Ngày này năm ngoái (28/8/2020), Nguyễn Thị Thanh Hòa (Giảng viên trường ĐH Thủ đô), nghiên cứu sinh (NCS) thứ 11 do tôi hướng dẫn hoàn thành bảo vệ luận án; tôi chính thức kết thúc quá trình tham gia đào tạo ở bậc trên ĐH cho 3 cơ sở đào tạo sau tròn 20 năm. Mừng cho NCS Hòa (và 10 NCS trước đó), vì các em có được tấm bằng để “vào đời” hoặc “nâng cấp đời”, trong bối cảnh một xã hội coi bằng cấp là thứ rất quan trọng, hơn là phải kết hợp xem xét năng lực thực tế.
Tôi cũng mừng cho bản thân mình, như được bứt ra khỏi những “cài dằm” đâm vào đầu mắt, đầu mày mình. Bởi từ đây, tôi không còn phải bực mình bởi những chuyện không đáng có thường gặp phải, suy rộng ra là, lẽ ra không thể tồn tại trong một nền giáo dục và đào tạo.
Tôi không còn “giáp mặt” với một số người được dư luận gán cho biệt hiệu “Tuần chay nào cũng có nước mắt”, dù họ không phải hiểu về lĩnh vực của các luận án, nhưng hầu như hội đồng nào cũng “ngồi”. Vì thế có vị, có thời điểm, có lẽ vì “chạy sô” mà bản nhận xét luận án dường như đã có sẵn “phôi”, chỉ cần thay tên đề tài, NCS và vài ba nhận xét là “ổn”; song vì thay thế các mục không hết, không sát, nên có trường hợp luận án bảo vệ hội đồng chính thức thì nhận xét của vị đó để nguyên ở hội đồng cấp cơ sở (ngược lại), mã ngành này đánh sang ngành kia, thậm chí nhầm cả tên NCS. Và khi vị ấy “nói ngoài, không đưa vào nhận xét” thì “chém gió” thoải mái, nhiều khi ở dưới phì cười, còn tôi thì vốn không chịu sự trái khoáy, máu “sôi” lên, nhưng cũng phải cố kìm nén lại.
Tôi cũng không còn phải “đối mặt” với một vài vị (có “hàm” sư ở bậc cao nhất kèm theo “vị” sĩ), nhưng kiến thức không hẳn tương xứng với cái danh họ mang. Mỗi khi đọc nhận xét luận án, có người một mặt “chém” vun vút, một mặt luôn khoe kiến thức, nhất là khoe đã khảo sát vấn đề (của luận án) chỗ này năm này, chỗ kia năm khác, rồi đưa ra câu hỏi chẳng ăn nhập với đề tài luận án. Dù cố “nhịn” sự khó chịu, nhưng có lần tôi phải nói với vị sư ấy trước hội đồng, rằng, những điều mà ông hỏi, tôi đã nói trước với học trò từ tư liệu tôi điều tra trước cả ông điều tra nhiều năm để học trò “đề phòng, rào chắn”; vả lại, câu hỏi của ông cũng không nằm trong phạm vi đề tài luận án. Lại có vị khi phê luận án của học trò tôi (phần tổng quan tài liệu) đã thẳng thừng “tuyên” rằng :” Tôi không bao giờ đọc những cuốn sách, bài viết của người A, người B” (!?). Có vị còn phán phần Tài liệu tham khảo của luận án rằng “Luận án tiến sĩ sao lại đi tham khoá luận đại học” (!?). Lời phán của họ chỉ đem lại cho tôi sự coi thường và khó chịu, nên lúc phát biểu nhận xét quá trình học tập, làm việc của học trò, tôi buộc phải có lời (với giọng hơi “dằn”) trước hội đồng :”Luận án là công trình khoa học, mà đã là khoa học thì sòng phẳng và bình đẳng. Sòng phẳng là lấy của ai cái gì thì phải dẫn, còn bình đẳng là mọi công trình nghiên cứu và người nghiên cứu đều phải được đánh giá khách quan, công bằng, bất kể vị trí xã hội …”. Tôi đang nói tiếp, cũng “hăng hái” không kém hai vị kia thì nhận được “ám hiệu cầu cứu” của học trò “Thầy dừng lại đi, không thì em chết đấy” (!?).
Tôi cũng không còn phải đối diện với những vị ngồi trong hội đồng chấm luận án nhưng lại hoàn toàn trái nghề (tôi nhớ không hết, nhưng ít nhất có hai vị học bên văn nhưng lại chấm luận án Nhân học của các học trò tôi !?), trong đó có người phản biện độc lập (sau cũng là thành viên hội đồng chính thức). Vị sư - sĩ ấy (ở một cơ quan tuyên giáo) “siêu” đến mức, phán xét, chất vấn đầy “hùng khí” luận án học trò tôi (bàn về một khía cạnh của người Việt) như thế này: ”Ai cho phép NCS đổi tên người Kinh là người Việt?” và kèm theo đó là một lô câu từ răn đe về lập trường, quan điểm, tôi không muốn nhắc lại ở đây. Đọc đến đoạn “phản biện kín” của vị ấy, tôi không kìm được, văng tục luôn (may mà cô học trò khi đó đã đi ra khỏi phòng làm việc của tôi để nghe điện thoại, nên chỉ có tôi nghe chính tôi chửi) “…… Sao ngu thế mà được giao cho phản biện kín”. Sau này, có người nói với tôi: những “me xừ sư - sĩ” đó đều là người nhà hoặc người quen của bố thư ký hội đồng đấy (!?). Lại có “người đưa tin”: có nhiều NCS “chạy hội đồng”, nhất là “chạy” phản biện độc lập, loại bỏ nhưng thầy nghiêm túc, “gai góc, khó tính” ra (có lẽ vì điều này mà tôi, từ năm 2014 và một hai người nữa đã bị loại khỏi “sân chơi hội đồng” ở một cơ sở đào tạo một thời rất “lừng danh” nọ). Và phải chăng, vì có những hội đồng gồm “toàn các thầy dễ” (!?) mà có luận án, tôi cho là “rởm”, “lừa” vẫn được “cho qua”. Còn nhớ, năm 2017, tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thẩm định một luận án (đã bảo vệ ở cấp cao nhất). Tôi phê vào ý kiến cuối cùng theo mẫu là “Luận án không đáp ứng được yêu cầu của một luận án tiến sĩ”, vì rất nhiều lỗi nghiêm trọng (chép của nhiều người khác, dung lượng trang không phải là ít, nhưng không trích dẫn - lỗi nhiều nhất, “bịa” rất nhiều tài liệu, cả tài liệu tham khảo với “muôn hình muôn vẻ”, bịa một cách thô thiển, trắng trợn; nội dung các chương không ăn nhập và không phản ánh được mục đích và yêu cầu đặt ra, trình bày sai quy cách, lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật thì khủng khiếp…). Cuối bản nhận xét, tôi ghi thêm lời đề nghị của mình (trích nguyên văn còn lưu trong máy) : “Nhân đây người thẩm định đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra lại cách làm việc của cơ sở đào tạo có luận án này, xem lại trách nhiệm của các hội đồng bảo vệ cấp cơ sở và cấp chính thức, nhất là của những người phản biện, đặc biệt là người phản biện độc lập, vì sao một luận án có chất lượng rất kém, nhiều điểm không trung thực, sai trường quy lại qua được hai lần bảo vệ”. Sau khi tôi nộp bản nhận xét này lên Bộ, có nhiều cuộc điện thoại (phần lớn là số lạ) gọi đến, nhưng tôi cảnh giác không nghe. Có một cuộc điện thoại từ chuyên viên của Bộ nói rằng, “Thầy không cho qua là quyền của thầy, nhưng thầy có thể giảm bớt sự nặng nề trong nhận xét được không?”. Tôi đáp:”Thế là tôi đã nâng lên đặt xuống lắm rồi đấy, tôi làm đúng phận sự của mình”. Luận án kia rốt cuộc vẫn được thông qua, vì có mỗi tôi chấm “không đạt” !
Nhưng tôi vẫn vui vì không phải chịu áp lực nào. Thế rồi từ sau đó, Bộ không mời tôi thẩm định nữa !
Còn có thể nói nhiều niềm vui khác của tôi từ khi NCS cuối cùng hoàn thành bảo vệ luận án. Thôi, vui thế thôi đủ rồi. Chúc mừng em Nguyễn Thị Thanh Hòa đã vượt qua “đoạn trường” học tập đầy chông gai (nghe em thông báo: đã có bằng, nhưng vì COVID nên chưa làm lễ trao được). Còn tôi, giờ có niềm vui mới. Đó là thanh thản, bình yên bên những trang sách đọc và trang bản thảo sách đang thực hiện.
Tôi thích nhiều thông tin ở đây, nhiều link ở đây. Có thể đồng ý, hoặc không, nhưng tôi đánh giá cao công sức chủ blog này.
Trả lờiXóaChỉ có điều, xin anh cố gắng làm sao thể hiện phân biệt tiến sĩ khoa học xã hội, với các học vị ngành khoa học tự nhiên hoặc kỹ thuật.
Chí ít, để cho các học trò tôi khỏi bị mang tiếng, dù các cháu cũng không biết người ta viết gì về tiến sĩ đâu. "Chúng nó" làm cả ngày trong phòng thí nghiệm, đọc sách, trao đổi toàn với đông nghiệp nước ngoài, làm ngành kỹ thuật khó chết cha, thì giờ đâu.
Có cả khoa học tự nhiên và xã hội đó, bác à. Tiếng nói của những người đã trải nghiệm, nên nó là sự thực của những vị như vậy (ví dụ bài của Hiệu Minh là dành cho khoa học tự nhiên, đó là thời kì Đông Âu).
XóaNgành nào (tự nhiên hay xã hội) làm thật cũng rất khó khăn, vất vả, bác à.