Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

25/11/2021

Sông Tô Lịch ở thời điểm cuối năm 2021 (nhìn lại các dự án cải tạo)

Mở đầu là một tin vào tháng 10 năm 2021 (tin trao giải ý tưởng cho một dự án cải tạo sông Tô Lịch).

Tiếp theo là hai bài của VOV và trang Kinh tế môi trường.

Dưới đó là các cập nhật và bổ sung như mọi khi.


Tháng 11 năm 2021,
Giao Blog


---



(LĐTĐ) Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch vừa được nhận giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức.

Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 năm 2021 trao giải Ý tưởng cho dự án cải tạo sông Tô Lịch của JVE Group
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang và Chủ tịch Hội đồng giám khảo Bằng Việt trao “Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội” cho ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group

Trước đó, đề xuất hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh của JVE Group với mong muốn giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm, xây dựng một hệ thống hạ tầng chống ngập khổng lồ gắn với đường cao tốc ngầm, biến toàn bộ không gian kéo dài 15km của sông thành một công viên văn hóa đậm bản sắc văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội để phục vụ cộng đồng.

Mặc dù đề xuất vẫn cần tiếp tục hoàn thiện chi tiết về từng hạng mục công trình cũng như cần làm rõ hơn về tính khả thi, sau các cuộc bình chọn bằng phiếu, hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh đã được Hội đồng giám khảo trao giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội.

Kim Tiến

https://laodongthudo.vn/vi-tinh-yeu-ha-noi-lan-thu-14-nam-2021-trao-giai-y-tuong-cho-du-an-cai-tao-song-to-lich-cua-jve-group-132063.html


..



VOV.VN - Năm 2020, đã có rất nhiều ý kiến, dự án cải tạo sông Tô Lịch được đưa ra nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp nào thực sự khả thi và Tô Lịch vẫn là “mương nước thải” ô nhiễm của Thủ đô.

Nhiều nỗ lực hồi sinh Tô Lịch vẫn nằm trên giấy

Những năm qua, với mong muốn làm sạch và khôi phục phần nào vẻ đẹp vốn có của dòng sông Tô Lịch, Hà Nội đã nỗ lực với nhiều giải pháp khác nhau như việc dùng chế phẩm Redoxy3C của Đức để làm sạch nước, hay các đề xuất thu gom nước thải sinh hoạt xử lý tại nguồn trước khi cho chảy ra sông, đặc biệt là ý tưởng lấy nước từ sông Hồng, Hồ Tây tạo dòng chảy để rửa trôi và làm sạch sông Tô Lịch,… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã đề xuất các phương án làm sạch như dùng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, cải tạo thành giao thông thủy kết hợp du lịch,… nhưng vẫn không được như kỳ vọng.

Năm 2020, rất nhiều các cuộc họp, hội nghị, hội thảo,… đã được tổ chức để mổ xẻ vấn đề, tìm ra những giải pháp tổng thể, căn cơ làm sạch và hồi sinh dòng sông này sao cho phù hợp với đặc thù và những giá trị văn hóa, lịch sử của nó. Điển hình, ngày 15/9/2020, công ty cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) - đơn vị năm 2019 đã thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor - lại một lần nữa gửi công văn tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” hoàn toàn miễn phí. Hay việc, ngày 18/5/2020 một hệ thống cống gom nước thải ở thải bên bờ sông Tô Lịch được khởi công với mục đích đưa hàng trăm nghìn mét khối nước thải về nhà máy Yên Xá để xử lý nhằm chặn nguồn nước thải đổ trực tiếp vào dòng sông này… Tuy nhiên cho đến nay, sông Tô Lịch vẫn là dòng sông ô nhiễm trầm trọng.



Ông Nguyễn Hữu Hà (đã sống 41 năm ở đường Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Nước sông Tô Lịch ô nhiễm rất nặng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhất là mấy ngày trời nắng nóng như đổ lửa làm cho mùi hôi bốc lên cảm giác như muốn ngộp thở. Cuộc sống của chúng tôi rất ngột ngạt, ô nhiễm nhưng do hoàn cảnh nên đành phải chịu”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Yến (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Bao nhiêu năm qua chúng tôi chỉ ước ao thành phố xử lý hết ô nhiễm của dòng sông này. Tuy nhiên, có thể thấy ngần ấy năm trôi qua dòng sông này vẫn y nguyên. Chúng tôi giờ đây không còn sức kêu than nữa chỉ mong khắc phục hết mùi hôi thối là dân chúng tôi thấy tốt lắm rồi”.

Thận trọng với ý nghĩa lịch sử - văn hóa - tâm linh

Trong nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhằm hồi sinh dòng Tô Lịch, nhiều người đặc biệt quan tâm đến đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh. Ý tưởng này được đánh giá là tốt, nhiều chuyên gia cho rằng khá táo bạo, nhưng có phần “lãng mạn”, và còn băn khoăn về một số vấn đề.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Ai mà chăm sóc đến sông Tô Lịch thì cá nhân tôi đều ủng hộ, hoan nghênh. Việc phục hồi nguyên vẹn sông Tô Lịch sẽ rất khó nhưng để xây dựng cảnh quan, xử lý dòng nước sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường... như dự án của JVE đề ra có thể thực hiện. Nhưng với một dự án mang tầm cỡ như đề xuất này cần có cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định, nghiên cứu một cách cụ thể, rõ ràng. Giải pháp thực hiện như thế nào phải có sự nghiên cứu, đánh giá khoa học của các nhà chuyên môn chứ không thể dựa trên phát biểu chủ quan của bất cứ ai. Đây là dự án mang tính chất kinh tế nên nhà đầu tư luôn mong muốn không bị lỗ và nếu có lãi sẽ tốt. Do đó, việc cân bằng lợi ích như thế nào phải giám sát, xử lý cho tốt, tuy nhiên về ý tưởng cần hết sức hoan nghênh".

Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam cho rằng, tính khả thi thì dự án ôm đồm, cần chọn được điểm nhấn, nghiên cứu bài bản và cẩn trọng… không nên vội vàng.

“Ngay từ tên gọi “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” cũng đặt ra nhiều vấn đề khiến chúng ta không thể vội vàng. Các yếu tố Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh đều hàm chứa rất nhiều nội dung cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng, bài bản, thấu đáo. Một dự án mang tính cải tạo, thay đổi tính chất của dòng sông lịch sử theo chiều hướng tích cực không có nghĩa nội hàm của nó sẽ ôm đồm quá nhiều mà thiếu những cân nhắc, chọn lựa cần thiết”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ chia sẻ.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ nêu ví dụ: “Với nội dung xây dựng các lầu thủy đình hoặc hệ thống các tượng đài các vị vua sáng lập nên những triều đại trong lịch sử, khu vực quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị anh hùng dân tộc sẽ được dựng suốt dọc dòng sông… là một nội dung rất cần cân nhắc, bàn thảo kỹ, và phải đặt ra câu hỏi: “Có phù hợp hay không?”. Sông Tô Lịch chảy trong không gian thành phố, nếu chỉ đặt ra mục đích cải tạo, làm đẹp mà bỏ qua những thành tố quan trọng khác thì không được. Các hoạt động văn hóa tâm linh, tượng đài, và cả những hoạt động văn hóa nghệ thuật… đều cần được tổ chức trong những không gian, bối cảnh hợp lý, gắn với các yếu tố lịch sử và công năng ở từng nơi, từng địa điểm nơi dòng sông chảy qua. Hội Di sản văn hóa Việt Nam sẵn sàng phối hợp để cùng với các chuyên gia di sản, văn hóa, lịch sử, kiến trúc… góp thêm những tiếng nói tin cậy đối với ý tưởng cải tạo không gian dòng sông Tô Lịch”.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong đề xuất của JVE có việc sẽ kè sông thẳng đứng. Việc này ban đầu sẽ rất tốt, nhưng sau này nước sẽ không ngấm được xuống dưới lòng đất. Sông sẽ trở thành một kênh nổi, không có các loài thủy sinh như cá, tôm hay các sinh vật khác. Theo PGS.TS Trung, các đơn vị chỉ có thể kè đoạn một chứ không nên kè hết.

"Thêm một vấn đề chúng ta cần bàn đến là nguồn kinh phí thực hiện, duy tu sau khi hoàn thành. Trước khi đi vào thực tế, chúng ta phải kiểm soát quy trình thật chặt chẽ, kiểm duyệt nghiêm ngặt. Nhà thầu đưa ra đề xuất nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thẩm định năng lực nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần giám sát nhà thầu trong quá trình xây dựng và chăm sóc cho công trình sau này”, ông Trung nhận định.

Trong khi đó nhiều chuyên gia còn có những văn khoăn với chữ “tâm linh” trong đề án. Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) cho rằng: “Cải tạo là tốt, phát triển du lịch là tốt nhưng theo tôi đặt chữ tâm linh vào tên dự án không phù hợp cho lắm, giống như để thổi phồng dự án”.

Cùng chung quan điểm, TS Ngô Vương Anh cho rằng: “Sông Tô Lịch xứng đáng là một “dòng sông văn hóa - lịch sử” và hoàn toàn có thể lột xác - từ một dòng sông nội thành, một đường giao thông thủy nội địa trong lịch sử để phát triển thành “dòng sông du lịch”,…Tuy nhiên, cần thận trọng khi ghép chữ “tâm linh” vào trong ý tưởng”.

Giải pháp nào đề hồi sinh sông Tô Lịch?

PGS TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng cho biết, muốn cải tạo dòng sông cần thực hiện tốt công tác thu gom nước thải 2 bên bờ sông, không để xả thải trực tiếp xuống dòng sông. Cùng với đó, cần phải kết hợp cả cơ học và hóa học trong quá trình cải tạo.

"Do lòng sông chứa nhiều rác thải, nước đen, bùn bám ô nhiễm nên cần phải được nạo vét thường xuyên và dùng hóa chất kết hợp khử ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các dòng sông cũng vô cùng quan trọng. Bởi nếu chỉ xử lý quãng giữa nhưng đầu nguồn vẫn xả thải xuống thì sẽ không mang lại hiệu quả. Để hồi sinh sông Tô Lịch, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể và kiểm soát chặt chẽ, kiên nhẫn mới có thể thành công”, PGS TS Bùi Thị An nói.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Văn Khánh – Nguyên Giám đốc sở TNMT Hà Nội cho rằng: “Đầu tiên phải thu gom nước thải sinh hoạt để xử lý, cùng với đó là xử lý ô nhiễm dòng sông và bổ cập nước vào làm sông có dòng chảy. Mục tiêu lớn nhất là phục vụ thoát nước Hà Nội, cải thiện môi trường, xử lý ô nhiễm. Sau đó mới tính tới các mục đích khác như du lịch, giao thông,…”

Theo ông Khánh, hiện nay, TP. Hà Nội đang triển khai việc thu gom nước thải sinh hoạt 2 bên bờ sông về nhà máy Yên Xá. Tổng chiều dài ống cống hơn 50km, dự kiến sẽ giải quyết tận gốc vấn đề nước sông Tô Lịch. Khi nước thải sau khi thu gom sẽ được xử lý tại 2 trạm xử lý nước thải là Trạm xử lý Yên Sở (đã vận hành) và trạm Yên Xá (đang xây dựng), rồi sau đó bổ cập lại nước cho sông Tô Lịch cùng với các nguồn nước khác (nước Sông Hồng, qua Hồ Tây).

Nói về vấn đề này, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc tách nước thải khỏi dòng sông để xử lý riêng mới chỉ bước khởi đầu, muốn xử lý tận gốc ô nhiễm môi trường tại các con sông, thì trước hết phải gia tăng xử lý nước thải ở cuối các nguồn tại sông Tô Lịch, trong quy hoạch đã có. Từ đó nhân rộng ra các con sông khác tại Hà Nội. Ngoài ra, bên cạnh việc giải quyết vấn đề nước thải, Hà Nội cần đẩy nhanh thu hút mọi nguồn lực đầu tư.

“Khi dòng sông không còn ô nhiễm nữa, cần khai thác cảnh quan, thảm xanh quanh dòng sông để người dân được hưởng lợi. Nhưng việc này cần được nghiên cứu đồng bộ để phát triển dự án này tốt hơn”, ông Nghiêm chia sẻ thêm.

Theo các chuyên gia, muốn giải quyết triệt để phải xử lý tận gốc nguồn nước thải, cần làm theo 4 bước: Trước hết gom nước thải sinh hoạt theo đường đi riêng vào các nhà máy xử lý để làm sạch mới cho ra sông, tiếp đến là dùng công nghệ xử lý ban đầu lòng sông, thứ 3 là tạo ra dòng chảy thường xuyên và bước cuối cùng là tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân để giữ gìn môi trường bằng cách không xả chất thải ra sông Tô Lịch nữa./.

https://vov.vn/xa-hoi/to-lich-van-la-dong-song-chet-du-nhieu-phuong-an-cai-tao-duoc-dua-ra-827670.vov

..



Thứ sáu, 25/09/2020 06:08 (GMT+7

Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn?

Hơn 10 năm qua, rất nhiều ý tưởng cải tạo, xử lý ô nhiễm nghiêm trọng ở sông Tô Lịch (Hà Nội) được đưa ra nhưng chưa dự án nào được chấp thuận do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, không có nguồn lực để triển khai. Các dự án gắn mác “vốn tài trợ” đã làm lơ là sự cảnh giác, khiến nhà chức trách có nguy cơ quên bản chất “tài sản công” của sông Tô Lịch.

Dở dang hàng loạt ý tưởng “tân trang” sông Tô Lịch

Mới đây, Công ty Môi trường Việt - Nhật (JVE Group) đã gửi đề xuất lên lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Hà Nội về “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn? - Ảnh 1
Phối cảnh sông Tô Lịch sau cải tạo theo đề xuất của Cty JVE.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT JVE, ngoài việc thu gom nước thải ở bên ngoài và hai bên sông đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung thì cần xử lý nước bên trong lòng sông Tô Lịch bằng công nghệ sục khí Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ ô nhiễm. Sông Tô Lịch sẽ được kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay. Nếu làm được điều này, dòng sông vốn ô nhiễm sẽ được “hồi sinh” đúng nghĩa với dòng sông trong xanh, có thảm thực vật hai bên bờ cùng các khu vui chơi, giải trí, bãi đỗ xe phong cách Nhật Bản và dịch vụ thuyền rồng…

Trước đó, JVE Group được biết đến là đơn vị thực hiện Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản được khởi động vào ngày 16/5/2019. Một dự án sử dụng công nghệ chưa từng xuất hiện tại Việt Nam và gây ồn ào trong suốt quá trình triển khai.

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, sông Tô Lịch - một trong “tứ giác nước” của kinh thành Thăng Long xưa, luôn nhận đươc sự quan tâm của các nhà quản lý, giới chuyên gia, đặc biệt là các nhà đầu tư đề xuất giải pháp cải tạo dòng sông.

Hơn 10 năm trước, Công ty cổ phần Nước và môi trường Việt Nam cũng đã trình UBND TP.Hà Nội dự án “Cải tạo môi trường, cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng và du lịch trên sông Tô Lịch” gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư khái toán là 255 tỉ đồng. Chủ đầu tư đề xuất xây dựng một sàn bê tông kê lên mặt sông Tô Lịch với chiều dài khoảng gần 1km để xây dựng bãi đỗ xe, nhà hàng ăn uống, ki-ốt bán hàng, chợ ẩm thực... trên mặt sông. Dự án cuối cùng không được phê duyệt do vướng phải nhiều ý kiến phản đối.

Đến tháng 7/2019, trong kỳ họp HĐND TP.Hà Nội, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm – ông Dương Đức Tuấn đã đề nghị thành phố xem xét cống hóa kết hợp xây dựng các bãi đỗ xe thông minh đối với một số con sông có tính chất kênh, mương thoát nước, trong đó có sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đại biểu HĐND, chuyên gia, môi trường, đô thị, cấp thoát nước…

Vào tháng 11/2019, đề xuất xây dựng “lầu vọng nguyệt” dọc hai bờ sông Tô Lịch lại gây ồn ào, vấp phải ý kiến phản đối. Theo đó, UBND TP.Hà Nội xin ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện Dự án Xây dựng trạm bơm phổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Ông Lê Minh Châu, nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội đánh giá du lịch sông Tô Lịch sẽ phục vụ cho du lịch tâm linh nối liền các chùa ở hồ Tây đến đền Voi Phục, chùa Láng… Dọc 2 bờ sông Tô Lịch sẽ xây dựng nhiều nhà chờ theo kiến trúc đẹp như các lầu vọng nguyệt ở các triều đại nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn... Song dự án được đánh giá là rất khó thu hút tiền đầu tư do không có nguồn thu.

Đề xuất dự án mới để lấp liếm sự thất bại của dự án cũ?

KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, sẽ còn có nhiều sáng kiến, đề xuất khác nhằm cải tạo và khai thác sông Tô Lịch với nhiều mục đích khác nhau. Dòng sông có chiều dài 14km, có mặt cắt từ 20 – 30m này là không gian vàng đầy hứa hẹn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư bất động sản… Và giờ, lời khẳng định ấy có lẽ không chỉ đúng với hiện tại mà còn là dự đoán cho cả tương lai.

Thực tế, các ý tưởng cải tạo, khai thác dòng sông Tô Lịch liên tiếp được đưa ra bởi các tổ chức, doanh nghiệp song đến giờ, vẫn chưa có dự án nào được phê duyệt để triển khai.

Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn? - Ảnh 2
KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực ban chấp hành Hội KTS Hà Nội.

Theo KTS. Trần Huy Ánh, bản chất dòng sông Tô Lịch là công sản nhưng được gia tăng giá trị bằng dự án thoát nước và xử lý nước thải của Hà Nội do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tài trợ vốn tới 1,5 tỉ USD, đang gánh vác hai nhiệm vụ chính là thoát nước và xử lý nước thải của Thủ đô. Do đó, cần làm rõ nhiều nội dung bao gồm việc các nhà đầu tư tiếp vào đó thì sẽ thành sở hữu của ai, vì lợi ích của ai? Hay dự án sau đó biến thành sở hữu tư nhân, đem lại lợi ích cho nhóm đầu tư giống như bài học xương máu của kênh thoát nước Nghĩa Đô và kênh phố Phan Kế Bính.

“Đây là bài học đau xót của sự mập mờ trong việc quản lý công sản trong quản lý đô thị, sau khi ký xoẹt các văn bản, không biết ai được lợi nhưng để khắc phục Hà Nội đã phải bỏ ra cả trăm tỉ đồng, Nhà nước không thu được lợi nhưng vừa mất tiền, vừa mất hàng chục năm khiến dư luận bức xúc. Từ những bài học đó cần loại trừ những đề xuất viển vông, không có cơ sở”, KTS. Trần Huy Ánh nói.

Nhìn lại Dự án thoát nước và xử lý nước thải do JICA thực hiện với số vốn rất lớn, sau hơn 10 năm triển khai có những hạng mục đã quyết toán xong, nhiều hạng mục đang phải chi trả rất nhiều tiền gồm kè, cống, thoát nước, nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá… Hiệu quả của dự án đã hoàn thành nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải cho Hà Nội chưa khi mà mỗi đợt mưa to, cả thành phố lại ngập trong biển nước?

“Gần 300 cổng xử lý nước thải thô được đổ trực tiếp xuống sông Tô Lịch, phát tán ô nhiễm từ Bắc xuống Nam hơn 14km thì nhiệm vụ xử lý nước thải thực hiện như thế nào? Phải chăng là tiền bạc đổ xuống sông xuống biển và bây giờ đẻ ra một dự án để khỏa lấp sai lầm?”, KTS. Trần Huy Ánh đặt câu hỏi.

Cẩn trọng với nguồn vốn đầu tư “tân trang” sông Tô Lịch

Một trong những rào cản khiến nhiều dự án cải tạo, khai thác sông Tô Lịch thời gian qua chưa thể thực hiện là bài toán nguồn vốn đầu tư, nguồn thu.

Với dự án “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” mà JVE Group đang đề xuất lên Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, các giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Trước đó, tại Dự án xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) từng tuyên bố sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây, thành công thì sẽ cho Hà Nội thuê rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.

Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn? - Ảnh 3
Công nhân lắp tấm Bioreactor xuống khu vực thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch. (Ảnh: Báo Lao động)

Tuy nhiên, đến nay thông tin về kinh phí cho việc thực hiện Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản vẫn chưa được công bố.

Thời gian qua, JVE Group vẫn đang theo đuổi dự án cải tạo các sông, hồ ở Hà Nội với tuyên bố về công nghệ xử lý ô nhiễm hiện đại và nguồn vốn sẵn sàng.

Nhưng trước đề xuất “hồi sinh” sông Tô Lịch mới của JVE Group, KTS. Trần Huy Ánh đề nghị làm rõ thông tin về nguồn vốn đầu tư, cụ thể: vốn đầu tư xã hội hóa từ Nhật Bản là vốn tư bản hay vốn tư nhân, vốn không hoàn lại, là viện trợ hay là khoản vay ai? Ai sẽ thanh toán nợ vay…

Thực tế, từ quá trình triển khai các dự án đầu tư xã hội hoá, sự rõ ràng, minh bạch về nguồn tài chính cho một dự án quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội là rất cần thiết, đặc biệt là việc đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước, người dân, gìn giữ bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, cần làm rõ khái niệm nội hàm của tâm linh và tôn giáo có trong dự án “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bởi Việt Nam hiện có 38 loại tôn giáo chính thức được công nhận.

Các dự án đều cần phải trải qua một quá trình, nhất là dự án có liên quan đến môi trường, đô thị, quy hoạch, bảo vệ nguồn nước, tôn giáo, di sản. Do vậy, KTS. Trần Huy Ánh tha thiết mong muốn dư luận xã hội đóng góp ý kiến về dự án do JVE đề xuất trước khi cơ quan chức năng có quyết sách chính thức nhằm bảo tồn tài sản công, bảo vệ lợi ích của cả cộng đồng và loại trừ những rủi ro trong đầu tư.

Thành lập năm 2017, JVE Group có tiền thân là Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt, trụ sở tại Tầng 30, toà tháp Lotte Hà Nội, TP.Hà Nội. Với vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỉ đồng, công ty đã tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng với 100% vốn tư nhân. Cơ cấu cổ đông JVE Group gồm có: Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Anh chiếm đến 98% vốn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và ông Nguyễn Đức Anh nắm 1% mỗi người.

Dự án đầu tay mà JVE Group triển khai là làm sạch nước hồ Hạnh Phúc (Hải Phòng) bằng công nghệ thiên nhiên Bakture khi hợp tác với Tập đoàn Seibu Steel Nhật Bản; hợp tác với Tổ chức JEBO thực hiện dự án dự án “Nhà máy xử lý nước thải tại chỗ bằng công nghệ Nano-Bioreactor, không dùng hóa chất”, dự án cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”…

Vương Liễu

https://kinhtemoitruong.vn/du-an-cai-tao-song-to-lich-thay-gi-tu-cuoc-hoi-sinh-song-ban-21284.html


..




---

BỔ SUNG


2.

PGS Hà Đình Đức: “Cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm”

Thứ sáu, 7:00 AM 02/10/2020Xã hội

GiadinhNet – Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà sử học (NSH) Hà Đình Đức, đã có rất nhiều đề án, dự án cải tạo sông Tô Lịch được đưa ra từ cuối những năm 70 đến nay, nhưng tất cả đều không đạt được như kỳ vọng, nên nếu sông Tô được cải tạo là dấu ấn nghìn năm của Thủ đô.


Đề án cải tạo sông Tô Lịch thành một công viên lịch sử - văn hoá – tâm linh đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là các chuyên gia về môi trường, sử học, văn hoá.

Ngày 01/10, thông tin với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS NSH Hà Đình Đức cho rằng: "Ở góc độ chuyên gia và cả là góc độ người dân, tôi rất muốn dòng sông ô nhiễm Tô Lịch được cải tạo. Chỉ cần làm sạch phần nào để bớt ô nhiễm, bớt mùi hôi thối thôi, chứ chưa nói đến là "biến" sông này thành công viên hay điểm du lịch. Nếu như thực sự cải tạo được sông Tô Lịch thì đó là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải là dấu ấn trăm năm".

PGS Hà Đình Đức: “Cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm” - Ảnh 2.

Theo PGS.TS.NSH Hà Đình Đức, từ thời khai sinh ra dòng sông và trải qua các thời kỳ Đại La - Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội, sông Tô được biết đến là trung tâm, là cao điểm, là tiêu điểm, là tụ điểm, là linh điểm của Thủ đô. (Ảnh mô phỏng)

Lý giải cho sự quan điểm của mình, PGS Hà Đình Đức cho biết, dòng sông nào cũng có vận mệnh. Tô Lịch là tên của một nhân vật lịch sử họ Tô tên Lịch, từ cách đây 2.000 năm trước công nguyên.

Trải qua các thời kỳ Đại La - Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội, sông Tô Lịch được biết đến là trung tâm, là cao điểm, là tiêu điểm, là tụ điểm, là linh điểm của Thủ đô. 

Theo PGS Hà Đình Đức, vào thế kỷ thứ 10, 11, 12, sông Tô Lịch ở giai đoạn huy hoàng, rực rỡ nhất. Đây là giai đoạn người dân kinh thành đều ký thác cả đời sống văn hoá, tinh thần, đời sống kinh tế, đời sống quân sự vào dòng sông Tô.

PGS Hà Đình Đức: “Cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm” - Ảnh 3.

Theo PGS.TS NSH Hà Đình Đức, cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm. Ảnh: Ngô Nhung

Về nơi khởi nguồn của dòng nước sông Tô Lịch, PGS Hà Đình Đức cho hay: Sông Tô xưa là đường bao kinh thành, bắt nguồn từ sông Hồng bắc qua đoạn chợ Gạo (nay ở vị trí nền toà nhà Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam), đến dọc phố Nguyễn Siêu, hàng Buồm rồi kéo ra đoạn đường Phan Đình Phùng. Chính đoạn thành cổ ở phố Phan Đình Phùng ngày nay là hào của thành cổ sông Tô xưa. Sông Tô Lịch kéo dài dọc phố Thuỵ Khuê, lên đến khu đầu đường Hoàng Quốc Việt thì gặp sông Thiên Phụ (hiện sông này đã mất).

Ở thế kỷ 17, cảnh giao thương buôn bán trên sông vẫn diễn ra tấp nập. Sau này, do sự phát triển đô thị hoá, dòng sông bị ép hẹp dần. Cuối cùng thì sông Tô gần như là 1 rãnh thoát nước.

PGS Hà Đình Đức: “Cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm” - Ảnh 4.

Sông Tô Lịch hiện tại...

PGS Hà Đình Đức nhấn mạnh, ý định cải tạo sông Tô Lịch đã có từ rất lâu. Đặc biệt là cuối những năm 70, đầu những năm 80 (thế kỷ 20), Liên Hiệp quốc đã đưa ra dự án cải tạo sông Tô với hy vọng trở thành 1 con sông trong xanh, du lịch. Rồi những đề án cải tạo ở những năm 1998, 2000… nhưng tất cả đều không thành công.

Đến năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm. Cuối năm 2018, trước trận lụt lịch sử, người dân Thủ đô một lần duy nhất được chứng kiến sông Tô Lịch nước trong xanh, cuồn cuộn chảy.

"Đã nói là sông là phải có dòng chảy, sông không có dòng chảy ắt là sông "chết". Muốn làm sông "sống" lại, trước tiên là phải xử lý nước thải, tiếp đến mới tạo dòng chảy.

PGS Hà Đình Đức: “Cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm” - Ảnh 5.

...và sông Tô Lịch trở thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh trong tương lai do Công ty JVE mô phỏng.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, muốn mở rộng lòng sông thì phải kè lại bờ, kè thẳng đứng lên. Mà muốn kè được thì phải nạo vét, đào sâu lòng sông. Từ đó, mới có thể khai thác du lịch", PGS.TS NSH Hà Đình Đức nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cho rằng: "Nếu phương án cải tạo, phục hồi mà gắn liền với đời sống tâm linh, cảnh quan thiên nhiên thì rất đáng làm và cần làm".

Còn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì nhấn mạnh, sông Tô Lịch ở Hà Nội không chỉ là vấn đề mỹ quan mà còn là vấn đề sức khoẻ của cộng đồng. Vì vậy, không có lý do gì mà người dân không ủng hộ việc "biến" một nguồn tài nguyên đã "chết" thành một nguồn tài nguyên "sống".

Sông Tô Lịch dài khoảng 15km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ (đoạn xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải.

Theo ước tính của Sở TN&MT Hà Nội, mỗi ngày 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.

Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã có công văn, báo cáo gửi tới lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hà Nội về đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Cụ thể, giải pháp tổng thể sẽ giải quyết các vấn đề như: Thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...

Bảo Loan

https://giadinh.net.vn/pgs-ha-dinh-duc-cai-tao-duoc-song-to-lich-la-dau-an-ngan-nam-cua-thu-do-chu-khong-phai-tram-nam-172201001161322946.htm




2.

Chủ tịch JVE: Sông Tô Lịch không phải nơi kiếm tiền!

22/09/2020 15:16 GMT+7
Sáng 22/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt tổ chức thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành 'Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ Nhật Bản.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt (JVE - đơn vị tham gia xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch), có nhiều ý kiến nghi ngờ JVE xây dựng công trình để thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, người đứng đầu JVE khẳng định, "sông Tô Lịch không phải là nơi kiếm tiền, không phải nơi Nhật Bản kiếm lợi nhuận".

Chủ tịch JVE: Sông Tô Lịch không phải nơi kiếm tiền!
JVE thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ Nhật Bản.

Trả lời câu hỏi công viên sẽ được vận hành và duy trì như thế nào, đại diện JVE khẳng định, JVE không đặt điều kiện với TP Hà Nội về việc quản lý nguồn thu hoặc kinh doanh. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch trong lòng sông như thuyền rồng, giao thông bằng đường thuỷ hay một số dịch vụ khác sẽ được Hà Nội thu để làm công ích, hoặc có thể trang trải một phần chi phí công cộng như điện.

JVE lý giải, việc tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ Nhật Bản sẽ góp phần giảm chi phí điện chiếu sáng. Cùng với đó, máy Nano chỉ sử dụng 6/24 giờ, không phải vận hành 24/24 khi sông đã được làm sạch. Điều này cũng góp phần giảm chi phí điện xuống đáng kể, không ảnh hưởng quá lớn đến vấn đề duy tu bảo trì.

"Chúng tôi cố gắng để chi phí duy trì xuống mức thấp nhất có thể", đại diện JVE thông tin thêm.

Trả lời câu hỏi công viên sẽ được vận hành và duy trì như thế nào, đại diện JVE khẳng định, JVE không đặt điều kiện với TP Hà Nội về việc quản lý nguồn thu hoặc kinh doanh. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch trong lòng sông như thuyền rồng, giao thông bằng đường thuỷ hay một số dịch vụ khác sẽ được Hà Nội thu để làm công ích, hoặc có thể trang trải một phần chi phí công cộng như điện.

JVE lý giải, việc tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ Nhật Bản sẽ góp phần giảm chi phí điện chiếu sáng. Cùng với đó, máy Nano chỉ sử dụng 6/24 giờ, không phải vận hành 24/24 khi sông đã được làm sạch. Điều này cũng góp phần giảm chi phí điện xuống đáng kể, không ảnh hưởng quá lớn đến vấn đề duy tu bảo trì.

"Chúng tôi cố gắng để chi phí duy trì xuống mức thấp nhất có thể", đại diện JVE thông tin thêm.

Chủ tịch JVE: Sông Tô Lịch không phải nơi kiếm tiền!
Hình ảnh mô phỏng về đề xuất xây dựng "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”.

Về dư luận xung quanh việc gắn chữ “tâm linh” trong tên của Dự án đề xuất, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: "Những yếu tố dịch vụ tâm linh hay những tượng đài... không phải là việc bị cấm, vấn đề là có hợp lý hay không. Theo các chuyên gia văn hóa, tâm linh có ý nghĩa rất rộng nhưng không liên quan gì đến việc xử lý chất thải".

“Có nhiều chuyên gia lại nói rằng “tâm linh” có ý nghĩa rất rộng nhưng không liên quan gì đến việc xử lý chất thải”. Chuyên gia nói như vậy là cố tình nói chệch hướng vấn đề.

Bởi, trước khi dòng sông được xử lý triệt để mùi hôi thối, ô nhiễm, thì sẽ không ai đặt tượng đài vào. Dự án xử lý triệt để các nguồn ô nhiễm cả bên trong và bên ngoài sông Tô Lịch, từ đó làm sống lại và hồi sinh dòng sông mà trước kia vua, quan vẫn thường vãn cảnh, sau đó mới đặt các tượng đài”, Chủ tịch JVE nhấn mạnh.

Nói về tính khả thi của dự án, GS Trần Hiếu Nhuệ (Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường) nhận định: "Nếu dự án thành công, người dân Hà Nội, người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ dự án này. Để biến dự án này thành hiện thực thì các chuyên gia, những người thực hiện đề xuất này cần thời gian, tiến hành cải tạo từng bước".

Chủ tịch JVE: Sông Tô Lịch không phải nơi kiếm tiền!
GS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường.

Vấn đề thời gian làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Để dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công, việc đồng bộ giữa các dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong vòng 4 năm (đã thực hiện được 6 tháng) cùng với dự án thu gom nước thải là điều cần thiết. Theo tính toán, khi dự án cải tạo sông Tô Lịch được thực hiện song song với những dự án trên thì mất tối thiểu 5 năm (2021- 2026) để hoàn thành".

Trước đó, hồi tháng 5/2019, một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây đã được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản và thu được kết quả bước đầu khá tích cực.
Ngày 15/9/2020, JVE gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất “giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Đề xuất này ngay lập tức khiến dư luận xôn xao. Đa số ý kiến mong chờ việc “hồi sinh” dòng sông gắn liền với lịch sử Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu về hai chữ “tâm linh” trong tên dự án.

Anh Hùng

https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/du-an-ca-i-ta-o-song-to-li-ch-van-hanh-the-nao-264750.html

..

1


6/11/2019 8:51:00 AM

Giới thiệu một số ý tưởng đề xuất một số giải pháp nhằm cải tạo môi trường sông Tô Lịch. Với mô hình sông Tô Lịch có thể áp dụng cho các sông khác ở nội đô nhằm phát huy tiềm năng quý giá vốn có của con sông phục vụ phát triển Thủ đô.

Đề xuất giải pháp cải tạo sông Tô Lịch Hà Nội nhằm đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả cao, môi trường trong sạch, hướng đến phát triển giao thông, du lịch bền vững

       


      Tọa đàm: Đề xuất giải pháp cải tạo sông Tô Lịch đảm bảo tiêu thoát nước hiệu
quả, môi trường sạch, hướng đến phát triển giao thông, di lịch bền vững
(THXDVN tháng 5/2019)

Sông Tô Lịch là một con sông nhỏ, chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội, là tài sản – tàinguyên vô cùng quý giá đối với Thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua các quận huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang.

Sông Tô Lịch là một đường bao của kinh đô Thăng Long xưa, nó là một cạnh của tứ giác kinh thành Thăng Long.

Xưa kia sông Tô Lịch còn gọi tắt là sông Tô - một sông cổ của Thăng Long. Ngày trước, sông sâu nước trong, hai bên bờ buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền. Phố phường đầu tiên tập trung ở đầu sông Tô nơi thông ra sông Hồng. Theo dòng sông Tô có thể đi thuyền qua các phố phường Thăng Long. Và cũng có thể theo sông Hồng qua cửa Hà Khẩu vào sông Tô, từ phía Nam ra cũng có thể qua sông Đáy, sông Nhuệ, vào kinh thành bằng sông Tô.

Sông Tô Lịch vốn từng là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ thượng lưu ở sông Hồng sang sông Nhuệ. Đến đoạn trung lưu, nó gặp hồ Tây và một phần nước từ hồ Tây được cung cấp cho đoạn sông từ đó đến hạ lưu(Sách Đại Nam nhất thống chí soạn giữa thế kỷ 19).

Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ phường Nghĩa Đô thuộc quận Cầu Giấy (phía nam đường Hoàng Quốc Việt), chảy cùng hướng với đường Bưởi, đường Láng, đường Khương Đình và đường Kim Giang về phía Nam, Tây Nam rồi ngoặt sang phía Đông Nam rồi đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì dài 14,4km. Dọc sông Tô Lịch có gần 200 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt qua các cống đổ trực tiếp xuống dòng sông (Hình 1).

Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho dòng sông Tô. Hiện nay sông Tô Lich có nhiều tồn tại: Dòng chảy sông Tô Lịch không được thông thoát, nước thải từ các khu dân cư đổ trực tiếp vào dòng sông gây mùi hôi thối, tạo thành lớp bùn dưới đáy sông dầy khoảng trên 1m (Hình 2), mỗi năm dầy thêm khoảng 10cm.

Môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng (Hình 3), mái kênh có chỗ bị biến dạng sụt lún (Hình 4). Thiếu hẳn hệ thống thu gom nước thải riêng để xử lý rồi cấp nước cho dòng sông nên tạo ra sự ô nhiễm nặng nề. Mặt cắt hình thang hiện tại đối với dòng sông 2 trong đô thị là không hợp lý, gây lãng phí lớn tài nguyên đất đai vô cùng giá trị ở gần trung tâm thủ đô Hà Nội. Nếu có mặt cắt hợp lý, có thể sử dụng đất hai bên dòng sông để mở rộng giao thông, bãi đỗ xe, tạo cảnh quan đô thị và phát triển tiểu khu dịch vụ giải trí.

           


Từ cuối những năm 1990, sông Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm. Sông có nhiệm vụ tiêu thoát nước (nước thải, nước mưa) cho khu lưu vực khoảng 4.874ha với dân số 900.000 người (tính đến năm 2020). Do nước sông bị ô nhiễm ngày càng năng nề, năm 2009 công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đề xuất đề án dùng nước Sông Hồng bổ sung cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây, qua hai cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để giúp làm sạch nước trong sông. Nhiều giải pháp khác như thả bè nuôi thủy sinh, triển khai dự án xây dựng cải tạo nâng cấp đường bờ sông Tô Lịch kết hợp xử lý nguồn nước bằng dùng chế phẩm vi sinh, hóa sinh…

Những năm gần đây, Thành phố Hà Nội rất quan tâm đến việc làm sạch nước sông Tô Lịch. Ngày 7/10/2016, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ khởi công dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Mục tiêu dự án sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng nước và làm trong sạch lại các sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ. Gần đây nhất 5/2019 Đoàn chuyên gia của Nhật bản nghiên cứu hiện trạng sông Tô Lịch, đã đưa vào giải pháp thí điểm sử dụng Công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản để phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, sẽ xử lý căn cơ và triệt để nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch.

Trên thực tế hàng ngày dòng sông Tô Lịch vẫn phải nhận 150.000m3 nước thải bẩn đổ vào không kiểm soát được từ 200 cống lớn nhỏ có đường kính D=100-:-1800mm và loại cống hộp 1,2-:-5,5m ở hai bên bờ đổ thẳng vào sông Tô Lịch.

Trên thế giới các dòng sông chảy qua thành phố, hai bên bờ hầu hết được kè thẳng đứng và nước thải được thu gom vào đường riêng.

Từ nghiên cứu thực tế và ý kiến của các chuyên gia thì bước đầu tiên là phải gom nước thải sinh hoạt vào đường riêng, xử lý đúng tiêu chuẩn rồi mới đổ ra sông Tô Lịch.

Phải làm được bước này thì bước tiếp theo cải tạo sông Tô Lịch mới có hiệu quả. Vì vậy tác giả đề xuất giải pháp cải tạo sông Tô Lịch nhằm đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả cao, môi trường trong sạch, hướng đến phát triển giao thông, du lịch bền vững.

Mục tiêu đặt ra là đảm bảo tiêu thoát nước thải hiệu quả cao, môi trường trong sạch, góp phần phát triển giao thông, dịch vụ du lịch bền vững, nhằm khai thác sử dụng hiệu quả dòng sông Tô Lịch – Dòng sông quý giá giữa Thủ đô.

Với giải pháp cải tạo sông Tô Lịch từ mặt cắt hình thang chuyển thành mặt cắt có lợi  nhất hình chữ nhật (Hình 5) chiếm ít diện tích đất đai, có khả năng trữ nước giảm ngập lụt cho thành phố.

Nếu chỉ cần đào sâu thêm 0,5-1m, sông Tô Lịch có thể chứa được khoảng gần hai triệu m3. Việc xây dựng hệ thống “Kênh kỹ thuật” ngay trong lòng sông cũ chạy dọc hai bên bờ sông tách biệt với kênh sông chính đảm bảo tiêu thoát nước thải sinh hoạt thường ngày. Nước thải sinh hoạt được đưa về các trạm xử lý trước khi đổ vào dòng sông cùng với nguồn nước bổ sung khác sẽ tạo ra dòng chảy sạch. Hai bên bờ sông được gia cố bằng hệ thống cừ bê tông cốt thép dự ứng lực tạo mặt cắt hình chữ nhật sẽ thi công nhanh không bị ảnh hưởng thời tiết. Sử dụng ngay lòng sông làm mặt bằng thi công sẽ ít ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng đang tồn tại hai bên bờ sông và hoạt động của đường phố.

 

Việc xây dựng hai bên bờ sông hệ thống “Kênh kỹ thuật” tách rời với sông chính để dẫn nước thải chủ động về trạm xử lý – Đây là giải pháp rất cơ bản để làm sạch sông Tô Lịch. Kênh kỹ thuật này có thể nghiên cứu kết hợp lắp đặt các thiết bị hạ tầng (ống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, cáp viễn thông..).

Với phần đất tiết kiệm được từ thay đổi mặt cắt sông có thể sử dụng phát triển giao thông (tĩnh, thủy),xây dựng các tiểu khu dịch vụ du lịch trên dọc tuyến sông dài 14,4km.

Để đảm bảo nước đủ tiêu chuẩn cung cấp thường xuyên cho dòng chảy sông Tô Lịch, dọc theo dòng sông sẽ quy hoạch các trạm xử lý nước thải. Nước sau xử lý sẽ được bơm vào sông Tô Lịch hoặc tận sử dụng nước thải đã qua sử lý cho phát triển kinh tế, xã hội.

Để nước sông Tô Lịch luôn luôn có độ sâu nhất định, có thể dùng biện pháp công trình lấy nước bổ sung từ sông Hồng và xây dựng đập giữ nước ở cuối sông trước khi đổ vào sông Nhuệ.

Theo quan sát thực tế cho thấy mỗi khi có mưa lớn, nước trong lòng sông Tô Lịch được pha loãng làm giảm độ ô nhiễm. Vì vậy cũng cần có biện pháp công trình tận dụng nước mưa bổ sung cho dòng chảy sông Tô Lịch.

Trên đây là một số ý tưởng đề xuất một số giải pháp nhằm cải tạo môi trường sông Tô Lịch. Với mô hình sông Tô Lịch có thể áp dụng cho các sông khác ở nội đô nhằm phát huy tiềm năng quý giá vốn có của con sông phục vụ phát triển Thủ đô.

PGS.TS Đỗ Văn Hứa – Trưởng ban KHCN

Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

http://tonghoixaydungvn.vn/tabid/170/catid/325/item/7430/de-xuat-giai-phap-cai-tao-song-to-lich-ha-noi-nham-dam-bao-tieu-thoat-nuoc-hieu-qua-cao-moi-truong-trong-sach-huong-den-phat-trien-giao-thong-du-lich-ben-vung.aspx
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.