung. Dòng họ Vũ của bà là một danh gia vọng tộc có nhiều người đỗ đạt hiển vinh ở Kiến Thụy, An Dương (gốc họ Vũ – Võ). Tên tuổi của Bà đã xuyên suốt cả 3 đời vua đầu khi nhà Mạc thịnh trị. Bà là người làng Trà Phương, huyện Nghi Dương, xứ Hải Dương, nay là thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy thành phố Hải Phòng. Bà là người có lòng nhân ái, mộ đạo Phật. Nơi bà sinh ra chỉ cách đất Cổ Trai – quê của Thái Tổ Mạc Đăng Dung vài ba cây số.

Dân gian địa phương thường truyền tụng câu “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa” (nghĩa là đất Cổ Trai sinh Vua, đất Trà Phương sinh người đẹp). Trà Phương có cánh đồng hình chiếc gương, cái lược theo phong thủy đã sinh ra những cô gái đẹp người, đẹp nết và Vũ Thị Ngọc Toàn là một phụ nữ tiêu biểu nhất, niềm tự hào của quê hương.

Sử sách không ghi chép năm sinh của bà nhưng do bà chỉ kém Mạc Thái Tổ mấy tuổi nên ước đoán Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn sinh khoảng cuối thể kỷ XV và mất ngày 15/6 âm lịch. Bà là một nhân vật đặc biệt trong suốt 65 năm trị vì của nhà Mạc ở Thăng Long. Trong 65 năm ấy, 5 vua nhà Mạc đều chết trẻ, các thế hệ hoàng hậu, cung phi trong nội cung đều do bà trông nom, dạy dỗ, sắp đặt mọi việc đâu vào đấy, nên trong hậu cung không xảy ra những chuyện rối ren, bi kịch như nhiều triều đại khác. Sự đảm lược, lòng nhân đức, bao dung của bà chắc lớn lắm, nên sinh thời người ta đã gọi bà là Vua Bà, Thánh Mẫu Mạc triều.

Năm 1527 Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế, nhà Mạc đã mau chóng ổn định tình hình xã hội loạn lạc, thi hành hàng loạt chính sách khuyến nông, khuyến thương, khuyến công, phục hưng Phật giáo song hành phát triển cùng Nho giáo, Lão giáo… Kinh tế, văn hóa, giáo dục Thời mạc có nhiều khởi sắc (đó là điều các nhà nghiên cứu đã thừa nhận)…

Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ giúp chồng lập công danh, được vua Lê phong chức Thái sư, làm quan đầu triều, tước Nhân Quốc Công, rồi gia phong đến tước An Hưng Vương, mà còn trợ giúp hai em ruột chồng là Mạc Đăng Đốc và Mạc Đăng Quyết được vua phong tước Từ Quận công, Tín Quận công, con trưởng Mạc Đăng Doanh học hành thành đạt, được phong tước Dục Mỹ hầu, coi điện Kim Quang. Năm 1530 Mạc Đăng Doanh nối ngôi cha, ở ngôi 10 năm, xây dựng quốc gia thịnh trị, yên bình, được các sử gia ca ngợi là bậc vua hiền.

20 năm về làm dâu họ Mạc, Hoàng Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ giúp chồng và con đắc lực trong sự nghiệp hiển vinh mà còn có những đóng góp đáng kể vào các chính sách của nhà Mạc.

Khi Thái tổ Mạc Đăng Dung qua đời, để giữ tiết hạnh, Thái Hoàng Thái Hậu vào quy ẩn trong chùa Trà Phương quê hương. Cũng từ đó, Bà dốc tâm, dốc của vào việc mở quán, xây cầu, lập chợ và hưng công trùng tu tôn tạo chùa chiền. Bia ký còn ghi lại, Đức Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ đã cung tiến 6.000 lá vàng, 30 mẫu ruộng, hàng vạn quan tiền cho việc tu sửa, xây dựng chùa, miếu cùng rất nhiều cột, kèo, gạch, ngói để trùng tu các ngôi cổ tự, suốt dọc một vùng xứ Đông từ Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương cho đến Bắc Ninh ngày nay.

Với những đóng góp to lớn cho Vương triều và xã tắc, Bà được người đương thời tôn vinh, phụng thờ, tạc tượng tại nhiều đền, chùa trên khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và nhất là trên quê hương Bà.

Theo GS. TSKH Phan Đăng Nhật (đăng trên mactoc.com):

“Bà đã có công lớn là lấy tiền riêng mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam bảo chùa làng Hoà Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng); đồng thời vận động hoàng thân quốc thích đóng góp thêm, tổng số ruộng lên tới 47 mẫu 3 sào, gọi là ruộng nhà Thánh (Thánh điền). Số ruộng trên được dùng làm ba khoản chính:

– Khoản thứ nhất. Cấp cho việc cúng tế ở đền và chùa làng

– Khoản thứ hai. Cấp cho dân đinh, thượng hạ. Khi dân số ít thì chia đến tuổi 15, khi dân số tăng thì chia đến tuổi 18, mỗi người một sào, cày cấy thu hoạch, không phải nộp thuế. Chia theo cách bốc thăm công khai, già nhận trước, trẻ nhận sau, cứ 3 năm chia lại một lần.

– Khoản thứ ba. Cho đấu thầu cấy lấy thóc lập quỹ hội Thiện/nghĩa thương, khi đói khó cấp đỡ người nghèo, bảo dưỡng cô nhân, quả phụ, lát gạch đường làng. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 quỹ làng còn 3 tấn thóc ủng hộ kháng chiến, số thóc cho người nghèo vay không thu lại nữa.

Tương truyền, để phòng ngừa việc tư lợi, khuất tất, trộm cắp tài sản công và riêng trong làng, Thái hoàng Thái hậu đã đặt ra những lời thề đối với người được sử dụng đất, bản văn Minh thệ đã ra đời và được nhân dân địa phương lưu truyền đến ngày nay. Trong hội Minh thề, những người đứng lên đài thề là quan viên cấp làng, các chấp sự quản lý chùa, miếu của làng và những người được cấp ruộng công, dân đinh từ 18 tuổi trở lên.

Minh Thề có thể coi là một lễ hội độc đáo và ít thấy ở Việt Nam. Trên phạm vi thế giới có lẽ cũng chưa nơi đâu có lễ hội quan chức thề với trời đất là không tham nhũng.

Có thể nói, Thái Hoàng Thái hậu đã thực hiện ba chính sách lớn:

– “Cải cách ruộng đất”, đem ruộng đến cho nông dân một cách nhân từ mà rất có hiệu quả,

– Xóa đói giảm nghèo, (cho đến cách mạng Tháng 8 vẫn còn 3 tấn thóc)

– Chống tham nhũng (tục “minh thệ” vẫn còn đến ngày nay).

Tóm lại, Thái hoàng Thái hậu là người đứng đầu, tiên phong trong việc thực hiên chính sách lớn của nhà Mạc gồm:

– Vận động các nhà quyền quý lấy tiền riêng mua ruộng cấp cho dân đinh cày cấy, thu hoa lợi, không phải nộp thuế,

– Một số ruộng cho cày cấy thu hoa lợi và lập hội Thiện để cứu đói cho những người cô đơn, quả phụ.

– Xây dựng rất nhiều chùa để hoằng dương Phật pháp, giáo dục lòng nhân từ bác ái, ngay thẳng, thật thà…”

Các cụ cao niên ở Hòa Liễu cho biết: lời “Miêng thệ” là nói gọn mấy tiếng “Minh thệ tấu văn”, xưa kia được đọc cả lời phiên âm tiếng Hán lẫn lời dịch nghĩa tiếng Việt. Ngày nay, trong lễ hội Minh thệ, để giản tiện, có năm Chủ tế chỉ đọc lời dịch nghĩa tiếng Việt. Đại ý là: “Tất cả chức sắc bô lão và nhân dân, từ kẻ sĩ đến nhà nông trong hương thôn, ai dùng của công, xây dựng việc công, xin thần linh ủng hộ. Ngược lại, người nào lấy của công về làm của tư, cầu xin thần linh trừng phạt. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”, rồi mọi người đồng thanh hô to: “Y như miêng thệ”.

TS. Lịch sử Đinh Công Vĩ đã từng bỏ công sức về nghiên cứu điền dã tại xã Thuận Thiên (Kiến Thụy), tiếp xúc với ông Phạm Đăng Khoa, nguyên Giám đốc trường Đảng huyện Kiến Thụy, Phó ban Quản lý cụm di tích lịch sử đền – chùa Hòa Liễu để tìm hiểu về “minh thệ tấu văn” (không rõ bản này có cụ thể vào đời nào).  Do văn bản “Minh thệ” truyền lại qua nhiều đời , sao đi chép lại nhiều nên không tránh khỏi “tam sao thất bản”, đến nay cũng không có bản gốc để đối chiếu nên tính chính xác khó kiểm chứng. Dựa vào bản “Minh thệ tấu văn” bằng chữ Hán do ông Phạm Đăng Khoa chép lại và cung cấp đồng thời nghe lời văn trong hội Minh thệ, nhóm nghiên cứu của TS Đinh Công Vĩ đã dịch nghĩa lời thề xưa kia (có lẽ vào thời thực dân Pháp đô hộ) thường được đọc trong ngày Hội thề 24 tháng Chạp như sau:

“Tâu rằng:

Thôn [Hòa Liễu], xã [Thuận Thiên], huyện [Kiến Thụy], tỉnh [Hải Phòng], nước Việt Nam, năm thứ […].

Hôm nay, các bậc kỳ lão, chức dịch cùng già trẻ trong toàn thôn hội họp tại điện vũ. Theo tục lệ cũ, cùng nhau chích huyết ăn thề, kính cẩn dâng kim ngân, mũ áo, cỗ bàn phẩm vật, dám mong được kính cáo lên thần linh.

Kính mời các vị:

Thiên địa thần kỳ, đương niên Hành khiển, thần Hành binh, Tào phán quan, đương cảnh Thành hoàng, bản thổ Thiên quan, hai vị Hoàng vương, muôn vạn thần linh, thần thổ địa, các xứ đồng ruộng cùng về đây giám sát việc hội thề, phải trái công bình, đúng như lời minh thệ của dân xã chúng tôi, gồm các điều liệt kê rõ ràng minh bạch sau đây:

Việc thứ nhất: dân xã sở tại đã bầu ra, thì người làm Lý trưởng (nay là Chủ tịch xã), phàm các công vụ làm trong năm, nếu lấy công làm việc công thì mong được chư thần ủng hộ, nếu như có lòng tham, lấy công làm tư, thì mong chư thần đánh chết, y như văn thề đã ghi.

Một việc nữa: dân xã sở tại đã bầu ra, thì người làm Phó lý (nay là Phó chủ tịch xã), phàm các công vụ làm trong năm, nếu lấy công làm việc công thì mong được chư thần ủng hộ, nếu như có lòng tham, lấy công làm tư, thì mong chư thần đánh chết, y như văn thề đã ghi.

Trên từ các bậc già lão, dưới đến những người mới tuổi thành niên thuộc bản thôn, ở bên trong từ nơi vườn cây hoa quả, ở bên ngoài đến chốn đồng ruộng lúa màu, nếu có ai có công tâm chính trực, thì mong được chư thần ủng hộ, nếu người nào có lòng tham, làm điều gian tà, thì mong chư thần đánh chết y như văn thề đã ghi.

Các thần trong trời đất đều công bình chính trực, thông minh sáng suốt. Trời đất vốn vô tư, các điều thiện, điều ác đều qui định rõ ràng. Sấm sét của trời không thể ngừa được, nên kẻ gian ngoan không thể trốn được hình luật. Kẻ đứng đầu đinh tráng vào tháng Chạp cần cử hành lễ minh thệ. Người ở trong đám hào lý, hương thôn hoặc là kẻ sĩ, hoặc là nông dân, đứng trong địa vị của mình, khi làm nghề thủ công cũng như khi buôn bán, thề rằng phải lấy chân tình, dựa vào sự ngay thẳng mà phụng sự việc công. Như vậy thì phúc ấm sẽ rủ đến đời con cháu, mọi thứ sẽ tốt lành rực rỡ, dân chúng sẽ ấm no. Kẻ đã ra oai, lại cậy thế hách dịch (dù ghê gớm như búa rìu, sấm sét) lấy của công, nhân danh công để làm tư, thì cúi xin chư thần đánh chết.Cần giữ điều trung, làm việc chính, ngầm dựa vào thánh đức, cứu giúp cho sinh linh, chớ nên tin vào kẻ gian, chớ nên tha việc tà vạy. Khi thực hành, phải công bằng như quả cân này, trước thần minh, phải chính trực như mặt trời này. Đội ơn thánh đức đã trao cho quyền hành, phải ngăn chặn các tệ xấu của bọn gian ngoan làm đồi phong bại tục.

Nay kính cẩn tâu lên.

Các nhà sử học và thư tịch cổ và vật chứng hiện sưu tầm được cho biết, hội Minh thệ do bà Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn lập ra từ năm 1527. Khi đó cứ đến rằm tháng giêng hàng năm, các quan lại trong triều Mạc tụ họp về đây, trước là để vấn an Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung, sau là để làm lễ Minh thệ (khi đó Dương Kinh là kinh đô dự phòng của nhà Mạc). Phần lễ bắt đầu cử hành bằng cách đọc bản Minh thệ với nội dung là các quan thề với trời đất, thánh thần hết lòng mẫn cán và liêm khiết trong công vụ. Trong số đó có câu thề rằng: “dĩ công vi công, thần linh phù trợ, dĩ công vi tư, đả tử”, nghĩa là lấy của công làm việc công thì được thần linh giúp đỡ, nếu lấy của công làm của tư thì bị đánh chết. Tiếp đó viên quan chủ lễ cầm kiếm chỉ trời, vạch đất, chém vào cột đá và xướng hô “Xin thề”. Các quan dự lễ đồng loạt hưởng ứng hô vang “Xin thề” và uống cạn ly rượu có pha máu con vật hiến tế (vật hiến tế nay là tiết con gà trống lông vàng, chân vàng, mào đỏ theo dân gian có thể thông linh với thần thánh).

Lễ hội Minh thệ đã có lịch sử hình thành đến nay khoảng 900 năm, tính từ năm 1028 đời Lý Thái Tông, bởi vì lịch sử còn ghi lại lễ ăn thề của các vua quan đời Lý và đời Trần, đời Lê tại đền Đồng Cổ ở số 353, phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội với lời thề trung hiếu có ý nghĩa tương tự nội dung tấu văn Minh thệ ở Hòa Liễu, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đó là chưa kể đến đền Đồng Cổ gốc nổi tiếng linh thiêng xứ Thanh tại núi Khả Lao (hay núi Tam Thai), làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa- nơi các triều Hồ (Quý Ly), Lê-Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn hàng năm thường tổ chức tế lễ với nghi thức quốc gia (có năm do vua, chúa đích thân đến tế, có năm do quan khâm sai hay đại thần thay mặt tế)

Đền Đồng Cổ thờ thần trống đồng từ thời Hùng Vương (“cổ” là cái trống, đồng là kim loại đồng) với sự tích như sau:

“Theo truyền thuyết xưa, Vua Hùng đi dẹp giặc ở Hồ Tôn, khi qua vùng Đan Nê – núi Tam Thai, thuộc Bộ Cửu Chân (nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) thì nghỉ lại. Đêm ấy, thần Đồng Cổ hiện lên xin theo giúp nhà Vua.

Khi thắng trận trở về, Vua vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong là “Đồng Cổ Đại Vương” (thần trống đồng)” [1].

Tại thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Trung tâm Hán-Nôm thuộc Viện KHXH Việt Nam) ở Hà Nội, trong cuốn sách chép tay Đại Nam nhất thống chí – ký hiệu A853 và A69 mục Thanh Hóa tỉnh chí, chép rằng “Đền Thần Đồng Cổ ở Đan Nê, huyện Yên Định có thờ một chiếc trống đồng, tương truyền do thời Hùng Vương làm ra”.

“Năm 986, vua Lê Đại Hành đi đánh giặc Chàm ở phương Nam, khi đến sông Ba Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa thì gặp mưa to gió lớn. Thần Đồng Cổ hiện lên, ông vái lạy xin cho gió lặng, sóng yên, trời liền quang mây, tạnh gió. Khi thắng trận trở về, Lê Hoàn đến đền Đồng Cổ làm lễ tạ ơn thần đã âm phù thắng lợi và ghi cho đền câu đối:

“Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh

Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt Hồ”.[2]

“Năm 1020, Thái tử Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông), phụng mệnh vua cha là Lý Công Uẩn đem quân đi đánh Chiêm Thành, đến Trường Châu (bờ phải sông Mã ở Thanh Hóa) hạ trại. Đêm ấy Thái tử mơ thấy Thần Đồng Cổ đến tâu rằng: “Tôi là Thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc”. [3]

“Lần ấy quân ta thắng lớn, khi trở về, Thái tử cho quân sĩ  nghỉ lại ở Đan Nê, sai người sửa sang lại đền, tổ chức lễ tạ và khao quân. Sau đó Thái tử xin được rước bài vị của Thần về kinh đô để giữ nước, hộ dân. Về đến Thăng Long, văn võ bá quan và các thầy phong thủy còn đang chọn đất lập đền thì ban đêm Thần lại báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Vua cho dựng đền ở hợp lưu sông Thiên Phù và sông Tô Lịch thuộc làng Đông Xã (tại số 353 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội nay). Như vậy, ngôi đền Đồng Cổ ở Hà Nội này đã xấp xỉ 1.000 năm tuổi và được giữ tôn hiệu “Minh chủ Linh ứng Chiêu cảm Bảo hựu Đại vương” do nhà Lý và nhà Trần sắc phong.

Các triều đại kế tiếp sau đó đều có sắc phong (14 đạo) cho đền Đồng Cổ, nay còn giữ được 3 đạo: Cảnh Hưng năm thứ 14 (1784), Quang Trung năm thứ tư (1791), Cảnh Thịnh năm thứ nhất (1793)”. [4]

Năm 1028, Lý Thái Tổ băng hà, Thái tử Lý Phật Mã được kế vị lên ngôi Vua là Lý Thái Tông đã phong tước vương cho Thần Đồng Cổ do sự linh ứng của Thần đã báo mộng cho Thái tử đề phòng việc 3 Vương em làm phản tranh ngôi vua.

Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (soạn từ thế kỷ XIV), truyện “Minh chủ linh ứng Chiêu cảm Bảo hựu Đại vương” và Đại Việt Sử ký Toàn thư soạn thời Hậu Lê của Ngô Sĩ Liên đều kể việc này.

Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý, trong mục ghi các sự kiện xảy ra năm 1028 có đoạn tả: “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, trước khi ba vương làm phản một ngày, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, nên bảo đem quân đánh ngay đi. Khi tỉnh dậy, vua sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Vua chiếu cho hữu ti dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, liền sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy (tháng 3) đắp đền, cắm cờ xí, dàn đội ngũ, treo gươm giáo. Ở trước thần vị, vua đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết.” Các quan đi từ cửa Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng ba gặp ngày quốc kỵ (lễ tang Lý Thái Tổ), hoãn đến ngày 4 tháng 4”.

“Từ đó trở đi, Lý Thái Tông mới lập lệ, hàng năm, các quan phải đến đền Đồng Cổ (ở làng Đông Xã – Thăng Long) làm lễ uống máu ăn thề bằng câu: “Vi tử bất hiếu, vi thần bất trung, thần minh tử chi” (Dịch là: làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần linh tru diệt). Hội thề Đồng Cổ có từ đấy, các quan ai trốn không đến thì phải phạt đánh 50 trượng. Các quan ai trốn không đến thì phải phạt đánh 50 trượng (gậy).[5]

“Tục lệ này được giữ suốt hai thế kỷ triều Lý, gián đoạn một vài năm ở Triều Trần. Nhưng chỉ ba năm sau khi lên ngôi, vào năm 1228, vua Trần Thái Tông đã khôi phục hội thề ở đền Đồng Cổ vào ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm giống nhà Lý nhưng sửa đổi lại lời thề. Tục lệ này được giữ suốt đời Trần. Sau đó, do nhà Hồ chuyển đô vào Thanh Hóa nên hội thề tổ chức ở núi Đún, tức Đốn Sơn nằm phía ngoài Chính môn của thành Tây Đô (Tây Giai), gọi là hội thề Đốn Sơn. Năm 1399, Trần Khát Chân cùng Thái bảo Trần Nguyên Hãng và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề này nhưng không thành. Sau vụ biến tại hội thề, Hồ Quý Ly cho là thần Đồng Cổ không còn thiêng nữa nên bãi bỏ hội thề”[6].

Vậy qua các triều đại, lời thề ở đền Đồng Cổ có gì khác nhau hay không?

“Lễ hội Đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội vào ngày  mùng 4 tháng 4 Âm lịch hàng năm là lễ hội dành cho quan và có nghi lễ thực thi nghĩa vụ của quan với thần linh, với vua, với nước. Đó là việc các quan lại từ thời nhà Lý phải uống máu ăn thề trước thần Đồng Cổ: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì xin thần minh giết chết”. Đến thời Trần lời minh thệ gắn với trách nhiệm của quan lại nhiều hơn: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”(Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, 2) [7].

Sách “Toàn thư”, kỷ nhà Trần cũng ghi việc này: “Tuyên bố điều khoản minh thệ: Theo việc cũ của triều Lý, đến bấy giờ mới cử hành. Nghi thức như sau: Hàng năm ngày 4/4, tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến chực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng tiến vào triều. Vua ngự ở cửa hữu lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục làm lễ hai lạy rồi lui ra; đều đủ đội ngũ nghi trượng theo hầu ra cửa Tây kinh thành đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu. Quan trung thư kiểm chính đọc lời thề rằng: “Làm bề tôi hết sức trung, làm quan phải trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết.” Đọc xong, quan tể tướng đóng cửa lại để điểm, người nào thiếu mặt thì phạt năm quan tiền. Ngày hôm ấy, con trai, con gái đứng ở bốn phương ở cạnh đường để xem, cho là hội lớn”.[8]

Vậy là lời thề thời Lý giáo dục đạo hiếu của con cái đối với ông, bà, cha mẹ; lòng trung thành của bề tôi đối với Vua (triều đình), còn lời thề thời Trần giáo dục lòng trung thành đến cùng với triều đình, với vua và giữ sự trong sạch của quan lại.

Hiện nay, lễ hội đền Đồng Cổ ở Hà Nội được tổ chức hàng năm vào ngày 4 tháng Tư âm lịch tại đền Đồng Cổ ở số 353, phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ và đều mô phỏng lại hội thề lịch sử năm xưa với lời thề trung, hiếu, thanh liêm Còn trong lễ hội Minh thệ ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên huyện Kiến Thụy thường vang lên lời thề chí công vô tư “Dĩ công vi công, thần linh ủng hộ. Dĩ công vi tư, thần linh đả tử” (nếu lấy của công làm việc công thì được thần linh đồng tình, nhược bằng lấy của công làm của tư thì cầu cho thần linh đánh chết”. Mở rộng ra, người ta còn thề sống ngay thẳng, trong sạch bằng những câu như: “Trên từ cụ già đến tuổi 18 ở dân thôn, trong làng vườn tược, buồng cau trái chuối, ngoài đồng lúa mạ hoa màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”; “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin trời tru diệt”…

Lời thề từ đền Đồng Cổ đến hội thề Hòa Liễu giống nhau ở điểm là đề cao đạo trung quân, đạo hiếu nhưng văn thề Hòa Liễu còn mở rộng hơn khi giáo dục cả ý thức vì lợi ích chung, không tham lam, sống ngay thẳng. Hội thề thần Đồng Cổ là để vua, chúa quan lại ăn thề nhưng hội Minh thệ ở Hòa Liễu lại chỉ có dân chúng và quan chức cấp làng đứng ra thề. Vậy là nội dung thề ở Hòa Liễu phong phú hơn hội thề Đồng Cổ nhưng quy mô lại nhỏ hơn.

Khoan chưa nói đến sự mầu nhiệm của lời thề, nhưng hiệu quả răn dạy của việc thề rõ ràng là có tác động sâu sắc đến tâm lý và ý thức của những người tham gia thề bồi bởi vì tính thiêng của hội thề, sự chứng kiến của thần linh khiến người thề không thể không nghiêm túc thực hiện điều đã hứa trước thần linh nếu không muốn bị trừng phạt. Còn ai có tà tâm, gian tham, vô đạo đức tất nhiên sẽ sợ không dám tham gia thề. Giá trị giáo dục đạo đức và văn hóa của hội thề dân gian chính là ở đó.

Ở Hòa Liễu ngày nay, trong các dòng họ mỗi khi có việc trọng như tế, lễ cúng tổ, giỗ chạp hàng năm người ta cũng thề với thần linh, tiên tổ bằng những câu văn có nội dung giáo dục con, cháu và người trong họ gần giống những lời thề ở lễ Minh thệ. Phong tục này thật xứng đáng với biển phong tặng của vua Khải Định triều Nguyễn dành cho người dân nơi đây là “Mỹ tục khả phong” (có phong tục đẹp). Phong tục này cần được giữ gìn, nhân rộng trong nhân dân để xây dựng một xã hội văn minh, cuộc sống tốt đẹp.

Tài liệu tham khảo:

[1], [2],[3],[4],[5]: 985 năm Hội thề Đồng Cổ Hà Nội: Lời thề trung hiếu/Nguyễn Huy Toàn – Nhà nghiên cứu tư tưởng văn hóa quân sự//Báo An ninh Thủ đô online. – ngày 11/5/2013.

[6] Hội thề Đồng Cổ/Thần Đồng Cổ//Từ điển bách khoa toàn thư mở vi.m.wikipedia.org

[7] Phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Thần đồng cổ đối với “Quan” hiện nay/ PGS. TS Lê Quý Đức//website Ban Tôn giáo Chính phủ. – ngày 5/12/2017.

[8] Đồng Cổ – Vị thần núi linh thiêng và hiển ứng/Danh nhân Hà Nội/Vietnam+//Trang thông tin ĐT: Hanoi.vietnamplus.vn. -  ngày 05/03/2010.

Phạm Văn Thi, Hội KHLS Hải Phòng

https://haiphonghoc.com/xuat-xu-cua-loi-the-trong-le-hoi-minh-the-o-hoa-lieu-tham-luan-hoi-thao-kh-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-le-hoi-minh-the/



1.

Đền Đồng Cổ: Nét đẹp văn hóa lịch sử của Thăng Long


(LĐTĐ) Đền Đồng Cổ được xây dựng từ thời nhà Lý vào năm 1028. Đền ở Thôn Nam, phường Yên Thái, huyện Quảng Đức, thành Thăng Long, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, thì đó chính là dấu tích còn sót lại của 1 trong 8 cảnh đẹp quanh Hồ Tây được nhắc tới trong Thăng Long bát cảnh. Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ ở Hà Nội được tổ chức vào ngày 4 tháng 4 âm lịch, đã mô phỏng lại hội thề lịch sử năm xưa...  

Chùa Bút Tháp - Kiến trúc cổ độc đáo lừng danh Kinh Bắc
Chùa Bối Khê: Quý giá về niên đại với kiến trúc bằng gỗ rất đẹp
Làng Chèm - Ngôi làng cổ bên sông Hồng
den dong co net dep van hoa va lich su cua thang long
Cổng Đền Đồng Cổ

Đền Đồng Cổ ở Bưởi hiện còn quy mô kiến trúc không lớn, bao gồm: Tam quan, Đền chính, Hậu cung. Chính giữa Hậu cung là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị - áo mũ thần Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ còn bảo lưu nhiều di vật có giá trị, trong đó phải kể đến 12 đạo sắc phong qua các thời Lê - Tây Sơn - Nguyễn. Đền được trùng tu lại năm 2009 - 2010 nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đền Đồng Cổ bên Hồ Tây có vị trí quan trọng, gắn liền với hội thề “Trung hiếu” độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hiện nay, ở đất Thăng Long có hai nơi thờ thần Đồng Cổ: Đền Đồng Cổ ở phường Bưởi và miếu Đồng Cổ ở thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.

Thực ra, đền chính ở xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Khi xưa Lý Thái Tông, khi còn là Thái tử, phụng mệnh vua cha là Lý Thái Tổ, đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu, cho quân tạm nghỉ. Đêm hôm đó, Thái tử mơ thấy một người báo mộng rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công”. Quả nhiên, hôm sau quân ta đại thắng trong trận Chiêm thành.

den dong co net dep van hoa va lich su cua thang long
Đền Đồng Cổ (nằm trên phố Thụy Khuê, Hà Nội) được xây dựng từ thời Vua Lý Thái Tông

Khi trở về, Thái tử cho người sửa sang lễ tạ thần, sau đó rước về kinh đô để bảo vệ đất nước và nhân dân. Khi Thái tử đang chưa biết nên lập đền chỗ nào, thì lại thấy thần báo mộng rằng: “Xin lập đền ở bên hữu trong đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử theo lời cho xây dựng, không bao lâu đền dựng xong. Đền Đồng Cổ là nơi diễn ra các nghi lễ của các triều đình phong kiến nước ta. Trong đền còn rất nhiều thần tích, sắc phong của đền.

Sau khi dẹp yên cuộc nổi loạn mà sử sách gọi là “loạn ba vương”, vua Lý Thái Tông đã phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, cho dựng miếu thần ở bên hữu thành Đại La, chính là đền Đồng Cổ hiện nay và quy định cứ đến ngày mồng 4, tháng 4 hàng năm, làm lễ “Minh thệ” (ăn thề) tại đền này, cho lập đàn, cắm cờ xí tại đền. Các quan có mặt đều phải uống rượu có pha máu của các loài vật và đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”, những ai không có mặt trong buổi lễ ăn thề sẽ bị phạt đánh. Các vương triều Trần - Lê vẫn duy trì nghi lễ quốc gia này. Thời Trần, hội thề Đồng Cổ là một hội lớn, dân bốn phương về xem hội rất đông.

Đền Đồng Cổ giờ đây nằm trên khu đất cao, trông ra sông Tô Lịch, gồm Tam quan, các tòa Tiền tế, Trung tế và Hậu cung. Bên trong vẫn còn lưu giữ 12 đạo sắc của các niên hiệu : Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Thiệu Trị, Tự Đức (từ 1740 - 1883). Đền Đồng Cổ thật sự là một di tích có giá trị đặc biệt với người dân Việt Nam, nó thể hiện rõ bản chất của người Việt Nam đó là lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam.

den dong co net dep van hoa va lich su cua thang long
den dong co net dep van hoa va lich su cua thang long
den dong co net dep van hoa va lich su cua thang long
Đền có lối kiến trúc độc đáo

Đền Đồng Cổ hiện nằm trên đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ thuộc loại dài nhất Hà Nội và có rất nhiều các di tích cổ. Đền Đồng Cổ thời chiến tranh đã bị hư hỏng nặng, giờ đã được tu tạo khang trang, đẹp đẽ. Dù dấu vết của một hội thề quan trọng bậc nhất của chế độ phong kiến Việt Nam không còn nhiều nhưng vẫn thấy những nét cổ kính xưa của ngôi đền. Một hồ bán nguyệt nước xanh thẳm, những cây cổ thụ thân rêu mốc như chứng nhân của một thời lịch sử xa xưa. Ngày nay, dân làng vẫn giữ được hội thề trung hiếu vào ngày 4 tháng 4 hàng năm, kiệu rước bài vị Thần Đồng Cổ từ Làng Yên Thái tới Làng Đồng Xã rồi trở về.

Đền Đồng Cổ chính là một di tích lưu giữ lại tín ngưỡng của nhân dân ta từ xưa. Với tuổi đời cũng như những câu chuyện, những truyền thuyết gắn liền với nó, đền đồng cổ đã và đang trở thành một trong những địa điểm tâm linh rất thu hút người dân thủ đô cũng như khách du lịch khi đến với Hà Nội.

Hi vọng người dân thủ đô cũng như khách du lịch đến với Hà Nội, đến với những di tích lịch sử lâu đời sẽ đều có ý thức giữ gìn, chung tay bảo vệ di sản để chúng mãi là những nét vẽ điểm tô cho bức tranh Hà Nội hào hoa, sinh động nhưng không bị mất đi màu sắc của truyền thống, của văn hóa và lịch sử ngàn năm.

Quốc Nam









https://laodongthudo.vn/den-dong-co-net-dep-van-hoa-lich-su-cua-thang-long-86062.html




..


0.

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Thần tích - Thần phả Miếu Đồng Cổ, thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội

Thần tích- thần phả Miếu Đồng Cổ, thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội
Trước cứ tưởng chỉ có 1 Miếu Đồng Cổ ở trên Thụy Khê, Tây Hồ. Sau này đi điền dã sưu tầm và dịch vụ nhiều, thì ngay mé Tây kinh thành cũng có 1 miếu Đồng Cổ rất là to ở làng Nguyên Xá(nay là xã Minh Khai), Từ Liêm. Làng xóm xưa giờ thành Phường thành Quận cả chả biết đâu đâu. Nay có bản Thần tích Photo, chữ đá thảo. Dịch rồi mà chưa thấy bản dịch nằm ổ nào. Nay xin đăng tạm lên.
















I.                  Giới thiệu văn bản:
1. Văn bản: Tam Thai Sơn Linh Tích, nguyên bản chữ Hán chép tay. Chữ thảo rất khó đọc, chất liệu giấy Dó cũ. Nguyên văn gồm 12 tờ (24 trang).
Bia ngoài đề: 扶演社阮舍村Phù Diễn xã Nguyễn Xá thôn[2]; Mục lục thần phả .
Hiện trạng nhiều tờ bị sắp xếp lộn xộn không đúng thứ tự, gây khó khăn cho Giám định và phiên dịch.
2. Nội dung: chép sự tích núi thiêng Tam Thai sơn ở huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, tức thần tích Đền Đồng Cổ. Thần hiển linh từ thời Hùng Vương. Trải các đời đều có công lao giúp nước, rất là linh ứng. Các triều đại đều có sắc phong ban tặng.
3. Chép hầu như gần đủ các đợt sắc tặng từ đời Lý đến đời Lê Trung Hưng. Các sự kiện tra cứu tương đối khớp với Chính sử. Các chữ kiêng húy đời Nguyễn như Hoa華, Thì時 đều không tránh đổi hay bớt nét. Có thể giả định đây chính là bản sao gốc trong giai đoạn cuối thời Lê - đầu Nguyễn[3].

II.               Dịch nghĩa và chú thích:
TAM THAI SƠN LINH  TÍCH
(DẦU THIÊNG NÚI TAM THAI)
          Thời Hùng Vương, vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, quân theo đường núi tiến đến chân núi thôn Khả Lao huyện Yên Định[4] thì dừng đóng. Đêm vua nằm mơ thấy có vị Thần nhân nói với vua rằng:
          “Nguyện đem theo trống đồng, dùi đồng đi giúp quân vua đánh giặc”.
          Vua tỉnh giấc, theo y lời. Đến khi giao chiến với quân Chiêm, thấy trên không trung như có tiếng kiếm kích đồng giao tranh nhau. Quân Chiêm thua to, quân vua toàn thắng khải hoàn. Sắc phong cho thần là: ĐỒNG CỔ TỪ ĐẠI VƯƠNG 銅鼓祠大王(chuyện chép trong sách Di biên[5]).
          Đến đời Lý Thái Tông, khi vua còn là Thái Tử, được vua cha Lý Thái Tổ sai đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Khi quân đến Trường Sa, đêm đỗ thuyền nghỉ, khoảng sau canh 3, vua mộng thấy một người đàn ông mặc võ phục, tay cầm kiếm thưa với vua rằng:
         “Tôi là chủ núi Đồng Cổ, nghe tin chúa thượng Nam chinh, xin được theo quân lập công”.
           Thái Tông mừng mà đồng ý cho theo, quả nhiên hành quân thu được toàn thắng. Bình được Chiêm Thành, ban sư về kinh, Thái Tông bèn cho chọn đất tốt trong Kinh thành để lập đền thờ. Còn chưa định được chỗ nào. [1a]
Đêm lại mộng thấy thần báo, chỗ đất bên phải trong thành phía sau chùa Thánh Thọ là nơi có duyên trước. Thái Tông y theo mệnh cho lập đền thần trong Kinh thành mé bên phải chùa Từ Ân[6].
Khi vua cha Thái Tổ băng hà, quần thần xin Thái Tông lên ngôi. Thần đã sớm báo mộng trước, báo cho Thái Tông biết ba vương là Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Vũ Đức vương có âm mưu làm chuyện phạm nghịch, xin vua có chuẩn bị để phòng ngự. Thái Tông tỉnh ra, sai bề tôi trong cung là Lê Phụng Hiểu chống giữ. Phụng Hiểu vung kiếm xông thẳng đến cửa Quảng Phúc, giết chết Vũ Đức vương, lấy áo chiến đem về báo công. Nội nạn được dẹp yên, đúng như điềm thần ứng mộng. Thái Tông lấy làm lạ lắm.
Năm Thiên Thành thứ nhất (1028) ra chiếu ban cho thần làm Thần chủ việc kết minh trong thiên hạ (Thiên hạ chủ minh天下主盟), ban thêm vương tước. Mỗi lần làm lễ hội minh trong miếu cho đắp đàn treo kiếm chiến chỗ trước thần vị, đọc lời thệ rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tiêu diệt”. Các quan từ cửa Đông Môn đi vào qua trước thần vị làm lễ uống máu, cứ hàng năm như lệ.
Từ thời Quốc triều ta gây dựng, trước trải các đời Ngô, Đinh, Lê ba họ ấy [1bcòn chưa tường chính thống kỉ cương, kẻ loạn thần tặc tử còn ý phản nghịch chưa hết, lòng trung mới thế, nên suy tôn thần vương làm chủ việc Minh thệ. Người người đều kính sợ linh thần, biết trước được lòng người ngay chính, nên không dám manh tâm hai lòng phản trắc. (Trích trong sách Quốc sử và các sách Trích quái, U linh).
Đến đời Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 2 (1226), vẫn theo lệ cũ của triều Lý. Hàng năm ngày mùng 4 tháng 4, Tể tướng hội họp bách quan, từ lúc gà gáy đã tụ ngoài cửa thành. Khi trời còn chưa sáng thì vào trầu, nhà vua ra ngự phía trái điện Đại Minh. Trăm quan triều phục trầu bái, rồi ra ngoài cửa tây thành, đến trước đền thần làm lễ hội minh, uống máu ăn thề, lấy máu viết lời tuyên thệ rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan thanh bạch, có trái lời thề này, thần minh chu diệt”. Tuyên thề xong, quan Tể tướng kiểm duyệt các quan, thiếu ai thì phạt 5 xâu tiền. Ngày hôm ấy, dân bốn phương tụ hội xem đông nịch, là một ngày lễ lớn. (Việc trích trong Quốc sử).
Thời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Trùng Hưng, sắc phong thần làm: Linh Ứng Đại Vương靈應大王. Năm thứ 4 (1288), lại gia phong thêm 2 chữ: Chiêu Cảm昭感. [2a].
Thời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long năm thứ 21 (1313), lại gia phong 2 chữ: Bảo Hựu保佑, vì có công ngầm giúp vậy. (trích trong Việt U Linh Tập).
Thời Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế, năm Hồng Đức thứ nhất (1470), mùa đông tháng 10, Vua đi đánh Chiêm Thành ở phương nam, có sai quan đến tế đảo với thần. Khi đánh nhau với giặc, ở trước trận ẩn hiện như có quân binh đánh giúp quân ta chiến thắng vậy. Khi phá xong Chiêm Thành, đem quân khải hoàn, vua phong cho thần là: Đồng Cổ Điện Chủ Minh Đại Vương銅鼓殿主盟大王.
Các triều đều có gia phong:
Dực Chính Thuận Hòa Thông Tế Lẫm Liệt Hiển Hựu Quảng Đức Chương Tín Mặc Vận Khuông Hóa Phổ Huệ Tĩnh Nạn Định Quốc Hoằng Phúc Tuy Hưu Trinh Nghị Nhung Công Hộ Quốc Thâm Vật Diên Huệ Trùng Nhân Phổ Bác Uy Minh Khâm Triết Ưu Nghiêm Hoằng Lễ Đôn Nghĩa Đoan Túc Cung Ý Tuy Hựu Diễn Khánh Bố Đức[7] (62 chữ, không rõ phong từ triều nào)
Đầu đời Trung Hưng, năm vua Kính Tông Huệ Hoàng Đế năm Hoằng Định  thứ 2 (1601), ngày mùng 2 tháng 6, gia phong [2b]12 chữ là: Khoan Hồng Thông Duệ Tuyên Từ Hưng Tường Trợ Thắng寬洪聰睿宣慈興祥助勝. Lời sắc lại rằng: Ngũ nhạc tinh linh[8], muôn thửa miếu đường, núi sông tọa trấn. Khí thế hùng tráng muôn nghìn dặm, xông vượt sóng trào dòng sông sâu. Sắc là Uy Linh Đại Trợ威靈大助. Ba năm trợ giúp công lớn, đáng được gia phong.
Ngày 22 tháng 2 năm thứ 12 (1611), có công trừ tai giải hạn cho dân, có ân với nước khôi phục nước nhà. Thực là nhờ sức thần ủng hộ. Gia phong 4 chữ là: Quảng Hi Chí Đức廣禧至德. Lời sắc rằng: Khí bẩm tinh anh núi sông hun đúc. Nghe mà chẳng thấy, nhìn mà chẳng hay[9]. Trí diệu sâu thay, giải hạn trừ nguy công lao sáng rõ sự nghiệp như nhà Hạ, thờ tự được nổi như ở đời Ngu[10].
Năm thứ 19 (1618), núi Khả Lao vô cớ bị sụt. Mệnh quan đến cáo tế (trích trong Quốc sử)[11].
Đời vua Thần Tôn năm Vĩnh Tộ thứ 1 (1619)[12], ngày 25 tháng 6, có lệnh chỉ của chúa Đô Nguyên soái Tổng quốc chính, Thượng phụ Bình An vương[13] cho bản xã [3acó đền được đặt chức Lại thu thuế cung thần, cung Lại. Người làng Nguyễn Xá[14] có 27 người (cung thần thuế 3 người) để phụng sự việc đền thờ thần.
Ngày 20 tháng Giêng năm thứ 2 (1620), vì có hiển linh giúp nước. Gia phong 4 chữ: Sùng Huệ Thuần Hựu崇惠純佑. Lời sắc rằng: Thông minh ngay thẳng, hương lửa cao bay. Nhìn mà chẳng thấy nghe mà chẳng hay[15]. Mênh mang như ở trên cao, giải tai trừ họa linh thanh hiển hách, công lao giúp dập rõ ràng. Lệ đáng bao phong ghi trong tự điển.
Ngày 29 tháng Giêng năm thứ 6 (1624). Chúa thượng là Nguyên soái Tổng quốc chính Thanh Đô vương[16] có lệnh chỉ cho dân Nguyễn Xá hàng năm các hạng tiền thuế quý, thuề hộ phân và sưu sai các thứ được miễn trừ.
Ngày 20 tháng 2, năm thứ 7 (1625)[17], có công hiển ứng ngầm giúp quốc gia. Được phong 2 chữ: Hiển Linh顯靈. Lời sắc rằng: Đất trời nên tú khí, núi thiêng dục tinh anh. Bẩm tư chất rất lạ rất thiêng. Lại trắc giáng lên xuống thường ân thường huệ. Phúc lộc cảm ứng tự nhiên. Ngầm phù mệnh nước Việt ta, lễ có đăng trật trong tự điển. [3b].
Ngày 24 tháng 2, năm thứ 8 (1626), giặc Mạc đến hàng, giúp nước có công[18].  Phong cho 4 chữ: Tuyên Từ Huệ Hòa宣慈惠和. Lời sắc rằng: Đất trời dưỡng dục sông núi đúc thành. Linh thanh hiển hách, mêng mang trên cao, trừ tai đuổi hạn, công lưu sáng rõ. Thực nhiều công phù hộ, đáng ghi gia bao phong điển lễ.
Ngày 17 tháng 11, năm thứ 9 (1627), chúa Thanh Đô vương có lệnh chỉ cho bản xã tuyển sái phu 18 người lo việc của bản đền.
Tháng 4 mùa hạ năm Long Đức thứ 1 (1629)[19], có hạn, mệnh sai quan đến tế cầu được mưa (việc chép trong Quốc sử).
Ngày 26 tháng 7, lại cầu được mưa, gia phong 4 chữ: Tế Thế Đạt Hiếu濟世達孝Lời sắc rằng: Khí bẩm ngũ nhạc, trí sáng trăm loài. Đức thịnh ở trên mêng mang rộng lớn. Tế tự hưởng đến muôn đời. Công giúp dập tỏ linh, mạch nước dài hiển hách trăm năm. Nay lại cầu được mưa. Đáng ghi bao phong tự điển [4a].
Ngày mùng 6 tháng 8, năm thứ 2 (1630), lệnh chỉ cho Cai hợp, Lệnh sử, Phó đoán sự, Quế Lĩnh tử Đỗ Đình Khoa, lĩnh Thủy binh thuyền đưa đồ tế khí đến cho dân Nguyễn Xá giữ gìn việc tế tự.
Ngày mùng 2 tháng 10 năm ấy (1630), chúa Thanh Vương thấy điện miếu bị hư hại, lệnh chỉ cho Văn chức chỉ huy Thiêm sự Nhân Thọ nam Nguyễn Tất Thủ, Xá nhân Chỉ huy Đồng tri Lương Thụy tử Nguyễn Đăng Dụ, Tướng thần Tự thừa Khánh Nham nam Nguyễn Bá Phùng đốc suất dân đinh trong huyện Yên Định kiếm gỗ lim, tìm ngói miếng, để làm 5 gian chính đường của điện miếu và nhà Xuyên đường hình chữ Công 3 gian, một tòa nghi môn, 6 gian Túc yết[20] và Trù phòng[21] cùng tường bao 4 bên, làm cho thật bền chắc.
Ngày 29 tháng 3, năm thứ 4 (1632), vì triều thần bàn luận chuyện lập Thế tử để trọng quốc thể. Là việc lớn trọng đại. Nên gia phong cho 4 chữ: Dương Vũ Phù Tộ揚武扶祚. Lời sắc rằng: Mêng mang trên cao, hiển hách linh thiêng, nhìn mà không thấy, nghe mà không hay. Đức thần cực lớn lao thay [4b] 
Đảo thì ứng cầu thì đạt. Như cảm ắt thông. Các đời thế thần gìn giữ[22], lễ phong trong Tự Điển[23], văn chép cử hành.
Năm ấy, phong Sùng Quận Công Trịnh Kiều làm Tiết Chế Sùng Quốc Công[24], lại gia phong 4 chữ là : Hậu Trạch Trọng Nhân厚澤重仁.
Ngày 27 tháng 5 năm thứ 5 (1633), muốn thu khí hòa của trời đất, nên trai giới sảnh cung khắc kỷ thực ý cầu đảo, gia phong 4 chữ là: Dực Vận Tán Trị翊運贊治. Lời sắc rằng: Thực không kém với cái đức lớn của thần, nhiều lần chống tai đuổi hạn gắng công, muôn đời uy linh có công giúp dân giữ nước. Trăm năm miếu tế, mạch nước sâu dầy trợ chép lễ văn đề cử. Bao phong.
Ngày 24 tháng 5 năm thứ 6 (1634), thành tâm cầu đảo được ứng mưa lành[25]. Gia phong 4 chữ là: Cương Nghị Hùng Đoán剛毅雄斷. Lời sắc rằng: Dấu tích của tạo hóa, tinh linh của Âm Dương, hun đúc bởi Ngũ nhạc Tam quang[26], được chính khí, diệu hóa bách vi, thông vạn loại[27]. Nghiệm hữu hiển linh, nay nhân thời cảm thông, ghi điển bao phong.
Ngày 27 tháng 3 năm Dương Hòa 3 (1637), nghiệm có linh ứng giúp nước cứu dân, lại gia phong [5a]
bốn chữ : Tuy Lộc Diễn Phúc綏祿衍福. Lời sắc rằng: Đức lớn thịnh thay, thực không quá với sự linh nhìn không thấy, nghe không hay[28], mêng mang như ở trên cao, cảm ắt thông, cầu ắt ứng điều nguyện, linh hiển giúp dập có công nên đề cử bao phong, gia phong 6 chữ: Tích Mưu Khuông Quốc Hựu Dân 積謀匡國佑民.
Ngày 28 tháng 12 năm thứ 8 (1642), có việc đem quân đánh đảng giặc, thu phục lại biên cương. Có công giúp đại quân toàn thắng[29]. Gia phong 6 chữ: Bảo Dân Trợ Thuận Uy Anh保民助順威英Lời sắc rằng: Đất trời dựng dục, sông núi kết tinh. Bẩm linh khí chất thiêng từ trời, anh linh khôn đoán. Giúp nước vững bền bằng Thái Sơn, ngầm trợ hiển linh thần, hưởng tế tự còn lưu trong Hoàng điển[30].
Đời vua Chân Tông Thuận Hoàng đế, năm Quý Mùi niên hiệu Phúc Thái thứ 1 (1643), ngày mùng 2 tháng 12, có sắc chỉ cấp cho bản xã, binh dân các hạng. [5b] 
Phụng sự đền miếu của làng Nguyễn Xá được miễn thuế quý[31] và các việc phu dịch. Lại ban cho thuế ngạch Quan điền[32], thuế đất bãi dâu vàng (Hoàng Tang châu thổ)[33], thuế đò, chợ các hạng để cung tiến việc hương khói (Nay vẫn còn bia đá bên đây[34]).
Ngày 17 tháng 7 năm Ất dậu thứ 3 (1645), hiện rõ linh ứng có công giúp mệnh nước, tăng vương thọ, giữ yên ngôi kế vị của nước nhà. Gia phong 6 chữ: Hoằng Mô Quảng Nghiệp Phong Công宏謨廣業豊功. Lại tăng thêm 4 chữ là: Kính Thiên Pháp Tổ敬天法祖. Lại thêm 6 chữ: Anh Linh Bảo Dân Trợ Uy英靈保民助威. Lời sắc ở trên rằng: Linh thông hiển hách, mênh mang trên cao, tai giải hoạn trừ, bảo cảnh một phương. Cầu tất ứng đảo tất thông. Phụng tế trăm năm, công lao giúp nước. Lễ đáng gia phong. Lại gia phong 6 chữ: Thịnh Đức Hiển Thông Diệu Cảm盛德顯通妙感 (do bản chính sắc bị khuyết[35]). [6a] 
Ngày mùng 2 tháng 10 năm Mậu Tý, thứ 6 (1648), hiển linh trừ gian khử ác. Cầu được như ý, giúp nước có công. Gia phong 4 chữ: Thần Thánh Tán Thành神聖贊成. Lời sắc rằng: Đức bẩm thông minh, tư kiêm chính trực[36]. Hương khói lẫy lừng. Rõ mà không thấy không nghe[37]. Hiển hiện vi diệu, nhiều phen giải ách trừ tai có công. Mệnh nước được tăng cường, Tự điển chép ghi đáng được gia phong.
Ngày 28 tháng 2 năm Ất sửu, thứ 7 (1649). Nhờ Hoàng thiên quyến mệnh, bảo hộ Vương gia, hiệp giúp Đế thất sinh được Hoàng tử. Khiến dòng giống được thịnh dài mãi mãi. Thực nhờ lực thần phù trì, đáng gia phong. Gia phong 6 chữ: Khoát Đạt Khoan Nhân Minh Trí豁達寬仁明智. Lời sắc rằng: Tính hay chính trực đức vốn thông minh. Được tinh anh của hai khí, thăng giáng khôn đo. Giúp tông xã nối phúc dài muôn ức vạn năm. Có công giúp giập nên đáng bao phong. [6b] [38] 
Lại đổi cho 10 chữ là: Thịnh Đức Hiển Thông Diệu Cảm Thần Thánh Tán Thành盛德顯通妙感神聖贊成, thành 6 chữ là: Vĩ Đức Hùng Tài Đại Lược偉德雄才大略.
Đời vua Thần Tông năm Khánh Đức thứ 4 (1652), ngày 29 tháng 2 năm Nhâm Thìn, có công ngầm giúp Vương phủ được Thiên triều tấn phong Phó Quốc vương[39]. Được nước gia phong 6 chữ: Trung Chính Túy Tinh Thần Vũ中正粹精神武.
Năm Thịnh Đức thứ 2 (1654), ngày 5 tháng 10 năm Giáp ngọ. Chúa Thanh Vương thấy điện miếu lâu năm bị sụt hỏng, lệnh dụ cho Thị Nội Giám tước là Nghĩa Hầu Lê Đình Kiên đốc dân đinh trong huyện lên vùng núi các nơi tìm mua gỗ lim loại xanh tốt để về dựng điện miếu. Dân hai xã Vệ Quốc, Quốc Bàng làm khán thủ[40] được miễn sưu dịch.
Ngày 6 tháng 7 năm Ất mùi, thứ 3 (1655), có công ngầm giúp hoàng gia thịnh trị, giúp vương thất vững bền, sĩ tốt thêm tăng uy vũ [7a]nhuệ khí trừ đảng gian ác, giúp đại quân thu thắng vạn toàn, thu phục lại giang sơn nhất thống, rất là linh ứng[41]. Gia phong 6 chữ: Phù Quốc Tán Mưu Trợ Uy扶國贊謀助威.
Ngày 6 tháng 4 năm thứ 4 (1656), Chúa Thanh Vương lại ngự ban 3 tòa kiệu và các đồ Tế khí. Giao cho dân làng Nguyễn Xá giữ gìn (hiện còn bia đá[42]).
Ngày 13 tháng 5 Nhuận năm ấy, có công ngầm giúp đại quân đánh dẹp yên phương Nam, trừ giặc cuồng bạo, thu được toàn thắng, linh nghiệm rõ ràng[43]. Gia phong 6 chữ: Thông Minh Chính Trực Uy Linh聰明正直威靈.
Ngày 11 tháng 9 năm Đinh dậu, thứ 5 (1657). Có công giúp mạch hoàng gia lâu dài, phúc ấm vương thất tiếp nối. Trợ đức vương kế truyền chính vị, giữ yên thiên hạ, ngầm trợ uy vũ phấn khích sĩ binh tinh nhuệ khí thế tiếu trừ nghịch đảng. Thu thắng vạn toàn, thống nhất giang sơn. Linh ứng được gia phong 6 chữ: Hộ Thế Thi Hiệu Hồng Huân護世施號洪勳. (lại phong nữa)[44] [7b] 
Được 10 chữ là: Thuần Tín Minh Nghĩa Trợ Thắng Đại Đức Thùy Viễn 惇信明義助勝大德垂遠(nhưng nguyên bản bị rách khuyết).
Đời vua Huyền Tông Mục Hoàng đế, ngày 17 tháng 5 năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664). Đại Nguyên soái Chưởng quốc chính, Thượng sư Tây vương[45] có lệnh chỉ, cho dân xã Phù Diễn[46] được trông coi phụng sự đền thần, được miễn trừ các hạng thuế tiền quý, tiền hộ phân các việc. Nha môn các nơi không được nhũng nhiễu.
Ngày mùng 8 tháng 6 năm ấy, Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh, kiêm Thống quốc vụ Nghi Quốc công[47] ra chỉ, tha miễn cho dân làng Nguyễn xá các hạng thuế tiền quý, tiền hộ phân các việc. (Lệnh chỉ và Chỉ ban ra đều có bia đá.)
Ngày 18 tháng 4 năm Canh tuất, thứ 8 (1670), đánh dư đảng giặc họ Mạc, thu phục bờ cõi thành công, thần hiển oai linh trợ giúp. Được gia phong 6 chữ: Thông Minh Thần Công Thánh Đức聰明神功聖德.
Đời vua Gia Tông Mỹ Hoàng đế, ngày 17 tháng 5 năm Nhâm tý niên hiệu Dương Đức thứ 1 (1672), đem đại binh đánh dẹp giặc cuồng thu phục [8a]giang sơn về một chế độ[48]. Sai Phó cai ty, Xá nhân Vũ Nhượng tử, trai giới đến kính lễ cáo tế ở trước miếu.
Ngày 29 tháng 7 năm thứ 3 (1674), (là năm Giáp dần, năm ấy ghi nguyên lịch đã là năm niên hiệu Đức Nguyên năm đầu). Có công giúp hoàng gia bảo yên xã tắc vương nghiệp ổn định. Mệnh nước nhờ đó được trường cửu. Thật là linh ứng. Được gia phong 6 chữ là: Hiền Thánh Nhân Hiếu Công Cao賢聖仁孝功高.
Đời vua Hi Tông Hoàng đế, ngày 27 tháng 3 năm Kỷ mùi, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4 (1679), chúa Tây Vương thấy đền miếu lâu ngày bị hư hỏng. Có lệnh dụ cho bọn Thị nội văn chức lang trung Thái Dược bá Đỗ Phúc Miên, Nội giám Trẩn Lộc bá Ngô Liễn đến khảo sát, chuẩn định công trình. Theo số dân đinh liệu việc đủ để sửa sang. Ngày 21 tháng 9 năm ấy, lệnh dụ cho bọn Trấn thủ xứ Thanh Hoa là Thiếu bảo Lĩnh Quận công Ngô Hữu Dụng và Đốc đồng đạo Hưng Hóa, Giám sát Ngự sử Lê Hữu Trinh, tạm lấy tiền của quan khố 300 quan đến khảo sát. Nhân dân ở Nguyễn Xá mua lại của các tổng xã huyện Quảng Bình [8b] .
Trách sức cho huyện quan chuẩn bị đẩy đủ các hạng, theo suất mà phát tiền mua gỗ lim, trụ mộc, ngói miếng, đinh sắt các loại. Đưa về điện miếu xã Đan Nê thượng[49], rồi chọn ngày xây sửa. Một gian thượng điện hình chữ Công, ba gian trung điện hình chữ Công, ba gian hạ điện hình chữ Công với hai gian Giải hạ[50]; ba gian nhà Xuyên đường[51] bên trái với hai Giải hạ; ba gian nhà thay mã (Dịch Mã đường)[52] với 2 giải hạ, lại tu sửa tường bao bốn bên, chủ cho bền chắc.
Ngày tháng 6 năm Canh Thân, năm thứ 5 (1680), các quan Tham tụng Nguyễn Mậu Dương, Hồ Sĩ Dương có lời khải tâu rằng: Bọn Thị nội văn chức lang trung Đỗ Phúc Miên, Nội giám Ngô Liễn đến khám nghiệm khảo sát đền miếu Đồng Cổ. Các hạng tế khí được trên ban đều đã bị hỏng mọt. Nay kính xin ngự ban cho được như dấu tích cũ để dân Nguyễn Xá phụng thờ.
Ngày 14 tháng 12 niên hiệu năm Chính Hòa thứ 1 (1680), chúa Tây vương có lệnh chỉ truyền cho bọn Ty Lễ giám, Đồng tri giám sự Xá Lang hầu Hoàng Đình Tiến [9a] ,và Trẩn Lộc hầu Ngô Liễn đôn đốc việc làm các đồ tế khí. Xong việc sai quân chở về điện miếu giao cho dân làng Nguyễn Xá lĩnh giữ phụng sự các đồ tế khí ấy.
Ngày 20 tháng 3 năm Nhâm tuất, thứ 3 (1682), quan viên nhân dân, với quan Giám sát đạo Lạng Sơn, Ngự sử Trịnh Minh Lương cùng toàn xã theo lệ cũ bản đền hàng năm. Lệ tế xuân, trong tổng chỉnh biện lễ Thái lao[53] dê lợn các bàn đến tế. Năm trước quan huyện cũ  đã chia riêng các xã thôn tế riêng các đền, chỉ để cho 3 xã làm tế nhỏ ở bản đền. Đến nay quan huyện theo thế mà không sửa. Xin cho theo lệ trước để hợp lễ trong điển tế tự. Khi Phủ liêu phó cho quan ở Hạ lộ đến tra cứu. Có bọn Tham chính xứ Thanh Hoa là Nguyễn Viết Đương, Tham nghị Nguyễn Xuân Bỉnh tra xét đúng sự thực, có khải tâu lên, truyền cho được theo lệ trước.[54]
Ngày 24 tháng 6 nhuận năm Quý hợi, thứ 4 (1683), có công ngầm giúp Huân Vương Liễn, lên nối nghiệp chúa, năm giữ chính phủ, trông coi tông xã[55][9b]
Vững hồng đồ, thăng lễ bậc. Gia phong 6 chữ: Vọng Trọng Tán Hóa Tương Tòng望重贊化相從.
Ngày 29 tháng 7 năm thứ 19 (1698), Mậu dần, chúa Định Vương[56] có lệnh chỉ miễn trừ cho dân  Nguyễn Xá các thứ thuế tiến, thuế hộ cùng sưu sai các hạng.
Ngày 25 tháng 10 năm ấy, Khâm sai Tiết chế kiêm chưởng quốc chính Thái Úy Tấn Quốc công[57] có chỉ, cho dân Nguyễn Xá hàng năm được miễn các thức thuế tiền, thuế hộ cùng sưu sai các hạng.
Đời vua Dụ Tông Hòa Hoàng đế năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1680), ngày 10 tháng 8. Tự vương được kế thăng vương vị, coi giữ chính phủ, giúp giữ tông xã, củng cố nghiệp nước. Lễ đáng thăng trật. Gia phong 6 chữ là: Trinh Tường Gia Mỹ Khánh Huệ貞祥嘉美慶惠. Lời sắc rằng: Càn khôn gây dựng, sông núi đúc thành. Nền đức sung mãn [10a],khôn đoán anh uy. Giúp nước giúp dân vững bền cường thịnh. Âm chất tỏ tường, nối thừa mệnh lớn. Phong bao ghi trong tự điển. Ngày 26 tháng ấy, chúa An Đô vương có lệnh chỉ cấp cho dân Nguyễn Xá được miễn các hạng thuế quý, thuế hộ, đều được miẽn như cũ.
Ngày 23 tháng 9 năm Giáp thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724). Chúa An Vương[58] có lệnh chỉ chuẩn cho bản xã được miễn trừ các hạng tô thuế tiền quý, tiền hộ phân, tiền thuế quan điền được lượng trừ, lại thêm 20 suất binh để phụng giữ đền miếu.
Ngày 2 tháng 12 năm Canh tuất niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730), chúa Uy Nam vương[59] có lệnh chỉ cho dân làng được chuẩn trừ như trước.
Ngày 10 tháng ấy, Tự vương lên nối ngôi. Có lễ đăng trật, gia phong cho 12 chữ là: Tuấn Đức Long Công Anh Triết Quả Nghị Quý Huệ Hoằng Dụ俊德隆功英哲果毅貴惠弘裕. Lời sắc rằng: Rạng rỡ anh linh cùng sông núi, giúp giữ dư đồ thấm [10b]đẹp muôn dân. Ngầm phù ngầm giúp, lẫm liệt như anh phong còn đó. Mạch nước nối dài, bảo vệ luân thường thuần hậu. Điển sắc đã tường, ơn trên yêu dưới. Đáng nêu điển cũ.
Đời vua Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế, ngày 24 tháng 7 năm Canh thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 1 (1740), tự vương được lên ngôi báu, coi quyền chính phủ. Giữ yên tông xã, củng cố nghiệp vua. Có lễ đăng trật đáng gia phong 6 chữ: Văn Đức Vũ Công  Anh Triết文德武功英哲 (vì bản chính bị rách).
Ngày mùng 6 tháng 4 năm Giáp tý, thứ 5 (1744), chúa Minh vương[60] có lệnh chỉ chuẩn trừ cho bản xã các hạng thuế tiền quý, tiền hộ phân các việc.
Ngày mùng 8 tháng 8 năm Đinh hợi, thứ 28 (1767), Tự vương lên nối ngôi, trông coi chính phủ. Có lễ đăng trật. Gia phong 6 chữ: Thần Uy Duệ Toán Hùng Lược神威睿纂雄略. Lời sắc rằng: Trên cao to lớn, Hiển hách linh thiêng, trừ tai giải họa. Công đức ngầm giúp một thời [11a]lưu danh lành cho vạn đại. Nay công phù hộ tiếng thơm đã rõ, sách điển hiệu sáng nên đáng nêu trong điển thờ.
Ngày 28 tháng 9 năm ấy, chúa Tĩnh Đô vương[61] có lệnh chỉ trừ miễn các hạng thuế tiền quý, tiền hộ phân các việc.
Ngày 13 tháng 10 năm Canh dần, năm thứ 31 (1770), có công hiển ứng. Gia phong 4 chữ là: Hiệu Linh Dực Thắng.
Ngày 24 tháng 3 năm Tân mão, năm thứ 32 (1771). Chúa Tĩnh Vương ngạ giá tuần thú về nơi thang mộc ấp. Gia phong  6 chữ là : Bí Sảng Diệu Linh Hiệu Thuận賁爽妙靈號順 (vì bản chính bị rách nát) [11b]. 
Ngày 17 tháng 4 năm Bính thân, năm thứ 37 (1776), chúa Tĩnh Vương có lệnh chỉ lượng trừ 20 suất lính cho lo việc phụng giữ miếu đền.
Ngày 26 tháng 7 năm Quý mão, năm thứ 44 (1783), tự vương lên ngôi, nắm giữ chính phủ. Có lễ đăng trật. Gia phong 4 chữ: Hiển Đạo Thịnh Đức顯道盛德. Lời sắc rằng:
Ngũ nhạc đúc anh linh, tam quang nuôi tú khí.
Bờ nam cương kỉ vững nghìn năm, giữ cho Ngao trụ[62] yên bền;
Biên tây linh thiêng dậy muôn thủa, ngầm giúp dân Hồng[63] khang thái.
Nên tướng[64] đã thành ơn lạ, bao phong cho đủ điển chương.
Ngày 28 tháng 10 năm Giáp thìn, năm thứ 45 (1784), chúa Đoan Nam vương[65] có lệnh chỉ cho lượng trừ 20 suất lính để cho lo việc phụng giữ miếu đền. Miễn trừ các hạng hộ dịch khác.[12a]
HẾT.

Khảo sát văn bản, dịch nghĩa chú thích từ nguyên bản lưu tại đền Đồng Cổ thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Tp. Hà Nội


Viện nghiên cứu Hán Nôm xác nhận

Hà Nội, ngày 4 tháng 6 năm 2009
Người khảo cứu, dịch chú: Nguyễn Đức Toàn




[1] Núi Tam Thai: tức là núi Khả Lao, có một số sách chép là núi Đồng Cổ.
[2] Nguyễn Xá sau đổi thành Nguyên Xá.
[3] Các sắc phong hiện còn chủ yếu là sắc phong đời Tây Sơn và đời Nguyễn. Không có sắc đời Lê, có thể bản Thần phả  này chép lại từ nguyên văn các sắc phong đời Lê, trước khi các sắc này bị hư hỏng.
[4] Nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
[5] Di Biên chưa rõ là sách nào.
[6] Có thể là vị trí đền ở bên dòng Tô Lịch, nay là đền Đồng Cổ, đường Thụy Khuê.
[7] Đây là các Mỹ tự gia phong cho thần Đồng Cổ. Mỹ tự là các từ hay từ đẹp xứng với công đức tài trí của vị thần được thờ phụng. Nên giữ nguyên văn phiên âm Hán Việt và không dịch.
[8] Ngũ nhạc: 5 ngọn núi lớn, gọi là Ngũ nhạc tinh linh, ý nói là khi thiêng của núi cao chúng đúc nên Thần.
[9] Nhìn không thấy, nghe không hay: Chỉ sự linh thiêng của Thần, dù có nhìn cũng không thể thấy, có nghe cũng không biết. Rất thiêng, người thường không thể dùng mắt thường tai thường cảm nhận được.
[10] Nhà Hạ () là triều đại của vua Vũ, được miêu tả trong các ghi chép sử học cổ đại; Nhà Ngu, tức triều đại của vua Thuấn () là một vị vua huyền thoại thời Trung Quốc cổ đại, nằm trong Tam Hoàng Ngũ Đế. Đây ý chỉ nhờ công lao Thần phù hộ cho sự nghiệp của vua ta được yên vững như nhà Hạ nhà Ngu vậy.
[11] Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 4 năm ấy, núi Đồng Cổ ở xã Đan Nê thượng, huyện Yên Định bị lở. Sai quan đến cáo tế. Bản Kỷ - Quyển XVIII/tr14a
[12] Nguyên văn chép là Vĩnh Hựu nguyên niên永祐元年 là 1735, lúc ấy Bình An vương Trịnh Tùng đã chết từ lâu. Chắc là nhầm của năm Vĩnh Tộ 1(1619), chúng tôi sửa lại.
[13] Bình An vương: Chúa Trịnh Tùng.
[14] Nguyễn Xá: nay là thôn Nguyên Xá.
[15] Xem chú số 3
[16] Thanh Vương: Chúa Trịnh Tráng có vương tước là Thanh Đô vương, gọi tắt là Thanh Vương
[17] Chữ bị mờ nét, theo thứ tự chúng tôi đoán là năm thứ 7 (1625).
[18] Theo sách Việt sử thông giám cương mục thì năm 1625, đem quân đánh Mạc Kính Cung, bắt được đem giết. Cháu Kính Cung là Mạc Kính Khoan thua chạy, dâng biểu xin hàng, triều đinh y cho trấn giữ ở biên cương. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển XXXI/ tr690
[19] Nguyên văn chép là Long Đức nguyên niên (1732), theo mạch văn chúng tôi cho là chép nhầm của năm Đức Long nguyên niên (1629). Chúng tôi sửa lại. Đối chiếu thì đúng năm 1629, Mùa hạ, tháng 4, có hạn hán. Đổi niên hiệu là Đức Long năm thứ 1. Đại xá.(Toàn thư  Sđd- Bản Kỷ - Quyển XVIII)
[20] Túc yết: là nhà trai giới sửa soạn trước khi vào chính điện làm lễ.
[21] Trù phòng: Nhà bếp.
[22] Đoạn này nguyên văn có mạch chưa rõ. Chúng tôi tạm theo ý chính để diễn dịch.
[23] Tự điển: 祀典: tức điển thờ cúng của quốc gia gọi là Tự điển, chứ không phải là Tự điển để tra chữ tra từ ngày nay.
[24] “phong Tả tiệp quân dinh Thái phó Sùng quận công Trịnh Kiều làm Khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự [31a] phó chưởng quốc chính thái uý Sùng quốc công, mở phủ gọi là phủ Hùng Uy” (Toàn thư  Sđd- Bản Kỷ - Quyển XVIII)
[25] Theo Toàn thư thì năm ấy hạn nặng, phải đến đầu thu mới có mưa (Toàn thư  Sđd - Bản Kỷ - Quyển XVIII/ tr34a)
[26] Ngũ nhạc: 5 ngọn núi cao nhất gọi là Ngũ nhạc; Tam quang tức mặt trời, mặt trăng và sao gọi là Tam quang. Đây ý nói thần là tinh khí của núi sông trời đất hợp nên. Rất là linh thiêng
[27] Bách vi, Vạn loại: Là từ chỉ chung cho muôn vật trong trời đất. Ý nói Thần là bậc tinh tú hơn hết tất cả.
[28] Nhìn không thấy, nghe không hay: Chỉ sự linh thiêng của Thần, dù có nhìn cũng không thể thấy, có nghe cũng không biết. Rất thiêng, người thường không thể dùng mắt thường tai thường cảm nhận được.
[29] Theo Toàn thư thì chỉ có năm 1643, có đi đánh Thuận Hóa.
[30] Hoàng điển: cũng như Tự điển. Nói đền cái sách lớn của vua, ghi chép những chuyện trọng đại, gọi là Hoàng điển.
[31] Thuế quý: 季稅 nói tiền quý, có thể là loại thuế tính theo quý.
[32] Quan điền: ruộng quan, loại ruộng bị đánh thuế cao. Nay cũng được miễn.
[33] Nguyên văn: 黃桑洲土. có thể là chỉ đất trồng dâu mới khai khẩn ven bãi sông, cũng bị đánh thuế. Nay cũng miễn trừ cho.
[34] Trước đây ở đền có bia. Nhưng hiện nay đền Đồng Cổ ở thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm ngày nay không còn tấm bia nào. Chúng tôi cần khảo sát thêm. Có thể bia đã được chuyển đi nơi khác.
[35] Văn bản thường chú những câu như vậy, chứng tỏ các sắc phong cũ ghi chép đã bị mai một, nhân dân phải chép thêm mỹ hiệu của thần vào bản Thần phả  này.
[36] Tư chất lại ngay thẳng
[37] Xem chú số 6 tr4
[38] Thực chất theo Toàn thư thì năm ấy vua Lê Chân Tông mất, không có con, Thái thượng hoàng Thần Tông lại phục vị.
[39] Thiên triều, tức là Trung Quốc. Các vua nước ta đều chịu sự tấn phong của các thiên tử Trung Quốc. Đây nói việc chúa Trịnh Tráng được Trung Quốc phong là An Nam Phó Quốc vương. Nhờ oai linh của thần nên phong cho Thần 6 chữ dưới. Nhưng theo Toàn thư thì nhà Minh phong cho Thanh vương làm Phó Quốc vương là vào tháng 10 năm 1651.
[40] Khán thủ: chức trông coi đền miếu
[41] Chỉ việc đánh nhau với quân chúa Nguyễn ở Nghệ An.
[42] Xem chú 11 tr5. Hiện tại đền không còn bia. Khi soạn Thần phả  này bia đá hãy còn.
[43] Tháng 5 nhuận năm 1656, quân nhà Trịnh đánh nhau với quân chúa Nguyễn ở cửa biển Đại Nại, Nghệ An. Trận ấy quân chúa Trịnh thắng lớn.
[44] Năm 1657, chúa Trịnh Tráng mất, chúa Trịnh Căn lên ngôi, em là Trịnh Toàn ngầm làm phản, bị Trịnh Căn bắt, không nỡ giết, chỉ an trí trong ngục. Đây nói sự phản loạn bên trong, quân chúa Nguyễn gây sự bên ngoài, nhờ oai thần mà dẹp yên được cả.
[45] Tây vương: tức chúa Trịnh Tạc.
[46] Phù Diễn: có thời kỳ gọi là Phú Diễn. Thôn Nguyên Xá xưa thuộc Phù Diễn.
[47] Nguyên văn chép là Tuyên quốc công, chắc là chép nhầm chữ Nghi thành chữ Tuyên  chúng tôi sửa lại
[48] Theo Toàn thư ghi, con Trịnh Tạc rước vua Lê Gia Tông ngự giá đi đánh Quảng Nam, sai con là Trịnh Căn đem đại quân sang sông đánh nhau với quân chúa Nguyễn. Lần ấy cũng thu được thắng lợi rồi rút quân về.
[49] Xã Đan Nê thượng: nơi đất gốc của Thần Đồng Cổ, cũng có đền thờ. Theo Toàn thư thì xã này ở huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa
[50] Nhà Giải hạ: là 2 nhà sắp lễ ở 2 bên cánh.
[51] Nhà Xuyên đường: là gian nối giữa thông từ tiền đường ra trung hoặc hậu đường
[52] Dịch Mã đường: nhà thay áo để vào hành lễ.易禡堂
[53] Thái lao: Là lễ tế lớn.
[54] Lệ tế thần Đồng Cổ là lệ tế lớn của dân trong cả 1 tổng, sau bị Huyện quan thay đổi thành lễ nhỏ của các xã tế riêng nhau. Nay dân lại xin làm theo lệ lớn như xưa. Điều tra thấy đúng sự thực, nên y cho.
[55] Ý nói Trịnh Tạc mất Trịnh Căn lên thay. Trịnh Căn có tước là Huân Vương ?
[56] Định vương: cũng là tước của chúa Trịnh Căn.
[57] Tấn Quốc công: chúa Trịnh Bính
[58] An vương hay An Đô vương: chỉ chúa Trịnh Cương
[59] Uy Nam vương: chúa Trịnh Giang
[60] Minh vương hay Minh Đô vương là chúa Trịnh Doanh.
[61] Tĩnh Đô vương, hoặc Tĩnh Vương: tức chúa Trịnh Sâm.
[62] Ngao trụ: Ý nói nền xã tắc vững bền như trên trụ chân ngao. Theo truyền thuyết cổ, cả thiên hạ nằm trên các trụ chân của một con ngao khổng lồ.
[63] Hồng dân鴻民: Chỉ dân Việt ta, thuộc dòng Hồng Lạc.
[64] Nói việc Thần là tinh anh của sông núi, tụ thành hình tướng.
[65] Đoan Nam vương: tức chúa Trịnh Tông, con trưởng của Trịnh Sâm.

http://yeuhannom.blogspot.com/2017/03/than-tich-than-pha-mieu-ong-co-thon.html



..



 05/09/2008  00:18  6184

Đền/miếu Đồng Cổ thuộc thôn Nguyên Xá, xã Phú Minh (Từ Liêm, Hà Nội) cách trung tâm Hà Nội 15km về phía tây, trên tuyến Quốc lộ 32 Hà Nội đi Sơn Tây. Di tích được xây dựng trên một gò đất cao ở đầu làng Nguyên Xá theo thế quy xà với gò cao ở giữa, xung quanh có dòng nước uốn lượn. Đền nằm quay hướng về phía Đông, hướng về phía kinh thành Thăng Long.

Đền/miếu Đồng Cổ thuộc thôn Nguyên Xá, xã Phú Minh (Từ Liêm, Hà Nội) cách trung tâm Hà Nội 15km về phía tây, trên tuyến Quốc lộ 32 Hà Nội đi Sơn Tây.

Di tích được xây dựng trên một gò đất cao ở đầu làng Nguyên Xá theo thế quy xà với gò cao ở giữa, xung quanh có dòng nước uốn lượn. Đền nằm quay hướng về phía Đông, hướng về phía kinh thành Thăng Long.

Đền/miếu Đồng Cổ là tên gọi dân gian theo tên của vị thần được thờ là thần Đồng Cổ. Mặc dầu hiện nay ngôi đền/miếu Đồng Cổ chỉ là một di tích, có khuôn viên khá khiêm nhường nằm ẩn mình trong khu vuờn muỗm cổ thụ, song lại hàm chứa sâu xa những giá trị lịch sử - văn hoá gắn với triều đại nhà Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.

Vườn muỗm cổ thụ

Những sự kiện và nhân vật lịch sử qua truyền thuyết dân gian và ghi chép của sử thành văn cho thấy Nguyên Xá là vùng đất có lịch sử tụ cư lâu đời. Tại đây vào khoảng những năm 1970, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật di tích Ngoã/Ngoạ Long - một trong số ít những di tích thuộc văn hoá Phùng Nguyên, có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 năm ở khu vực Hà Nội. Bước vào các thời kỳ lịch sử, do vị trí nằm ở cửa ngõ phía Tây kinh thành Thăng Long, vùng đất này là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng và được ban tặng Thuần phong mỹ tục khẳng định là vùng đất có truyền thống lịch sử, phong tục thuần hậu...

Về vị thần được thờ, theo nội dung sắc phong, ngài là Đương Cảnh thành hoàng giám thệ vương Đồng cổ Sơn thần tức thần Đồng cổ. Truyền thuyết dân gian trong vùng cho biết: vào thời Hai Bà Trưng, các nghĩa sĩ Thanh Hoá trên đường ra Hát Môn tụ nghĩa dưới cờ của Trưng Trắc, Trưng Nhị đã mang theo vị thần của địa phương mình (Đan Nê, Yên Định, Thanh Hoá), khi qua Nguyên Xá, nơi có không gian uy nghiêm, trang trọng nên họ đã lập đền thờ thần.

Đến thời Lý, vua Lý Thái Tổ trên đường kinh lý, tới địa phận Phương Canh (khoảng ngã tư Canh), voi bỗng bị cắm ngà xuống đất không thể đi được. Vua liền cho xem xét, tới thôn Nguyên Xá, thấy ngôi đền/miếu Đồng Cổ liền chiêm bái, voi lại đi được. Kể từ đó, vua thường lui tới đền Đồng Cổ.

Song, có lẽ phải đến đời vua Lý Thái Tông, đền Đồng Cổ mới thực sự được đặc biệt chú trọng, bởi chính thần Đồng Cổ đã báo mộng cho vua về nội loạn Tam vương (Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức), xin phải dự phòng. Thái Tông tỉnh giấc, liền triệu cung thần là Lê Phụng Hiểu bái kiến, xông thẳng tới cửa Quảng Phúc giết chêt Vũ Đức Vương, dẹp yên được nội loạn đúng như mộng báo. Thái Tông bèn hạ chiếu phong Thần làm Thiên hạ minh chủ thần, lại gia phong thêm Vương tước và quyết định thường xuyên cử hành lễ thề trong miếu. Quần thần từ của Đông tiến vào qua chỗ rước Thần vị là lễ sát huyết (uống máu ăn thề). Vua cho khắc bài thơ xưng danh thần lúc mộng và ban cho đôi câu đối ghi lại công tích của thần Đồng Cổ (Các kỳ đức dĩ tôn thần Đồng cổ chí kim truyền hiển tích/Đại phi hoá chi vị thánh đan phai tự cổ bá linh thanh). Liền đó, vua xuống chiếu cấp tiền, ruộng sai dân sửa sang đền/miếu để tổ chức Hội Minh thệ với lời thề trung hiếu Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần linh chu diệt. Có lẽ đây là hội thề Đồng Cổ đầu tiên mang tính chất Quốc tế (Lễ hội do triều đình/nhà nước đứng ra tổ chức định kỳ). Trong Minh thệ ghi rõ: ...trước đây, trải qua ba họ Ngô, Đinh, Lê chưa rõ chính thống, kỷ cương, loạn thần tặc tử cùng đua nhau làm điều thoán nghịch, chưa hết lòng trung. Tới lúc bây giờ, suy tôn thần vương làm chư minh, mọi người đều sợ thần linh thiêng biết trước lòng người chính hay tà, nên chẳng dám manh tâm ăn ở hai lòng.

Lại có thuyết cho rằng: khi vua Lý Thái Tông còn là Thái Tử, được Thái Tổ sai đem quân đi đánh chiếm Chiêm Thành, vào canh ba vua mộng thấy một bậc dị nhân mặc áo nhung phục, tay cầm gươm xưng là thần núi Đồng cổ, sẵn lòng giúp đỡ. Thái Tông mừng rỡ làm theo lời dặn, quả nhiên thắng lợi, dẹp được giặc Chiêm. Thái Tông định chọn đất ở trong kinh để lập đền thờ, nhưng chưa quyết định xong, vị thần đó lại báo mộng dựng ở mé hữu bên nội thành, sau chùa Thánh Thọ. Vua Thái Tông nghe theo bèn lấp đền thờ Ngài ở bên phải kinh thành, chỗ chùa Từ Ân.

Đền Đồng Cổ mới được tôn tạo

Không chỉ được các đời vua nhà Lý chú trọng, ở các thời kỳ lịch sử sau đó, di tích đền Đồng Cổ vẫn còn là chốn linh thiêng, vị thần Đồng cổ vẫn được trọng vọng lễ thờ (thể hiện qua hơn 40 đạo sắc phong) và đặc biệt là đã in đậm trong tâm thức dân gian.

Vào năm 1908, di tích là nơi được nhà yêu nước Lương Văn Can - thủ lĩnh phong trào Đông Kinh nghĩa thục chọn làm nơi giảng bài, giác ngộ tinh thần yêu nước. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đây là điểm tập kết của các dũng sĩ cảm tử trước khi tiến về Việt Bắc xây dựng căn cứ địa kháng chiến trường kỳ.

Trống đồng được coi là một "bảo vật", gắn liền với nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng. Nó vừa là biểu tượng của quyền uy, song rất đỗi gần gũi, gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Chính bởi vậy, việc thờ thần trống đồng đã trở thành một bộ phận tín ngưỡng dân gian. Về vị thần và sự tích Đồng Cổ nói chung cũng như với Đồng Cổ (ở Nguyên Xá) nói riêng được ghi chép nhiều (Việt điện u linh và Lĩnh nam chích quái của Lý Tế Xuyên; Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên...). Cho đến nay, chúng ta đã biết tới 3 di tích thờ thần Đồng Cổ (Đan Nê -Thanh Hoá; Đền Đồng Cổ ở Bưởi, Tây Hồ và Đền Đồng Cổ ở Nguyên Xá). Lắng đọng sâu xa và là linh hồn của mỗi di tích là hội thề Đồng Cổ, có lúc nó đã trở thành là một sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng quan trọng của kinh thành Thăng Long xưa. Mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau về đền thờ Đồng Cổ ở Hà Nội, giữa sử sách và truyền thuyết dân gian, giữa ngôi đền/miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá (Từ Liêm) và ngôi đền/miếu ở phường Bưởi (Tây Hồ).... song giá trị lịch sử - văn hoá của di tích là không thể phủ nhận.

Trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn những giá trị lịch sử - văn hoá của di tích, vào cuối năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với ngành văn hoá Hà Nội, tiến hành điều tra, khai quật di tích đền/miếu Đồng Cổ.

Nguyễn Văn Đoàn


https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/4858/di-tich-djen-mieu-djong-co-nguyen-xa-tu-liem-ha-noi.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.