Ảnh năm 2018, khi cụ Đạo sĩ trở lại Khoa Triết nhân ngày 20 tháng 11 |
...Tôi muốn được thông qua diễn đàn này viết những dòng cảm nhận và đôi kỷ niệm về thầy: NGƯT.PGS. Bùi Thanh Quất, người đã để lại bao dấu ấn tốt đẹp về sự thông thái, tư duy sắc sảo, biện chứng, sự thân tình giản dị, bao dung trong nhiều thế hệ thầy cô và sinh viên Khoa Triết học. |
Thật vui, khi thấy Bản tin ĐHQGHN mở chuyên mục "Một thế kỷ - con người và sự kiện". Là một cựu sinh viên mang nặng ân tình với mái trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, với riêng Khoa Triết học, tôi muốn được thông qua diễn đàn này viết những dòng cảm nhận và đôi kỷ niệm về thầy: NGƯT.PGS. Bùi Thanh Quất, người đã để lại bao dấu ấn tốt đẹp về sự thông thái, tư duy sắc sảo, biện chứng, sự thân tình giản dị, bao dung trong nhiều thế hệ thầy cô và sinh viên Khoa Triết học. Như một nhân duyên đã định sẵn tôi bước vào Khoa Triết mà không có một sự băn khoăn nào vì đó là sự lựa chọn từ ngày nộp hồ sơ thi vào trường. Nhiều bạn bè cùng khoá của tôi, đứa từ Luật, đứa từ Văn, đứa từ Ngôn ngữ, cũng có đứa từ Báo chí, Tâm lý học, Quản lý xã hội hay Xã hội học chuyển sang, cùng nhau bước vào tập thể 42A. Cũng có người thoả mãn vì đúng nguyện vọng, người thì không, đó là hệ quả của việc học phân làm hai giai đoạn. Cũng có người tự nguyện xin sang Khoa Triết, đó là trường hợp của Hải. Ban đầu học Hải học Khoa Ngôn ngữ đủ điểm ở lại đúng nguyện vọng đã đăng ký, song lại tự nguyện làm đơn xin học Triết, là một trường hợp khác thường nên phải xin ý kiến của Chủ nhiệm khoa. Tôi nhớ lần đó, đích thân thầy Chủ nhiệm khoa Bùi Thanh Quất thân tình gọi Hải lên "phỏng vấn", đại loại như vì sao em có nguyên vọng xin sang Khoa Triết học… Hải vốn là học sinh giỏi văn lại có khả năng hùng biện và thực lòng muốn học triết đã trả lời hết sức trôi chảy những câu hỏi của thầy về cái duyên cớ thay đổi của mình. Đó là một kỷ niệm đẹp của Hải khi xin chuyển sang Khoa Triết, đó cũng là câu chuyện đầu tiên tôi được biết về vị Trưởng khoa của mình khi bước vào giai đoạn học chuyên ngành. Sau này học ở khoa, tôi có nhiều dịp được biết thêm những điều thú vị về thầy. Lớp 42A của chúng tôi là đứa con "hợp chủng" nhưng vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm, chú ý tạo điều kiện của Khoa. Tuy là một nhà quản lý lại tham gia công tác Đảng, công tác chuyên môn ở trường rất bận rộn nhưng thầy Quất luôn dành cho lớp chúng tôi sự ưu ái đặc biệt. Những buổi đại hội hay những dịp kỷ niệm chào mừng một ngày lễ lớn nào đó, lớp tôi tổ chức và gửi giấy mời tới các thầy cô, nhiều người không đến nhưng thầy Quất thì không mấy khi vắng mặt. Thầy đến với chúng tôi bằng những tình cảm nồng ấm qua chính nụ cười và những lời phát biểu, động viên nhiệt tình, sâu sắc. Thầy không nói cho qua chuyện mà nói súc tích, ra vấn đề. Đặc biệt khi đề cập đến vấn đề đạo đức học sinh - sinh viên, đôi mắt thầy thường ánh lên, giọng sôi nổi, đầy hào khí. Thầy nói bằng cả niềm tin, bằng thái độ yêu ghét rõ ràng, thầy không bàng quan hay né tránh, dè dặt trước những vấn đề khó nhất là khi nói đến mặt trái, nhức nhối, phê phán cái xấu, biểu dương cái đẹp. Trong lớp tôi cũng có người cho rằng thầy nói hơi dài, nhưng tôi lại không cảm thấy điều đó. Có ai đó nói: con người ta sở dĩ tồn tại là nhờ ở phong cách. Với thầy, đó cũng là một phong cách, phong cách của một nhà khoa học triết học. Triết học bản thân nó đã là khái quát, là trừu tượng nhưng nếu không có sự diễn giải, làm tường minh, triển khai mệnh đề thì không phải trình độ tư duy nào cũng hiểu được, sẽ khó mà ngấm nổi với mấy cô cậu sinh viên vốn tư duy còn non lá sữa. Chúng tôi hiểu những khi ấy thầy Quất phát biểu với tư cách là Chủ nhiệm khoa, là nhà khoa học. Chúng tôi chỉ được học thầy duy nhất một môn Logic biện chứng. Bản thân môn học chính là kết quả nghiên cứu của thầy, thầy là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng và phát triển nó. Bộ môn Logic biện chứng đã được các nhà khoa học Liên Xô trước đây nghiên cứu, thầy lại là người tiếp thu trực tiếp trong môi trường đào tạo ấy, về nước thầy tiếp tiếp tục công việc của mình. ở trong nước, nhiều nhà khoa học vẫn tranh cãi có hay không khoa học này, hay nó nằm trong các nguyên lý duy vật biện chứng, lý luận nhận thức. Điều này cũng dễ hiểu, vì khoa học vốn không đi độc đạo mà có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Thầy đã bằng cách tiếp cận riêng độc đáo để lập luận, lý giải, bảo vệ lý lẽ của mình. Đó sẽ vẫn còn là vấn đề tiếp tục gây tranh cãi trong giới khoa học triết học, song ở trường ĐHKHXH&NV đã từ lâu Logic biện chứng là một môn học chính thức, nó đã được giảng dạy cho bao thế hệ học trò của khoa, của thầy. Họ đều ít nhiều ảnh hưởng bởi lối tư duy biện chứng của môn học ấy, và bất cứ ai cũng có chung một cảm nhận về sự sắc sảo, uyên bác, trong lối diễn giải, phân tích của thầy Quất. Riêng tôi, tôi cũng thấy thú vị về những bài giảng logic ấy, thế mới là khoa học, thế mới là triết lý. Khoa học không đóng khung lại như bức tranh mà luôn mở ra những hướng suy nghĩ độc lập. Chính thầy đã gợi mở những vấn đề, thầy không đóng đinh cho một lời kết, đó phải là công việc của người học. Có phải chăng vì thế nhiều học trò đã bối rối, không tự tin vào sức học của chính mình! Riêng tôi, kết thúc môn học ấy tôi tự hào vì mình đã đạt điểm 9, một điểm cao của lớp lúc bấy giờ. Học thầy không nhiều, ít có dịp diện kiến thầy vì biết thầy bận, song tôi và nhiều bạn bè tôi quý thầy ở sức nghĩ, ở lòng nhiệt tình khoa học, nhiệt tình với con người. ở những bài giảng đó ngoài tri thức khoa học, thầy đều lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ lý tưởng của giai cấp cần lao. Tính Đảng và tính khoa học đã quyện chặt trong tư duy logic của thầy. Ngày tôi bảo vệ luận văn, không ngờ thầy lại ngồi ở tiểu ban Hội đồng bảo vệ. Đề tài của tôi có liên quan đến Lịch sử tư tưởng dân tộc và Hồ Chí Minh. Biết thầy nghiên cứu nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh, tranh thủ lúc giải lao tôi đưa cho thầy bản tóm tắt luận văn của mình, hy vọng thầy đọc và đưa ra nhận xét. Lúc bảo vệ, không ngờ thầy rất quan tâm, thầy đã đặt cho tôi khá nhiều câu hỏi, có câu tôi trả lời ngay, có câu tôi bối rối, đứng lặng. Thời gian dành cho mỗi người không nhiều, chính thầy đã trả lời thay và cho tôi những ý kiến quý giá. Tôi, cậu sinh viên sắp đến ngày nhận bằng cử nhân bỗng cảm thấy lớn lên, vỡ vạc ra biết bao điều. Cũng sau lần đó, thầy thôi giữ chức Chủ nhiệm khoa, chuyển sang công tác ở Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Khoa học chính trị trực thuộc trường. Tôi lại ít có dịp gặp thầy ở khoa. Mấy tháng sau khi ra trường, đang loanh quanh chờ xin việc tôi tình cờ gặp lại thầy ở KTX Mễ Trì. Gặp tôi thầy thân tình hỏi han và động viên tôi cố gắng. Tôi nghe mọi người bảo thầy Quất vẫn thường bắt xe ôm vào KTX thăm những sinh viên của Khoa ở nội trú. Với họ, thầy vừa là người cha, người anh, người bạn luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ. Nhiều sinh viên tâm sự rằng, được tiếp xúc với thầy họ cảm thấy yêu hơn môn khoa học tuy sâu sắc, bác học mà khô khan trừu tượng, đòi hỏi cao sự nỗ lực đọc và nghiên cứu, suy ngẫm chứ không phải là một thứ khoa học "ăn liền". Tôi thi đỗ công chức vào giảng dạy đúng chuyên môn ở một trường đại học nên ít có dịp gặp thầy ngoài đời. Tuy vậy tôi vẫn có dịp “đọc” thầy trên các tạp chí, khi thì ký tên thật, lúc thì dùng bút danh. Tôi vẫn học thầy, không phải trên giảng đường mà qua những bài nghiên cứu đó. Trong hình dung, tôi vẫn tưởng tượng ra thầy. Dáng người tầm thước, đôi mắt tinh anh, mái tóc pha chút phong sương của người nghệ sĩ, nụ cười tươi trên đôi môi rộng mở, thầy đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên Khoa Triết học. Với chúng tôi, thầy là tấm gương sáng về lòng say mê khoa học. Nhiều người gọi thầy là "cây đa, cây đề” trong làng Triết học, cách phong hàm mang đậm chất dân gian và chứa đựng trong đó là cả một niềm kính trọng, ngưỡng mộ đối với nhân cách một nhà giáo, một con người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho ngành Triết, cho sự nghiệp trồng người... |
Phạm Xuân Hoàng* - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005 |
Cảm ơn Giao cho hội ngộ hai cố nhân (Thày Tường, Thầy Quất) mấy chục năm trời chưa gặp lại.
Trả lờiXóaHiện nay, hai thầy đã tu theo pháp môn Đạo giáo. Cả hai đều đưa quan điểm quan trọng: Đạo giáo có gốc gác từ Việt Nam. Đạo giáo thấy ở Trung Quốc vốn là do người đi từ Việt Nam (ngày nay) lập ra và truyền bá. Quan điểm này vừa được hai thầy phát biểu chính thức tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2020 này, anh HHN ạ.
Xóa