Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/05/2021

Hệ vấn đề cốt lõi của Đại Việt hiện nay : "học thật", "thi thật", "nhân tài thật"

Vấn đề đang nổi lên trong dư luận xã hội, mà gắn với một phát ngôn mới đây của tân thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đọc ngược lại ý "thật", thì sẽ là "giả". Có nghĩa là hệ vấn đề cốt lõi của giáo dục Việt Nam hiện nay chính là: học giả, thi giả, nhân tài giả (không có thực tài).

Bởi mọi thứ đang "giả", cho nên mới đòi hỏi lập lại "thật".

Tưởng câu chuyện của đầu thế kỉ 21, nhưng không phải thế. Người Nam ta đã có truyền thống hàng ngàn năm nay rồi, cái truyền thống học giả, thi giả và nhân tài giả ấy.

Phê phán cái "giả" đó đã có nhiều lớp học giả đi trước, như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Cao Xuân Hạo, Trần Ngọc Thêm,...

1. Với riêng tôi, thì từ năm 2012, đã phát biểu chính thức về truyền thống học giả, thi giả và nhân tài giả ấy rồi. Giấy trắng mực đen, và là các tạp chí chính qui:



2. Năm 2019, tôi đã phát biểu chính thức bằng lời ở đây.


3. Và năm ngoái, năm 2020, thì là bài học thuật như ở dưới.









Đại khái vậy.

Tháng 5 năm 2021,

Giao Blog


---



BÌNH LUẬN TỪ CÁC NƠI


1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Ngành giáo dục phải "học thật, thi thật, nhân tài thật". Sự nhấn mạnh ba chữ "thật" trong lời nói ấy chứa một tiền giả định (hiện thực đã và đang xảy ra) là giả: học giả, thi giả, nhân tài giả.
Tôi hiểu Thủ tướng đau đáu với một hiện trạng giáo dục mà báo chí và dư luận gần như nổi cáu bao lần bởi nhiều thứ không thể chấp nhận được. Nói gọn là Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không thể điều trị nổi căn bệnh ăn vào tận não, bệnh thành tích. Một chương trình nặng nề, một hệ thống kiến thức xa rời thực tế, tổ chức nhiều kỳ thi có tính phong trào, bịa ra đủ các loại văn bằng, chứng chỉ để thu học phí và đánh giá xếp loại ảo, kể cả phong học hàm học vị tràn lan bất chấp năng lực.
Từ khi nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi "Nói không với bệnh thành tích" thì bệnh càng trầm trọng hơn.
Nhưng làm cách nào để có được "học thật, thi thật, nhân tài thật", trong khi hiện tại đã lẫn lộn, bất phân thật giả? Đáng sợ nhất là cái giả đang chui hết vào bộ máy quản lý và đào tạo với quyền sinh quyền sát trong tay, ai sẽ làm cái việc tách lọc thật/giả để phân minh?
Thực ra, thật/giả không phải khó thấy. Dư luận thấy hết. Nhưng khi cái giả bị vạch trần thì đã xử lý được bao nhiêu phần trăm? Thủ tướng có đủ dũng cảm chỉ đạo diệt tận gốc không? Còn nếu giao cho cá nhân hoặc tổ chức nào đó thì có đáng tin cậy khi không chừng dùng cái giả đi chống cái giả và cuối cùng cái thật bị vùi dập!
Cải cách cả hệ thống, Thủ tướng ạ. Chứ chỉ đưa ra khẩu hiệu thì cái giả vẫn hô theo như thật, như thời nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vậy!
Việc cần làm trước mắt, theo tôi là phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy luật cung-cầu của thị trường tự do, tức cạnh tranh lành mạnh. Thị trường đó chắc chắn phải cạnh tranh bắt đầu từ nhân lực. Cầu quyết định cung. Kéo theo, một cách tự động, giáo dục cũng phải kiến tạo lại. Nhu cầu kinh tế - xã hội nào thì giáo dục cung cấp nguồn nhân lực ấy. Hệ quả tất yếu phải xây dựng lại một chương trình giáo dục thích ứng với nhu cầu của đời sống xã hội. Những kiến thức lạc hậu, giáo điều, thừa thãi cắt bỏ hết. Một bộ máy nhà nước sạch, một nền kinh tế lành mạnh biết tuyển dụng nhân tài ắt tạo động lực học thật, thi thật và nhân tài thật. Và tất nhiên, cái giả hết đường sống!
Nhiều người lấy giáo dục Việt Nam cộng hoà ra làm mẫu. Tôi khẳng định, sau gần cả thế kỷ, nền giáo dục ấy cũng đã lạc hậu rồi. Nếu cần học nền giáo dục ấy thì học ở việc chi trả lương cho nhà giáo dục. Lương nhà giáo cao cũng là điều kiện tối thiểu để có động lực đi đến cái thật. Tôi còn nhớ những nhà giáo trong gia đình tôi thời ấy, lương mỗi tháng chi tiêu còn thừa ra ít nhất vài cây vàng. Với đồng lương ấy, nhà giáo tận tâm, tận lực với công việc. Còn đồng lương như hiện nay, dù cải cách dạy học đúng hướng hiện đại, dù bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực liên tù tì, vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng đối phó, kể cả gian dối và đẻ ra các tiêu cực khác!
Nói thật với Thủ tướng, tôi yêu nghề giáo và gắn bó gần 30 năm nay, tận tâm tận lực hết mình. Nhưng lương từ 13 cân gạo + 50 ngàn đến bây giờ là 13 triệu/tháng, so với thu nhập xã hội, tôi thấy chẳng vinh dự hay cao quý gì. Đồng lương là tiền, nhưng cũng là danh dự để người thầy được xã hội tôn trọng! Khi xã hội không tôn trọng thì còn lâu mới có nhân tài thật, và nhân tài thật khó phát huy hết năng lực để cống hiến cho đất nước và nhân dân.

Chu Mộng Long

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4664006616946878



CẬP NHẬT

..

3.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Hành động vì một nền giáo dục thực chất
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT vừa qua. Trong đó, có yêu cầu giáo dục cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước. Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học. Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học. Thực tế còn nhiều người nhiều nơi, học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng, học xong không thêm gì kiến thức năng lực. Có người nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc thì không làm được, danh vị là hư danh... Do đó để học thật trước hết là là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại không “ngồi nhầm lớp”, luận án không chất lượng thì không cho qua...

Tất nhiên, nói như thế không phải là toàn bộ nền giáo dục lúc này là hư rỗng. Vẫn có số đông, rất đông đang dạy thật, học thật, năng lực thật. Nhưng vẫn còn đó nhiều ngành nghề, nhiều trường, nhiều người học có danh mà không có thực, có bằng mà không có chất, “thực không xứng danh, danh không xứng thực”. Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục cần chất lượng hơn, thực chất hơn, bỏ đi những tiêu cực, bệnh hình thức gây nhức nhối. Để làm được điều đó ngành giáo dục cần có sự chuyển hóa về chất, nó không chỉ là vấn đề chất lượng giáo dục mà sâu xa hơn thế, nó là việc chất lượng con người để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc sống, chất lượng để tạo ra sự phát triển của đất nước, của nhu cầu nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là nhân tài...

Để có được sự chuyển đổi lớn theo hướng thực chất trong giáo dục, theo như chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT có rất rất nhiều việc phải làm. Trước hết, Bộ sẽ phải xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ.

Bậc phổ thông thì chú trọng dạy người, biết tu dưỡng, sống có chí hướng, có đạo đức, dạy kiến thức cơ bản, khả năng tự thích ứng và phát triển bản thân.

Bậc đại học thì từ khâu xây dựng chương trình, tới thiết kế chuẩn đầu ra, tới đặt từng môn học sao cho sát hợp thực tiễn. Học đi đôi với hành, thực tập thực tế cho đầy đủ, thực chất. Cần lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng. Cần nuôi khát vọng, chí hướng và tinh thần khởi nghiệp. Cần thay đổi phương pháp để sao cho người học tiếp thu tốt nhất, thích học, biết học để làm gì, học ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của mình. Học để biết, học để làm việc, học để phát triển phẩm chất năng lực bản thân chứ không phải vì điểm số, không phải học chỉ để thi, học để có bằng cấp chứng chỉ. Cần nghiêm túc trong kiểm tra đánh giá, để sao cho đánh giá đúng cái thực chất người học có và tích lũy được, đạt được, không để nhân tố nào làm sai lệch kết quả đánh giá, thi không cốt quá nhiều và phiền hà mà thi cốt cho nghiêm, đánh giá đúng...

Để có được nền giáo dục thực chất, tự ngành giáo dục phải hành động, có sự thay đổi, chuyển mình rất lớn từ trong tư duy, từ trong nếp dạy, từ trong thói quen đã hình thành nhiều năm nay được định hình bởi quan điểm xã hội. Ngành cũng cần phải có cơ sở vật chất tốt cho nhà trường, phòng thí nghiệm, phương tiện dạy và học đầy đủ, hiện đại để có thể tạo ra chất lượng giáo dục tốt nhất. Cần có đội ngũ giáo viên giỏi, năng lực thực và có thu nhập xứng đáng, yên tâm với nghề. Hai điều này chính là là THỰC LỰC của ngành giáo dục. Có tạo được cái THỰC đó mới vực được chất lượng lên, mới đề cao được thực học.

Từ góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuẩn bị kế hoạch cụ thể thực hiện chỉ đạo lớn này của Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn theo người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo, thì một thực tế xã hội rất quan trọng khác đang trực tiếp triệt tiêu động lực của việc học thật, thi thật chính là việc nhiều đơn vị và tổ chức tuyển người, dùng người, đánh giá người còn dựa trên bằng cấp mà chưa chú ý đến trình độ thực chất.

Nói cách khác, việc làm cho người học phải học thực, thi thực, thì một phần quan trọng lại nằm ở phía sử dụng sản phẩm đầu ra của giáo dục, đó là việc dùng người, tuyển người, đánh giá người. Nếu tuyển người chỉ dựa trên giấy tờ, theo quan hệ và bị chi phối bởi các yếu tố không thực chất, thì người học sẽ có xu hướng chỉ lo sao cho đẹp hồ sơ, chuẩn các điều kiện, mà không lo phần thực chất. Nếu việc tuyển người, dùng người, đánh giá người theo năng lực thật, ai có tài năng thực được trọng dụng, được đánh giá đúng... thì khi đó học sinh trong nhà trường sẽ đua nhau mà học thật thi thật. Dùng người chỉ căn cứ theo năng lực, theo phẩm chất thật, thì việc dạy và học sẽ chuyển động theo một cách nhanh chóng. Trên nền tảng của việc học thực chất, người được dùng đúng theo năng lực, khi đó người tài sẽ xuất hiện, người tài sẽ được bồi dưỡng. Khi việc dùng người đúng năng lực, đánh giá đúng phẩm chất, khi đó tài năng thực sẽ nở rộ.

Học thật thi thật trước hết và luôn luôn là việc của ngành giáo dục, nhưng cũng là của toàn xã hội. Nếu tất cả mọi người cùng đồng lòng vì nền giáo dục thực chất, vì cuộc sống chất lượng và sự phát triển của đất nước, thì một trong những việc đầu tiên cả xã hội chung tay hành động là tất cả cùng vì thực học!

http://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C2576/N28154/Bo-truong-Bo-GD-dT-Nguyen-Kim-Son%3A-Hanh-dong-vi-mot-nen-giao-duc-thuc-chat.htm&fbclid=IwAR0KlD2q5UaURAp-b7gA7s559BpnAeKxtONuLpAB4LYblRQTlLwZgyuwqsc



2.


13/05/2021 10:41 GMT+7

TTO - Nhiều năm nay, khi đến thời điểm cận kề thi, kiểm tra các học kỳ, phụ huynh tăng cường cho con đi học thêm mà phần lớn là luyện trước các bài mẫu nhằm đạt điểm cao.

Diễn đàn Học thật, thi thật, nhân tài thật: Ngành giáo dục phải nhìn thẳng vào sự thật - Ảnh 1.

Học sinh trong một lớp học thêm ngoài giờ tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cả ngày học ở trường xong, chưa kịp nghỉ ngơi hay ăn uống gì, nhiều học sinh đã được chở đến các lớp học thêm này.

Thui chột suy nghĩ độc lập

Con chị bạn tôi bảy năm liền là học sinh giỏi nhờ đạt điểm cao trong các đợt kiểm tra, thi học kỳ. Chị chia sẻ trước thi học kỳ khoảng một tháng, hai vợ chồng tăng tốc thay phiên chở con tới nhà cô giáo để luyện thi. Cụ thể là giải các bài tập na ná với đề thi học kỳ. Lúc thì mua bánh mì, xôi, cơm mang theo. 

Trong một tháng đó, tuần đầu tiên có thể học hai buổi rồi mỗi tuần còn lại tăng dần 3, 4, 5 buổi. Tùy theo lớp, học phí cho mỗi buổi học từ 150.000 - 250.000 đồng. Có lần tôi đến nhà lúc khoảng 10h tối vẫn thấy cháu ngồi cặm cụi làm bài, chị ngồi bên cạnh theo dõi. Chị nói nhờ vậy con đạt thành tích cao trong học tập.

Làm theo bài mẫu không chỉ ở các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh mà còn có môn văn. Đứa cháu làm văn theo bài mẫu tả "bà ngoại của em" nào là hình dáng già yếu, da nhăn nheo sạm nhám, tóc bạc phơ, lưng còng; trong khi bà ngoại còn trẻ, khỏe mạnh, da trắng, tóc đen, lưng thẳng. 

Tôi hỏi sao tả nhân vật không giống ngoài đời thực? Cháu trả lời rằng: "Cô giáo bảo phải làm theo bài mẫu thì điểm mới cao".

Muốn cháu độc lập suy nghĩ, hiểu và tả nhân vật theo thực tế nên tôi khuyên hãy quan sát thấy bà ngoại thế nào thì cứ tả đúng, đừng viết những điều không có. Bài văn ấy cháu làm gần hai trang giấy, tôi đọc qua và góp ý thêm nhằm giúp cháu chỉnh sửa bổ sung để có bài văn hoàn chỉnh hơn. 

Tuần sau đi học về, cháu đưa cho tôi bài văn có lời phê của cô giáo "Trừ 3 điểm, chỉ còn 5 điểm, vì không làm theo mẫu - Bà ngoại phải có hình dáng "già yếu, tóc bạc phơ, lưng còng…".

Chương trình dạy và học bây giờ vẫn "thầy đọc, trò chép". Giáo viên lên lớp chủ yếu đảm bảo thời lượng trong giáo trình, khi thi hoặc kiểm tra chỉ cần chép nguyên xi bài giảng là có điểm cao. Không ít phụ huynh vô tình hỗ trợ cho con mình học tủ, làm theo bài mẫu. Điều này góp phần làm thui chột suy nghĩ độc lập, học sinh chỉ cần bắt chước làm theo.

Tôi ấn tượng với đứa con trai 8 tuổi của chị bạn ở Đức trong lần về Việt Nam. Cậu bé tự nghĩ, mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình trước những người xung quanh. Như lúc gia đình cùng đi siêu thị, chị muốn mua tặng cha mình chiếc áo nên hỏi ông thích loại nào nhưng lại nhận được câu trả lời: "Tùy con, loại nào cũng được mà". Cậu bé sẵn đứng bên cạnh đó liền nói: "Ông hãy nói ông thích mặc áo kiểu nào, mẹ con mới biết để mua".

Quan sát, tôi thấy cậu bé còn có năng lực nhận xét, phẩm bình tình huống diễn ra một cách độc lập. Chẳng hạn trong lúc cả nhà cùng ngồi ăn uống trò chuyện với nhau thì một người bất chợt hỏi cậu bé "Ai quan trọng nhất đối với con ?". Khi đó, có người gợi ý "cha hay mẹ?". Nhưng cậu bé đã trả lời hoàn toàn khác: "Con là quan trọng nhất với chính mình".

Chị bạn kể trường tiểu học ở Đức có môn học "Trách nhiệm bản thân" rèn luyện cho học sinh cách nghĩ, cách tư duy và tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Ngoài kiến thức bài giảng không câu nệ vào khuôn mẫu đã định, giáo viên còn có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh biết đối diện với tình huống không lường trước và khả năng có thể sai để tự điều chỉnh cho thích hợp, coi trọng cách học hơn là đạt kết quả cụ thể nhất thời.

Nước ta trong suốt chiều dài lịch sử có rất nhiều tấm gương tuổi trẻ, nhi đồng, thiếu niên với ý chí quật cường, độc lập trong suy nghĩ, khẳng định chính mình… Tiếc là nhiều năm qua ngành giáo dục chạy theo thành tích ảo, chưa coi trọng khâu rèn luyện phẩm chất tư duy độc lập và dám là chính mình cho học sinh nhỏ tuổi.

Ru ngủ nhau bằng điểm số

Thi cử thì học tủ, thi học sinh giỏi thì luyện bài mẫu. Cùng ru ngủ nhau bằng những điểm số cao ngất ngưởng, lớp đạt 42/43 học sinh giỏi và xuất sắc. Trên ghế nhà trường cách học làm theo bài mẫu, thầy nói trò chép. Hệ lụy là học sinh thụ động, quen với ảo giác và những điều không có thật gán cho mình. Khi đối diện với thực tế thì lúng túng, những thành tích ảo đó đã tan vỡ như bong bóng.

Vì thành tích đã học giả, học tủ, làm theo bài mẫu không chỉ khiến học sinh giảm đi khả năng sáng tạo, thụ động mà có thể dẫn đến tiêu cực. Điển hình là tình trạng gian lận điểm thi trong những năm qua, nhất là ở cấp THPT quốc gia, là nỗi xấu hổ trong ngành giáo dục với mức độ nghiêm trọng chưa từng có, nâng điểm cướp mất ước mơ của những thí sinh khác. 

Chỗ cho những thí sinh này trong giảng đường đại học bị cướp mất bởi những người không có năng lực mà có quan hệ, chạy chọt. Đáng lên án nhất ở đây chính là người lớn tự tha hóa, lừa dối bản thân mình chưa đủ lại kéo cả thế hệ con cháu vào vòng xoáy lọc lừa, suy đồi đạo đức rồi bấu víu vào các giá trị ảo.

Tiêu cực dễ thấy nhất trong thi cử, không còn là sự ngạc nhiên hay điều bất ngờ nữa vì đâu phải là lần đầu. Cứ tới mùa thi, báo chí và dư luận lại có dịp chỉ ra tiêu cực. Xâu chuỗi lại các tiêu cực với nhiều chiêu trò quái dị nào là "phao thi", đưa trước đáp án, làm ngơ cho thí sinh chép bài, thậm chí người lớn còn chạy chọt cho con cháu mình có điểm cao trúng tuyển đại học.

Hẳn sẽ còn những tiêu cực khác đang được che đậy, chưa phát hiện. Ngành giáo dục có hàng loạt căn bệnh chạy theo thành tích nào là giải thưởng, danh hiệu tràn lan... Thậm chí tiêu cực còn xảy ra trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh được luyện thi như luyện gà chọi và học tủ với "bài mẫu".

Nhìn thẳng vào sự thật

Thiết nghĩ ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận học thật, thi thật thì mới có nhân tài thật, đừng chạy theo thành tích ảo. Cần có giải pháp cương quyết của cả hệ thống chính trị xã hội mới góp phần đẩy lùi bệnh thành tích, học giả học tủ, làm theo bài mẫu hay gian lận trong học tập, thi cử.

Trước tiên, ngành giáo dục phải thể hiện bằng hành động thiết thực, chấp nhận thực tế đã học thì phải có đậu có rớt, học thật thi thật, đừng chạy theo thành tích hay danh hiệu ảo nữa, đừng giữ quan niệm làm nghiêm thì học sinh đậu thấp. 

Có thể bỏ các kỳ thi học sinh giỏi để tránh tình trạng luyện "gà chọi". Thậm chí, bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Giao xét tuyển về cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để căn cứ vào học bạ và phỏng vấn trực tiếp thí sinh để phù hợp với đặc thù từng trường, từng ngành.

Với cấp học phổ thông nên rèn luyện cho học sinh hãy là chính mình, giúp học sinh làm theo suy nghĩ mình cho là đúng và dám chịu trách nhiệm với những điều đó cũng như tự khẳng định bản thân mình. Phụ huynh, người lớn phải nêu gương trung thực, phê phán thói hư danh và dối trá.

Hơn nữa, phải thay đổi cách dạy và cách học, chú trọng hiểu hơn là biết. Không chỉ dạy cho học sinh biết cái gì mà là giúp học sinh hiểu tại sao, bằng cách nào biết được cái đó. Bài giảng không nên cứng nhắc, không lệ thuộc vào những giáo điều sao cho học sinh thích nghi với những biến đổi ngẫu hứng, chủ động tư duy sáng tạo, có khả năng tự thay đổi cho thích hợp từng hoàn cảnh.

Cách giáo dục này có thể không cung cấp nhiều kiến thức nhưng có thể giúp học sinh tự học, tìm tòi, hiểu sâu hơn, thậm chí hiểu khác đi bằng cách sáng tạo và tự điều chỉnh. Điều này đơn giản, không khó mà còn cắt giảm khối lượng kiến thức đồ sộ mà học sinh phải thuộc. Nhiều khi chỉ đưa ra một tình huống, một đoạn văn rồi hướng dẫn học sinh cách hiểu về bối cảnh, tác giả, hàm ý chính vẫn còn hơn là dạy tràn lan cả tác phẩm dài dòng.

Hiểu biết, kỹ năng mới quan trọng

luyen vao lop

Trẻ mầm non trong một "lò" luyện vào lớp 1 - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Học thêm để luyện làm theo bài mẫu sao cho có điểm cao trong kỳ thi, kiểm tra học kỳ không phải xuất phát từ tinh thần ham học hỏi của học sinh mà là ý muốn của phụ huynh. Phụ huynh thường chú trọng thành tích tốt, con có điểm thi cao sao cho đạt học sinh giỏi hay xuất sắc nhưng lại quên rằng chính hiểu biết, kiến thức, kỹ năng mới quan trọng.

Đừng mãi loay hoay chuyện thi cử

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục vẫn loay hoay đổi mới thi cử và coi đây là khâu đột phá.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng phát triển năng lực là câu chuyện của cả quá trình giáo dục chứ không phải của riêng chuyện thi cử. Thi cử chỉ là ngọn. Gốc rễ không thay đổi thì dù ngọn có thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa, chất lượng giáo dục vẫn không thay đổi.

Cho đến nay thi cử vẫn nặng về đánh giá việc ghi nhớ thông tin và kiến thức, tức chỉ tập trung kiểm tra xem học sinh biết gì. Đáng nói là việc đổi mới thi cử hiện nay vẫn theo kiểu đối phó, cứ xã hội phản đối là nay bít chỗ này, mai bít chỗ kia.

Thiết nghĩ, cần thay đổi phương pháp dạy và học. Dạy là giúp người học phát triển năng lực tư duy chứ không phải nhớ được bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu bài văn... Khi đó, việc ra đề thi cũng rất ngắn gọn mà vẫn có thể đánh giá được năng lực của học sinh. Học sinh không phải học ngày đêm, thuộc bài theo kiểu máy móc, vô cùng vất vả mà kết quả là con số không.

TƯƠNG QUAN (TP.HCM)

Đánh giá học sinh thật

Là người làm công tác tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh, tôi đã có nhiều thông tin cũng như có cơ hội tiếp xúc với nhiều phụ huynh và học sinh. Hầu hết các trường đại học hiện nay đều xét học bạ (có trường thông báo 60% chỉ tiêu vào trường là xét học bạ).

Và cũng có nhiều trường đại học "kêu gọi" nhanh chóng nhập điểm học bạ năm học kỳ (trừ học kỳ II của lớp 12) để biết kết quả. Và phần lớn là trúng tuyển. Khi có kết quả đậu THPT nữa thì nhập học đại học.

Nhiều học sinh sau khi trúng tuyển vào đại học bằng điểm học bạ đã không thể học tiếp và chuyển sang cao đẳng. Nguyên nhân phần lớn là do các em học toán cao cấp, vật lý đại cương, hóa học đại cương và… sức học không theo kịp. Nhưng không theo kịp mà lại có điểm toán, lý, hóa ở bậc THPT rất cao. Phải chăng vì "thương" học sinh mà nhiều thầy cô đã đánh giá không đúng năng lực của học sinh?

Làm giáo dục, hầu hết thầy cô đều mong người học sẽ học tốt, thi tốt và đạt kết quả tốt. Và tâm lý chung của rất nhiều người dạy là giúp đỡ, dìu dắt học sinh, kể cả "nhẹ tay" để các em được tốt nghiệp, được học tiếp vì các em đã trải qua 12 năm đèn sách, không nên "chặn đường" các em trong kỳ thi, đợt đánh giá này.

Có thể với suy nghĩ và hành động ấy vô hình trung đã làm các em "ảo tưởng" và cho dù vào được đại học thì ra trường sẽ không có việc làm vì không học kịp, không có kỹ năng nghề.

Chỉ cần đánh giá thật từ chính người dạy sẽ góp phần để người học phải học thật, chuẩn bị tâm thế để thi thật và sau này trở thành người có năng lực thật.

Nguyễn Quốc Vỹ (Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, Bình Định)

hoc them 2

Nhiều phụ huynh đưa con đến lớp học thêm để mong con đạt điểm cao trong các kỳ thi, kiểm tra - Ảnh: NHƯ HÙNG

5 khâu then chốt

Tôi xin góp ý một số khâu cần thực hiện từng bước, đồng bộ, có bài bản và đòi hỏi kiên trì: Một là khâu tuyển chọn, đào tạo giáo viên. Nghịch lý hiện nay người học giỏi không muốn vào sư phạm. Do đó, nên có chế độ đặc biệt để học sinh giỏi yên tâm chọn ngành sư phạm. Người thầy vừa giỏi chuyên môn vừa yêu nghề, mến trẻ hiện nay rất ít. Có thầy giỏi mới có học sinh giỏi và có thầy giỏi mới có dạy thật, học thật, thi thật…

Hai là khâu tiền lương, đãi ngộ giáo viên. Tiền lương của giáo viên dù đã được cải tiến, nâng lên trong thời gian qua nhưng vẫn chưa bù đắp công sức của họ bỏ ra. Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để giáo viên yên tâm giảng dạy hết mình, cuộc sống ổn định thì công tác mới có hiệu quả.

Ba là, việc tinh giản biên chế phải quyết liệt, làm thật. Thời gian qua, chúng ta có tinh giản biên chế trong ngành giáo dục nhưng chưa triệt để, còn cả nể lẫn nhau. Có làm thật việc này mới loại bỏ được giáo viên yếu kém về chuyên môn, chưa chuẩn trong đạo đức nhà giáo.

Bốn là kiên quyết cắt bỏ bệnh thành tích. Phải nói rằng đây là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục trong hàng chục năm qua. Bệnh thành tích đã phát sinh ra nhiều hệ lụy cho xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Hãy dũng cảm cắn răng cắt bỏ "khối u" của bệnh thành tích. Dù phải đau một lần nhưng cơ thể ngành giáo dục sẽ dần dần khỏe mạnh, hồi phục…

Năm là bầu chọn hiệu trưởng. Không áp đặt từ trên xuống mà hiệu trưởng phải là người của trường; trưởng thành từ trường và do tập thể giáo viên bầu chọn trực tiếp. Có như vậy hiệu trưởng mới là người có bản lĩnh thực hiện "học thật, thi thật và đào tạo nhân tài thật", chịu mọi trách nhiệm trước tập thể và luôn quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên.

Thạc sĩ LÊ ĐỨC ĐỒNG (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)

Diễn đàn "Học thật, thi thật, nhân tài thật" đã nhận được bài viết tham gia của các tác giả: Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa); Chung Thanh Huy, Thái Hoàng, Trần Văn Tám, Tú Nguyên, Trần Xuân Tiến, Đỗ Tuân Sắc, Tương Quan, Đỗ Ngô Trần, Nguyễn Tấn Thư, Lê Minh Tiến (TP.HCM); Thu Hiền (Đà Nẵng), Thanh Nguyễn (Huế), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Hà Đức Tú (Bắc Ninh), Lê Tấn Thời (An Giang)… Bài viết tham gia diễn đàn gởi về giaoduc@tuoitre.com.vn.

Diễn đànDiễn đàn 'Học thật, thi thật, nhân tài thật': Bỏ cách dạy và học chỉ để thi

TTO - Học phải chất là học những gì tinh túy, quý giá thiết thực cho cuộc sống, "học như bạn phải dùng nó đến suốt đời".

ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)

https://tuoitre.vn/dien-dan-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-nganh-giao-duc-phai-nhin-thang-vao-su-that-20210513093630185.htm



Làm thế nào để học thật, thi thật, có nhân tài thật?

09/05/2021 12:12 GMT+7

TTO - Vấn đề Thủ tướng yêu cầu là những vấn đề cơ bản quan trọng nhất trong nền giáo dục phổ thông hiện hành. Muốn giải quyết các vấn đề đó phải tiếp cận hầu hết lĩnh vực trọng yếu của sự nghiệp giáo dục.

Làm thế nào để học thật, thi thật, có nhân tài thật? - Ảnh 1.

Công an làm việc với bà Nguyễn Thanh Nhàn (phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) - người có liên quan trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018

Muốn học thật, phải dạy thật

Dạy và học là hai mặt của một vấn đề. Muốn học sinh học thật thì giáo viên phải dạy thật, nghĩa là giảng dạy bằng tri thức, năng lực và tâm huyết của chính mình. Đa số giáo viên hiện nay có đủ những phẩm chất để thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình nhưng có nhiều cản trở khiến họ không thể dạy thật.

Quan điểm nổi tiếng trong nhiều thập niên "Sách giáo khoa là pháp lệnh" đã biến giáo viên thành người tuyên truyền cho những cuốn sách giáo khoa do người khác viết, để bắt học sinh học thuộc lòng những trang sách vô hồn. 

Cho đến khi kết thúc kỳ thi nào đó thì các em quên hết những gì được nhồi nhét bằng "phương pháp" học thuộc lòng. Khi quan điểm đó được thay thế bằng quan điểm "Chương trình là pháp lệnh" với nguyên tắc "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", giáo viên vẫn không được tin tưởng để có thể dạy bằng những gì mình có. 

Họ vẫn buộc phải chọn sách giáo khoa theo ý muốn của cấp trên, rồi dạy theo sự chỉ đạo kiểu hành chính của cấp trên.

Thêm vào đó, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn khiến hiện tượng "dạy thêm - học thêm" phát triển tràn lan, khiến cho việc "dạy giả - học giả" lấn át "dạy thật - học thật". 

Trong hoàn cảnh đó, tư duy độc lập và sáng tạo cũng như tư duy phê phán và phản biện không thể phát huy trong học sinh, mà phát triển tư duy cho học sinh mới chính là dạy học đích thực. 

Như vậy, muốn có dạy thật - học thật thì phải nâng cao địa vị người giáo viên cả về vật chất lẫn tinh thần, đồng thời xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp trong giáo dục, đảm bảo cho giáo viên quyền tự do học thuật cao nhất trong phạm vi chương trình học đã quy định.

Làm sao để thi thật?

Có một quy luật bất thành văn nhưng rất đúng "học thế nào thì thi thế ấy!". Trong thực trạng giáo dục hiện nay, vì lợi ích của bản thân mỗi người, giáo dục hướng theo những giá trị ảo do "bệnh thành tích" sinh ra. 

Điều đó cắt nghĩa vì sao các kỳ thi, từ kiểm tra thường kỳ hay định kỳ, thi tuyển sinh chuyển cấp cho đến kỳ thi tốt nghiệp THPT thường có kết quả không đáng tin cậy.

Muốn có thi thật thì trước hết phải có học thật, như đã nói ở trên. Trên cơ sở đó, phải áp dụng nhiều biện pháp chống gian lận sao cho có hiệu quả. Trước hết phải chống lại "bệnh thành tích" trong thi đua: chỉ tính thành tích dạy thật - học thật chứ không tính tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao hay thấp. 

Bên cạnh đó phải mở đường thoát cho các thí sinh bị rớt: các em có việc làm xứng đáng sau khi học hết THPT nhưng chưa tốt nghiệp; các em có quyền thi lại (không hạn chế số lần) cho đến khi tốt nghiệp THPT...

Muốn có nhân tài thật thì phải làm sao?

Dĩ nhiên câu trả lời ở đây là phải học thật và thi thật. Thực trạng giáo dục hiện nay ở nước ta đào tạo ra nhân tài chưa được như kỳ vọng. Những người thực sự tài năng thường đạt được thành tích cao do những nỗ lực cá nhân của họ hoặc do môi trường giáo dục ở nước ngoài. Không chỉ do giáo dục phổ thông chưa tốt mà còn do những yếu tố tiêu cực trong đào tạo đại học và trên đại học khiến nhân tài của ta bị giới hạn.

Dư luận bàn tán nhiều về những "lò ấp tiến sĩ" ở mấy trường đại học hay viện nghiên cứu nào đó, chỉ dùng tiền để tạo nên những tiến sĩ "học giả mà bằng thật". 

Vì thế, chúng ta cần đổi mới "căn bản và toàn diện" nền giáo dục nước nhà, từ giáo dục mầm non, qua giáo dục phổ thông đến đại học và sau đại học, như Đảng ta đã từng chỉ rõ.

Trong cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT chiều 6-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giáo dục phải "học thật, thi thật, nhân tài thật".

Diễn đàn "Học thật, thi thật, nhân tài thật"

Từ yêu cầu của Thủ tướng với giáo dục phải "học thật, thi thật, nhân tài thật", báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn để bạn đọc tham gia bàn luận, góp ý, gợi mở tìm giải pháp cho vấn đề này. Bài viết gửi về giaoduc@tuoitre.com.vn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành giáo dục phảiThủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành giáo dục phải 'học thật, thi thật, nhân tài thật'

TTO - Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu 'học thật, thi thật, nhân tài thật'.

LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)


https://tuoitre.vn/lam-the-nao-de-hoc-that-thi-that-co-nhan-tai-that-20210509081610912.htm



Diễn đàn 'Học thật, thi thật, nhân tài thật': Cần trị tận gốc bệnh thành tích

09/05/2021 09:32 GMT+7


TTO - Ngày 8-5, Diễn đàn 'Học thật, thi thật, nhân tài thật' của báo Tuổi Trẻ nhận được ý kiến tham gia từ giáo viên, lãnh đạo trường về bệnh thành tích trong giáo dục cũng như những giải pháp hạn chế, đi đến xóa bỏ vấn nạn này.

Diễn đàn Học thật, thi thật, nhân tài thật: Cần trị tận gốc bệnh thành tích - Ảnh 1.

Một học sinh lớp 6 (phải) chưa đọc được chữ nhưng vẫn được "đẩy" lên lớp hằng năm - Ảnh: NGỌC TÀI

Bài viết tham gia diễn đàn gửi về giaoduc@tuoitre.com.vn.

Nhức nhối chuyện nâng điểm, sửa học bạ

Muốn có học thật, thi thật, nhân tài thật phải trị tận gốc căn bệnh thành tích lâu nay làm ảnh hưởng đến nền giáo dục. Nhiều năm nay có hiện tượng 98% số học sinh/lớp hoặc số học sinh toàn trường đạt danh hiệu học sinh giỏi, thậm chí có trường đạt 100%. 

Nhiều trường nâng điểm do lãnh đạo hoặc từ giáo viên vì giữ "thành tích" của trường không sụt giảm, bị trừ điểm thi đua. Nếu bị trừ điểm thi đua, giáo viên sẽ mất điểm, bị trừ tiền thưởng, trường mất danh hiệu, hiệu trưởng sẽ khó được đề bạt, cất nhắc ở vị trí cao hơn.

Hơn thế nữa, thời gian qua tại một số địa phương, trường học vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên tự ý nâng, sửa điểm, "làm đẹp" học bạ cho học sinh. 

Không chỉ vậy, vì chạy theo thành tích, nhiều trường đẩy sĩ số học sinh lên lớp 100% trong khi thực tế có học sinh học đến lớp 5, lớp 6 còn chưa đọc thông, viết thạo...

Thực tế cho thấy chính các quy định thành tích cho trường, giáo viên, học sinh đã "kéo" cả ngành chạy đua mấy chục năm nay. Trường nào cũng phải cố đạt chỉ tiêu thành tích, không có học sinh kém, chỉ khá giỏi trở lên. 

Chính vì không có học sinh ở lại lớp, sợ ảnh hưởng thành tích chung, cho nên lên lớp cả. Giáo viên xem chuyện học sinh "ngồi nhầm lớp" là bình thường. Rồi cũng vì thành tích mà cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được dư luận lao xao đồn đoán là cuộc thi của giáo viên.

Thiết nghĩ, để hạn chế, đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục để tiến tới "học thật, thi thật, nhân tài thật", trước hết cần rà soát lại các văn bản luật pháp, thông tư, nghị định hiện hành liên quan đến dạy và học; đánh giá chất lượng người học, tổ chức thi, bổ sung kịp thời những quy định mới do cuộc sống đã có sự phát triển, thay đổi để giám sát chặt chẽ chất lượng dạy và học tốt nhất.

Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm các hành vi tòng phạm, bao che cho gian lận lừa dối trong giáo dục. Những vi phạm gian lận trong giáo dục, đào tạo nếu ai đó mắc phải cần phải được xử lý ngay, công khai, nghiêm minh, đúng mức độ phạm tội để làm gương cho người khác. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ của mình nhằm giảm những áp lực không đáng có đối với con em mình...

CHUNG THANH HUY

Chuyện người mẹ xin cho con ở lại lớp

Giữa tháng 8-2018, theo kế hoạch trường tôi sẽ kiểm tra lại học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học năm học 2017-2018, trong đó có em N.T.L. - học sinh lớp 1/4. Trước khi nghỉ hè, ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm ôn tập cho L. nhưng điểm bài làm của em vẫn không đủ yêu cầu để xét hoàn thành chương trình lớp học để lên lớp 2.

Giáo viên chủ nhiệm mời mẹ của em đến trường trao đổi và đưa cho bà xem các bài kiểm tra lại của con mình. Đồng thời cô nhắc gia đình trong những ngày nghỉ hè sắp xếp thời gian để kèm cặp con thêm và cô giáo sẽ tiếp tục đến nhà giúp em ôn tập để sau đó cho em kiểm tra lại lần 2. Phụ huynh đồng ý với cô giáo sức học của con mình rất là yếu. 

Cuối năm học chỉ viết được vài chữ đơn giản, còn toán chỉ tính toán được cộng trừ trong phạm vi 5 mà thôi. Bà vui vẻ nhận lời hợp tác cùng với cô giáo kèm cặp con đảm bảo đủ kiến thức để kiểm tra lại.

Ngày kiểm tra lại đã hơn 7h30, giáo viên chủ nhiệm không thấy em L. đến trường nên rất lo lắng. Cô giáo chủ nhiệm gọi điện thoại thì phụ huynh đáp: "Mấy ngày nay, tôi suy nghĩ rất nhiều. Con tôi thật sự học rất yếu, chậm hiểu bài. 

Cô giáo nhiệt tình ôn tập, kèm cặp và thương tình cho nó lên lớp 2. Nhưng thiệt tình tôi nghĩ nó học cũng không nổi đâu, trí óc của con tôi học mười mà chưa nhớ một. Lên lớp 2 cao hơn lớp 1 thì tội nghiệp, nó học không vô đâu. Thôi cô nói với thầy trong ban giám hiệu tôi xin cho con ở lại lớp 1 để năm học tới nó học vững, cho cứng hơn".

Lần đầu tiên trong đời dạy học và làm quản lý giáo dục, tôi mới trực tiếp nghe có người mẹ trình bày nguyện vọng thật tình và thiết tha xin cho con mình ở lại lớp do biết năng lực của con. Và phụ huynh xin cho con ở lại lớp thì trường cũng đừng vì thành tích "đẩy" các em lên lớp.

TRẦN VĂN TÁM (Củ Chi, TP.HCM)

Quan tâm hơn đến sử dụng hiệu quả nhân tài

Nhiều thầy cô giáo nhận định yêu cầu của Thủ tướng "Học thật, thi thật, nhân tài thật" cũng chính là ba khâu đột phá lớn mà Bộ GD-ĐT cần giải quyết. Về phát hiện - bồi dưỡng nhân tài, những năm qua Bộ GD-ĐT chú trọng nhiều hình thức và bước đầu tuyển chọn ra những học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh năng khiếu.

Đó là những hạt giống tài năng. Nhưng rồi những học sinh đó đi đâu, tiếp tục bồi dưỡng thế nào để sử dụng hiệu quả, tránh việc lãng phí, chảy máu chất xám cũng cần được quan tâm đầy đủ đúng mức.

Về đào tạo nhân tài, cần chú trọng chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Bộ GD-ĐT cần đánh giá hiệu quả đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua để đào tạo sát thực tế hơn với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước hiện nay. Về sử dụng nhân tài, khi người tài được quan tâm, trọng dụng thì hiền tài sẽ có nhiều.

Thực tế hiện nay có sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc nhưng ra trường không tìm được việc làm, nhất là sinh viên ngành sư phạm. Cần phải ưu tiên cho những sinh viên này được chọn trường, chọn địa phương công tác là một ví dụ về "chiêu hiền đãi sĩ" thu hút nhân tài.

NGUYỄN VĂN LỰC (giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành giáo dục phảiThủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành giáo dục phải 'học thật, thi thật, nhân tài thật'

TTO - Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu 'học thật, thi thật, nhân tài thật'.

THANH HUY - VĂN TÁM - VĂN LỰC

https://tuoitre.vn/dien-dan-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-can-tri-tan-goc-benh-thanh-tich-20210509075628491.htm


1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành giáo dục phải 'học thật, thi thật, nhân tài thật'

06/05/2021 20:28 GMT+7

TTO - Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu 'học thật, thi thật, nhân tài thật'.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật - Ảnh 1.

Ngày 6-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành - Ảnh: VGP

Ngày 6-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là phòng chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, gắn các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Nhấn mạnh yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật", Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện, kết quả thành tựu, mặt chưa được để rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp.

Nhiều khó khăn của ngành cần khắc phục

Báo cáo tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm, gồm rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; chuẩn hóa đội ngũ với chuyên gia đầu ngành, nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, công tác khảo thí, đánh giá, đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp quản lý và tự chủ đại học, đào tạo nhân lực chất lượng cao...

Tuy vậy, khó khăn đặt ra với ngành là nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, không đồng đều giữa các vùng miền, hạ tầng xuống cấp, chủ trương xã hội hóa còn vướng mắc. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, phân cấp giáo viên còn bất cập...

Do đó, bộ trưởng kiến nghị cần hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đầu tư tài chính cho giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện đối với ngành giáo dục, song vẫn còn một số bức xúc với ngành, như tình trạng thiếu trường lớp ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích trong giáo dục…

Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định nguồn lực con người là quan trọng nhất. Kết quả mà ngành đạt được là rất lớn, đặc biệt khi thực hiện nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo, các quy định của Nhà nước, giúp nâng cao chất lượng.

Tuy vậy, các khó khăn đặt ra như cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chưa làm tốt công tác thông tin - truyền thông, dễ dẫn tới bức xúc trong xã hội. Việc xử lý các hiện tượng tiêu cực, tình trạng "chạy trường, chạy lớp", không thể vội vàng, nôn nóng, giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng cũng không thể trì trệ, cầu toàn. Bất cập trong phân cấp, phân quyền.

Theo thủ tướng, nguyên nhân vướng mắc trên có yếu tố khách quan, nhưng chủ quan là chủ yếu. Vì vậy, lãnh đạo bộ phải quyết liệt trong hành động, có phương pháp phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, làm việc phải đến nơi đến chốn, nói phải rõ để người dân, xã hội và dư luận biết, hiểu đúng, chủ động giải quyết công việc.

Về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề, đổi mới tư duy quản lý, tư duy giáo dục, chủ động, tích cực, sáng tạo, bám sát các nghị quyết, Luật giáo dục. Tự lực, tự cường vươn lên từ nội lực, không trông chờ ai làm thay. Làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn.


Phát huy những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm hay, bài học quý, những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng, đi đôi với khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Lấy học sinh làm trung tâm, siết kỷ cương trong quản lý

Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, chính sách, đặc biệt liên quan tới trường lớp, giáo viên. Những vấn đề đã "chín", thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, được đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng yêu cầu bộ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước là xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, định mức…; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật.

Thường xuyên rà soát, nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện, phân cấp phân quyền rõ trách nhiệm. Nghiên cứu đổi mới hoàn thiện công cụ quản lý hệ thống, tập trung cải cách hành chính, số hóa, quản lý trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ.

Phát triển các cơ sở giáo dục theo định hướng lấy học sinh là trung tâm, nhà trường (cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án) là nền tảng, giáo viên phải là động lực, người truyền cảm hứng. Xây dựng, phát triển quan hệ hữu cơ giữa học sinh - nhà trường - giáo viên. Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện.

Bộ Giáo dục và đào tạo phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý học tập, giảng dạy, đồng thời tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. Gắn với đó là tăng cường truyền thông, công khai, minh bạch.

https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nganh-giao-duc-phai-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-20210506194216744.htm

..

1 nhận xét:

  1. 3.


    Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Hành động vì một nền giáo dục thực chất
    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT vừa qua. Trong đó, có yêu cầu giáo dục cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.