Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/12/2016

Luận bàn về Văn hóa giao thông Đại Việt 2016

Gom luận bàn từ các nơi về một chỗ.

---

.

.

3.

-Tuần trước, trong một hội nghị về giáo dục, một ông Hiệu trưởng trường tư thục bảo: chuyện 200.000 sinh viên và thạc sĩ thất nghiệp không phải lỗi do ngành giáo dục.
-Tuần này bàn về giải quyết ách tắc giao thông, một ông to khác phán: tắc đường do ý thức người tham gia giao thông kém( TV đưa thế, chả biết có cắt xén gì không?)
-Lại một vị cũng làm to nữa ở bộ Học thông tin: từ năm tới, sẽ tổ chức thi đại học chung và bỏ điểm sàn khi tuyển. Ông không nói ra các phương án trước đây mắc lỗi ở đâu mà chỉ bảo lúc này các phương án ấy không thích hợp nữa. Chả biết tôi có cưỡng từ đoạt lý không nhưng về bản chất là đã thừa nhận mấy phương án kia sai rồi.

Tôi nghe các vị ấy tổng kết cứ thấy gờn gợn thế nào. Xin lạm bàn như sau:
- Cái cách chối bỏ trách nhiệm như thế rất không sòng phẳng. Đành rằng người thất nghiệp không chỉ do ngành giáo dục nhưng mở trường ồ ạt thế, đào tạo nhiều thế, chất lượng kém thế... không do ngành thì do ai? Có cả ngành và những chính sách do ngành đề nghị và được phê duyệt. Chả thế mà bây giờ phải rà soát lại cơ cấu trường, ngành, nội dung đào tạo... ( Tôi cũng tham gia vào việc tạo ra nạn thất nghiệp này nên không dám chối bỏ trách nhiệm). Giải pháp bỏ điểm sàn được nhiều vị hỉ hả vì như thế các trường vốn khó tuyển sinh có cơ hội lấy điểm thấp vì đã phân cấp rồi. Ở trong ngành, tôi biết: sinh viên không có năng lực nhận thức thì không có phép thánh nào biến họ thành giỏi được. Tôi tin rằng: ai cũng có quyền học nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực tư duy để trở thành trí thức. Không có bột, không ai có thể gột nên hồ. Tôi sợ sẽ lại có những tiền đề để chất lượng đào tạo xuống nữa sau khi bỏ điểm sàn. Tôi chỉ bàn chuyện chất lượng chứ không bàn những chuyện khác.
- Tôi đồng ý là trong các nguyên nhân làm tắc đường có lý do từ ý thức tham gia giao thông của người dân kém. Nhưng nguyên nhân chính nằm ở chỗ khác. Đường sá đô thị có thế thôi, mở thêm nữa không thấm vào đâu vì gần đây ở trung tâm thành phố, cạnh các con đường huyết mạch cứ xây hết khu đô thị này đến các khu chung cư khác. Mỗi khu hàng vạn căn hộ lại thiếu hạ tầng đô thị như nhà trường, bệnh viện, cửa hàng. Các khu đó chủ yếu xây nhà ở, nghĩa là chỉ xây chỗ để ngủ để bán vì làm thế lãi lớn nhất, thủ tục dễ nhất. (mới chỉ có vài khu mới xây trường học thôi). Thế là cư dân ở đó ngày mấy buổi phải đi về nơi làm việc, đưa đón con cái đến trường, đi ngược nhau, đi từ bên này sang bên kia thành phố. Nghe nói khu triển lãm Giảng Võ đã bán cho một đại gia nào đó để xây hàng chục cao ốc. Tôi mạo muội khuyên đừng xây nữa, xây xong không bán được hàng đâu vì xung quanh chỉ có mấy con đường nhỏ thế, giờ đã tắc rồi, nay mai nhà cao tầng chồng lên thì cứ đứng mà nhìn nhau, đi lại sao được? Nghe ông Bí thư thành phố than phiền không có kinh phí, nhìn thấy trước thảm hoạ mà chịu bó tay, buồn quá.

Xin có ngu ý thế này: thành phố nên cho dừng ngay việc xây các khu chung cư trong trung tâm. Điều này không tốn quá nhiều tiền mà lại tránh được thảm hoạ. Không tin cứ cho Viện nghiên cứu xã hội của thành phố đi lấy ý kiến người dân xem, họ sẽ đồng tình ngay. Thà bây giờ bỏ tiền ra đền cho doanh nghiệp vì đã trót cho họ xây dựng rồi, yêu cầu họ chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn đỡ tốn hơn sau này phải phá nhà để làm đường.
Tôi cho rằng các chuyện trên, các ông bà có trách nhiệm biết cả. Vì sao ư? Vì các ông bà đều là những người sáng láng, lại nhiều thông tin. Còn vì cái gì mà các ông bà biết lại không làm hoặc làm khác đi, thì chỉ các ông bà là người biết rõ nhất.
Chả lẽ lại học cụ Tú Xương: bồng bế nhau lên, tớ ở non để tránh thảm hoạ? Nhưng, người khôn, của khó, lúc ấy non cũng hết thì chỉ còn nước thăng thiên thôi.
https://www.facebook.com/long.phamquang.35/posts/1589199674429155?pnref=story


2.

Thủ tướng 'bắt bệnh' Hà Nội ùn tắc

 - Thủ tướng lưu ý Hà Nội nổi lên việc ùn tắc giao thông hiện nay có nguyên nhân là do cho xây dày đặc các chung cư cao tầng trong các quận nội đô.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận Hà Nội năm qua làm được nhiều việc tốt, kết quả cụ thể là cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, sắp xếp bộ máy, thu ngân sách đạt tốt, thu hút đầu tư tốt…

Thủ tướng 'bắt bệnh' Hà Nội ùn tắc
Chung cư cao tầng mọc dày đặc ở nhiều quận huyện Hà Nội
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Hà Nội nổi lên việc ùn tắc giao thông mà chính Bí thư thành uỷ đã đề cập nhiều lần.
"Tôi và anh Chung cùng xuống hiện trường mấy lần rồi, nguyên nhân quan trọng là việc cho xây quá dày đặc chung cư cao tầng trong các quận nội đô. Đây là việc không phù hợp” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng kể lại mới đây ông dự khánh thành 1 cây cầu, đi trên đường mà thấy chung cư cao tầng liên tục, dày đặc.
“Như thế là do cấp phép. Chúng ta không thể chối bỏ nguyên nhân này” - Thủ tướng nhắc nhở và cho rằng đây là bài học kinh nghiệm trong quản lý quy hoạch Hà Nội phải xử lý.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chiều nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hứa bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời tăng cường quản lý quy hoạch đô thị, thực hiện hiệu quả năm kỷ cương hành chính 2017… 
Cả làng lên Hà Nội bán kẹo lạc: Đường tắc đến thế kỷ sau

Cả làng lên Hà Nội bán kẹo lạc: Đường tắc đến thế kỷ sau


Nhịp điệu giao thông Hà Nội, Sài Gòn 2016: Tắc - Lụt

Nhịp điệu giao thông Hà Nội, Sài Gòn 2016: Tắc - Lụt


Thu Hằng
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-bat-benh-ha-noi-un-tac-349072.html#inner-article




1.

Văn hóa giao thông Việt - Nhật khác nhau trời vực

- Ở Nhật, khi ra đường nếu không may dẫm vào chân nhau thì người bị dẫm sẽ xin lỗi trước, ở VN thì ngược lại.
Chuyện ứng xử giao thông được mổ xẻ tại hội thảo “Văn hóa giao thông - Trách nhiệm thuộc về ai?” sáng 28/12 tại Hà Nội.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội, văn hóa giao thông ở VN là trách nhiệm của cả hệ thống, trước hết là ở người quản lý, sau đó đến người dân.
Ông đưa ra yếu tố dẫn đến thực trạng tham gia giao thông “chưa văn hóa” ở VN, đó là cơ chế chính sách chất lượng chưa cao, từ nội dung xây dựng, định hướng chưa bám sát thực tiễn...
Cụ thể, VN đang thiếu cơ sở hạ tầng. Đất dành cho giao thông ở đô thị phải là 20% và bãi trông đỗ xe là 3%, nhưng thực tế ở Hà Nội đất dành cho giao thông mới chỉ có 9% và 0,28% đất cho bãi đỗ xe. 
"Do đó, giao thông khó khăn là tất nhiên", ông Nghiêm nêu quan điểm.
Cơ sở hạ tầng thiếu dẫn đến tranh giành, gây ùn tắc và lộn xộn, thiếu văn hóa giao thông là điều khó tránh khỏi.
Ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐ thành viên công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội cho rằng, văn hóa giao thông ở Việt Nam đang ở "độ tuổi vị thành niên" và phải thêm 5-10 năm nữa mới có thể trưởng thành được.
Ông Trường đưa so sánh về sự khác biệt trong văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông ở VN và Nhật Bản: “Ở Nhật, khi ra đường nếu không may dẫm vào chân nhau thì người bị dẫm sẽ xin lỗi trước, lý do là vì mình lớ ngớ cản bước của người khác nên xảy ra chuyện. Ở VN thì người dẫm phải xin lỗi và dễ nhận được câu chửi 'đi đứng kiểu gì…'”.
Đừng đổ lỗi hết cho người dân
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB GTVT, nếu hạ tầng giao thông tốt, đường rộng thì văn hóa của người tham gia giao thông cũng tốt lên.
Ông nói rõ, nếu luật pháp chặt chẽ thì văn hóa của người dân cũng tốt lên. Do vậy, văn hóa giao thông trước hết thuộc về nhà nước, sau đó mới đến người dân.
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, để người tham gia giao thông chấp hành nghiêm thì lực lượng chức năng làm nhiệm vụ còn nhiều vấn đề phải thực hiện.
"Một bộ phận CSGT chưa nhận biết hết nhiệm vụ của mình là phải điều tiết, hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn, đúng luật, trái lại chỉ thấy vi phạm là phạt. Thậm chí khi vi phạm rồi lại đưa ra phương án '50-50' gây bức xúc và nhờn luật", ông Sơn nói.
Ông Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn tiếp lời, năng lực xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa nghiêm. Kiểu anh hùng “núp” xử lý vi phạm gây bức xúc dư luận thì không thể nâng cao được văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Vẫn có những "hạt sạn"
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận, đúng là còn những "hạt sạn" trong lực lượng thực thi công vụ nhưng cũng có những hành động rất đẹp như CSGT đưa người già qua đường…
Văn hóa giao thông Việt - Nhật khác nhau trời vực
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
Văn hóa giao thông phụ thuộc vào trách nhiệm và ý thức của mỗi người trên cơ sở nhận biết pháp luật.
Ghi nhận những đề xuất, ông Thọ cho biết: Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm cập nhật, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
"Trong chiến lược quy hoạch của ngành GTVT cũng phải tính toán và cập nhật lại cho phù hợp" - Thứ trưởng nói.
Thủ tướng 'bắt bệnh' Hà Nội ùn tắc

Thủ tướng 'bắt bệnh' Hà Nội ùn tắc


Ám ảnh khôn nguôi về tai nạn giao thông 2016

Ám ảnh khôn nguôi về tai nạn giao thông 2016


Gia Văn
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/van-hoa-giao-thong-viet-nhat-khac-nhau-troi-vuc-349082.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.