Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/04/2017

Thảo luận về di sản của Kim Định : cụ Hà Văn Thùy trả lời hậu bối Nguyễn Phúc Anh

Lần trước, đã đưa bài của Phúc Anh về di sản của Kim Định, ở đây (tháng 2/2017).

Bây giờ, thì nghe cụ Hà Văn Thùy trả lời Phúc Anh. Cụ chốt lại ở câu kết:

"Một người tuổi trẻ với mớ kiến thức vay mượn, chân không tới đất, cật chẳng đến trời mà đã ngạo mạn nhìn đời theo lối kinh bạc mục hạ vô nhân rồi lăng mạ những bậc trưởng thượng. Có con cháu như thế cổ nhân gọi nhà là bạc phúc."


Từ đây trở xuống là toàn văn.




---





Hà Văn Thùy – AI LÀ CHỦ NHÂN CỦA TRIẾT LÝ ÂM-DƯƠNG? Trao đổi với tác giả Nguyễn Phúc Anh


Người bạn gửi tới bài “ÂM – DƯƠNG CHẲNG CỦA RIÊNG AI – CẦN DỪNG NGAY NHỮNG ĐỐI THOẠI NHÀM CHÁN VỀ NGUỒN GỐC CỦA TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG!”* với lời đề nghị tôi cho ý kiến.

Tác giả bài báo là Phúc Anh, một người mới, có lẽ lần đầu tiên tôi gặp.
Xin thưa lại đôi lời.
Linh mục Lương Kim Định có lẽ là người được đào tạo bài bản bậc nhất trong các học giả đương đại. “ Sau khi tốt nghiệp triết học tại Giáo Hoàng Chủng Viện Sait Albert Le Grand, ông dạy triết tại Đại Chủng Viện Bùi Chu (1943-1946). Năm 1947, ngài sang Pháp 10 năm nghiên cứu về triết học tại Institut des Hautes Etudes Chinoise để thâu thập tài liệu xây đắp nền triết lý Việt Nam” (Vũ Khánh Thành).
Tiếp tục sự học trường ốc ấy là việc tự học không ngừng và “giáo nhi bất quyện” (dậy dỗ không mỏi) của một con người cả đời hy sinh vì Công giáo và Dân tộc. Công bằng phải nói rằng, Kim Định đạt tới tầm mức trí tuệ hàng đầu của nhân loại. Không chỉ vậy, ông còn vượt lên, trở thành triết gia thiên tài không chỉ của phương Đông mà còn của cả thế giới.
Là người say mê cấu trúc luận, tôi chắc là ông đã đọc quyển Tư duy nguyên thủy (Savage Mind) của Claude Lévi-Strauss và nhận ra, đúng như tác giả phát hiện, tư duy lưỡng hợp (dual unit) là của chung nhân loại.
Tuy nhiên, do hiểu thấu cơ cấu Việt Nho, ông đã vượt qua tầm mức kiến thức phổ thông đó mà khám phá, người Việt đã nâng mối quan hệ Âm-Dương thành triết lý siêu việt. Ông biết rằng, từ 20.000 năm trước, người Hòa Bình Việt Nam đã sáng tạo và phổ biến công cụ đá mới không chỉ ra châu Á mà nhiều nơi trên thế giới. 10.000 năm trước, trên những hòn đá mài Bắc Sơn xuất hiện những vạch khắc chìm song song, được khoa học gọi là dấu Bắc Sơn. Đem hết tâm lực giải mã những vạch song song trên đá ấy, nhiều học giả đồng thuận cho rằng, đó là biểu tượng của “song trùng lưỡng hợp” (dual unit) của Âm-Dương trong tư duy của người Việt. Trong khi, cũng thời điểm này, khi Kỷ Băng hà cuối cùng chấm dứt, người phương Tây mới ra khỏi những hang băng để chế tác công cụ đá mới!
Ông Phúc Anh lầm lẫn giữa Âm-Dương và triết lý Âm-Dương. Người phương Tây cùng lắm chỉ biết tới Âm-Dương mà không hề có triết lý Âm-Dương. Với phương Tây, “những cặp lưỡng nguyên đối lập: Trai – gái, trời – đất, trên – dưới, xa – gần, nóng – lạnh…”  chỉ là những cặp “đối lập lưỡng nguyên” riêng lẻ, thì người Việt đã khái quát những hiện tượng riêng rẽ tản mạn ấy thành cặp phạm trù mang tính triết học Yn-Yang (Âm- Dương).  Triết lý Âm-Dương như được hiểu hiện nay duy nhất là sáng tạo của người Việt. Phải thừa nhận, đó là bước nhảy đột biến của trí tuệ nhân loại.
Từ Âm-Dương, được coi là lưỡng nghi, người Việt khám phá ra thiếu Âm, thiếu Dương; thái Âm, thái Dương. Đó là tứ tượng. Rồi tứ tượng sinh bát Quái và tới lượt mình, bát Quái sinh Càn Khôn vạn vật! Từ đó mà rút ra: nhất Âm nhất Dương chi vị đạo. Âm và Dương là Đạo, là bản thể và cũng là sự vận hành của vũ trụ. Đấy là Dịch lý. Hệ từ thượng viết: “tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số.” Ba Dương hai Âm là số gốc, là con số của vũ trụ. Điều này chứng tỏ từ xa xưa, người Việt đã nhận ra, vũ trụ được cấu tạo bằng Âm và Dương mà trong đó, sự vận hành lý tưởng là ba phần Dương và hai phần Âm.
Như vậy là, trong khi phần lớn nhân loại chỉ dừng lại ở những cặp “lưỡng nguyên đối lập” riêng rẽ, tản mạn thì người Việt đã từ đó khái quát thành phạm trù Âm-Dương để rồi sáng tạo ra Dịch lý. Điều này có nghĩa gì? Nó chứng tỏ vượt qua mọi sắc dân khác, người Việt đã thấu hiểu và làm chủ nguyên lý song trùng lưỡng hợp của tự nhiên để khám phá ra cấu tạo và quy luật vận hành của vũ trụ.
Những nỗ lực của triết gia Kim Định cùng môn phái của ông không phải là đòi chủ quyền khám phá Âm-Dương mà là xác định chủ nhân của kinh Dịch. Cũng từ tư duy “đối lập lưỡng nguyên” mà sao Dịch lý chỉ ra đời ở phương Đông mà không phải ở phương Tây? Xuất phát từ phương thức tư duy phân tích, phương Tây biết tới Âm-Dương nhưng rồi dừng ở đấy để đi tìm cấu tạo vũ trụ từ Đất-Nước – Lửa –Khí, dẫn tới khoa học thực nghiệm. Trong khi đó, phương Đông, xuất phát từ tư duy tổng hợp, không đi tìm cấu tạo của Âm-Dương mà tìm mối quan hệ, hay sự vận hành của chúng. Từ đó khám phá ra Ngũ hành. Đấy chính là con đường làm ra kinh Dịch.
Ở thời mình, Cụ Kim Định ráng sức giành lại quyền trước tác kinh Dịch với người Hoa Hạ. Nhưng nay, nhờ nhiều khám phá khoa học, thế giới biết rằng, 70.000 năm trước, người Homo sapiens từ châu Phi di cư tới Việt Nam, sinh ra người Việt cổ. Còn người Hoa Hạ lại do người Việt sinh ra cách nay 4700 năm. Không chỉ cho Hoa Hạ máu huyết mà người mẹ Việt cho lứa con muộn mằn của mình tiếng nói, chữ viết cùng văn hóa… Với những phát kiến của kỷ nguyên mới, việc giành chủ quyền kinh Dịch với người Tàu là vô nghĩa!
Do không hiểu điều này, ông Phúc Anh hạ thấp tầm mức lớn lao trong khám phá của triết gia Kim định cùng môn phái của ông.
Ông Phúc Anh viết: “Vì thế là dễ hiểu nếu chủ nhân của những trống đồng thể hiện tư duy ĐỐI LẬP LƯỠNG NGUYÊN của họ trên mặt trống, dù họ chắc chắn không gọi nó là ÂM DƯƠNG.”
Viết như vậy, chứng tỏ tác giả không hiểu gì về người Việt. Những trống đồng sớm nhất chỉ mới 2700 tuổi nhưng truyền thuyết nói rằng Phục Hy làm Dịch. Mà Phục Hy sống khoảng 4080 năm TCN. Âm-Dương là hai số 0 và 1 trong hệ số nhị phân. Nếu không biết Âm-Dương thì cũng không thể làm được Dịch. Không chỉ vậy, khai quật khu mộ cổ 6500 năm trước của người Việt ở Bộc Dương Hà Nam Trung Quốc, người ta phát hiện hình tượng trời tròn đất vuông, thanh long, bạch hổ, nhị thập bát tú cùng 24 tiết trong năm… Nếu không hiểu Âm Dương có thể nào làm được như vậy?
Một người tuổi trẻ với mớ kiến thức vay mượn, chân không tới đất, cật chẳng đến trời mà đã ngạo mạn nhìn đời theo lối kinh bạc mục hạ vô nhân rồi lăng mạ những bậc trưởng thượng. Có con cháu như thế cổ nhân gọi nhà là bạc phúc.

* Tác giả là người đang nhận học bổng học tại Đại học Harvard
Có thể đọc thêm những bài: 1. CÓ THỰC VĂN MINH TIỀN SỬ VIỆT NAM LÀ VĂN MINH LÚA NƯỚC? VÀ TỪ KHI NÀO NGƯỜI VIỆT NAM ĂN BÚN VÀ PHỞ?
  1. CẦN CHẤM DỨT NHỮNG THẢO LUẬN VỀ MẪU HỆ
  2. Thủ dâm & khổ dâm văn hóa
Trên facebook của tác giả:
https://khoahocnet.com/2017/04/20/ha-van-thuy-ai-la-chu-nhan-cua-triet-ly-am-duong-trao-doi-voi-tac-gia-nguyen-phuc-anh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.