Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/08/2021

Từ mới tiếng Việt 2021 : sau "thu giá" và "học giá", bây giờ là "di biến động dân cư"

Trước đây, đã có những từ "thu giá" (đại diện đề xuất là ông Nguyễn Văn Thể) và "học giá" (đại diện đề xuất là ông Phùng Xuân Nhạ). Họ đã kịp kẻ biển thu giá ở nhiều nơi. Sau thì vì là một từ không hợp lí (tôi chưa nghĩ ra tên gọi cho những từ loại như thế này), bị dân phản đối quá, nên người ta phải bỏ đi. Các biển ghi thu giá đã phải hạ xuông. Đọc lại trên Giao Blog ở đây (năm 2018).

Bây là là chuyện của tháng 7 và tháng 8 năm 2021.


Ở quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng
(nguồn ờ đây)

(đang viết)







---

TƯ LIỆU



4.


Thứ năm, 16/09/2021 - 14:18

"Đọc chỉ thị mà đến khi hiểu được đã hết nửa thời gian giãn cách?"


Cách dùng từ ngữ trong văn bản mà một số cơ quan hành chính ban hành thời gian gần đây liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang khiến cả người dân và cơ quan cấp dưới đôi khi bị "rối".

Có thể dẫn chứng bằng các từ/ cụm từ "thu dung", "di biến động dân cư" gắn liền với các diễn biến dịch Covid-19. Có người đánh giá, đây là "kiểu tạo từ mới không có căn cứ khoa học, không có logic ngữ pháp, cần phải được chấn chỉnh và loại trừ" bởi chức năng chính của ngôn ngữ là để giao tiếp và hiểu nhau. Nếu một cụm từ dù được ghép đúng ngữ pháp và "đẹp" thế nào mà đa số người nghe/ đọc không hiểu thì không nên dùng!

Ngày 15/9, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, xuất phát từ thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc triển khai nhiệm vụ này phải dựa trên căn cứ khoa học, nhưng việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch tới cấp cơ sở, tới người dân phải rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện...

Còn theo Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm KHXHVN) cách dùng cụm từ "di biến động dân cư" nghe rất lạ tai, kiểu cách và dẫn đến sự khó tiếp nhận đối với đông đảo quần chúng. Cách lắp ghép giữa "di" và "biến động" cũng là cách lắp ghép chưa từng xuất hiện trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trên tất cả các loại văn bản chính thức.

Có người còn chỉ ra rằng, còn một số từ ngữ cũng đang dùng nhiều nhưng không có tính chính xác như "phương án", "tình huống" và "kịch bản". Theo Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, "phương án" thuộc về tương lai gần, là thứ chưa xảy ra nhưng có thể nó sẽ đến rất nhanh. Với từ "kịch bản" thì sắc thái về vận động không cao như "phương án" hay "tình huống", nó chỉ là thứ chuẩn bị sẵn và chưa xác định rõ khi nào sẽ dùng.

Như vậy, trên trục thời gian, "kịch bản" đa phần là thứ đã xuất hiện ở trước thời điểm hiện tại. Nhận rõ sự khác biệt giữa ba khái niệm này là việc cần thiết để việc sử dụng từ ngữ được chính xác.

Dẫn chứng thêm điều này, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, từ "hàng hóa thiết yếu, thực sự cần thiết" trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là vô cùng dễ hiểu. Tuy nhiên, đến Chỉ thị 20 của TP Hà Nội lại đưa ra từ ngữ khác đi để cùng diễn đạt ý tương tự, đó là từ: "Dịch vụ công ích thiết yếu". Chính điều này đã gây rối cho cả người dân và cơ quan cấp dưới.

Đọc chỉ thị mà đến khi hiểu được đã hết nửa thời gian giãn cách? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Mới đây nhất, tại văn bản số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, người dân thủ đô lại thêm một lần nữa băn khoăn về tính khó hiểu của nó.

Cụ thể, việc phân 4 nhóm nguy cơ tại văn bản mới: "Nguy cơ rất cao", "Nguy cơ cao", "Nguy cơ" và "Bình thường mới" có phải là tương ứng vùng đỏ, cam, vàng, xanh không, hay là định nghĩa mới?

Ba nhóm cơ sở kinh doanh được phép hoạt động, nhưng nhân viên đi làm có cần giấy đi đường không? Hay công ty cứ mở còn nhân viên cứ ở nhà? Nhân viên nhà ở vùng "rất cao", "cao" và "có nguy cơ" đi làm ở vùng "bình thường mới" có được không? Cần giấy tờ gì?

Đọc chỉ thị mà đến khi hiểu được đã hết nửa thời gian giãn cách? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Cho dịch vụ mở mà không nhắc đến shipper tức là cho dân ra đường đi mua đồ ăn, mua sách và bê ti vi đi sửa? Nếu đúng, có cần giấy của phường không? Nếu không đúng, mua đồ bằng cách nào? Hay cửa hàng được bán nhưng dân không được mua?

Luật sư Lực cho rằng: ""Chống dịch như chống giặc", người dân, người quản lý như người lính chiến đấu với kẻ địch. Ấy vậy mà cầm vũ khí, mệnh lệnh là công văn, chỉ thị mà loay hoay không biết phải hiểu thế nào, sử dụng vũ khí đó ra sao. Đến khi tìm ra cách sử dụng, sử dụng được thì hết nửa thời hạn giãn cách".

Qua đây cơ quan quản lý hành chính cần nâng cao trình độ soạn thảo ban hành các văn bản trong lĩnh vực quản lý hành chính. Bởi văn bản tùy tiện, thiếu cân nhắc, đưa ra từ ngữ phức tạp sẽ để lại hậu quả khi áp dụng. Một từ đa nghĩa, một câu không rõ ràng, một dấu chấm, dấu phẩy không đúng chỗ có thể gây ra hệ lụy kinh tế, tâm lý nghiêm trọng cho hàng triệu con người.

Đọc chỉ thị mà đến khi hiểu được đã hết nửa thời gian giãn cách? - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Bình luận về nội dung này, bạn đọc Như Ngọc viết: "Yêu cầu sử dụng ngôn ngữ trong văn bản cần phải chính xác, phổ thông. Điều này tại một số văn bản chưa đáp ứng được, có thể do người biên tập văn bản sử dụng từ ngữ theo thói quen, mà đó có thể là thói quen dùng từ sai. Hoặc trong khi sử dụng từ phát âm sai dẫn đến việc sử dụng ngôn ngữ không chính xác.

Việc dùng từ trong văn bản đòi hỏi từ phải dễ hiểu, mà các từ dễ hiểu là các từ phổ thông, đọc lên mọi người đều có thể hiểu ngay vấn đề. Một đòi hỏi khác là dùng từ phải chính xác để không gây nhầm lẫn cho người sử dụng, muốn vậy dùng từ phải đúng nghĩa của từ. Trong tiếng Việt có những từ phát âm giống nhau hoặc gần giống nhau, khi sử dụng phải nắm rõ nghĩa của những từ dạng này để sử dụng cho đúng". 

"Mặc dù với người "dễ tính" thì những điều chưa chuẩn xác trong những văn bản đó vẫn có thể chấp nhận được! Tuy nhiên, rất nên chấn chỉnh đối với những "lỗi cơ bản" - khi nó chưa trở thành "cái phổ biến" trong cách hiểu của mọi tầng lớp nhân dân. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là hạn chế sử dụng từ Hán Việt và không tạo từ mới kiểu chơi chữ, đánh đố cộng đồng. Người sử dụng ngôn ngữ tài giỏi là phải dùng từ sao cho dễ hiểu, mà Bác Hồ là một tấm gương", bạn đọc Hải Linh chia sẻ.

Ngọc Hân

https://dantri.com.vn/ban-doc/doc-chi-thi-ma-den-khi-hieu-duoc-da-het-nua-thoi-gian-gian-cach-20210916122244162.htm?fbclid=IwAR05EhiOYojDcrxtmnO2oBQeKRwrgj9cnVrcSKd0ETUbk3MTJumkzpF7BbY



3.

Hà Nội: Giãn cách đến ngày 6/9, giám sát chặt di biến động của người dân

Hà Nội vừa chính thức quyết định tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 trên phạm vi toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có Công điện số 19 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 trên phạm vi toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội: Giãn cách đến ngày 6/9, giám sát chặt di biến động của người dân
Tổ công tác đặc biệt số 1 Công an Hà Nội làm nhiệm vụ sáng 20/8. Ảnh: Phạm Hải

Kiên quyết thực hiện "ai ở đâu ở đó" 

Hà Nội yêu cầu người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch tại Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND Thành phố theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; thôn xóm cách ly với thôn xóm; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh. Kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.

Lãnh đạo Hà Nội lưu ý đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm, cơ quan, doanh nghiệp … là một pháo đài chống dịch. 

Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự của Thành phố và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. Đề nghị mọi người dân và tổ chức, doanh nghiệp chấp hành nghiêm; tham gia đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch của Thành phố.

TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Trung ương và Thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội; siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, đảm bảo đúng đối tượng và quy định của Thành phố; chịu trách nhiệm trước chính quyền Thành phố và pháp luật trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động đánh giá tình hình và có thể quyết định các biện pháp cao hơn phù hợp thực tiễn của từng địa phương để kịp thời ngăn chặn, bóc tách nguồn lây trong thời gian ngắn nhất; đồng thời phải đảm bảo việc cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích…nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần. 

Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ di biến động của người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gồm hoạt động tham gia giao thông, hoạt động của các cơ quan, công sở, sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và chỉ được hoạt động trong các khung giờ quy định; tuân thủ việc khai báo bằng mã QR Code, quy định phòng chống dịch của Thành phố; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Không sót các đối tượng nguy cơ cao

Sở Y tế được giao chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao để tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cụ thể, chỉ đạo tổ chức truy vết bảo đảm không để sót đối tượng nguy cơ cao (F1) theo đặc thù dịch tễ của biến chủng mới.

Nâng cao năng lực xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm theo kế hoạch đảm bảo an toàn, chính xác và trả mẫu trong 12 giờ với các đối tượng nguy cơ cao (F1) và trong 24 giờ với các mẫu còn lại.

Đảm bảo khả năng thu dung điều trị 30.000 F0; triển khai phương án đáp ứng điều trị y tế gồm: Nhân lực y tế, oxy y tế, các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết... Tổ chức các tầng điều trị phù hợp, hiệu quả để giảm thiểu các trường hợp chuyển nặng và tử vong. Bố trí năng lực phù hợp với điều kiện của từng khu vực, từng tầng điều trị đảm bảo khả năng chống dịch lâu dài...

Giám sát chặt người ra đường

Công điện 19 yêu cầu Công an Thành phố tổ chức triển khai kịp thời các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành của người dân khi ra đường và các phương tiện tham gia giao thông; việc cấp giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không đúng quy định.

Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội và sẵn sàng tham gia hỗ trợ người dân tại các địa phương trong sinh hoạt, công tác thu hoạch mùa màng…; phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã nâng công suất, khả năng cách ly tập trung đáp ứng 70.000 chỗ cho đối tượng F1; kiểm soát chặt chẽ các khu cách ly tập trung của Thành phố và tại các quận, huyện, thị xã đảm bảo hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng.


Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ khai giảng truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tạo không khí phấn khởi cho giáo viên, học sinh; triển khai công tác giảng dạy năm học mới 2021 - 2022 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch của UBND Thành phố đảm bảo an toàn, phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh và điều kiện thực tiễn của các địa phương và Thành phố.

TP Hà Nội cũng yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành chủ động phương án tổ chức thực hiện để bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, mất ổn định thị trường, thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ găm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây hoang mang trong dư luận; đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc.

>>XEM TOÀN VĂN CÔNG ĐIỆN SỐ 19.

Hương Quỳnh

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ha-noi-gian-cach-den-ngay-6-9-giam-sat-chat-di-bien-dong-cua-nguoi-dan-767721.html




2.

Thứ ba, 17/8/2021, 00:01 (GMT+7


Những người phải ‘di biến’





Nguyễn Lân Dũng

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân

Tôi từng trải qua những ngày thiếu đói nên biết rằng, người nghèo chẳng nghĩ được gì xa hơn câu hỏi ngày mai sẽ sống ra sao.

Sau Cách mạng tháng Tám, cả nhà tôi lên đường tham gia kháng chiến. Ngày ấy, mọi người chỉ nghĩ tản cư là đi ít lâu thôi cho nên gia đình tôi đã để lại tất cả đồ đạc ở Hà Nội, chỉ mang theo đồ dùng tối thiểu.

Cha tôi khi đó làm Giám đốc giáo dục Liên khu X nhưng làm gì có lương, mỗi tháng chỉ có 53 kg gạo. Ông dành 20 kg buộc sau gác baga, đi kinh lý khắp liên khu trên một chiếc xe đạp. Còn lại, mẹ tôi xoay xở với 33 kg gạo để gánh vác cả đàn con 6 đứa đang tuổi ăn học.

Có thời kỳ ở Yên Bái, cả nhà phải hấp sắn lưu niên - loại sắn già, to như bắp chân người dân bỏ lại trên rừng - nạo ra rồi ăn với muối ớt qua ngày. Còn thời ở Phú Thọ, mẹ mua thóc cùng với chị tôi xay giã, dần sàng để lấy lãi từ chỗ cám. Đến khi ở Thái Nguyên, mẹ và chị tìm mua quần áo rét của những người tản cư từ Hà Nội, mang vào các bản bìa rừng đổi lấy gạo của người dân tộc Trại.

Hòa bình lập lại, cả nhà về Hà Nội và ở nhờ nhà người bạn của cha tôi tại phố Yết Kiêu. Mẹ nhận bán đường cho mậu dịch. Cả nhà xúm vào dán bao và cân đong từng cân đường để bán theo tem phiếu cho dân chúng. Sau này, cha tôi được phân một căn hộ 21 mét vuông ở khu tập thể Kim Liên. Từ căn phòng nhỏ bé ấy, tám anh chị em tôi trưởng thành.

Nhớ lại những ngày ăn hôm nay phải lo bữa mai, tôi rất hiểu những người lao động. Khi trong nhà không có tích lũy, họ thường không nghĩ được gì hơn là phải thoát ra khỏi nỗi lo đứt bữa trước đã.

Trong những đoàn xe máy rời khỏi Sài Gòn hôm kia, tôi đoán có lẽ nhiều người đang phải lo như thế. Tôi cũng có nỗi lo của mình vì con trai tôi đang tham gia chống dịch tại phía Nam.

Tôi gọi điện cho con, động viên và nhắc bảo trọng khi ở trong "vùng đỏ" tâm dịch. Bác sĩ Lân Hiếu đi lần này là lần thứ bao nhiêu tôi không nhớ hết. Cháu cùng các bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu và nhiều điều dưỡng viên từng tham gia chống dịch nhiều đợt suốt từ năm ngoái ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam nước ta. Dù cháu và các đồng nghiệp đã tiêm đủ hai mũi vaccine và thường xuyên được lấy mẫu để kiểm tra virus, nhưng tiếp xúc ngày đêm với F0 cũng thật nguy hiểm.

Chính vì thế, vợ chồng tôi rất sợ những đám đông dân chúng hồi hương sẽ tiếp tục gây bùng phát Covid, khiến TP HCM đang chật vật chống dịch càng thêm khó khăn.

Virus hết sức bé nhỏ, nhỏ hơn vi khuẩn hàng trăm lần nên chỉ thấy được dưới kính hiển vi điện tử. Chúng lơ lửng trong không trung rất lâu sau khi phát tán từ người bệnh. Đó là dạng sol với các giọt nước và hạt bụi siêu mịn. Sáng ngủ dậy, trong phòng tối um, nhưng có một vệt nắng lọt qua khe cửa. Ta nhìn thấy trên vệt nắng này hàng tỷ các sol bụi và nước bay bổng, nhào lộn một cách mạnh mẽ. Chính vì vậy, Covid chủng mới đâu chỉ lây nhiễm khi trò chuyện cách nhau hai mét, chúng có thể lây lan khi con người đứng gần nhau mà không cần phải nói chuyện với nhau.

"Biến chủng Delta khiến diễn biến của người bệnh có nhiều thứ không thể ngờ", Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói. Theo Bộ Y tế, đến chiều 16/8, tổng số ca tử vong tại Việt Nam là 6.141 ca, tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc. Lượng bệnh mới quá lớn, bệnh viện đều đang quá tải.

Vậy mà, trào lưu hồi hương lại tái phát. Việc người từ vùng dịch đi khắp đất nước quá nguy hiểm. Nếu vô tình dồn dân vào các đám đông, số ca nhiễm sẽ còn tăng thêm nữa. Chưa kể, nông thôn đang yên lành bỗng nhiên tiếp nhận hàng vạn người từ "vùng đỏ" về, khác gì đem mồi lửa phát tán về các thôn xóm đang yên lành để nhen lên đám cháy mới. Chúng ta làm sao đủ bác sĩ để chi viện nếu tỉnh nào cũng như TP HCM, Bình Dương?

Từng gặp những lao động ngắn hạn, tôi biết nỗi lo thường trực trong đầu họ chỉ là bữa cơm hàng ngày và tiền trả cho chủ nhà trọ, đấy là chưa tính đến tiền gửi về quê nuôi vợ con, cha mẹ. Nhưng vài tháng nay không có thu nhập, nhu cầu tối thiểu ngày hai bữa ăn của họ cũng còn khó. Ngồi một chỗ, không có việc làm, chủ nhà trọ đòi tiền, lòng như lửa đốt, không tìm cách về quê thì còn đường nào nữa? Chúng ta đâu thể trách họ được. Muốn họ ở yên, chỉ còn cách giúp họ có đủ nguồn sống ít nhất trong 30 ngày thành phố giãn cách trước mắt.

Từ đầu tháng 7, TP HCM triển khai hai gói cứu trợ từ ngân sách thành phố: gói 886 tỷ đồng cơ bản đã được giải ngân xong, gói 900 tỷ đồng vừa được triển khai một phần. Mỗi hộ khó khăn được nhận 1,5 triệu đồng. Nguyên tắc là, người đã nhận cứu trợ của thành phố rồi thì thôi gói 26.000 tỷ đồng của chính phủ, nếu chênh lệch sẽ được thành phố bù.

Song, lượng cứu trợ dường như muối bỏ bể. Bởi số người cần hỗ trợ được thành phố duyệt thường thấp hơn nhu cầu thực tế mà các quận huyện đề xuất. Còn nhiều người đang chờ các gói hỗ trợ sau.

Mặt khác, suất cứu trợ 1,5 triệu đồng với nhiều gia đình như gió vào nhà trống. Tôi đề nghị chính quyền có thể xem xét các suất cứu trợ mạnh tay hơn, ví dụ phát tiền trực tiếp 3-5 triệu đồng cho một hộ khó khăn. Các gói cứu tế hàng hóa như tuyên bố cũng là một động tác bổ trợ nếu được cung cấp kịp thời, đồng thời thuyết phục nhà cung cấp miễn tiền điện, nước càng sớm càng tốt. Trong bối cảnh này, TP HCM rất cần sự hỗ trợ và giải ngân nhanh chóng từ ngân sách trung ương.

Gói cứu trợ toàn dân như đề xuất của chuyên gia cũng là một giải pháp cho Việt Nam cân nhắc. Ngay lập tức phát phiếu mua hàng hoặc tiền mặt cho dân liệu có khó không? Tôi nghĩ là không nếu ta không đòi hỏi giấy tờ thủ tục xem ai đủ tiêu chuẩn nữa. Chúng ta đã tuyên bố, không để ai bị bỏ lại phía sau, nhưng đến lúc người dân phải "di biến" dù biết sẽ bị chặn lại trên đường tức là họ không chờ đợi thêm được nữa.

Bạn tôi ở Sài Gòn kể qua điện thoại, cả gia đình bạn đang cứu trợ lao động nghèo. Anh nói, mọi người đã cố gắng hết sức để quyên góp tiền bạc, tìm kiếm nguồn thực phẩm, lo nấu nướng và chia thành từng suất ăn để chuyển đến các con hẻm nơi lao động ngoại tỉnh thuê trọ. Nhìn người nhận đưa cả hai tay nâng niu những hộp cơm còn nóng thật cảm động, nhưng anh ấy lại nghĩ, hết bữa cơm này rồi sao đây? Ngày mai có ai mang gì đến cho họ, lại còn những ngày dài tiếp theo nữa chứ.

Dù tôi đã gửi một tháng lương hưu để chung tay với gia đình anh chị, nhưng thấm vào đâu khi dịch còn kéo dài. Bất giác, lòng tôi thật xót xa.

Thành thị phải tìm mọi cách để giữ dân ở yên và đảm bảo an sinh xã hội. "Vùng đỏ", "vùng vàng" đã đủ rồi, chúng ta không cần thêm những vùng xám - nơi người dân vì lo lắng mà phải "di biến". Vùng nào người dân được an tâm, đó là vùng cần mở rộng.

Nguyễn Lân Dũng
https://vnexpress.net/nhung-nguoi-phai-di-bien-4341655.html


1.

Công an TPHCM triển khai khai báo di biến động dân cư ở các chốt nội thành từ hôm nay

SGGPO Thứ Bảy, 14/8/2021 17:10
Chiều 14-8, Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM cho biết, từ 13 giờ hôm nay tất cả các chốt kiểm soát trong nội thành TPHCM đồng loạt triển khai phần mềm quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch (áp dụng khai báo y tế).

Trước đó, Công an TPHCM triển khai ở 12 chốt, trạm kiểm soát phòng dịch Covid-19 cấp thành phố ở các cửa ngõ ra vào thành phố.
Công an TPHCM triển khai khai báo di biến động dân cư ở các chốt nội thành từ hôm nay ảnh 1Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân khai báo thông tin di biến động tại cửa ngõ cầu Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo đó, khi người dân di chuyển qua các chốt kiểm soát nội thành TPHCM, cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại chốt sẽ hướng dẫn và yêu cầu người dân kê khai thông tin di biến động tại địa chỉ trang Website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn
Công an TPHCM triển khai khai báo di biến động dân cư ở các chốt nội thành từ hôm nay ảnh 2

Công an TPHCM triển khai khai báo di biến động dân cư ở các chốt nội thành từ hôm nay ảnh 3Người dân khai báo thông tin di biến động tại địa chỉ trang Website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Việc kê khai thông tin di biến động sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Người dân truy cập vào Hệ thống quản lý tờ khai y tế theo địa chỉ website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc quét mã QR code bằng ứng dụng Zalo hoặc ứng dụng quét mã QR code để vào biểu mẫu khai báo y tế.
Lưu ý: Không dùng ứng dụng Bluezone để quét mã QR này.
Bước 2: Đọc kỹ và điền chính xác các thông tin vào các ô trong biểu mẫu khai báo (ô có dấu sao “*” biểu thị việc bắt buộc phải nhập).
Bước 3: Nhập mã xác thực vào ô cuối cùng của biểu mẫu khai báo.
Bước 4: Nhấn nút “Gửi đi ” và chờ cho đến khi màn hình sẽ xuất hiện thông báo mã QR code, người dân chụp lại màn hình hoặc chọn để lưu mã.
Bước 5: Xuất trình mã QR code cho cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin kèm theo Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.
Công an TPHCM triển khai khai báo di biến động dân cư ở các chốt nội thành từ hôm nay ảnh 4Người dân khai báo thông tin di biến động tại cửa ngõ cầu Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Riêng đối với trường hợp người dân không có điện thoại thông minh (smatphone) để khai báo, cán bộ tại chốt sẽ phát phiếu khai báo y tế cho người dân để khai. Sau khi kê khai, cán bộ kiểm tra, đối chiếu thông tin với Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của người dân.

VĂN MINH

https://www.sggp.org.vn/cong-an-tphcm-trien-khai-khai-bao-di-bien-dong-dan-cu-o-cac-chot-noi-thanh-tu-hom-nay-754025.html

..

..

1 nhận xét:

  1. 4.


    Thứ năm, 16/09/2021 - 14:18

    "Đọc chỉ thị mà đến khi hiểu được đã hết nửa thời gian giãn cách?"


    Cách dùng từ ngữ trong văn bản mà một số cơ quan hành chính ban hành thời gian gần đây liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang khiến cả người dân và cơ quan cấp dưới đôi khi bị "rối".

    Có thể dẫn chứng bằng các từ/ cụm từ "thu dung", "di biến động dân cư" gắn liền với các diễn biến dịch Covid-19. Có người đánh giá, đây là "kiểu tạo từ mới không có căn cứ khoa học, không có logic ngữ pháp, cần phải được chấn chỉnh và loại trừ" bởi chức năng chính của ngôn ngữ là để giao tiếp và hiểu nhau. Nếu một cụm từ dù được ghép đúng ngữ pháp và "đẹp" thế nào mà đa số người nghe/ đọc không hiểu thì không nên dùng!

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.