Ngưu quân là Ngưu Quân Khải - học giả Trung Quốc chuyên về sử nhà Mạc, hiện công tác tại Đại học Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc).
Lần tới gần đây của Ngưu quân là vào đầu năm 2015, khi mình vắng mặt ở Hà Nội (xem lại ở đây).
Dưới là tin về việc Ngưu quân tới Hà Nội giữa mùa hè rực lửa 2016.
Nguyên chú của Mạc tộc.com: Từ trái sang: Lí Na, Đinh Khắc Thuân, Phan Đăng Nhật, Ngưu Quân Khải, Thái Khắc Việt, Vi Hồng Bình, Hoàng Trần Hòa. |
Từ đây trở xuống lấy nguyên về từ trang Mạc tộc (có chỉnh mo-rát ở vài chỗ).
---
Chiều ngày 1 tháng 7 năm 2016 (Thứ Sáu), Ban Nghiên cứu của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam đã nhóm họp tại tư gia của GS. TSKH. Phan Đăng Nhật – Trưởng Ban, Chủ tịch Danh dự Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam khóa I (2011-2014).
Tham gia cuộc họp có các thành viên của Ban Nghiên cứu (gồm Trưởng Ban, cùng hai nhà nghiên cứu quen biết là Đinh Khắc Thuân và Chu Xuân Giao), Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội đồng Mạc tộc Việt Nam (Chủ tịch Thái Khắc Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Trần Hòa), đoàn công tác của nhóm học giả Trung Quốc (gồm PGS.TS. Ngưu Quân Khải từ Đại học Trung Sơn, và hai lưu học sinh Trung Quốc từ Đại học Quốc gia Hà Nội).
Dưới sự chủ trì của Trưởng Ban, các thành viên trong Ban Nghiên cứu đã lần lượt báo cáo vắn tắt các kết quả nghiên cứu của mình trong thời gian qua – công việc nằm trong khuôn khổ bộ sử nhà Mạc do Ban Nghiên cứu đang thực hiện.
PGS. TS. Đinh Khắc Thuân (phụ trách phần nhà Mạc thời kì Thăng Long) nói về hai cuốn sách về nhà Mạc của ông sắp được xuất bản hoặc tái bản với nhiều chỉnh sửa và cập nhật tư liệu mới. Sắp xuất bản là cuốn Di sản Hán Nôm thời Mạc (vốn là đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu đầu năm 2015, đạt loại xuất sắc). Trong khối di sản Hán Nôm thời Mạc, PGS. Thuân nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của tập tư liệu Tưởng Lê an Mạc (sao chép chỉ dụ, thư từ bang giao giữa nhà Mạc với nhà Minh). Tập này đã được nhóm Đinh Khắc Thuân phiên dịch toàn văn sang tiếng Việt hiện đại.
TS. Chu Xuân Giao (phụ trách phần nhà Mạc thời kì Cao Bằng) thông báo về những phát hiện mới về nhà Mạc trong quá trình làm điền dã dân tộc học tại Cao Bằng trong nhiều năm qua (bắt đầu từ khoảng năm 1996 đến nay), và khảo cứu văn bản viết gần đây. Trong đó, ông đặc biệt tái khẳng định giá trị của nguyên vật chuông lớn chùa Viên Minh (Tp. Cao Bằng) và bài minh mang niên đại Càn Thống 19 (1611) được khắc trên đó. Các kết quả khảo cứu mới về chuông lớn chùa Viên Minh đã và đang được TS. Giao cho đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành (Hán Nôm, Nghiên cứu và Phát triển, Nghiên cứu Lịch sử). Tuy nhiên, ông cũng một lần nữa bày tỏ sự khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu nguyên gốc mang niên đại rõ ràng của nhà Mạc tại Cao Bằng (như chuông đồng, bia đá, binh khí, sách in mộc bản,…). Như một phương cách để khắc phục sự trống vắng về tư liệu nguyên gốc, ông nêu khả năng trong việc vận dụng tư liệu của phía Trung Quốc (địa phương chí, du kí, gia phả thổ ti người Choang,…).
GS. Phan Đăng Nhật (phụ trách phần nhà Mạc hậu Cao Bằng) trình bày các kết quả nghiên cứu mới về thời kì này, nhất là về thủ lĩnh Hoàng Công Chất và chính quyền của ông trong bối cảnh chung là hệ thống nhà nước của các tộc người Đông Nam Á ở các thế kỉ 17-18. Bổ sung cho trình bày của GS. Nhật, các thành viên trong Ban Nghiên cứu nói rõ hơn về các căn cứ gốc gác để nhà Thanh cũng như nhà Lê đã xác nhận cha con Hoàng Công Chất – Hoàng Công Toản là hậu duệ của vương triều Mạc.
PGS. Ngưu Quân Khải vui mừng được gặp lại các thành viên trong Hội đồng Mạc tộc Việt Nam (lần gặp trước là vào tháng 1 năm 2015), và các nhà nghiên cứu trong Ban Nghiên cứu. Trong chuyến công tác ngắn hạn tại Việt Nam lần này, vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2016, PGS. Khải tiếp tục sưu tầm tư liệu của phía Việt Nam về nhà Mạc. Ông chia sẻ quan điểm của PGS. Thuân về ý nghĩa quan trọng của tập tư liệu Tưởng Lê an Mạc. Theo PGS. Khải, tập này chỉ tìm thấy ở Việt Nam, mà không có ở Trung Quốc; bản thân ông cũng đã làm hiệu khảo toàn bộ cho nguyên văn Hán tự, có thể cho xuất bản trong thời gian tới (khi xuất bản, có thể kết hợp in nguyên văn chữ Hán với bản dịch tiếng Việt của nhóm PGS. Thuân). Đồng thời, PGS. Khải cũng đánh giá cao kết quả khảo cứu mới về chiếc chuông lớn chùa Viên Minh ở Cao Bằng, cũng như cách kiến giải nhiều triển vọng khi đặt chính quyền của thủ lĩnh Hoàng Công Chất vào trong khung cảnh nhà nước ở Đông Nam Á.
Trước các kết quả nghiên cứu đã được trình bày vắn tắt ở trên, Chủ tịch Thái Khắc Việt bày tỏ sự vui mừng và nhiệt liệt biểu dương tinh thần làm việc say mê, nghiêm túc của các thành viên trong Ban Nghiên cứu. Ông nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của bộ sử do Ban Nghiên cứu Hội đồng Mạc tộc Việt Nam biên soạn, cũng như đặt niềm tin lớn về sự thành công của bộ sử (mong muốn hoàn thành bản thảo để in ấn kịp trong dịp đại hội Mạc tộc toàn quốc lần thứ III). Nhân dịp này, ông Việt cũng thông báo nhanh kết quả cuộc tìm kiếm hậu duệ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tại Hàn Quốc trong tháng 6 năm 2016 của bản thân ông.
Sau khoảng 2 tiếng làm việc khẩn trương, cuộc họp kết thúc lúc 5 h chiều cùng ngày. Từ sáng ngày 2 tháng 7, PGS. Khải bắt đầu đi khảo sát ở các địa phương (Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam).
Chụp ảnh lưu niệm sau cuộc họp
(từ trái sang: Lí Na, Đinh KhắcThuân, Phan ĐăngNhật, Ngưu QuânKhải, TháiKhắcViệt, Vi Hồng Bình, Hoàng Trần Hòa; ảnh của CXG).
HàNội, ngày 10/7/2016
PV Mạc tộc.com
Đăng tải: BBT Mactoc.com - HSH
http://mactoc.com/newsdetail/3598/ban-nghien-cuu-hoi-ong-mac-toc-viet-nam-nhom-hop-va-tiep-on-chuyen-gia-nuoc-ngoai.aspx
---
Bổ sung
Tin của Đại học Quốc gia Hà Nội
;
http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news2/Thuc-day-hop-tac-voi-Dai-hoc-Trung-Son-Trung-Quoc-1-702-14050
---
Bổ sung
Tin của Đại học Quốc gia Hà Nội
;
Ngày 12/07/2016, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã tiếp và làm việc với đoàn đại biểu Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) do GS Ngưu Quân Khải (Khoa Lịch sử, Đại học Trung Sơn) làm trưởng đoàn. Cùng tham gia buổi làm việc có đại diện của Khoa Ngôn ngữ học và Phòng Hợp tác và Phát triển.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cho hay Trường ĐHKHXH&NV là một trường đại học hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu về ngành KHXH và NV. Trường hiện có 16 khoa, 12 trung tâm và viện nghiên cứu cũng như hơn 10.000 sinh viên và học viên các bậc và các hệ đào tạo. Năm 1995, Trường thành lập Bộ môn Trung Quốc học thuộc Khoa Đông phương và tiến hành đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ về Trung Quốc học. Đã có nhiều sinh viên Trung Quốc theo học các ngành như Quốc tế học, Việt Nam học và tiếng Việt ở cả cấp độ đại học và sau đại học tại Trường trong khuôn khổ các chương trình đào tạo 1+3, 2+2.
GS Ngưu Quân Khải cho biết, Đại học Trung Sơn mong muốn thắt chặt quan hệ giao lưu giữa hai trường hơn nữa qua các hoạt động như trao đổi giảng viên, cũng như giao lưu, gặp gỡ giữa sinh viên hai trường. Đặc biệt, GS Ngưu Quân Khải đề xuất tổ chức một hội thảo chung về lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong các lĩnh vực chính trị, giáo dục, văn hóa tại Đại học Trung Sơn. Dự kiến hội thảo sẽ diễn ra vào tháng 4/2018. Hoạt động này sẽ góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ giữa hai trường cũng như giữa Việt Nam và Trung Quốc.
PGS. TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) chụp ảnh lưu niệm cùng GS Ngưu Quân Khải
Đáp lại, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cam kết Trường ĐHKHXH&NV sẽ gửi cán bộ từ nhiều chuyên ngành khác nhau tới tham dự và đóng góp báo cáo cho hội thảo. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng hy vọng Đại học Trung Sơn sẽ cử cán bộ và học viên tới Trường để theo học những chương trình sắp tới như nghiên cứu Đông Nam Á.
Cũng trong buổi làm việc, GS Ngưu Quân Khải đã tới thăm Bảo tàng Nhân học của Trường ĐHKHXH&NV.
Đại học Trung Sơn Đại học Trung Sơn là một trường đại học trọng điểm cũng như đại học trọng điểm quốc gia. là một trường đại học có tiếng tăm ở Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Đây là một trường đại học trực thuộc quản lý của Bộ Giáo dục Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trường có 45 viện và 8 bộ môn với 116 chuyên ngành đại học, hai chuyên ngành văn bằng 4, 52 chuyên ngành cho các ứng viên thạc sĩ và 4783 chuyên ngành cho ứng viên tiến sĩ. Trong khi vẫn đặt trọng tâm vào khoa học cơ bản, trường cũng đã đặc biệt chú ý đế việc phát triển khoa học ứng dụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.