Người trả lời phỏng vấn hiện là Trưởng Bộ môn Nhân học Phát triển (thuộc Khoa Nhân học, Trường KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Cái ảnh minh họa đầu tiên thì không có chú thích, và xem ra cũng không ăn nhập lắm với bài.
Chép nguyên về từ Nhân Dân.
---
Thứ Bảy, 24/11/2018, 12:29:41
- Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa ứng xử của xã hội Việt Nam hiện nay đang bị xuống cấp, và nguyên do của tình trạng đó chính là bởi sự tồn tại của một lỗ hổng không nhỏ trong nhận thức về văn hóa của một bộ phận người dân?
- “Lỗ hổng” là một cách nói cho có hình tượng thôi. Trên thực tế, người ta thường nói đến lỗ hổng của chính sách, lỗ hổng của pháp luật, của quản lý, còn nói đến văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử thì dùng khái niệm chuẩn và sự lệch chuẩn có vẻ phù hợp hơn. Mỗi nền văn hóa đều có những chuẩn mực được hình thành từ trong lịch sử và thích hợp với hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế đương đại. Khi có những ứng xử khác với chuẩn mực thông thường thì xã hội bắt đầu lên tiếng.
Xã hội chúng ta đang có sự thay đổi rất lớn về kinh tế và xã hội, và sự thay đổi đó đang tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống, nhưng chúng ta vẫn nghĩ văn hóa là cái gì đó bất biến, và hệ giá trị truyền thống của nền kinh tế - xã hội cũ vẫn được giữ lại và đề cao. Thực ra, có những chuẩn mực vốn là khuôn vàng thước ngọc dưới nền kinh tế kế hoạch hóa nhưng đã không còn thích hợp trong nền kinh tế thị trường. Văn hóa luôn vận động, tiếp nhận cái mới vào trong hệ giá trị của truyền thống. Trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi mô hình và phát triển mạnh mẽ hơn 30 năm qua, cùng sự hội nhập toàn cầu như hiện nay, rất nhiều yếu tố xã hội mới đã được tiếp nhận và hình thành.
Tuy nhiên, hệ giá trị và các chuẩn mực xã hội mới thích hợp với hoàn cảnh mới lại chưa định hình. Chính vì vậy, hiện trạng xã hội đặt ra rất nhiều vấn đề, khiến cho các nhà quản lý văn hóa bị lâm vào một tình thế hết sức khó khăn. Việc ngành văn hóa không trả lời được những vấn đề xã hội đang đặt ra, theo tôi, là điều dễ hiểu.
- Trong một bối cảnh xã hội đang chuyển dịch như vậy, để có thể xác định đúng những vấn đề thực tế đang đặt ra, theo ông, nên bắt đầu từ đâu?
- Phải có cách tiếp cận và nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và thích hợp. Chẳng hạn, văn hóa có thể được định nghĩa và phân tích ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng để nhận diện được bức tranh tổng thể của văn hóa- xã hội nước ta hiện nay, chúng ta có thể mổ xẻ nó ở năm góc độ cụ thể như sau: Trước hết là, văn hóa hành vi ứng xử và các quan niệm về hệ giá trị. Đây là vấn đề được xem là nóng bỏng nhất, được xã hội quan tâm nhiều nhất, và đang được nói đến như một “lỗ hổng văn hóa”. Thực ra, văn hóa ứng xử là một bộ phận trong tổng thể nền văn hóa, và nó chịu sự chi phối của nhiều thành tố khác. Đã có những giải pháp can thiệp vào văn hóa hành vi như xây dựng bộ quy tắc ứng xử, hay đưa ra những quy định về hành vi ứng xử của công chức, nhưng dường như những điều đó chưa thật sự tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Vấn đề là chúng ta phải định vị được văn hóa hành vi trong mối tương quan với thời đại chúng ta đang sống để có những điều chỉnh phù hợp. Và đây là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng dường như chưa được chú ý đúng mức.
Thứ hai là, văn hóa sản xuất và kinh doanh. Chúng ta thấy đang có một sự xung đột lớn giữa lợi ích cá nhân, lợi ích các nhóm với đạo đức sản xuất và kinh doanh. Người ta thường có xu hướng cố gắng đạt được lợi ích tối đa và bỏ qua vấn đề đạo đức. Đây là vấn đề cốt lõi hiện nay, tác động không nhỏ đến các giá trị văn hóa xã hội khác.
Thứ ba là, lĩnh vực văn hóa tiêu dùng và bảo đảm đời sống. Dưới nền kinh tế thị trường, có sự khác biệt ngày càng tăng trong tiêu dùng giữa các nhóm xã hội. Có thể nhận thấy từ sau khi tiến hành công cuộc Đổi mới đến nay, xã hội ta đang hình thành một giai tầng xã hội mới, tạm gọi là tầng lớp trung lưu mới nổi. Chính giai tầng này đang chi phối văn hóa tiêu dùng trong xã hội, làm thay đổi thị hiếu và tạo ra các xu hướng tiêu dùng mới. Theo một số nghiên cứu thì ở Việt Nam, tầng lớp trung lưu mới nổi chỉ mới chiếm khoảng 30% dân số, so với 90% của Singapore, 60% của Indonesia, và hơn 50% của Thái-lan và Malaysia.
Nhiều giải pháp can thiệp vào văn hóa hành vi chưa tạo được sự lan tỏa trong xã hội.
Cần phải hiểu trung lưu không chỉ đơn thuần là những người có thu nhập trung bình và khá trong xã hội, mà là một giai tầng xã hội, có bản sắc văn hóa riêng. Họ có xu hướng tham gia vào phản biện xã hội, đòi hỏi đổi mới xã hội, và điều đó tạo ra các quan niệm mới về đạo đức và văn hóa ứng xử mới trong xã hội. Nếu nhìn trong dài hạn, điều đó sẽ là sự tích cực, nhưng trong tầm nhìn ngắn hạn, thì có một số hạn chế cần nhìn nhận, đó là sự nổi trội trong ứng xử, như tính cá nhân chủ nghĩa, chăm chút vun vén cá nhân, và đặc biệt là chủ nghĩa thực dụng.
Thứ tư là, văn hóa chính trị. Đây là thành tố bao gồm nhiều khía cạnh từ lễ nghi của Nhà nước, từ văn hóa ứng xử của lãnh đạo cho đến cách người ta xử lý các hành vi như tham nhũng, dối trá...
Người dân luôn theo dõi mọi động thái trong hành vi ứng xử của cơ quan công quyền và các cấp lãnh đạo đối với mỗi sự kiện hay hiện tượng xã hội, và hành vi của họ có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ của xã hội.
Văn hóa chính trị hiện nay có nhiều vấn đề mà tôi xem là có sức công phá không kém gì những quả bom. Ví như một cảnh sát giao thông dùng dùi cui đánh một người vi phạm giao thông, rồi sau đó lại được giải thích trước công luận rằng đó là do người dân tự va vào chứ không phải do cảnh sát đánh. Hay những câu chuyện tịch thu kim cương và phạt người mua đô-la ở Cần Thơ vừa rồi, có rất nhiều cách giải thích khiến cho người dân cảm nhận rằng các cơ quan công quyền chưa chú trọng đến văn hóa ứng xử của mình, làm cho dân chúng nghĩ rằng đang có sự bênh che, không minh bạch trong giải trình. Trong điều kiện mạng xã hội phổ biến như hiện nay, những hành vi này có thể nói là hết sức phản cảm và có tác động xấu đến ứng xử của xã hội.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã bắt đầu chú ý điều chỉnh hành vi văn hóa bằng cách ban hành các quy tắc ứng xử, bằng Luật Cán bộ, Công chức, và mới đây là quy định về việc nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, các giải pháp này nặng về phạm trù đạo đức, định tính và có hơi hướng “đức trị”. Nếu trong một xã hội ổn định, thì đức trị cũng có thể phát huy tác dụng ở mức độ nào đó. Nhưng chúng ta đang sống trong một giai đoạn xã hội chuyển tiếp, mọi giá trị đang có xu hướng đảo lộn, sự can thiệp bằng “pháp trị” cần được đề cao. Và thực tế thì xã hội nào cũng cần đề cao pháp trị mới tạo sự ổn định được.
Cuối cùng là, văn hóa truyền thông. Có lẽ chưa bao giờ truyền thông lại bùng nổ như bây giờ, cả chính thức và không chính thức. Một thực tế khác mà công luận gần đây lưu ý, đó là sự “gameshow hóa” các chương trình truyền hình của nhiều nhà đài, từ trung ương đến địa phương, trong khi các thể loại phim bạo lực và thiếu định hướng tình cảm đạo đức cao thượng, hướng đến giải trí tầm thường và vô bổ lại đang lan tràn trên các phương tiện phát thanh, truyền hình. Bạo lực trên phim và bạo lực trong ngôn từ của báo chí rất nhiều, và những điều đó lan truyền ra xã hội rất nhanh. Có thể nói, chúng ta đã phần nào buông lỏng quản lý, không đánh giá đúng vị trí của văn hóa truyền thông, nên những vấn đề nhạy cảm văn hóa và các hành vi ứng xử lệch chuẩn đang có cơ lan truyền nhanh trên truyền thông.
Đó là các thành tố khác nhau trong một tổng thể nền văn hóa xã hội đang trong quá trình chuyển đổi và có tác động qua lại đến hành vi ứng xử, đến hệ giá trị và quan niệm về giá trị.
- Vậy thì, dựa trên những phân tích sâu như vậy, ông có thể đề xuất phương thức phù hợp để điều chỉnh sự lệch chuẩn về văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân trong xã hội hiện nay?
- Văn hóa hành vi có xu hướng tự điều chỉnh để phù hợp với môi trường xã hội. Trong quá trình chuyển đổi xã hội, các hệ giá trị có sự xê dịch, nhưng cùng với thời gian và sự ổn định xã hội, các giá trị sẽ dần đi vào định hình thành những chuẩn mực mới. Sự can thiệp của Nhà nước vào các hành vi văn hóa bằng các chính sách vẫn là việc cần thiết phải làm và cần được thực hiện dựa trên quan điểm tiếp cận phù hợp văn hóa. Tức là cần tôn trọng những chuẩn mực văn hóa riêng của mỗi cộng đồng, tộc người hay tôn giáo. Hiện tại, chúng ta có xu hướng tạo ra một mô hình và can thiệp tất cả theo một cách chung.
Thêm nữa, văn hóa luôn có sự đa dạng. Can thiệp dựa trên phù hợp văn hóa nghĩa là chấp nhận sự khác biệt, tránh hành vi phân biệt đối xử và dán nhãn để tạo đồng thuận. Làm được như thế, chúng ta sẽ tạo ra được sự hài hòa xã hội, sẽ bảo tồn được đa dạng văn hóa và bảo đảm phát triển bền vững, không tạo ra những cú sốc và tránh được những xung đột không cần thiết. - Xin trân trọng cảm ơn ông.
LUÂN VŨ (thực hiện)
http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/the-thao/item/38346102-dieu-chinh-bang-su-can-thiep-phu-hop.html?fbclid=IwAR3O8SyUmWULBOVUTj2mRGIY2TkouhIz9dCeNyewrivCXa0jsEN1selfgYE
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.