Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/11/2015

Về Vân Canh ăn giỗ cụ Mạc Ngọc Liễn (ghi chép của Mạc Văn Trang)

Chỗ thú vị là đọc lại so sánh của Phan Bội Châu. Cụ so sánh Mạc Ngọc Liễn với Đức Xuyên. Bản thân cụ Phan cũng muốn thành một Đức Xuyên.


Bài được công bố trên Fb Họ Mạc Việt Nam.

Từ đây trở xuống là chép nguyên xi.

---


Họ Mạc Việt Namさんが新しい写真3枚を追加しました



(PGS Mạc Văn Trang)
Ngày 2/7 âm lịch (15/8/2015) là ngày chính kỵ cụ Mạc Ngọc Liễn, một đại thần suốt bốn đời vua nhà Mạc, với bản Di chúc nổi tiếng trong lịch sử, đến nay còn nguyên giá trị! Thực ra, cụ là Nguyễn Ngọc Liễn, con của đại thần Nguyễn Kính, khi lấy công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm, con vua Mạc Đăng Doanh, được mang “quốc tính” là Mạc Ngọc Liễn…
Theo thông báo của nhà giáo Nguyễn Tuấn Long, hậu duệ cụ Nguyễn Kính, Hoàng Minh Tuấn (Phó Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội) rủ tôi cùng đi (với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc VN). Có mấy người cũng hẹn đi, cuối cùng mắc việc không đi được. Taxi đi lòng vòng mãi hơn 9h mới đến nơi. Ông Long đã đợi sẵn trước cửa nhà. Làng Kim Hoàng đường bê tông, taxi đi ngon lành, nhà xây san sát, vườn tược xanh tươi, vẫn còn không khí làng quê. Ông Long vốn là giáo viên văn cấp 3 nổi tiếng của Hà Nội từ đầu những năm 1960. Ông chỉ phía sau nhà ông là nhà họa sĩ Bùi Xuân Phái, chếch phía bên kia là nhà bác sĩ Nguyễn Tài Thu …Một xóm đã mấy người tài nổi tiếng, quả là đất văn vật.
Từ đường họ Nguyễn Tuấn hiện ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hòai Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc Hà Nội (mới). Đến nơi thấy dăm chục bà con đã đông vui. Các cụ ông đang chè thuốc bàn việc họ, các bà đang xúm xít làm cỗ. Không khí thế này mới đúng là “nhà có giỗ”, “Ăn giỗ”!


Sau khi dâng lễ, thắp hương, vái các Cụ, ngồi trò chuyện với mấy cụ cao niên trong họ thấy thật lý thú. Có nhiều điều đáng ngẫm nghĩ.
- Cụ tộc trưởng năm nay 80 tuổi, chỉ học hết cấp 2, nhưng Cụ đọc hoành phi, câu đối, giải thích vanh vách. Cụ bảo chỉ một đôi câu đối mà tóm tắt hết gốc tích dòng họ, công trạng tổ tiên… Cụ giải thích 4 chữ trên Đại tự là NGUYỄN TUẤN TỪ ĐƯỜNG; đôi câu đối là: TÂY KỲ GIA THẤT CƠ VƯƠNG TÍCH – ĐÀ NGẠN GIANG SƠN ĐIỆP QUỐC ÂN (Nhà cửa ở núi Tây kỳ, còn lưu dấu vết chỗ xây nền đắp móng cho Đạo Vương - Bên bờ sông Đà, nơi diễn ra biết bao công ơn cho đất nước)… Chết thật, bây giờ tôi mới biết, tại sao trong sử sách gọi Đại thần Nguyễn Kính là “Tây kỳ vương” và cụ Mạc Ngọc Liễn là “Đà Quốc công”! Rồi cụ giới thiệu các chi của dòng họ, những người con ưu tú của dòng họ …Trong tâm thức mỗi người dân Việt vẫn tiềm ẩn dòng chảy thiêng liêng của truyền thống tổ tiên, thật quý giá. Rất tiếc nhiều khi người ta quên đi chuyển tiếp cái mạch ngầm linh thiêng ấy cho các thế hệ nối tiếp, mà chỉ chú trọng vào hình thức phô trương…
- Cụ giới thiệu bức hình chụp tượng ĐÀ QUỐC CÔNG MẠC NGỌC LIỄN (tượng hiện được thờ tại chùa Thiên Niên tự bên bờ Hồ Tây) và phiên bản tượng Công chúa MẠC THỊ NGỌC LÂM (hiện bản chính được thờ tại chùa Phổ Minh, Nam Định). Tượng Công chúa, phu nhân Đà Quốc công được tạc lúc sinh thời, bà còn trẻ, vì bà đã cung tiến để xây dựng lại chùa, hiến ruộng cho chùa và cũng chủ trì chùa cho đến lúc viên tịch tại đây… Hai bức tượng thờ rất cổ kính, đặt phía trong Ban thờ, có rèm che, chỉ dám chiêm ngưỡng, không dám chụp hình hai Cụ…
- Cụ cũng cho xem một SỔ ĐỎ TỪ ĐƯỜNG HỌ NGUYỄN TUẤN và giải thích: Tôi là tộc trưởng, thay mặt cả họ quản lý từ đường, thờ phụng Tổ tiên, nhưng quyền sở hữu mảnh đất Từ đường là Tổ tiên để lại cho muôn đời con cháu, không riêng ai được chiếm hữu. Đây là tránh tình trạng đã xảy ra, khi các cụ qua đời, con cháu chia nhau đất đai, nhận từ đường là đất của riêng, sinh tranh chấp, bất hòa trong họ… Quả là một bài học quý báu nữa.
Sau đó họp họ, nghe báo báo, thảo luận về số việc họ. Bất ngờ Cụ giới thiệu tôi phát biểu. Quả thật, nói trước các cụ còn khó hơn báo cáo khoa học trước hội nghị quốc tế! Tôi bèn thưa, về lịch sử, công tích dòng họ thì các cụ trong họ nắm vững cả rồi. Chỉ xin chúc sức khỏe các cụ và con cháu họ ta ngày càng thành đạt. Xin báo cáo, sau khi lấy ý kiến các nhà sử học, ý kiến nhân dân, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã quyết định đặt tên đường Mạc Thái tổ, Mạc Thái tông. Chắc rằng tiếp tục sẽ có đường phố các đại thần nhà Mạc như Nguyễn Bình Khiêm, Giáp Hải, Mạc Ngọc Liễn… Riêng bản Di chúc của Cụ Mạc Ngọc Liễn rất nổi tiếng, khi viết rằng … “DÂN TA VÔ TỘI, MÀ ĐỂ CHO MẮC NẠN BINH ĐAO, SAO NỠ THẾ… LẠI CŨNG NHẤT THIẾT KHÔNG ĐƯỢC MỜI NGƯỜI MINH VÀO TRONG NƯỚC TA, ĐỂ ĐẾN NỖI DÂN TA PHẢI CHỊU LẦM THAN, ĐÓ LÀ TỘI LỚN KHÔNG GÌ BẰNG”!


Bình luận về Di chúc của Mạc Ngọc Liễn, Phan Bội Châu viết trong “Việt Nam quốc sử khảo” rằng, “Mạc Ngọc Liễn là một người yêu quý nước ta… Nay đọc những lời này nỗi đau khổ còn tràn giấy mực. LÒNG YÊU NƯỚC THƯƠNG DÂN ĐẾN CHẾT CŨNG KHÔNG QUÊN. Chớ bảo rằng nước ta không có dòng họ Đức Xuyên”… “Liễn không những là một người yêu nước thương dân mà còn biết số trời nữa. So với Đức Xuyên thực còn hơn”…
Với nước, với dân thì như vậy, với gia tộc, Mạc Ngọc Liễn cũng vô cùng chu toàn. Cụ Trưởng tộc bảo ngày 8 tháng 3 âm lịch về đây mới thật đông đủ con cháu các chi họ. Đó là ngày Mạc Ngọc Liễn họp các con cháu trong giờ phút nguy biến, khi nhà Mạc thất thủ THăng Long, phải ly tán bốn phương tránh bị truy diệt. Mạc Ngọc Liễn dặn con cháu, dù ly tán đi đâu, thay tên, đổi họ, nhưng yên bình rồi, hàng năm lấy ngày 8/3 là ngày họp mặt xem ai còn ai mất, ai gặp tai ương, sẽ cùng nhau giúp đỡ cho qua hoạn nạn. Ngày đó mới thực sự đông đủ hơn ngày giỗ Cụ…
Khi ngồi vào mâm mới giật mình, 6 cụ làm sao “tải” được mâm lòng lợn, tiết canh, xào, nấu, giò, chả tú hụ thế này, lại còn mấy khoanh giò, một rá thịt luộc, mấy đĩa xôi để bên cạnh? Cụ trưởng tộc giải thích, nhân dịp giỗ Cụ, làm con lợn, ăn một phần, còn đây là lộc đem về cho các cháu ở nhà. À ra thế! Cỗ giỗ quê rõ là hay, không chỉ đại diện các gia đình đi ăn cỗ giỗ mà tất cả con cháu ở nhà cũng được ăn giỗ Cụ. Nét văn hóa truyền thống này rõ quý hóa, sao có thể chê là “hủ tục xôi thịt” được!
Hơn 1h chiều mới xin phép các cụ ra về. Tôi với cậu Tuấn, mỗi thằng xách một túi xôi, thịt, lại thêm trái cây, mỗi thứ một ít. Lòng khấp khởi như trẻ con, mong đến ngày 8/3 âm lịch lại về quê cúng Cụ!

15/8/2015

MVT

https://www.facebook.com/homacvietnam/posts/1060396227338785






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.