Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/05/2020

Người Việt thờ cả Khổng Tử, cả Sĩ Nhiếp, và cả Mã Viện đấy chứ

Trong một bài viết về chữ quốc ngữ trên tuần báo Văn Nghệ (Tp. Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Ngọc Quang viết một câu xanh rờn thế này:

"Dù chữ Hán theo chân kẻ xâm lược, nhưng bản chất nó là kết tinh trí tuệ của nhân dân. Nếu được tiếp thu tự nguyện, qua giao thương trao đổi kinh tế – văn hóa thì Sỹ Nhiếp đáng dựng tượng vàng. Nhưng vì… như thế, nên sự đối xử cũng một vừa hai phải. Người Việt thờ Khổng Tử, bậc vạn thế sư biểu nhưng không thờ Sỹ Nhiếp hay Mã Viện."

Ông Quang thử bình tĩnh tra cứu một chút sẽ biết: người Việt thờ Sĩ Nhiếp ở nhiều nơi, còn tôn cụ ấy là Sĩ Vương hay Nam Giao học tổ. Mã Viện cũng được thờ ở rất nhiều làng xã.

Tôi cũng không làm sao hiểu được đoạn ông viết trên. Làm sao mà "chữ Hán theo chân kẻ xâm lược, nhưng bản chất nó là kết tinh trí tuệ của nhân dân". Vậy là thế nào. Rồi đã "xâm lược", thì lại còn "tiếp thu tự nguyện" nữa, là sao ?

Bài của ông Quang có những lỗi sơ đẳng. Đại khái đọc những đoạn sau, thì chỉ phì cười mà thôi: "Thời Bắc thuộc, bị áp đặt học và dùng chữ Hán nhưng người Việt vẫn giữ tiếng nói và Việt hóa chữ Hán qua cách đọc của mình mà ông bà gọi là âm và từ Hán Việt. Chữ Hán nhưng đọc theo tiếng Việt. Đến bước cao hơn là tìm cách cải tiến chữ Hán thành chữ Nôm. Chữ Nôm đến Truyện Kiều là một đỉnh cao mà ngày nay chữ quốc ngữ chưa vượt qua được."

Không có kiến thức nền tảng, nhưng lại bàn chuyện lớn.

Dưới là nguyên bài ấy.

Tháng 5 năm 2020,
Giao Blog


---


21/12/2019


(Tiếp theo số báo 576, ngày 12-12-2019)


Nhân Hội thảo 100 năm chữ quốc ngữ (1911-2019) do Đại học Văn Lang tổ chức nên cần nói thêm về chữ quốc ngữ và thảm họa văn hóa. Chữ quốc ngữ là ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ khi tuyên bố Độc lập (1945) đến nay. Từ phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ cho đến Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938) do những người Cộng sản chủ trương, vận động học giả Nguyễn Văn Tố đứng ra làm Hội trưởng cho đến phong trào Bình dân học vụ và Tuyên dương những Chiến sĩ Diệt dốt ở miền Bắc sau 1955 cho đến nay giới học thuật vẫn đánh giá cao chữ quốc ngữ. Thậm chí còn có Viện vinh danh chữ Quốc ngữ do GS. Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Duy Tân – Đà Nẵng) đứng đầu. Vậy sao lại có thể xem các Cố Rhodes và Pina và chữ quốc ngữ là thủ phạm gây ra thảm họa diệt chủng về văn hóa?
Vẫn được. Vẫn đúng. Có cơ sở thực tiễn. Có thể nào bác bỏ được luận điểm của nhà ngữ học Cao Xuân Hạo? Có thể nào bác bỏ được thực tế là kho tàng Hán – Nôm từ Hàn lâm đến dân gian ngày nay phải dịch sang chữ quốc ngữ thì người Việt hiện đại mới tiếp nhận được. Số lượng được phiên dịch là bao nhiêu so với kho tàng Hán – Nôm từ thời Lý – Trần đến nay. Ấy là chưa nói đến truyền thống tư duy bằng ngôn ngữ Hán – Nôm. Là công cụ quan trọng để trực tiếp tiếp cận tiếp thu văn minh văn hóa phương Đông chủ yếu là văn minh Trung Hoa, một trong Tứ đại Cổ quốc còn tồn tại cho đến ngày nay (theo Ông Văn Tùng. Nhàn đàm. NXB Hội Nhà văn – 2016). Chúng ta cần phân biệt chữ Hán và văn hóa Trung Hoa với chủ nghĩa Bá quyền Bành trướng phương Bắc. Cũng như phân biệt văn hóa Pháp với thực dân Pháp, chữ quốc ngữ với thực dân Pháp. Chữ quốc ngữ thời các Cố Rhodes và chữ quốc ngữ của người Việt hiện nay. Có như vậy mới đánh giá đúng vai trò của chữ Hán, chữ quốc ngữ và các nhân vật có liên quan.
Khi người Việt buộc phải tiếp nhận chữ Hán thì không gặp phải thảm họa văn hóa là phải từ bỏ văn hóa thành văn của mình trước đó. Chúng ta chưa khẳng định được người Việt cổ có văn tự như thế nào. Thư tịch chữ Hán của người Việt trước thời Đinh – Lê như thế nào đang là vấn đề của các nhà khoa học.
Khi được tiếp thu chữ quốc ngữ, người Việt đã có một lịch sử văn hóa thành văn gần ngàn năm, nếu tính từ 1010. Khi phải dùng chữ quốc ngữ thì đương nhiên chữ Hán không bị cấm mà tự diệt. Thảm họa văn hóa do Cố Rhodes gây ra cho người Việt chính là ở đó. Cho dù các Cố Rhodes và Pina và nhiều người khác nữa chỉ nhằm mở rộng Nước Chúa thì về khách quan, chữ quốc ngữ đã đẩy bộ phận người Việt tự đứt đoạn với văn hóa truyền thống. Chữ quốc ngữ tăng lên bao nhiêu thì văn hóa truyền thống bị bức tử bấy nhiêu. Đạo Ki-tô đem đến cho Con chiên một thứ văn hóa hoàn toàn khác với văn hóa truyền thống. Người theo đạo Ki-tô chỉ biết có Chúa. Dưới Chúa và trực tiếp hàng ngày là các Cha, Cố. Họ không cần biết có vua, quan, chức việc làng xã. Thậm chí cha mẹ Tổ tiên rồi cũng xa vời. Vì không thờ cúng Tổ tiên, ông bà. Ngày giỗ cha mẹ, ông bà, người ruột thịt, không có hương hoa cỗ bàn cúng kỵ. Chỉ có họp lại đọc một bài kinh. Ngày Tết theo Nhà thờ chỉ có một ngày đầu năm và trước đó, vui hơn, là đêm Noel. Chính là văn hóa Ki-tô giáo này đã làm phân hóa, rối loạn xã hội Việt Nam. Việc cấm đạo của Nhà Nguyễn có nguyên nhân từ đấy. Tôi biết có nhiều làng, như làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa) hay làng Phú Thứ (Vụ Bản, Nam Định), nửa làng theo đạo, xây nhà thờ, nửa làng không theo đạo. Phong tục tập quán cổ truyền bỗng nhiên bị chia rẽ. Quan hệ trai gái trong làng theo đó cũng chia ra. Người có đạo không kết hôn với người ngoại đạo. Người ngoại đạo, muốn theo hôn nhân thì phải theo đạo. Em họ tôi mấy năm trước lấy chồng là người có đạo, em phải theo đạo. Mẹ vui vì con có chồng mà buồn tủi vì mất con cả linh hồn lẫn thể xác. Nay mai nằm xuống, nó có nhớ, cũng chỉ có bài kinh mà sinh thời mình có hiểu gì đâu.
So-577--Anh-minh-hoa---Chu-Quoc-ngu-va-tham-hoa-van-hoa---Anh-1
Ngay từ buổi đầu, chữ quốc ngữ đã bức tử văn hóa truyền thống. Đến khi Pháp xâm lược Việt Nam thì chữ quốc ngữ trở thành công cụ của thực dân Pháp. Chữ quốc ngữ bị bắt buộc phải học trong các làng xã. Tuyển chọn công chức viên chức cho hệ thống chính quyền thuộc địa đều ưu tiên cho người biết chữ quốc ngữ. Công trình Chế độ thuộc địa của Pháp ở Nam kỳ của Nguyễn Đình Tư nói rõ điều đó.
Ở Bắc kỳ cũng như thế. Theo Hà Nội Xưa và Nay thì người Pháp rất cần các viên chức người Việt trong bộ máy hành chính của họ, đương nhiên là phải biết chữ quốc ngữ. Đến nỗi một nhân viên bưu điện (như bưu tá bây giờ) biết chút ít chữ quốc ngữ cũng được ưu đãi, đi phát thư được ngồi xe kéo. Anh ta chỉ hơn người kéo xe ở chỗ đọc được thông tin trên bì thư! Mấy câu thơ của Cụ Tú Xương có ý nghĩa khái quát trên cái nền rất hiện thực. Đúng là ông Nghè ông Cống cũng nằm co (thất nghiệp) còn mấy người biết chữ quốc ngữ, ra làm thông làm phán… thì tối rượu sâm-banh sáng sữa bò.
Cho đến năm 1919, bỏ thi chữ Hán thì chữ Hán chính thức bị bức tử. Quốc ngữ lên ngôi.
Hệ thống giáo dục Pháp – Việt cấp Tiểu học có đến hàng tổng. Mỗi tổng có một trường. Học chữ quốc ngữ. Nhưng lên lớp trên, trung học, lại phải học bằng tiếng Pháp. Như thế là người Pháp chỉ cho học chữ quốc ngữ ở cấp sơ đẳng, tiểu học. Phạm Quỳnh là người hăng hái vận động cho người Pháp không nên dạy tiếng Pháp ở cấp Sơ học. Nhiều người cho là Phạm Quỳnh có lòng yêu nước yêu tiếng Việt và quốc văn. Thực ra không phải thế. Phạm Quỳnh biết rất rõ là một viên chức Nhà nước (Bảo hộ) mà không nói được tiếng mẹ đẻ thì anh ta không có ảnh hưởng gì trước dân chúng. Vì vậy, phải để cho mỗi người đi học, trước hết phải nắm được tiếng mẹ đẻ tức môn Quốc văn mà Phạm Quỳnh gọi là quốc hồn. Muốn có quốc gia phải có quốc văn là một câu được khắc trên phần mộ Phạm Quỳnh ở Huế. Tư tưởng quốc văn của Phạm Quỳnh là để đào tạo lớp công chức bản địa cho thực dân Pháp. Đương nhiên có mặt trái của nó. Khi đã thông thạo chữ quốc ngữ thì một người Việt Nam yêu nước sẽ có một lợi khí. Phải nhớ là người Pháp và Phạm Quỳnh – người thực hiện “chủ động, hăng say” chỉ hạn chế tiếng Việt ở bậc Tiểu học. Ở cái bằng Sơ học yếu lược, nói như GS. Đặng Thai Mai. Lên bậc Trung học, Cao đẳng, lại phải học bằng tiếng Pháp, tách rời ngôn ngữ mẹ đẻ. Cũng có nghĩa là tách rời văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhà văn Bùi Hiển năm nay tròn 100 năm ngày sinh. Ông kể lại, hồi đầu, tập viết văn là để tự học lại tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ. Điều đó thể hiện rất rõ ở tập Nằm vạ. Người và cảnh ở một vùng quê làng biển được viết với ngôn ngữ của dân chúng trong cuộc sống đó.
Dưới thời thực dân Pháp, không có một học trò một sinh viên nào đạt được học vấn cao chỉ nhờ vào chữ quốc ngữ. Đơn giản vì ở bậc Cao đẳng, Đại học, không được học bằng tiếng Việt. Và dù được học chút ít chữ quốc ngữ ở cấp Tiểu học hay cấp Đại học, mục tiêu giáo dục của thực dân Pháp là đào tạo tầng lớp trí thức sẽ ra phục vụ cho Nhà nước Bảo hộ. Như thế đừng đơn giản nghĩ rằng nhờ có chữ quốc ngữ, nhờ các Cố Rhodes mà văn hóa Việt Nam phơi phới đi lên, giao lưu, hội nhập, tiếp thu văn minh Đông – Tây… Có được thành tựu văn hóa như hôm nay lại là vấn đề chính trị. Không có cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thì chữ quốc ngữ vẫn chỉ là nửa vời trong sự khống chế của ách thống trị ngoại bang.
Vấn đề lớn hơn, là bản lĩnh dân tộc thể hiện trong ngôn ngữ văn tự.
Thời Bắc thuộc, bị áp đặt học và dùng chữ Hán nhưng người Việt vẫn giữ tiếng nói và Việt hóa chữ Hán qua cách đọc của mình mà ông bà gọi là âm và từ Hán Việt. Chữ Hán nhưng đọc theo tiếng Việt. Đến bước cao hơn là tìm cách cải tiến chữ Hán thành chữ Nôm. Chữ Nôm đến Truyện Kiều là một đỉnh cao mà ngày nay chữ quốc ngữ chưa vượt qua được.
Khi tình thế đã buộc phải dùng chữ quốc ngữ, các thế hệ người Việt đã nhanh chóng dùng chữ quốc ngữ như một phương tiện mới, một công cụ mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đông Kinh nghĩa thục là một tiêu biểu. Rồi tiếp đó là Hội truyền bá quốc ngữ, cho đến hôm nay. Rõ ràng, chữ quốc ngữ chỉ phát triển sâu rộng, đến với mọi người, mọi nơi, trở thành cuộc sống của mỗi con người Việt Nam, là khi dân tộc được độc lập. Bản lĩnh dân tộc và điều kiện thời đại đã đưa chữ quốc ngữ tiến lên vượt bậc. Bảo vệ Luận văn Khoa học ở bậc Tiến sĩ bằng tiếng Việt là điều không thể có trong thời thực dân Pháp.
Bản lĩnh dân tộc, lòng yêu nước còn thể hiện ở thế hệ trí thức Tây học. Cũng có những trí thức cao cấp đã Tây hóa đến mức không còn nói được tiếng Việt. Nhưng đa số, các trí thức Tây học vẫn giữ được lòng yêu nước và phát sáng vào thời điểm lịch sử của dân tộc như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khắc Viện, Trần Đức Thảo… Vì thế, nói đến chữ quốc ngữ hôm nay không thể không nói đến bản lĩnh dân tộc và lòng yêu nước. Yếu tố quyết định cả văn hóa và chữ quốc ngữ.
Từ chữ Hán đến chữ quốc ngữ, dân tộc Việt Nam đã thể hiện bản chất nhân văn, rất hòa hiếu, không kỳ thị, uyển chuyển trong mọi tình huống mà vẫn giữ được tính nguyên lý. Như Cụ Hồ đã nói với Cụ Huỳnh: Dĩ bất biến ứng vạn biến. Khi buộc phải dùng chữ Hán thì đã dùng đến độ tinh xảo. Khi buộc phải dùng chữ quốc ngữ thì đã nhanh chóng đưa chữ quốc ngữ lên địa vị chữ viết chính thức của quốc gia. Và mục tiêu cuối cùng vẫn là Dân Tộc.
Chắc chắn tiền nhân đã thấy chữ Hán là thành tựu của các dân tộc Trung Hoa cổ đại cho đến thời Sỹ Nhiếp mở trường dạy chữ Hán ở Việt Nam. Ở Bắc Ninh còn truyền thuyết và dấu tích Nam giao học tổ.
Dù chữ Hán theo chân kẻ xâm lược, nhưng bản chất nó là kết tinh trí tuệ của nhân dân. Nếu được tiếp thu tự nguyện, qua giao thương trao đổi kinh tế – văn hóa thì Sỹ Nhiếp đáng dựng tượng vàng. Nhưng vì… như thế, nên sự đối xử cũng một vừa hai phải. Người Việt thờ Khổng Tử, bậc vạn thế sư biểu nhưng không thờ Sỹ Nhiếp hay Mã Viện.
Chữ quốc ngữ cũng thế. Đấy là kết tinh lao động và trí tuệ của các dân tộc sáng tạo nên chữ La-tinh. Chúng ta không có gì phải mặc cảm khi dùng mẫu tự La-tinh mà còn phải chịu ơn các dân tộc đã sáng tạo nên chữ La-tinh. Chữ quốc ngữ mẫu tự La-tinh đến Việt Nam theo con đường “thực dân” về tinh thần – truyền đạo. Nó đã gây ra thảm họa cho văn hóa truyền thống mà hậu quả còn đến tận hôm nay, đó là điều không thể phủ nhận. Chữ quốc ngữ trong tay người Việt Nam Độc lập Tự chủ đã đưa văn hóa Việt Nam tiến bộ vượt bậc, hội nhập bình đẳng với thế giới, là điều phải khẳng định. Những người đầu tiên và tiếp theo, có công đưa chữ quốc ngữ vào Việt Nam, chúng ta phải tôn trọng trên cơ sở xác định rõ cả ý đồ và hiệu quả công việc của họ. Công tội rõ ràng. 
Cần dành một vị trí trang trọng cho Alexandre de Rhodes và Francis de Pina trong một Bảo tàng Quốc gia về chữ quốc ngữ. Còn dựng tượng hay đặt tên đường như các danh nhân văn hóa dân tộc là điều quá ngưỡng. Hàm ơn hay vô ơn?… phải được phân tích đầy đủ, minh bạch, tâm phục khẩu phục… thì các Cố mới thực sự vui lòng!
TP. Hồ Chí Minh, 2-12-2019
Nguyễn Ngọc Quang
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 577


TUẦN BÁO SÁNG TÁC NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT
CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TỔNG BIÊN TẬP: NGUYỄN CHÍ HIẾU
GIẤY PHÉP XUẤT BẢN MỚI SỐ: 76/GP-TTĐT
DO BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CẤP NGÀY 31/12/2014


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.