Kỉ niệm đầu tiên sử dụng dịch vụ osin bệnh viện của mình là năm 2008. Tức là cũng 12 năm về trước rồi. Các năm trước đó thì chưa thấy dịch vụ này, hoặc là mình chưa để ý (lí do chính là lúc ấy nhân lực trong nhà còn huy động được và người nhà vẫn chưa yếu nhiều).
Từ 2008 trở về đây (nhất là từ năm 2015), thì càng ngày càng rõ về loại hình công việc này.
Hồi năm 2008, là một chị tầm khoảng 50 quê Phú Thọ, người cao lớn nhưng rất khéo léo trong chăm sóc bệnh nhân và làm việc xung quanh (giặt giũ, mua bán,...). Ghi nhớ mãi về chị ấy, vì một người như vậy rất khó kiếm, và cũng là lần đầu gia đình sử dụng dịch vụ. Giá ngày đó mới chỉ là 100.000đ/ngày đêm (ngoài ra còn chi thêm tiền ăn và những dịch vụ chi trả cho bệnh viện - lúc ấy mới là tiền áo vàng, chứ chưa có tiền giường cho osin bệnh viện).
Thời giá bây giờ, tháng 5 năm 2020, thì khoảng 400.000d/ngày đêm (ngoài ra còn chi tiền ăn cho osin, cộng tiền áo vàng và tiền giường tính theo đêm cho bệnh viện). Đại khái cứ tăng dần: 100k, 150k, 200k, 250k, 300k, 350k, 400k.
Sẽ kể dần dần. Bây giờ, làm một sưu tầm, mà mở đầu là một ghi chép của bác Kim Nhu.
Các thứ khác sẽ đưa dần vào bổ sung như mọi khi.
Tháng 5 năm 2020,
Giao Blog
---
Kim Nhu
Vào Bv bây giờ, ít khi thấy người nhà ở lại chăm sóc người thân mà hầu hết phải thuê osin bởi bệnh nhân nặng thường nằm viện lâu dài mà con cháu thì còn phải đi làm, phải kiếm sống. Xuất phát từ tình hình đấy, chợ osin ở các Bv nở rộ như nấm sau mưa.
Xin nói trước, tôi không có điều kiện để đi sâu tìm hiểu mà chỉ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong những ngày tôi phải nằm điều trị trong các bệnh viện.
Chợ osin ở bệnh viện nào cũng có đầu mối từ khoa cấp cứu. Ở khoa này, những bệnh nhân nặng thường phải qua đây để sàng lọc rồi mới được chuyển lên các khoa khác điều trị cho đúng chuyên môn. Bạn cần tìm ng chăm sóc ng nhà của bạn ư? Hỏi các y tá, điều dưỡng ở đây, ai cũng có vài số điện thoại. Đội quân chờ việc thường tụ tập ở các ghế đá để rải rác trong bv và lúc nào cũng đông như quân Nguyên mà nhác qua, người ta có thể nhầm với những người ở các địa phương về đây chăm sóc người nhà. Họ túm năm tụm ba trò chuyện nhưng thực ra chỉ trực chờ chuông điện thoại reo. Ai hên thì có việc liên tục, tức chăm ông A ra viện xong lại đến chăm bà B mới vào. Có người đen thì chờ mốc mép cũng chẳng có ai gọi. Thế là lại phải vạ vật đâu đó dăm ba hôm. Chờ lâu quá chưa có việc làm đành phải quay về nhà ít bữa rồi lại xuống tìm cơ hội.
1.Một trăm linh một hoàn cảnh
Chị NTH quê Phú Thọ, làm công việc này đã được dăm năm. Một mình phải nuôi bà mẹ mù loà và hai đứa con gái nhỏ. Chồng ngán ngẩm vì vợ sinh toàn bọn đái ngồi nên đã bỏ đi với người khác. Một mình nuôi 3 miệng ăn, lại thuốc thang cho mẹ già, học hành cho con cái nên lương osin ở bv tuy gọi là cao (400k/ngày) cũng chỉ tạm đủ. Hàng ngày, chị mua đúng 3 gói mì tôm, loại rẻ nhất có 3k/ gói để ăn. Biết thế, nhiều người cùng phòng đã san sẻ người ít rau, ít cơm canh cho chị ăn thêm đỡ xót ruột. Chị tâm sự: Cháu cố gắng năm nữa dành dụm được chút ít để đảo lại mái ngói chứ nhà cháu dột hết rồi, đến mùa mưa khổ lắm.
Chị TVS cũng quê Phú Thọ phải đi làm việc này vì một cục nợ to đùng. Ở quê, con gà thường tức nhau tiếng gáy. Thấy người ta xây nhà to, vợ chồng chị cũng đập cái nhà cấp bốn ra xây lại cho đàng hoàng hơn to đẹp hơn. Không ngờ cố cái này một tí, cái kia một tí lên đến 700tr. Nhà có 300, vay ngân hàng 400 thành ra vợ phải xuống HN làm osin Bv, chồng đi làm phụ hồ để trả nợ.
Hàng ngày, chị chi đúng 15 k tiền ăn. Sáng 5k tiền xôi, trưa 5 k tiền xôi, tối lại 5 k tiền xôi. Mọi người hỏi: ăn thế không xót ruột à? Chị bảo: Cháu quen rồi! Chị còn bảo: Nếu không có gì bất thường, trừ chi tiêu, 10 năm nữa chúng cháu sẽ trả hết nợ.
2.Những osin sang chảnh
Ấy thế nhưng cũng có những osin trông không khác gì dân thành phố. Ăn mặc, đầu tóc hợp mốt ( có cô còn cắt mái tóc của nữ hoàng Cleopatra).
Cô LVA quê Nghệ An nhưng lại nói tiếng HN vì cô ra đây làm việc đã 12 năm. Nếu để ý thật kỹ mới phát hiện ra giọng nói của cô còn vương chút Nghệ.
Ăn uống thì khỏi nói rồi, cô thích gì gọi ship, tối đến, cô còn bày đầy bàn những loại Mỹ phẩm làm đẹp da rồi giới thiệu với tôi cái nào làm mịn da, cái nào làm trắng da...Cô còn khoe với tôi lọ thuốc nội tiết tố nữ và bảo: Cháu 55 tuổi rồi nhưng uống cái này vào vẫn có kinh bình thường.
NTT cũng quê Phú Thọ thấy thế bảo: Chúng cháu cũng phải giữ gìn da dẻ vóc dáng chứ không có chồng nó lại đi với con khác thì hoá ra “tiền mất tật mang à cô?”
Trong phòng có 2 cô đấy và một cô trông bệnh nhân ở phòng bên cạnh, thỉnh thoảng lại rủ nhau góp tiền làm bữa tươi. Lúc thì mua con vịt, lúc con ngan luộc về ăn nghe rôm rả lắm.
Một đêm tỉnh dậy lúc khoảng 2 h sáng, tôi thấy một cô sang chảnh lặng yên ngồi ở ghế đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ có cây bằng lăng hoa tím ngát.
-Sao không ngủ được à?
-Cháu nhớ con cháu! Cứ đi xa mãi thế này, đến con nó cũng quên mặt mẹ mất thôi cô ạ!
Tự nhiên hai mắt tôi cay xè!
Ảnh: ký họa của ông hàng xóm trong ngày trông bệnh nhân.
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.