Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/03/2017

Tác giả tiểu thuyết "Bê Trọc" viết về thầy học

Học trò của ông thì có những người thú vị như danh sĩ "vua hiến kế" Hồ Bá Quỳnh ở xứ Nghệ (tác giả của Hưu nông dân - tên đề tài Phó Tiến sĩ Kinh tế, và cũng là tên sách xuất bản sau đó).

Tác giả tiểu thuyết Bê trọc thì vừa có bài mới về ông.

Hai tác giả, của Hưu nông dân Bê trọc, đều chỉ kém thầy một ít tuổi. Nếu chỉ tính tuổi thì chỉ như là hàng anh em.


Lấy nguyên về từ trang của tạp chí Văn Hiến - nơi tác giả Bê trọc là Tổng Biên tập.



---


Giáo sư Phan Đăng Nhật, người thủy chung với văn hóa dân gian

Phạm Việt Long | Thứ Hai, 06/03/2017 07:24 GMT +7


Tính theo Âm lịch, năm Đinh Dậu 2017 này, Giáo sư Phan Đăng Nhật vừa tròn 87 mùa xuân. Giáo sư sớm chọn cho mình một nghề để theo đuổi suốt đời, đó là nghiên cứu văn hóa dân gian. Năm tháng qua đi, cuộc đời bể dâu, con đường khoa học gập ghềnh gian nan, nhưng Giáo sư nhất quyết đi tới cùng. Tới tận bây giờ, gần 90 tuổi rồi, Giáo sư Phan Đăng Nhật vẫn say mê nghiên cứu, để cho ra đời những công trình khoa học giá trị. Nhiều công trình của ông đã góp thêm  nhận thức mới của cộng đồng, trong đó có những công trình nghiên cứu về Sử thi, về Luật tục, về nhà Mạc và dòng họ Mạc, về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu đã và đang được xuất bản thành những bộ sách lớn.


Có thể nói, trời đã phú cho Giáo sư Phan Đăng Nhật khả năng nhận biết những giá trị thật sự của cuộc sống để từ đó định hướng đường đời chính xác. Nhìn vào lịch sử, ông thấy rằng văn hóa dân gian là môt giá trị tinh thần đặc sắc của Viêt Nam: một kho tàng giàu có vô tận, là trí tuệ, tri thức (tri thức dân gian=folk knowledge), văn học, thơ ca, nghệ thuật… rất bổ ích, hấp dẫn, thú vị… Vì vậy, từ xưa đến nay, nhiều học giả lớn đều đi sâu vào văn hóa dân gian: Về sáng tác có các tác phẩm thơ, văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu. Về sưu tầm nghiên cứu có Lĩnh nam chích quái (Vũ Quỳnh –Kiều Phú), Nam phong giải trào (Trần Danh Án), Phong dao (Nguyễn Văn Ngọc), công trình nghiên cứu về nhiều loại, tổng hợp (Nguyễn Văn Huyên),  (Đinh Gia Khánh)… Trong nền văn hóa của dân tộc, có văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là văn hóa dân gian, một bộ phận quan trọng lại là cội nguồn của văn hóa  chung, nên có vai trò quan trọng. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn , ông đi sâu vào đời sống dân dã, tìm hiểu thấu dáo, xây dựng nên những đề tài nghiên cứu chuyên về văn hóa dân gian, đi từ nhỏ tới lớn, từ bề mặt tới chiều sâu để cuối cùng tạo ra những công trình mang tầm vóc quốc gia và có tiếng vang trên trường quốc tế.

Không thể giới thiệu dầy đủ trong một bài viết về giáo sư Phan Đăng Nhật, chỉ xin ghi lại một vài sự kiện, công trình tiêu biểu mà Giáo sư đã cống hiến cho cuộc sống này.

Duyên nợ sử thi
Như là có mối duyên tiền kiếp, chàng giáo viên trẻ Phan Đăng Nhật khi mới vào nghề ở vùng Tây Bắc Tổ quốc vào những năm 60 của thế kỷ XX đã mơ màng nghĩ đến sử thi các dân tộc thiểu số Việt Nam. Lúc ấy, ở nước ta, hầu như chưa ai nhắc đến anh hùng ca/sử thi. Nhưng với vốn kiến thức học hỏi được và vốn thực tế tích hợp được trong quá trình công tác, Phan Đăng Nhật vẫn đinh ninh rằng nước ta có sử thi, và vì vậy, anh quyết đi tìm bằng được sử thi.

Miệt mài mãi, anh cùng Giáo sư Cầm Trọng tìm đến một tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng lưu truyền trong đồng bào Thái với  tên “Chương Han”. Tài liệu thu thập được chưa đầy đủ, nhưng đã khiến anh rung động mạnh mẽ và có một niềm tin vững chắc rằng đó chính là sử thi. Nhưng chiến tranh ác liệt, bom đạn Mỹ đốt cháy sạch tài liệu về Chương Han. Chàng thanh niên Phan Đăng Nhật ngẩn ngơ như vừa giáp mặt người đẹp đã phải chia xa. Và chàng nhủ lòng phải đi tìm, đi tìm cho đến khi đầu bạc răng long…

Năm 1969, Phan Đăng Nhật được chuyển về làm việc tại Viện Văn học. Lúc này, Giáo sư Cao Huy Đỉnh đã sưu tầm được “Anh hùng làng Dóng”, hy vọng tìm ra sử thi người Việt. Công việc đang dang dở thì Giáo sư Cao Huy Đỉnh qua đời (1974). Tấm gương lao động miệt mài và kết quả bước đầu của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh càng khích lệ Phan Đăng Nhật đi sâu hơn nữa vào đời sống văn học dân gian để tìm ra những gì tinh hoa ẩn giấu trong đó. Cũng với tinh thần lao động hăng say, nhưng Phan Đăng Nhật có hướng đi mới. Anh không đi tìm sử thi của riêng người Việt, mà tìm sử thi trong vốn văn học dân gian của tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Kinh nghiệm trên thế giới dạy bảo anh rằng, không phải dân tộc nào cũng có sử thi, nhưng sử thi cũng có thể là vốn quý của bất kỳ dân tộc nào, không phân biệt lớn nhỏ, văn minh hay lạc hậu. Hướng đi của anh là tìm về miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Lý thuyết “hoá thạch ngoại biên về văn hoá” dẫn đường cho anh để anh tin rằng ở những dân tộc thiểu số vùng núi, giao thông khó khăn, giao lưu hạn chế, thì dễ đọng lại những vốn quý cổ xưa về văn hoá của dân tộc bản địa cũng như lưu giũ “hộ” những dân tộc khác vốn văn hoá của họ di trú về đây.

Đầu những năm 70, Phan Đăng Nhật về Thanh Hoá, hỗ trợ Vương Anh sưu tầm “Đẻ đất đẻ nước”. Hồi đó không ai nghĩ đó là sử thi vì nó khác hẳn Ilyade Odyssée là sử thi kiểu mẫu của thế giới. Nhưng trong báo cáo khoa học năm 1974, Phan Đăng Nhật mạnh dạn xác định “Đẻ đất đẻ nước” là sử thi. Sau này, điều đó đã được khẳng định.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Phan Đăng Nhật hăm hở lên Tây Nguyên, mà việc đầu tiên là tìm sử thi. Tới Kon Tum, Đắc Lắc, chỉ thấy điệp trùng rừng núi và những mối đe doạ chết chóc do bọn phản động FULRO gây ra. Phan Đăng Nhật lần mò xuống Phan Rang, đến cơ sở cũ của Gérard Moussey. Đọc trong một số sách vở, tài liệu còn lưu giữ tại cơ sở này, Phan Đăng Nhật bỗng khám phá ra một điều tâm hợp: Gérard Moussey cũng đi tìm sử thi - sử thi Chăm. Căn nhà bằng gỗ phủ đầy hoa giấy rực rỡ ẩn chứa niềm khao khát cháy bỏng của chủ nhân nó về sử thi như tiếp thêm sức mạnh cho Phan Đăng Nhật… Nhưng quyết tâm vẫn chỉ là quyết tâm, còn “người tình" sử thi vẫn biệt vô âm tín.

Năm 1978, vẫn ở Viện Văn học, Phan đăng Nhật tổ chức một đoàn sưu tầm văn hoá dân gian (có anh Trần Lâm Biền, Nông Quốc Thắng tham gia) đi lên Gia Lai, về tận vùng Ya Yunpa. Lúc này, đường đi vẫn đầy di vật chiến tranh - ô tô, mũ sắt, thắt lưng, giày lính. Lăn lội trong núi rừng viêm nhiệt, chưa tìm được “người trong mộng”, Phan Đăng Nhật bị những trận sốt kinh khủng quật ngã… Người yếu, phải chống gậy, nhưng nỗi khao khát về sử thi vẫn trào lên mạnh mẽ trong anh.

Mãi đến năm 1983, cơ hội “hợp duyên kỳ ngộ” mới đến. Lúc ấy, Phan Đăng Nhật là Phó Trưởng Ban, Ban Văn học dân gian. Được Trưởng Ban là Giáo sư Đinh Gia Khánh chỉ đạo, Phan Đăng Nhật huy động hầu như toàn Ban tham gia một đợt sưu tầm văn hoá dân gian ở Đắc Lắc. Anh sững người vì sung sướng khi gặp áng sử thi đầu tiên, rồi những áng sử thi tiếp theo như Đăm Xăn, Khinh Dú... được phát hiện trong các buôn làng Tây Nguyên. Tài liệu của đợt sưu tầm là cơ sở để Phan Đăng Nhật viết Luận án TS khoa học bảo vệ năm 1989 ở Bungari và viết tác phẩm “Sử thi Ê đê”, xuất bản năm 1991. Luận án cũng như tác phẩm của Phan Đăng Nhật được đánh giá cao. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học N.I. Niculin, một chuyên gia về văn học Việt Nam của Liên Xô cũ và nước Nga hiện nay, cho rằng "công trình khảo cứu nổi tiếng Sử thi Ê Đê của Phan Đăng Nhật có ý nghĩa khó có thể đánh giá được hết".

Sưu tầm được nhiều sử thi Tây Nguyên, đã bước vào tuổi không còn được gọi bằng “anh” nữa, nhưng Phan đăng Nhật vẫn không nguôi tình yêu đầu đời với sử thi của dân tộc Thái Tây Bắc “Chương Han”. May mắn, ông được Nguyễn Hữu Ưng giúp khi giao cho bản “Chương Han” còn giữ được của anh vợ tên là Nguyễn Ngọc Tuấn. Tiếc rằng, đây chỉ là bản dịch ra tiếng Việt, dày khoảng 100 trang, không có bản gốc tiếng Thái. Với ngần ấy không thể ra sách, thầy Nhật đã bổ sung thêm và nhờ Viện Đông Nam Á xuất bản, sử thi Chương Han bắt đầu ra mắt độc giả toàn quốc.

Tạm yên “nỗi lo Chương Han”, Phan Đăng Nhật lại lên Tây Nguyên. Linh cảm của một nhà khoa học giàu tâm huyết và kiến thức mách bảo ông rằng đây là địa bàn tập trung các áng sử thi quý giá của nhiều dân tộc thiểu số. Tác phẩn “Đăm Xăn” của dân tộc Ê Đê do L. Xabachiê sưu tầm được mấy thập kỷ trước luôn khích lệ Phan Đăng Nhật đi sâu hơn nữa vào đời sống đồng bào bản địa. Năm 1995, ông đăng ký đề tài cấp Bộ "Vùng sử thi Tây Nguyên" rồi chủ trì thực hiện. Ông cùng anh chị em cán bộ nghiên cứu đi về các vùng sử thi ở miền Trung, về Nu Păng, Đồng Xuân (Phú Yên)… Hoà vào cuộc sống cộng đồng người bản địa, có khi Phan Đăng Nhật bỏ tiền mua hẳn một con lợn thết đãi bà con vào dịp sau Tết. Có tình thì được đáp lại bằng tình, về với đồng bào Raglai, nơi mà mọi người chưa hề nghĩ đến là vùng có sử thi, Phan Đăng Nhật đã khẳng định  Uđai Ujà là sử thi, động viên anh Nguyễn Thế Sang và anh Chamaleh Tiến sưu tầm và dịch tác phẩm này. Tới khi Dự án sử thi của Nhà nước được thực hiện, với 622 sử thi được sưu tầm ở vùng Tây Nguyên và phụ cận, niềm tin sớm xuất hiện của Phan Đăng Nhật về "vùng sử thi Tây Nguyên" đã được minh chứng.

Đau đáu với duyên thì “duyên kỳ ngộ”, năm 2002, không hiểu là bất ngờ hay có hẹn trước, đi nghiên cứu ở Quỳ Châu (Nghệ An), trên chính quê hương mình, Phan Đăng Nhật gặp được “người tình trong mộng Chương Han”, có tên là “Khủn Chưởng”. Niềm vui không chỉ đến với Phan Đăng Nhật, mà tràn ngập trong lòng đồng bào dân tộc nơi đây, bởi bà con nói rằng nếu ông đến chậm, chắc “Khủn Chưởng” sẽ bị mất sạch sành sanh. Phát hiện được dấu vết , nhưng rồi phải mất 5 năm lặn lội đến khắp hang cùng ngõ hẻm, ông mới sưu tầm hoàn chỉnh sử thi “Khủn Chưởng” và xuất bản thành sách “Khủn Chưởng - Anh hùng ca Thái”, dày 800 trang khổ lớn, in bản dịch tiếng Việt kèm theo bản chữ Thái cổ. “Khủn Chưởng/anh hùng ca Thái” của Phan Đăng Nhật là đỉnh cao sề sách sử thi của ông, về các mặt tri thức, phương pháp sưu tầm, phương pháp nghiên cứu, phương pháp trả lại cho nhân dân những giá trị do chính họ sáng tạo nên. Sách lại in đẹp, một lúc được hai giải thưởng Quốc gia về sách , sách đẹp và sách hay. Phát huy kết quả nghiên cứu, Giáo sư Phan Đăng Nhật còn viết hẳn một cuốn sách chuyên sâu về Sử thì: “Lý thuyết về ba nhiệm vụ anh hùng của Sử thi”, sau đổi tên thành “Góp phần tìm hiểu sử thi/anh hùng ca Việt Nam”.

Tại Hội thảo  về sử thi Việt Nam do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức, Giáo sư Phan Đăng Nhật khẳng định: “Theo kết quả nghiên cứu mới đây của chúng tôi cho thấy: Không phải vì những tác động mạnh mẽ của đời sống kinh tế-xã hội mà người Tây Nguyên ngày nay đã hoàn toàn quay lưng lại với sử thi. Mặc dù đại bộ phận người Tây Nguyên hiện nay hầu như không nhớ và không thuộc sử thi, tuy vậy họ vẫn không ngừng yêu mến và tự hào về gia tài văn hoá này. Họ rất khát khao được học về sử thi, và mong muốn sử thi được đưa vào hệ thống giáo dục của Nhà nước, lên vô tuyến, lên sân khấu, dựng thành phim, dựng thành kịch, chuyển sang truyện tranh”. Với ý tưởng đưa sử thi trở lại sống động trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên-chủ thể sáng tạo của sử thi, Nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật kiến nghị: “Cần khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện để nhân dân hát kể sử thi trong chính môi trường sống và lao động của mình; từng bước đưa dần sử thi vào các lớp học chính quy và không chính quy ở địa bàn Tây Nguyên thông qua sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành, các cấp và sự đầu tư của Nhà nước”. Ý kiến này của Giáo sư mang tính định hướng chiến lược đúng đắn để hiện thực hóa quan điểm của Đảng về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Có thể nói, những công trình nghiên cứu về sử thi /anh hùng ca gồm: sủ thi Ê đê, sử thi Mường, sử thi Thái (Chương Han, Khủn Chưởng), sử thi Chăm, sử thi Tây Nguyên thu hút nhiều tâm lực  của ông. Đồng thời, sử thi cũng giúp giáo sư cất cánh khoa học – từ Luận án Tiến sĩ khoa học ở Bun ga ri tới các bộ sách được xuất bản sau này và những phần thưởng quý giá tầm cỡ quốc gia. Công trình của GS Nhật không những có giá trị về mặt lý luận mà còn có ảnh hưởng tốt trong đời sống: “Khối công trình Sử thi Tây Nguyên, xuất hiện liên tục 14 năm qua, với khối lượng lớn những sách, bài viết, bài giảng, bài nói; đã làm nền tảng khoa học, đóng góp một phần nhất định cho việc hoạch định các hoạt động thực tiễn về sử thi nhất là sử thi Tây Nguyên, như: Hội thảo khoa học toàn quốc về sử thi Tây Nguyên – 1997, đề tài cấp bộ về về sử thi Đắc Lắc -1998 và Dự án cấp Nhà nước, Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên được triển khai từ năm 2001 đến nay”

Tháng 9/2005, Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình "Sử thi Ê Đê" (1991) và “Vùng sử thi Tây Nguyên" (1999) của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Đăng Nhật. Giới nghiên cứu văn hoá tôn vinh ông là nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về sử thi. Đây là vinh dự lớn đối với ông. Nhưng điều làm ông sung sướng nhất là đã vẹn tình với “Chương Han” . Một tình yêu chân chính đối với khoa học có khi dẫn tới thành công nhưng cũng có khi dẫn tới thất bại.  Ông vẫn thầm cảm ơn cuộc sống và Tròi Phật, tổ tiên đã đem lại may mắn cho ông.

Những câu chuyện thú vị trong cuộc đời làm khoa học của Giáo sư Phan Đăng Nhật  
Làm khoa học vất vả, gian nan vô chừng, nhưng với tình yêu tha thiết văn hóa dân gian, coi văn hóa dân gian như máu thịt của mình, Giáo sư Phan Đăng Nhật đã tìm thấy biết bao nhiêu điều thú vị, khiến cuộc đời ông thêm thăng hoa, ý nghĩa.

Giáo sư viết về một chuyện thú vị - đi tìm vợ của Léopold Sabatier - như sau:
“Léopold Sabatier, người Pháp, đã từng làm công sứ Đắc Lắc từ những năm thuộc thập kỷ 20 của thế kỷ 20… là người có công sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Tây nguyên, cụ thể là dân tộc Êđê. Ông đã có công sưu tầm, dịch và công bố sử thi Đăm Xăn và in hai lần, lần đầu ở Paris, năm 1927, lần sau ở Hà Nội, năm 1933. Ông lại là người mở đầu việc sưu tầm, dịch và công bố luật tục Êđê. Việc này được toàn quyền Pierre Pasquier nêu gương và khuyến khích người Pháp làm theo. Từ đó, nhiều luật tục của các dân tộc Tây Nguyên khác được người Pháp công bố: Bana, Jrai, Mạ...

…Ngoài việc yêu quý sử thi Tây Nguyên, ông còn yêu một cô gái Tây Nguyên, kết hôn và đưa cô về Pháp. Trên con đường miệt mài đi tìm sử thi Tây nguyên mấy chục năm qua, tôi rất quan tâm đến thông tin trên và cố tìm hiểu về nó.

Sinh thời, Bác Y Ngông có cho biết cô gái này là người Lào, ở Buôn Đôn. Khi Sabatier tổ chức diễn kịch Đăm Xăn, đã mời cô đóng vai Hơ Nhị còn mình đóng vai Đăm Xăn. Năm 1999, trong cuộc họp về luật tục Tây Nguyên mà tôi đồng chủ tọa với GS Condominas, tôi có hỏi về cô vợ Tây Nguyên của Sabatier. GS nói có biết việc này, và họ đã sinh hạ được một con gái. “Nhưng rất tiếc - lời ông - ngoài ra tôi không biết gì hơn vì họ ở tỉnh, không ở Paris”. Tôi có nhờ GS khi về Pháp, nếu có điều kiện, tìm địa chỉ của cô gái Tây Nguyên và nhờ báo cho tôi biết.    
     
Vừa rồi, tháng 12-2003, tôi có dịp về Buôn Đôn tìm hiểu về văn hóa dân gian, như nghề nghiệp của tôi, đinh ninh sẽ kết hợp hỏi về “nàng Hơ Nhí”, người đã kết hôn với “chàng Đăm Xăn” - Sabatier. Đến nơi, hóa ra Buôn Đôn bây giờ là một huyện mênh mông, một cô gái sống ở đây cách  70 năm, bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm”.

Cứ thế, Giáo sư Phan Đăng Nhật gặp các già làng, nghệ nhân ở Buôn Trí A, xã Krông Ana, để tìm một cô gái người Lào, ở vùng này, cách đây khoảng 70 năm, đã lấy công sứ Đắc Lắc, L. Sabatier, và được biết người ấy tên là Sao Nhuôn, người Jrai, nói tiếng Lào, đã qua đời ở đây, được an táng tại nghĩa địa Buôn Đôn.
Tiếp tục đi sâu tìm hiểu, Giáo sư Phan Đăng Nhật vui mừng khôn xiết khi gặp được Ama Phôn, cháu họ của Sao Nhuôn. Ama Phôn tên lúc đẻ là Y Siáp Mlô, con của Y Tul Niê (chế độ mẫu hệ). Y Tul Niê là em của Hơ Nhuôn Niê (thường gọi là Sao Nhuôn). Như vậy, Y Siáp Mlô gọi Hơ Nhuôn Niê là bá (chị của mẹ). Trên con đường di dạo quanh buôn, Aê Nô còn kể cho Giáo sư biết, Sao Nhuôn lúc trẻ đẹp nổi tiếng. Giáo sư còn được cụ Aê Nô dẫn đến mảnh vườn của Nhuôn, chỉ cho thấy địa giới từ gốc me già đến bờ rào. Thế là, sau nhiều năm, cuối cùng Giáo sư Phan Đăng Nhật đã tìm ra dấu vết của người xưa,  nhân vật có thật trong muôn vàn huyền thoại về Tây Nguyên huyền bí.

Giáo sư Phan Đăng Nhật viết tiếp: “Tôi viết bài này không phải chỉ cung cấp một thông tin khoa học cho những ai quan tâm đến sử thi Đăm Xăn mà đó là một tác phẩm kiệt xuất và cho đến nay vẫn là một kiệt tác của folklore Tây Nguyên, không thể chối cãi được” (ý của Georges Condominas). Hơn thế nữa, và chủ yếu là, qua bài báo, tôi muốn nhờ nhắn giùm với Annie rằng: nơi đây chị còn nhiều: bà con thân thích, ngôi mộ mẹ, mảnh vườn xưa... và đặc biệt là tấm lòng mến khách của quê hương. Lần này, quê hương đã đổi mới, nếu về, chị sẽ không có cảm giác ghẻ lạnh như 18 năm trước đây. Lại nữa, quê mẹ chị đã trở thành một điểm du lịch có tiếng, biết bao du khách Âu Mỹ được đón tiếp nồng hậu, huống gì chị là người con quê hương.”  

Một hoạt động làm cho Giáo sư Phan Đăng Nhật rất vui, mà lại đem niềm vui đến với biết bao nhiêu người, đó là việc đem lại sự công bằng lịch sử cho nhà Mạc. Qua nhiều biến động lịch sử, nhà Mạc bị nhiều tiếng nhơ oan ức. Giáo sư Phan Đăng Nhật đã đào sâu vào các tài liệu của quá khứ, tìm bằng được sự thật về triều vua và dòng họ này. Giáo sư tìm hướng tiếp cận mới, và đã cho ra đời cuốn sách: “Nhà Mạc & họ Mạc: Ý chí và mục tiêu chiến lược”. Trong lời nói đầu cuốn sách, GS Văn Tạo viết: “Chúng tôi tán thành và cổ vũ cho sự tiếp cận này để thực sự có được “công bằng xã hội” trong việc biểu dương và tôn vinh đúng mức công lao của họ Mạc”; PGS TS Đinh Khắc Thuân viết: “Những nghiên cứu này là sự kế thừa kết quả nghiên cứu gần đây của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, đồng thời là sự phát triển, đi sâu nghiên cứu mới của tác giả”… “Tôi hết sức trân trọng tâm huyết của tác giả trong tập sách này”… Cách đây 7 năm, Giáo sư Mạc Văn Trang viết về Giáo sư Phan Đăng Nhật: “Đúng tuổi 80 nhưng Cụ vẫn đang gánh trọng trách là Giám đốc Trung tâm bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống (thuộc Hội khoa học Lịch sử Việt Nam), và mới đây tại Đại hội đại biểu Mạc tộc Việt Nam lần thứ nhất Cụ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam.”… “PHAN ĐĂNG NHẬT hôm nay 80 tuổi tròn: Một Cụ Trưởng lão hết lòng vì dòng tộc; một GS TSKH kinh nghiệm lão luyện kết hợp với tư duy năng động, mới mẻ, làm việc miệt mài và hiệu quả; một con người yêu đời, lạc quan và tin rằng Tổ tiên luôn ở bên mình, dẫn dắt và phù trợ!” Đánh giá cao cuốn sách nói trên, Giáo sư Mạc Văn Trang chỉ ra ba điểm mới trong nghiên cứu của Phan Đăng Nhật: Thứ nhất là “Quan điểm nhìn nhận các sự kiện lịch sử phải xuất phát từ tính khách quan, hợp với quy luật của tiến trình lịch sử, tránh bị giam cầm trong ý thức hệ lỗi thời. Chẳng hạn với quan niệm Nho giáo phong kiến, việc người anh hùng phế bỏ những ông vua không còn khả năng trị vì đất nước để lên ngôi, trị quốc, an dân, luôn bị khép vào tội “phản nghịch”, “cướp ngôi” và bị cọi là “ngụy”, là “nhuận”; những triều đại đó không những không có chỗ đứng trong sử sách mà còn bị bôi nhọ, phỉ báng bởi các sử gia nặng đầu óc “trung quân” mù quáng, như họ đã miệt thị: “nhuận Hồ”, “ngụy Mạc”, “ngụy Tây Sơn”…Quan điểm này không mới, nhưng Phan Đăng Nhật đi sâu hơn, triệt để hơn, bằng cách xác lập chỗ đứng của tác giả là đặt quyền lợi của nhân dân và dân tộc lên cao nhất (trên tư tưởng Nho giáo về “trung quân”, trên cả quyền lợi của vương triều, trên sĩ diện của cá nhân ông vua). Thứ hai, Phan Đăng Nhật đứng về phía lợi ích của đất nước, của nhân dân để xem xét và với những cơ sở sử liệu mới, đủ tin cậy nên có cái nhìn sâu sắc hơn, triệt để hơn, mới hơn khẳng định: “Thái tổ Mạc Đăng Dung đã lựa chọn một phương thức đấu tranh tổng hợp rất thông minh, vừa làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ, vừa đủ cho thiên triều đỡ mất mặt. Ông đã đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sĩ diện cá nhân. Nhờ vậy mà đẩy lùi được 22 vạn quân Minh mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu”(…) “Lịch sử nước nhà cần ghi nhận công ơn này”. (trang 94 – 95). Thứ ba, cách tiếp cận lịch sử không “cắt khúc” từng sự kiện, từng thời điểm riêng lẻ để phán xét mà nhìn bao quát một triều đại từ lúc lên ngôi, trị vì cho đến lúc mất ngôi; không chỉ đánh giá những thành tựu của nó lúc trị vì mà còn đi tìm sức sống vẫn tồn tại và ảnh hưởng mạnh mẽ của nó trong không gian rộng lớn và thời gian lâu dài đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Với cách tiếp cận đó Phan Đăng Nhật đã đặt vương triều Mạc gắn kết vào trong dòng họ Mạc và xét nó như một dòng chảy liên tuc trong lòng dân tộc. Từ đó ông phát hiện ra “Ý CHÍ VÀ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC” xuyên suốt của nhà Mạc từ 65 năm trị vì ở Thăng Long đến 90 năm “sơ tán” ở Cao Bằng và được tiếp nối trong dòng máu, trong lý tưởng của hậu duệ nhà Mạc lâu dài về sau”…

Một chuyện khác vừa vui, vừa có điều đáng tiếc liên quan đến Giáo sư. Trong số bài viết của mình đã công bố, ông rất tâm đắc bài: “Nhà rông-nhà gươl, bài học về ứng xử văn hoá”, được đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí. Vào khoảng những năm 1990 – 2000, rộ lên phong trào xây dựng nhà rông cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Là người am hiểu sâu về văn hóa nói chung và văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, bên cạnh niềm vui vì thấy các cấp chính quyền quan tâm đến đời sống tinh thần của đồng bào, giáo sư lại lo lắng vì “phong trào” xây dựng nhà rông thể hiện nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết về đặc trưng văn hóa cổ truyền dân tộc. Giáo sư thẳng thắn viết: “Đó là việc không ít nhà rông, không được đồng bào sử dụng, không phải đồng bào không có nhu cầu, mà “lẳng lặng đi làm nhà khác” cho cộng đồng”. Lý giải cho tình hình này, Giáo sư chỉ rõ “nhà cộng đồng là một công trình nguyên hợp đa chức năng, chức năng sinh hoạt cộng đồng, chức năng văn hóa nghệ thuật và chức năng tâm linh. Để thực sự được nhân dân hưởng ứng, nhà cộng đồng phải đáp ứng được tính chất đa chức năng của nó”... “Nguyên nhân cơ bản là có nơi chúng ta đã thực hiện đồng loạt, không chú ý đến tính đa dạng của nhà cộng đồng, không thấy rõ tính đa chức năng của nhà cộng đồng”, đưa các hoạt động văn hóa thông tin thời nay vào nhà cộng đồng một cách khiên cưỡng. Giáo sư đề xuất: “chúng ta không ứng xử đồng loạt, không đơn giản, thô thiển hoá nhà cộng đồng, nếu như vậy sẽ vi phạm đến các giá trị văn hoá, nghệ thuật, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào. Với tính đa chức năng phong phú và tinh tế như trên, nhà cộng đồng không thể, không cần thiết phải dung nạp thêm các chức năng thông tin tuyên truyền của văn hoá mới. Làm như thế sẽ không hiệu quả, hơn nữa sẽ bất lợi. Có nơi ở Trường Sơn-Tây Nguyên đã  thực hiện các chức năng văn hoá mới ở một ngôi nhà riêng trong làng (Quảng Nam), cũng giống như ở miền xuôi, giữ nguyên đình làng mà làm nhà văn hóa mới  riêng”...

Nhà cộng đồng thực sự và hoàn toàn thuộc về cộng đồng làng. Phải thực sự thông suốt nguyên tắc này về nhận thức cũng như hành động. Có như vậy mới khắc phục được những khó khăn trong xây dựng cũng như quản lý, mới tránh được  khuyết điểm đồng loạt hoá, đơn giản hoá, mới thực sự đem lại cho nhân dân những ngôi nhà cộng đồng mà họ chờ mong.” ... “Xây dựng nhà cộng đồng với tầm nhìn toàn Trường Sơn –Tây Nguyên là nhằm chiến lược phát triển ổn định bền vững Trường Sơn – Tay Nguyên. Ngược lại, sự phát triển bền vững mỗi làng cũng như toàn Trường Sơn – Tây Nguyên là nền tảng vững chắc của nhà cộng đồng. Do đó đồng thời với việc xây dựng nhà cộng đồng cần quan tâm củng cố và phát triển làng, đảm bảo sự điều hòa tự nhiên của các thành tố cơ bản là cộng đồng sở hữu tài nguyên, cộng đồng văn hoá, cộng đồng tín ngưỡng với sự điều hành của già làng bằng luật tục”.Thủ tướng Phan Văn Khải tình cờ đọc được bài viết này, đã viết thư khen, đồng thời có thư yêu cầu bộ trường Văn hóa bố trí gặp Giáo sư để hỏi về vấn đề xây dựng nhà rông Tây Nguyên và văn hóa dân gian. Sau đó, chuyện lắng lại và chìm vào im lặng. Giáo sư thản nhiên, cho là chuyện bình thường. Bởi, Giáo sư quan niệm rằng, một bài viết khoa học được công bố của mình về một vấn đề liên quan đến văn hóa dân tộc, đã được người đứng đầu Chính phủ quan tâm, tán thưởng, tức là quan điểm của mình về vấn đề đó được công nhận. Còn tiếc, là tiếc rằng, do sao nhãng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc đó đã không bố trí để  gặp Giáo sư, tạo điều kiện cho  được trực tiếp trao đổi với một nhà khoa học, hiểu sâu hơn về thực tế, hiểu sâu hơn về các luận cứ khoa học, ngõ hầu điều chỉnh được chính sách văn hóa có lợi hơn cho đất nước. một việc làm rất cần thiết với một chính quyền của dân, do dân, vì dân. Qua vài chục năm, tới nay, thực tế đã chứng mình rằng vấn đề mà Giáo sư Phan Đăng Nhật nêu lên là hoàn toàn chính xác, người ta không còn hăm hở xây dựng nhà văn hóa thông tin mới lẫn với nhà rông – nhà gươl truyền thống một cách gượng ép, theo kiểu phong trào nữa.

Góp phần tạo nên lớp người kế tiếp nghiên cứu văn hóa dân gian
Dạy học là nghề xuât thân của Giáo sư Phan Đăng Nhật từ khi 25 tuổi, nay đã gần 90, Giáo sư vẫn không ngừng “chèo đò” chở lớp người trẻ tuổi vượt biển cả tri thức đến bến bờ khoa học. Yêu quý văn hóa dân gian, tích lũy được bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm về nghiên cứu văn hóa dân gian, Giáo sư tìm mọi cách trao truyền lại cho thế hệ tiếp bước mình.

Với bản tính chu đáo, vô tư vì khoa học, Giáo sư không nề hà là dạy ở bậc nào – đại học hay trên đại học (bây giờ, nhiều người có trình độ cao một chút lại ngại dạy đại học), dạy ở Hà Nội hay nơi xa xôi nào đó. Vào tận thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy từ bậc đại học tới trên đại học, bên cạnh hành trang là vốn tri thức của mình cùng nhiều tài liệu quý giá, Giáo sư còn tự trang bị một bộ máy phóng thanh di động, để đem theo khi lên lớp, giúp học viên nghe rõ lời giảng của mình.

Giáo sư có khả năng thổi bùng lên trong lòng học viên tình yêu văn hóa dân gian, ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, cho nên môn sinh của ông ai cũng chuyên tâm với những công trình được ông hướng dẫn, từ đó tạo ra những giá trị khoa học đích thực. Ông vừa giỏi về định hướng đề tài, lại chú trọng về phương pháp nghiên cứu, cho nên giúp người học chọn được đề tài nghiên cứu và trang bị được cho mình phương pháp nghiên cứu thích hợp, từ đó mà tạo hiệu quả cao. Trong nghiên cứu khoa học, xác định được đề tài, hướng đi mang tính chất quyết định bước đầu của sự thành bại. Chẳng hạn như, xác định rằng sử thi có trong cộng đồng người Việt, là một hướng đi sai, cho nên người nghiên cứu mất hàng chục năm vẫn không đi tới đích. Còn Giáo sư Phan Đăng Nhật xác định hướng đề tài là sử thi các dân tộc thiểu số, thì chính hướng đi đúng đã dẫn Giáo sư tới kho báu của văn hóa dân gian. Bản thân người viết bài này, khi làm nghiên cứu sinh, do lúc thi đầu vào chưa có kinh nghiệm, đã đăng ký một đề tài quá rộng. Sau khi tập hợp tài liệu, mất gần một năm loay hoay mà chưa viết được một chữ nào. Nếu đổi đề tài thì rất phiền hà, đụng chạm tới nhiều quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trình bày ý kiến “Không đổi đề tài, nhưng phải thực thi”, tôi được Giáo sư đáp: “Để tìm hiểu một tuần rồi trả lời”. Đúng sau một tuần, Giáo sư đưa ra giải pháp: Giữ nguyên tên của đề tài - “Tục ngữ, ca dao với phong tục tập quán của người Việt” - nhưng ghi thêm “Trong quan hệ gia đình”, có tính chất giới hạn đối tượng nghiên cứu. Hướng đi đúng đắn đã giúp tôi thoát ra khỏi sự bế tắc, để tiến nhanh và vững trên đường thực hiện Luận sán Tiến sĩ của mình. Về phương pháp, Giáo sư nhấn mạnh phải vận dụng phương pháp hệ thống, phương pháp thống kê, trong đó kết hợp giữa thao tác định tính là thao tác thông thường của ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, với thao tác định lượng là thao tác thông thường của ngành nghiên cứu khoa học tự nhiên, để cố gắng đạt được sự chính xác trong nhận định, đánh giá đối tượng nghiên cứu. Với văn hóa, nhất là văn học, nghệ thuật, thì sự cảm nhận, rung cảm… là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, nếu chỉ với cảm tính, chỉ định tính, thì việc nghiên cứu khoa học khó mà tránh khỏi thiếu sót, thậm chí là sai lầm. Do vậy, cần phải kết hợp thêm với định lượng - lý tính. Điều này, cách đây hơn một trăm năm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Prốp đã nói đại ý: Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội hãy toán học hóa phương pháp nghiên cứu của mình. Giáo sư Phan Đăng Nhật đã hướng dẫn tôi vận dụng phương pháp này: kết hợp giữa thao tác định tính là thao tác thông thường của ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, với thao tác định lượng là thao tác thông thường của ngành nghiên cứu khoa học tự nhiên, để cố gắng đạt được sự chính xác trong nhận định, đánh giá đối tượng nghiên cứu.Với công nghệ thông tin, tôi nhờ xây dựng một phần mềm có khả năng dung nạp, phân loại tục ngữ, ca dao để thống kê, tính toán, kết hợp với cảm nhận mà đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng cho công trình của mình. Kết quả, chưa hết thời hạn nghiên cứu, tôi đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với điểm xuất sắc tuyệt đối, và sau này, chuyển thành sách với tên gọi “Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình”, do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, Hội Văn nghệ dân gian tái bản theo Dự án “Sưu tầm, công bố di sản văn hóa dân gian”. Giáo sư Phan Đăng Nhật ủng hộ và truyền bá triệt để cho phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp định lượng, giúp nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học hoàn thành xuất sắc công trình của mình. Ông cũng cùng một nhóm nhà khoa học viết cuốn giáo trình về phương pháp chính xác hóa khoa nghiên văn hóa dân gian để giảng dạy tại các trường Đại học và chuẩn bị in thành sách, phổ biến rộng rãi ra xã hội.

Vậy đó, với người Thày ở bậc đại học trở lên, điều quan trọng nhất không phải là truyền dạy kiến thức cho học trò, mà là thổi bùng lên tình yêu, nhiệt huyết nghiên cứu cùng với vận dụng đúng đắn phương pháp nghiên cứu. Giáo sư Phan Đăng Nhật là người có nhiệt huyết ấy, phương pháp ấy, và đã truyền lại cho nhiều học trò của mình để họ tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học mà ông suốt dời theo đuổi.

Theo học Giáo sư Phan Đăng Nhật, học viên không chỉ tiếp thu những điều thầy giảng giải, truyền thụ, mà còn noi theo tinh thần nghiên cứu cực kỳ nghiêm túc, cẩn trọng, phong thái ung dung tự tại, khiêm nhường, ghét thói khoa trương, lộng ngôn, lấn lướt người khác, tranh giành vinh quang. Chính vì thế, trên các phương tiện truyền thông, tên GS Phan Đăng Nhật xuất hiện không nhiều, mặc dù số công trình, sách đã xuất bản cũng như những cống hiến khoa học của ông thực sự là lớn lao. Có trường hợp, mặc dù đã dày công điền dã, phát kiến, tạo ra kết quả của công trình nghiên cứu ở một vùng đặc biệt, mà khi công trình phát triển lên bước mới , lại không được tiếp tục tham gia, Giáo sư chẳng oán thán mà lẳng lặng đi nghiên cứu ở khu vực khác, miền núi Nghệ An. Có lẽ Trời thấu hiểu được lòng người, đã run rủi cho Giáo sư gặp được “Khủn Chưởng”, anh hùng ca Thái, một tuyệt tác sử thi, tạo ra sự vượt trội, khác biệt về nghiên cứu của Giáo sư, đã nói ở trên.

 Môn sinh cũng học được ở Giáo sư Phan Đăng Nhật sự kiên trì, biết chờ đợi và cẩn trọng. Ví dụ như trường hợp nghiên cứu về sử thi Đăm Săn: Thời kỳ đầu, hầu hết các nhà khoa học nước ta đều phát biểu theo quan điểm của L. Xabachiê rằng sử thi Đăm Săn thể hiện tinh thần chống lại tập tục nối nòi (nối dây) của người Ê Đê “từ đầu đến cuối”. Suy nghĩ rằng, Đăm Săn là tác phẩm văn học của dân tộc Ê Đê, không bao giờ lại chuyên chở tư tưởng chống lại tập tục của chính dân tộc mình, Phan Đăng Nhật tìm hiểu kỹ và thấy đó là quan điểm sai lầm. Tuy vậy, nếu công bố quan điểm của mình vào lúc còn chưa đủ uy tín khoa học, đi ngược hẳn lại trào lưu chung, sẽ dễ dàng bị thất bại, Phan Đăng Nhật nén lòng giữ lấy quan điểm của riêng mình, đồng thời nghiên cứu sâu hơn, tìm nhiều luận cứ hơn, để  mười năm sau mới công bố, tại bài: “Sử thi Đăm Săn và phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian”, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, 1986” Khi ấy, không một ai phản đối quan điểm của Ông. Cũng từ đấy, lý thuyết về ba nhiệm vụ của người anh hùng trong sử thi của Phan Đăng Nhật được nhiều người vận dụng trong nhiều công trình nghiên cứu, nhiều sách viết về sử thi. Một ví dụ mà thầy Nhật rất phấn khởi là “Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10-năm 2003”. Ở đây các thầy, cô  không nhận định chủ đề/đề tài của Đăm Săn là chống nối nòi nữa mà là ba nhiệm vụ anh hùng:  “Nhìn chung, sử thi anh hùng Tây Nguyên có ba đề tài chính: hôn nhân, chiến tranh và lao động xây dựng. Đề tài chiến tranh quan trọng hơn cả, là đề tài trung tâm của sử thi anh hùng và thu hút các sự kiện thuộc hai loại đề tài kia”(tr.37).

Khi được hỏi người nghiên cứu văn hóa dân gian cần có những phẩm chất gì, Giáo sư trả lời: Trước hết yêu nghề, từ đó yêu đối tượng của mình và quý các nghệ nhân…

Một lòng một dạ với văn hóa dân gian, Giáo sư Phan Đăng Nhật luôn luôn mong mỏi Nhà nước quan tâm để có chính sách thỏa đáng, có những tổ chức xứng tầm làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian. Giáo sư vẫn nuối tiếc Viện Văn hóa dân gian vì đã bị nhập vào Viện Nghiên cứu văn hóa. Giáo sư mong rằng, Viện Văn hóa dân gian sẽ được trả lại tên, để cùng với viện Văn hóa song song tồn tại và phát triển .

http://vanhien.vn/news/giao-su-phan-dang-nhat-nguoi-thuy-chung-voi-van-hoa-dan-gian-50987

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.