Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/09/2015

Nữ thần Võ Thị Sáu ở Côn Đảo, và tấm bia mộ của vợ chồng ông tỉnh trưởng

Bài của tác giả Lê Dụng.

Không thấy rõ tấm hình của bia mộ. Nhưng thấy một tấm ảnh của chính tác giả bài viết.

Hiện không rõ nguồn tư liệu. 

Toàn văn lấy về từ Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.

---




Chị Võ Thị Sáu (còn có tên khác là Nguyễn Thị Sáu) ra đời năm 1933 tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, cha là ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa, mẹ là bà Nguyễn Thị Đậu bán bì bún ở chợ Đất Đỏ. Thuở nhỏ sống trong gia đình Võ Thị Sáu sớm là đứa con gái siêng năng tháo vát lanh lợi. Có người anh là kháng chiến quân nên Sáu cũng sớm tham gia cách mạng, ban đầu làm những việc nhỏ như liên lạc, nắm tình hình địch về báo cho các anh các chú, ít lâu sau Sáu chính thức gia nhập lực lượng Công an xung phong quận Đất Đỏ. Trải qua vài trận đánh địch táo bạo và hiệu quả ngay tại nơi làm việc của chúng Sáu đã chứng tỏ là một nữ đội viên trẻ gan dạ mưu trí dũng cảm, được cấp trên thương mến, tin cậy. Một trận đánh của chị Sáu cùng đồng đội ngay tại trung tâm huyện Đất Đỏ, không gây chết chóc và làm bị thương cho ai, nhưng ý nghĩa rất lớn, dư âm trận đánh lan rộng tới Sài Gòn khiến thực dân Pháp rất tức giận. Đó là trận phá cuộc mít-tinh kỉ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14.7.1948 do đích thân tỉnh trưởng Bà Rịa Lê Thành Tường tổ chức. Để bảo vệ cuộc lễ này địch đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi phương án bảo vệ từ 3 ngày trước, trạm chốt, kẽm gai và lính gác kín mít mọi ngả đường quanh khu vực mít-tinh. Thế mà, khi chiếc xe hơi chở Lê Thành Tường vừa đến, y chưa kịp mở miệng nói tiếng nào trước đám đông dân chúng đã được huy động tới tham dự thì… chị Sáu (ém mình sẵn từ nửa đêm hôm trước) từ một góc gần đã tung trái lựu đạn lên khu vực khán đài (trống, không có người để tránh sát thương dân chúng). Cuộc mít-tinh chưa khai mạc đã bế mạc!
Đoàn “về nguồn” báo Văn Nghệ dâng hương trước mộ Võ Thị Sáu. Ảnh: TẤN PHÚ
Đoàn “về nguồn” báo Văn Nghệ dâng hương trước mộ Võ Thị Sáu.
Ảnh: TẤN PHÚ
Tháng 2.1950, Võ Thị Sáu được giao nhiệm vụ diệt 2 tên ác bá là Cả Đay và Cả Suốt; không may trái lựu đạn không nổ, chị sa vào tay giặc.
Ban đầu chị Võ Thị Sáu bị giam tại khám đường Bà Rịa, địch không khai thác được gì, chúng chuyển chị lên khám lớn Sài Gòn để các “nhà điều tra cấp cao” có nhiều kinh nghiệm khai thác chị. Đấu trí – mua chuộc dụ dỗ… không xong, chuyển qua đấu lực – tra tấn tàn bạo, người con gái Đất Đỏ vẫn là người chiến thắng.
Bất lực trước cô gái kiên cường tuổi còn vị thành niên nhà cầm quyền Pháp điên tức, bất chấp mọi thị phi pháp lý đưa chị ra tòa tuyên án tử hình, đó là một ngày tháng 4.1951 (Tính thời điểm chị Võ Thị Sáu bị bắt, tháng 2.1950 chị chưa đủ 18 tuổi).
Bởi bản án bất minh nên không dám thi hành án tại bất cứ nơi nào trong đất liền, giặc Pháp lén lút đưa chị Sáu (chỉ mỗi mình chị) lên một chuyến tàu hàng chở lương thực thực phẩm ra Côn Đảo cho các viên chức và bọn lính coi tù chuẩn bị ăn Tết Nguyên đán. Ngày 21.1 tàu tới Côn Đảo, chị Sáu bị đưa vào giam trong xà lim trại giam Sở Cò. Chị trở thành người nữ tù đầu tiên ở Côn Đảo! Trong xà lim Võ Thị Sáu thản nhiên hát không ngừng những bài hát cách mạng, giọng chị trong veo không một chút run rẩy lo sợ. Có lẽ tiếng hát thiên thần ấy phần nào đã giúp những người tù chính trị ở cùng trại giam nhận ra người nữ tù đầu tiên này chính là Võ Thị Sáu. Lập tức đêm hôm sau (22.1), chi bộ bí mật nhà tù Côn Đảo tổ chức kết nạp Đảng cho đồng chí Võ Thị Sáu.
Tuổi Đảng chỉ 1 ngày, thực ra chỉ mấy tiếng đồng hồ. 4 giờ sáng ngày 23.1.1952, giặc mở cửa xà lim đưa Võ Thị Sáu ra pháp trường. Bước đi trên lối hẹp tối tăm giữa 2 hàng xà lim, chị Sáu vẫn cất cao tiếng hát trong veo những bài hát cách mạng. Những người tù đồng chí đồng đội của chị trong các xà lim ứa nước mắt hát theo…
Đứng ở pháp trường – nghĩa trang Hàng Dương, chị Sáu nói với viên đội trưởng thi hành án: Đừng bịt mắt tôi. Để tôi được nhìn đất nước tôi đến giây phút cuối cùng! Yêu cầu của chị không được chấp nhận. Bị bịt mắt, chị liền cất cao tiếng hát. Loạt đạn của các sát thủ vang lên (sau đó người ta biết có nhiều phát đạn bắn lên trời), chị Sáu vẫn không ngừng tiếng hát. Viên đội trưởng tiến đến kê mũi súng vào thái dương chị để bắn phát súng ân huệ. Chị Sáu ngừng hát, hô to: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!
Ở nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo ước tính có hơn 20.000 người nằm xuống, nhưng sau ngày 30.4.1975 kiểm đếm lại chỉ có 1.283 nấm mộ có bia. Trong số đó mộ chị Võ Thị Sáu là ngôi mộ được giữ gìn đàng hoàng nghiêm cẩn nhất. Người ta biết rằng chỉ ít lâu sau ngày thân xác chị Sáu bị giặc vùi xuống lớp cát sạn Hàng Dương, những người tù lòng đầy kính phục và thương mến chị khi có dịp đi lao động bên ngoài không ai bảo ai đã giấu giếm từng chút vật liệu xi măng, gỗ ván… để vun đắp và làm bia cho ngôi mộ “cô Sáu” (người Côn Đảo gọi thế, cô Sáu, bởi chị Võ Thị Sáu là người tù nữ đầu tiên và cũng là người tù trẻ nhất Côn Đảo). Không đếm được bao nhiêu lần giặc cho lính đến phá phách mộ bia chị Sáu. Nhưng cũng không biết bao nhiêu lần ngay sau đó mộ và bia chị lại được dựng lên. Có những lúc tình hình giặc quá gắt gao, tấm bia trước mộ chị Sáu chỉ là một tấm ván nhỏ ghi nguệch ngoạc họ tên chị, mục đích để đánh dấu, khi có dịp thì sẽ làm đàng hoàng hơn.
Thế rồi có một tấm bia kỳ lạ! Kỳ lạ nhất được dựng lên trước ngôi mộ Võ Thị Sáu!
Côn Đảo dưới thời các chính quyền Sài Gòn cũ, là một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tỉnh Côn Sơn. Năm 1960, viên đại úy quân đội Sài Gòn tên Tăng Tư (tự Sao) được điều ra Côn Đảo làm phó tỉnh trưởng. Thời gian này khắp Côn Đảo đã bao trùm những câu chuyện thực hư về sự linh ứng của oan hồn “cô Sáu’! Tăng Tư không thể không tìm hiểu về người nữ tù có số G267 để rồi dần khâm phục cô gái trẻ Võ Thị Sáu đã bị hành hình này, dù cô ở khác chiến tuyến. Tăng Tư cũng dần trở nên là một người sùng kính “cô Sáu” như hầu hết những người trên đảo. Ông phó tỉnh trưởng tâm nguyện phải làm một cái gì đó để tỏ lòng thành với người con gái quê hương Đất Đỏ Võ Thị Sáu. Năm 1964 sau khi được thăng trung tá, tỉnh trưởng Côn Sơn, đường đường chúa đảo quyền uy ông Tăng Tư bàn với vợ phải làm ngay cho “cô Sáu” một tấm bia mộ đàng hoàng! Thế là bà Tăng Tư vào Sài Gòn, đến tiệm chuyên làm bia mộ Thanh Vân nổi tiếng trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, đặt làm tấm bia bằng đá hoa cương, yêu cầu đích thân ông chủ tiệm Thanh Vân tự tay khắc chữ lên bia: “Liệt nữ Võ Thị Sáu – sinh năm 1933 tại Bà Rịa – từ trần ngày 23.12.1952″ (Bia ghi sai ngày hi sinh của chị Sáu, không rõ vì sao?!). Bà Tăng Tư gói ghém tấm bia nặng cẩn thận mang ra đảo. Vào một đêm tiết thanh minh, ông bà tỉnh trưởng cùng 3 người lính tâm phúc đem tấm bia và nhang đèn đồ lễ ra thành kính làm lễ dựng bia trước mộ chị Võ Thị Sáu. Việc làm của ông bà Tăng Tư tất nhiên họ phải giữ kín để tránh bị Sài Gòn quở trách kỷ luật (rồi thậm chí có thể ra lịnh đập bỏ bia mộ), nhưng người trên đảo đều ngầm hiểu ai là người đã dựng tấm bia ấy, bởi điều kiện ở đảo bấy giờ không thể tạo tác một tấm bia đàng hoàng như vậy!
Có lẽ hương hồn chị Võ Thị Sáu đã chấp nhận tấm bia vợ chồng ông bà tỉnh trưởng Tăng Tư làm cho mình?! Bởi vì tấm bia đó đã thoát qua khỏi cuộc càn quét đập phá bia mộ cộng sản diễn ra năm 1973 khi Nguyễn Văn Vệ quay lại làm tỉnh trưởng Côn Đảo lần 2. Trong cuộc đập phá quái đản này bọn lính chùng tay không đứa nào dám mạo phạm mộ Võ Thị Sáu! Chúng trả tiền cho một gã đệ tử Lưu Linh tên Sước làm việc nầy. Sước sau khinốc đầy bụng rượu lấy can đảm, cầm búa giáng mạnh nhát đầu tiên xuống tấm bia chị Sáu. Búa bị bạt qua một bên, rớt xuống, còn Sước hai tay ôm đầu, kêu rú bỏ chạy… Ngày hôm sau người ta nhìn thấy xác chết của Sước cứng đơ nằm trên bãi biển! Tấm bia với một vết nứt nhỏ như sợi chỉ dài từ trên xuống vì nhát búa của thằng say rượu càn rỡ bây giờ còn đó, đặt trước mộ chị Sáu, bên trái, nhỏ và thấp hơn nhiều tấm bia chính thức chính quyền và nhân dân Côn Đảo làm cho chị Sáu sau ngày giải phóng.
Hơn sáu mươi năm trước vì lý do gì đó mà họ biết, nhà cầm quyền Pháp quyết hành hình chị Sáu, giết chết chị cho bằng được. Họ đã vô tình phong thần cho người nữ anh hùng, đứa con thân yêu của Đất Đỏ Bà Rịa.
Ngày nay trong cõi tâm linh của rất nhiều người Việt, Võ Thị Sáu thực là một vị Nữ thần! Nữ thần ban phước!
Một ngày đầu tháng 8 năm nay (2015) tôi có dịp ra chơi Côn Đảo, đến thắp nén nhang trước mộ chị Võ Thị Sáu. Di tích nghĩa trang Hàng Dương một ngày bình thường tràn ngập nắng. Tôi hơi bất ngờ, chỉ một ngày bình thường mà ngoài chúng tôi, nghĩa trang đang đón đến hàng trăm người vào thăm viếng. Từng tốp, từng đoàn năm ba người, hai ba chục người nét mặt thành tâm, bó nhang cháy trên tay rải rác bước nhẹ trên các lối khắp nghĩa trang. Thế rồi không hẹn, mọi người lần lượt tụ về trước mộ chị Võ Thị Sáu. Ai đã bước vào nghĩa trang Hàng Dương rộng lớn này trước sau cũng đều đến đây, thắp nhang kính cẩn tưởng niệm người con gái nằm dưới mộ.
Tác giả Lê Dụng. Ảnh: TẤN PHÚ
Tác giả Lê Dụng.
Ảnh: TẤN PHÚ
Trưa lên cao, nắng gắt, nhiều người lần lượt ra về. Chúng tôi cũng ra về… Nhưng chưa xong. Đây mới là cuộc viếng ban ngày, tưởng niệm người nữ anh hùng lực lượng võ trang Võ Thị Sáu đã hi sinh vì nước! Còn một cuộc viếng nữa vào lúc nửa đêm. Cuộc viếng tâm linh của người hành hương đến với “cô Sáu’, vị nữ thần ban phước Võ Thị Sáu!
Đêm xuống. Khi đồng hồ bước qua con số 11 giờ, dòng người xe bắt đầu lục tục đổ về nghĩa trang Hàng Dương… Nhưng tất cả đều dừng lại bên ngoài cổng. Im lặng và trật tự. Chờ! Chờ tới giờ linh thiêng nhất theo tâm linh mách bảo. Khi đồng hồ chỉ đúng con số 12, bấy giờ tất cả ùa qua cổng… Đêm nay cũng là một đêm bình thường (người ta nói ngày rằm, và nhứt là ngày giỗ chị Sáu thì người viếng đông lắm), tôi ước lượng khoảng trên dưới 200 người có mặt. Nhiều đoàn là bà con các tỉnh phía bắc, có người ở tận các tỉnh xa heo hút biên giới Hà Giang, Lai Châu… Cuộc viếng đêm này mọi người đều đi thẳng ngay đến mộ “cô Sáu”. Nhang đèn hoa quả lễ vật, đặc sản địa phương đem đến bày ra quanh mộ, có cả con heo quay. Rồi tiếng rì rầm khấn vái cất lên…
Dưới ánh sáng dịu nhẹ của những ngọn đèn năng lượng mặt trời xa xa gần gần. Ánh lửa nhảy nhót lung linh của những ngọn đèn cầy quanh mộ. Lửa nhang đỏ rực từng bó. Lửa đốt vàng mã giấy tiền vàng bạc cháy bập bùng trong lò… Tất cả hình ảnh ấy hòa trộn sao sinh động mà thực như một cuộc giao hòa âm dương lúc nửa đêm, cuộc giao hòa của tâm linh và cuộc sống đời thường… Có phải chị Võ Thị Sáu, người nữ anh hùng của dân tộc đã hiển thần trong lòng nhân dân? □
Ghi chép
LÊ DỤNG

http://tuanbaovannghetphcm.vn/chi-vo-thi-sau-va-tam-bia-cua-vien-tinh-truong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.