Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

23/11/2014

"Tàu/Tầu" trong "người Tàu/Tầu" có nghĩa là gì

Người Nam ta, từ lâu lắm rồi, hay gọi người Trung Quốc là "người Tàu" (hay "người Tầu"). Rồi thì: nước Tàu, sách Tàu, gái Tàu, nhà Tàu, chè Tàu,...

Mà cũng từ lâu lắm, người Nam đều đinh ninh rằng "Tàu/Tầu" là chỉ con tàu, chiếc tàu ở dưới nước, vì truyền ngôn là họ đến ta bằng tàu.

Bây giờ, tháng 11 năm 2014, cụ An Chi lật lại vấn đề. Thật ra cụ mới thử chơi chữ một chút thôi, để quả quyết "Tàu" là chỉ "quan, người làm quan, người cai trị".

Nhiều bạn đọc tỏ ra không chịu với cách lí giải ấy. Cụ thể xem ở dưới.

---

1. cụ An Chi trình bày "thuyết mới" của mình:

Cớ sao gọi người Trung Quốc là “Tàu”!


Thứ Bảy, 22:33  22/11/2014

Một số người nghĩ đơn giản rằng sở dĩ ta gọi người Trung Quốc là “Tàu” bởi vì họ sang ta bằng “tàu”! Từ nguyên học đâu có dễ dàng và ngộ nghĩnh như thế.

Tàu là một yếu tố Hán cổ và trong tiếng Hán cũng như tiếng Việt còn có nghĩa là “xe”. Tàu (trong tàu bè) là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 艚 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “thuyền”. Chữ tào 艚 này cũng thông với chữ tào 漕, mà theo biện luận của Lưu Quân Kiệt trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999) thì đều còn có nghĩa là “xe”. Cái nghĩa “xe” của từ tàu vẫn hiện hành trong tiếng Việt. Cứ so sánh tiếng Bắc, tiếng Nam thì thấy ngay. Cái mà trong Nam gọi là tàu thì ngoài Bắc gọi là thuyền. Rồi ngoài Bắc gọi là tàu hỏa thì trong Nam gọi là xe lửa. Thế là cái nghĩa “xe” đã thấp thoáng trong danh ngữ tàu hỏa (nếu không đi sâu vào từ nguyên thì dễ hiểu lầm đây là cách dùng theo ẩn dụ). Rồi ngược lên đầu thế kỷ XX, cả trong Nam ngoài Bắc đều gọi máy bay là tàu bay. Thế là cái nghĩa “xe”, mở rộng là “phương tiện chuyên chở”, đã nằm ngay trong danh ngữ tàu bay. Cho nên, trong thành ngữ tàu bay tàu bò thì cả hai thứ “tàu” này chẳng qua đều cùng là “xe”. Vậy thì có lẽ ta sẽ biện luận rằng vì ngày xưa Tàu sang ta bằng xe nên tổ tiên ta đã gọi họ là “Tàu” chăng? Nên nhớ rằng họ đã sang ta từ xưa và sang thành nhiều đợt, lẻ tẻ có, thành đoàn có và đây là cả một câu chuyện dài.
Chúng tôi khẳng định rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng chữ 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là “cơ quan triều đình”, hiểu rộng ra là “quan”. Trong thời Bắc thuộc, nói chung giới cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là “tàu”, nghĩa là “quan”. Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9-1945 tại Sài Gòn, dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì theo họ hễ là người Pháp thì đều là “thực dân”. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan - đây là tuyệt đại đa số - cũng được “vinh dự” gọi là “Tàu”. Thế là cái danh xưng “Tàu” có một lịch sử đặc biệt và nét đặc biệt này gắn liền với sự cai trị của phong kiến phương Bắc đối với dân ta, nước ta.
Học giả AN CHI


2. Bác PN-Hiệp cho biết thêm:

Chủ Nhật, ngày 23 tháng 11 năm 2014
Tôi cũng có đọc được quyển "Những bước đầu của Báo chí - Truyện ngắn - Tiểu thuyết và Thơ mới (1865-1932)" của Bùi Đức Tịnh, đúng như tựa, sách nói về giai đoạn đầu của Báo chí- Truyện ngắn - Tiểu thuyết và Thơ mới ở Việt Nam giai đoạn 1865-1932). Tác giả có trích Gia Định Báo*, số 5 năm thứ sáu, 16-2-1870, viết về những từ mà người Việt Nam (ở miền Nam) để gọi người Trung Hoa, tôi chép lại dưới đây:

"Người bên Tàu thường gọi là Trung Quốc nghĩa là nước ở giữa vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu: chỗ Kinh Thành Hoàng đế ở lại ở vô giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung Quốc.

Người bên Tàu thường kêu mình là Đường Nhơn hay là Thanh Nhơn, nghĩa là người nhà Đường, nhà Thanh.

An Nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì người khách thường đi Tàu qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu, v.v...

Người Bắc thì kêu là Ngô, nghĩa là người nước Ngô, có kẻ lại cắt nghĩa rằng vì bởi nó hay xưng mình là Ngô nghĩa là tôi.

Kêu Các chú là bởi người Minh Hương mà ra; mẹ An Nam cha Khách, nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với mình, nên mới kêu là Các chú nghĩa là anh em cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu vậy theo làm vậy.

Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An Nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu cô chú bác thì kêu là chú là cậu vân vân. Người An Nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc...".

Tôi cũng thử tra trên vài quyển từ điển tiếng Việt xưa:

- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (Saigon-1895,1896) giải thích: Tàu: Thuyền lớn, thuyền đi biển, nước Trung Quốc; người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi nước Tàu, người Tàu.

- Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, (Hà Nội-1931) giải thích: Tàu: tên tục người Việt-nam gọi nước Trung-hoa, do người Trung-hoa sang nước Việt-nam thường đi bằng tàu: Người Tàu, Hàng Tàu.

Ngoài những tiếng để chỉ người Trung Hoa như bài báo trên Gia Định báo đã viết bên trên, ngày xưa khi còn nhỏ gia đình tôi ở trong khu vực Chợ Lớn tại Saigon, trong xóm có nhiều gia đình người Hoa, ngay bên kế nhà tôi cũng có một gia đình người Triều Châu (họ sống với chòm xóm rất tốt, chỉ có cái tội là ăn ở không mấy vệ sinh). Thỉnh thoảng tôi cũng thường nghe người Việt gọi họ là Ba Tàu, hoặc Tàu Khậu, cách gọi này nghe có vẻ xách mé chẳng hạn "mấy chú Ba Tàu Chợ Lớn hay khạc nhổ", hoặc "mấy ông Tàu Khậu hay gom hàng làm giá". Chữ "Khậu" theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị là tiếng Triều Châu (còn gọi là tiếng Tiều), có nghĩa là "kho hàng", có lẽ người Hoa giỏi buôn bán, trong vùng Chợ Lớn họ có rất nhiều kho chứa hàng nên gọi họ như vậy, sau này tôi cũng nghe một từ khác gọi họ là "Tàu khựa", chữ "khựa" không biết có phải do chữ "khậu" mà ra? Cũng có cả một câu nói gần như là thành ngữ để chỉ sự ngốc nghếch, khờ khạo: "Chú Tàu nghe kèn" hay "mặt nó cứ nghệt ra như ngố Tàu nghe kèn ấy ". 


Ghi chú:

* Gia Định Báo: là tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của cả nước (xuất bản ở Nam Kỳ), được cho là khởi điểm của nền quốc văn mới, xuất bản số 1 ngày 15 tháng 4 năm 1865, do Ernest Potteaux làm Chánh tổng tài (một chức vụ thời ấy tương tự như Chủ nhiệm kiêm Chủ bút sau này). Ý định của nhà cầm quyền thuộc địa khi xuất bản Gia Định Báo:
- Phổ biến các văn kiện chính thức của chính quyền lúc ấy đến dân chúng Việt Nam.
- Truyền bá thứ chữ viết dùng mẫu tự La Tinh để ghi âm tiếng Việt.
Học giả Trương Vĩnh Ký có thời gian từ 1869 đến 1872 được Thống soái Nam Kỳ G. Ohier cử làm Chánh tổng tài.

(Theo Những bước đầu của Báo chí - Truyện ngắn - Tiểu thuyết và Thơ mới (1865-1932), Bùi Đức Tịnh, NXB TP. HCM-2002).


3. Bà con người Nam chưa chịu thuyết mới của cụ An Chi:

Gửi bình luận của bạn (16)

  • Thông, 07 giờ trước
    Tôi không đồng tình với bài viết này. Theo tôi, người Hoa từ xưa tới nay rất thích ăn đậu nành, họ chế biến đậu nành thành nhiều thứ. Lúc đó người Việt không biết gọi họ tên gì, vì họ là 1 nước tổng hợp của nhiều nước nhỏ và có nhiều chủng tộc khác nhau. Do đó người Việt gọi họ là dân ăn đậu, nhưng chữ đậu người Hoa phát âm là "tậu hoặc tầu". Cho nên xứ Bắc VN gọi là đậu hủ, còn trong Nam gọi là tàu hủ. Thực ra người Việt gọi là dân tàu còn có ý không ưa, căm ghét, vì họ xâm lược VN (giặc tàu ô). Chính người Hoa Chợ Lớn, khi bị gọi là dân tàu, họ cũng tỏ vẻ không vui. Tương tự như vậy, ngày xưa người Hoa xuất khẩu gốm sứ sang châu Âu rất nhiều, nhưng cũng không ai biết gọi họ là người gì, nên đặt tên là người gốm sứ, chữ tiếng Anh là China. Xin thưa rằng, dân tàu không có nghĩa là người làm quan đâu.
    Thích  
    51
  • Đồng Ông Cộ, 07 giờ trước
    - Người miền Nam không bao giờ nói "tàu bay","tàu hỏa". - "Tàu" và "thuyền" là hai thứ khác nhau. - So sánh chuyện "Tây, Tàu" là vô lý một cách ấu trĩ. - Bất kể nguồn gốc của nó, người ta gọi "Tàu" luôn với ý nghĩa khinh miệt. Đồng Ông Cộ.
    Thích  
    25
  • Thích Hỏi, 07 giờ trước
    Vậy giải thích sao về cách gọi người Hoa là 3 Tàu của người Nam bộ?
    Thích  
    23
  • chihai83@yahoo.com, 03 giờ trước
    Biện luận như vậy quá sơ sài và thiếu căn cứ, mang nặng tính suy tưởng. Phải biết dc chữ Tàu ấy xuất hiện bao giờ ở đâu thì mới có thể kết luận dc. Học giả chưa thuyết phục
    Thích  
    5
  • Trần Văn Thông, 03 giờ trước
    Không đúng như cách giải thích của "học giả An Chi" đâu. Thực ra, dân mình gọi "Ba Tàu" hay "Tàu khựa" là một cách gọi miệt thị dân TQ. Không rõ - "học giả An Chi" có biết những điều này không nhỉ?!
    Thích  
    6
  • Bạn Đọc, 03 giờ trước
    Danh xưng chính thức của họ ở Liên Hợp Quốc, trên hệ truyền thông quốc gia và trên tiền tệ là Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thế cớ sao chúng ta gọi là Trung Quốc mà không gọi là Trung Hoa?
    Thích  
    3
  • Tuấn Vũ, 03 giờ trước
    Vậy chữ "tào lao" có nguồn gốc như thế nào?
    Thích  
    3
  • Lý Sự, 02 giờ trước
    Bây giờ ít người gọi Ba Tàu rồi, Nay người ta gọi Ba Bành.
    Thích  
    2
  • Phạm Cường, 02 giờ trước
    Tàu đây chắc là họ vào VN bằng tàu, vì có câu Chệt chìm tàu đó.
    Thích  
    0
  • HaiLua, 01 giờ trước
    Ý kiến Mr. Thông có vẻ rất thuyết phục.
    Thích  
    0
  • Bửu Cảnh, 01 giờ trước
    Lần đầu tiên Tôi nhận thấy học giả AnChi bình giảng bài (cớ sao lại gọi Người TrungHoa là Tàu)một cách cảm tính như bài này.Không thuyết phục ở từ nào cả.
    Thích  
    2
  • ý nghĩa 3 tàu, 01 giờ trước
    Thời phản Thanh phục Minh, người trung hoa chạy nạn sang phía nước Việt và được Chúa Nguyễn cho phép định cư về phía nam cũng là để khai hoang thêm vùng đất này. Người Hoa tị nạn cảm tạ mà dắt gia quyến tùy tùng, xui tàu, phương tiện di chuyển đường dài chủ yếu về phương nam. Người dân phương nam nhìn thấy từng đoàn tàu ghe của người Hoa nên gọi tên là dân tàu. Còn số 3 là do vì sợ cướp đường nên người Hoa tụ 3 chiếc tàu vào 1 để trợ thủ lẫn nhau khi đêm xuống nên có tục gọi là dân 3 tàu.
    Thích  
    3
  • Công Thành, 01 giờ trước
    Có lẽ học giả An Chi có sự nhầm lẫn khi viết "tàu" và "tầu" chăng? Tôi hiểu phải là "tầu". Người ta nói đến "Tầu", "Tầu ô" với ý khinh miệt chứ không diễn giải như học giả An Chi. Có lẽ học giả cần tìm hiểu thêm vì sao lại vậy!
    Thích  
    1
  • nhatran, 01 giờ trước
    Việc gọi người TQ là Ba Tàu dựa vào câu chuyện di cư của người TQ .Khi xưa ngoài những cuộc di cư riêng lẻ bằng đường bộ thì người Trung Quốc vượt biển di cư sang VN bằnt ba con tàu lớn tấp vào ba nơi và chọn VN làm quê hương thứ hai. Bạn nào học du lịch có học về điều này. Các bạn nêu tìm hiểu rất thú vị.
    Thích  
    2
  • Nguyễn Duy, 01 giờ trước
    Xem trên Wikipedia Tiếng Việt thì cách gọi " người Tàu ", " Ba Tàu " là từ " chệt " hàm ý miệt thị .
    Thích  
    0
  • Hữu Đức, 01 giờ trước
    Nghĩa gì thì chưa xác định chính xác nhưng tôi là người miền Nam từ trước 30-4-1975 sinh sống trong khu vực Chợ Lớn , chưa bao giờ nghe nghĩa Ba Tàu là "quan " , vì người Hoa không thích thú gì cái tên gọi là người Tàu , theo họ là ý nghĩa tên gọi miệt thị . Thật ra từ ngày xưa , cái tên gọi " Cắc chú Ba Tàu " được người lớn hơn tôi đã giải thích là những là Hoa hay được gọi là khách trú lâu ngày đọc trại theo nghĩa đùa giỡn là Cắc chú , còn từ Tàu tôi cũng đã từng nghe người lớn nói chuyện với nhau là " ở bên Tàu " vậy thì chữ Tàu cũng ám chỉ nước Trung quốc thời trước theo từ dân gian , có ai biết gì thêm thì xin bổ túc nhé ..

8 nhận xét:

  1. Tàu của lão An Chi nghe không ổn, cái gì lão cũng truy nguyên từ gốc Hán để lý giải.
    Ổng là chúa sính chữ, hay dùng cái áo đài các khoác lên dân giã, một số học giả cũng thế khi nói về địa danh Miền Tây. Nghe ông bảo "Cao Miên" là phiên âm từ tộc danh “Khmer”, "Nam Vang" là từ chữ "Phnom Penh" dịch âm ra, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia mình không khỏi phì cười. Ví dụ như "Nam Dang" là tiếng người Việt gọi, thì có thể từ "Năm Giảng" nói trại ra, nghe đơn giản và hợp lý hơn không.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bà con người Nam vẫn đang tiếp tục phản luận đây bác Cạo:

      Trần Sơn, 13 giờ trước
      Bài viết của tác giả An Chi có mấy điểm chưa thuyết phục:
      1) Nếu âm Hán Việt hiện đại phát âm chữ Hán cổ là "tào" thì tại sao chúng ta không gọi là "tào" mà là "tàu".
      2)Nếu cách gọi đó xuất phát trong dân gian từ xưa (TQ đô hộ VN cả 1000 năm) thì tại sao trong các thư tịch cổ từ thế kỷ 17 trở về trước không hề có chữ "tàu" để chỉ người TQ (Bài viết của An Chi cũng không đưa ra được một dẫn chứng nào từ thư tịch cổ). Chúng ta chỉ biết "người tàu" chỉ người TQ qua các tác phẩm văn học tiền chiến. Do vậy tôi đồng ý với một số ý kiến là chữ " tàu " để chỉ người TQ xuất hiện khoảng thế kỷ 17, do những người di cư TQ đi bằng tàu qua VN lánh nạn, thêm chữ ba thành "ba tàu" chỉ sự miệt thị (tương tự như ba láp, ba xạo).
      Thích 0
      Bùi Xuân Lâm, 12 giờ trước
      1. Người miền Bắc không bao giờ gọi đậu nành là "đậu hũ" hoặc "tàu hũ", đó là cách gọi của người miền Nam!
      2. Các cách giải thích trên kia đều chủ quan, cảm tính, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn, nên khiên cưỡng, không thuyết phục được nguời đọc, người nghe.
      3. Những từ ngữ TÀU, BA TÀU, TÀU KHỰA... đều hàm chứa thái độ khinh bỉ của người phát ngôn đối với người Trung Quốc.
      4. Vì ta chưa có một cuốn "Từ điển từ nguyên " nên việc giải thích cái từ TÀU xin để dành cho các nhà sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học nghiên cứu và giải đáp! Xin cảm ơn! LNg.BXL., Npnkhe.net.
      Thích 0
      Kiến Hòa, 11 giờ trước
      Theo tôi thì từ ba Tàu không có liên quan đến 3 cái tàu mà vì người miền nam tự cho mình cao trọng hơn người Hoa, mình là anh hai.Thích 0
      Hoàng Sơn Hải, 10 giờ trước
      Tôi tán thành với ý kiến của bạn Thông hơn!
      Thích 0
      Hai Nổ, 10 giờ trước
      Trên mạng người ta gọi "khựa" hoặc "ba bành" là hiểu nói đến ai rồi khỏi cần suy nghĩ.
      Thích 0
      Vũ Hoàng Nguyên, 09 giờ trước
      Theo tôi luận điểm của tác giả không thuyết phục. Bởi lẽ theo ý kiến của tác giả thì từ "Tàu" với hàm ý chỉ người Trung Quốc xuất phát từ thời Bắc thuộc. Tuy nhiên, theo truyền thuyết và cũng theo sách sử thì thời kỳ này và các thời kỳ phong kiến người Việt Nam thường dùng từ "Ngô" để chỉ người Trung Quốc, giặc Trung Quốc. Sẽ rất vô lý khi người Việt sử dụng 1 ngôn từ chỉ sự tôn kính với người Hoa, trong khi đó ngay cả người Hoa cũng cảm thấy ý nghĩa không trọng thị trong từ đó.
      Thích 0
      Kiến Hòa, 08 giờ trước
      @Thông. Người miền Bắc gọi đậu là đỗ. Đậu hũ là 1 sản phẩm là từ đỗ tương (đậu nành). Chữ "đậu" của từ "đậu hũ" không phải là tên gọi "đỗ" của người miền Nam mà nó mang 1 ý nghĩa khác mà tôi không hiểu rõ nên không có khả năng giải thích hay tranh luận từ này. Người miền Bắc nhiều khi gọi người Tầu là người khách hay khách trú, có thể là vì họ không coi trọng những người không có gốc gác, dòng tộc rõ ràng.
      Thích 0
      lam lang, 08 giờ trước
      Tôi chỉ xin nói một ý nhỏ về từ "Tàu Ô": Dưới thời Tự Đức khu vực ven biển Việt Nam thường bị giặc Tàu ô quấy phá, vậy giặc Tàu ô là ai? Xin thưa đó là những bang hội người Hán tham gia nhóm phản Thanh phục Minh nhưng đã thất bại và bị đánh bật ra khỏi lục địa Trung Hoa đi phiêu bạt trong vùng biển Đông (những nhóm này đa phần đã quy phục nhà Nguyễn và được cho vào định cư tại miền Nam, một phần nhỏ không chịu quy phục nên nên làm hải tặc). Những nhóm hải tặc này thường sơn tàu thuyền của họ màu đen nên có tên gọi là Tàu Ô (Ô tức là đen). Nếu đọc lịch sử thủy quân nhà Nguyễn sẽ có phần viết về giặc Tàu Ô, đặc biệt trong phần tiểu sử tướng quân Bùi Viện.Thích 0

      Xóa
  2. Cách giải thích chữ "tàu" là do "tào" (chỉ quan lại người Hoa) như học giả An Chi viết bên trên, có mấy điểm chính:
    1- Quan lại người Tàu thì chỉ có thời Bắc thuộc, nghĩa là ở miền Bắc, nếu thế thì từ "tàu" (có nguồn gốc từ tào) đã có từ cả ngàn năm nay, nhưng trong sách sử không thấy chép từ "tào" (tàu) để chỉ người Hoa, như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, người Tàu được gọi là Ngô, lúa ngô là lúa của người Tàu. Hoặc gọi họ là Hán (Hán văn, người Hán), hoặc Đường Nhân, Thanh Nhân...
    2- Người miền Bắc không phát âm "tào" thành "tàu" hoặc "tàu" thành "tào", đấy là cách phát âm của người miền Nam, người miền Bắc phát âm không chuẩn lẫn lộn thành nẫn nộn, trời thành chời. Người Bắc phát âm là "tầu" (có dấu mũ) như chè tầu, tầu bè...
    3- Từ "tàu" để chỉ người Hoa lại được dùng phổ biến ở miền Nam, mà đất miền Nam do người Việt cai quản chỉ mới mấy trăm năm nay thôi, lúc ấy chẳng còn quan lại Tàu để người miền Nam phát âm "tào" (chỉ quan lại) thành "tàu".
    Nói chung đó là cách lý giải của một học giả, quyền của họ, hiểu như thế nào là chuyện của mình (của mỗi người), đối với tôi đọc để biết chơi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đồng ý với lí giải về nguồn gốc Nam Bộ của chữ "Tàu" hay "Tầu" theo quan sát của bác Hiệp. Vừa may, trước khi đọc còm này của bác, em đã đi entry sau (thật ra là đi lại entry cũ có chỉnh sửa mà thôi):
      http://giaovn.blogspot.jp/2014/11/chu-tau-xuat-hien-trong-tieng-viet-tu.html

      Xóa
  3. Nhân tiện, thì bác Giao thử tìm hiểu chữ "sứ" trong "đồ sứ" (bình, chén, bát, đĩa, đôn...) có tự bao giờ?

    Thời xưa các làng gốm ở VN (Hương Canh, Bát Tràng ...) hình như chỉ sản xuất đồ sành chứ không sản xuất đồ sứ thì phải.

    Về lai lịch chữ "sứ", cụ Vương Hồng Sển cho rằng, chữ "sứ" ở đây không phải chỉ đích danh loại vật liệu tạo ra "đồ sứ" theo cái nghĩa ta hiểu bây giờ, mà lại chỉ về nguồn gốc, cụ thể là chén, bát, đĩa do các ông đi "sứ" bên Tàu mang về, từ đó thành ra cái tên "đồ sứ".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề bác Lý đưa ra cũng thú vị đó. Phải để khi nào đi riêng về cổ vật và cụ Vương thì rõ hơn.

      Nhưng giả thuyết của cụ Vương cũng chỉ là một hướng thôi (cái quí là cụ ghi lại theo truyền thống từ gia đình người Hoa của mình).

      Chứ bản thân trong đồ gồm đã có thuật ngữ để chỉ đồ sành và đồ sứ rồi. Cái này, chung cả cho các nước Đông Á (Việt Nam, TQ, Nhật Bản, Triều Tiên). Đó là, để chỉ đồ sứ, thì dùng chữ "từ khí". Chữ "từ" là chỉ "sứ". Có lẽ biến âm từ đó.

      Mà thôi, đại khái thế đã. Phải xem lại kĩ mới dám chắc được.

      Xóa
  4. Tôi thấy cụ An Chi lí giải chủ quan, không thuyết phục.
    Bác Phạm Ngọc Hiệp phản biện, nêu có căn cứ tin cậy hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, đúng thế bác Vũ Nho ạ. Mà cụ An Chi làm ngay câu mở đầu thế này chứ:
      "Một số người nghĩ đơn giản rằng sở dĩ ta gọi người Trung Quốc là “Tàu” bởi vì họ sang ta bằng “tàu”! Từ nguyên học đâu có dễ dàng và ngộ nghĩnh như thế."


      Phải nói lại rằng, từ nguyên học đâu có dễ dàng bằng cách suy diễn và gảy mấy mục từ điển như vậy.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.